Nghệ thuật thơ lục bát trong bản dịch "Thần khúc" của Đình Chẩn - Tác giả: Mai Văn Phấn

Lan Mary
"Thần khúc" (nguyên tác tiếng Italy: La Divina Commedia) của đại thi hào Italy Dante Alighieri là một kiệt tác của nền văn học Italy và thế giới, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả suốt nhiều thế kỷ. Tác phẩm phản ánh sinh động và bao quát tư tưởng triết học, tôn giáo của thời Trung Cổ. Được viết bằng thể thơ trường thiên, "Thần khúc" không chỉ mê hoặc độc giả phương Tây mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn chương toàn cầu. Dante đã viết "Thần khúc" trong 14 năm (1307-1321) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Firenze. Tác phẩm gồm 100 khúc thơ (canto), chia thành ba phần: Hỏa Ngục (Inferno), Luyện Ngục (Purgatorio) và Thiên Đàng (Paradiso), với tổng cộng 14.233 câu thơ. Mỗi phần có 33 khúc thơ, ngoại trừ phần mở đầu là khúc thơ dẫn nhập. Tác phẩm kể về hành trình tâm linh của Dante qua Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường, tượng trưng cho sự cứu rỗi linh hồn theo quan niệm Kitô giáo. Lạc vào khu rừng tối, Dante được nhà thơ Virgilio dẫn dắt xuống Địa ngục – nơi có chín tầng trừng phạt các tội nhân, từ dâm dục, tham lam đến phản bội, với Satan ở đáy sâu nhất. Thoát khỏi Địa ngục, ông đến Núi Luyện ngục, nơi các linh hồn chuộc tội qua bảy tầng tương ứng với Bảy Mối Tội Đầu. Trên đỉnh núi, Dante gặp Beatrice – nàng thơ và biểu tượng của tình yêu thiêng liêng – người dẫn ông lên chín tầng Thiên đường, từ những linh hồn chưa hoàn thiện đến nơi Thiên Chúa ngự trị. Ở đỉnh cao vũ trụ, Dante chứng kiến ánh sáng vĩnh hằng, hòa nhập với chân lý tuyệt đối, hoàn thành hành trình từ tăm tối đến cứu rỗi. Tác phẩm phản ánh niềm tin vào sự cứu rỗi và công lý vĩnh hằng của Thiên Chúa, qua đó thể hiện tư tưởng triết học và thần học Công giáo. NGUỒN:

"Thần khúc" (nguyên tác tiếng Italy: La Divina Commedia) của đại thi hào Italy Dante Alighieri [1] là một kiệt tác của nền văn học Italy và thế giới, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả suốt nhiều thế kỷ. Tác phẩm phản ánh sinh động và bao quát tư tưởng triết học, tôn giáo của thời Trung Cổ. Được viết bằng thể thơ trường thiên, "Thần khúc" không chỉ mê hoặc độc giả phương Tây mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn chương toàn cầu. Dante đã viết "Thần khúc" trong 14 năm (1307-1321) trong thời gian ông bị trục xuất khỏi Firenze. Tác phẩm gồm 100 khúc thơ (canto), chia thành ba phần: Hỏa Ngục (Inferno), Luyện Ngục (Purgatorio) và Thiên Đàng (Paradiso), với tổng cộng 14.233 câu thơ. Mỗi phần có 33 khúc thơ, ngoại trừ phần mở đầu là khúc thơ dẫn nhập. Tác phẩm kể về hành trình tâm linh của Dante qua Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường, tượng trưng cho sự cứu rỗi linh hồn theo quan niệm Kitô giáo. Lạc vào khu rừng tối, Dante được nhà thơ Virgilio dẫn dắt xuống Địa ngục – nơi có chín tầng trừng phạt các tội nhân, từ dâm dục, tham lam đến phản bội, với Satan ở đáy sâu nhất. Thoát khỏi Địa ngục, ông đến Núi Luyện ngục, nơi các linh hồn chuộc tội qua bảy tầng tương ứng với Bảy Mối Tội Đầu. Trên đỉnh núi, Dante gặp Beatrice – nàng thơ và biểu tượng của tình yêu thiêng liêng – người dẫn ông lên chín tầng Thiên đường, từ những linh hồn chưa hoàn thiện đến nơi Thiên Chúa ngự trị. Ở đỉnh cao vũ trụ, Dante chứng kiến ánh sáng vĩnh hằng, hòa nhập với chân lý tuyệt đối, hoàn thành hành trình từ tăm tối đến cứu rỗi. Tác phẩm phản ánh niềm tin vào sự cứu rỗi và công lý vĩnh hằng của Thiên Chúa, qua đó thể hiện tư tưởng triết học và thần học Công giáo.

Tác phẩm "Thần khúc" của Dante mang tư tưởng Kitô giáo và nét đặc trưng của thần học Thánh Tôma Aquinô, dù đã trải qua rất nhiều niên đại và thế hệ song chưa hề giảm sức hút trên phạm vi toàn thế giới; một số dịch giả Việt Nam đã và đang dụng công chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt, trong đó có linh mục Đình Chẩn. Bản dịch của ông mở ra một góc nhìn mới khám phá giá trị kiệt tác này. Đây là bản dịch đầu tiên của một người Công giáo, có ý nghĩa quan trọng bởi dịch giả am hiểu triết lý thần học, cũng như văn hóa và ngôn ngữ Công giáo.

Đình Chẩn đã vận dụng linh hoạt nhiều thể thơ, từ thơ tự do đến các thể truyền thống của Việt Nam như song thất lục bát, hát nói và lục bát, tạo nên một bản dịch vừa truyền tải được tinh thần nguyên tác, vừa mang đậm dấu ấn sáng tạo của người dịch, đồng thời dễ đi vào lòng độc giả Việt Nam.

Ngay từ khi bản dịch của Đình Chẩn được công bố, đã có nhiều bài nghiên cứu và đánh giá tác phẩm này, vừa xoay quanh nội dung "Thần khúc", vừa mở rộng đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Dante Alighieri. Một số bài viết trong số đó đã phân tích nghệ thuật chuyển ngữ của Đình Chẩn, so sánh với các bản dịch trước đây của các dịch giả như Lê Trí Viễn, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Hoàn, Nhất Uyên, Nguyễn Viết Thắng, Phạm Ngọc Liên, Kim Ngưu, hay nhóm dịch thuật Lightway. Những so sánh này làm nổi bật cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt và tinh tế của Đình Chẩn, đồng thời phản ánh cái nhìn bao quát về bản sắc văn hóa, tư tưởng và đức tin Thiên Chúa trong "Thần khúc".

Là một người làm thơ, tôi thấy rất thú vị với cách sáng tạo độc đáo của dịch giả Đình Chẩn trong việc vận dụng thể thơ lục bát vào bản dịch của mình; vì vậy, tôi muốn lý giải vì sao Đình Chẩn lựa chọn thể thơ lục bát cho một số khúc thơ trong "Thần khúc", và những điểm độc đáo nào của thể thơ này đã giúp truyền tải cảm xúc, triết lý và tư tưởng của Dante.

Theo tôi, Đình Chẩn lựa chọn thể thơ lục bát vì nó mang ý nghĩa sâu sắc về mặt văn hóa và ngôn ngữ. Lục bát là thể thơ truyền thống gắn liền với tâm thức người Việt, phổ biến trong ca dao, tục ngữ, trong các truyện thơ dân gian như "Tống Trân Cúc Hoa", "Phạm Tải Ngọc Hoa", "Thạch Sanh"... Đến văn học bác học, thể thơ này đạt đến đỉnh cao với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du; ngoài ra, còn có "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu, và những tác giả hiện đại viết thơ lục bát như Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Lê Khánh... Đây là thể thơ dễ đi vào lòng người nhất trong số những thể thơ truyền thống của ta, bởi vần điệu thơ êm ái du dương nhưng có thể truyền tải những ý nghĩa rất sâu sắc, vừa có tính linh hoạt về niêm luật, vừa có tính phổ cập về mặt truyền bá; dễ thuộc lòng để trích dẫn và sử dụng trong đời sống hàng ngày như ca dao, ngạn ngữ, thành ngữ. Do vận dụng thể thơ lục bát trong một số khúc thơ, bản dịch "Thần khúc" của Đình Chẩn trở nên gần gũi, dễ tiếp cận, giúp người đọc Việt Nam cảm nhận được tinh thần của tác phẩm mà không bị rào cản ngôn ngữ. Đồng thời, nhịp điệu mượt mà, uyển chuyển của lục bát phù hợp với việc diễn đạt những trạng thái tâm lý phức tạp trong hành trình tâm linh. Hơn nữa, "Thần khúc" chứa đựng nhiều ý niệm triết học và tôn giáo, đòi hỏi một hình thức biểu đạt linh hoạt nhưng vẫn giữ được nội dung của nguyên tác. Dante đã sáng tạo thể thơ Terza rima, gồm các khổ ba câu (tercet) với cách gieo vần lồng vào nhau theo mô hình aba, bcb, cdc, ded... Mỗi câu thơ có 11 âm tiết, và ông kết thúc mỗi khúc thơ bằng một dòng đơn lẻ, liên kết với vần giữa của khổ trước. Do lối gieo vần này cùng đặc thù của tiếng Italy đa âm tiết, trong khi tiếng Việt lại đơn âm tiết, nên khi chuyển ngữ rất khó giữ nguyên vẹn thể thơ của nguyên tác. May mắn thay, dịch giả Đình Chẩn đã không câu nệ vào hình thức, mà linh hoạt vận dụng khả năng gieo vần của lục bát, giúp bản dịch giàu nhạc điệu, tăng thêm tính huyền ảo và mở rộng ý nghĩa.

Trong bản dịch của Đình Chẩn, một số khúc thơ mang đậm âm hưởng ca dao Việt Nam nhờ cách sử dụng đại từ "ta" và "mình" - những từ ngữ quen thuộc trong diễn ngôn dân gian, thường xuất hiện trong ca dao tình tứ và hát giao duyên. Cách xưng hô này vừa tạo sự gắn bó, ấm áp, vừa phảng phất nét đẹp văn hóa dân gian. Từ những câu thơ ấy, ta như nghe vọng lại giọng hát dân ca mộc mạc mà lắng sâu.

"Như làn nước xoáy trong bình
xoay xuôi xoay ngược có mình có ta
xoáy ngoài vào, xoáy trong ra
tang tình tang nhịp tay ta tay mình."


(Hỏa Ngục. Bi khúc XIV, 1)

Bi khúc gợi nhớ những câu ca dao có sử dụng cặp đại từ "ta" và "mình", nhất là những câu diễn tả sự gắn kết tình cảm, số phận. Hình ảnh "xoay xuôi xoay ngược có mình có ta" trong câu trích trên là một phiên bản khác của câu ca dao "Mình với ta tuy hai mà một/ Ta với mình tuy một mà hai". Cách diễn đạt này vừa mang sắc thái tình tứ, vừa gợi lên vòng xoáy không dứt của định mệnh, như dòng nước luân chuyển. Câu thơ "tang tình tang nhịp tay ta tay mình" có nhịp điệu gần với những câu ca dao mang tính đối đáp, đưa đẩy, như: "Tang tình tang, tính tình tang/ Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng"; hay điệu Lý Tang tình tang của miền Trung với điệp khúc "ố tang tình tang". Qua đó ta thấy Đình Chẩn đã dùng nhạc điệu dân gian Việt Nam để diễn đạt nội dung triết lý của "Thần khúc", khiến tác phẩm vừa giữ được chiều sâu tư tưởng gốc, vừa gần gũi với tâm thức và thẩm mỹ của người Việt.

Sự lựa chọn thể thơ lục bát của Đình Chẩn mở ra những khả năng thể hiện mới, hòa quyện giữa thi pháp dân tộc và tinh thần Kitô giáo, kết nối con người với Thiên Chúa và làm nổi bật vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ.

"Vâng, con tin Đức Chúa Trời
Ba Ngôi một Chúa, đời đời hiển vinh.
Tin Ngài sáng tạo tài tình
Muôn ngàn tinh tú, chuyển mình diệu vi."


(Thiên Đường. Thiên khúc XXIV, 17)

Tín điều cốt lõi của Kitô giáo, đặc biệt là niềm tín thác vào Thiên Chúa Ba Ngôi được diễn đạt một cách tự nhiên bằng nhịp điệu thơ dân gian. Câu thơ "Vâng, con tin Đức Chúa Trời" mang âm hưởng của lời tuyên tín, thể hiện sự khiêm nhường và lòng sùng kính tuyệt đối của con người với Đấng-Tối-Cao. Câu "Muôn ngàn tinh tú, chuyển mình diệu vi" mở ra một vũ trụ bao la, kết hợp tinh tế giữa tư duy triết học Công giáo với cách cảm nhận vũ trụ mang tinh thần Á Đông.

Sự kết hợp giữa vần và nhịp cũng là một điểm sáng trong bản dịch. Những câu thơ vừa giàu nhạc tính, vừa khơi gợi hình ảnh sống động, khiến người đọc như bước vào không gian huyền bí của thế giới "Thần Khúc".

"Tôi may thoát cảnh đêm dài
ngắm nhan Thiện Bích, chiêm ngai Thiên Đàng.
Dập dìu muôn giải hồn quang
xoay vòng vạn tuế, kết tràng triều thiên."


(Thiên Đường. Thiên khúc XI, 3)

Với nhịp điệu trầm bổng, uyển chuyển, đoạn thơ mang âm hưởng tựa bài thánh ca ngân vang trong thế giới siêu việt. Những hình ảnh giàu sức gợi như ánh sáng lung linh, các linh hồn di chuyển nhịp nhàng, tạo nên một bức tranh thiên giới rực rỡ, huyền ảo. Sự vận động liên tục của ánh sáng và các linh hồn vừa gợi lên sự vĩnh hằng của cõi thiên đường, vừa thể hiện niềm hoan hỉ, tôn vinh Thiên Chúa.

Đặc biệt, cách Đình Chẩn sử dụng các từ láy, chẳng hạn như "băng băng thủy mặc ban mai, "Hợp dòng tuôn chảy đằm đằm", "bấy lần gương thẹn má đào hây hây", tạo hiệu ứng gợi hình và gợi thanh, làm nổi bật cảnh vật, cảm xúc hoặc hành động. Chúng vừa giúp hình dung rõ nét không gian và trạng thái, vừa tạo ra nhịp điệu, âm điệu uyển chuyển, dễ nghe, dễ nhớ. Nhờ vậy, chúng góp phần làm tăng tính biểu cảm và sắc thái cho tác phẩm, tạo nên chiều sâu và sinh động cho câu chuyện.

Cùng với các từ láy, dịch giả còn sử dụng các cụm từ giàu tính hình tượng nhằm tạo sự cuốn hút cho bản dịch. Đồng thời, cách diễn đạt này giúp truyền tải chính xác cảm xúc cũng như ý nghĩa sâu xa của nguyên tác, góp phần tái hiện sinh động tinh thần của nguyên tác.

"Tình nhân nghe cũng quặn sầu
còn tôi hấp hối gục đầu ngán ngao."


(Hỏa Ngục. Bi khúc V, 13);

"Ngáo ngơ ngoái lại như rằng
thấy ngay hồ nước đóng băng rợn mình
Trông loang loáng tựa thủy tinh
hư hư thực thực thực tình như mơ"


(Hỏa Ngục. Bi khúc XXXII, 4)

Những chữ "hấp hối gục đầu ngán ngao" là hình ảnh mạnh mẽ của sự mệt mỏi, tuyệt vọng, như cái kết của một cuộc tình đầy bi kịch; còn câu thơ "Ngáo ngơ ngoái lại như rằng" mang sắc thái tự nhiên của khẩu ngữ, diễn tả tâm trạng bàng hoàng, hoang mang của nhân vật. Cách dùng từ này khiến câu thơ sống động hơn, gần gũi với tâm thức người Việt. Ở đây Đình Chẩn đã sử dụng những cụm từ giàu tính hình tượng để tạo hiệu ứng mạnh mẽ cả về thị giác lẫn cảm xúc. Ông khai thác triệt để khẩu ngữ, kết hợp với nhịp điệu và hình ảnh gợi cảm, giúp tái hiện không gian địa ngục vừa chân thực, vừa huyền ảo. Những khúc thơ trong "Thần khúc" đã mang đến một trải nghiệm thi ca độc đáo nhờ sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp truyền thống của thơ lục bát với chiều sâu triết lý của nguyên tác.

Với hai cặp thơ lục bát ngắn gọn nhưng thấm đượm ý nghĩa tâm linh, dịch giả phác họa một bức tranh thiêng liêng không nhằm mô tả thiên nhiên hữu hình, mà diễn bày sự khai sáng của linh hồn. Ở đó, linh hồn tựa con thuyền trên đại dương đức tin, tuệ giác chính là cánh buồm được Chúa Thánh Thần thổi căng gió ân sủng. Khi được soi dẫn bởi ánh sáng khôn ngoan, linh hồn vượt qua biển trần gian đầy thử thách, hướng về Minh Châu Đài – vương quốc thiên đàng, nơi vinh quang Thiên Chúa tỏ rạng muôn đời.

"Buồm tuệ giác vút lên cao!
cho thuyền hồn lướt rạt rào khoan thai
băng băng thủy mặc ban mai
vượt xa ác bể vọng đài minh châu."


(Luyện Ngục. Ai khúc I, 1)

Hình ảnh con thuyền lướt đi trong ánh sáng ban mai, cánh buồm vươn cao như một biểu tượng của trí tuệ khai sáng, mở ra không gian rộng lớn, huyền ảo. Nhịp thơ phóng khoáng, tựa hơi thở của thần khí, ý thơ triền miên như lời tụng ca, rộn ràng niềm hân hoan giác ngộ và khát vọng vươn tới.

Thiên khúc dưới đây mở ra không gian tràn đầy ánh sáng thiêng liêng, nơi hào quang chân lý tỏa rạng, chiếu soi tâm hồn con người trong niềm hoan hỷ:

"Hào quang giãi sóng thiêng chao
sáng lừng vạn thế, sáng bao la trời
lừng lẫy sáng! Láng tùy nơi
láng đường hoan hảo, lẫy lời diệu ngân.

Vầng dương xưa cháy tim yêu
truyền thêm chân lý diễm kiều cho tôi
lòng bên lòng trôi êm trôi
lời minh giải thiết tha hồi tâm giao!"


(Thiên Đàng. Thiên khúc II, 1)

Trong Thiên khúc này, dịch giả khéo léo chơi chữ để nhấn nhả nhịp điệu, làm nổi bật ánh sáng thiêng liêng tràn ngập vũ trụ. Những cụm từ láy như "lừng lẫy sáng", "láng tùy nơi", "láng đường hoan hảo", "lẫy lời diệu ngân" không chỉ tạo hiệu ứng âm thanh mà còn gợi lên sự huy hoàng của chân lý. Ánh sáng ấy không tĩnh tại mà lan tỏa, dẫn dắt tâm hồn đến viên mãn. Nhịp thơ trôi chảy như lời tụng ca, đưa con người vào sự hợp nhất thiêng liêng với Thiên Chúa. Hình ảnh "lòng bên lòng trôi êm trôi" biểu thị sự hòa hợp hoàn hảo giữa con người và Thiên Chúa. Từ đó, người đọc có thể cảm nhận được quá trình chuyển hóa tâm hồn, từ bóng tối của tội lỗi đến ánh sáng của sự cứu rỗi và tinh thần cao thượng.

Bản dịch của Đình Chẩn không chỉ trung thành với tinh thần nguyên tác mà còn mang dấu ấn sáng tạo riêng, đặc biệt trong việc tái hiện không gian và sự biến chuyển nội tâm của Dante bằng thủ pháp cách tân thơ lục bát đầy vi diệu:

"Thời gian vụt thoáng
nửa đời
giật mình
tôi thấy mình rơi
hoang rừng
Lạc xa chính đạo hãi hùng
Ôi! Thảm muôn trùng
khôn xiết sầu thương!"

(Hỏa Ngục. Khúc ca I, 1)

Ở đây, ta thấy một sự chuyển biến độc đáo và tinh tế trong việc miêu tả không gian và cảm xúc. Đoạn thơ sử dụng cách ngắt nhịp và xuống dòng mang tính phá cách, tạo nên hiệu ứng thị giác và nhịp điệu đặc biệt, góp phần khắc họa tâm trạng bàng hoàng, hoảng loạn của nhân vật trữ tình khi nhận ra mình đã lạc xa chính đạo. Dịch giả đã làm nổi bật cảm giác bất ngờ và hoang mang khi nhân vật nhận ra mình đã lạc lối. Việc xuống dòng đột ngột từng nhịp thơ làm nổi bật tâm trạng trống trải, hụt hẫng, sợ hãi, đồng thời thể hiện sự sụp đổ của một thế giới tinh thần, một cảm giác khủng hoảng tâm lý. Câu thơ "Lạc xa chính đạo hãi hùng" dù mang nhịp truyền thống nhưng lại đứng độc lập, như một lời than đầy tuyệt vọng, thể hiện sự mất phương hướng cả về đạo đức lẫn tinh thần. Sự xuất hiện của thán từ "Ôi!" trong câu kết cùng nhịp điệu dồn dập của "Thảm muôn trùng/ khôn xiết sầu thương!" đẩy cảm xúc lên cao trào. Cách ngắt nhịp linh hoạt trong bản dịch của Đình Chẩn gợi ra được cái cảm giác bất an và hoang mang, khiến người đọc thấy rõ hành trình tâm linh của nhân vật.

Đình Chẩn đã kiến tạo một không gian thơ đặc sắc bằng thể thơ lục bát, cho người đọc một cảm giác rất gần và rất thật về cõi Thiên Đàng của "Thần khúc".

"Chúng em sống bởi tình yêu
luôn sẵn lòng chiều ước nguyện quang minh.
Miễn sao đẹp Ý Thiên Đình
Cho tươi muôn sắc, cho linh vạn đời"


(Thiên Đàng. Thiên khúc III, 6)

Những thi ảnh trên gợi nhắc về truyền thống dân gian nơi con người luôn tìm kiếm sự hòa hợp giữa thiên nhiên, vũ trụ và đạo lý sống.

Chỗ đặc sắc của bàn dịch này là dịch giả vận dụng điển tích vào việc chuyển ngữ một cách nhuần nhuyễn và tinh tế, khiến những suy tư về đức tin và cuộc sống trở nên thân thuộc, dễ tiếp cận, đồng thời vẫn giữ được tính nhân văn và chiều sâu triết học của nguyên tác:

"Này ai mê mộng Nam Kha [2]
bụi bèn bén cánh hồn sa thảm phiền
Bến mê mê tưởng thềm tiên
tiền tài tan tác tiếc triền thiên thu!"


(Hỏa Ngục. Bi khúc XI, 1)

Đình Chẩn còn khéo léo sử dụng hình ảnh mang màu sắc dân gian để tạo cầu nối giữa thế giới tâm linh và đời sống trần thế. Quỷ vương trong Hỏa Ngục là một ví dụ sinh động, khi tác giả lồng ghép cảnh Thập điện Diêm La và âm phủ trong văn hóa phương Đông với hình tượng Hỏa ngục trong "Thần khúc", qua đó làm nổi bật chủ đề đức tin và tội lỗi, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng và cảm nhận.

"Ba mồm quỷ mút chụt chùi
Ba tên tội phạm như gùi mía lau
Ngồm ngoàm ngấu nghiến ngau ngau
Như cô hàng xén nhai trầu nhoét nhoe."


(Hỏa Ngục. Bi khúc 34, đoạn 5)

Mỗi hình ảnh dân gian giúp bức tranh tôn giáo trở nên sống động, đồng thời tạo ra một lớp nghĩa mới, khắc họa sự đối lập rõ nét giữa những hình ảnh có tính chất nhân văn và những thế lực phi nhân, hắc ám. Cách dịch giả sử dụng hình ảnh quen thuộc khiến độc giả dễ dàng cảm nhận được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm: cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, bóng tối sẽ luôn bị ánh sáng đẩy lùi.

Bản dịch một số khúc thơ trong "Thần khúc" sang thơ truyền thống, đặc biệt qua thể lục bát, có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng rãi. Nhờ thủ pháp này, tác phẩm mang đậm dấu ấn Công giáo giáo dễ dàng chạm đến trái tim người đọc Việt Nam. Các hình ảnh, biểu tượng tôn giáo được thể hiện qua thể thơ lục bát đã trở nên thân thuộc, dễ hiểu hơn, nhờ sự tương đồng trong cách biểu đạt tâm trạng từng nhân vật, khung cảnh, và hành trình của linh hồn; vì vậy, thế giới nghệ thuật của tác phẩm đã hòa nhập vào đời sống văn hóa Việt và mang một hơi thở mới.

Nghệ thuật thơ lục bát trong bản dịch "Thần khúc" của Đình Chẩn đã mở rộng chiều kích cảm xúc của nguyên tác, tạo nên một không gian triết lý mang mỹ học Kitô giáo đầy thơ mộng. Thể thơ này giúp hòa quyện chất liệu văn hóa phương Tây với bản sắc Việt Nam, mang đến một phiên bản mới mẻ, đậm dấu ấn nghệ thuật dân gian. Bản dịch không chỉ là một công trình chuyển ngữ mà còn là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, giúp độc giả Việt tiếp cận kiệt tác phương Tây trong một hình thức gần gũi. Tiến sĩ Thánh Kinh – Linh mục Giuse Cao Gia An, S.J. đã gọi Đình Chẩn là người "chấp bút " [3] cho "Thần khúc", bởi ông đã tái tạo tác phẩm theo phong cách riêng, làm sống dậy tinh thần Dante Alighieri qua lăng kính văn hóa Việt. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ dân gian và chiều sâu tư tưởng của nguyên tác giúp tác phẩm trở nên quen thuộc, không còn là một văn bản xa lạ mà trở thành một phần của dòng chảy văn học Việt Nam.

Điểm đặc biệt của bản dịch nằm ở khả năng tái hiện thần thái của một kiệt tác thi ca phương Tây bằng ngôn ngữ phù hợp với thị hiếu của người Việt. Điều này vừa mang đến một trải nghiệm đọc thú vị vừa mở ra một chiều kích mới trong việc tiếp nhận văn học thế giới. Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, bản dịch của Đình Chẩn khẳng định rằng văn học không chỉ là câu chuyện của ngôn ngữ, mà còn là hành trình kết nối giữa các nền văn minh, giữa giá trị phổ quát và bản sắc dân tộc.

Hà Nội - Hải Phòng, 16/2/2025 - M.V.P

[1] Dante Alighieri (1265–1321): nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận văn học, triết gia và nhà tư tưởng chính trị của Italy. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bộ sử thi đồ sộ La Commedia, sau này được đặt tên là La Divina Commedia (Thần khúc). Tác phẩm này của Dante – một dấu mốc quan trọng trong nền văn học Italy và là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học châu Âu thời trung cổ – là một viễn kiến sâu sắc của Cơ đốc giáo về số mệnh trần thế và số mệnh vĩnh cửu của loài người. (https://www.britannica.com/biography/Dante-Alighieri

[2] Thời nhà Đường (608-907) Trung Hoa, tác giả Lý Công Tá viết "Nam Kha ký" kể chuyện Thuần Vu Phần, một chàng trai nghèo, nằm mộng đến nước Hòe An, được vua xứ Hòe An sủng ái, gả công chúa và phong làm Nam Kha Thái thú. Đang hưởng vinh hoa phú quý thì đất nước gặp giặc dã,vua sai Thuần Vu Phần cầm quân ra trận, đánh mấy trận đều thất bại, quân sĩ thua to bỏ chạy, công chúa chết trong đám loạn quân. Thuần Vu Phần bị vua tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thứ dân, thật tủi nhục. Đến đây, Vu Phần tỉnh giấc, nhận ra tất cả chỉ là giấc mơ hão huyền. Từ đó, "giấc mộng Nam Kha" được dùng như một thành ngữ chỉ những ước mơ viển vông, không có thực.

[3] Bài của Linh mục Giuse Cao Gia An, S.J. "Giới thiệu Thần khúc Thiên đàng qua bản chấp bút của Đình Chẩn" https://phatdiem.org/van-chuong-tho-ca/gioi-thieu-than-khuc-thien-dang-qua-ban-chap-but-cua-dinh-chan--lm-cao-gia-an-sj.html