Sơ Xuân Cát. OP, thuộc Hội Dòng nữ Đaminh Gò Vấp, là tác giả trẻ, tài năng của văn học Công giáo đương đại. Sơ đã đạt Giải VHNT Đất Mới ở nhiều thể loại. Năm 2019, truyện dài Đời làm hạt đạt Giải Khuyến khích. Năm 2020, kịch thơ Món quà kỳ diệu đạt Giải Nhất. Năm 2022, trường ca Ánh lửa đức tin trong đại dịch Covid đạt Giải Nhất và kịch Mái ấm lòng thương xót Chúa giải Khuyến khích. Năm 2024, đạt giải Nhất trường ca: "Gương phúc tử đạo" và Giải Nhì kịch bản văn học, kịch: "Nắng sau lưng chiều".
Những giải thưởng ấy là tín hiệu vui về một ngòi bút tài năng và nhiệt tâm trong việc loan báo Tin Mừng. Rồi đây, nếu đẹp ý Chúa, Sơ sẽ trở thành một tác giả với khuôn mặt nghệ thuật khả ái, tiếp bước các thế hệ cha anh trên con đường xây dựng một nền văn học Công giáo xứng với tầm vóc của lịch sử giáo hội Việt Nam. Lịch sử văn học Công giáo đương đại đã ghi dấu ấn nghệ thuật rất đậm của Đức ông Xuân Ly Băng, nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự, nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây, nhà thơ-Lm Sơn Ca Linh, nhà thơ Lê Đình Bảng, nhà thơ-Lm Đình Chẩn, nhà thơ-Lm Cao Gia An...
I .ĐỜI LÀM HẠT (Truyện dài)
Truyện có 28 chương, kể chuyện nữ tu tập sinh Như Huyền sống với một cộng đoàn miền núi giúp các cháu khuyết tật.
Cấu trúc Đời làm hạt là kể chuyện trong truyện: Ở Nhà Mồ côi, anh Hòa kể chuyện Sr Như Huyền cho bé Hải nghe. Cuối truyện, Sr Nương kết luận: Sr Như Huyền đã sống như đời làm hạt. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Ngoài cấu trúc truyện, cũng cần xem xét những yếu tố khác của tác phẩm như: lời văn, nghệ thuật dẫn truyện, miêu tả bối cảnh, khắc họa nhân vật, cách sử dụng vốn sống, vốn tri thức văn hóa...bởi vì, những yếu tố này cũng làm nên giá trị tác phẩm.
Mở đầu: Bên lò rèn. Ở Nhà Mồ Côi, bé Hải 12 tuổi đòi anh Hòa kể chuyện chị Huyền.
1. Phi Hòa làm ở công ty Supe Phốt phát Lâm Thao. Trên đường đi làm, Hòa đã cứu Như Huyền (một nữ tu) bị tai nạn xe Honda quấn chân vào bánh xe. Hòa đưa cô vào bệnh viện nối gân chân. Sau 1 tháng Huyền đã tập đi được. Hòa đến thăm mỗi ngày nói chuyện bâng quơ.
2. Sự êm dịu của nấc thang đi xuống. Hòa tặng Huyền cái Nokia. Một đêm Hòa hẹn gặp Huyền. Cô tựa vào người Hòa. Có bóng chùng thâm, cô bỏ chạy.
3. Dai dẳng và dứt khoát. Mẹ bệnh nặng, Huyền về thăm mẹ và biết được lai lịch bố mẹ. Bố bồng anh trai Huyền bỏ đi. Mẹ dặn Huyền tìm anh và bố. Mẹ chết, Huyền trở về nhà dòng. Cô quăng điện thoại của Hòa xuống sông.
4. Tĩnh tâm tại nhà mẹ. Như Huyền về nhà dòng Mẹ ở Bãi dâu. Phi Hòa tuyệt vọng khi về Ninh Bình tìm cô.
5. Nhiệm sở mới. "Ngày 15 tháng 8 năm 2005. Chuyến xe lửa vừa đáp tới ga Hà Nội, hai chị em bắt xe ô tô lên Nhà Mồ côi Thánh Tôma Aquino tại Tràng Định – Lạng Sơn, nơi có cộng đoàn các dì đang phục vụ. Hai dì Trúc Nương và Kiều Thu ra đón, theo sau là đám trẻ thiểu năng trí tuệ reo hò. Huyền nhận lớp dạy hơn chục trẻ. Chúng hỗn láo, Huyền đuổi hết.
6. Câu chuyện bên bến cây Đa. Huyền và Trân lên chỗ gốc cây đa. Gặp lại Phi Hòa. Anh ta giận dữ. Khi Bảo Trân đến, Huyền mới rút lui được
7. Tại bến Đá Kép. Hai tuần sau, Như Huyền lại ra con suối để giặt quần áo, nhưng cô không giặt ở bến cũ, mà lên bến phía trên. Gặp lại Hòa, Huyền cự tuyệt. Anh xẵng giọng: "Giêsu là ai, anh không biết, em đừng nhắc đến cái tên ấy trước mặt anh nữa".
8. Giá trị con người. Trở lại dòng suối, Huyền dẫn theo một bé bị đao (down) và một bé thiểu năng trí tuệ. Lại gặp Hòa, Huyền khuyên Hòa đừng tàn phá thiên nhiên. Hòa nhận ra Huyền ở Nhà Mồ Côi nuôi hơn chục trẻ khuyết tật. Anh mỉa mai. Huyền cho anh một bài học về giá trị người. Hòa bỏ về.
9. Thánh Lễ chạy lụt. Cha đến làm lễ, trẻ con khóc, đùa giỡn, quá ồn ào lộn xộn, cha bỏ về. Huyền cãi cha. Rồi mưa lụt, xã lũ phải cứu lúa. Con bò ăn lá sắn bị say, Huyền phải lấy kim đâm vào bụng bò cho xì hơi độc ra cứu nó.
10. Một sự thật: Dì Nương nói cho Huyền biết hoàn cảnh của Phi Hòa. "Đúng là anh ấy đã có một gia đình, nhưng người vợ ấy cũng đi làm gái nên vợ chồng lục đục luôn. Sau khi sinh Thiên Nga được ba tháng thì cô ấy chết vì một căn bệnh lạ. Vợ mất, con bị mù, người cha bệnh hoạn nay đây mai đó nên đã dồn anh ấy vào đường cùng".
11. Khách không mời lại gặp. Huyền chăm sóc các cháu. Phi Hòa vào thăm con, cho con ăn và bồng con ngủ. Thiên Nga là đứa con gái bị mù của anh.
12. Những thử thách. Huyền bị hiểu lầm vì giữ tiền riêng và bị dì Thu nhắc nhở.
13. Lem luốc phận người. Phi Hòa phát hiện một vụ xâm hại tình dục trẻ em khuyết tật. Anh liền gọi điện cho dì Nương tới báo với công an xã, ngày hôm sau đã có người đến nhận con về.
Phi Hòa đã tậu được thửa đất nho nhỏ, anh đầu tư trồng bưởi và cam. Ngoài giờ chăm vườn anh tranh thủ đến nhà các dì cho các bé ăn và giúp các dì sửa chữa những đồ dùng cần thiết. Anh vui vẻ làm việc như thành viên của cộng đoàn. Tối đến, anh đi học lớp giáo lý dự tòng của dì Nương, và mong muốn được rửa tội vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới này
14. Thử thách và tai họa. Huyền phải ở lại nhà tập. Huyền đi giặt quần áo cho trẻ, Hòa gặp và giúp khiêng chậu thau quần áo về. Dì Thu nghi ngờ mối quan hệ của Huyền với Hòa. Lễ Giáng sinh, Hòa chịu phép rửa, có hai tên côn đồ xông vào. Anh phang một tên lăn ra. Sau lễ anh bị công an còng đi. Chắc phải tù vài năm. Huyền chứng kiến và không biết phải làm gì.
15. Một đứa con ra đời. Một năm đã trôi qua, chị Lan dọn đồ vào cộng đoàn ở luôn. Rồi chị Lan sinh con. Dì Nương đồng ý cưu mang. Dì thu kêu lên: "Trời ơi, nhà mình nuôi cả chục em khuyết tật chưa mệt hay sao mà còn rước thêm món nợ này nữa, ôi chao ơi, chị nghĩ làm sao vậy".
16. Sự kỳ phùng của tình yêu. Trân và Huyền coi cháu, để cháu leo lên mái nhà. Một đứa rớt xuống, may được ông Trương cứu. Ông Trương đến gặp chị Lan nhận con mang đi. Chị Lan thú thật tình yêu. Huyền nghi ông Tương là bố của Phi Hòa
17. Trại giam X. Huyền, dì Thu và bé Thiên Nga đi thăm Phi Hòa nhưng không nói chuyện được với Hòa. Khi về, xe của Huyền có anh trại trưởng bảo vệ trên dường dốc đèo núi rừng.
18. Nảy sinh kế hoạch. Huyền nhận được thư và tiền của cậu. Cô tặng Lan 200 còn mua sữa cho con chị lan, nói là quà của anh Trương gửi cho chị. Cô thực hiện kế hoạch hoàn hảo nhưng vẫn áy náy vì hành động lén lút của mình (lần trước bị kiểm điểm vì giữ tiền riêng).
19. Gặp gỡ. Dì Nương gặp ông Trương khuyên vào đạo và làm phép hôn nhân với chị Lan. Ông nói đang rối đạo với người vợ trước. Cả Huyền và dì Nương đều nghi ông Trương là bố Phi Hòa. Huyền lo ông Trương về sẽ lộ quà cô gửi cho chị Lan mạo danh ông.
20. Sự dối trá. Dì Thu phát hiện ra thư cậu gửi cho Huyền và không chấp nhận sự dối trá.
21. Xuất tu. Huyền quyết giữ bí mật, cô phải xuất tu. Bước ra khỏi cộng đoàn, Như Huyền mới thật sự cảm nhận cảm giác mất mát, mọi thứ như tuột khỏi tay vĩnh viễn. Cô thẫn thờ lên xe về nhà. Cậu Phúc đón.
22. Cuộc sống thôn quê. Hơn một tháng ở nhà, Như Huyền đã gây thiện cảm với chị Thu Hà. Hôm nay, ngày lễ giỗ của mẹ Như Huyền, bác Trương đang từ từ đi tới. Huyền ngồi im đó nghe Bác Trương kể về cuộc đời của mình.
23. Bố con gặp nhau. Dì Thanh đến nhà thuyết phục Huyền trở lại dòng tu. Cậu Phúc khi gặp bác Trương thì gọi anh Trung sau đó nói cho Huyền biết đây là bố, Sau do dự, Huyền nhận bố.
24. Đoàn tụ gia đình. Huyền nói với cậu Phúc bố có đứa con trai 1 tuổi. Cậu phúc cho đón mẹ con chị Lan về đoàn tụ. Cậu Phúc muốn Huyền ở nhà chăm sóc bố.
25. Thư báo. Người hại Hòa vào tù là chồng chị Hà. Họ sẽ cùng cậu Phúc đến trại giam minh oan cho Hòa và xin ân xá. Huyền có giấy gọi của nhà dòng. Ông Trung khuyên con trở lại dòng tu.
26. Tình gia đình. "Sau hai tuần, mợ Nhung dẫn Như Huyền đi chào các bác để lên đường. Gặp lại Phi Hòa. Trên con đò từ tỉnh trở về, cả gia đình ông Trung đều rất hạnh phúc, họ kể cho nhau những câu chuyện vui. Bé Thiên Nga được ông nội bế suốt thời gian ngồi trên đò. Đêm ấy cả nhà hạnh phúc"
27. Đến thăm cộng đoàn. Như Huyền cùng Phi Hòa lên cộng đoàn Tôma Aquinô Lạng Sơn, nơi Huyền thực tập. Chị Lan cũng lên thăm hai đứa con khuyết tật ở đây, ở chơi 3 ngày. Dì Thu xin lỗi vì đã hiểu lầm Huyền.
28. Ra đi trong âm thầm. Đập thủy điện Hà Cát bị vỡ, Huyền lo đưa các em lên nhà thờ lánh nạn. Rồi lo cứu thêm người, Huyền bị chết chìm. Ông Trung chuẩn bị lễ khấn trọn cho Huyền, ngày ngày mong con về.
Chương kết: Đất mới. Họ lên thăm lại cộng đoàn. Thiên Nga giờ đây là một thiếu nữ xinh đẹp, với giọng hát và tài nghệ chơi đàn của mình, cô được bố đưa đi nhiều nơi để thỏa ước nguyện ca hát của mình. Kể từ khi ông Trung mất Chị Lan, đã lên lại cộng đoàn để giúp các dì và chăm sóc con và các cháu ở đây. Mảnh đất truyền giáo nơi đây thật phát triển, nhà thờ đã có cha xứ coi sóc, giáo dân đi lễ đông hơn, mỗi năm nhiều người xin theo đạo để cùng sống yêu thương nhau.
Dì Nương nói tiếp: "Hình ảnh dì Như Huyền mà anh Phi Hòa vừa kể cho Thiên Nga và Hải nghe đó, Dì đã sống như một đời làm hạt. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Đời làm hạt kể lại cuộc đời của nữ tu Như Huyền, tuy chưa khấn trọn, nhưng cũng đã dâng hiến đời mình cho công việc phụ vụ tha nhân và ra đi âm thầm. Chủ đề của truyện được Dì Nương nhắc lại ở cuối truyện: "Hình ảnh dì Như Huyền mà anh Phi Hòa vừa kể cho Thiên Nga và Hải nghe đó, Dì đã sống như một đời làm hạt. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).
Có khá nhiều chất liệu đời sống thực mà tác giả trải nghiệm được tái hiện trong truyện, đó là sinh hoạt ở Nhà Mồ Côi Lạng Sơn, nơi tác giả sống đời tu, phục vụ trẻ em khuyết tật. Nếu câu chuyện dì Như Huyền là có thật, thì người đọc thấy rằng, việc đi tu, sống đời dâng hiến là không dễ chút nào, và tác giả Xuân Cát đã đặt ra những vấn đề xã hội làm nhức nhối lương tâm chúng ta.
Như Huyền bị Phi Hòa quấy rối một thời gian dài, rồi bị Dì Thu nghi ngờ, đến nỗi phải xuất tu. Việc phải xuất tu là một hình thức kỷ luật rất nặng nề làm tổn thương trầm trọng danh dự và ơn gọi đời dâng hiến. Phải chịu đựng án kỷ luật ấy, Như Huyền có thể sụp đổ hoàn toàn. Gia cảnh của Như Huyền cũng hết sức phức tạp. Mẹ chết, thất lạc bố và anh. Khó khăn tứ bề, phận nữ tu bé nhỏ yếu đuối phải chống đỡ với bao nghịch cảnh vùi dập: nghịch cảnh gia đình, nghịch cảnh của bản thân, và những nghịch cảnh do môi trường thiên nhiên và xã hội gây ra (bão lũ). Người nữ tu ấy đã đuối sức, đã âm thầm hy sinh, bao nhiêu cố gắng của đời tu chưa kịp đơm hoa kết trái.
Điều này để lại nhiều bài học lương tâm cho những người có trách nhiệm. Và sẽ làm chột dạ những thiếu nữ đơn sơ muốn đi tu. Lời giải thích của Sr Nương về "Đời làm hạt" của Như Huyền chỉ là một lời tự vuốt ve sự thiếu sót trách nhiệm của mình. Tại sao Dì Thu không đối xử có trách nhiệm và có tình yêu thương với Như Huyền khi người nữ tu này còn sống? Như Huyền đã không được sống trong mội trường của Tin Mừng như lời Đức Giêsu dạy:"Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Cái chết kết thúc số phận Như Huyền còn ám ảnh chúng ta mãi.
Đời làm hạt hiện lên trước mắt người đọc nhiều vấn đề xã hội rất cần đến tình yêu thương. Việc chăm sóc các cháu khuyết tật ở Nhà Mồ Côi khó khăn biết chừng nào, cần xã hội quan tâm và chung tay. Những phận đời bất hạnh cũng cần sự cưu mang và yêu thương. Những bi kịch cá nhân, gia đình cần minh oan và hòa giải. Những ngộ nhận, định kiến trói buộc trái tim con người cần phải được tháo mở, để lòng trắc ẩn có cơ hội lan tỏa. Tình hình an ninh xã hội cần phải được bảo đảm. Đời sống tu tập cần được tổ chức đúng với linh đạo dòng tu và những quy định của giáo hội. Bản thân người sống đời dâng hiến phải được bảo vệ, giúp sức, không thể một mình trần trụi bị vùi giập trong bão giông như sr Như Huyền.
Tất cả những vấn đề ấy đủ tạo nên một tác phẩm hay và có tầm vóc tư tưởng xã hội. Đó là tiếng nói trách nhiệm, tiếng lương tâm của nhà văn Công giáo trước hiện thực, cũng là tiếng nói của Lòng Chúa thương xót đối với mọi phận người.
Điều hạn chế của tác phẩm là sự "non tay" của tác giả trong việc kiến tạo tác phẩm để những nội dung, tư tưởng và diễn ngôn ấy trở thành tiếng nói nghệ thuật có sức thuyết phục người đọc. Tác phẩm còn ở dạng nguyên thô, Tự nhiên chủ nghĩa.
Mối quan hệ của Phi Hòa và Như Huyền được kể lể rất dài dòng làm nản lòng người đọc. Ngòi bút miêu tâm lý chưa được đầu tư để thâm nhập sâu vào những vận động bên trong của nhân vật: vận động tâm lý, sự gắn bó tâm linh giữa nhân vật với Chúa, sức mạnh của sự cầu nguyện, sức mạnh dấn thân hy sinh của đời dâng hiến...chẳng hạn, tâm trạng rối bời, hoảng loạn, thất vọng, tủi hổ của Như Huyền lúc bị đuổi khỏi nhà dòng? Như Huyền đã bám lấy Chúa thế nào lúc đuối sức buông tay chìm xuống dòng nước lũ? Bằng con mắt đức tin, người đọc nhìn thấy Chúa đã đón nhận linh hồn Như Huyền về với Chúa thế nào? Như Huyền chưa được minh oan về việc bị đuổi khỏi dòng tu, và không được giải thích vì sao Huyền được gọi trở lại nhà dòng sau đó. Việc đoàn tụ giữa Ông Trung, Huyền, anh trai Phi Hòa được miêu tả ngẫu nhiên. Điều này cần được lý giải bằng ơn Chúa để nâng đỡ tâm hồn Huyền. Trái tim của Huyền và Hòa chuyển biến thế nào khi tình yêu trở thành tình anh em...? Lẽ ra, việc tiếp cận tâm linh của Như Huyền với Chúa phải được khám phá thật sâu sắc trong mỗi phút sống để Huyền có niềm tin và sức mạnh trên mỗi bước chân theo Chúa. Nhưng nhân vật chưa đạt được phẩm chất này, đành để số phận bồng bềnh trôi đi vô định.
Đôi khi sự diễn đạt chưa văn chương. Thí dụ:
Một câu hỏi thô thiển (chương 15):
- "Em có thai sao không nói cho mọi người biết, giấu đến tận giờ này là có ý đồ gì? Em không biết đây là nhà các dì sao, chẳng ra thể thống gì cả". Trong khi chị Lan chỉ biết im lặng thì dì Thu lại nói tiếp: "thế thằng làm cho em dính bầu là ai, nó ở gần đây không?"(tr.42)
Nếu đây là một truyện dài đầu tay của Sr Xuân Cát thì tất cả những "non tay" ấy đều chấp nhận được. Bởi nó hứa hẹn ở Sr Xuân Cát tầm vóc một nhà tiểu thuyết thực sự tài năng và tâm huyết.
II. MÓN QUÀ KỲ DIỆU (Kịch thơ)
Kịch thơ là thể loại đòi hỏi nhiều kỹ năng. Tác giả phải có kỹ năng viết kịch bản (tạo dựng cốt truyện, tình huống, phân cảnh, viết lời thoại, hướng dẫn diễn viên, gợi ý dàn dựng...), đồng thời phải thành thạo kỹ năng làm thơ. Với một kịch thơ, lời thơ vừa phải là thơ (đúng niêm luật, có chất thơ), vừa phải là lời thoại của kịch (tức là lời ngôn ngữ nhật dụng, ngôn ngữ hành động, ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ có cá tính...). Vì thế viết một kịch bản thơ đòi hỏi nhiều công sức gấp bội. Ngôn ngữ kịch là ngôn ngữ nói vì thế không trói buộc quá chặt những niêm luật thơ.
Kịch là nghệ thuật tổng hợp. Một vở kịch chỉ bộc lộ hết giá trị khi được công diễn. Và giá trị kịch còn tùy thuộc vào kịch bản (cốt truyện, tình huống, lời thoại...), nghệ thuật thể hiện của diễn viên, khả năng chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn, vào việc dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng và môi trường diễn. Thế nên, nếu chỉ đọc kịch bản văn học, người đọc chỉ có thể tưởng tượng được phần nào những gì sẽ diễn ra trên sân khấu, hoặc chỉ có thể theo dõi cốt truyện, lời thoại, tìm hiểu chủ đề và đặc điểm thể loại, phong cách kịch.
Việc đánh giá một kịch thơ nếu theo yêu cầu của hai thể loại trên (thể loại kịch & thể loại thơ), sẽ là những yêu cầu rất cao về tài năng. Vì thế, kịch thơ không xuất hiện nhiều trong lịch sử kịch sân khấu ở Việt Nam. Kịch thơ chỉ xuất hiện thời Thơ Mới (1930-1945) và khép lại ở cuối thế kỷ XX. Có thể kể tên vài kịch thơ: Anh Nga (1934) và Tiếng địch sông Ô (1935) của Phạm Huy Thông; Huyền Trân Công chúa (1935) của Nguyễn Nhược Pháp, Hận Nam Quan (1937), Kiều Loan (1942) của Hoàng Cầm...
Chúng tôi ghi nhận kịch thơ Món quà kỳ diệu của Xuân Cát OP như là một sự thử nghiệm tài năng của tác giả, mà chưa đánh giá kịch bản như một tác phẩm văn học chuyên nghiệp.
Tác giả viết Lời mở đầu: "Theo Thư Chung mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gửi cho Cộng đồng Dân Chúa, nhấn mạnh đặc biệt đến các bạn trẻ, sau Đại Hội lần thứ XIV tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Hải Phòng. Với chủ đề năm 2020 "Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện". Trong đó, Thư Chung cảnh báo một số lối sống: buông thả, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Và tệ hơn, lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, hôn nhân thử, phá thai, bạo lực...mà người trẻ có thể sai phạm. Tác phẩm "Món quà kỳ diệu" sẽ nói lên một trong những lời cảnh báo ấy".
Cảnh trí: Trên sân khấu, từng cảnh được diễn tả:
- Phòng trọ của các sinh viên
- Ngôi làng Bêlem năm xưa
- Thềm đá bên dòng sông
Âm thanh:
- Nhạc nền nhẹ
- Bài hát: Quán Trọ Đêm Đông
- Bài hát: Bài ca bảo vệ sự sống- Ns Trần Quang Dũng
- Bài hát: Tiếng hát Thiên Thần
- Bài Maghificat
- Tiếng nhẹ của gió, tiếng xào xạc của lá, tiếng nước chảy.
Nhân vật:
- 4 sinh viên: 3 bạn nam và 1 bạn nữ
- Giuse và Maria
- Bác chăn cừu khoảng 60 tuổi
- 4 em mục đồng 12-13 tuổi
Hai gia đình nhà trọ trong thành Belem
Nội dung kịch bản:
Bình và Lài là sinh viên, họ yêu nhau và có con ngoài ý muốn. Nghe bạn kể chuyện Giuse cưu mang Mẹ Maria sinh Chúa Giêsu, Bình tìm gặp Lài xin lỗi và nhận trách nhiệm cố gắng gìn giữ đưa con của mình.
TRÍCH
Màn 1: Ba chàng sinh viên trong phòng trọ
Sinh viên 1: (trăn trở, lo lắng) thắc mắc sinh viên 2
Minh ơi, cậu có biết không?
Dạo này Bình béo không học không chơi
Miệng câm chẳng nói một lời
Mặt mày ủ rũ, tơi bời đầu tai.
Sinh viên 2: suy nghĩ 1 chút rồi như chợt nhớ ra, trả lời
À... tuần trước có gặp Hương Lài
Hai người cùng nói vài lời, bỏ đi...
Sau đó Bình chẳng thiết chi
Điện thoại, facebook hay đi hẹn hò
(Bình buồn bã, lê lết đi về phòng trọ, nhưng anh đứng ngoài cửa, nghe thấy hai bạn đang hỏi nhau. Anh bước vào).
Bình: (Day dứt, buồn bã, quyết định)
Sau lần sinh nhật vui say
Hương Lài và tớ nắm tay câu thề
Hai dòng máu đỏ phòng khuê
Vui "mầm sống mới", nhưng... đổ về lo âu
Sinh viên 1: (ngạc nhiên, há miệng, trách móc)
Trời...trời...trời
Sao bạn liều quá bạn ơi!
Tốt nghiệp cuối khóa tới nơi kia kìa...
Hương Lài, bạn có sẻ chia?
Trách nhiệm, nâng đỡ... hay... lìa đời sinh viên.
Bình: (đắn đo)
Ba mẹ tớ chẳng để yên
Vì... môn đăng hộ đối là chuyện ưu tiên
Hương Lài chắc sẽ chịu phiền
Nên đành "giải quyết" liên lụy thật nhanh
Sinh viên 1: (trợn mắt, đứng phắt dậy, đập tay, bắt bẻ)
Há...
Làm sao bạn lại nghĩ ra
Tội trọng lắm đó... lại... lìa xa Chúa trời.
Sinh viên 2: (trấn an)
Thông cảm cho bạn lúc này
Nhưng cần nghĩ kỹ từng ngày từng giây
Dẫu ngàn gian khổ chất đầy
Đối diện, ý thức giải vây vấn đề
Mạng sống! bạn chớ khinh chê
Món quà Chúa đó! vỗ về, chở che
Hương Lài đang rất e dè
Hãy cho cô ấy làm mẹ, nuôi con...
Bình: (Cười khổ)
Bạn nói, tớ biết vậy thôi
Bởi... chuyện này làm tớ đứng ngồi không yên
Thanh niên giờ có ai hiền
Để lại đứa trẻ lụy phiền, khó khăn
Sinh viên 2: kể chuyện
Vậy giờ bạn hãy ngồi nghe
Tớ kể cho biết Giuse, bạn mình
Mẫu gương công chính, hy sinh
Cha nuôi con Chúa bằng cả tình yêu
Nhìn chung, Kịch thơ Món quà kỳ diệu có nội dung tốt, chủ đề huống đến vấn đề "nóng" của giới trẻ, xây dựng được mâu thuẫn kịch, giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực, lời thơ (lời thoại) phù hợp với nhân vật, tuy đôi chỗ, do yệu cầu nói, vần luật có lỏng lẻo.
Tuy vậy, nội dung kịch rất đơn giản. Nội dung kịch bị lộ ngay từ đầu thành ra mất đi tính hấp dẫn. Kịch trở thành một vở diễn minh họa cho một chủ đề có trước, vì thế kịch bản này chỉ là một kịch bản phong trào, không phải kịch bản nghệ thuật (vì không có dấu ấn của sự sáng tạo). Kịch được trao giải là ở giá trị hướng về giáo dục giới trẻ hơn là sự tôn vinh những sáng tạo nghệ thuật. Bởi văn học Công giáo trước hết là giáo dục những giá trị của Tin Mừng.
III. ÁNH LỬA ĐỨC TIN (trường ca)
Trường ca là một thể loại thịnh hành trong văn học Việt đương đại. Có hai loại trường ca. Trường ca trữ tình chủ yếu là tâm trạng tác giả trước hiện thực. Trường ca tự sự là câu chuyện được tác giả kể lại dưới dạng thơ, nhưng chưa hẳn là một truyện thơ. Tác giả có thể chỉ dùng một thể thơ, hoặc phối hợp nhiều thể thơ, và đa phần là thơ tự do để viết trường ca.
Ánh lửa đức tin là một trường ca tự sự. Tác giả kể lại câu chuyện của một đứa bé trong mùa đại dịch. Nó mất cả cha lẫn mẹ, nhưng được cha xứ cưu mang. Ba mươi năm sau đứa bé đã là linh mục. Cha con đàm luận về vấn nạn: trong đại dịch, Chúa ở đâu.
Trường ca kể một câu chuyện thời sự nhưng giàu tính tư tưởng và khẳng định lòng tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Kết cấu truyện đầy kịch tính và giữ được bí mật đến cuối. Ngôi trần thuật biến hóa, có khi là tác giả, có khi là tiếng nói trực tiếp của nhân vật. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ của Thơ Trẻ đương đại.
Ánh lửa đức tin là một trường ca của văn học Công giáo mà tư tưởng và nghệ thuật có thể sánh ngang với trường ca Việt đương đại. Đặc sắc của trường ca này là sự sáng tạo câu chuyện rất cảm động. Tư tưởng và nghệ thuật đã vượt qua khuôn khổ của văn chương phong trào trong mùa đại dịch Covid.
Nội dung trường ca (trích)
Chương 1: Dịch đến
Giữa thành phố lệ hoa
bố mẹ bé là những công nhân thuê nhà mướn trọ.
nhưng bất thần một ngày
Covid tái hiện đến
Chương 2: Bố ra đi chống dịch
Cuộc chia tay đầy lưu luyến
đứa trẻ lại vui mừng hãnh diện
vì bố nó là một anh hùng
liều lĩnh, can đảm như đi mở mang bờ cõi
thuở chốn hồng hoang.
Bố ra đi mở bờ cõi của tình yêu phục vụ
tình yêu nước Chúa
khi dịch Virus Corona đang ngày một lan mạnh.
Bố đi chống dịch cùng cha xứ
Chương 3: Tình hình dịch căng thẳng
Nhà bên kia có một người ra đi
hôm nay thêm ba người nữa đã ra đi
ôi! Chúa ơi!
đau lắm!
Có quá nhiều người ra đi cùng một lúc
có quá nhiều người bất lực, đau đớn, lẻ loi và cô đơn
trong hoang mang lo lắng
thấy đâu bờ hy vọng
mãi hỏi... Thiên Chúa ở đâu trong những ngày này?
tại sao dịch Covid lại xảy ra...?
Chương 4: Bố chết
Cha xứ báo tin bố chết, bố đã được chịu các phép. Mẹ ngất xỉu.
"Đứa trẻ nằm trong bụng mẹ bị chấn động
nó kêu gào thống thiết mà chẳng ai nghe thấy
bố ơi...
bố đâu rồi...
sao bố không chờ ngày con ra đời
để thỏa ngắm dung nhan thiên thần yêu dấu
con mường tượng bố nằm im trong túi màu trắng đục
ngoan ngoãn để người ta đưa đi
Bố ơi"
Chương 5: Tâm trạng người vợ. Chị phải sinh phẫu thuật, con trai. Chị ra đi khi vừa kịp thấy mặt con
Chúa Giêsu trên Thánh Giá đang mỉm cười với chị
Người đã luôn ở với gia đình
Ôi! Chúa ơi!
có Ngài, con vui mừng hạnh phúc.
Chương 6: 30 năm sau, có một Lm trẻ bên Lm già, người đã từng bồng bế. Lm già hỏi Lm trẻ, khi Covid xảy ra, Chúa ở đâu:
"Ngài vẫn ở bên chúng ta
Ngài cảm thấu hết những bệnh tật của ta
những ai chạy đến với Giêsu trong ánh sáng đức tin
sẽ gặp Ngài
vì Ngài là con người và đã có kinh nghiệm về tất cả những điều này."
IV. NẮNG SAU LƯNG CHIỀU (tập kịch bản)
Tập kịch bản "Nắng sau lưng chiều" khẳng định thêm tầm vóc nghệ thuật và năng lực sáng tạo của ngòi bút Sơ Xuân Cát.
Tác giả đối mặt trực diện với những vấn đề hiện thực sống đạo để lên tiếng nói trách nhiệm của lương tâm Công giáo và đề xuất những giải pháp với người trẻ. Chẳng hạn, tình trạng gia đình đổ vỡ làm tổn thương trẻ; tình yêu-hôn nhân-bảo vệ sự sống của người trẻ hôm nay; hoặc vấn đề giáo dục những đứa trẻ cá biệt do hoàn cảnh gây nên...
Đặc điểm sáng tạo nghệ thuật trong kịch bản của Xuân Cát. OP là đem Kinh thánh vào đời sống hôm nay để soi sáng, mở lối cho những vấn đề gai góc. Cách làm này giúp cho người xem nhận ra Kinh thánh có thể giúp giải quyết mọi vấn đề của hiện thực. Trong các loại hình nghệ thuật, diễn kịch là phương pháp trực quan có sức hấp dẫn vượt trội. Nhưng điều này đòi hỏi tài năng nhiều mặt của tác giả. Làm thế nào để tái hiện Kinh thánh chân thực và xúc động, để những bài học từ Kinh thánh lan tỏa tự nhiên và thuyết phục cho mọi đối tượng người xem? Kịch của Xuân Cát đọng lại niềm vui và vẻ đẹp tuyệt vời của Kinh thánh trong lòng người đọc.
Điều làm người đọc ngạc nhiên là sự phong phú thể loại kịch bản trong tập sách này. Sơ Xuân Cát đã viết: Kịch bản sân khấu, Kịch bản phim ngắn, Kịch lửa trại, Kịch thơ, Kịch ơn gọi, Kịch Đại hội, Kịch rối. Ai cũng biết rằng, mỗi loại kịch bản (do hướng tới những đối tượng khán giả khác nhau) có những đặc trưng nghệ thuật riêng, có những quy cách dàn dựng riêng, đòi hỏi những tài năng riêng của đạo diễn, và có những yêu cầu rất khác nhau để thực hiện. Chẳng hạn, cách thực hiện một phim ngắn thì rất khác với diễn kịch rối và kịch vui ở trại. Đọc các thể loại kịch bản của Sr Xuân Cát. OP. người đọc đã nhìn thấy, một ngày không xa, văn học Công giáo sẽ có một tác giả kịch bản lớn.
Một sự thật lịch sử là, ngoại trừ những vở tuồng Công giáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như Tuồng Cha Minh (1881), Tuồng Joseph (1888), Tuồng Thương Khó (1912), Tuồng Bảy mối tội (1922),...và kịch của Trần Duy Nhiên (1941-2009), Văn học Công giáo chưa có các tác giả kịch bản chuyên nghiệp nào định vị được tài năng sáng tạo của mình trên dòng chảy văn học dân tộc như một tác giả viết kịch thế tục.
Ước gì những kịch bản trong "Nắng sau lưng chiều" được dàn dựng trên sân khấu các giáo xứ để người trẻ gặp được tuổi trẻ của mình, từ đó lan tỏa một tinh thần dấn thân vì Tin Mừng mạnh mẽ và sống động hơn.
Và ước gì Sr Xuân Cát. OP. có những kịch bản lớn hơn về tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp cho sự phát triển của văn học Công giao hôm nay. Giáo hội rất cần sự dấn thân nghệ thuật để làm vinh danh Chúa [1].
V.GƯƠNG PHÚC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH NỮ ANÊ LÊ THỊ THÀNH (trường ca)
Văn học Công giáo Việt Nam đã có Inê tử đạo Vãn, dài 562 câu thơ Nôm lục bát và song thất lục bát phức hợp khắc họa hình tượng nhân vật người phụ nữ Công giáo Việt Nam kiên trung tử đạo. "Inê tử đạo vãn được viết như một truyện dài bằng thơ theo kiểu cổ điển. Truyện có lớp lang theo từng nhân vật. Mỗi lớp, tác giả tập trung kể hành động và lời nói của nhân vật, rất ít tả bối cảnh xã hội. Góc trần thuật là của tác giả, một người đứng ngoài câu truyện, nhìn về các nhân vật, các sự việc mà thuật lại khách quan. Nhiều đoạn tác giả để nhân vật trực tiếp trần thuật" [2].
Lược qua lịch sử văn học Công giáo để thấy rằng, viết trường ca "Gương phúc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành", Sơ Xuân Cát. OP tiếp tục dòng cảm hứng lịch sử hào hùng của văn học Công giáo, đóng góp thêm những giá trị tư tưởng và nghệ thuật cho dòng văn học này bằng những suy tư và cách viết hiện đại.
Đặc sắc ngòi bút của Xuân Cát. OP trong trường ca này là chất hiện đại. Hạnh các thánh là một đề tài cũ. Chuyện các thánh tử đạo Việt Nam đã được công chúng biết qua các tiểu sử, các ngày lễ mừng, các truyện kể. Vì thế, viết lại những câu chuyện ấy bằng trường ca mới sẽ là thách thức không nhỏ đối với người sáng tác. Hơn nữa đối tượng tác giả hướng đến là bạn đọc trẻ hôm nay: "Chúng ta sẽ kể các con nghe/ 75 vị bị xử trảm quyết...".
Việc chọn lựa cách viết hiện đại [3] là một đặc điểm tư tưởng và nghệ thuật. Là đặc điểm tư tưởng bởi tác giả phải đem sự việc, con người, tư tưởng, lối sống, bối cảnh xã hội của ngày xưa (thời phong kiến) về với hôm nay: "Thời chúa Trịnh Doanh, Sâm/ Thời vua Cảnh Thịnh" cấm đạo - Trịnh Doanh (1720-1767); Cảnh Thịnh (1783 – 1802). Là đặc điểm nghệ thuật bởi hình tượng nhân vật Anê Lê Thị Thành trong "Gương phúc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành" là một khám phá, sáng tạo rất mới (xin so sánh với Inê tử đạo Vãn). Sáng tạo Cái Mới là đặc điểm của tài năng văn học.
Sr Xuân Cát đã không sử dụng lại thể thơ Song thất Lục bát truyền thống (của thể Vãn) mà triển khai trường ca bằng thơ tự do hiện đại. Điều này giải phóng mọi suy nghĩ, làm bung nở mọi cảm xúc, và mở ra muôn nẻo đường cho trí tưởng sáng tạo của tác giả. Câu thơ bừng lên như lửa cháy, mạch thơ cuồn cuộn như thác lũ, nhạc thơ là điệu rung của trăm vạn con tim, lời thơ khi thì thân thương, khi xót xa, khi hào hùng quyết liệt, khi tín thác tin yêu. Sự thay đổi các ngôi trần thuật làm cho giọng kể phong phú, sống động.
Điều gây ấn tượng nhất với người đọc ở trường ca này là Cái Đẹp mới lạ. Đẹp nhất là hình tượng mẹ Thành, người phụ nữ Công giáo Việt Nam được khắc họa trong bối cảnh làng quê, gia đình, quê hương Việt; mới lạ ở phẩm chất giản dị, tình nghĩa, nhưng đức tin kiên vững và bước vào ân phúc tử đạo với tư thế người anh hùng. Mẹ Thành rất khác với nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là nhân vật Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc và được khắc họa bằng nghệ thuật ước lệ của điển ngữ Trung Quốc.
"Mẹ Thành đi
Nồi niêu xoong chảo bị hôi hết
Chăn gạo bát đĩa bị cuốn đi
Xác xoan mỏng rơi cuối mùa ly biệt
Tím sân nhà phủ màu áo đau thương.
Mẹ ra đi hơi ấm đong kỷ niệm
Mắt đêm buồn ai chong những lời kinh
Mẹ yếu sức gông nặng xô mẹ ngã
Chân rã rời những vết xước ai khơi.
Vai vác gông như vai mang Thập tự
Giống Giêsu mẹ đón nhận bước đi
Cả ngày đêm hình hài nghiêng ngã sấp
Ai cời lại những vết rằm rỉ khô.
Chiều hôm ấy mây xám trôi oằn oải
Mái tranh buồn nhỏ giọt nhớ mẹ yêu."
Trường ca "Gương phúc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành" thuật lại một đời nghèo nhưng rất đẹp, đẹp từ vệt bồ hóng, cái kiềng bốn chân, bóng mẹ trên bức vách, Lọn tóc tơ mẹ cột, ấm nước đun sôi, áo thơm hai vạt, tàu lá chuối ngậm sương khuya, Chú nhện con giăng tơ, xa chân trời sương giăng trắng...; đẹp ở cách tường thuật lại những đày ải, nhục hình, đầu rơi máu chảy bằng những tứ thơ đầy màu sắc, hương thơm, kết hợp với những suy nghĩ rất đẹp của ánh sáng đức tin (khác với cách miêu tả rùng rợn, bạo lực của văn chương giải trí)
"Mỗi làn roi có Đức Mẹ nâng đỡ
Sức nữ thường ai chịu thấu đớn đau
Máu bắn ra như cánh hoa hồng đỏ
Con góp lại thành bông thắm tình yêu.
Cánh đồng bỏ hoang ngôi nhà thông thốc gió
Hoa xoan vừa lụi muỗi giàn giụa kiếm cơm
Nền trại ướt ẩm hơi nồm về nhơm nhớp
Lạnh giá thân mình thêm đau nhức từng cơn.
Áo mẹ hoa đỏ chảy nước vàng sưng thối
Không phàn nàn mẹ khơi lửa đức tin
Đàng Thánh Giá, chuỗi tràng châu trên miệng
Ấm giam trại bằng lửa mến tình yêu..."
Trường ca có cách diễn đạt bằng những câu thơ rất hiện đại:
"Đất choàng vai gánh hạt đức tin
Dẫn con nhỏ qua phố giăng bẫy sương chiều
Chân đóng chì vết sạm trùng đêm thâu
Tay gieo hạt giống máu".
...
Một ngày đông nhắn ngày đông buốt lạnh
Vách đá nẻ mòn suy nghĩ từng đêm
Trong thinh vắng, cơn gió mùa khẽ chảy mình giật thót
Bóng hiện mờ rồi vụt loãng vào đêm
Lời thơ, câu thơ là lời trò chuyện đời thường, kể lại chuyện các thánh tử đạo, đọc lên tưởng như không thơ, tưởng như văn xuôi được vắt dòng. Nhưng nếu đọc bằng cảm thức đức tin, đọc bằng trái tim yêu người, đọc bằng sự khám phá nghệ thuật, để trái tin đập một nhịp với mạch thơ, để tâm hồn sống với những thời khắc lịch sử, người đọc sẽ thấy chất thơ rung động mạnh mẽ linh hồn mình. Nghĩa là, hãy quên câu chữ đi, hãy bỏ qua niêm luật vần điệu, đừng bận tâm những kỹ thuật tu từ để thâm nhập vào hồn thơ, thâm nhập vào cái tinh khôi nghệ thuật, bay lên cùng nhạc thơ, người đọc sẽ gặp được những ân phúc mà chỉ văn chương mới có sức làm nở hoa những đau khổ, bất hạnh, bi thương.
"Đêm qua
Giọt mưa rơi chầm chậm gõ mềm phiến lá
Cánh hoa đào lìa thân tàn lụi rơi
Dế thổn thức lặng thầm nghe tiếng thở
Gió đông ùn cứa lạnh tựa vết dao.
Sáng hôm ấy, ngày 20.3.1841
Đúng Đại lễ Phục sinh
Tiếng trống chiêng, tiếng đao, tiếng chân quân lính chạy
Thảng nhìn như dây nút hạt mùa thương
Các cha ấy vừa dâng trọn Thánh Lễ
Chúc bình an đi ra giữa vòng vây..."
Tài năng thơ ca của Sơ Xuân Cát. OP đã kết tinh thành những giá trị rất đẹp đẽ ở trường ca này.
Người đọc nghe được nhịp đập trái tim, tiếng máu chảy, hơi thở nồng nàn và những dòng tư tưởng của tác giả chảy tràn trên trang giấy. Cả tâm hồn, niềm tin, cả lý tưởng đời tu, lòng yêu mến Chúa, yêu mến các thánh tử đạo của nhà thơ hòa trộn trong câu chuyện và hiện lên lấp lánh trên từng con chữ mới lạ, tinh khôi. Giải nhất VHNT Đất Mới về thơ ca dành cho trường ca này là niềm vui chung của văn học Công giáo đương đại.
DỰ CẢM
1. Trong một thời gian ngắn mà Sơ Xuân Cát. OP liên tục công bố nhiều tác phẩm, gồm đủ thể loại Tiểu thuyết, trường ca, kịch bản văn học; và được khẳng định bằng các giải thưởng uy tín, đó là tín hiệu chắc chắn của một tài năng văn học Công giáo đa dạng và phong phú.
2. Sơ Xuân Cát. OP đã từng thi hành sứ vụ tại một Mái ấm chăm nuôi trẻ em khuyết tật tại Lạng Sơn. Sơ đã chứng kiến bao phận người bất hạnh, đối mặt với bao cảnh đời ngang trái, Sơ sống và làm việc trong một hoàn cảnh khó khăn tứ bề. Hiện thực ấy trở thành vốn sống, hiện thực ấy hun đúc lòng tin nơi Chúa quan phòng, hiện thực ấy thôi thúc lý tưởng dấn thân phục vụ tha nhân của Sơ Xuân Cát. OP. Những phẩm chất ấy cho Sơ nguồn cảm hứng, làm nên nội dung tư tưởng của tác phẩm, và qua đó trở thành phương cách Sơ loan báo Tin Mừng đến mọi người. Chính hiện thực ấy, cùng với lý tưởng đời tu và sự nâng đỡ của Dòng Đaminh Gò Vấp đã tạo nên tài năng nghệ thuật của ngòi bút Xuân Cát. OP.
3. Tuy còn "non tay" trong việc kiến tạo tác phẩm, song sự mạnh dạn thể nghiệm các thể loại, mạnh dạn thử thách tài năng để xác định con đường và tích cực học tập chuyên môn, Sơ Xuân Cát. OP đã chọn lựa đúng con đường mình đi. Vâng, xin theo như ý Chúa. Rồi đây, khi những trải nghiệm đời sống hiện thực rộng khắp, khi đời tu dầy dặn thêm nhân đức, và khi tài năng được rèn giũa kỹ càng hơn, chắc chắn Sơ Xuân Cát. OP sẽ viết được những tác phẩm văn học Công giáo lớn, góp được phần mình vào sự phát triển của văn học Công giáo đương đại.
【Tháng 11/ 2024】
[1] Xin đọc
- Thư gửi văn nghệ sĩ cùa thánh Giáo hoàng Jean-Paul II, ngày 4/4/1999
https://www.vanthoconggiao.net/2022/02/thu-uc-thanh-cha-gioan-phaolo-ii-gui.html
- Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo (ngày 17/7/2024)
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-vai-tro-cua-van-chuong-trong-dao-tao
[2] Bùi Công Thuấn-Inê tử đạo vãn, Những vấn đề nhìn từ văn bản.
Nguồn: Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb. HNV. 2022, tr. 450
[3] Thuật ngữ "Cách viết hiện đại" bao hàm nghĩa rất rộng, gồm cả tư tưởng, thi pháp, phong cách của văn học hôm nay (hiện đại).