Nếp sinh hoạt Tuần Thánh tại Phát Diệm thời Cụ Sáu

Lan Mary
Thưa quý độc giả, để bước vào Tuần Thánh trong năm Thánh Hy Vọng, và nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật Cụ Sáu Trần Lục (1825-2025), chúng tôi xin trích đăng một vài đoạn trong chương VIII cuốn "Le Père Six, curé de Phat-Diem, vice-roi en Annam - Armand Olichon"- "Cụ Sáu-Cha xứ Phát Diệm, Khâm Sai tuyên phủ sứ, tác giả Đức ông Armand Olichon, 1940, Đình Chẩn dịch"). NGUỒN:


Thưa quý độc giả, để bước vào Tuần Thánh trong năm Thánh Hy Vọng, và nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật Cụ Sáu Trần Lục (1825-2025), chúng tôi xin trích đăng một vài đoạn trong chương VIII cuốn "Le Père Six, curé de Phat-Diem, vice-roi en Annam - Armand Olichon"- "Cụ Sáu-Cha xứ Phát Diệm, Khâm Sai tuyên phủ sứ, tác giả Đức ông Armand Olichon, 1940, Đình Chẩn dịch").

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ trích đăng nội dung liên quan đến truyền thống sinh hoạt Tuần Thánh tại Phát Diệm do cha Sáu khởi xướng. Hàng trăm năm qua, ít nhiều truyền thống này vẫn được duy trì tại Phát Diệm qua các sinh hoạt trong Mùa Chay như: Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, Vãn Dâng Hạt, Vãn Than Mồ...

Hy vọng, qua ghi chép sau đây của một người Pháp về nếp sống đạo tại Phát Diệm, những người con quê hương hôm nay cũng biết nhìn lại để trân trọng và phát huy truyền thống trong hoàn cảnh mới.

BTT


***

Cha Sáu là vị linh mục được an bài của dân tộc này, ngài rất hiểu và biết cách nói ngôn ngữ thích hợp theo hoàn cảnh.

Nền tảng trong hoạt động mục vụ của ngài chính là việc tôn thờ Thánh Thể. Đó là yếu tố tạo nên mối liên kết kỳ diệu giữa Thiên Chúa và linh hồn, khơi dậy cảm thức về sự hiện diện thân mật, lòng tri ân và sự tận hiến, làm cho đời sống đạo Công giáo trở nên nồng nhiệt cách khôn sánh.

Vào buổi đầu sứ vụ của ngài, rất ít nhà thờ ở Đàng Ngoài có Nhà Tạm. Khi ấy, người ta vừa bước ra khỏi cơn bách hại lớn, và hầu hết các nơi thờ phượng chỉ là những túp lều tranh đơn sơ, bốn bề trống trải. Ở đó có thể dâng lễ, nhưng không thể lưu giữ bất kỳ vật thánh nào có giá trị.

Mãi đến năm 1889, khi nhà nguyện Thánh Tâm được xây dựng, Phát Diệm mới được đặc ân lưu giữ Mình Thánh Chúa. Khi đó, chưa có giáo xứ nào khác trong địa hạt được vinh dự sở hữu kho báu thiêng liêng này!

Giáo dân đã chứng tỏ mình xứng đáng với ân huệ ấy. Vào thời điểm đó, sắc lệnh của Đức Piô X về việc rước lễ thường xuyên (ban hành năm 1905) vẫn chưa ra đời, thế nhưng ngay từ lúc ấy, Phát Diệm đã bắt đầu trở thành một giáo xứ Thánh Thể, danh tiếng lan rộng khắp Đông Dương.

Từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, các tín hữu thay phiên nhau chầu Mình Thánh. Thánh lễ hằng ngày luôn có đông người tham dự. Việc rước lễ ngày càng trở nên phổ biến.

Ngày nay, tại Phát Diệm, số lần rước lễ trung bình đạt 40 lần mỗi người mỗi năm—một con số vượt xa nhiều giáo xứ ở châu Âu. Công lao lớn nhất cho truyền thống quý báu này chắc chắn thuộc về vị mục tử khôn ngoan và đạo đức, đã khởi xướng và vun đắp truyền thống cốt lõi này cho giáo xứ.

Vì các tín hữu bình dân không mấy quen với việc cầu nguyện bằng tâm trí, nhưng lại rất ưa chuộng các hình thức cầu nguyện bằng lời kinh và theo cộng đoàn, cha Sáu đã sáng tác nhiều lời kinh chầu Thánh Thể dành cho giáo dân của ngài. Những kinh nguyện này về sau đã trở thành kinh điển tại An Nam. Trong đó, có một bài kinh bằng thể thơ bốn chữ được người Bắc Kỳ vô cùng yêu thích[1]; khi được cộng đoàn cất lên theo làn điệu bi ai đặc trưng của những khúc dân ca An Nam, bài kinh tạo nên một hiệu quả vô cùng sâu lắng và xúc động.

Vị mục tử tài giỏi này hiểu rõ rằng các dân tộc, cũng như trẻ nhỏ, không chỉ học hỏi qua lời giảng dạy mà còn qua hình ảnh và trí tưởng tượng. Vì thế, ngài đã khéo léo thích ứng những hình thức đạo đức mà bản thân yêu mến vào đời sống đức tin của giáo dân, như lòng sùng kính các linh hồn nơi luyện ngục, lòng tôn kính Đức Mẹ và việc suy niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

[...]

Nếu các cuộc rước hoa đã rực rỡ như thế, thì các nghi lễ Tuần Thánh lại càng trang nghiêm và thấm nhuần đạo đức hơn nữa. Cha Sáu đã chuẩn bị cho giáo dân bằng những bài giảng suốt Mùa Chay, và nghi thức đạt đến đỉnh cao với một lòng sốt mến đến mức, ba mươi năm sau, có lẽ không nơi nào trên thế giới cử hành Tuần Thánh một cách sốt sắng như ở Phát Diệm.

Hãy nghe lời chứng của một người tham dự về hoạt cảnh Cuộc Thương Khó:

"Tất cả các vai diễn đều do thành viên của một hội đoàn đặc biệt do Cha Sáu sáng lập mang tên Hội Thương Khó đảm nhiệm. Cả vai nam lẫn vai nữ đều do nam giới thủ diễn, và họ phải là những người có đời sống đạo không thể chê trách.

Tuy nhiên, có ba vai không ai dám nhận: trước hết là vai Chúa Giêsu và Đức Mẹ, vì không ai tự cho mình xứng đáng đóng hai nhân vật này. Thay vào đó, người ta dùng tượng và có một thành viên của hội đoàn đọc lời thoại. Ngoài ra, vai Giuđa cũng không ai chịu nhận, vì chẳng có tín hữu Công giáo nào lại tự nguyện đóng vai kẻ phản bội. Vì thế, họ đành phải nhờ một người ngoại đạo, thường là người nghèo, để đảm nhiệm vai này – kẻ sẽ để mình bị cám dỗ bởi ba mươi đồng bạc..."

Và đây là cách vở diễn được tái hiện:

"Tối thứ Năm Tuần Thánh, bốn pho tượng được đặt ở một trong ba hang đá mà Cha Sáu đã xây dựng. Một tượng diễn tả Chúa Giêsu quỳ cầu nguyện, ba tượng còn lại thể hiện ba tông đồ chìm sâu trong giấc ngủ. Suốt đêm đó và cả ngày hôm sau, các ca đoàn từ các xứ đạo trong khu vực luân phiên đến canh thức bên hang đá, đọc kinh và hát thánh ca do chính Cha Sáu sáng tác.

Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, khoảng 4 giờ, đông đảo giáo dân tề tựu trước hang đá để chứng kiến cảnh Chúa bị bắt. Bất ngờ, toán lính xuất hiện – họ mặc trang phục đỏ và xanh lá như những binh sĩ An Nam thời xưa, tay cầm súng gắn lưỡi lê (nhưng tất cả chỉ bằng gỗ). Họ ập vào hang đá, bắt lấy tượng Chúa Giêsu và đặt lên một cáng khi đám đông quỳ xuống, vừa đọc kinh, vừa khóc than thảm thiết.

Sau đó, đoàn rước được hình thành – nhưng đây là một cuộc rước khải hoàn, bởi ở Phát Diệm, một đoàn rước có sự hiện diện của Chúa chỉ có thể là linh đình. Đám đông long trọng đưa tượng đến trước mặt 'đại quan' tổng trấn Philatô.

Tại đây, diễn ra một màn độc thoại ngắn, tóm lược lại các sự kiện, rồi tượng Chúa trong vườn Giệtsimani được thay bằng một tượng khác, thể hiện Người đang vác thập giá. Đoàn rước lại tiếp tục, đi vòng quanh nhà thờ lớn kính Đức Mẹ Mân Côi, men theo đường kiệu, thường dùng cho các cuộc kiệu rước. Đây chính là cuộc lên đồi Canvê.

Chỉ một vài chặng Đàng Thánh Giá được diễn lại. Khi đó, đoàn rước dừng chân, một người cất lên một bài thơ ca vãn, chan chứa đau thương nhưng cũng đầy hùng tráng.

Cảnh diễn quan trọng nhất, không thể bàn cãi, là cuộc gặp gỡ giữa Đấng Cứu Thế và Mẹ Ngài. Cảnh này kéo dài khá lâu, diễn ra ngay trước cửa nhà thờ. Hai giáo dân mặc áo trắng tiến đến bên cáng rước tượng: một người đóng vai Chúa Giêsu, người kia là Đức Maria. Trong một bài độc thoại dài, Đức Mẹ khẩn khoản nài xin Con Mình đừng đi vào con đường tử nạn, xin đừng để Mẹ chịu nỗi đau mất Con. Chúa Giêsu đáp lời, và cuối cùng, Mẹ chấp nhận hiến tế – chấp nhận hy lễ của Người Con yêu dấu. Tất nhiên, lời thoại này do chính Cha Sáu biên soạn, với tất cả tâm huyết của ngài.

Sau đó, đoàn rước tiến vào nhà thờ. Lúc này khoảng 8 giờ tối, và nhà thờ rộng lớn đã chật kín người, dòng người tràn ra cả hai sân bên. Có đến mười ngàn, mười lăm ngàn, có thể còn đông hơn, bởi giáo dân từ khắp nơi đổ về. Thậm chí, cả những người ngoại đạo cũng đến, không thể dửng dưng trước những nghi lễ thiêng liêng này.

Giữa nhà thờ, các giáo dân có giọng đọc to, rõ và dày công luyện tập lần lượt ngâm đọc mười lăm mầu nhiệm Thương Khó theo một âm điệu trầm buồn đặc biệt. Mỗi mầu nhiệm là một bài độc thoại dài, thuật lại Cuộc Khổ Nạn của Chúa cùng với những suy niệm đầy sốt sắng. Sau mỗi bài đọc, cộng đoàn đồng thanh đọc năm Kinh Lạy Cha, năm Kinh Kính Mừng và năm Kinh Sáng Danh. Nghi thức này kéo dài gần ba giờ đồng hồ, nhưng các tín hữu vẫn cảm thấy quá ngắn ngủi: "Không gì có thể đốt cháy lòng chúng tôi như khi được nghe những mầu nhiệm này."

Khi phần suy niệm kết thúc, trời đã gần 11 giờ đêm. Lúc này, nghi thức đóng đinh Chúa Giêsu bắt đầu. Sau một bức màn lớn che kín cung thánh, các thành viên của Hội Thương Khó đóng đinh một tượng Chúa bị trói buộc lên một cây thập giá lớp, có khớp cử động, với kích thước như người thật. Những tiếng búa đóng đinh vang vọng, không chỉ xuyên qua bầu không khí mà còn xuyên thấu tâm hồn mỗi người hiện diện. Giáo dân quỳ sấp mặt xuống đất, đấm ngực ăn năn, miệng thì thầm những lời thống hối và khẩn cầu. Khung cảnh đầy xúc động, không ai có thể chứng kiến mà không thấy lòng mình chấn động sâu xa.

Khi tượng Chúa Kitô bị đóng đinh xong, thập giá được dựng lên ngay giữa nhà thờ, đối diện với cộng đoàn. Hai nhân vật xuất hiện và bắt đầu một đoạn đối thoại: đó là Đức Mẹ Sầu Bi, đến để nghe những lời trăn trối cuối cùng của Con Mẹ. Cuối cùng, Chúa trút hơi thở sau cùng, và cảnh hạ xác diễn ra.

Mẹ Maria vẫn đứng đó, khoác trên mình tấm khăn trắng dài – màu tang tóc của người An Nam. Mẹ đón nhận thân thể bất động của Người Con (tượng Chúa được hạ xuống từ thập giá), ôm chặt trong vòng tay và tuôn trào nỗi đau bằng những lời than vãn thống thiết. Cộng đoàn lặng im lắng nghe tiếng khóc thương của Đức Mẹ Sầu Bi, lòng ai cũng se thắt, nước mắt tuôn rơi.


Khoảng 12 giờ rưỡi đêm, "thi thể" Chúa Giêsu được đặt lên một cáng khiêng, và một đám tang long trọng được cử hành trong màn đêm, dưới ánh sáng của hàng ngàn bó đuốc. Người ta biết rằng ở An Nam, các đám tang luôn được tổ chức trọng thể – và đám tang của Chúa phải là đám tang vĩ đại nhất. Hàng ngàn người tham gia; tất cả đều mặc đồ trắng (màu tang lễ truyền thống), trên tay mỗi người là một ngọn đuốc sáng rực.

Chậm rãi, đoàn rước ánh lửa trải dài quanh hồ lớn trước nhà thờ. Hàng ngàn ánh sáng lung linh phản chiếu trên mặt nước, hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng kèn trầm buồn. Đoàn nhạc cử lên những bản hành khúc tang lễ, trong khi toàn thể giáo dân đồng thanh cầu nguyện. Những bó đuốc lớn cháy rực bốn phía chiếu sáng toàn bộ khung cảnh. Hình ảnh đoàn rước dài bất tận, lặng lẽ tiến bước trong màn đêm, ánh lửa bập bùng phản chiếu xuống mặt hồ rộng lớn, còn lời kinh tha thiết dâng cao như chạm tới trời – quả thật là một cảnh tượng hùng vĩ bậc nhất xứ An Nam. Ai đã một lần chứng kiến thì suốt đời không thể nào quên.



Tải về: bản Vãn Than Mồ

Sau khi rước quanh hồ, đoàn rước đưa "thi hài" Chúa đến hang mộ và đặt Người vào đó. Khoảng 1 giờ rưỡi sáng, cộng đoàn ra về, chỉ để vài giờ sau lại quay lại tham dự các nghi thức trọng thể của Thứ Bảy Tuần Thánh và lãnh nhận Thánh Thể.

Chiều Thứ Bảy, khoảng 5 giờ, diễn ra cảnh Phục Sinh. Mộ Chúa được lính canh gác chặt chẽ – họ trang bị súng ống, lưỡi lê (tất nhiên tất cả chỉ làm bằng gỗ). Khoảng sân lớn giữa nhà thờ và các nhà nguyện hai bên chật kín người, đặc biệt là hàng ngàn thiếu nhi Phát Diệm. Đến thời khắc trọng đại, một vị "chức sắc" của giáo xứ cầm loa lớn và hô vang:

"Chúa Giêsu đã sống lại!"

Ngay lập tức, pháo nổ vang trời, đoàn nhạc cử hành khúc khải hoàn, trong khi toán lính gác kinh hoàng bỏ chạy, ném lại vũ khí và biến mất. Khi ấy, tượng Chúa Phục Sinh, được các giáo dân khiêng ra từ hang mộ, được đặt trên một cáng kiệu rước và trang trọng tiến vào nhà thờ trong tiếng nhạc rộn rã."

Cha Sáu đã giáo dục đoàn chiên của mình theo cách rất riêng: ngài nói với trí tưởng tượng của họ cũng như với trái tim, với đôi mắt cũng như với trí thông minh của họ.

Sự nghiệp văn chương của ngài cũng không kém phần đặc sắc. Là một nhà thơ tài hoa, ngài đã sáng tác nhiều bài thơ, tạo thành một khóa giáo lý đầy đủ dưới dạng thi ca.

Năm 1910, người ta quyết định tập hợp các bài thơ ấy và xuất bản. Bộ sách gồm bốn tập nhỏ, mỗi tập khoảng 100 trang:

Tập đầu tiên ca tụng Đức Mẹ Maria[2].
Tập thứ hai[3] kể về cuộc đời và các mầu nhiệm của Chúa Kitô.
Tập thứ ba dành cho các ngày lễ kính các thánh[4].
Tập thứ tư – rất phù hợp với truyền thống An Nam – là một chú giải dài về điều răn thứ tư của Thiên Chúa (Hiếu Tự Ca). Đây là một cuốn sách hấp dẫn dành cho thiếu nhi, giúp các em hiểu về bổn phận trong gia đình. Một chi tiết đáng chú ý: chỉ trong vòng 10 năm, sách này đã được tái bản bốn lần – một con số đáng nể ở một nơi mà in ấn và văn hóa đọc vẫn chưa phát triển mạnh.

Tuy nhiên, phẩm chất quan trọng nhất của một mục tử đích thực nơi Cha Sáu chính là lòng nhân ái.

Ngài nhân từ với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt yêu thương những người bé mọn và nghèo khổ. Họ có thể tìm đến ngài vào bất cứ lúc nào, và ngài luôn tiếp đón với nụ cười ân cần, dù có phải gác lại công việc quan trọng. Ngài kiên nhẫn lắng nghe những nỗi khổ của họ, không bao giờ để họ ra về mà chưa được an ủi bằng một lời khích lệ. Khi những người nghèo xin dâng lễ, ngài tinh tế trả lại tiền lễ – và đôi khi còn cho họ nhiều hơn thế, dưới hình thức bố thí.

[1] Có lẽ là Kinh Cầu Hồn, vẫn được các gia đình đọc dịp giỗ. [Người dịch chú thích thêm]

[2] Theo cuốn "Sách thuật lại ít nhiều ca vè Cụ Sáu đã làm, Ninh Bình, 1911" có: 18 bài ca vè về Đức Maria (mà hiện nay Vãn Dâng Hạt vẫn được duy trì tại Phát Diệm vào Tuần Thánh). [chú thích của người dịch]

[3] Ca vè về Chúa Giêsu, tiêu biểu là Vãn Than Mồ mà ngày nay vẫn còn sinh hoạt. (https://phatdiem.org/van-chuong-tho-ca/gioi-thieu-van-than-mo-mot-ang-tho-bat-hu-cua-cu-sau.html Ngoài ra, Cụ Sáu còn viết "[chú thích của người dịch]Ca vè về Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống (Đức Chúa Philiritô); ca vè về lễ Santi (Lễ Mình Máu Chúa Kitô).

[4] Cụ Sáu viết một ca vè về thánh Anna; một bài về thánh Gioakim; Ca vè về hạnh tích một số thánh. [chú thích của người dịch]