Quá trình chuyển hóa biểu tượng "trăng" trong thơ Trăng Thập Tự - Tác giả: Mai Văn Phấn

Lan Mary
Với sự nghiệp sáng tác dày dặn và tâm huyết, Trăng Thập Tự đã làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của văn học Công giáo trong việc lan tỏa ánh sáng đức tin và xây dựng các giá trị nhân văn bền vững. Tác phẩm của Ngài là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa nghệ thuật và đức tin, góp phần đưa thơ ca Công giáo Việt Nam đến gần hơn với đời sống tinh thần và văn hóa dân tộc. NGUỒN:

"Vệt trăng nào trên cỏ
Gợi dậy tiếng tim rung
Nhắn tình Ngài muôn thuở
Đang yêu con vô cùng."


(Trăng Thập Tự)

Nhà thơ Trăng Thập Tự, bút danh của Linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh, là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam đương đại. Thơ của Ngài mở ra một thế giới phong nhiêu và bất tận, nơi đức tin Thiên Chúa được biểu đạt trọn vẹn, hòa quyện với chiều sâu tư tưởng và mỹ học Kitô giáo. Qua những vần thơ, tác giả khơi gợi khát vọng yêu thương, lòng bác ái và ánh sáng tâm linh, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Đọc thơ Trăng Thập Tự, ta như lạc vào một thế giới khác lạ, nơi ngôn ngữ và hình ảnh thăng hoa, mang đến những giá trị thẩm mỹ vừa sâu lắng vừa linh thánh. Thơ Trăng Thập Tự tựa dòng sông lớn, hợp lưu từ vô số nhánh nhỏ, mỗi nhánh lại mở ra một chiều kích tư tưởng và nghệ thuật riêng. Chạm vào từng nhánh sông, người đọc như bước vào hành trình khám phá cuốn hút, nơi mọi khía cạnh của đời sống đức tin đều in đậm dấu ấn riêng và vẻ đẹp độc đáo.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung khảo sát biểu tượng "trăng" – một cổ mẫu tiêu biểu trong thơ Trăng Thập Tự. Biểu tượng này phản ánh sự chuyển hóa tâm lý, tâm trạng của nhà thơ qua các giai đoạn sáng tác, đồng thời thể hiện hành trình từ đời sống thế tục đến đời thánh hiến, từ vẻ đẹp thi ca đến sự hoàn thiện đức tin và ơn cứu độ.

Đọc tập thơ "Trăng bẻ làm đôi" (Nxb. Đồng Nai, 2024), ta dễ dàng nhận ra những biểu tượng nổi bật kiến tạo nên thế giới thơ của Trăng Thập Tự: Con đường, Ánh sáng, Bóng tối, Nước, Dòng sông, Hoa, Cây cối... và đặc biệt là Trăng. Trăng, một cổ mẫu (archetype) quen thuộc trong văn hóa, văn học, và thần thoại, tượng trưng cho sự thay đổi, chu kỳ, và sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Trong nhiều nền văn hóa, trăng phản ánh sự biến hóa, là biểu tượng của những chuyển động nội tâm và hành trình khám phá bản thể.

Trăng trong tập thơ của Trăng Thập Tự không chỉ là biểu tượng soi sáng tâm hồn, mà còn gắn liền với hành trình tìm kiếm ơn cứu độ; nó phản chiếu sự chuyển hóa từ ánh sáng tự nhiên đến ánh sáng của đức tin Thiên Chúa. Trăng vượt qua vẻ đẹp hữu hình để trở thành một thực thể siêu nghiệm, mở ra không gian thiêng liêng nơi con người đối diện với chính mình, với khao khát Thiên Chúa, và những khắc khoải dâng hiến trên hành trình thánh hiến. Trăng vừa là nguồn sáng dẫn lối, vừa là chứng nhân âm thầm, đồng hành qua những dấn thân, thử thách, và thanh tẩy trong hành trình thiêng liêng của người tín hữu.

I - Trăng thuở "Hoa học trò"

Tác giả Trăng Thập Tự làm thơ khi còn học trung học. Trong bài "Có ai về Cát Minh" nhân sự kiện ra mắt "Tuyển tập thơ Trăng Thập Tự" (1963-2004), Ngài tâm sự: "Hơn 40 năm trước, khi còn là một học sinh lớp Tám ở Tiểu Chủng Viện, con đã thấy có giằng co giữa nghệ thuật và đời tu, nên đã ký bút hiệu Trăng Thập Tự – trăng tượng trưng nghệ thuật, thập tự tượng trưng hành trình đức tin. [1]"

Hình ảnh trăng đã xuất hiện ngay từ những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của Trăng Thập Tự. Trăng vừa là biểu tượng thẩm mỹ, vừa là dấu ấn quan trọng trong hình thành phong cách nghệ thuật của Ngài; đồng thời như một tuyên ngôn của nhà thơ về sự hòa hợp giữa hai chiều kích: Nghệ thuật và Đức tin.

Bài thơ "Trăng Tu Viện (1)", viết năm 1963, là một trong những tác phẩm đầu tay của Trăng Thập Tự, phản ánh tâm trạng của chủng sinh Võ Tá Khánh trong giai đoạn dấn thân vào đời sống tu hành. Bài thơ chứa đựng tâm tư sâu lắng, thể hiện sự giằng co giữa khát vọng thanh cao và cám dỗ từ cuộc sống thế tục. Với giọng thơ khẩn thiết, bài thơ mô tả cuộc đấu tranh nội tâm giữa cái đẹp tự nhiên và tình yêu đối với Chúa, nơi nhà thơ tìm kiếm sự thanh tẩy và cứu rỗi linh hồn.

"Nàng trăng hỡi thôi đừng trêu ghẹo nữa,
Kẻ tu hành xin khẩn khoản van lơn.
Để mặc tôi dù trọn kiếp cô đơn
Nàng trăng hỡi thôi đừng trêu ghẹo nữa."

(Trăng Tu Viện (1))

Hình ảnh "nàng trăng" được nhân cách hóa, không chỉ là biểu tượng của sự quyến rũ trần thế mà còn gợi nỗi giằng xé của người tu hành. Điệp khúc "Nàng trăng hỡi thôi đừng trêu ghẹo nữa" nhấn mạnh sự căng thẳng trong nội tâm nhân vật trữ tình, khi vừa cảm nhận được sức hút của "nàng trăng", vừa khao khát cự tuyệt để giữ lòng hướng về Chúa. Các câu thơ tiếp theo mô tả trăng như sự cám dỗ đứng chờ bên khung cửa sổ, tạo ra một không gian vừa thơ mộng, vừa dằn vặt. Câu thơ cuối, "Nếu nàng đến tìm thơ ca trọng đại/ Thì đời tôi chưa có mộng thi nhân", thể hiện tinh thần sẵn sàng chối từ nghệ thuật nếu điều đó khiến tâm hồn bị ràng buộc; khẳng định khát vọng thoát khỏi vòng xoáy của nghệ thuật để đến gần Chúa hơn. Bài thơ sử dụng ngôn từ giản dị nhưng mang chiều sâu ý nghĩa, với cấu tứ chặt chẽ và hình ảnh biểu tượng. Giọng thơ khẩn thiết, đầy cảm xúc, gợi lên sự bức bối và khát khao buông bỏ mọi ràng buộc thế gian. Không chỉ là câu chuyện cá nhân, bài thơ còn ghi dấu mốc hành trình tâm linh, thể hiện sự hy sinh, ăn năn và khát vọng hướng đến cái đẹp thanh cao trong đời sống tu hành.

Bài thơ đầu tay "Trăng Tu Viện (1)" thể hiện rõ quan điểm thẩm mỹ, tài năng của Trăng Thập Tự, như một lời tiên tri về con đường sáng tạo của nhà thơ. Theo cá nhân tôi, những tác phẩm đầu tay thường ghi dấu quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của các thi tài. Dù sau này tác giả ấy có đi theo hướng khác, thì khả năng sáng tạo của họ đã được báo trước ngay từ những trang viết đầu tiên. Xin nêu một số tác phẩm thơ đầu tay tiêu biểu của các thi sĩ tài năng: tập thơ "Điêu tàn [2]" của Chế Lan Viên, "Lửa thiêng [3]" của Huy Cận, "Thơ thơ [4]" của Xuân Diệu, "Sự mất ngủ của lửa [5]" của Nguyễn Quang Thiều, "Củi lửa [6]" của Dương Kiều Minh; và một số nhà thơ nước ngoài, như Adonis (Syria) với tập "Những bài thơ đầu" (1957) hay Pablo Neruda (Chile) với "Hai mươi bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng", hoàn thành khi ông chưa đầy hai mươi tuổi. Những tác phẩm đầu tay thường mang giá trị đặc biệt bởi tính tự nhiên, bộc phát và sự chân thực trong cảm xúc của người sáng tác. Đây là giai đoạn mà tâm hồn và trí tưởng tượng của người viết đang tràn đầy sức trẻ, với những rung động mãnh liệt, khát vọng nghệ thuật nguyên sơ và bản năng. Chính sự thăng hoa từ những khởi đầu ấy đã giúp nhiều nhà thơ khẳng định tên tuổi, tạo được dấu ấn sâu sắc. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp tác phẩm đầu tay trở thành đỉnh cao khó vượt qua trong sự nghiệp của tác giả, để lại trong lòng người đọc cảm giác nuối tiếc và ngưỡng vọng.

Tôi coi bài thơ đầu tay "Trăng Tu Viện (1)" là nguồn sáng, tâm điểm của sinh quyển thơ Trăng Thập Tự, nơi khởi nguồn và lan tỏa năng lượng mạnh mẽ, định hình quan điểm thẩm mỹ của tác giả trong cả giai đoạn khởi đầu và sự nghiệp của Ngài. Từ tâm xoáy "Trăng Tu Viện (1)", các vòng sóng của cảm xúc, tư duy và thẩm mỹ lan tỏa không ngừng qua những bài thơ tiếp nối như "Trăng tu viện (2)", "Đêm trăng sáng", "Ánh lửa", "Sao nắng cứ vội vàng chi lắm thế"... và nhiều bài thơ sau này. Những bài thơ này đào sâu nội tâm, phản ánh sự giằng co giữa đức tin thiêng liêng và sự cám dỗ trần thế. Đây là nơi mà tâm hồn thi sĩ, đầy khát khao và phân vân, tìm cách hòa giải giữa hai thế giới: ánh sáng linh thánh của Thiên Chúa và sức hút khó cưỡng của đời sống thế tục.

"Tượng trưng em thành bông hoa cám dỗ
Tôi chối từ với cả thảy tâm linh
Thân xác đòi yêu một sinh vật hữu hình
Có da thịt biết nói cười âu yếm
Biết say đắm và thẹn thùng giấu giếm
Nghĩa là em, là trọn xác hồn em
...
Buông tha cho tôi một lần em nhé
Hỡi vầng trăng quyến rũ của muôn đời"
(Trăng tu viện (2));

"Tôi hô hấp nhiều hơi trăng mật ngọt
Tôi uống cả những tình trăng nhỏ giọt
Giữa lời thơ rất lạnh ướt linh hồn
...

Trăng có về đừng gọi nữa hồn tôi
Vì đêm nay tôi hứa Chúa tôi rồi
Là mãi mãi hồn không đi hoang nữa"
(Đêm trăng sáng)

Nếu "Trăng tu viện (2)" mang đầy cảm xúc day dứt, thì "Đêm trăng sáng" lại kết thúc bằng sự an ủi, hòa giải trong đức tin. Dẫu vậy, hành trình ấy không đơn thuần một chiều, mà là những vòng sóng giao thoa, lặp đi lặp lại, thể hiện sự phức tạp của con người thánh hiến khi vừa thuộc về trần thế, vừa khao khát hướng tới sự thiêng liêng. Có thể coi đấy là những trang nhật ký tâm hồn của một thi sĩ đang tìm kiếm sự cứu rỗi và hòa hợp trong cõi vô biên giữa Thiên Chúa và đời sống.

Những đoạn thơ dưới đây tiếp tục bộc bạch chân thành và đầy tâm tư trong cuộc giằng co nội tâm của nhà thơ, vốn nhạy cảm với những xúc cảm nơi trần thế, và con người thánh hiến, khao khát tách biệt khỏi thế giới vật chất để hướng tới đời sống linh thánh, trọn vẹn của Thiên Chúa. Lời thơ không chỉ là tiếng lòng cá nhân mà trở thành tiếng vọng chung của những tâm hồn đang trên hành trình đi tìm chân lý.

"Bây giờ con tuổi sang sông
Xin cho ánh lửa bập bùng buôn sâu"
(Ánh lửa);

"Hãy trả tôi ngày tịu trường phượng đỏ
Hãy trả tôi ngày gặp gỡ ban đầu"
(Sao nắng cứ vội vàng chi lắm thế);

Vượt qua những thử thách, giằng co trong cõi lòng, nhà thơ đã biểu hiện tâm tình qua lăng kính của đức tin - một điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp nhà thơ vững tin đối diện với những cám dỗ của đời sống, tìm thấy sự an ủi, nâng đỡ của Thiên Chúa.

"Tôi quỳ yên như gỗ đá
Cảm thông với Chúa sự hiu quạnh buổi chiều
Và để Chúa thấy tâm tình tôi tất cả
Sự âm thầm sẽ nói hết tin yêu"
(Kinh vào đêm)

Nhà thơ đã để lòng mình trò chuyện với Chúa trong thinh lặng. Đây không chỉ là hành động tín ngưỡng mà biểu hiện một niềm tin sâu sắc, khi sự lặng lẽ trở thành phương tiện truyền tải mọi cảm xúc, niềm tin và tình yêu thiêng liêng.

"Mênh mang ôi chao niềm tâm tư
Trăng lên lên cao buồn không ngờ
Màu trời chủ nhật ngày hôm ấy
Trở lại trong lòng khi giấc mơ"
(Âm thầm)

"Trăng lên lên cao buồn không ngờ" là một ẩn dụ đẹp, vừa gợi sự thanh khiết của đức tin, vừa diễn tả nỗi buồn sâu lắng, mơ hồ trong tâm hồn thi sĩ; nó tựa khúc nhạc trữ tình, nhẹ nhàng và lắng đọng. Sự trở lại của ký ức qua giấc mơ làm cho cõi thơ trở nên hư thực, vừa gợi cảm giác gần gũi, vừa mở ra không vực linh thiêng. Đây là minh chứng cho sức mạnh của đức tin chữa lành và nâng đỡ con người qua những thử thách.

II - Dấn thân và sự phục sinh

Thơ Trăng Thập Tự, sau thuở "Hoa học trò," đã chuyển sang giai đoạn mới, vang lên mạnh mẽ tiếng nói phản kháng chiến tranh và khát vọng hòa bình; trở thành nỗi niềm khắc khoải, thấm đượm trong từng câu chữ. Không khí ngột ngạt của chiến tranh, trước năm 1975, đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, trở thành một thực tại xâm chiếm và ám ảnh. Mỗi câu thơ của Trăng Thập Tự tựa tiếng thở dài trước hiện thực tàn khốc, cũng là lời nguyện cầu tha thiết cho một đất nước an lành.

"Chúng con trốn vào đâu cho khỏi thấy
Chuyện đau lòng trên lãnh thổ quê hương
Dù có đến miền then cài cửa đóng
Vẫn còn nghe bom đạn giết yêu thương."
(Con đến đây)

Trăng Thập Tự không chỉ bày tỏ sự ghê tởm trước chiến tranh tàn khốc mà còn biểu đạt mãnh liệt khát vọng hòa bình với niềm tin vào Thiên Chúa và tình thương yêu đồng loại. Lời khấn nguyện của Ngài vang vọng như tiếng chuông trong đêm tối, vừa hướng thượng, vừa chạm đến những góc sâu kín nhất trong tâm hồn người đọc:

"Xin ôm đất nước vào lòng
Ru cho yên giấc Lạc Hồng, Chúa ơi
Bởi đau thương quá lắm rồi,
Nghìn xưa chinh chiến tơi bời đến nay"
(Ru đau);

"Xin hãy ban hòa bình cho hiện tại,
Để khởi hành vào hạnh phúc tương lai."
(Salve Regina Chào Nữ Vương)

Niềm khao khát hòa bình trong thơ Trăng Thập Tự là tiếng nói của một dân tộc từng chìm trong đau thương, bị tàn phá; khao khát chữa lành và khôi phục đời sống bình an. Ngài không ngừng nhắc nhở rằng hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của súng đạn, mà còn là sự phục sinh của tình yêu thương, sự hòa giải, và lòng nhân ái giữa con người với nhau. Ở những tác phẩm giai đoạn này, thơ Trăng Thập Tự thể hiện chiều kích triết lý sâu sắc. Ngài nhìn nhận rằng, để kiến tạo hòa bình thực sự, con người phải bắt đầu từ sự hòa giải với chính mình và với Thiên Chúa, từ đó lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng. Thơ Trăng Thập Tự không chỉ là tiếng lòng riêng mà còn là biểu tượng của một thế hệ, một thời đại khát khao bình an và hạnh phúc. Theo nhà thơ, hành trình kiến tạo hòa bình đích thực phải bắt đầu từ sự hòa giải nội tâm và mối tương quan với Thiên Chúa, để từ đó tình yêu thương lan tỏa đến cộng đồng.

Trong giai đoạn hậu chiến, thơ Trăng Thập Tự được coi như dòng suối mát lành, giúp xóa bỏ hận thù, sự chia cắt, định kiến, và làm lành những vết thương chiến tranh. Tinh thần chủ đạo trong thơ Ngài thời gian này là tình yêu thương, khát vọng an bình và đức tin Thiên Chúa.

"Xin dẫn con vào thing lặng nữa,
Độc hành trọn một chuyến lên cao.
Đường cứ bỏ rơi thân tôi tớ,
Cho con nhìn mãi ánh trăng sao"
(Cát)

Đoạn thơ trên thấm sâu triết lý và linh đạo, khái quát một cái nhìn sâu sắc về kiếp nhân sinh và khát vọng linh thánh. Tứ thơ như lời nguyện cầu sốt sắng, gửi gắm trách nhiệm tinh thần và đồng hành với sứ mệnh quê hương, lịch sử.

Nhà thơ khơi gợi sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau của tha nhân, nhắc nhở con người rằng cuộc sống không chỉ sống cho bản thân mà phải biết đồng hành, sẻ chia với những nỗi đau của cộng đồng. Dưới đây là những câu thơ giản dị, chứa đựng thông điệp sâu sắc: mỗi cá nhân cần nuôi dưỡng một trái tim biết yêu thương theo tinh thần Thiên Chúa.

"Xin cho tôi trái tim
Của người đã khóc
Trước sự đau khổ của kẻ khác"
(Trên cánh đồng hợp tác)

Lời thơ mời gọi chúng ta hòa mình vào tinh thần yêu thương và tha thứ mà Thiên Chúa luôn hướng đến. Đây chính là điểm mạnh của thơ Công giáo Việt Nam đương đại: không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của đức tin, mà còn là chứng nhân qua thơ ca, mang lòng bác ái, tinh thần yêu thương của Thiên Chúa đến với mọi người, bất kể tín ngưỡng hay hoàn cảnh.

Biểu tượng "trăng", dù ít được nhắc đến trong giai đoạn dấn thân của nhà thơ, nhưng vẫn âm thầm tỏa sáng trong thế giới thi ca của Trăng Thập Tự, hòa quyện với ánh sáng thiêng liêng của đức tin.

"Xin hãy nằm yên và thở nhẹ
Đất này đang mới, Mẹ nghe chăng?
Mây Đấng trời cho, người hậu duệ,
Về lay Mẹ dậy giữa vườn trăng"
(Eva)

"Vườn trăng" trong đoạn thơ trên trở thành biểu tượng cho sự dịu dàng, lan tỏa, đồng thời thấm đẫm chiều sâu tâm linh, hòa quyện với ánh sáng vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đó là ánh sáng của hy vọng và sự cứu chuộc, dẫn dắt con người trở về với đức tin.

Trong mọi giai đoạn sáng tạo, "từ trường" của trăng vẫn luôn phủ đầy trong thơ Trăng Thập Tự, kết hợp giữa vẻ đẹp tạo vật và ánh sáng thần thánh, thể hiện khả năng hòa quyện giữa thi ca và thần học, tạo ra không gian vừa gần gũi, vừa siêu nhiên.

Thơ Trăng Thập Tự hòa quyện giữa mầu nhiệm đức tin Công giáo và những hình ảnh thiên nhiên sống động, mang đậm biểu tượng của Lời Chúa và tình yêu của Ngài dành cho con người. Khổ thơ dưới đây cho thấy, nhà thơ đã mượn những hình ảnh thiên nhiên, của trăng, hoa, máu, để biểu đạt sự mầu nhiệm Chúa Giêsu: từ cái chết, hy sinh, đến phục sinh, sự sống mới. Tình Chúa và tình người không tách biệt mà đan quyện trong từng câu chữ, gắn kết giữa sự huyền bí của thiên nhiên và đức tin, giữa trời và đất, như một phép mầu mà chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể tạo dựng.

"Con trăng chết rũ bêu cành,
Sáng nay nó dậy hóa thành Vầng Dương.
Con trăng máu chảy dọc đường,
Sáng nay đơm huệ kết hường lắm hoa."
(Người bị đóng đinh)

Biểu tượng "trăng" đến đây đã chuyển hóa, thành sự sáng soi của linh thánh, sự trong ngần của đức tin. Trăng đã trở thành biểu tượng của sự tĩnh lặng, hòa quyện giữa thiên nhiên và linh thánh, giữa sự trầm lắng của đêm đen và sự ngời sáng của Lời Chúa. "Đêm tỏa ngời trong, pha thủy tinh / Hồ im dát bạc loáng hương trinh" (Trăng im lặng). Trăng không chỉ là ánh sáng mà là sự thanh khiết của linh hồn, trong suốt và thuần khiết.

"Trăng sầu gửi lại nước lời thiêng
Nước nghẹn dâng lên trăng kiếm báu
(Trăng nước đoàn viên)

Nước hòa quyện cùng trăng trong câu thơ trên là biểu tượng của sự thanh tẩy, sự cứu rỗi. Lời thiêng từ trăng dâng lên, tựa hành động dâng lễ vật, một hành trình tìm kiếm sự thánh thiện, chân lý, như người tín hữu tìm kiếm sự cứu rỗi trong lòng Chúa. Hình ảnh "kiếm báu" cho thấy trăng không chỉ là ánh sáng, mà là một báu vật, một sự trao ban tình yêu thương, giúp con người tìm lại ý nghĩa đích thực của đời sống.

"Trăng đã theo thơ xuống thật gần
Tràn lan trên cỏ, đẵm trên sân
(Tình Chúa đêm nay)

Cảnh tượng trên mang lại cảm giác bình yên, tĩnh lặng, nơi con người có thể cảm nhận được sự yêu thương bao la của Thiên Chúa ngay trong những chi tiết nhỏ nhặt đời thường. Trăng Thập Tự đã đưa những hình ảnh thiêng liêng vào trong cảnh vật tự nhiên, để từ đó, tình Chúa và tình người hòa quyện, gắn kết trong một không gian tràn đầy ánh sáng, sự thanh tịnh và tình yêu vĩnh hằng. Trăng, là hình ảnh của đức tin, thể hiện sự hòa nhập giữa linh thánh và trần thế, giữa sự hiện diện của Thiên Chúa và con người.

Trong bài thơ Ghetsêmani (1), Trăng Thập Tự tiếp tục khai thác vẻ đẹp của ánh trăng để bộc lộ nỗi khắc khoải và đau đớn của con người trong cuộc hành trình tìm đến với Thiên Chúa.

"Hồn thương đẫm ướt sương khuya,
Tái tê da thịt, rã lìa châu thân.
Trăng xa điếng dại cỏ gần
Tình con thôi đã thấm dần ý Cha.
Trời yêu, yêu xót yêu xa,
Thân này chút bụi nề hà dám đâu"
(Ghetsêmani (1))

Bài thơ biểu đạt sự mệt mỏi, giằng xé của thể xác và tinh thần con người, nhưng trong đó sự chuyển hóa của biểu tượng "trăng" vẫn diễn ra âm thầm, nơi tình yêu và sự hy sinh của Thiên Chúa len lỏi vào từng tế bào, như một sự thanh tẩy. Hình ảnh trăng trong cảnh vật gần gũi ấy phản chiếu tình yêu Thiên Chúa, cũng như sự nỗ lực của con người trong mối quan hệ với Đấng-Tối-Cao. Trăng, từ vẻ đẹp tự nhiên, trở thành biểu trưng của tình yêu vĩnh hằng, kết nối nhân sinh với đức tin trong mọi hoàn cảnh.

III - Trăng chiếu rọi ơn cứu độ

Mùa hồng ân của Linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (nhà thơ Trăng Thập Tự) gắn liền với hình ảnh hoa hoàng quỳ, loài hoa nở rộ ở các vùng núi, đặc biệt ở Đà Lạt, nơi khí hậu mát mẻ và điều kiện thiên nhiên ưu đãi giúp hoa phát triển. Ngài từng chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc: "Cuối năm 1975, tôi từ Đà Lạt về Qui Nhơn thụ phong linh mục, ngày 20-11, rồi hai tuần sau trở lên Đà Lạt, giữa một trời hoa dã quỳ, những thảm xanh ven đường và những mé đồi phía chân trời rực rỡ màu vàng tươi. Vì thế, về sau mỗi lần gặp lại hoa dã quỳ lòng tôi lại rộn rã tâm tình hiến dâng và hợp nhất với Thiên Chúa. [7]". Khổ thơ dưới đây của Trăng Thập Tự mở ra một không gian thơ đậm tính biểu tượng, nơi hình ảnh hoa quỳ, trăng và thơ hòa quyện để diễn tả hành trình đức tin và ơn cứu độ.

"Em theo ta xuống đồng bằng
Thả thơ xuống ruộng níu trăng vào đời
Quỳ hoa một ánh sao rơi,
Băm lăm năm cũ lại ngời tình xưa"
(Cánh sao, 2010)

Hình ảnh trăng trong thơ Trăng Thập Tự tiếp tục mang ý nghĩa của ánh sáng linh thánh, của ơn cứu độ. Từ trạng thái "tư lự" trong đêm dài đến động thái "níu vào đời", trăng chuyển hóa từ chiêm nghiệm sang hành động, từ ánh sáng chiếu rọi đến sự gắn kết trực tiếp với đời sống. Trăng ở đây không còn xa vời, mà đã hóa thân vào cuộc sống con người, soi sáng và đồng hành cùng những người đi gieo mầm đức tin. Ở giữa những thăng trầm, ánh sáng của trăng – cũng như tình yêu Thiên Chúa – vẫn luôn bền bỉ và rạng ngời.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa đã mang đến cho biểu tượng trăng trong thơ Trăng Thập Tự sự chuyển hóa linh thánh. Từ ánh sáng tĩnh lặng, trầm tư, trăng trở thành ánh sáng soi đường, dẫn dắt con người đến với niềm hy vọng và sự sống vĩnh cửu. Trăng không chỉ là biểu trưng của cô đơn hay lẻ loi mà được thánh hóa, trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, của sự hiện diện đầy bao dung và lòng thương xót. Đặc biệt, ánh trăng trong thơ Trăng Thập Tự không chỉ chiếu sáng đức tin Thiên Chúa mà còn dung hòa và đón nhận tinh hoa văn minh Phật giáo – tôn giáo bạn, qua đó làm phong phú thêm chiều sâu tư tưởng Thần học Công giáo.

"Sông đến hỏi vị Thầy giác ngộ
Thầy đưa tay lên chỉ vầng trăng
Con cứ bảo hãy nhìn trăng tỏ
Đừng nhìn tay có hiểu ra chăng"
(Biển khơi)

Đức Phật từng sử dụng hình ảnh "ngón tay chỉ mặt trăng" để minh họa rằng giáo pháp của Ngài chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sinh đến với chân lý, chứ không phải bản thân chân lý tuyệt đối. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã diễn đạt tư tưởng này như sau: "Giáo pháp của tôi là một phương tiện để đi vào thực tại chứ không phải là để miêu tả thực tại, cũng như ngón tay chỉ lên mặt trăng không phải là mặt trăng. Người khôn khéo phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu cố chấp vào ngón tay, nếu cho ngón tay là mặt trăng thì sẽ không có cơ hội nào thấy được mặt trăng cả [8]."

Khổ thơ trong bài "Biển khơi" của Trăng Thập Tự nhấn mạnh rằng người học đạo phải vượt qua các phương tiện để chạm đến chân lý. Ánh trăng – biểu trưng cho giác ngộ, sự thật và niềm tin – được kết nối hài hòa với ánh sáng Thiên Chúa trong văn học Công giáo. Tại đây, biểu tượng trăng không chỉ đại diện cho ánh sáng siêu việt của Thiên Chúa mà còn gợi nhắc đến sự minh triết của Phật giáo, nơi tinh thần giác ngộ, từ bi, và giải thoát giao thoa với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thơ của Trăng Thập Tự đã tạo dựng chiếc cầu nối tuyệt đẹp giữa các truyền thống tôn giáo, đồng thời làm sáng rõ ý nghĩa của ơn cứu độ. Nhờ sự hòa quyện ấy, ánh trăng không chỉ soi rọi con đường của niềm tin, mà còn mở ra cánh cửa đối thoại, sự hiệp thông giữa các truyền thống tôn giáo, làm nên một bức tranh phong phú của tình yêu và ơn cứu độ trong thơ ca Công giáo. Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn đã viết: "Trăng Thập Tự kết hợp tư tưởng Thần học với suy nghiệm hiện sinh của chính mình, từ đó vươn lên cõi cao rộng của ánh sáng, vượt qua bóng tối và sự chết, vượt qua những bộn bề nhiễu nhương oan khiên của hiện thực. [9]"

Thơ Trăng Thập Tự thấm đẫm tư tưởng, mỹ học Kitô giáo và lòng bác ái cao cả. Với tâm hồn tràn đầy đức tin, Ngài đã hiến dâng trọn vẹn đời sống của mình cho Thiên Chúa, đồng thời dùng tài năng sáng tạo văn chương để làm phong phú thêm sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong từng câu thơ, ánh sáng của đức tin từ Ngài được lan tỏa, thắp sáng những tâm hồn đang tìm kiếm sự an ủi và niềm hy vọng. Trăng Thập Tự là một Tông đồ của Đức Tin, đồng thời là Thi sĩ uyên bác và tài hoa. Hai danh xưng ấy hòa quyện trong Một-Con-Người, tạo nên một thế giới nghệ thuật tôn giáo phong phú, nơi tình yêu Thiên Chúa đan xen với những giá trị trần thế, như gia đình, người thân, bạn bè, quê hương và đất nước.

Tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ "Đứa cháu Ma Xơ" được Trăng Thập Tự viết vào năm 1966, khi Ngài 19 tuổi. Bài thơ như một lời nhắn nhủ, một sứ điệp yêu thương gửi đến thế hệ trẻ, khơi dậy trong tâm hồn họ tình yêu đất nước, quê hương và khát vọng sống trong niềm tin, hòa bình.

"Mẹ bề trên bảo rằng
Đất nước mình nhỏ bé
Đất nước mình đau thương
Cháu hãy là đệ tử
Nguyện cầu cho quê hương"
(Đứa cháu Ma Xơ)

Tứ thơ mở ra một không gian thân thuộc và thiêng liêng, gợi hình ảnh quê hương Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc. Mẹ bề trên đã giao phó trách nhiệm cho thế hệ trẻ - những người tiếp nối sứ mệnh yêu thương và xây dựng hòa bình. Trăng Thập Tự đã kết nối đức tin Kitô giáo với tình yêu quê hương, biến lời nguyện cầu thành một hành động yêu nước mang tính thiêng liêng.

Thơ Trăng Thập Tự chủ yếu theo phong cách truyền thống. Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, đồng dao, có lúc 2 chữ (bài "Đêm Nadaret") khá độc đáo. "Nadaret/ Sắt son/ Mỏi mòn/ Thấm mệt". Nhịp điệu thơ trong "Đêm Nadaret" hối hả, nhưng cô lẻ, tựa bước chân của một người chạy ngang qua tầm quan sát, rồi mất hút trong đêm tối...

Trăng Thập Tự còn có bài thơ "Chúa đó" được viết theo lối tự do phá cách, mang ấn tượng lạ, khá thú vị cho người đọc:

"Chúa ở đấy
Bình thường
Như xưa nay vẫn vậy,
Như từ bao giờ ấy.
Nếu thấy
Ta đã mời Ngài lên thuyền."

Với ngôn ngữ giản dị, cô đọng, tác giả chủ ý lược bớt tính từ và giới từ, đồng thời gia tăng động từ, tạo nhịp điệu gấp gáp, tự nhiên tựa một câu chuyện kể. Chính sự tối giản ấy làm nổi bật thông điệp cốt lõi: sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời thường như một người bạn đồng hành, âm thầm và bền bỉ. Sự giao thoa giữa đời sống trần thế và đức tin Thiên Chúa được Trăng Thập Tự truyền tải qua giọng thơ giản dị nhưng sâu lắng, một phong cách đặc trưng của Ngài. Thơ của Trăng Thập Tự hòa quyện giữa chiều sâu thần học và tính nhân văn cao cả, mở ra một không vực thơ vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, làm sáng tỏ mối liên kết giữa thế giới linh thánh và con người trong những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ, chân thật.

Quá trình chuyển hóa biểu tượng "trăng" trong thơ Trăng Thập Tự phản ánh sự trưởng thành trong tư tưởng và đức tin của tác giả. Ban đầu, trăng xuất hiện như một hình ảnh lãng mạn, tự nhiên, gắn với những cảm xúc tự do, thanh khiết và mơ ước tuổi trẻ. Qua từng giai đoạn sáng tác, biểu tượng ấy được nhà thơ khai thác ngày càng sâu sắc, mở rộng thêm chiều kích ý nghĩa, trở thành ánh sáng dẫn đường, thể hiện khát vọng vượt qua gian khó để vươn tới ánh sáng Thiên Chúa.

Trong tập thơ "Trăng bẻ làm đôi", biểu tượng "trăng" vừa mang vẻ đẹp nghệ thuật tinh tế, vừa giàu ý nghĩa tâm linh. Đây là biểu tượng của sự hoán cải, chữa lành và cứu rỗi, dẫn dắt con người vượt qua thử thách để tìm đến sự thanh thản và ơn cứu chuộc trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Với sự chuyển hóa đa tầng ý nghĩa, trăng trở thành ánh sáng linh thánh, minh chứng sống động cho tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, đồng thời thể hiện khát vọng hòa giải giữa cõi nhân gian và Đấng-Tối-Cao.
Nhà thơ Trăng Thập Tự đã đóng góp to lớn và độc đáo cho văn học Việt Nam đương đại, cách riêng cho văn học Công giáo. Thơ của Ngài là chứng nhân một tâm hồn hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa, mở ra không gian thiêng liêng, nơi nghệ thuật hòa quyện với đức tin. Với sự kết hợp giữa chiều sâu thần học và vẻ đẹp thi ca, nhà thơ đã tạo nên những tác phẩm thơ vừa gần gũi, vừa siêu thoát, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho bạn đọc.

Với sự nghiệp sáng tác dày dặn và tâm huyết, Trăng Thập Tự đã làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của văn học Công giáo trong việc lan tỏa ánh sáng đức tin và xây dựng các giá trị nhân văn bền vững. Tác phẩm của Ngài là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa nghệ thuật và đức tin, góp phần đưa thơ ca Công giáo Việt Nam đến gần hơn với đời sống tinh thần và văn hóa dân tộc.

Hải Phòng, 22/12/2024, M.V.P

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Đình Bảng (Nghiên cứu, 2010), Văn học Công giáo Việt Nam - Những chặng đường, NXB Từ điển Bách khoa;

2. Trương Bá Cần (Biên soạn, 2008), Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo Hà Nội;

3. Đỗ Quang Chính, SJ. (Biên soạn, 2008), Tản mạn lịch Giáo hội Công giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ, Thư viện Mân côi;

4. Nguyễn Hồng Dương (Nghiên cứu, 2013), Công giáo trong Văn hóa Việt Nam, NXB Văn Hóa Thông Tin;

5. Nguyễn Hồng Dương (Nghiên cứu, 2010), Nếp sống đạo của người Công giáo Việt Nam, Nxb. Từ điển Bách khoa;

6. ĐGM Phaolo Bùi Văn Đọc và một số linh mục (Biên soạn, 2019), Thần học về Bí Tích Thánh Thể, Nxb. Tôn giáo;

7. Nguyễn Vy Khanh (Nghiên cứu, 2023), Sơ thảo Văn-học Công-giáo Việt-Nam, Nguyễn Publishing, Toronto, Canada;

8. Hans Küng, Nguyễn Nghị dịch (Nghiên cứu, 2010), Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo, NXB Tri Thức;

9. Bùi Công Thuấn (Lý luận phê bình văn học, 2020), Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam, NXB Hội Nhà văn;

10. Bùi Công Thuấn (Nghiên cứu & Phê bình, 2022), Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, NXB Hội Nhà văn;

11. Khải Triều (Nghiên cứu, 2022), Những nhà thơ Công giáo Việt Nam hiện nay, Lưu hành nội bộ, Thư viện Mân côi;

12. Trăng Thập Tự (Thơ, 2024), Trăng bẻ làm đôi, Nxb. Đồng Nai, 2024);

13. Trăng thập Tự & Bùi Công Thuấn (Nghiên cứu, 2022), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), Tủ sách Nước Mặn - Giáo phận Quy Nhơn.


[1] "Chia sẻ của LM Trăng Thập Tự về văn học nghệ thuật Công giáo" https://www.diendangiaodan.com

[2] Chế Lan Viên: "Điêu tàn", Nxb. Thái Dương, 1937.

[3] Huy Cận: "Lửa thiêng", Nxb. Đời nay, 1940.

[4] Xuân Diệu: "Thơ thơ", Nxb. Đời nay, 1938.

[5] Nguyễn Quang Thiều: "Sự mất ngủ của lửa", Nxb. Lao động, 1992.

[6] Dương Kiều Minh: "Củi lửa", Nxb. Tác phẩm mới, 1989.

[7] "Trăng Thập Tự" https://dongxanhthosaigon.com/vi/news/trang-thap-tu

[8] "Ngón tay chỉ trăng" đăng trên website Làng Mai.

[9] "Nhà thơ Trăng Thập Tự" https://buicongthuan.wordpress.com/2020/05/19/tho-trang-thap-tu