
Tin Vatican News thông báo: "Cách đây 40 năm, vào lúc 17:19 ngày 13/5/1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát. Ở giữa ranh giới của sự sống và sự chết, ngài không nghĩ đến mình, nhưng nghĩ đến người muốn sát hại mình. Ngài đã tha thứ
Những hình ảnh của biến cố xảy ra cách nay 40 năm tại quảng trường thánh Phê-rô dường như vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Ngài mặc chiếc áo trắng, tràn đầy sức lực ở tuổi 60, ôm một bé gái tóc vàng trên tay và trao lại cho cha mẹ em. Thình lình, những tiếng súng nổ, không thể tin được, vị Giáo hoàng gục vào vòng tay của người thư ký của ngài, chiếc xe màu trắng chạy ào vào bên trong thành Vatican. Sau đó là những cuộc chạy đua từng giây từng phút với tử thần tại bệnh viện Gemelli, những lời cầu nguyện của các tín hữu trên toàn thế giới, niềm hy vọng le lói sau ca phẫu thuật phức tạp. Ngày hôm đó, 64 năm sau ngày Đức mẹ hiện ra tại Fatima, có một bàn tay đã làm chệch hướng viên đạn và cứu mạng Đức Giáo hoàng khỏi một bàn tay muốn sát hại ngài. Bốn ngày sau, Chúa Nhật 17/5/1981, cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng ở Dinh Tông tòa trống vắng, không có ngài xuất hiện như mọi Chúa Nhật khác. Nhưng tiếng nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được truyền phát qua radio cho các tín hữu đang hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng. Với giọng yếu ớt được thu từ giường bệnh ở bệnh viện, những lời đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II sau khi bị bắn là: "Tôi cầu nguyện cho người anh em, người đã tấn công tôi, người mà tôi chân thành tha thứ. Hiệp nhất với Chúa Kitô, Linh mục và Nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo hội và cho thế giới."
Sứ điệp tha thứ này còn được thể hiện mạnh mẽ hơn khi vào ngày 27/12/1983, Đức Gioan Phaolô II đã đến nhà tù Rebibbia ở Roma, vào phòng giam của Ali Agca, ôm lấy anh thanh
niên muốn sát hại ngài. Một phim tài liệu được thực hiện 4 năm sau vụ ám sát đã công bố tất cả những hình ảnh của cuộc gặp gỡ cảm động này. Không có tiếng nói, vì không ai được đến gần và nghe những gì họ nói với nhau. Những hình ảnh đánh động với sứ điệp tha thứ dành cho tất cả mọi người.
http://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-05/40-nam-thanh-gioan-phaolo-ii-bi-a
Sự kiện xảy ra Hôm thứ tư, ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong khi diễu hành trước đám đông chào đón ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã bị tên sát nhân là Mehmet Ali Agca, 25 tuổi, rút súng bắn vào bụng bốn phát đạn, viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe. Ngài thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, nhưng bị trọng thương, ngài xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Mẹ Maria (1). Sau thời gian điều trị và bình phục, ngài đã đến phòng giam nhà tù Rebibbia để gặp riêng Mehmet Ali Agca. Khi ấy, Agca mặc áo len cổ tròn màu xanh, quần jean và giày chạy bộ màu xanh trắng đã tháo dây giày. Anh ta không cạo râu. Ngài hỏi: "Ông có nói tiếng Ý không?" Agca gật đầu. Trong 21 phút, hai người ngồi gần nhau ở góc phòng giam. Khi Ngài đứng dậy rời phòng. Đức Giáo hoàng bắt tay và tặng Agca chiếc hộp màu trắng, trong có chuỗi tràng hạt bằng bạc và xà cừ.Trước khi ngài bước ra ngoài. Agca đã quỳ xuống và hôn tay ngài. Ngài nói với các phụ tá sau khi gặp Agca; "Tôi đã nói chuyện với anh ấy như một người anh em mà tôi đã tha thứ và được tôi tin tưởng". Agca đứng một mình, và máy quay đã ghi lại được vẻ mặt bất ngờ của anh, có lẽ đang nghĩ đến viễn cảnh phải ngồi tù suốt quãng đời còn lại vì cố giết một người mà anh không quen biết, một người giờ đây đã trở thành bạn của anh. Ngài đã giữ liên lạc với gia đình của Agca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Agca năm 1987.
Agca đã bị kết án tù chung thân tại Ý vào tháng 7 năm 1981 vì tội ám sát, nhưng đã được tổng thống Carlo Azeglio Ciampi ân xá vào tháng 6 năm 2000 theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng. Là cha chung của Giáo Hội, Ngài nhân từ độ lượng, khoan dung tha thứ. Ngài thể hiện đúng chứng nhân của Thiên Chúa Tình Yêu, yêu thương hết mọi người, yêu thương cả kẻ thù. Ngài được tôn vinh hiển thánh, được Thiên Chúa chí công đón Ngài vào hưởng thánh nhan Người. Quả như sứ điệp trong Tin Mừng thánh Luca trình thuật:
"Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại song phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
I- THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
1- Cộng đoàn Đáp CaThánh Vịnh rằng: "Thiên-Chúa Là Tình Yêu":
[1] Hồn tôi ơi!
Hãy ca tụng Chúa, hồn ơi!
Hãy vinh danh Chúa hết lời tâm can!
[2] Đừng quên ân-sủng Người ban,
Hết lòng cảm tạ, ca vang Danh Người!
[3-5] Người hằng tha-thứ tội ngươi,
Chữa lành ngươi khỏi bại xuôi tật nguyền.
Cứu ngươi lên khỏi vực tuyền,
Người cho ngươi đội triều-thiên ân-tình.
Tràn đầy hạnh-phúc quang-vinh,
Tuổi xuân ngươi được phục-sinh hùng-cường.
[8] Lòng Ngài độ lượng cao vời,
Từ-bi nhân-hậu đời đời khoan-nhân,
[9] Người không hạch tội luôn luôn,
Cũng không tích hận, chóng nguôi giận-phiền,
[10] Dẫu ta tội lỗi liên-miên,
Người không xử ứng, phạt liền ta đâu.
[11-12] Trời cao hơn đất thế nào,
Thì ơn Người sánh lớn-lao hơn nhiều,
Đông Đoài xa cách bao nhiêu,
Lòng Người tha thứ cũng nhiều bấy nhiêu.
[13] Như cha thương đứa con yêu,
Với ta, Người cũng cưng chiều xót thương,
Nếu ta biết sống hiền-lương
Kính thờ vâng phục noi gương theo Ngài.
(Tv. 103)
http://www.conggiaovietnam.net/index.php
2- Thiên Chúa taọ dựng con người giống hình ảnh Người.
Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô Tông đồ nhắc nhờ các tín hữu Côrintô phải quý trọng thân xác gìn giữ linh hồn mình cho thanh khiết ngõ hầu được thần trí ban sức sống trường sinh Vì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc":
Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy. (1 Cr 15, 45-49)
2.1- Sách Sáng Thế tường thuật:
[26] Chúa truyền: Hãy dựng con người!
Cho mang hình ảnh bởi Trời như ta,
Loài người lập tức hiện ra,
Cho cai quản các loài Ta đã làm
Chim trời cá biển muông cầm
Các loài bò sát dưới gầm trời cao.
[27-28] Con người Chúa dựng đẹp sao!
Chúng mang hình ảnh thanh cao của Người.
Có nam có nữ sánh đôi
Chúa bèn chúc phúc cho đời an vui
Sinh sôi nảy nở cả bầy
Cho đầy mặt đất quản cai mọi loài.
Chim trời, cá biển sông ngòi,
Giống bò mặt đất khắp nơi thuộc quyền.
Chúa yêu thương con người đến nỗi cấm ma quỷ không được phạm đến linh hồn con người.
2.2- Sách Gióp kể: Satan thử thách ông Gióp. Sa-tan theo gót các con Chúa vào Thiên Cung. Chúa phán với Satan:
"Ngươi nhìn thấy Gióp ta không?
Chẳng ai giống nó, chính công vẹn tròn
Nó hằng kính sợ, tôn vinh Chúa
Làm điều lành, tránh đứa ác tâm.
Sa-tan cãi lại, nói xàm:
Gióp vì cầu lợi mà làm, Chúa ơi!
Ngài thử giang tay đánh tài sản và cả ngay nhà đất
Xem nó có phỉ báng thẳng vào mặt hay chăng?
Nhưng
Sa-tan nghe Chúa phán rằng:
Được! Của cải nó, cho ngươi sẵn sàng đụng đến,
Nhưng hồn nó, ta cấm ngươi bén mảng nghen!
Nghe Chúa phán, Satan bèn rút lui.
(Gióp 1: 1-12)
II- THIÊN CHÚA NHÂN TỪ ĐỘ LƯỢNG
Độ lượng là một biểu hiện của tình yêu. Không thể có độ lượng nếu không yêu thương. Càng yêu thương thì độ lượng càng bao la rộng lớn.
1) Một cách tiêu cực, lòng độ lượng thể hiện ở sự khoan dung tha thứ.
Trong Bài Đọc I, 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23, ngôn sứ Samuen đà tuyên sấm tướng quân Đavít đã tha chết cho vua Saun là ân nhân như cha của mình, vì vua luôn tìm cách hãm hại ông: "Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay".
"Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Đavít. Ban đêm Đavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông. Abisai liền nói với Đavít rằng: "Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai". Nhưng Đavít nói với Abisai rằng: "Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?" Rồi Đavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say. Đavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: "Đây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu".
1.1- Nhân từ là lòng thương yêu. "Lượng" là khoan dung tha thứ. Kết án không luận theo tội mà còn xét theo tình, dĩ nhiên không phải tình cảm thiên vị bất công, mà là tình trạng tâm lý, thể chất và hoàn cảnh của người bị luận xét. Có "lượng" thì không hẹp hòi cố chấp mà nghiêm xét nhưng vì cảm thông mà xét xử nương tay. Tuỳ theo sự cảm thông ít hay nhiều mà lượng xét hẹp hòi (hẹp lượng) hay rộng-rãi (lượng cả).
1.2 - Nhưng tha thứ cũng còn tuỳ thuộc vào động cơ thúc đẩy.
Vì người ta biết mở miệng xin lỗi, nên tha. Tha vì không muốn mang tiếng là người nhỏ nhen hẹp lượng. Để tỏ ra mình là người cao thượng nhân đức, nên tha. Thế là vì tự ái mà tha. Người khoan dung tha thứ như vậy, chưa từ bỏ được cái "tôi" của mình. Thái độ tha thứ ấy vẫn còn là vị kỷ, vì quyền lợi của mình hơn là vì tình thương yêu. Thuý Kiều tha chết cho Hoạn Thư chẳng phải vì động lòng trắc ẩn, mà cũng chỉ vì Hoạn Thư đã giỏi biện hộ, khéo vuốt ve lòng tự ái của Kiều xin "nhờ lượng bể thương bài nào chăng", nên Kiều mới đành phán quyết:
"Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ-nhen.
Đã lòng tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng-tiền tha ngay."
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Cái sự tha thứ ấy vẫn còn miễn cưỡng vì tự thâm tâm, Thuý Kiều vẫn còn nhìn Hoạn Thư
như một kẻ thù mà trước đó, nàng đã nhắn Thúc Sinh một lời cảnh cáo:
"Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau."
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
cũng như đã bắn tiếng với mụ già quản gia và vãi Giác Duyên lời đe dọa,
"Nàng rằng: Xin hãy dốn ngồi,
Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù!"
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Ngôn ngữ thông thường khi nói "lượng xét, lượng tình, lượng thứ" là hiểu theo khía cạnh tiêu cực này.
2- Tuy nhiên nếu là một biểu hiện thực sự và trọn vẹn của tình yêu, thì lòng độ lượng còn phải được quan niệm một cách tích cực hơn, cao rộng và tuyệt vời hơn, ấy là thực sự hết lòng tha thứ:
a- "Độ" có nghĩa là cứu giúp. Lòng độ lượng là lòng dạ rộng hẹp của người ta. Khi nói độ thế, độ trì, tế độ thì sự cứu giúp ấy là cho đi, là quên mình vì người. Biết quên mình vì người nên xét người rộng rãi và sẵn sàng cứu giúp tha nhân, ấy là độ lượng. Bản tính tự ái và ích kỷ của con người vốn không dễ gì sẵn sàng tha thứ, rộng tình mà luận xét tha nhân, hoặc hy sinh quyền lợi của mình để nhìn tha nhân bằng cử chỉ khoan dung từ ái.
b- Tại sao không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người để chịu khó tìm hiểu sâu xa bản chất, tâm tình của họ, hầu cảm thông với họ mà không nhìn họ như một kẻ thù đáng ghét có ác ý cố tình làm ta buồn phiền?
* Phải chăng vì chủ quan thiên lệch, cứ lấy mình làm tiêu chuẩn nên khắt khe đánh giá người khác, "chỉ thấy cái rác trong mắt người mà chẳng thấy cái xà trong mắt mình", nhìn cọng rác như cái xà mà suy diễn xấu cho người, gây nên đổ vỡ vì tị hiềm nghi kỵ?
"Cá không ăn câu, nghĩ rằng con cá dại,
Vác cần câu về, nghĩ lại con cá khôn."
* Phải chăng vì ta đã không quên mình để dẹp đi lòng tự ái vốn lấn át lý trí làm mất đi tình yêu thương và do đó chẳng cảm hóa được tha nhân, không giúp tha nhân nhận thấy được chân lý của an bình hạnh phúc?
Nhưng nếu biết dẹp bỏ "cái tôi vũ-trụ" của mình thì ta sẽ sẵn sàng cảm thông mà xét tình mở "lượng" khoan dung để "giúp cho" nhau có được hòa khí an vui. Ấy là yêu thương và độ lượng.
3- Chúa là gương mẫu của lòng độ lượng
a- Chỉ một huyền nhiệm Nhập Thể cũng đủ nói lên tình yêu nhưng không, tuyệt đối của Người.
Thiên Chúa đã tha thứ và cứu vớt chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Vì yêu thương nhân-loại quá sức, Người đã không chấp tội loài người, trái lại đã ban cho loài người một tặng phẩm vô giá, ấy là Đức Ki-tô, Con Một Người mặc xác phàm trần chịu chết thay cho loài người hầu cho họ được cứu độ: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người" (Mat. 20, 28). Khi những người Pha-ri-siêu bắt bẻ Ngài dùng bữa với bọn thu thuế, quân tội lỗi, Chúa Giêsu bảo họ: "Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mát. 9, 10-13)
b- Thiên Chúa độ lượng, lòng độ lượng ấy bao hàm một sự tha thứ không giới hạn và vô điều kiện.
Chúa Giêsu dạy ông Phêrô không phải là tha cho người xúc phạm mình chỉ có bảy lần, tưởng đã là nhiều lắm so với thường tình chỉ có ba lần, mà hơn nữa phải tha tới bảy mươi lần bảy (Mát. 18, 21). Chính Ngài cũng chẳng chấp tội Phêrô dù ông đã ba lần chối bỏ Ngài.
Chính trên thập giá khi bị đóng đinh, Ngài đã cầu nguyện cùng Thiên-Chúa Cha:
"Lạy Cha,
Họ không biết họ sai lầm,
Xin tha cho họ đã làm khổ con"
(Luca 23, 34) (*)
• Cho nên làm sao lại có thể hẹp lượng mà không mở rộng vòng tay khoan dung đón nhận kẻ hồi tâm nhận biết lỗi mình?
Dụ ngôn người cha nhân hậu mở tiệc linh đình đón tiếp đứa con hoang đàng trở về mặc cho anh nó giận dỗi bất bình, đó chẳng phải là bài học rộng lượng tha thứ kẻ lầm lỗi hay sao? (Luca 15, 11-31).
• Cho nên Ngài dạy ta phải tha thứ, vì tha thứ là một điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha.
"Thật vậy, nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con; nhưng nếu các con không tha cho người ta, Cha các con cũng sẽ không tha lỗi cho các con" (Mát. 6, 14-15) và "nếu con sắp dâng lễ vật của mình trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mát. 5, 23-24)
c- Thiên Chúa độ lượng, lòng độ lượng ấy bao hàm một sự quảng đại sẵn lòng tha thứ vì yêu thương
• Trong hai dụ ngôn sau đây, Chúa tha thứ không hẳn vì người xúc phạm biết hối lỗi, không phải do lòng cao thượng nhân đức, mà thứ tha vì tình thương hải hà của Ngài muốn cứu vớt tội nhân:
* Nhà vua đã đối xử khắc nghiệt với tên mắc nợ vì hắn không có lòng thương xót anh em mình đến nỗi không dám từ bỏ cái "tôi" ích kỷ của mình mà thông cảm cho anh em. Tên mắc nợ đã được nhà vua cho về, tha món nợ vì y sấp mình xin vua rộng lượng cho y khất lại, nhưng y đã không thấy được lòng thương xót của vua, mà vừa ra khỏi cửa đã túm cổ bạn mình, tống bạn vào ngục để đòi nợ cho kỳ được. Nghe sự việc, vua trao y lại cho lính hành hạ đến ngày y trả xong nợ, và phán: "Tên đầy tớ độc ác kia! ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta thương xót ngươi sao?" (Mát. 18, 23-35).
* Những người Pha-ri-siêu và kinh sư dẫn đến trước Chúa Giê-su, người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ gài bẫy, xin Người cho biết quyết định về hình phạt ném đá chiếu theo luật Môi-sê. Người lặng im, viết trên đất, tỏ thái-độ lơ-đãng như không thèm quan tâm, rồi bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!". Thế là có tật giật mình, họ lần-lượt giã đám, chỉ còn lại một mình Đức Ki-Tô với chị kia. Ngài nói với chị: "Tôi không lên án chị đâu. Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" (Gio-an 8: 2-11). Rõ-ràng là sự độc-ác của đố-kỵ hận thù đã phải rút lui để nhường lại cho yêu thương ngự trị, toả chiếu trên bóng tối của lỗi lầm. Một bên là con người với tất cả sự yếu hèn của xác thịt, bên cạnh là Thiên Chúa từ nhân. Chúa độ- ượng khoan dung vì Chúa đầy lòng thương xót kẻ yếu hèn, vì Chúa muốn cứu vớt hoán cải kẻ tội nhân. Chúa không lên án phạt để chị ta "từ nay đừng phạm tội nữa." Ngài là gương mẫu của Đức Mến, bởi lẽ chính Ngài là Tình Yêu.
•
Quả vậy, không thể có tình yêu đích thực nếu không có sự tha thứ tự đáy lòng.
Chúa Giêsu chỉ cho anh giàu có kia, muốn vào cõi sống đời đời thì hãy giữ các điều răn: không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, phải thờ kính cha mẹ, phải yêu đồng loại như yêu chính mình. Anh ta đáp: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?". Chúa Giêsu trả lời: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mát. 19, 16-22). Anh ta nói anh đã yêu đồng loại như chính mình, nhưng tình yêu của anh mới chỉ có ở ngoài miệng, anh ta không yêu đích thực giống như Chúa đã yêu thương, điều-kiện cần và đủ để có lòng độ lượng.
Thư Thánh Gio-an viết: "Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương một cách chân thật và bằng việc làm" (Thư Gio-an 3, 18).
III- THIÊN CHÚA CHÍ CÔNG
Về cách đối xử của nhà vua đối với tên mắc nợ trong dụ ngôn trên, Chúa Giêsu kết luận: "Bởi vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không tha thứ cho nhau tự đáy lòng" (Mát. 18, 35)
* Sự cảm thông ấy công-bằng chính đáng
a- Thật vậy, sự cảm thông ấy dựa trên nguyên tắc "người cũng như ta", yêu mình làm sao thì cũng yêu người làm vậy: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người khác" (Mat. 7, 12).
b- Sự cảm thông ấy còn dựa trên khuôn vàng thước ngọc: "Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em" (Gio-an 15, 12). Vì vậy:
"[22] Thế là, với kẻ thù chúng con, khi nương tay xét xử,
Ngài đã dạy chúng con khi xét xử bất cứ người nào,
Chúng con phải nhớ lại lượng từ-ái lớn-lao của Chúa.
Còn khi chúng con bị Ngài đưa ra xử
Chúng con phải tin-tưởng ở tình Ngài."
[Khôn-Ngoan, 12: 12] (*)
http://www.conggiaovietnam.net/index.php
* Trong Đức Kitô, Thiên Chúa rất mực yêu thương và độ lượng. Ý muốn của Thiên Chúa là muốn ta thực thi Lời Người. "Ý muốn của Thiên Chúa là chúng ta trở nên thánh" (1 Phêrô 2, 15-17), vì "chỉ có ai thực hiện ý muốn của Cha trên trời mới có thể vào được Nước Trời mà thôi" (Mát. 7, 21) và "Ai làm theo ý Cha ta, Đấng ở trên trời, thì người đó là anh chị em ta và mẹ ta" (Mát. 12, 50). Noi gương Người, thực-thi lòng yêu thương và độ lượng như Chúa Giêsu đã dạy cầu xin ơn tha-thứ và ơn cứu-độ:
Chúng con sám-hối khiêm-cung,
Cậy trông Cha mở rộng lòng khoan-nhân.
Xin Cha tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha những kẻ nợ nần chúng con!
Đấy là thực thi lòng yêu mến Thiên Chúa một cách tuyệt đối và yêu thương tha nhân đến cao độ, là "thể hiện ý Cha dưới đất cũng như trên trời" vậy.
IV- LỜI NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria
Mẹ là đường đưa con tới Chúa,
Mẹ ơi mở cửa Thiên-Đàng
Tuôn ngập ánh sáng tràn lòng trí con
Con nghe tiếng Chúa đòi con,
Điệu ra xử án linh hồn con đây
Con lo sẽ phải tù đày.
Mẹ ơi, thương giúp xin Ngài khoan dung.
Lạy Thầy! Con đã hiểu rồi:
Yêu Thầy con phải yêu người anh em,
Nếu không Thầy sẽ buồn thêm,
Anh em xâu xé là đâm chính Thầy.
Anh em con chặt cành cây, căng dây, rào hẻm, chắn lối con sang. Con gắn thêm kẽm gai, lưới sắt, cho khuất mắt, hết đàng lui tới. Con chấp lỗi, hài tội anh em, bởi con "chỉ nhìn cọng rác trong mắt họ, mà chẳng thấy cái xà lớn nhất trong mắt của con." Con để tâm tích hận anh em, vì tự ái, tự cao, con tự nhủ:" Sao họ gây hấn, dám vả mặt con?" Con đã quên lời Cha dạy: "Hãy chìa thêm má bên kia cho họ tát!". Con hắt vào mặt họ những lời nguyền rủa chua chát đắng cay. Trong mắt con, họ là những tay độc ác, quân thù, thật đáng ghét, chẳng thể dung tha. Con đã quên lời Cha dạy: phải bỏ qua mới làm Cha vui lòng đẹp ý, "con phải tha thứ mới được Cha thứ tha". Vâng, lạy Cha, cha mẹ nào chả xót xa thấy bầy con một nhà không hoà thuận? Lời lâm chung quyện máu Chúa Con trên Núi Sọ vẫn đó, còn vọng rõ dư âm
"Họ không biết họ sai lầm,
Xin Cha tha họ đã làm khổ con!"
Lạy Cha chí nhân! Giới răn Cha truyền, chúng con nào dám bất tuân. Con phải xin lỗi anh em trước khi đến xin Cha tha lỗi, bởi con là đầu mối sinh tội chia rẽ, tị hiềm, bất hoà cãi vã, con đã ném đá giấu tay, con bày chuyện làm quà để gièm pha xúc xiểm, con châm biếm nói xấu sau lưng. Chúng con "phải làm hoà cùng nhau trước khi mang lễ vật tiến dâng Cha", bởi Cha không cần lễ vật riêng của mỗi chúng con, nhưng Cha cần chúng con mang trả Cha "món nợ tình thương" Cha đã tặng hết cho chúng con. Cha dạy chúng con lòng độ lượng, khoan dung không giới hạn, không điều kiện. Chúng con bất hoà chia rẽ, con vẫn chửa chìa tay ra. Anh em con bất hạnh, con vẫn dửng dưng. Lòng con vẫn đong đầy hờn giận, tim con vẫn chất chứa ích kỷ hận thù, làm sao còn khoảng trống dành chỗ cho Cha? Con biết rằng Nhà Chầu trên bàn thờ Cha ngự quả quá xa, chỉ có Nhà Chầu trong lòng con đây mới đích thực gần nhất, Nhà Chầu này ở ngay chính trong con, con phải rất mực tôn kính, con chẳng dám làm Cha đau lòng.
Tuy Cha ở trong con, song Cha cũng còn vãng du trên mọi nẻo đường quanh con nữa:
"Từ lúc sương mai còn quyện ánh bình minh lung linh tình yêu chan chứa, đến khi chiều vàng úa tàn thoi thóp hắt hiu, Thầy ẩn sau những khuôn mặt đăm chiêu dập dìu đi qua cuộc sống:
Thống khổ tù đày.
Tủi nhục đắng cay.
Trắng tay xơ xác.
Đói khát bơ vơ.
Những thân gầy côi cút trẻ thơ.
Những mái đầu bạc phơ ủ-rũ.
Những lưng còng ngày đêm lam lũ.
Những giếng mắt lệ dâng ứa tràn.
Những chiếc xe lăn tất tả bên lề giòng đời yên hàn no đủ.
Những chiếc nạng gõ nhịp cho tấm thân mòn lăn lóc với thời gian.
Những người thất thểu lang thang
Một đời bạc bẽo khát mong tình người.
Trên môi tắt ngấm nụ cười,
Cả đời mong ánh mặt trời rọi soi.
Con đã làm gì? Thầy ơi!
Con đã làm gì cho những con tim tả tơi rách nát?
Con đã hắt hủi làm ngơ,
Con đã thờ ơ lãnh đạm,
Con chẳng dám tiếp một ai.
Thì ra con đã bỏ Thầy,
Khi con còn để đoạ đày anh em."
Con xúc phạm anh em con là con đã xúc phạm tới Cha. Con lơ là, hắt hủi anh em con là con còn mang nợ họ tình tương thân, tương trợ. Con mắc nợ anh em con chính là con mắc nợ Cha, "nợ tình thương" tuyệt đối, vô biên và bất tận không ngơi. Lạy Cha!
Chúng con hết nợ nhau rồi,
Xin Cha thương xót, nhận lời chúng con!
Kính dâng Cha tấm lòng son,
Xin Cha xoá hết nợ nần xưa nay,
Chúng con cải hối, từ rày
Mở lòng nhân ái, đắp xây Nước Trời.
http://www.conggiaovietnam.net/index.php
(phụ trương sách châm Ngôn Khôn Ngoan: suy niệm Kinh Lạy Cha)
CHÚ THÍCH
(1) Ngày 13 tháng 5 năm 1981. Khi bị bắn, ngài đang cầmtràng Mân Côi như Ngài vẫn có thói quen. Khi ngài ngã xuống đất, đột nhiên thấy một người phụ nữ chạy đến ôm ngài. Bức ảnh này do một trong những người tụ tập ở đó chụp ảnh Giáo hoàng bằng máy ảnh của mình. Người phụ nữ ấy biến nhanh như lúc xuất hiện. Đáng ngạc nhiên là các viên đạn chỉ đi sượt qua các cơ quan nội tạng mà không cắt ngang động mạch. Vừa tỉnh lại, Ngài hỏi ngay về cỗ tràng hạt của mình. Nhận lại cỗ tràng hạt trong tay, Đức Thánh Cha nói rằng Ngài cảm thấy Mẹ Maria chỉ đường cho viên đạn xuyên qua thân mình. Ngài từng nói: "Cách cầu nguyện tốt nhất mà tôi ưa thích là lần chuỗi Mân Côi". Ngài cho hay trong cơn mê, Đức Mẹ đã hiện ra và cho biết Mẹ sẽ cứu ngài. Năm 1982 Đức Thánh Cha đã đến Fatima tạ ơn Mẹ, và gắn viên đạn đó vào triều thiên của Đức Mẹ."
Ông Joaquin Navarro Valls, phát ngôn nhân Toà Thánh tuyên bố, trong nhiều năm, đã phải tốn rất nhiều cuộc nghiên cứu về phẩm chất của việc rửa phim tấm ảnh lạ lùng này, vì khi mới rửa phim ra không ai có thể thấy hình ảnh rõ ràng được. Mãi cuối cùng, sau nhiều cuộc kiểm tra của các chuyên gia nhiếp ảnh trên khắp thế giới, người ta đã phải xác quyết rằng không hề có thủ đoạn gian trá giả mạo để chỉnh sửa trong thuật nhiếp ảnh. Tấm hình chụp này Đức Thánh Cha đã cất giấu trong nhiều năm. Xác-tín sự lạ-lùng này, Đức Giám Mục Thomas Wenski đã dựng lại bức ảnh ấy trên cửa sổ kính nơi cư trú của Ngài ở Florida như hình bên.
(1) https://www.turnbacktogod.com/mother-mary-holding-john-paul-ii-in-her-arms-when-he-was-shot
(1) http://www.truthorfiction.com/rumors/p/photo-pope-virgin.htm
【Bênêđictô Đỗ Quang Vinh】