Vòng sóng quy tâm: Từ cõi người đến cõi thiêng - Tác giả: Mai Văn Phấn

Lan Mary
Thơ lục bát, thể thơ truyền thống mang đậm dấu ấn căn tính dân tộc, đã trở thành biểu tượng của thi ca Việt Nam. Xuất phát từ các làn điệu hát ru, ca dao, dân ca và tục ngữ, thơ lục bát phản ánh nhịp điệu của đời sống và tinh thần người Việt. Trải qua thời gian, thơ lục bát được các thi sĩ như Nguyễn Du, Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, và gần đây là Trần Lê Khánh sáng tạo với những phong cách độc đáo. Kế thừa dòng chảy ấy, thơ lục bát của Lưu Minh Giản nổi bật như một hiện tượng đặc sắc trong văn học Công giáo Việt Nam đương đại. Với thủ pháp "vòng sóng quy tâm", thơ Lưu Minh Giản không chỉ lan tỏa mà còn hướng về một tâm điểm – Thiên Chúa, nguồn cội của sự sống và sáng tạo, một biểu tượng trung tâm của mỹ học Kitô giáo. NGUỒN:

(Về thơ lục bát Lưu Minh Giản - Linh mục Giuse Cao Gia An)

Thơ lục bát, thể thơ truyền thống mang đậm dấu ấn căn tính dân tộc, đã trở thành biểu tượng của thi ca Việt Nam. Xuất phát từ các làn điệu hát ru, ca dao, dân ca và tục ngữ, thơ lục bát phản ánh nhịp điệu của đời sống và tinh thần người Việt. Trải qua thời gian, thơ lục bát được các thi sĩ như Nguyễn Du, Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, và gần đây là Trần Lê Khánh sáng tạo với những phong cách độc đáo. Kế thừa dòng chảy ấy, thơ lục bát của Lưu Minh Giản nổi bật như một hiện tượng đặc sắc trong văn học Công giáo Việt Nam đương đại. Với thủ pháp "vòng sóng quy tâm", thơ Lưu Minh Giản không chỉ lan tỏa mà còn hướng về một tâm điểm – Thiên Chúa, nguồn cội của sự sống và sáng tạo, một biểu tượng trung tâm của mỹ học Kitô giáo.

Hình ảnh "vòng sóng quy tâm" gợi sự lan tỏa từ một tâm điểm trên mặt nước, rồi quay về điểm khởi đầu – biểu tượng của hành trình nhân sinh trở về nguồn cội. Từ góc độ triết học và tâm lý, khái niệm này tượng trưng cho sự phản tỉnh, nơi tâm hồn sau khi lan tỏa ra ngoài lại tìm về sự cân bằng nội tại. Về tâm linh, hình ảnh trên khơi gợi suy tư về sự trở về với cái thiện nguyên sơ và sự hòa hợp với Thượng Đế.

Thơ lục bát của Lưu Minh Giản tiếp nối truyền thống, mở rộng chiều kích sáng tạo, trở thành chìa khóa khám phá vẻ đẹp độc đáo của thể thơ dân tộc. Những vòng sóng trong thơ Lưu Minh Giản là quá trình vận động liên tục và quay về bản thể. Mỗi vòng sóng là một lớp nghĩa rộng mở, từ cụ thể đến trừu tượng, từ nỗi đau đến cách chữa lành, từ tách biệt đến hòa hợp. Vòng sóng quy tâm không ngừng vận động, luôn hướng về đức tin, tình yêu Thiên Chúa. Đó là quá trình thay đổi nội tâm, sự quay lại với chính mình, tìm kiếm sự hòa giải, thanh thản.

Lưu Minh Giản có hai bài lục bát viết về mùa thu, "Tàn Thu " và "Mùa Lá Rơi". Giống như bao thi sĩ khác, Lưu Minh Giản khắc họa dấu ấn vô hình của thời gian, nỗi luyến tiếc diệu vợi những bước chân mùa thu trên cây lá và vạn vật. Đây là vòng sóng thứ nhất, vòng lan tỏa từ trung tâm của mùa thu, từ "đáy thu", cũng chính từ tâm hồn nhà thơ hòa đồng với nhịp điệu của vạn vật và vũ trụ:

"Tàn thu
lá đã bay rồi
Chỉ còn gió lộng
trên đồi cô đơn
Mình cây tủi tủi hờn hờn
Buồn ngơ ngác
giữa trọi trơn lòng đời
Mùa về
muôn nỗi tàn rơi
Trái sầu rụng
gữa đất trời bao la"
(Tàn Thu);

"Chiều thu
Rụng chiếc lá vàng
Lá se sẽ
Cuộn bay ngang mặt người"

(Mùa Lá Rơi)

Đó là sự hòa quyện giữa cảm xúc của thi sĩ với quy luật vĩnh hằng của thiên nhiên. Mùa thu là khoảng thời gian của tàn phai, mất mát, cũng là sự lưu luyến, chờ đợi; nó nhắc nhở chúng ta về quy luật vô thường của cuộc sống và sự chuyển động liên tục của thiên nhiên, nơi mọi vật đều có một chặng đường. Ở vòng sóng lan tỏa này, thơ Lưu Minh Giản cũng giống như bao thi sĩ khác, không nằm ngoài những quy luật tâm lý và tình cảm chung của con người. Nhà thơ lắng nghe, ghi nhận và thể hiện tâm trạng, những cung bậc cảm xúc phổ quát, khám phá chiều sâu tâm linh, những câu hỏi lớn về vũ trụ và con người, về sự sống và cái chết.

Dưới đây là đoạn kết bài thơ "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lưu, thể hiện nỗi buồn da diết giống như trong thơ Lưu Minh Giản. Tuy nhiên, bài thơ này bộc lộ sự cồn cào và ngơ ngác của tác giả khi đối diện với những biến chuyển không thể kiểm soát, những đổi thay của thời gian:

"Em không nghe rừng thu.
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?"
("Tiếng thu" - Lưu Trọng Lưu)

Lưu Trọng Lưu và Lưu Minh Giản, dù sống ở hai thế kỷ khác nhau, đều chia sẻ một tâm trạng tương đồng về mùa thu - mùa của sự tàn phai, khô héo, khi vẻ đẹp thanh thoát dần lụi tàn. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa họ là ở cách thức thể hiện cảm xúc. Trong khi Lưu Trọng Lưu để mùa thu trôi qua với sự xao xác, ngơ ngẩn, thì Lưu Minh Giản đã tạo ra những vòng sóng quy tụ, nơi mùa thu mang chiều sâu tâm linh, nơi cái đẹp vẫn tồn tại trong một không gian thiêng liêng:

"Tàn Thu
về giữa mênh mông
Mà nghe bao nỗi
hư không vợi vời
Lòng trần khát cháy khôn ngơi
Người về ngước mắt lên trời cầu kinh"

(Tàn Thu)

Thơ Lưu Minh Giản là vòng sóng quy tâm, nơi nhân vật "người về" ngước mắt lên trời cầu nguyện, một nghi thức kết nối với đức tin thiêng liêng. Từ đó, nhà thơ tạo ra vòng khép kín giữa trần thế và cõi thánh thiêng, giữa nỗi khát khao trong tâm hồn và sự tìm kiếm niềm an ủi, vươn tới sự hoàn thiện, giao hòa với vũ trụ, với Đấng-Tạo-Hóa. Mạch kết bài thơ là hành trình quay về, một điểm tụ của cảm xúc và suy tưởng. Cùng một trạng thái quy tâm, khổ kết bài thơ "Mùa lá rơi" dưới đây biểu đạt sự vang vọng trong suy tưởng.

"Đặt chân trên xác lá khô
Nghe âm vang giữa hư vô vọng về"

(Mùa Lá Rơi)

Sự trở lại với những âm vang từ không gian hư vô, trống rỗng tuyệt đối, chứa đựng những khắc khoải về sự vô thường. Đây là điểm tụ cảm xúc, nơi người đọc vừa cảm nhận sự kết thúc vừa là sự bắt đầu của một triết lý sâu sắc về sự sống, cái chết và những dư ba của nó trong khoảng không thanh sạch của mùa thu.
Những vòng sóng quy tâm trong thơ lục bát Lưu Minh Giản khởi phát từ những rung động trong đời sống thể lý để rồi dần lan tỏa và hội tụ về cõi sâu thẳm của tâm linh. Ở đó, hành trình quy tâm là sự chiêm nghiệm bản thể, là khát vọng hòa quyện với Đấng-Tuyệt-Đối. Trong đời sống thể lý, nhà thơ phác họa những hình ảnh thiên nhiên và con người gần gũi, như lời mời gọi trở về nguồn cội. Còn trong đời sống thánh hiến, những câu chữ trở thành lời nguyện cầu, biểu đạt sự gắn bó thiết tha với Thiên Chúa, nơi mà mọi xao động đều lắng lại trong bình yên vĩnh cửu. Vòng sóng ấy không khép kín mà lan tỏa, kết nối với tha nhân, mở rộng biên độ của yêu thương và đức tin. Thơ Lưu Minh Giản vì thế vừa là hành trình quy tâm, vừa là lời nhắn gửi về sự hòa hợp giữa con người, vũ trụ và Đấng-Tối-Cao.

"Cho con sống trọn Mùa Chay
Bỏ đi cái thói nhây nhây giữa chừng
Phúc thì biết đón biết mừng
Tội thì biết sợ biết dừng, thật xa...
Cho con chân bước vào nhà
Nghe lòng rộn rã vỡ òa niềm vui"

(Vào Chay)

Bài thơ "Vào Chay" mở ra một hành trình thiêng liêng, là lời cầu nguyện và tâm tình hướng về mùa Chay – thời gian để canh tân tâm hồn và trở về với Thiên Chúa. Trong ánh sáng mỹ học Kitô giáo, bài thơ là lời mời gọi con người vượt ra khỏi những khổ đau trần thế, để tiến vào một không gian thiêng liêng, nơi sự quy tâm và thánh hóa tâm hồn được thực hiện.

Hành trình tâm linh của con người trong mối tương quan với Thiên Chúa được khắc họa rõ nét trong bài thơ "Tội và Tình", bắt đầu từ câu chuyện tổ tông truyền nơi ông Adam và bà Eva trong vườn Địa Đàng. Tác giả mở đầu bằng hình ảnh Adam chạy trốn Thiên Chúa vì sợ hãi và xấu hổ sau khi phạm tội, một hành động biểu tượng cho sự sa ngã đầu tiên của loài người. Hành động "dệt lá che thân" không chỉ phản ánh sự che giấu yếu đuối cá nhân, mà còn khởi đầu cho chuỗi đổ vỡ lan rộng trong lịch sử nhân loại: sự rạn nứt với Thiên Chúa, thiên nhiên, và tha nhân.

"Hồn trần sầu muộn héo hon
Cỏ cây gai góc phủ mòn đời xanh
Vườn yêu thương vỡ tan tành
Bờ nghiêng dốc nắng liễu xanh rũ buồn
Dầm dìa Trời đổ lệ tuôn
Trơ vơ đất trắng thẹn thuồng xót xa
Từ con đổ vỡ cùng Cha
Bao là đổ vỡ lan xa dặm trường"

(Tội và Tình)

Khổ thơ trên đã mô tả hậu quả tội lỗi tổ tông, đồng thời gợi ra nỗi đau mang tính di truyền của loài người. Tuy nhiên, bài thơ không dừng lại ở thái độ tuyệt vọng. Tình thương của Thiên Chúa, biểu trưng qua cây Thập giá mọc giữa lòng đời, trở thành nguồn cứu rỗi cho cả nhân loại.

"Nhờ tình Cha quá nhân hiền
Cha thương cho hạt oan khiên đâm chồi
Cây mọc lên giữa lòng đời
Cây mọc lên giữa kiếp người điêu linh
Cây vươn cao bóng Thập hình
Cây che bóng mát trường sinh cho đời"

(Tội và Tình)

Bài thơ khép lại bằng sự ăn năn của con người, khẳng định rằng dù mang gánh nặng tội tổ tông, loài người vẫn được mời gọi trở về với Thiên Chúa nhờ tình thương yêu và ân sủng của Ngài. Đây là bài ca tụng tình yêu cứu độ vượt thời gian, giúp hàn gắn mọi đổ vỡ và mở ra cơ hội để con người làm lại từ đầu.
Hành trình quy tâm mạnh mẽ được Lưu Minh Giản biểu đạt trong bài thơ "Vẹn Tròn Tình Cha", thể hiện sự trở về của con người với Thiên Chúa qua vòng sóng tình yêu và sự tha thứ. Tác phẩm khắc họa sự lạc lối, sa ngã của con người trong cám dỗ trần thế, nhưng đồng thời cũng gợi mở hy vọng về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Vòng sóng quy tâm bắt đầu từ sự thức tỉnh nội tâm, từ tiếng gọi dịu dàng của tình Cha, dẫn đến sự trở về trong ân sủng của Ngài.

"Con về tìm lại tình son
Con về sống lại tình con trong nhà
Đường về Cha đón từ xa
Tai con ngọt lịm lời Cha thì thầm
Hôn lên những vết thương bầm
Xoa lên những dấu lỗi lầm tội khiên
Tình con bao nẻo đường riêng
Tình Cha luôn mãi một niềm thứ tha
Con đi lạc ngút ngàn xa
Vẫn luôn dang rộng tay Cha gọi mời"

(Vẹn Tròn Tình Cha)

Hình ảnh Thiên Chúa hiện ra qua sự đón nhận trọn vẹn, xoa dịu mọi vết thương, và tha thứ mọi lỗi lầm, nhấn mạnh sự vẹn tròn trong tình yêu của Ngài. Hành trình của người con hoang đàng trở về nhà Cha là hành trình của tất cả nhân loại, từ chỗ đánh mất bản thân đến lúc tìm lại căn tính đích thực qua tình yêu thương và ơn cứu độ. Bài thơ truyền tải một thông điệp sâu sắc về sự trung tín, bao dung và thủy chung của Thiên Chúa, mời gọi mỗi tâm hồn trở về để sống trong bình an và tình yêu trọn vẹn.

Sự trở về ấy không chỉ mang tính cá nhân mà còn phản ánh một hành trình phổ quát của tâm hồn con người, giống như trong các tác phẩm khác, nơi nỗi nhớ quê hương và cội nguồn trở thành biểu tượng cho khát khao tìm lại giá trị tinh thần sâu sắc. Các bài thơ "Tết Tha Hương", "Một Chút Tết", "Tết Quê", "Về Thôi...", "Độc Trình", Đàn Bầu"... của Lưu Minh Giản thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa tác giả với quê hương, gia đình, cội nguồn tổ tiên. Qua những hình ảnh truyền thống, tác giả bày tỏ nỗi nhớ quê nhà, sự linh thiêng của Tết và những nghi thức cổ truyền. Dù ở xa hay trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, tác giả luôn khao khát quay về, tìm lại sự bình yên và kết nối với cội nguồn. Tình cảm đối với gia đình và tổ tiên là nguồn động lực nuôi dưỡng tâm hồn, là nền tảng cho đời sống thánh hiến của tác giả. Các bài thơ không chỉ nhắc nhở về mùa xuân, mà còn là hành trình nội tâm, dẫn dắt tác giả về với điểm tụ vĩnh cửu, nơi mọi giá trị tinh thần hội tụ. Đặc biệt, bài thơ "Trước Bàn Thờ Tổ Tiên" biểu đạt rõ nét hành trình quay về với cội nguồn, qua sự tôn kính tổ tiên và khôi phục các giá trị đạo đức, phẩm hạnh.

"Con về gác mộng nghe chuông
Trầm mình tắm bến cội nguồn tổ tiên
Tạ ơn một Tết bình yên
Ngẩng đầu con lại an nhiên làm người"

(Trước Bàn Thờ Tổ Tiên)

Hình ảnh "tắm bến cội nguồn tổ tiên" mang ý nghĩa thanh lọc tâm hồn, khôi phục những giá trị đạo đức và phẩm hạnh đã hun đúc nên bản sắc. Trong không gian thiêng liêng của bàn thờ tổ tiên, con người không chỉ đối diện với quá khứ mà còn với chính mình, nhận ra sự gắn bó bền chặt giữa hiện tại và di sản truyền thống. Sự "ngẩng đầu an nhiên làm người" biểu trưng cho niềm tin vào sự hồi sinh của nhân cách và giá trị sống, nhờ sự soi sáng từ nguồn cội và lòng tri ân sâu sắc.

Những vòng sóng quy tâm trong thơ lục bát của Lưu Minh Giản được biểu đạt đa dạng và phong phú, tạo nên sức vang vọng sâu sắc trong lòng người đọc. Những bài thơ của Ngài vừa là tiếng lòng của con người hoài niệm, tìm kiếm và trở về với cội nguồn, vừa là hồi chuông thức tỉnh, khơi dậy lòng nhân ái và sự trọn vẹn trong đức tin. Qua từng vần thơ lục bát dịu dàng và bay bổng, Lưu Minh Giản đưa người đọc bước vào một cảnh giới tĩnh lặng, nơi tình yêu Thiên Chúa được phản chiếu qua từng cung bậc cảm xúc, từ sự sám hối, ăn năn, đến niềm hy vọng và đón nhận sự bao dung, cứu rỗi. Thơ Ngài còn truyền tải thông điệp về tình yêu thương tha nhân, nhắc nhở con người về trách nhiệm sống chân thành, biết chia sẻ và đồng cảm trong một thế giới đầy thử thách. Những vòng sóng quy tâm ấy là lời mời gọi hướng tới cộng đồng, gắn kết con người với nhau trong tình yêu thương và sự tha thứ.

Thơ lục bát Lưu Minh Giản kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Phần lớn trong các bài thơ, tác giả sử dụng cách ngắt nhịp trong thơ lục bát truyền thống, với nhịp 2/2/2, 2/4/2, hoặc 4/4. Ví dụ:

"Chỉ cần/ một chút/ Tết thôi
Khổ bao nhiêu khổ/ nữa rồi cũng tan"

(Một Chút Tết);

Hay:

"Năm nay/ có Tết/ không em?
Anh đi/ xa mãi/ vẫn thèm/ Tết quê"
(Tết quê)

Nhưng trong một số bài, tác giả đã phá cách độc đáo, tạo nên những hiệu ứng thị giác và cảm xúc ấn tượng. Tác giả chủ ý ngắt dòng, đảo nhịp, và tách các nhịp của câu thành dòng thơ độc lập, tựa như những câu thơ riêng lẻ.

"Chiều thu
Rụng chiếc lá vàng
Lá se sẽ
Cuộn bay ngang mặt người"

(Mùa Lá Rơi)

Thủ pháp này tạo cho không gian bài thơ những góc cạnh, liên kết bất thường, phá vỡ sự liền mạch thường thấy trong lục bát truyền thống. Sự phá cách này không chỉ tạo hiệu ứng thị giác đột ngột mà còn nhấn mạnh các từ, cụm từ quan trọng, mở ra những khoảng lặng và chiều sâu cảm xúc. Nhịp thơ đứt quãng, bất thường tạo độ mở, hòa nhịp với nội dung biểu đạt sự hoài niệm, trống trải...

Bài thơ "Nửa Chừng" sau đây của Lưu Minh Gian là cách tân độc đáo trong thể lục bát, kết hợp giữa hình thức cổ điển và tính tự do trong diễn đạt. Tác giả đã biến hóa thể thơ lục bát trở thành một công cụ để thể hiện những cảm xúc lưỡng lự, mâu thuẫn, và sự bấp bênh của con người trong thế giới vô thường.

"Nửa chừng thánh
Nửa chừng người
Nửa chừng khóc
Nửa chừng cười
Vô duyên...
Nửa chừng tỉnh
Nửa chừng điên
Nửa chừng nhớ
Nửa chừng quên
Vô thường..."
(Nửa chừng)

Cấu trúc lặp lại "Nửa chừng" xuyên suốt bài thơ không chỉ tạo ra nhịp điệu đều đặn, mà còn phản ánh sự giằng co, mâu thuẫn trong cảm xúc và nhận thức con người, từ giận thương, tỉnh điên, nhớ quên đến xa lạ, tiếc nuối... Những câu thơ thể hiện sự bấp bênh và mơ hồ của cuộc sống, đồng thời khơi gợi những suy tư về hoài niệm, thiếu vắng. Mặc dù giống như thơ đồng dao với nhịp điệu dễ nhớ và lặp lại, bài thơ lại không mang tính giáo dục hay giải trí, mà đi sâu vào khám phá bản chất phức tạp của con người.

Lưu Minh Giản sáng tác nhiều thể loại thơ, từ lục bát, ngũ ngôn, đường luật đến thơ tự do. Thơ của Ngài hòa quyện tinh tế giữa đức tin tôn giáo và cảm xúc, phản ánh những suy tư về cuộc sống, sự vô thường và khát vọng cứu rỗi. Ngoài thơ, Lưu Minh Giản còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút và sáng tác nhạc. Đặc biệt, truyện ngắn "Huệ trong đêm" của Ngài đã được chuyển thể thành phim "Huệ đêm", gây tiếng vang trong và ngoài cộng đồng Công giáo.
Nhà thơ Lưu Minh Giản (bút danh của Linh mục Giuse Cao Gia An), sinh năm 1981 tại Giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ngài trở thành Tiến sĩ chú giải Kinh Thánh đầu tiên của Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án tại Roma (Ý).

Thơ lục bát là một mảng đặc sắc trong kho tàng văn chương phong phú của Lưu Minh Giản. Tác phẩm của Ngài đa dạng, sâu sắc, phản ánh thế giới nội tâm phong phú, nơi đức tin tôn giáo giao hòa cùng cảm xúc con người. Hy vọng tôi sẽ có cơ hội tiếp cận trọn vẹn các tác phẩm của Lưu Minh Giản, để từ đó khắc họa rõ nét hơn chân dung một gương mặt văn chương Công giáo tài năng, mang đến cho bạn đọc những khám phá đầy bất ngờ và thú vị hơn.

Hải Phòng, 6/01/2025 - M.V.P