Đôi lời của tác giả về bài thơ "Tiếng chiên" - Tác giả: Cát Đen

Lan Mary
"Tiếng chiên" là tiếng lòng của đàn chiên mà người mục tử luôn mong mỏi được lắng nghe. Với thể thơ bảy chữ, gieo vần linh hoạt, hình ảnh dung dị mà sâu sắc, bài thơ vẽ nên một bức tranh tràn ngập yêu thương, thấm đẫm nghĩa tình. Tôi muốn biểu lộ đức ái mục vụ, sự tận tâm chăm sóc đàn chiên. Mục tử không chỉ là người dẫn dắt, mà còn là người cha, người bạn đồng hành, vị lương y của đàn chiên trên hành trình đức tin, mang sứ điệp bình an của Tin mừng đến từng con chiên. NGUỒN:

"Tiếng chiên" là tiếng lòng của đàn chiên mà người mục tử luôn mong mỏi được lắng nghe. Với thể thơ bảy chữ, gieo vần linh hoạt, hình ảnh dung dị mà sâu sắc, bài thơ vẽ nên một bức tranh tràn ngập yêu thương, thấm đẫm nghĩa tình. Tôi muốn biểu lộ đức ái mục vụ, sự tận tâm chăm sóc đàn chiên. Mục tử không chỉ là người dẫn dắt, mà còn là người cha, người bạn đồng hành, vị lương y của đàn chiên trên hành trình đức tin, mang sứ điệp bình an của Tin mừng đến từng con chiên.

Ngay từ những câu thơ đầu tiên, mùa xuân hiện lên rực rỡ với sắc hoa, cỏ non, suối nhạc:

"Cỏ non xanh mướt chân thơ thới
Chiên ríu ran, suối nhạc ngân vang."


Bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống báo hiệu mùa ân phước. Đàn chiên ríu rít vui mừng, như những tâm hồn bé nhỏ được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của Đấng Mục Tử Nhân Lành.

Thế nhưng, giữa khung cảnh bình yên ấy, hình ảnh sói dữ ngơ ngác, khát chút hiền, thèm chút nương nương lại làm lòng tôi xao động:

"Sói dữ đứng lặng nhìn ngơ ngác
Khát chút hiền, thèm chút nương nương."


Phải chăng, ngay cả những tâm hồn lầm lạc cũng khao khát tìm về suối nguồn yêu thương? Mục tử không chỉ chăm lo cho những con chiên ngoan đạo, mà còn xót xa trước những con chiên lạc lối, chìm trong bóng tối bùn lầy tội lỗi. Người luôn thao thức, mong muốn đưa chúng trở về bến bờ bình an.

Hình ảnh mục tử cõng chiên què trở thành điểm nhấn của bài thơ:

"Chiên hiền hậu nép bên lòng Chúa
Học Giê-su dâng trọn tình yêu
Chiều lội suối, chiên què được cõng
Nghe tiếng đàn vọng khúc thiên triều."


Người không bỏ rơi con chiên yếu đuối, mà nâng đỡ, vác trên vai như một dấu chỉ của tình yêu vô điều kiện. Niềm vui của người mục tử khi tìm lại con chiên lạc cũng là niềm vui của cả thiên đàng: "Tìm được rồi, người ấy mời bạn bè đến chia vui" (x. Lc 15,3-7). Người mục tử không chỉ là người chăn dắt, mà còn là biểu tượng của tình yêu, là điểm tựa, là sự hy sinh âm thầm vì đàn chiên.

Cảm xúc dâng trào trong khát vọng về một đàn chiên hạnh phúc và tràn đầy ơn thánh, bài thơ vẽ nên hình ảnh buổi sáng tinh sương, khi cửa chuồng chiên mở, mục tử dẫn đường:

"Mục tử hăng say bước dẫn đường
Chiên theo gót rộn ràng khúc khích."


Đó là một hành trình đức tin đầy hy vọng, nơi đàn chiên được dìu dắt đến miền đất tràn trề ánh sáng của ơn thánh.

Bài thơ khép lại trong hình ảnh mùa xuân viên mãn, khi đức lành đơm hoa, ân phúc tuôn tràn, và đàn chiên được sống trong tình yêu thương trọn vẹn:

"Thiên xuân đến, đức lành viên mãn
Ân phúc trời vũ trụ ngát hương
Tin Mừng nở rộ muôn hoa thắm
Lộc thọ đầy, ân nghĩa miên trường."


"Tiếng Chiên" không chỉ là tiếng lòng của những con chiên bé nhỏ, mà còn là tiếng gọi thao thức của người mục tử, luôn hết lòng chăm lo cho đàn chiên của mình. Bởi vì sống là yêu thương, sống là hy sinh vì những người mình yêu.

Mời bạn đọc lại trọn bài thơ

Tiếng chiên

Xuân về hoa nở tràn ân phước
Lo lắng tan, lòng đượm an khang
Cỏ non xanh mướt chân thơ thới
Chiên ríu ran, suối nhạc ngân vang.

Dòng nước ngọc trong ngời ơn thánh
Mây lững lờ phủ mát tình thương
Sói dữ đứng lặng nhìn ngơ ngác
Khát chút hiền, thèm chút nương nương.

Chiên hiền hậu nép bên lòng Chúa
Học Giê-su dâng trọn tình yêu
Chiều lội suối, chiên què được cõng
Nghe tiếng đàn vọng khúc thiên triều.

Sáng tinh sương cửa chuồng chiên mở
Mục tử hăng say bước dẫn đường
Chiên theo gót rộn ràng khúc khích
Mến anh em, hòa nhã nhịn nhường.
Thiên xuân đến, đức lành viên mãn
Ân phúc trời vũ trụ ngát hương
Tin mừng nở rộ muôn hoa thắm
Lộc thọ đầy, ân nghĩa miên trường.

Xuân Ất Tỵ-2025, Cát Đen