Những ca khúc giáng sinh được ưa chuộng - Tác giả: Phạm Hoàng Nghị

Lan Mary
Rồi từ ngày đó, trải qua bao nhiêu năm tháng, những bản thánh ca mừng Chúa ra đời đã vang vọng khắp nơi, từ trong các ngôi giáo đường nguy nga lộng lẫy cho đến những miền thôn trang hẻo lánh nghèo nàn. Hài Nhi hạ sinh trong một chuồng chiên bò đã được ngợi ca bằng hàng trăm bản hợp xướng du dương trầm bổng của biết bao nhiêu ca đoàn, bằng tiếng hát điêu luyện lẫy lừng của những ca sĩ nổi danh, bằng những giọng ca đơn sơ mộc mạc của người dân thôn dã. Rất nhiều bài ca mừng lễ Giáng sinh đã được sáng tác bằng đủ mọi loại ngôn ngữ, được hát lên, được trân quý, được ghi nhớ và đi theo với con người vào dòng lịch sử, và sẽ mãi mãi còn được ca vang cho đến ngày sau cùng của trái đất. NGUỒN:

Lời ngỏ

Tiếng hát mừng Chúa ra đời đã được cất lên ngay từ lễ Giáng sinh đầu tiên, trên khắp tầng trời cao thẳm:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Rồi từ ngày đó, trải qua bao nhiêu năm tháng, những bản thánh ca mừng Chúa ra đời đã vang vọng khắp nơi, từ trong các ngôi giáo đường nguy nga lộng lẫy cho đến những miền thôn trang hẻo lánh nghèo nàn. Hài Nhi hạ sinh trong một chuồng chiên bò đã được ngợi ca bằng hàng trăm bản hợp xướng du dương trầm bổng của biết bao nhiêu ca đoàn, bằng tiếng hát điêu luyện lẫy lừng của những ca sĩ nổi danh, bằng những giọng ca đơn sơ mộc mạc của người dân thôn dã. Rất nhiều bài ca mừng lễ Giáng sinh đã được sáng tác bằng đủ mọi loại ngôn ngữ, được hát lên, được trân quý, được ghi nhớ và đi theo với con người vào dòng lịch sử, và sẽ mãi mãi còn được ca vang cho đến ngày sau cùng của trái đất.

Quê hương Việt Nam chúng ta đã đón nhận ánh sáng Tin Mừng soi rọi từ hơn 400 năm. Nhưng chúng ta đã không có những bản thánh ca phổ thông bằng tiếng Việt cho mãi tới khi đất nước được độc lập. Những bài ca mừng Giáng sinh bằng Việt ngữ ra đời cùng một lần với rất nhiều bản thánh ca khác khi giáo nhạc nở rộ vào thập niên 40. Những bài hát như "Hang Belem" của Hải Linh, "Cao Cung Lên" của Hoài Đức và Nguyễn Khắc Xuyên..., được hát lên khắp hang cùng ngõ hẻm và ngày nay lan tỏa ra khắp năm châu theo với đoàn người Công giáo Việt.

Đã từ lâu chúng tôi mong mỏi được nghe kể về những giai thoại liên quan đến các bản thánh ca Việt Nam. Chúng tôi nao nức muốn tìm hiểu về các nhạc sĩ tác giả, hoàn cảnh sáng tác, tư liệu, nguồn cảm hứng, khó khăn hoặc thuận lợi khi phổ biến, hay bất cứ chi tiết nào hoặc kỷ niệm nào về bản nhạc, nhưng rất khó tìm được tài liệu. Có lẽ các nhạc sĩ - một số vị nổi danh nay đã ra người thiên cổ - vì quá khiêm tốn nên không muốn đề cập, hoặc vì hoàn cảnh khó khăn của đất nước và chiến tranh nên sách vở tài liệu đều bị tiêu hủy hay thất lạc. Trong những năm gần đây, các trung tâm chuyên sản xuất video ca nhạc đã mời một số nhạc sĩ xuất hiện trong các chương trình đặc biệt nhằm vinh danh họ, và các nhạc sĩ này đã kể lại một ít giai thoại về cuộc đời sáng tác, những kỷ niệm chung quanh một số nhạc phẩm..., có rất nhiều chi tiết lý thú khiến chúng ta hiểu thêm về cuộc đời họ, về các bản nhạc họ sáng tác. Nhưng đối với nhạc tôn giáo, chúng ta chưa có những chương trình như vậy.

Nhân mùa lễ mừng Chúa giáng trần, chúng tôi xin mời độc giả cùng đọc với chúng tôi những chuyện kể về mấy ca khúc Giáng sinh được ưa chuộng. Những chuyện này chúng tôi dịch thuật theo Ace Collins trong cuốn Stories Behind the Best Loved Songs of Christmas. Cuối mỗi bài, chúng tôi in nguyên văn bài hát và những bản chuyển âm sang Việt ngữ của nhạc sĩ Việt Nam hoặc của các Giáo hội Thiên Chúa giáo (nếu có). Một số chuyện kể này đã xuất hiện trên trang mạng VietCatholic mấy năm trước đây, nay chúng tôi tổng hợp lại. Ở phần cuối loạt bài này, chúng tôi xin trình thuật một số tài liệu về các nhạc bản "Hang Be lem" của Hải Linh và "Cao Cung Lên" của Hoài Đức từng được đăng tải trên một số trang mạng. Ước mong các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu hay các vị viết lịch sử âm nhạc Công giáo Việt Nam tìm hiểu, thâu thập và đưa ra những chuyện kể lý thú liên quan đến các bản nhạc Giáng sinh Việt Nam khác mà chúng ta trân quý từ hơn nửa thế kỷ nay.

Phạm Hoàng Nghị


1. SILENT NIGHT


(Đêm Thánh Vô Cùng)

Năm 1817, cha Joseph Mohr, lúc đó mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf nước Áo.

Cậu Mohr ngay từ lúc thiếu thời đã say mê âm nhạc, được đặt làm người phụ trách âm nhạc tại một nhà thờ nhỏ; có lúc cậu đã sáng tác thơ và đặt lời cho những bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường. Khi trở thành linh mục, cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong các công tác từ thiện phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.

Một ngày mùa đông năm 1818, cha Mohr đang cố công hoàn thành mọi chuẩn bị cho thánh lễ Giáng sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng. Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng. Nhưng lúc cha dọn dẹp thánh đường mới khám ra một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc phong cầm của nhà thờ bị hư. Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, với bàn đạp của chiếc đàn, có lúc bò cả ra phía sau để mong tìm ra chỗ hư hỏng. Bất chấp mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái lặng lẽ của một đêm đông giá lạnh.

Nhận thấy không thể làm gì hơn được, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp nào để đem được âm nhạc đến với giáo dân trong một ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Có lẽ cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của cha phát sinh từ những sự việc xảy ra cách đấy gần cả hai năm.

Năm 1816, lúc phục vụ nơi một thánh đường tại Mariapfarr, cha Mohr đã viết một bài thơ mừng Chúa Giáng sinh. Bài thơ gồm 6 khổ, cha cảm hứng sáng tác trên đường đi bộ từ nhà ông nội đến nhà thờ. Tuy có đưa cho vài người bạn xem bài thơ, nhưng cha chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phổ biến hoặc có ý định đem ra phổ nhạc. Khi được đổi đến xứ đạo Oberndorf, cha mang theo bài thơ đó cùng với số vật dụng ít ỏi của mình.

Tìm lại bài thơ "Still Nacht! Heilige Nacht!" (Đêm Yên Lặng! Đêm Thánh!) trên bàn viết, cha đọc lại lúc này đã hai năm sau ngày sáng tác. Từ trước đến nay, những vần thơ đó dường như không mấy quan trọng đối với cha, nhưng lúc này đọc lại, cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hy vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo cha vội vã ra khỏi nhà. Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu, vị linh mục băng nhanh qua những đường phố đầy tuyết phủ.

Cũng vào buổi chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học. Mặc dầu đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Đang miên man với mấy nốt nhạc trên chiếc đàn thì ông ngạc nhiên nghe tiếng gõ cửa và thấy cha Mohr bước vào. Ông nghĩ thầm: giờ này thì cha đáng lẽ phải ở nhà thờ sửa soạn dâng thánh lễ, có đâu rảnh rang mà dạo quanh thăm viếng bạn bè.

Sau câu chúc mừng Giáng sinh vội vã, vị linh mục hối hả kéo ông giáo làng tới chiếc bàn nhỏ trong phòng và ra dấu bảo ngồi cạnh mình. Bằng giọng nói rõ ràng là nản chí, cha kể cho ông nghe nỗi khó khăn trước mặt. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:

- Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có đàn thì ta chơi guitar vậy.

Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: Không còn nhiều giờ nữa đâu.

Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật đầu. Ánh mắt và nụ cười của ông chứng tỏ ông chấp nhận thử thách đó. Tin tưởng là Chúa đã sắp đặt mọi sự, cha Mohr vội vã băng qua những đường phố ngập tuyết để trở về nhà thờ, bỏ lại Gruber một mình ngồi đó với bao nhiêu ý tưởng, trước một chiếc đồng hồ đang tích tắc kêu và một lời cầu mong xin tìm ra hứng khởi.

Mấy tiếng đồng hồ sau hai người gặp nhau tại nhà thờ. Trong ngôi thánh đường có ánh đèn tỏa sáng, Gruber đưa cho vị linh mục coi bản nhạc của mình. Linh mục chấp thuận, dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn đang chờ đợi tập dượt. Công trình tưởng chừng phải mất cả tuần lễ thì nay chỉ cần mấy tiếng đồng hồ là xong. Không có nhiều thời giờ tập dượt, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.

Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Họ đâu ngờ rằng "Still Nacht! Heilige Nacht!" không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng sinh kế tiếp trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được ca hát khắp thế giới gần hai trăm năm sau nữa.

***
Mấy tuần lễ sau ngày tết dương lịch, anh chàng Karl Mauracher chuyên chế tạo và sửa đàn phong cầm ngụ tại vùng thung lũng Ziller, đến nhà thờ St. Nicholas để sửa đàn cho cha Mohr. Trong lúc anh lui cui sửa chữa, cha Mohr đem câu chuyện cha đã dùng đàn guitar để chơi một bản nhạc phổ bài thơ cũ để cứu vãn buổi lễ đêm Giáng sinh vừa qua. Cha hát cho anh chàng này nghe bản nhạc đó, và nói rằng cha tin là Chúa đã nghe lời cha nguyện cầu. Thích thú vì bản nhạc, anh chàng Karl lấy giấy ghi xuống bài ca và học thuộc lòng các nốt nhạc. Những năm sau, theo với nghề nghiệp phải đi đây đi đó, anh giới thiệu bản nhạc này với nhiều đô thị và thánh đường.

Bản "Still Nacht! Heilige Nacht!" nguyên thủy

Vào thế kỷ 19, ở nước Áo và nước Đức có nhiều nhạc sĩ du ca. Mỗi nhóm du ca gồm các thành viên trong cùng một gia đình thường không chỉ hành nghề ca hát mà còn làm những việc chuyên biệt khác để có tiền chi dụng trong lúc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Năm 1832, nhóm du ca thuộc gia đình Stasser xuất hiện tại một cộng đồng nhỏ nơi anh chàng sửa đàn Mauracher đang lắp đặt một chiếc phong cầm. Trong thời gian ở đó, nhóm du ca này học được bài "Still Nacht!" và mấy tuần sau đem trình bày tại một buổi diễn tại Leipzig, trước một đám thính giả rất đông đến coi hội chợ. Nhận thấy bản nhạc này mang một sứ điệp tinh thần sâu xa, hoàng đế nước Áo William IV truyền cho ca đoàn nhà thờ chính toà của ông ca bản nhạc này trong nghi lễ Giáng sinh hàng năm. Một phần cũng vì lòng ưu ái đó của nhà vua mà nhạc bản này lan tràn ra khắp miền đông Âu rồi tràn qua Anh quốc.

Tháng 12 năm 1839 một nhóm du ca khác thuộc gia đình Rainer tới Nữu Ước. Một phần chương trình của họ là trình bày bản "Still Natch!" bằng Anh ngữ (Silent Night!) trước một cử tọa rất đông đảo tại thánh đường Chúa Ba Ngôi. Bản nhạc trở thành phổ thông và được rất nhiều ca đoàn hát trong các nhà thờ. Vào thời kỳ nội chiến ở Mỹ, bản nhạc "Silent Night" trở thành bài ca Giáng sinh phổ biến nhất. Trong trận chiến giữa hai miền nam bắc, không hiếm thấy cảnh ngưng chiến bốn ngày trong dịp lễ Giáng sinh, binh sĩ giữa hai miền thù nghịch cùng buông súng, tụ họp lại để dự lễ, đọc Thánh kinh, chia sẻ quà cáp, và cùng ca bài "Silent Night".

Bài hát càng được phổ biến thì nguồn gốc càng bị phân hoá. Có nhiều lúc các nhà xuất bản gán cho tác giả bản nhạc này là một trong các nhạc sĩ đại tài như Bach, Beethoven hoặc Handel. Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận. Mặc dầu vậy, nhiều giai thoại về lời ca của bản nhạc vẫn còn được truyền tụng.

Cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1848 trước khi được công nhận là tác giả bài thơ được phổ nhạc. Cha mất nên không thể chứng minh câu chuyện, do đó mới có truyền thuyết kể rằng bài thơ đã được viết ra vội vã sau khi khám phá thấy chuột đã cắn hại chiếc phong cầm, chứ không phải thực ra là chiếc đàn đã rất cũ và bị hư hại vì thời tiết quá lạnh. Truyền thuyết này được nhiều người công nhận nhưng thật ra có vẻ tiểu thuyết hơn là sự thực.

Vào cuối thập niên 1800, bản "Silent Night" đã được phiên dịch ra khoảng hơn 20 ngôn ngữ khác nhau và là nhạc bản không thể thiếu trong các lễ hội Giáng sinh trên khắp thế giới. Sang đến thế kỷ 20, nhạc bản này đã đi ra khỏi các giáo đường, hội nhập với những tập tục Giáng sinh khác.

Vào năm 1905 bản nhạc Silent Night được thu âm lần đầu tiên do ban nhạc Haydn Quartet. Đó mới chỉ là khởi đầu, sau đó bản nhạc đã được thâu âm cả bao nhiêu ngàn lần do các ban nhạc khác nhau trên khắp thế giới. Tới năm 1960, Silent Night được công nhận là bản nhạc được ghi âm nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc.

Mặc dầu với tính cách phổ thông như vậy, trong tâm trí nhiều người, bản Silent Night được viết ra lúc khởi đầu chỉ là một nhạc bản giản dị, một khúc ngợi ca. Được sáng tác để làm cho nghi thức mừng lễ Giáng sinh có ý nghĩa hơn, bản nhạc xưa cũ này vẫn còn mạnh mẽ và tươi mát như lần đầu tiên được hát lên trong ngôi thánh đường nhỏ bé nơi nước Áo xa xôi. Như một lời cầu xin được đáp ứng, Silent Night chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi cũng đủ mô tả được câu chuyện Giáng sinh của đấng Cứu thế trong máng cỏ nghèo nàn.

Ghi chú:

1. Bản nhạc này đã được cố nhạc sĩ Hùng Lân "Việt hoá" từ hơn nửa thế kỷ trước tại Việt nam và được hát trong các thánh đường Công giáo cũng như trên các đài truyền thanh truyền hình từ đó đến nay trong mùa lễ Giáng sinh. Ông không chuyển dịch bài ca nhưng đặt lời hoàn toàn mới, dùng những từ ngữ văn chương bóng bảy như "xe chữ đồng, ơn châu báu không bờ bến, nhắp chén phiền, vương phong trần, tuyết sương mịt mù..." Sau đây là lời ca do ông đặt:

- Đêm Thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với Trời xe chữ đồng
Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ
Canh khuya Giáng sinh nơi chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.

- Ôi Chúa Thiên đàng
Cam mến cơ hàn
Nhắp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
Ai ham sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù

- Tinh tú trên trời
Sông núi trên đời
Với Thánh thần mau kết lời
Cao rao Hóa công đã khéo an bài
Sai con hiến thân mong cứu nhân loại
Hang chiên máng rêu tạm trú
Bốn bề tuyết sương mịt mù

2. Bản Anh ngữ:

- Silent night, Holy night,
All is calm, all is bright
'Round yon virgin mother and child!
Holy infant so tender and mild,
Sleep in heavenly peace,
Sleep in heavenly peace.

- Silent night, Holy night
Shepherds quake at the sight
Glories stream from heaven afar,
Heavenly hosts sing "Alleluia"
Christ the Savior is born.
Christ the Savior is born.

- Silent night, Holy night
Son of God, love's pure light
Radiant beams from Thy holy face
With the dawn of redeeming grace.
Jesus, Lord at thy birth.

3. Bản chuyển dịch của Hội thánh Báp-tít Việt Nam:

- Đêm xuống êm đềm
Chuông thánh vang rền
Lướt lướt êm qua bao miền
Năm xưa ấy khắp nơi thanh vắng im lìm
Nhưng chuông thánh vẫn ngân nga khúc mơ huyền
Hoan nghênh Chúa con Trời giáng đến
Chuông thanh bình lắng buông êm đềm

- Đêm Chúa ra đời
Sao sáng trên trời
Có mấy người chăn quanh đồi
Nghe trong gió tiếng Thiên binh hát vang trời
Nghe trong gió tiếng Thiên binh hát vang lời
Giê-xu đến đem tình yêu tới
Đem thanh bình đến cho muôn người

- Năm tháng qua dần
Ai có hay rằng
Đã có lần Chúa xuống trần
Thương ta Chúa đến xóa bao vết thương lòng
Cho ta sống trong vui tươi với hy vọng
Ôi Giê-xu Chúa ru lòng êm ấm
Giữa khi cuộc thế đang xoay vần

4- Phiên bản khác của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:

- Đêm thánh yên lặng! Đêm thánh an bình!
Đất vắng yên! Thiên quang ngời!
Chung quanh chỗ Ma-ri đang ngắm con mình,
Con Trai thánh rất tươi vui, rất an bình,
Đang yên giấc dưới trời vắng,
Êm đềm Thánh Vương nghi vệ.

- Đêm thánh yên lặng! Đêm thánh an bình!
Những kẻ chăn, bỗng hãi hùng,
Vinh quang sáng rỡ nơi thiên quốc soi rạng,
Muôn thiên sứ hát vang: Ha-lê-lu-gia!
Cứu Chúa giáng lâm trần thế!
Huy hoàng Thánh Vương lâm phàm!

- Đêm thánh yên lặng! Đêm thánh an bình!
Đức Chúa Con yêu thương đầy,
Dung quang thánh chiếu ra ân điển thiên đàng,
Như tia sáng cứu ân soi ánh huy hoàng,
Cứu Chúa giáng lâm trần thế!
Êm đềm Thánh Vương nghi vệ!

5. Nguyên bản bằng tiếng Áo:

Stille Nacht Stille Nacht, Heilige Nacht!
Alles schlft, einsam wacht
Nur das traute, hoch heilige Paar,
Holder Knabe im lockigen Haar,
Schlaf in himmlischer Ruh!
Schlaf in himmlischer Ruh!
Stille nacht, heilige Nacht!
Hirten erst kundgemacht
Durch der Engel Halleluja!
Tưnt es laut von fern und nah;
Christ, der Retter, ist da!
Christ, der Retter, ist da!
Stille Nacht, heilige Nacht!
Gottes Sohn, O wie lacht
Lieb aus deinem gưttlichen Mund,
Da uns schlgt die rettende Stund',
Christ, in deiner Geburt!
Christ, in deiner Geburt!

2- RUDOLPH THE RED-NOSED REINDEER (CON NAI RUDOLPH MŨI ĐỎ)


Năm 1938, khi cuộc đại khủng hoảng về kinh tế đang là vết thương trầm trọng trên khắp nước Mỹ và viễn ảnh về một tương lai sáng sủa hơn còn biền biệt ở chân trời, thì anh chàng Bob May thấy những ngày trước lễ Giáng sinh đang tới đậm một màu ảm đạm. Là một nhân viên quảng cáo cho tiệm Montgomery Wards, sống bằng đồng lương rất khiêm tốn, anh cảm thấy kiệt lực và sắp đến hồi khánh tận. Vợ anh, Evelyn, sau hai năm dài chiến đấu với bệnh ung thư, sắp đến ngày thua cuộc. Họ nhìn nhau, người nọ đọc được trong mắt người kia một nỗi thất vọng não nề. Đứa con gái của họ cũng nhận thấy có điều không ổn trong gia đình.

Vào một tối tháng chạp mùa đông lạnh, sau khi vào thăm mẹ đang nằm liệt giường, cô bé gái Barbara mới lên bốn tuổi sà vào lòng bố dõng dạc hỏi: "Tại sao mẹ con lại không giống mẹ mấy bé khác vậy?"

Làm sao có thể giải thích cho con gái hiểu được rằng người mẹ đau yếu của bé cũng muốn chơi đùa với bé, đọc chuyện cho bé nghe, và hơn hết, muốn được ở cạnh bé trong tất cả những giờ phút quan trọng trong đời? Làm sao có thể nói cho một cô gái ngây thơ như bé rằng bệnh tật và cái chết là một phần của đời sống này? Và mẹ của bé cũng mong mỏi được như những người mẹ khác, nhưng bệnh tật đã làm cho cả hai mẹ con không được hưởng những giây phút gần gũi bên nhau? Làm sao có thể cho bé những câu trả lời bé muốn biết mà không làm tan nát trái tim nhỏ của bé?

Gió bấc thổi mạnh đập lạt xạt vào của sổ căn chung cư hai phòng ở Chicago, Bob May ôm chặt đứa con vào lòng và cố tìm câu trả lời cho con bé. Anh nhớ lại nỗi đau khổ phải chịu trong thời thơ ấu vì anh rất khác mọi người. Lúc đó anh là một cậu bé nhỏ thó, gầy còm, bị những đứa trẻ khác thường xuyên trêu chọc và gọi bằng những cái tên xấu xa mà anh chẳng bao giờ muốn nhớ lại. Ngay lúc đã vào trường đại học, con người anh cũng vẫn còn loắt choắt đến nỗi nhiều người vẫn tưởng lầm là một cậu bé.

Mặc dầu có cấp bằng đại học, nhưng vì nền kinh tế trong nước đang trong tình trạng trì trệ nên May không thể kiếm được việc khá hơn cái công việc anh đang làm ở tiệm Wards, một việc dưới khả năng và kiến thức của anh. Vậy mà khi gặp được Evelyn và cưới nàng làm vợ anh cảm thấy mình như một ông hoàng. Lần đầu tiên trong đời anh có một nơi chốn để sống thoải mái không bị gò bó vì khuôn thước của con người. Đứa con gái chào đời cho anh một viễn ảnh lạc quan rằng thời gian tốt đẹp đang ló rạng ở chân trời. Nhưng rồi Evelyn mắc bệnh, cuộc chiến đấu chống lại bệnh ung thư đó không những làm hao mòn mọi năng lực của nàng mà cũng làm tiêu tan bao nhiêu tiền bạc hai người dành dụm được. Bob phải bán đi mọi vật dụng có giá trị trong nhà và sống trong cảnh chật vật thiếu thốn.

Nhưng trong cái đêm đông gió lạnh đó, mặc dầu có đủ lý do để than van, khóc lóc, Bob cũng muốn cho cho đứa con gái của anh hiểu rằng vẫn còn chút gì hy vọng, và dù có khác biệt với người khác nhưng đó cũng chẳng phải là điều đáng hổ thẹn. Nhưng trên hết cả, anh muốn rằng bé lúc nào cũng được yêu thương. Lấy kinh nghiệm bản thân trong quá khứ, anh tạo ra câu chuyện về một con nai có cái mũi đỏ, sáng và lớn. Và lúc cô bé Barbara lắng nghe, anh mô tả cho bé hay, dưới hình thức một câu chuyện, cái nỗi khổ của những kẻ bị khinh khi là khác người, nhưng cả những niềm vui khi có ai đó khám phá ra địa vị đặc biệt của họ trên cõi đời này.

Bé Barbara rất thích thú nên sau đó đêm nào cũng đòi bố thuật lại câu chuyện. Cứ mỗi lần kể lại, câu chuyện càng thêm sống động hơn, và con nai Rudolph không còn là một nhân vật tưởng tượng nữa mà cứ như là thành viên trong gia đình anh vậy. (Chuyện thuật rằng con nai Rudolph có cái mũi đỏ au và nhẵn bóng nhìn vào như thấy sáng lên chẳng khác một bóng đèn. Mọi nai khác thường cười nhạo và không chơi với nó. Nhưng rồi một chiều trước lễ Giáng sinh trời âm u đầy sương mù, ông già Noel đến bảo nó: Rudolph, con có cái mũi sáng quá, con muốn hướng dẫn chiếc xe kéo quà Giáng sinh cho ta đêm nay không? Thế là Rudolph không còn bị các nai khinh thường nữa mà lại được yêu mến, hoan hô.)

Không có tiền mua quà Giáng sinh cho con năm đó, Bob định chép câu chuyện chú nai Rudolph vào một tập giấy và dùng tài khéo léo của một nghệ sĩ để minh họa các hình ảnh. Nhiều buổi tối, sau khi vợ con đã đi ngủ, Bob cặm cụi tỉ mỉ cố hoàn thành món quà độc nhất đó của anh dành cho đứa con. Nhưng thảm cảnh đã xảy đến với gia đình anh ngay trước lễ Giáng sinh: Evelyn vợ anh gục ngã trước tử thần trong cuộc chiến đấu với bệnh ung thư.

Dù cho những trang cuối cùng của tập sách thấm đượm nước mắt, Bob nhất định không bỏ cuộc. Anh biết con gái hơn lúc nào hết cần có câu chuyện để nâng đỡ tinh thần. Anh cầu xin cho có đủ năng lực để hoàn thành dự tính đó. Và những cố gắng của anh đã được tưởng thưởng khi thấy đứa bé hớn hở vui cười với món quà là tập sách Chú Nai Rodolph Mũi Đỏ vào buổi sáng ngày lễ Giáng sinh năm đó.

Tuy không có hứng thú muốn tham dự các lễ lạc gì, nhưng mấy ngày sau đó Bob bắt buộc phải đến dự buổi liên hoan của nhân viên hãng Montgomery Wards. Mấy người đồng sự trong ban quảng cáo yêu cầu anh kể chuyện nhi đồng vào đêm đó. Mặc dầu không thích, nhưng anh đem theo tập chuyện và khi đến lúc đã chỉ định, anh leo lên bục cao trước đám đông và đọc câu chuyện chú nai Rudolph. Sau những chuỗi cười mọi người đứng bật dậy để hoan hô anh và câu chuyện nhi đồng của anh bằng những tràng pháo tay rộn rã. Mọi người đều yêu thích chú nai Rudolph và muốn có một tập chuyện để đem về nhà.

Ông chủ hãng Montgomery Wards là Stewell Avery đánh hơi thấy hãng có thể có lợi nhờ câu chuyện chú nai đó. Trả cho anh chàng May đang túng thiếu và nợ nần một món tiền nhỏ tác quyền, ông cho in 10 ngàn bản chuyện chú nai Rudolph để gửi đến các tiệm Montgomery Wards trên toàn nước Mỹ kịp vào lễ Giáng sinh năm 1939. Đáp ứng thật là khả quan, nên trong vòng 6 năm sau đó cứ mỗi đứa bé đến thăm ông già Noel tại tiệm thì được tặng một tập sách in câu chuyện chú nai của May.

Đến năm 1946 thì Montgomery Wards đã tặng ra 6 triệu bản chuyện Rudolph và các nhà xuất bản lớn tới tấp yêu cầu Stewell Avery cho phép in lại chuyện đó. Bằng một nghĩa cử cao đẹp chưa bao giờ thấy nơi một ông giám đốc, Avery trao trả lại bản quyền câu chuyện cho anh chàng Bob May. Một năm sau, nhờ sách được in ra ào ạt, anh trở thành một người giầu có.

Với câu chuyện đã trờ thành một best seller, nhiều món đồ chơi và sản phẩm dựa theo cốt truyện được sản xuất và trọn cuộc đời của anh chàng May trở thành khá giả chỉ nhờ vào một câu chuyện nhỏ anh kể cho đứa con gái. Anh tục huyền và có một gia đình mới đông vui hơn. Thế rồi người em rể của anh tên Johny Marks quyết định đem câu chuyện kể làm thành bài hát.

Marks là người đã viết nhạc cho nhiều ca sĩ thu thanh, hy vọng rằng ca sĩ lừng danh Bing Crosby sẽ thu âm bản nhạc Rudolph the Red-Nosed Reindeer cho mình. Khi Bing Crosby qua đời, Marks yêu cầu nữ ca sĩ Dinah Shore, nhưng nàng từ chối. Một số ca sĩ khác cũng được yêu cầu nhưng không ai chịu. Cuối cùng đến phiên anh chàng ca sĩ cao-bồi Gene Autry được mời. Marks nghĩ rằng Autry đang tìm một bài nào đó tiếp theo sau bản nhạc Giáng sinh rất ăn khách "Here Come Santa Claus". Vả nữa, Autry lại thường hay ca những bản nhạc nhi đồng vì thiếu nhi là khán giả chính của ca sĩ này.

Giống như Crosby, Shore và các nghệ sĩ khác, Autry không thấy thích thú bản nhạc về chú nai. Anh mới tìm được bản nhạc thiếu nhi "If It Doesn't Snow This Christmas" và cảm thấy sẽ ăn khách hơn. Tuy biết chắc bản nhạc vừa nói rất hay và thích hợp cho thiếu nhi, nhưng Marks cứ năn nỉ Autry nghe thử bản nhạc chú nai Rudolph một lần nữa xem sao, hay có thể cho con nai một phần trong mặt B của đĩa nhạc cũng được.

Autry đem bản nhạc về nhà và hát cho vợ là Ina nghe, phàn nàn rằng đã có nhiều bài hát về con nai rồi. Ina thì lại nghĩ khác. Khi nàng nghe đến câu "Chúng không cho con nai tội nghiệp được chơi trò chơi nào với chúng cả", nàng mủi lòng và bảo chồng nhận thu thanh bài hát đó.

Hãng dĩa Columbia muốn Autry thu thanh bốn bản nhạc phát hành vào dịp lễ Giáng sinh và bài "Rudolph" được chọn thu cuối cùng. Mấy tuần lễ sau đó Autry trình bày bản "Rudolph" tại cuộc thi đấu Madison Square Garden Rodeo và được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Vậy là nhờ đám khán giả đấu bò ngưỡng mộ, bản nhạc con nai qua mặt cả ba bài nhạc Giáng sinh kia trở thành một thành công lớn cho ca sĩ Autry khi phát hành năm 1949, nhảy lên đứng hàng thứ hai những dĩa hát bán chạy nhất, chỉ sau có bản "White Christmas".

***

Đối với hàng chục triệu thiếu nhi đủ mọi lứa tuổi, qua sách vở, dĩa hát, truyền hình và phim ảnh, con nai Rudolph đã trở thành biểu tượng thế tục của mùa lễ Giáng sinh, chẳng khác gì ông già Noel vậy. Trong lúc có nhiều bài học có thể rút ra từ câu truyện kỳ thú này - chẳng hạn như phải có nghị lực để dù có khác người mình vẫn cứ là mình, hoặc vẻ khác người đôi khi cũng là điều may mắn - còn có một bài học lớn hơn nhiều do câu chuyện và bài hát đem lại nhưng thường bị lãng quên. Đó là: Khi ta chân thành trao tặng một món quà bằng cả trái tim yêu thương, món quà đó sẽ trở lại với ta và được nhân lên gấp bội quá điều ta mong mỏi. Với bài học đó, con nai giả tưởng Rudolph và gia đình anh May bằng xương bằng thịt, cứ như vẫn còn tồn tại sau hơn bảy thập niên khi câu chuyện được kể buổi ban đầu.

1 - Lời ca bản Rudolph the Red Nosed Reindeer:

You know Dasher, and Dancer, and Prancer, and Vixen,
Comet, and Cupid, and Donner and Blitzen
But do you recall
The most famous reindeer of all.
Rudolph, the red-nosed reindeer had a very shiny nose
And if you ever saw it you would say it glows.
All of the other reindeer used to laugh and call him names
They never let poor Rudolph play in any reindeer games.
Then one foggy Christmas eve, Santa came to say:
"Rudolph with your nose so bright,
Won't you guide my sleigh tonight?"
Then all the reindeer loved him as they shouted out with glee,
Rudolph the red-nosed reindeer, you'll go down in history!

2- Bản chuyển âm của Nguyễn Ngọc Thiện:

Chiếc Xe Nai

Đêm vắng không người rét căm căm
Mưa tuyết đang phủ bay trắng tinh
Nghe tiếng chuông vọng đến vang vang
Đêm tối tăm bỗng dưng sáng ngời
Vang tiếng trượt dài chiếc xe nai
Và bòng người tóc bạc rất quen
đem đến cho đời tiếng reo vui
đây đó vang tiếng cười trẻ thơ.
Như đêm tối bỗng nhiên lùi xa
Cùng tối tăm mịt mù
Nào cùng nhau ta cất tiếng hát
Với ánh sao đêm sáng ngời.
đêm tối nghe vọng tiếng xe nai
Nghe trái tim của ta sáng sao
đang hát theo nhịp chiếc xe nai
Hòa tiếng cười trẻ thơ.
đêm Chúa Giáng Sinh ngàn ánh sao
Ngời sáng lên hòa tiếng ca
Hát vang lời chúc nhau
Niềm ước mơ ngày Giáng Sinh
Bầu trời đầy ngàn sao
đang hát với nhau tiếng ca vang lừng...

3. JINGLE BELLS
(Chuông Reo Vang)


Jingle Bells có lẽ là bản nhạc mùa Giáng sinh được nhiều người biết nhất, được ca hát nhiều nhất ở nước Mỹ. Đối với hàng triệu người, ca khúc nhỏ bé và đơn giản này không thể thiếu được trong mùa lễ Giáng sinh cũng như mùa Giáng sinh không thể thiếu ông già Noel, con nai Rudolph, cây thông, thiệp mừng, quà cáp và những bữa tiệc thịnh soạn. Vậy mà có điều rất mực trớ trêu là bản nhạc Jingle Bells chẳng chứa lấy một câu một chữ nào đề cập đến ngày lễ lớn đó cả, và thực ra nó được viết để hát trong một ngày lễ khác biệt hẳn lễ Giáng sinh.

Anh James S. Pierpont, một người sinh trưởng tại Medford tiểu bang Massachusetts, rất có năng khiếu về âm nhạc. Ngay từ lúc còn nhỏ anh đã không chỉ trình diễn trong ca đoàn nhà thờ mà lại còn đánh đàn phong cầm nữa. Lớn lên anh phụ giúp cha là mục sư giáo phái Unitarian tại Medford, làm việc với ca đoàn và các ca viên, nhạc sĩ. Vào năm 1840, chàng thanh niên Pierpont được giao nhiệm vụ sáng tác một nhạc phẩm đặc biệt để hát trong dịp lễ Tạ Ơn. Nhìn qua khung cửa ngôi nhà của cha anh tại số 87 đường Mystic, anh thấy mấy người thanh niên đang lái những chiếc xe trượt tuyết từ trên đồi cao đổ xuống. Nai nịt thật ấm để ngăn ngừa cái lạnh thấu da bên ngoài trời lúc đó, anh bước ra khỏi nhà. Nhìn họ anh nhớ lại nhiều lần cũng đã đua xe trượt tuyết như một môn chơi thể thao vui nhộn với những tiếng chuông kêu lanh canh. Không chỉ đứng nhìn, anh liền nhảy vào tham dự cuộc chơi với họ. Trò chơi chấm dứt khoảng một tiếng đồng hồ sau và anh là người thắng cuộc.

Khi bước trở về nhà, tâm trí anh đã nảy ra một khúc nhạc, và khi ngồi cạnh lò sưởi cho ấm áp anh đã ngân nga một vài đoạn ngắn. Cảm thấy như đã có cái sườn làm nền cho bản nhạc mà nhà thờ của thân phụ anh cần đến, anh khoác áo lạnh vào người rồi băng qua những con đường ngập tuyết đến nhà bà Otis Waterman, người đàn bà duy nhất ở thị trấn Medford có chiếc đàn dương cầm. Lúc gặp bà ra mở cửa, anh nói: "Tôi vừa nảy ra một khúc nhạc trong đầu đây". James là chỗ quen biết với bà từ lâu, bà biết James muốn gì nên vội nhường lối cho anh bước vào nhà.

Ngồi xuống cạnh chiếc đàn cũ kỹ, James đánh lên từng nốt nhạc của bài ca. Bà Waterman lắng nghe chăm chú, cất tiếng nói: "Đúng là những tiếng leng keng vui tai anh thấy ngoài kia đó mà." Ít phút sau khi anh đờn xong bản nhạc, bà bảo anh: "Bài hát này rồi sẽ thành công khắp tỉnh đấy."

Buổi tối hôm đó, anh đem những nốt nhạc leng keng ghép lại với những gì anh quan sát được khi đua xe trượt tuyết lúc ban ngày và nhớ lại cả những chiếc xe trượt băng do ngựa kéo nữa. Vậy là bài hát "One Horse Open Sleigh (Chiếc xe một ngựa trượt băng)" ra đời.

James tập bài hát đó cho ca đoàn nhà thờ Medford. Đến ngày lễ Thanksgiving thì toàn bài nhạc có phần hoà âm được đem ra trình diễn. Tại vùng New England lúc ấy, Thanksgiving là ngày lễ quan trọng nhất nên có rất nhiều người tham dự. Họ nhiệt liệt hoan nghênh bài hát đó nên nhiều người yêu cầu James và ca đoàn trình bày một lần nữa vào dịp lễ Giáng sinh. Mặc dầu bài hát đề cập đến cảnh ngựa đua xe trượt băng, lối hẹn hò trai gái và cá cược, chẳng có vẻ gì thích hợp với không khí nhà thờ chút nào, nhưng lần trình diễn này lại là một thành công lớn đến nỗi một số khách tới thánh đường dự lễ đã xin bản nhạc đem về địa phương của mình. Vì bài ca được hát vào ngày 25 tháng chạp là ngày lễ Giáng sinh, nên họ dạy cho anh em bè bạn hát như một bài nhạc mừng Giáng sinh thực thụ.

Pierpont có ngờ đâu bản nhạc của mình lại có sức truyền lan đến thế, anh chỉ biết một điều là người ta thích bản nhạc "mùa đông" của anh, nên khi di chuyển tới Savanah tiểu bang Georgia anh mang theo bản nhạc này. Anh tìm được người chịu xuất bản bài hát đó năm 1857, nhưng mãi đến năm 1864 khi tờ báo Salem Evening News đăng bài tường thuật câu chuyện về bản nhạc đó thì anh James mới biết được là mình đã viết được một tác phẩm đặc biệt. Vào lúc ấy bài ca đã mau chóng trở thành bản nhạc phổ thông nhất vùng New England rồi lan tràn xuống phía nam. Trong khoảng 20 năm sau đó, "Jingle Bells" có lẽ là bản nhạc hát dạo mùa Giáng sinh được phổ biến nhất trong nước.

Là một trong những bản nhạc cổ nhất nước Mỹ, bài ca mừng lễ Thanksgiving này là một tưởng tượng rất phong phú về khung cảnh miền thôn dã có tuyết phủ mùa đông, có xe di chuyển trên tuyết, và những tiếng lục lạc kêu leng keng trên cổ ngựa, hơn một thế kỷ qua đã ghi đậm ảnh hưởng vào những hình ảnh mùa Giáng sinh trên các thiệp chúc mừng, sách báo, phim ảnh và cả những nhạc bản Giáng sinh khác nữa.

Bài ca mùa Giáng sinh có vẻ như "kỳ cục" này của Pierpont đã được thu thanh cả trăm lần. Benny Goodman, Glenn Miller, Les Paul, ai cũng đã leo lên đỉnh cao với "Jingle Bells". Nhưng người thành công nhất là Bing Crosby và các chị em Andrew Sisters. Bản nhạc leng keng vui tai này còn xuất hiện trong nhiều cuốn phim của Hollywood, trong các show trên đài truyền hình, và một phần của bản nhạc có khi lại được đưa vào trong một bài ca Giáng sinh khác. Bản nhạc rất thành công của Bobby Helm chẳng hạn có nhan đề "Jingle Bells Rock" phần lớn là cảm hứng từ Jingle Bells, và như vậy lại một lần nữa chứng tỏ thành công của một bài ca thế tục đã đóng góp cho ngày lễ Giáng sinh.
Ngày nay, hình như chỗ nào cũng thấy hát Jingle Bells. Ít có người đã được thấy cái xe trượt băng do ngựa kéo, nhưng cả triệu người đã treo những chiếc chuông leng keng ở cửa vào dịp lễ Giáng sinh. Hình ảnh ông già Noel thường gặp nhất là cảnh ông ngồi trên chiếc xe trượt băng kéo bởi những con nai cổ đeo một vòng lục lạc. Rất nhiều bản nhạc mừng Giáng sinh hoặc các quảng cáo thương mại trên TV mở đầu bằng những tiếng chuông vui. Nhờ có anh chàng James Pierpont và lời yêu cầu soạn ra một nhạc bản cho ngày Thanksgiving mà ta có được Jingle Bells, và mỗi lần nhìn thấy hình ảnh tuyết và chiếc xe trượt băng người ta lại nghĩ ngay đến ngày lễ Giáng sinh.
1. Lời ca bản Jingle Bells:

Dashing through the snow
On a one-horse open sleigh,
Over the fields we go, Laughing all the way;
Bells on bob-tail ring,
making spirits bright,
What fun it is to ride and sing A sleighing song tonight

Jingle bells, jingle bells, jingle all the way!
O what fun it is to ride In a one-horse open sleigh

A day or two ago, I thought Íd take a ride,
And soon Miss Fanny Bright
Was seated by my side;
The horse was lean and lank;
Misfortune seemed his lot;
He got into a drifted bank, And we, we got upsot.

Jingle Bells, Jingle Bells, Jingle all the way!
What fun it is to ride In a one-horse open sleigh.

A day or two ago,
the story I must tell
I went out on the snow
And on my back I fell;
A gent was riding by In a one-horse open sleigh,
He laughed as there I sprawling lie,
But quickly drove away.

Jingle Bells, Jingle Bells, Jingle all the way!
What fun it is to ride In a one-horse open sleigh.

Now the ground is white
Go it while yoúre young,
Take the girls tonight
And sing this sleighing song;
Just get a bob-tailed bay
Two-forty as his speed
Hitch him to an open sleigh
And crack! yoúll take the lead.

Jingle Bells, Jingle Bells, Jingle all the way!
What fun it is to ride In a one-horse open sleigh.

2. Lời ca bản Jignle Bell Rock của Bobby Helms

Jingle bell, jingle bell, jingle bell rock
Jingle bells swing and jingle bells ring
Snowing and blowing up bushels of fun
Now the jingle hop has begun

Jingle bell, jingle bell, jingle bell rock Jingle bells chime in jingle bell time
Dancing and prancing in Jingle Bell Square In the frosty air.

What a bright time, it's the right time
To rock the night away Jingle bell time is a swell time
To go gliding in a one-horse sleigh Giddy-up jingle horse,
pick up your feet Jingle around the clock
Mix and a-mingle in the jingling feet
That's the jingle bell,
That's the jingle bell,
That's the jingle bell rock.

3. Bài ca đã được nhạc sĩ Nguyễn Duy đặt lời Việt rất tài tình để trở thành một bài hát mùa Giáng sinh, tiếng lục lạc leng keng trên cổ ngựa đã biến thành tiếng chuông giáo đường vang vang:
Một trời sáng trong an lành,
và một vùng tuyết ôm cây cành,
một ngày sáng bao la tình,
một nỗi sướng vui hồi sinh.

Mừng ngày Chúa sinh ra đời,
người người đó đây vui cười,
rộn ràng hỉ hoan chào đón
Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng sinh cho đời.

Chuông mênh mông,
chuông mênh mông,
chuông giáo đường ấm cúng.
Chuông thanh thanh,
chuông thanh thanh,
tiếng chuông xe chạy nhanh (ớ).

Chuông vang vang,
chuông vang vang,
chuông báo mừng đêm thánh.
Chuông ngân ngân,
chuông ngân ngân,
ôi tiếng chuông trong tim mình

4. O HOLY NIGHT
(Ôi Đêm Thánh)


Chuyện kể về ca khúc "O Holy Night" khởi đầu ở nước Pháp, nhưng sau đã tràn ra khắp thế giới. Ca khúc thật giản dị này, phát khởi do lời yêu cầu của một giáo sĩ, sau này đã trở thành một trong những ca khúc Giáng sinh được ưa chuộng nhất mà còn đánh dấu một cuộc cách mạng kỹ thuật đã mãi mãi thay đổi phương thức truyền đạt âm nhạc đến quảng đại quần chúng.

Vào năm 1847, Placide Cappeau de Roquemaure là một ủy viên thương chính phụ trách về rượu tại một tỉnh nhỏ nước Pháp. Ông ít đi lễ lạy tại nhà thờ nhưng lại có tài làm thơ. Và ông rất đỗi ngạc nhiên khi được cha chính xứ nhờ ông sáng tác một bài thơ để đọc trong thánh lễ Giáng sinh. Tuy vậy nhà thi sĩ cũng rất hân hạnh được thi thố tài năng cho giáo xứ.

Trên chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh trên con đường gồ ghề bụi bặm dẫn đến thủ đô Pháp quốc, Cappeau suy nghĩ về lời yêu cầu của vị linh mục. Bài thơ sắp sáng tác dĩ nhiên phải là một bài thơ đạo, trọng điểm là lễ Giáng sinh, và dựa vào Kinh Thánh. Ông đã dùng Phúc âm thánh Luca làm chỉ dẫn. Cappeau tưởng tượng ông đang chứng kiến việc Chúa hài đồng sinh hạ tại Belem. Ý nghĩ được hiện diện trong đêm cực thánh đó đã gây thi hứng cho ông sáng tác, và khi chiếc xe tới Paris thì ông đã hoàn thành bài thơ "Cantique de Noel" (Bài ca lễ Giáng sinh).

Hứng khởi với sáng tác của mình, ông quyết định đó không chỉ đơn thuần là một bài thơ mà còn phải là một ca khúc được một nhạc sĩ tài ba phổ nhạc. Không có năng khiếu về âm nhạc, Cappeau tìm đến bạn mình là Adolphe Charles Adams để nhờ giúp.

Adolphe sinh năm 1803, lớn hơn Cappeau 5 tuổi, là con một nhạc sĩ cổ điển thời danh và đã học tại nhạc viện Paris. Tới năm 1829 Adolphe đã hoàn thành nhạc kịch Pierre et Catherine. Tiếp theo sau thành công đó là Richard en Palestine, rồi đến các vũ khúc ballet viết cho các nhạc kịch Faust, la Fille du Danube, La Jolie Fille de Gand. Tài năng và danh tiếng lan rộng, ông đã được yêu cầu soạn hòa âm cho các giàn nhạc và vũ ballet trên khắp thế giới. Vậy mà bài thơ người bạn Cappeau trao cho ông lại là một thử thách khác xa những đơn đặt hàng đến từ Luân đôn, Bá linh hay St. Petersburg.

Nghiên cứu bài thơ Cantique de Noel, Adolphe thấy toàn lời ca triển dương tinh thần Giáng sinh của Đấng Cứu thế. Là người gốc Do Thái, ông thấy những lời đó ca tụng một ngày lễ mà ông không mừng, một con người mà ông không nhận là con của Thượng đế. Nhưng thúc đẩy nhiều hơn bởi tình bạn với Cappeau, ông mau mắn và ân cần làm việc, cố gắng kết hợp những dòng nhạc với lời thơ đẹp của Cappeau và sau cùng hoàn thành một tác phẩm hài lòng cả nhà thi sĩ và vị linh mục chính xứ. Ba tuần lễ sau đó tác phẩm được trình bày trong thánh lễ nửa đêm Giáng sinh. Cả ông thi sĩ lẫn nhà soạn nhạc đã không ngờ trước được những gì sẽ xẩy ra sau đêm đó.

Khởi đầu, ca khúc đã được đón tiếp nồng nhiệt tại các giáo đường ở nước Pháp trong tất cả các nghi thức của ngày lễ Giáng sinh. Nhưng khi tác giả của bài thơ là Cappeau từ bỏ giáo hội để gia nhập phong trào xã hội, và các nhà chức trách trong giáo hội khám phá thấy rằng người phổ nhạc Adolphe là một người Do thái, thì nhạc bản này - lúc đó đã lớn mạnh và trở thành bài ca Giáng sinh được ưa chuộng nhất tại Pháp - lại đột nhiên bị giáo hội phủ nhận. Giới cầm quyền giáo hội nước Pháp lúc đó tuyên bố rằng bản "Cantique de Noel" không thích hợp trong các nghi lễ tại giáo đường vì không có phong vị thánh nhạc và lời ca "hoàn toàn thiếu tinh thần tôn giáo". Tuy giáo hội cố chôn bản nhạc, vậy mà giáo dân Pháp vẫn tiếp tục hát, và một thập niên sau, một nhà văn Mỹ đã đưa ca khúc này ra trước một thính giả mới nơi cách nước Pháp cả nửa vòng trái đất.

Sanh ngày 13 tháng 5 năm 1813 tại Boston, John Sullivan Dwight đã tốt nghiệp trường đại học Harvard và trường Thần học. Ông trở thành mục sư giáo phái Unitarian tại Northampton, tiểu bang Massachusetts, nhưng do một nguyên nhân nào đó cứ mỗi lần giảng thuyết trước đám đông là ông trở bệnh. Bất hạnh này làm ông cứ phải giam mình trong nhà, không dám xuất hiện trước quần chúng và do đó không thể làm nhiệm vụ mục sư được.

Là người rất thông minh và có tài, Dwight phải tìm cách khác để thi thố tài năng. Ông dùng khả năng viết lách để thành lập tờ báo chuyên về âm nhạc Dwight's Journal of Music. Suốt ba thập niên ông lặng lẽ làm việc, phê bình và đánh giá các nhạc bản một cách cẩn trọng. Tuy ông không xuất hiện được trước đám đông, nhưng một số các nhạc sĩ có tài và những người ưa chuộng âm nhạc vùng đông bắc nước Mỹ đã thích thú những bài viết có uy tín của ông. Trong lúc tìm kiếm các ca khúc mới để thẩm định, ông đọc được "Cantique de Noel" nói trên bằng Pháp văn, và ông cảm thấy yêu mến ngay lời ca của bản nhạc này.

Ông không chỉ thấy phải giới thiệu bản nhạc Giáng sinh tuyệt diệu này cho thính giả Mỹ mà còn cảm nhận trong thâm tâm rằng bài ca còn đi xa hơn câu chuyện Giáng sinh của Chúa nữa. Là một người có tinh thần giải phóng rất cao, ông bày tỏ mạnh mẽ quan điểm của mình bằng những câu trong bài ca: "Quả thực, Người dạy ta yêu nhau. Luật của Người là tình thương, và Tin mừng của Người là hoà bình. Xích xiềng sẽ bị bẻ gẫy vì nô lệ là anh em ta, và nhờ danh Người sẽ thôi không còn áp bức." Bản văn thể hiện trung thực quan điểm của ông về chế độ nô lệ ở miền Nam lúc đó. Người viết lời ca tin rằng Chúa đến để giải thoát mọi người và trong bản nhạc này người ta thấy rõ thực tại đó.

Giữ ý chính của nguyên tác, Dwight phiên dịch lời ca một cách tài hoa ra Anh ngữ, đem in trong báo của ông và xuất bản trong mấy cuốn sách âm nhạc thời đó. Bản nhạc mau chóng được quần chúng Mỹ ưa chuộng, đặc biệt là ở miền Bắc trong thời kỳ Nội chiến.

Trở lại nước Pháp, mặc dầu bản nhạc "Cantique de Noel" bị cấm hát trong các nhà thờ gần hai thập niên, nhiều người vẫn hát tại nhà. Có một truyền thuyết kể rằng vào đêm trước lễ Giáng sinh năm 1871, giữa trận chiến ác liệt giữa quân đội Đức và Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ, một binh sĩ Pháp bỗng dưng nhảy ra khỏi hầm trú ẩn lầy lội. Binh sĩ cả hai bên nhìn chằm chằm vào anh chàng có vẻ điên khùng này. Tay không mang vũ khí, anh đứng ngang nhiên ngước mặt nhìn trời cất cao giọng hát những câu mở đầu của bản Cantique de Noel: "Minuit, chrétiens, C'est l'heure solennelle, Où l'Homme Dieu descendit jusqu'à nous" ("Nửa đêm rồi, hỡi người giáo hữu. Đây là giờ trọng thể Con Chúa xuống trần đến với chúng ta"). Đến lúc đó thì một anh lính bộ binh người Đức trèo ra khỏi nơi trú ẩn và hát đáp lại:"Vom Himmel hoch, da komm'ich her. Ich bring'euch gute neue Mar, Der guten Mar bring'ich so viel. Davon ich sing'n und sagen will." Đó là phần mở đầu ca khúc "Ta từ trời xuống thế" của Martin Luther. Chuyện kể rằng sau đó trận chiến ngưng lại 24 giờ đồng hồ cho binh sĩ hai bên cùng tạm thời hoà hoãn để mừng ngày lễ Giáng sinh. Có lẽ câu chuyện này phần nào thúc đẩy giáo hội Pháp chấp nhận bản Cantique de Noel được xứng đáng hát lên trong các nghi lễ tôn giáo như trước.

Vào ngày trước lễ Giáng sinh năm 1906, Adams người thi sĩ sáng tác bài thơ thì đã chết từ lâu, còn nhạc sĩ Cappeau và dịch giả Dwight đều đã già cả. Hôm đó, Reginald Fessenden, một giáo sư đại học Pittsburgh 33 tuổi và trước kia là chuyên viên hoá học phụ tá cho nhà bác học Mỹ Thomas Edison, đã thực hiện một chuyện mà từ lâu vẫn tưởng không thể làm được. Xử dụng một loại máy phát điện mới, Fessenden nói vào chiếc máy khuếch đại và đó là lần đầu tiên trong lịch sử, tiếng nói của con người được truyền đi trên làn sóng không gian:"Và xảy ra trong những ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Xêda, là mọi người phải được kiểm tra", ông cất cao giọng đọc thật rõ ràng, hy vọng tiếng nói truyền đi tới một địa điểm xa ông đã ước định trong thí nghiệm.

Những chuyên viên vô tuyến trên các tàu biển và tại các toà báo thật ngạc nhiên và sững sờ khi thấy những làn sóng xung động thường ngày họ nhận được bằng mã số phát ra trên mấy chiếc loa nhỏ xíu bỗng nhiên bị ngưng lại và giọng nói của vị giáo sư phát ra khi ông đọc đoạn Tin mừng nói trên trong sách thánh Luca. Một số người lúc đó tưởng chừng là một phép lạ khi nghe được, lần đầu tiên tiếng nói con người được chuyển thành làn sóng điện và truyền đi đến một nơi xa. Một số người khác tưởng chừng họ nghe được tiếng nói của thiên thần.

Fessenden có lẽ không biết được những cảm giác sững sờ ông gây ra trên các tàu biển và văn phòng báo chí vào lúc đó, ông không biết sự kiện nhiều người chạy vội đến máy vô tuyến để lắng nghe những âm thanh tưởng chừng như phép lạ đó. Thế nên, sau khi đọc xong đoạn Tin mừng, Fessenden nâng chiếc vĩ cầm của ông lên và chơi bản "O Holy Night", bản nhạc đầu tiên được truyền đi trên làn sóng vô tuyến. Bản nhạc chấm dứt và buổi truyền thanh kết thúc. Vậy là âm nhạc đã tìm được một phương tiện mới để tràn lan khắp thế giới.

Từ buổi được hát lên lần đầu trong thánh lễ Giáng sinh nhỏ bé năm 1847, bản nhạc "O Holy Night" đã được hát lên cả triệu lần tại các thánh đường trên khắp thế giới. Và từ buổi một nhóm người ít ỏi được nghe phát thanh lần đầu trên làn sóng vô tuyến, bản nhạc đã trở thành một trong những thánh ca được thu thanh và được trình diễn nhiều lần nhất trong kỹ nghệ âm nhạc. Tổng số đĩa nhạc do nhiều ban nhạc trình bày đã lên đến hàng chục triệu.

Bản nhạc này, xuất phát do lời yêu cầu của một linh mục không tên tuổi, viết ra bởi một thi sĩ sau này lìa bỏ giáo hội, phổ nhạc bởi một người Do thái, và được mang đến quần chúng Mỹ vừa như một công cụ để soi chiếu tội ác của chế độ nô lệ vừa để tường thuật lễ Giáng sinh của Chúa, đã lớn mạnh để trở thành một trong những ca khúc đẹp tuyệt vời của mùa Giáng sinh.

1. Sau đây là lời ca của bản nhạc bằng Anh ngữ:

Oh holy night!
The stars are brightly shining
It is the night of the dear Savior's birth!
Long lay the world in sin and error pining
Till he appear'd and the soul felt its worth.
A thrill of hope the weary world rejoices
For yonder breaks a new and glorious morn!
Fall on your knees
Oh hear the angel voices
Oh night divine
Oh night when Christ was born
Oh night divine
Oh night divine
Led by the light of Faith serenely beaming
With glowing hearts by His cradle we stand
So led by light of a star sweetly gleaming
Here come the wise men from Orient land
The King of Kings lay thus in lowly manger
In all our trials born to be our friend.
Truly He taught us to love one another
His law is love and His gospel is peace
Chains shall He break for the slave is our brother
And in His name all oppression shall cease
Sweet hymns of joy in grateful chorus raise we,
Let all within us praise His holy name.

2. Nguyên bản Pháp ngữ:

Minuit, Chrétiens!

Paroles: Placide Cappeau de Roquemaure.
Musique: Adolphe Adam 1847

Minuit! Chrétiens, c'est l'heure solennelle
Où l'homme Dieu descendit jusqu'à nous,
Pour effacer la tache originelle
Et de son père arrêter le courroux:
Le monde entier tressaille d'espérance
A cette nuit qui lui donne un sauveur
Peuple, à genoux attends ta délivrance,
Noêl! Noêl! Voici le Rédempteur!
Noêl! Noêl! Voici le Rédempteur!

De notre foi que la lumière ardente
Nous guide tous au berceau de l'enfant
Comme autrefois, une étoile brillante
Y conduisit les chefs de l'Orient
Le Roi des Rois nait dans une humble crèche,
Puissants du jour fiers de votre grandeur,
A votre orgueil c'est de là qu'un Dieu prêche,
Courbez vos fronts devant le Rédempteur!
Courbez vos fronts devant le Rédempteur!

Le Rédempteur a brisé toute entrave,
La terre est libre et le ciel est ouvert
Il voit un frère où n'était qu'un esclave
L'amour unit ceux qu'enchainait le fer,
Qui lui dira notre reconnaissance?
C'est pour nous tous qu'il nait, qu'il souffre et meurt:
Peuple, debout! Chante ta délivrance,
Noêl! Noêl! Chantons le Rédempteur!
Noêl! Noêl! Chantons le Rédempteur!
Phiên khúc chót (bản Pháp ngữ) có thể tạm dịch như sau:

Đấng Cứu thế đã bẻ gãy mọi xích xiềng,
Đất đã tự do và trời đã rộng mở,
Ngài nhìn ra anh em mình nơi một người nô lệ,
Tình yêu nối kết những ai bị xích xiềng,
Ai nói được với Ngài lòng biết ơn của chúng ta?
Vì tất cả chúng ta nên Ngài sinh ra, chịu khổ đau và chết đi:
Dân Chúa Hỡi, hãy đứng lên, hát mừng sự giải thoát của ngươi.
Noêl! Noêl! Ta hãy ca mừng Đấng Cứu Độ.
Noêl! Noêl! Ta hãy ca mừng Đấng Cứu Độ

Ghi chú: Có điều ngạc nhiên là trong lời nguyên thủy này của Placide Cappeau de Roquemaure ta không thấy có câu nào khiến John Sullivan Dwight có thể dịch ra Anh ngữ với nội dung như sau (xin coi đoạn cuối bài ca ghi trên):

"Quả thực, Người dạy ta yêu nhau.
Luật của Người là tình thương,
và Tin mừng của Người là hoà bình.
Xích xiềng sẽ bị bẻ gẫy vì nô lệ là anh em ta,
và nhờ danh Người sẽ thôi không còn áp bức."

3- Bản Việt ngữ của Cao Minh Thắng:
Đêm Thánh

1- Ôi đêm rất thánh
Ngàn sao sáng ngời trên chốn cao đón Con Vua Trời
Yêu nhân thế xuống làm người
Muôn dân muôn nước từ lâu đắm chìm trong bóng đêm
Tới khi Người đến thì màn đêm bỗng tan dần
Một niềm hy vọng cho đất trời hát mừng chúc khen.
Một vì sao lạ đang tỏa rạng ánh hào quang.
Hãy quỳ lạy đi! Và nghe thần nhạc hòa ca vang!

Đêm thánh cho trần thế,
Đêm nhiệm màu!
Khi Đấng Cứu thế sinh ra
Đêm thánh! Rộn tiếng ca thiên thần
Đêm Chúa giáng sinh.

2- Đây ta chiêm ngắm
Hài Nhi đang nằm trong máng lừa quá yêu gian trần
Trời đông giá sinh ra đời
Ba vua từ xa đến viếng Chúa Hài nhi
Với vàng, nhũ hương thật quý và hương thơm của mộc dược
Trong nôi bé nhỏ, Vua của trời đất dệt giấc thơ
Thiên cung hát mừng
"Bình an cho chúng sinh"
Chúa yêu ta đó!
Sinh xuống làm bạn của ta.

4- Bản Việt ngữ của nhạc sĩ Anh Linh:

Chúa Ra Đời

Kìa một vì sao soi sáng khắp trời muôn ánh huyền.
Chúa Con ra đời thành Be Lem chốn hang hèn.
Vì lòng từ nhân, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm,
xuống nơi trần thế cùng ta sống rất âm thầm.

Bao năm sống ẩn thân khó nghèo với người thế gian,
mong sao khắp trần gian mau tìm thấy niềm tin.
Hỡi muôn ngàn dân! Hãy hát chào mừng Vị Cứu Tinh.
Người đến, người đến cứu ta thoát chốn điêu linh.
Toàn dân cùng đứng hoan ca mừng Người Giáng Sinh.

Mục đồng dậy mau theo ánh sáng về đây kính thờ.
Chúa Con ra đời miền hoang vu chốn hang lừa.
Đừng ngần ngại chi, hang đá hãy vào xem Chúa Trời,
khác chi người thế, nằm run khóc với Mẹ Người.

Anh em chớ hoài nghi mau quỳ gối thờ kính tôn.
Ngôi Hai Chúa từ nhân đã mặc xác phàm nhân.
Hỡi muôn ngàn dân! Hãy hát chào mừng Vị Cứu Tinh.
Người đến, người đến cứu ta thoát chốn điêu linh.
Toàn dân cùng đứng hoan ca mừng Người Giáng Sinh.

Ngài là niềm tin, sao sáng dẫn đường đưa lối về.
Những ai tâm hồn nhiều đau thương gánh nặng nề.
Tìm nguồn ủi an, xin hãy nhớ ngày xưa Chúa ta
khó khăn hèn yếu lẻ loi giữa chốn hang lừa.

Nêu gương sáng dạy ta danh lợi thế đừng thiết tha,
theo gương Chúa ngày xưa coi thường kiếp phù hoa.
Hỡi muôn ngàn dân! Hãy hát chào mừng Vị Cứu Tinh,
Người đến, người đến cứu ta thoát chốn điêu linh.
Toàn dân cùng đứng hoan ca mừng Người Giáng Sinh.

4- Phiên bản của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:
Đêm Thánh

- Kìa vùng trời đông ngôi sao Tin Lành soi thánh quang,
Con Trời tự hạ thành nhân giữa đêm huy hoàng;
Vì lòng Ngài yêu nhân thế đắm chìm nơi bến mê,
Ra đời làm giá cao quí cứu chúng sinh về;
Bao năm cảnh đời như giữa đêm ác tội khiếp kinh,
Hôm nay khắp trời trông rõ quang cảnh bình minh.

Đ.K:
Chúa sanh giờ đây,
Đêm thánh vinh quang vui vẻ bấy!
Đêm phước hạnh đấy,
Đêm bình hòa, đêm an ninh,
Đêm Chúa từ ái,
Ấy đêmThần Tử giáng sinh.

- Mục đồng gặp ngay Anh Nhi trong chuồng chiên đáng thương,
Đơn thành thờ lạy thần nhân hiển vinh lạ thường;
Tìm thờ lạy Vua xưa bác sĩ nhìn sao ruổi dong,
Nay ta thành kính cùng tôn Chúa cách hết lòng;
Jêsus trải trường đau khổ thương cảm nhược điểm ta,
Ban ơn giữ gìn ta khỏi mưu quỉ quyền ma.

- Ngài từng dạy ta nên yêu thương cùng nhau chớ phai,
Yêu là luật Ngài, bình an ấy Tin Lành Ngài;
Ngài vì tội nô nên bẻ xích xiềng ma quỉ kia,
Danh Ngài truyền đến, bao áp chế thảy xa lìa;
Ta nên hết lòng tôn kính danh Đấng vừa giáng sinh,
Dâng lên khúc thần ca cảm ơn Chúa diệu vinh.

5- ADESTE FIDELES


O Come All Ye Faithul
Nhân Gian Cùng Nhau Đến Tôn Thờ

Bản nhạc Adeste Fideles (O Come All Ye Faithful) đã được hát trong các thánh đường Tin Lành và Công giáo mỗi mùa Giáng sinh gần hai trăm năm qua và trong các thánh lễ Công giáo nhiều năm trước nữa. Vào thế kỷ 20, ca khúc này cũng đã được các ca sĩ thượng thặng thâu thanh hàng trăm lần, và các đĩa nhạc đó đã đạt nhiều kỷ lục cũng như đã nhẩy lên hàng những đĩa nhạc bán chạy nhất (top ten) tới ba lần, được dịch ra hơn 150 ngôn ngữ khác nhau và được các nhà phê bình đánh giá là "ca khúc Giáng sinh vĩ đại nhất". Vậy mà điều đáng ngạc nhiên là mãi đến khi thế chiến thứ hai chấm dứt tên tác giả của ca khúc đó mới được biết tới.

Suốt nhiều thế kỷ, người ta cứ tưởng tác giả của bản nhạc này là một giáo sĩ vô danh sống trước hoặc trong thời Trung cổ. Có truyền thuyết cho rằng lời ca của bản nhạc này là do thánh Bonaventura viết. Thế nên mọi người đều rất ngạc nhiên khi một học giả người Anh tên là Maurice Frost khám phá ra 7 bản nhạc này được chép tay có chữ ký của một linh mục Công giáo người Anh tên là John Francis Wade. Lý do nào khiến cho tên tuổi của cha Wade không được ai biết là tác giả của bản nhạc thời danh này vẫn còn là một điều bí ẩn không ai giải thích được. Tuy nhiên, hoàn cảnh vị linh mục sáng tác bản nhạc này lại như một chuyện phiêu lưu thú vị.

Năm 1745, năm linh mục Wade mới 35 tuổi, cuộc xung đột giữa giáo hội Anh giáo và Công giáo đạt đến cao độ và cha Wade đã nằm giữa gọng kìm của cuộc thánh chiến đó. Nhiều tín hữu Công giáo phải rút vào sống đạo trong thầm lặng. Để tránh tù đầy và cái chết, nhiều linh mục phải bỏ trốn khỏi nước Anh, trong đó có cha Wade. Cha đến sinh sống tại miền Douay nước Pháp nơi có nhiều tín hữu Công giáo người Anh và những người chống đối hoàng gia Anh cư ngụ. Nơi đây cha được giao một công tác quan trọng. Vì có nhiều hồ sơ, văn bản của các xứ đạo nước Anh bị thất lạc trong cuộc xung đột nói trên, nhiệm vụ của cha Wade là truy tìm và xác định các nhạc bản công giáo, để rồi ghi chép và bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Cha làm việc hết sức cẩn trọng, cố gắng hết mình để không bỏ sót một nhạc bản nào có giá trị tinh thần và lịch sử, coi công việc là một tìm kiếm khó nhọc và lâu dài.

Là một người được học hỏi về thư họa và cũng là một nhạc sĩ có tài, cha Wade đã không chỉ bảo toàn được các bản thánh ca thời đó, mà còn sắp xếp, trình bày và phân phối cho các xứ đạo khắp châu Âu. Cha đã tìm được và, qua nét họa và chữ viết tuyệt đẹp, đã phổ biến được nhiều bản nhạc thất truyền từ lâu, và những nhạc bản đó lại được hát vang trong các thánh lễ khắp Âu châu và nhiều nơi khác.

Ngoài việc tìm kiếm những nhạc bản thất truyền, cha Wade còn có hứng sáng tác những ca khúc mới, dĩ nhiên bằng tiếng La tinh vì cha là linh mục công giáo. Vào khoảng năm 1750 cha sáng tác xong những nốt nhạc cuối cùng của bản "Adeste Fideles" và năm kế tiếp xuất bản trong tập nhạc "Cantus Diversi". Khoảng 10 năm sau, cha hoàn thiện và đặt lời cho bản nhạc. Vậy là ca khúc này được xuất bản ở hai thời điểm khác nhau với tên cha là tác giả, thế mà không hiểu tại sao đến năm 1841 khi Frederrik Oakeley phiên dịch nguyên bản bài ca ra tiếng Anh không thấy ghi tên của ngài. Cũng từ đó nhiều truyền thuyết về người khai sinh ra bản nhạc ra đời, nhưng không có tên của cha Wade.

Vào những năm 1800 tên tuổi thánh Bonaventura được nổi bật lên là tác giả bản nhạc, và chắc là phải có lý do. Có thể là trong khi làm công tác nói trên tại Pháp, cha Wade đã tìm được một số bản nhạc của thánh nhân, và những bản nhạc đó đã ảnh hưởng hoặc gợi hứng cho cha Wade.

Chuyện kế tiếp thường được mọi người kể đi kể lại, là vào năm 1860 bản nhạc này được trình bày ở sứ quán Bồ đào nha tại Luân đôn. Nhạc sĩ phong cầm Vincent Novello giới thiệu với thính giả rằng bản nhạc do một người tên là John Redding sáng tác. Vậy là Redding được công nhận là tác giả của ca khúc tuy rằng bản thảo của cha Wade xuất hiện trước đó cả thế kỷ đã vô hiệu hoá sự công nhận này. Redding đem xuất bản và đặt tên là "Nhạc bản Bồ đào nha". Vì sự việc đó nên nhiều người nghĩ rằng Redding viết nhạc còn lời ca là do một người Bồ đào nha nào đó soạn thảo.

Tại Mỹ, cũng như trên khắp thế giới, nhiều nhà thờ đã hát bản thánh ca này từ trước năm 1900. Bản nhạc cũng là trọng điểm của phong trào hát dạo thánh ca nở rộ khắp nước. Nhiều ban nhạc đi đến từng nhà hát các ca khúc Giáng sinh, và bản nhạc này luôn luôn được hát lên hoặc kết thúc với lời điệp khúc thật hùng hồn.

Trong mùa lễ Giáng sinh năm 1905, ban nhạc lớn nhất thời đó là Peerless Quartet ghi âm và phát hành bản nhạc này. Vào lúc mà phương tiện truyền thanh chưa xuất hiện để có thể chuyển đạt âm nhạc đến quảng đại quần chúng, thì đĩa nhạc này xuất hiện đã bán được cả hàng ngàn bản và nhảy lên đứng hàng thứ bảy trên bảng National Hit Parade. Ban nhạc Peerless Quartet tuy đã ghi âm cả hàng ngàn bản nhạc nhưng ca khúc này trở thành biểu tượng của họ về thánh nhạc.

Năm 1915, người ca sĩ giọng nam cao (tenor) gốc Ái nhĩ lan nổi tiếng nhất thế giới đã ghi âm ca khúc này và đưa lên đứng hạng nhì trong bảng sắp hạng toàn quốc năm đó. Một thập niên sau, ban nhạc American Gee Club lại chứng tỏ một lần nữa rằng bản nhạc này vẫn là ca khúc Giáng sinh hàng đầu của dân chúng Mỹ. Trong thời kỳ mà rất ít bản thánh ca tìm được sự yêu chuộng đồng nhất nơi dân chúng, nhạc bản này vẫn giữ được vị thế hàng đầu cho mãi tới khi ca sĩ lừng danh Crosby thâu thanh bản nhạc "White Christmas". Dĩ nhiên khi phát hành đĩa nhạc, Crosby còn thâu âm và phát hành kèm theo cả bản "O Come" này nữa. Cũng chính vào thời điểm này, Maurice Frost đánh tan những nghi vấn về tác giả bản nhạc khi khám phá ra người khai sinh ca khúc này là linh mục Wade và trả lại cho ngài cái vinh dự là tác giả bản nhạc.

***

Tác quyền và tài năng của cha Wade phải được công nhận và tuyên dương. Sống giữa thời đại có những tranh chấp của các giáo hội, ngài đã chấp nhận cuộc đời ly hương để bảo vệ đức tin, đã tận tụy suốt thời gian lưu vong để bảo tồn những văn bản của giáo hội trong lúc một số người khác muốn xóa bỏ, ngài đã chứng tỏ nhiệt tâm phụng sự Chúa và giáo hội. Từng chữ từng câu trong bản thánh ca này không những chỉ chứng minh đức tin của tác giả mà còn triển dương đức tin đó nữa. Giữa một thời mà giáo hội đang ở trong tình trạng chiến tranh, chỉ người nào thực sự tin tưởng vào thánh đức của Chúa mới có thể viết nên một bài ca có khả năng đem tất cả những người Ki tô giáo hiệp nhất lại với nhau mỗi dịp Giáng sinh về để cùng nhau phủ phục trước Đấng Cứu Thế sinh hạ làm người.

Ghi chú:

1. Bản Adeste Fideles (tiếng Latinh) đã được hát trong các thánh đường Việt nam trước công đồng Vatican II. Sau đây là ba phiên khúc và điệp khúc bằng tiếng La tinh:

Adeste fideles,
laeti triumphantes;
venite, venite in Bethlehem;
natum videte regem angelorum.

II
Deum de Deo,
lumen ad lumine,
gestant puellae viscera,
Deum verum, genitum non factum.

III
en grege relicto,
humiles ad cunas,
vocati pastores appropiant.
et nos ovanti gradu festinemus,

Điệp khúc:

Venite adoremus
Venite adoremus
Venite adoremus Dominum

2. Bản Anh ngữ:

O come, all ye faithful, joyful and triumphant.
Come ye, O come ye, to Bethlehem;
Come and behold Him, born the King of angels;

Điệp khúc:

O come, let us adore Him,
O come, let us adore Him,
O come, let us adore Him,
Christ, the Lord.

O sing, choirs of angels, sing with exultations, O sing all ye citizens of heav'n above. Glory to God, all Glory in the highest

Yea, Lord we greet thee, Born this happy morning, Jesus, to thee be glory giv'n Word of the father, now in flesh appearing

3. Bản Việt ngữ hát trong các thánh đường Công giáo Việt nam:

Hôm nay toàn dân Chúa Trời
Vui mừng chiến thắng khải hoàn
Hân hoan trông về Bêlem với muôn lòng thành
Chúa ta đã giáng sinh
Vua vũ trụ vua thiên đình

Điệp khúc:

Nhân gian hãy mau đến tôn thờ
Nhân gian hãy mau đến tôn thờ
Nay Đấng muôn dân đang chờ đã sinh làm người

Ngôi Hai kìa đã xuống trần
Khiêm nhường sinh chốn hang lừa
Con xin dâng niềm ủi an thiết tha dịu dàng
Chúa ta đã giáng sinh
Vua vũ trụ vua thiên đình

4. Bản chuyển âm của Hội Thánh Tin Lành Báp-Tít Việt Nam:

Hỡi môn đồ trung tín, dìu dắt nhau vui hát du dương
Vô nơi Bet-lê-hem chiêm ngưỡng thật tận tường,
Chúa tể muôn sứ thánh nay Giáng sinh chỗ tầm thường.

Điệp khúc:

Mau mau cùng nhau đến tôn thờ
Mau mau cùng nhau đến tôn thờ
Mau đến nơi đây tôn thờ Chúa Giê-xu Vua ta.

Giê-xu từ Đức Chúa Trời, Thánh quang do chính Thánh quang
Nhưng đâu khinh thị tử cung nữ trinh bần hàn
Cứu Chúa nay giáng sanh không bởi tinh huyết thành toàn

Ban âm nhạc thiên sứ đều trổi vang lên khúc hân hoan,
Thiên dân mau đồng thanh ca xướng điệu nhịp nhàng:
Sáng danh Cha nơi cao, vinh hiển thuộc Chúa mọi đàng!

Hoan nghênh Thần Nhân Giê-xu giáng sanh ở giữa chúng tôi
Bao vinh quang thuộc Anh Nhi thánh kia đời đời
Đấng Cha sai giáng sanh trong xác thịt, ấy Đạo Trời

6. THE FIRST NOEL
(Đêm Giáng Sinh Đầu Tiên)


The First Noel là bài dân ca mùa Giáng sinh cổ xưa nhất mà ngày nay còn hát. Mặc dầu được in ra lần đầu tiên vào năm 1833, bản nhạc này đã xuất hiện trước đó ít nhất cũng khoảng 300 năm. Nguyên bản phát xuất từ đâu và vào thời điểm nào thì vẫn còn là một nghi vấn, và cả hai nước Anh, Pháp đều dành phần xuất xứ. Chữ "Noel" cho biết có thể bản nhạc đã khởi đầu từ nước Pháp (Noel là tiếng Pháp chỉ ngày lễ Giáng sinh), nhưng một số sự việc lại chứng minh ngược lại, nghĩa là bài ca xuất phát từ nước Anh rồi mới truyền qua nước Pháp. Nhưng điều chắc chắn không còn phải nghi ngờ gì nữa là bài ca thể hiện đức tin và tinh thần của tác giả; tuy bài ca thật xưa cổ nhưng mỗi lần hát lên lại làm sống động thêm niềm tin đó.

Như đã có hai quan điểm khác nhau về xuất xứ của bài ca thì cũng có hai cách đánh vần tên của bài hát. Ở nước Anh, và đôi lúc cả ở Mỹ, chữ "Noel" được viết khác đi, và tên bài hát trở thành "The First Nowell". Dĩ nhiên là tại Pháp, chữ Noel vẫn được duy trì. Dù là Noel hay Nowell thì ý nghĩa ở cả hai ngôn ngữ đều giống nhau: đó là tiếng reo vui chỉ ngày sinh của Đấng Cứu thế. Vậy mà, trong lúc tác giả vô danh của bản nhạc hiển nhiên biết rõ về ngôn ngữ để dùng mở đầu phần điệp khúc của bài ca, thì lại thiếu sót đôi điểm về Kinh thánh. Điều này cho ta thấy thêm được cái quá trình của người sáng tác.

The First Noel là một trong số ít bản ca Giáng sinh thủa ban đầu còn sót lại tới ngày nay được xếp vào loại dân ca. Người phụ trách viết nên bài ca này hiển nhiên rất hứng khởi về lễ Giáng sinh và hiểu rất rõ điều kỳ diệu của sự nghiệp giáng thế của Đức Giêsu, nhưng lại không nắm vững được toàn diện câu chuyện Thánh kinh thuật lại về sự Giáng sinh đó. Ở thời kỳ Trung cổ, sự việc này gần như là một định luật chứ không phải là một ngoại lệ.

Trong thời điểm lúc bản "The First Noel" được viết ra, có rất ít bản Thánh kinh được lưu hành trong dân gian. Hầu hết Thánh kinh lưu trữ ở trong nhà thờ, tu viện, và viết bằng tiếng La tinh. Người dân thường ít khi được đích thân thấy cuốn sách thánh hoặc giả có được thấy chăng nữa cũng không đọc được vì đa số dân chúng thời đó đều thất học.

Đó có lẽ là trường hợp của tác giả The First Noel. Không có sách thánh làm hướng dẫn, người viết chỉ dựa theo những gì đã nghe kể lại về biến cố giáng sinh của Chúa. Hầu hết các chi tiết tác giả kể lại đều đúng, nhưng lại lầm khi thuật rằng các mục đồng đã theo dấu ngôi sao để tìm tới chỗ Chúa sinh ra. Thánh kinh không nói ngôi sao đã dẫn lối cho mục đồng, nhưng là chỉ đường cho các nhà đạo sĩ đến từ phương đông.

Một yếu tố chính yếu khác trong bản cổ ca này cho biết bài ca do một người không có kiến thức về ngữ pháp, đó là cách cấu tạo các câu. Thí dụ, trong nguyên bản, câu "This child truly there born he was" thì đơn giản không phải là cấu trúc của người biết ngữ pháp. Tuy nhiên, cái tinh thần toát ra từ bản The First Noel đã bù lại cái thiếu sót có vẻ chuyên biệt này. Cái tinh thần đó, kết hiệp với phong tục hàng năm của dân chúng miền Scandinavia có lẽ đã là đảm bảo cho sự sống còn của bản cổ ca này.

Trong thời kỳ Trung cổ, dân chúng nước Anh đã giữ cái tập quán về khúc củi Yule do người Viking để lại. Cứ mỗi mùa đông, người trong gia đình lại vào rừng đốn một khúc cây lớn, kéo về nhà, cắt bỏ cành và khoét rỗng ruột. Rồi họ nhồi vào bọng cây đó các hương liệu, dầu, đồ thơm, và đem đặt vào lò sưởi. Họ phun chất nhen lửa chung quanh khúc củi, rồi cô con gái trong nhà hoặc bà vợ đốt củi bằng que cây còn lại từ khúc củi năm trước. Những gia đình có đốt khúc củi Yule hàng năm tin rằng họ sẽ được may mắn trong nhà.

Khi những người theo tập tục đó trở lại theo đạo Chúa, họ đem áp dụng tục này vào lễ Giáng sinh. Đối với họ, cây gỗ hiển nhiên tượng trưng gỗ của cây thánh giá và hương liệu là cuộc sống cao đẹp Chúa dành cho mỗi người tín hữu do sự hy sinh của Người trên thánh giá đó. Khúc củi được đưa về nhà hôm trước lễ Giáng sinh và được đốt lên, hy vọng sẽ âm ỉ suốt 12 ngày của mùa lễ để lụi tàn vào ngày mùng 6 tháng giêng, ngày kỷ niệm các nhà đạo sĩ đến dâng lễ vật lên Chúa. Nếu khúc củi cháy lâu được như vậy đó là dấu hiệu ngôi nhà được chúc phúc.

Tại nước Anh, The First Noel được hát lên hàng năm khi những người nông dân bắt đầu đốt khúc củi Yule. Như vậy bài ca trở thành phần mở đầu của mùa Giáng sinh. Đặc biệt là đối với các em nhỏ, bài ca là dấu hiệu bắt đầu những ngày kỳ thú nhất của chúng trong năm. Cùng với thời gian, cái tập tục đốt củi Yule vẫn được duy trì và mang theo với nó âm nhạc của bài ca này. Tuy nhạc và lời không được ghi chép trong sách vở, nhưng bản The First Noel vẫn tiếp tục tồn tại.

Trong cuộc sống ba trăm năm đầu của bài ca, cũng giống như số phận của nhiều ca khúc khác, bản The First Noel không được dùng trong các nghi lễ tôn giáo. Những bài hát mới dù có thấm đượm chuyện tích trong Thánh Kinh cũng không được ca hát trong hầu hết các thánh đường. Vì có sự khinh thường của hàng giáo sĩ nên những bài ca đại loại như The First Noel trở thành những khúc ca ngày lễ của đám dân giả. Nó phản ảnh niềm vui của mùa lễ Giáng sinh, sự kỳ diệu của việc Con Chúa xuống cứu độ loài người không phân biệt sang hèn. Những bài hát như vậy trở thành một phần của truyền thống gia đình, và nhiều bài hát mùa lễ ngày nay rất được yêu chuộng có lẽ đã mai một đi nếu không được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác theo truyền thống đó.

Cả bài hát The First Noel và tập tục đốt khúc củi Yule mùa lễ Giáng sinh đã tìm đường vào nước Pháp khoảng thế kỷ thứ 15, có lẽ do những đoàn hát dạo người Anh đã đem giới thiệu với công chúng Pháp. Cũng giống người Anh, thường dân Pháp đã chấp nhận bài ca này và sứ điệp của nó, lại còn thay đổi đi theo đường lối riêng của họ: Bài này được trẻ em ca theo lối hát đuổi.

Năm 1833, bản nhạc The First Noel được William Sandys đem xuất bản. Hành nghề luật sư nhưng ông lại thích âm nhạc và trong lúc rảnh rang còn đi sưu tập dân ca Anh, Pháp. Ông cho in bài The First Noel vào tuyển tập các bài dân ca Giáng sinh. Đã được giai cấp nông dân yêu thích từ lâu nên vào khoảng giữa thập niên 1800 lúc giáo hội Anh giáo bắt đầu dùng những bài hát mới trong các nghi lễ thì bản nhạc này được quảng đại quần chúng rất mực hoan nghênh.

***

Nhạc bản này, hiển nhiên đã được gợi hứng từ câu chuyện Giáng sinh của Đấng Cứu thế và có lẽ viết ra do một người bình dân ít học, vẫn còn là bài ca được mọi thời yêu mến. Nhưng điều làm người ta thắc mắc là không hiểu tại sao bài hát này còn tồn tại trong khi rất nhiều bản nhạc dân ca Giáng sinh khác - trong đó nhiều bài dùng lời ca hay hơn - lại bị rơi vào quên lãng. Có thể điều quan yếu là tác giả đã đặt vào bài ca một tinh thần mừng vui hớn hở hiếm thấy. Tất cả những ai đã hát nhạc bản này đều không nghi ngờ rằng người viết đã không chỉ xác tín mỗi lời viết ra mà còn hứng khởi về câu chuyện kể lại. Vì vậy bản nhạc này tượng trưng cho cái tinh anh đích thực của lễ Giáng sinh, cái tinh tuý được triển dương nhiều lần trong mỗi mùa lễ: đó là lời loan báo tin vui ngày Chúa xuống trần. Tuy tập tục đốt khúc củi Yule đã tàn lụi theo với tháng năm nhưng bài ca The First Noel thì mỗi mùa Giáng sinh vẫn mãi mãi còn bừng sáng.

1. Lời ca bài The First Noel:

The first noel the angel did say
Was to certain poor shepherds in fields as they lay -
In fields where they lay keeping their sheep,
On a cold winter's night that was so deep.

Điệp khúc:

Noel, noel, noel, noel,
Born is the king of Israel.

They looked up and saw a star
Shining in the east, beyond them far;
And to the earth it gave great light,
And so continued both day and night.

And by the light of the same star,
Three wise men came from country far;
To seek for a king was their intent,
And to follow the star wherever it went.

This star drew nigh to the northwest,
O'er Bethlehem it took its rest;
And there it did both stop and stay,
Right over the place where Jesus lay.

Then they did know assuredly
Within that house, the King did lie
One entered in then for to see
And found the babe in poverty.

Then entered in those wise men three,
Full rev'rently upon their knee;
And offered there, in His presence,
The gold, and myrrh, and frankincense.

If we in our time do well
We shall be free from death and hell
For God hath prepared for us all
A resting place in general.

2. Một phiên khúc và điệp khúc trong bản Việt ngữ của nhạc sĩ Đỗ vy Hạ:

Giữa trời mùa đông giá. Trong máng chiên nghèo nàn,
Con Chúa sinh xuống đời, để cứu rỗi cả nhân loại.
Giữa trời mùa đông vắng, muôn tiếng ngân nhịp nhàng
Thiên sứ vang lời hòa ca tôn kính Con Vua Trời

Điệp khúc:

No-el, No-el, No-el, No-el
Đấng sinh xuống trần là vua Is-ra-el

3- Phiên bản của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:

- Nô-ên đầu tiên thiên sứ rao truyền cho kẽ chăn nghèo
đang thức quanh miền, Quây quần cùng nhau canh giử chiên
nhà, Đêm giá canh trường thân phủ sương già.

Đ.K:
Nô-ên, Nô-ên, Nô-ên, Nô-ên,
Chính đêm sanh Vua Y-sơ-ra-ên!

- Cũng nhờ hào quang do chính sao nầy, Bác sĩ ba người chung
đến vui vầy, Bước lần lần theo sao sáng trên trời, Nôn nả
đi tìm Vua mới ra đời.

- Nay mừng nô-ên ta hát một bài, Cung kính khen ngợi Chân
Chúa thiên đài, Muôn vật được nên do Chúa phán tuyên,
Tuôn huyết tha tội ơn cứu linh huyền.

7- I'LL BE HOME FOR CHRISTMAS
(Tôi sẽ về nhà mừng lễ Giáng sinh)


Hàng triệu người đã một thời ấp ủ bài ca này - những người thành kính lắng nghe từng lời và từng nốt nhạc, nương hồn theo từng xúc cảm đan dệt thành lời bài hát – nay đã ra người thiên cổ. Tuổi tác đã cướp đi những thanh niên thiếu nữ đã lần đầu tiên ôm ấp nhạc bản "I'll Be Home for Christmas", không phải chỉ như một bài ca mà còn như một lời kinh nguyện. Đối với người già người trẻ trong những ngày đen tối nhất của thế chiến thứ II, những người con, những cha mẹ, ông bà, cô cậu chú bác thì "I'll Be Home for Christmas" tượng trưng cho họ niềm hy vọng, giấc mơ và lời kinh nguyện đẹp đẽ hơn bất cứ bài ca, phim ảnh hay câu truyện nào khác. Nhiều người ngày nay nghe nhạc bản này có thể nghĩ là nó quá sướt mướt, nhưng khi mới ra đời nó đã được nhanh chóng trở thành bài ca ăn khách nhất.

Nhạc bản này có thể là một bài ca mùa Giáng sinh rất giản dị. Có lời mở đầu, một phiên khúc và một điệp khúc, chỉ có 12 dòng chữ nhưng mô tả nỗi nhớ nhà chân thành. Vậy mà cách thế 12 dòng chữ này đánh động cả một dân tộc trong thời chiến chinh bất định, cũng như cung cách nó tiếp tục đánh động con người thời nay, làm cho bài ca thế tục này trở thành một trong những ca khúc tinh thần thiêng liêng nhất trong mọi thời đại.

Đó là năm 1942, và nhà viết lời ca Kim Gannon biết rất rõ những xúc cảm khi chiến đấu trong một trận chiến ở hai mặt trận. Tại Brooklyn là quê hương của nàng, không phải chỉ có hàng ngàn gia đình cho con em vào quân đội mà nhiều gia đình đã mất con trong cuộc chiến. Mùa lễ Giáng sinh thường là thời gian hoan hỉ trong thị trấn này của New York, nhưng năm đó lại thấy khác hẳn một cách lạ kỳ. Đường phố vẫn được trang hoàng, cây thông vẫn bày bán nơi góc phố và ông già Noel vẫn rung chuông mỉm cười với trẻ thơ, nhưng không khí chiến tranh đã bao trùm lên những ngày lễ. Thật khó mà nghĩ tới quà cáp và hoà bình trên dương thế khi cha mẹ nóng lòng đọc tin tức và nguyện cầu cho đừng thấy người mang điện tín đem hung tin dừng lại trước của nhà mình. Còn tệ hơn nữa là không ai chắc chắn rằng nước Mỹ sẽ thắng trong trận chiến khủng khiếp này.

Kim Gannon thấy những cảnh tượng đau lòng diễn ra hàng ngày – lời cầu nguyện của những người cha người mẹ lòng đầy xúc động, những giọt nước mắt của những tân binh đang được người thân tiễn biệt tại các sân ga, những bước chân hối hả chạy đến gần người phu trạm mong nhận được một phong thư của người thân. Nàng biết những tin tức đọc trên đài phát thanh vừa như là một lời nguyền rủa vừa là lời chúc phúc. Mọi người đều có nhu cầu muốn biết những gì đang xảy ra ở Âu châu và trên Thái bình dương, nhưng nỗi lo sợ cùng đến với lòng mong biết đó... một nỗi lo sợ thấm thía khi cha mẹ, vợ con nghe tin một trận đánh lớn vừa bùng nổ nơi người con, người cha, người chồng mình mới nêu địa danh trong lá thư sau cùng gửi về nhà. Khi mùa lễ Giáng sinh đến, nỗi trầm cảm, âu lo vì xa cách người thân càng trở nên tồi tệ hơn.

Không phải chỉ có những gia đình có quân nhân tại nước ngoài mới chìm đắm trong một thế giới bất định và âu lo, mà nhiều thanh niên thiếu nữ vùng thôn quê bỏ nhà đi làm việc tại các văn phòng và nhà máy tại New York và các đô thị lớn khác cũng thấy bất an. Chiến tranh đã đưa nhiều binh sĩ ra chiến trường cũng như đã đẩy biết bao nhiêu người dân sự rời xa quê. Nhiều kẻ lần đầu tiên sống xa gia đình vào dịp lễ Giáng sinh, họ thật cô đơn và nhớ nhà.

Khi Kim Gannon ngồi xuống với ngọn bút trên tay để ghi lại những cảnh tượng chung quanh nàng và những người ở khắp nước Mỹ, tình cảm dạt dào chắc đã làm cho lúc viết ca khúc "I'll Be Home for Christmas" rất mực khó khăn. Thật có rất nhiều điều phải nói, nhiều điều bị mất mát do những người bị chia ly vì đêm đen hoả ngục của chiến chinh. Vậy mà thay vì cố ôm đồm viết về mọi sự, nhà văn chỉ viết, bằng lối thẳng tắp và không có gì là phức tạp, về nỗi đau trong tim khi phải xa nhà vào dịp lễ Giáng sinh. Ngắn, trực tiếp và ngọt ngào, thi sĩ Kim chỉ bằng mấy dòng chữ ngắn ngủi đã hoàn toàn thu tóm được cảm xúc của hàng trăm triệu con người.

Những lời ca của Kim Gannon được đem tới nhà soạn nhạc Walter Kent, cũng là một người dân New York. Kent hiểu thấu nỗi buồn của mùa lễ. Kent cũng là người đã sáng tác ca khúc tình cảm được nhiều người ưa chuộng "White Cliffs of Dover" nên biết rõ bản nhạc cần giai điệu nào. Bằng đôi mắt tâm thần ông nhìn thấy những chiếc ghế không người ngồi ở bàn ăn, những người mẹ cố gắng mỉm cười qua màn lệ khi nướng bánh cho những người còn hiện diện trong gia đình, những món quà lễ Giáng sinh treo trên cây thông chưa mở (trong thời kỳ này những món quà giáng sinh thường rất giản dị và buộc trên cây chứ chưa gói và đặt dưới cây thông như hiện nay). Với những hình ảnh đó trong đầu, ông đi tìm những nốt nhạc thích hợp để dệt lên lời ca. Khi hoàn thành tác phẩm, ông đã viết nên một giai điệu mơ màng, hy vọng, phù hợp hoàn toàn với lời ca của Kim Gannon.

Một trong những điều kỳ diệu của bài ca này là nó nghe như một lá thư gửi về nhà hơn là một bài hát mừng Giáng sinh tiêu biểu. Nó không chỉ có một nỗi buồn thấm thía trong lời ca và điệu nhạc mà còn chứa chan hy vọng. Nó như lời một người thủy thủ, một chiến binh nhắn gửi người nhớ mong họ rằng họ sẽ trở về một ngày không xa. "I'll Be Home for Christmas" để cho người nghe một lời nhắn gửi chung cuộc và tức tốc: "Đừng thất vọng, rồi chúng ta sẽ đoàn tụ đấy thôi."

Tính chất thiêng liêng của nhạc bản này đến từ sứ điệp gần như một lời kinh cầu nguyện. Lễ Giáng sinh tại Hoa kỳ luôn luôn là hướng về gia đình và tưởng nhớ Đấng đã tác tạo nên gia đình. Thế chiến thứ II đã phá vỡ mối giây gắn bó đó và làm xáo trộn các truyền thống của ngày lễ, "I'll Be Home for Christmas" xác nhận một cách hùng hồn niềm hy vọng rằng khi sự việc đổi thay thì với thời gian, mọi người sẽ trở về đoàn tụ.

Ngày 4-10-1943 Bing Crosby thu âm bản "I'll Be Home for Christmas". Đây là bản đơn ca sau hơn 200 bản nhạc ông đã ghi âm, đã nhảy lên hàng ăn khách thứ hai, chỉ sau "White Christmas" là bản nhạc ăn khách hàng đầu năm 1942. Bản White Christmas đứng đầu bảng 17 tuần liên tiếp sau khi phát hành, đến năm 1943 lại đứng thêm một tháng ruỡi nữa. Vậy mà giữa khung cảnh chiến tranh, "I'll Be Home for Christmas" lại được phát thanh nhiều hơn và bán ra nhiều hơn. Nó mau chóng trở thành nhạc bản được yêu cầu nhiều lần nhất trong những cuộc trình diễn cho binh sĩ mùa Giáng sinh tại các căn cứ ở Âu châu và Thái bình dương. Một số nhà viết lịch sử có nói rằng đối với quân nhân và gia đình họ thì bản nhạc thể hiện tinh thần ái quốc ngang bằng với bản "God Bless America".

Trong suốt cuộc thế chiến thứ II, chiến tranh Triều tiên và Việt nam, bài ca này tượng trưng và thể hiện những tình tự của những người ở tiền tuyến cũng như nỗi xúc cảm của người ở nhà cầu mong cho họ được an toàn trở về. Nó được thu thanh không biết bao nhiêu lần do nhiều nghệ sĩ khác nhau và hàng triệu đĩa nhạc đã được bán ra. Nhưng xa hơn những con số bán được đáng kể đó, là phương thức bài ca được nâng niu do mọi người trong xã hội. Như là một lời chứng về tính chất đầy hy vọng của nó, bài hát tuy không có một nhắc nhở đề cập nào đến Đức Giêsu hoặc là lễ Giáng sinh đầu tiên, nhưng suốt 50 năm qua nó đã được dùng hàng ngàn lần trong các cuộc trình tấu và các chương trình thuộc nhà thờ vào dịp mừng lễ Giáng sinh.

***

Ngày nay, hơn nhiều thập niên sau khi bài ca được công nhận như một lời kinh cầu ngày lễ cho thế chiến thứ II, "I'll Be Home for Christmas" vẫn còn khuấy lên nhiều xúc cảm mới. Hầu hết những người trở về nhà mừng lễ Giáng sinh sau cuộc đại chiến đã giã từ thế giới này để bước sang một thế giới khác. Nhưng vì những đóng góp và hy sinh của họ là những người đã phục vụ tổ quốc trong những ngày đen tối, họ vẫn luôn luôn trở về mừng lễ Giáng sinh với chúng ta trong tâm hồn, trong ký ức và trong giấc mơ đầy hy vọng của chúng ta.

Lời ca của bài hát I'll Be Home For Christmas:

I'll be home for Christmas,
You can count on me.
Please have snow and mistletoe
And presents under the tree.
Christmas Eve will find me,
Where the love light gleams.
I'll be home for Christmas,
If only in my dreams.
Christmas Eve will find me,
Where the love light gleams.
I'll be home for Christmas,
If only in my dreams.

8. TWELVE DAYS OF CHRISTMAS
(Mười Hai Ngày Mùa Lễ Giáng Sinh)


Bài Toát Yếu Giáo Lý Của Thời Cấm Cách

Ngày đầu tiên của mùa lễ Giáng sinh, Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Một con gà gô đậu trên cây lê.

Ngày thứ hai của mùa lễ Giáng sinh, Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Hai con cu gáy Và một con gà gô đậu trên cây lê.

Ngày thứ ba của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Ba con gà mái Pháp, hai con cu gáy Và một con gà gô đậu trên cây lê...

Ngày thứ tư của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Bốn con chim gù, ba con gà mái Pháp...

Ngày thứ năm của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Năm chiếc nhẫn vàng...

Ngày thứ sáu của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Sáu con ngỗng đang đẻ trứng...

Ngày thứ bảy của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Bảy con thiên nga đang bơi lội...

Ngày thứ tám của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Tám tì nữ đang vắt sữa...

Ngày thứ chín của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Chín thiếu nữ đang khiêu vũ...

Ngày thứ mười của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Mười ông chủ đang nhảy nhót...

Ngày thứ mười một của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Mười một người thổi tiêu đang thổi tiêu...

Ngày thứ mười hai của mùa lễ Giáng sinh Người yêu chân tình của tôi tặng tôi Mười hai tay trống đang đánh trống...

Đối với hàng triệu người thì bài hát "The Twelve Days of Christmas" chẳng qua chỉ là một bài nhạc giả tưởng gồm toàn những điều hư cấu. Những con số và quà tặng nêu trong bài hát tưởng chừng như vô nghĩa làm nhiều người liên tưởng đến những bài như "Grandma Got Run Over by a Reindeer" (Bà Nội bị Con Nai húc phải) hoặc "I saw Mommy Kissing Santa Claus" (Tôi thấy má hôn ông già Noel). Vậy mà bài hát này - ngày nay ta thấy dường như chẳng có ý nghĩa gì cả - lại đã có một thời được dùng làm công cụ giảng dậy rất quan trọng tại nước Anh của Giáo hội Công giáo.

Khoảng đầu thế kỷ 16, người Công giáo tại Anh bị cấm thực hành đức tin. Chỉ có Anh giáo mới là tôn giáo duy nhất hợp pháp trong toàn đế quốc Anh. Người Công giáo nào nói hoặc viết về đức tin của mình sẽ bị bắt và bị xử theo luật pháp thời đó. Nếu vi phạm nặng, họ sẽ bị treo cổ hoặc phân thây. Trẻ con hoặc người lớn đều bị luật pháp này chi phối, và tuổi tác của người tuyên xưng đức tin, dù còn nhỏ, cũng chẳng phải là yếu tố để nhà nước tha không áp dụng những luật lệ khắt khe.

Trước nguy cơ bị bắt bớ và cả cái chết, hàng triệu người không chịu từ bỏ tôn giáo mà cha ông tổ tiên của họ đã theo. Vì thế, cũng giống như tín hữu thời sơ khai của giáo hội ở La mã, những người Công giáo Anh đi vào nếp sống ẩn mật. Họ tổ chức những thánh lễ "chui", đóng kín cửa để học hỏi giáo lý và giấu giếm mọi dấu vết về đạo trong nhà. Họ gần như tạo thành một xã hội khép kín.

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của giáo hội thầm lặng lúc đó là việc dạy dỗ giáo lý cho con cái. Vì viết ra bất cứ điều gì liên quan đến đức tin Công giáo có thể làm mất mạng cả người viết lẫn người đọc, do đó giáo lý phải được biến cải thành những dấu hiệu bí mật. Một trong những ám hiệu có kết quả nhất của giáo hội thầm lặng lúc đó là một bài nhạc giáng sinh mà trên bề mặt tưởng chừng như chẳng có ý nghĩa gì. Điều trớ trêu là bài hát kỳ cục này lại rất phổ thông, đã len lỏi trong quảng đại quần chúng, tìm lối vô các thính đường âm nhạc, và vào ngay cả cung điện của hoàng gia nữa. Rất có ít người, và chắc không phải là nhà vua và chức sắc của Anh giáo lúc đó, nghi ngờ cái ý nghĩa tiềm ẩn đàng sau lời ca là những yếu tố căn bản về giáo lý của Giáo hội Công giáo đang bị chính quyền đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Khi bài nhạc mới trở thành phổ biến, nhiều người Anh giải thích rằng ý nghĩa của "The Twelve Days of Christmas" nằm ở số ngày, không phải ở những món quà tặng. Có nhiều giả thuyết dựa trên lối giải thích đó, đi từ lý thuyết nói rằng nó tượng trưng cái số ngày trước ngày 25 tháng chạp, cho đến lối giải thích là các lời trong bản nhạc mô tả tập tục tặng quà lâu tới 12 ngày sau lễ Giáng sinh. Trong lúc luận bàn về số ngày mà bài hát đề cập tới, ý nghĩa của những món quà kỳ cục trong bài hát thường bị bỏ qua, coi như là cái tưởng tượng thái quá của anh chàng trẻ tuổi si tình, với lý luận rằng quà tặng ở đây không mang ý nghĩa nào hết vì người si tình ít khi suy nghĩ hoặc hành động một cách hợp lý. Thế là mọi suy đoán đều khác xa sự thực, ở đây quà tặng mới là căn bản để tìm ra mật hiệu.

Số ngày không gì khác hơn chỉ là dấu hiệu giản dị của thời gian giữa lễ Giáng sinh và lễ Hiển linh, ngày kỷ niệm sự việc các đạo sĩ tới chiêm bái vị vua mới sinh hạ. Ý nghĩa bí ẩn đối với trẻ em Công giáo không phải trong số 12 ngày, mà nằm ở những món quà rất đặc biệt. Khi trẻ em hát, chúng không nghĩ đến những món quà thực mà liên tưởng tới điều khác hẳn. Mỗi trẻ em Công giáo đều được dạy rằng tình yêu thanh khiết và chân thành chỉ duy nhất đến từ Thiên Chúa. Do đó ngay từ khởi đầu bản nhạc chúng hiểu rằng bài ca này nói về tình yêu của Chúa, chẳng phải mối tình của anh chàng trai đang o bế cô gái.

Sự quan trọng của cái chết và sự phục sinh của Chúa là căn bản của đức tin – và của bài hát nữa – nên được lặp đi lặp lại sau mỗi phiên khúc mới. Con gà gô đậu trên cây lê tượng trưng cho lòng can đảm và sự sốt sắng tận tụy con người phải chứng tỏ trong cuộc sống ở trần gian. Gà gô mẹ thường lừa cho kẻ thù đi xa để che chở đàn con không biết tự vệ. Cũng giống như gà mẹ hy sinh mạng sống cho con mình thế nào thì Chúa Cứu Thế đối với chúng ta cũng vậy. Cộng thêm với hình ảnh đó, cây lê còn là biểu tượng của thập giá, cả hai gộp lại làm món quà thứ nhất tượng trưng cho món quà tuyệt đối mà Chúa hài nhi trao tặng trong ngày lễ Giáng sinh. Món quà thứ hai, hai con chim cu gáy, được hiểu là cả Tân ước và Cựu ước của Kinh Thánh. Cu gáy còn tượng trưng cho chân lý và hoà bình, một lần nữa nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa Chúa và ngày lễ Giáng sinh.

Ngày nay, "ba con gà mái Pháp " không có giá trị gì mấy, nhưng ở thế kỷ 16 lại là những món ăn rất đắt giá chỉ người giầu có mới mua được. Bữa tiệc mà có gà mái Pháp là bữa tiệc chỉ dành cho bậc vua chúa. Trong bài hát, gà mái tượng trưng cho những lễ vật quý giá do các đạo sĩ đem tới. Khi trẻ em hát phiên khúc thứ ba, chúng không nghĩ tới ba con gà mái mà liên tưởng đến vàng, nhũ hương và mộc dược. Bốn con chim đang gáy chỉ bốn tác giả sách Phúc âm đã ghi chép cuộc đời của Chúa Giêsu và sứ vụ của Người từ lúc giáng sinh đến ngày chịu chết. Ý nghĩa đích thực của những con chim ở đây là Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Tiếp theo với chủ đề Kinh thánh, "năm chiếc nhẫn " chỉ năm cuốn sách Cựu ước mà người tín hữu cho là "luật Môisen" còn người Do thái gọi là sách luật "Torah".

Khi hát lên, những món quà này không chỉ nhắc nhớ trẻ em rằng tội lỗi làm con người xa lìa ơn thánh mà còn đề cập đến việc Chúa cứu chuộc xuống để giải thoát và lập lại con đường trở về với Ngài. "Sáu con ngỗng đang đẻ trứng" có vẻ là khôi hài đối với người hát không biết ý nghĩa đích thực của nó, nhưng đối với người công giáo thì dễ hiểu và hợp lý. Chúa đã tạo dựng trái đất trong sáu ngày. Cũng giống như trứng là tượng trưng cho cuộc sống mới, những con ngỗng đẻ trứng là trình thuật sự sáng tạo trời đất và sự sống của Chúa từ hư vô. "Bảy con thiên nga đang bơi lội" cũng là một điều kỳ bí đối với những người không biết. Trong thư gửi tín hữu Rôma thánh Phaolô có đề cập đến ơn Chúa Thánh Thần. Những tặng phẩm đó là: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn phân biệt, ơn can đảm, ơn tri thức, ơn sốt sắng và ơn kính sợ (Rôma 12:6-8) tượng trưng bằng con thiên nga, loại chim được coi là duyên dáng và đẹp đẽ nhất ở nước Anh. Do đó trẻ em được dậy là khi chúng hiệp nhất với Chúa thì ơn của Chúa Thánh Thần sẽ tác động trong cuộc sống của chúng cũng dễ dàng như con thiên nga bơi lội tung tăng trên mặt nước. "Tám tì nữ đang vắt sữa" tượng trưng cho loại người tầm thường được Chúa đến phục vụ và cứu vớt.

Vào thời điểm bài hát này được viết ra, không có việc nào thấp kém hơn việc làm trong nông trại và chăn nuôi gia súc. Một người đàn bà làm công việc như vậy thường không có giá trị gì đối với chủ. Vậy mà Chúa Cứu Thế, vua của nhân loại, lại xuống phục vụ con người không phân biệt giàu nghèo, dòng dõi, phái tính... Con số tám trong câu này còn chỉ tám mối phúc thật đề cập đến trong Tin Mừng Thánh Matthêu: Phúc cho người tinh thần nghèo khó, người khóc than, người hiền hậu, người đói khát, người từ bi, người tâm hồn trong sạch, người phục vụ hòa bình, người công chính (Mat. 5: 3-10) Trong câu kế tiếp, hoa quả của Chúa Thánh Thần: đức yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhẫn nại, tử tế, nhân hậu, trung tín, hiền lành và tự chế được ẩn dấu đàng sau hình ảnh chín người thiếu nữ đang nhảy múa.
Ngoài ra, sự nhảy múa chỉ cái vui đích thực và sự thưởng công khi ta phục vụ Chúa. "Mười ông chủ đang nhảy nhót" tượng trưng 10 điều răn. Vì ông chủ thì thường được coi là người công chính, đáng kính trọng, và là người quyết định về luật pháp trong địa phận của ông, nên dễ hiểu là 10 ông chủ tượng trưng 10 giới răn Chúa đã truyền cho Moisê.

Có 12 tông đồ nhưng cuối cùng một người đã từ bỏ Chúa và sự cứu chuộc của Người. Hình ảnh 11 người thổi tiêu là hình ảnh 11 vị tông đồ đã rao truyền lời Chúa, cuộc sống và sự sống lại của Người cho thế giới. Món quà sau cùng, "12 tay trống đang đánh trống" tượng trưng cho giáo huấn quan trọng nhất đối với mọi người Công giáo. Được gọi là Kinh Tin Kính các thánh tông đồ, một bản tuyên xưng đức tin có 12 điểm. Cái trống có thể được dùng như là một tượng trưng nhịp bước mà bài kinh này dạy cho các tín đồ hàng ngày phải đi theo Chúa. Kinh Tin Kính rất quen thuộc ngay cả với những người không thuộc Giáo hội Công giáo.

Không rõ những người Công giáo nước Anh khi sáng tác bản nhạc này và dạy cho trẻ con, có muốn cho ý nghĩa đích thực của bài hát được ẩn giấu mãi mãi không. Khi việc hành đạo Công giáo không còn là một tội phạm ở nước Anh nữa, có lẽ tác giả cũng muốn tiết lộ những điều ẩn tàng trong đó. Vậy mà khi đức tin đã được giải phóng, những lời trong bài ca này vẫn giữ nguyên như cũ và chẳng ai buồn liên hệ nó với những bài hát khác có đề cập đến sự giáng sinh của Chúa.

Ngay cả bây giờ, hơn 400 năm sau thời điểm đó, dù The Twelve Days of Christmas đã được thâu thanh hàng trăm lần và được trình diễn hàng ngàn lần, ít người hát lên mà không cười thầm vì ý nghĩa kỳ cục và làn hơi thật dài phải dùng để trình bày cho xong bài hát. Có điều kỳ thú nữa là dù bản nhạc được ngụy trang để che dấu nội dung lúc ban đầu, nó vẫn tồn tại với thời gian, cũng như Giáo hội Công giáo vẫn sống còn bất chấp những bách hại của người Anh thủa đó.

Lời ca của bản The Twelve Days of Christmas (Chúng tôi không tìm được bản Việt ngữ nào):

On the first day of Christmas
my true love sent to me:
A partridge in a pear tree.

On the second day of Christmas
my true love sent to me:
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the third day of Christmas
my true love sent to me:
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the fourth day of Christmas
my true love sent to me:
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the fifth day of Christmas
my true love sent to me:
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the sixth day of Christmas
my true love sent to me:
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the seventh day of Christmas
my true love sent to me:
Seven swans a swimming,
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the eighth day of Christmas
my true love sent to me:
Eight maids a milking,
Seven swans a swimming,
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the ninth day of Christmas
my true love sent to me:
Nine ladies dancing,
Eight maids a milking,
Seven swans a swimming,
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the tenth day of Christmas
my true love sent to me:
Ten lords a leaping,
Nine ladies dancing,
Eight maids a milking,
Seven swans a swimming,
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the eleventh day of Christmas
my true love sent to me:
Eleven pipers piping,
Ten lords a leaping,
Nine ladies dancing,
Eight maids a milking,
Seven swans a swimming,
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

On the twelfth day of Christmas
my true love sent to me:
Twelve drummers drumming,
Eleven pipers piping,
Ten lords a leaping,
Nine ladies dancing,
Eight maids a milking,
Seven swans a swimming,
Six geese a laying,
Five golden rings,
Four calling birds,
Three French Hens,
Two turtle doves
And a Partridge in a pear tree.

9. JOY TO THE WORLD
(Niềm Vui cho Thế Giới)


Hai nhà viết ca khúc sáng giá – mặc dầu chưa bao giờ gặp nhau – đã cùng tạo nên một trong những ca khúc mừng Giáng sinh lâu bền nhất. Mỗi người đã vượt qua những phương thức cố định khi làm việc và đi tiên phong trong mọi mặt về công việc họ làm. Hơn nữa, là những người đem bản nhạc tới thế giới, cả hai đều cố đem nhạc tôn giáo đi vào một thời đại mới. Vì họ ở cách xa nhau nửa vòng trái đất và cách biệt nhau gần một thế kỷ thời gian, họ không hay biết rằng với sự hợp tác của nhau, họ đã tạo nên một bản nhạc cổ điển phi thời gian dành cho ngày lễ, dành cho mọi lứa tuổi và mọi loại thính giả. Và trong thực tế, có lẽ cả Isaac Watts và Lowell Mason đều không biết họ đã trao tặng thêm cho thế giới một nhạc bản mừng Giáng sinh nữa.

Isaac Watts sanh ngày 17 tháng 7 năm 1674 tại Southampton, nước Anh. Cha ông cũng tên là Isaac, là một khuôn mặt cách mạng thuộc giáo hội Tin lành. Ý chí mạnh mẽ và ngoan cường, người cha này làm thợ giày và thợ may để sinh sống, đang ở trong tù khi đứa con ra chào đời. Ông ta là một trọng phạm bất phục tùng quốc giáo, bị kết tội đã giảng dậy những tư tưởng cấp tiến không được Giáo hội Anh giáo và các học giả theo quốc giáo thời đó chấp nhận. Như vậy, ở tuổi rất sớm, chắc chắn là người con đã được ông bố truyền cho những lối suy nghĩ tự do.

Isaac Watts lớn lên, làm việc thờ phượng tại nhà thờ cộng đoàn tại Southampton. Hầu hết trẻ con Anh với khả năng trí thức như Isaac thường được gửi đến học tại Oxford hoặc Cambridge, nhưng vì không thuộc giáo hội Anh giáo nên Isaac được gửi học tại Independant Academy tại Stoke, Newington. Nơi đó – chắc là noi gương cha mình – ông tiếp tục bày tỏ tính chất chống đối. Không bằng lòng với hiện trạng của mọi sự, ông thắc mắc về mọi điều. Ông đòi hỏi phải biết tại sao ông và bất cứ ai cũng phải chấp nhận sự thỏa mãn về mọi việc trong khi những việc đó có thể được làm cho tốt đẹp hơn nhiều. Mặc dầu học hành khá tiến bộ, nhưng Isaac bỏ học viện ở tuổi 20 sau khi đã học tiếng Hy lạp, Do thái và Latinh, để trở về nhà sống với cha.

Giống như hầu hết mọi người trai trẻ, Watts thấy âm nhạc ở nhà thờ thời đó không có tinh thần và theo giọng đều đều buồn nản. Ông không thấy có niềm vui hay cảm xúc do những bài hát tiêu chuẩn do ca đoàn hoặc do cộng đoàn hát. Vậy mà khi cả thế hệ trẻ trung thời đó giữ im lặng thì Isaac phàn nàn với cha về những từ ngữ cổ trong các thánh vịnh hát ở nhà thờ. Người cha, không bao giờ có óc duy trì truyền thống, thách thức con xem có làm ra được gì tốt đẹp hơn không. Điều thách thức này làm nổ bùng những sáng kiến mà kết quả là Isaac đã sáng tác hơn 600 bản thánh ca và hàng trăm bài thơ.

"Behold the Glories of the Lamb" là bản tụng ca đầu tiên của Isaac. Tiếp theo sau là nhiều bài khác. Trong một thời gian, hầu hết các sáng tác của ông đã gặp phải những miệt thị vì không ai muốn có những bản dịch Kinh thánh mới. Một số người còn cho là anh chàng trai trẻ Isaac là người lạc giáo hoặc là công cụ của ma quỷ. Nhưng ông quyết không bỏ cuộc. Ông thường xuyên thách đố những người chung quanh bằng những bài ca mới và những tư tưởng mới về đức tin.

Sau nhiều năm sinh sống bằng nghề dạy học tư, Isaac được làm phụ tá cho tiến sĩ Isaac Chauncey tại nguyện đường độc lập Mark Lane ở Luân đôn. Ba năm sau, lúc này 26 tuổi, Isaac trở thành mục sư. Nhờ ở phần nào phong cách đạo đức trong công việc và những ý tưởng mới mẻ của ông, giáo hội này phát triển nhanh chóng. Với địa vị mới và được tôn trọng, cuối cùng ông đã có thể xuất bản các bản nhạc của ông.

Qua những bản thánh ca và các bài viết về thần học, ông trở thành một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất tại Anh. Elizabeth Singer, một thiếu nữ cảm xúc sâu xa do các bài viết gây hứng khởi của ông nên viết thư cho ông và mau chóng trở thành một người mến mộ ông rất mực. Nàng cầu hôn với ông bằng một lá thư. Khi ông chấp thuận, nàng vội vã tìm đến, lòng đầy ưu tư. Nhưng thay vì vun quén cho tình yêu một đời đó được bền chặt, cuộc gặp gỡ giữa hai người chú tâm hoàn toàn vào tác giả và các tác phẩm mà không đề cập gì đến Elizabeth cả. Sau này nàng nói rằng: "Ông ta chỉ cao có một thước rưỡi, mặt nông cạn, mũi khoằm xuống, xương lưỡng quyền nhô cao, mắt nhỏ và lờ đờ như chết." Không thể nhìn ngắm người đàn ông trước mặt để thấy được vẻ sáng suốt rực rỡ nằm ẩn tàng ở bên trong, người thiếu nữ vội vã trở về quê nhà ngay. Cõi lòng tan nát, Watts lao mình vào việc viết lách, không bao giờ tìm tình yêu nơi người đàn bà nào khác.

Chính trong lúc nghiên cứu thánh vịnh 98 mà Isaac hứng khởi sáng tác bài ca nổi tiếng nhất này. Trong câu thứ 4 của thánh vịnh, Isaac nghiền ngẫm: "Cả trái đất hãy tung hô Chúa, mừng vui lên, reo hò đàn hát". Chú trọng vào câu này và câu 5 tiếp theo sau đó, Isaac đặt bút viết một bài thơ 4 khổ gọi là "Niềm vui cho Thế giới". Đặt theo nhịp ca thông dụng, bài thơ thường được hát theo điệu nhạc của bài "Come Thou Fount of Every Blessing." Nhưng vì Isaac đã dám viết lại bản thánh vịnh nên ít người tín hữu tại Anh chấp nhận bài ca của ông.

Isaac không chịu từ bỏ nỗ lực làm cho thánh ca trở thành có ý nghĩa hơn đối với người bình dân. Ông tiếp tục viết và phát hành các bài ca mới dù phải đương đầu với những chỉ trích ngày càng tăng. The Psalms of David Imitated in the Language of the New Testament and Applied to the Christian State and Worship được xuất bản năm 1719. Bộ sách này, tràn ngập những bản nhạc cổ điển ngày nay vẫn còn biết tới như "We're Marching to Zion," "When I Survey the Wondrous Cross," "At the Cross," và "This Is the Day the Lord Has Made," không những chỉ được các Kitô hữu người Anh dần dần đón nhận mà còn gây cảm hứng cho những người khác như Charles Wesley và John Newton để họ sáng tác những bài thánh ca mới dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Ít có nghi ngờ rằng ý chí kiên cường và nỗ lực thường xuyên của ông nhằm đem âm nhạc Kitô giáo đến người dân thường giữ cho "Joy to the World!" trong mắt công chúng dài lâu sau khi tác giả mất năm 1748. Nó cũng khởi sự một cuộc cách mạng trong lề lối suy tư về âm nhạc Kitô giáo hiện đại.

44 năm sau, Lowell Mason sanh tại Orange, bang New Jersey. Thời niên thiếu anh điều khiển ca đoàn nhà thờ và dạy ở trường ca hát. Mặc dầu có nhiều người nghĩ anh có tài về âm nhạc nhưng Mason không thấy có cách nào kiếm sống bằng tài năng đó. Năm 1812 chàng thanh niên này di chuyển về Savannah, tiểu bang Georgia, và bắt đầu làm nghề ngân hàng. Nhưng đam mê âm nhạc vẫn còn trong tâm hồn anh. Trong thời gian rảnh rỗi, anh học hòa âm, viết lời ca, và trở thành học trò của nhà soạn nhạc thời danh Hendel. Với ảnh hưởng của nhạc sĩ người Đức này, anh gửi cho nhà xuất bản ở Boston một cuốn sách gồm âm nhạc và hoà âm do anh sáng tác. Khi sách bị từ chối theo lẽ đương nhiên, vì quần chúng Mỹ lúc đó muốn có nhạc dân ca mới chứ không phải nhạc theo tiêu chuẩn cổ điển, Mason quyết định chỉ dùng tài năng mình vào dịp cuối tuần để dạy ở trường giáo lý nhà thờ và làm người chơi đàn cho giáo đường Presberyterian tại địa phương. Hãy tưởng tượng cú sốc của anh vào năm 1827 khi anh thấy không những âm nhạc của mình tìm được nhà chịu xuất bản, mà Hiệp Hội Handel and Haydn tại Massachusetts còn đặt mua 50 ngàn cuốn sách nhạc của anh! Lập tức, anh rời miền nam, di chuyển về Boston.

Trong 20 năm kế tiếp, Lowell là người thúc đẩy và làm náo động giới âm nhạc tại New England. Cũng giống như Isaac Watts, Lowell thấy mình là một nhà cách mạng, không ngừng đưa ra những ý kiến mới mẻ. Các trường học vào thời đó không chú ý gì tới âm nhạc, do đó ông bỏ tiền túi ra thành lập một chương trình âm nhạc đầu tiên tại trường học công lập ở Boston. Ông cũng trở thành người xuất bản âm nhạc quan trọng nhất ở đô thị này, đã sáng tác hơn 600 bản thánh ca, gồm cả những bài như "My Faith Looks Up to Thee" và "Nearer My God to Thee."

Năm 1836, do tình yêu đối với những nhà soạn nhạc cổ điển người Đức chưa phai, ông đã sáng tác một giai điệu mới gợi hứng từ 2 bản nhạc trong tấu khúc Messiah của Handel là "Lift Up Your Head" và "Comfort Ye." Sau khi hoàn thành công trình này, ông đã tác tạo một cái gì hoàn toàn mới, một bản tụng ca hồ hởi mà ông đặt tên là "Antioch" dựa theo tên một đô thị ở Syria (Ang-ti-ô-ki-a) là điểm khởi hành của thánh Phaolô trong hai cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên. "Antioch" phải có lời ca đi kèm, nhưng tác giả cần có thời gian mới tìm được sứ điệp đi theo với nhạc của ông. Ba năm sau, trong cuốn sách hát nhan đề Modern Psalmist, cuối cùng Mason đã nối kết một trong những lời ca được cảm hứng từ thánh vịnh vào nhạc điệu của ông. Vào lúc này mọi người đã sẵn sàng đón nhận "Joy to the World!".

***
Năm 1911 Elise Stevenson người đã có thành công lớn lao trong những ngày đầu của âm nhạc thu thanh với những bản như "Shine On, Harvest Moon" và "Are You Sincere?", gia nhập Ban Hợp xướng Trinity để cho ra đời bản nhạc "Joy to the World!" vào dịp lễ Giáng sinh. Đĩa nhạc ghi âm mỗi mặt một bản (single) này của hãng Victor Records đã nhảy lên hàng thứ năm trong danh sách nhạc bán chạy nhất, và ghi dấu lần đầu tiên âm nhạc của Watts và Mason xuất hiện trên danh sách nhạc bình dân, hiện đại (mặc dầu sau này "Joy to the World!" đã gợi hứng cho một nhóm gọi là "Three Dog Night" sáng tác một bản nhạc rock ăn khách).

Làm cách nào bản thánh ca này trở thành một bản nhạc mừng Giáng sinh vẫn còn là điều kỳ bí. Lấy hứng từ Thánh kinh Cựu ước – không có từ ngữ nào đề cập đến sự giáng sinh của Đức Giêsu ngoài câu "Chúa đã tới (the Lord is come)" – "Joy to the World!" dường như là bài ca của mọi mùa, có thể hát vào tháng 7 cũng như tháng 12. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, người Mỹ nhận bài hát này như bài ca tiêu chuẩn mùa lễ Giáng sinh. Có lẽ vì từ bài ca toát lên một tinh thần hoan hỉ, làm người ta "cảm nghiệm" như một thánh ca Giáng sinh thực thụ.

"Joy to the World!" là một trong những bản thánh ca Giáng sinh được ưa chuộng nhất hiện nay. Nhưng vì nó không lấy cảm hứng từ 4 sách Tin mừng trong Tân ước, nó cũng đứng ra một mình như một nhạc bản Giáng sinh thông dụng không có chủ đề Giáng sinh. Có lẽ đó là tính cách thích hợp, vì cả hai tác giả Isaac Watts và Lowell Mason đã cố công làm cho người ta thấy được Thánh kinh kết hợp với âm nhạc theo phong cách mới. Watts và Mason biết, và chúng ta nữa cũng nên nhớ, rằng người Kitô hữu nên biểu lộ niềm hân hoan mỗi ngày và mọi ngày trong cuộc đời vì "Chúa đã tới."

1. Lời ca bằng Anh ngữ:

Joy to the world! The Lord is come!
Let earth receive her King;
Let every heart prepare Him room,
And heaven and nature sing
And heaven and nature sing
And heaven, and heaven and nature sing

Joy to the earth! The Savior reigns!
Let men their songs employ;
While fields and floods, rocks, hills and plains
Repeat the sounding joy
Repeat the sounding joy
Repeat, repeat the sounding joy

No more let sins and sorrows grow
Nor thorns infest the ground
He comes to make His blessings flows
Far as the curse is found
Far as the curse is found
Far as, far as the curse is found

He rules the world with truth and grace
And makes the nations prove
The glories of His righteousness
And wonders of His love
And wonders of His love
And wonders, wonders of His love

2. Lời Việt của nhạc sĩ Hoàng Kim (có ghi nhạc của ca khúc này là của G.F. Handel):

Tiếng muôn thiên thần hỉ hoan ca mừng
Lừng vang đồng xanh đêm vắng
Chúa sáng danh trên trời
Chúc thái an cho đời

Điệp khúc:

Người người dạt dào niềm vui
Đất trời ngợp đầy hạnh phúc
Trong giờ phút linh thiêng
Chúa Con ra đời

Sống trong u sầu đã bao năm trường
Giờ đây ngàn dân vui sướng
Bóng tối nay xa nhòa
Ánh sáng lên chan hoà

Hãy mau trông nhìn ánh sao rạng ngời
Nào ta cùng nhau đi tới
Kính bái vua Thiên đình
Giáng thế đem an bình

3. Phiên bản của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:

- Phước cho nhân loại! Chúa ta ra đời:
Trần gian nghênh vua vô đối;
Kíp mở cửa lòng tiếp rước Con Trời,
Bầu trời vạn vật hòa thinh,
Bầu trời vạn vật hòa thinh,
Trời đất xướng ca kính khen Vua mình.

- Phước cho nhân loại! Chúa nay cai trị:
Muôn dân âu ca hoan hỉ,
Hải đảo sơn hà trổi bản ca thi,
Đồng hòa vận điệu mừng vui,
Đồng hòa vận điệu mừng vui,
Hòa khúc thánh ca hỉ hân muôn đời.

- Chúa đến tiêu diệt ác khiên bệnh tật,
Tật lê không sinh trên đất;
Chúa đến đem lại suối phước chân thật,
Tràn ngập mọi vùng họa ương,
Tràn ngập mọi vùng họa ương,
Nguyền rủa biến ra phước ân thiên thượng.

- Lẽ chánh ơn lành Chúa đem cai trị,
Làm cho muôn dân khai trí,
Thấy rõ vinh quang chính nghĩa trị vì,
Lòng đại từ Ngài lạ thay!
Lòng đại từ Ngài lạ thay!
Từ ái Chúa ta cổ kim ai tày.

10. O COME, O COME, EMMANUEL
(Emmanuel, xin hãy đến, xin hãy đến)


"O Come, O Come, Emmanuel" có lẽ là bài ca mừng Giáng sinh cổ xưa nhất mà ngày nay chúng ta còn hát. Bản thánh ca bình dân này xuất phát từ thế kỷ thứ 9 và tượng trưng một loạt những nghi thức quan trọng và cổ kính do giáo hội Công giáo cử hành. Nó cũng trình bày những vai trò khác nhau trong Kinh thánh mà giáo hội tin rằng Đức Giêsu đã hoàn tất. Tính chất phổ cập của đức tin trình bày trong bài ca này có thể được thấy rõ rệt nhất với sự kiện là từ một bản thánh ca hát bằng tiếng La tinh và chỉ được dùng trong các thánh lễ Công giáo chính thức, nó đã vượt biên giới để trở thành bài hát được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được mọi chi phái Kitô giáo trên thế giới công nhận.

Chúng ta không biết tác giả của "O Come, O Come, Emmanuel". Chắc đó là một tu sĩ đan viện hay một linh mục đã viết lời trước năm 800. Ông cũng là một học giả thông thạo cả Cựu ước và Tân ước. Sau khi hoàn tất, thánh ca đã được dùng trong nhiều nhà thờ và tu viện ở châu Âu và trở thành một phần quan trọng của giáo hội. Vậy mà suốt 51 tuần lễ trong năm, người ta không dùng tới, chỉ dành cho những buổi kinh chiều ở tuần lễ sau cùng của mùa Vọng trước ngày mừng Chúa ra đời.

Trong hình thức nguyên thủy, "O Come, O Come, Emmanuel" là một trong những "Tiền khúc Lớn" hoặc "Những Chữ O Lớn" (Great Antiphone or Great O's (1). Nguyên bản bằng La tinh, đóng khung trong 7 câu, trình bày các quan điểm khác nhau theo Thánh kinh về đấng Messia. Mỗi ngày một câu được hát lên trong 7 ngày sau cùng trước lễ Giáng sinh.

Vượt lên trên tính cách rất đơn giản và hầu như hoàn toàn đơn điệu buồn nản của nhạc được xử dụng vào thời đó, những lời ca lại vẽ nên hình ảnh phong phú về nhiều lời tiên tri trong Kinh thánh đã được thực hiện do sự giáng sinh của Đức Kitô. Vì thế câu chuyện về "O Come, O Come, Emmanuel" thực ra là một sự học hỏi cô đọng về đấng Messia theo Kinh Thánh, Người là ai, Người tượng trưng cho điều gì và tại sai Người phải xuống thế. Ngay cả ngày nay, nếu bạn là một học sinh học Kinh thánh chăm chỉ, lời ca của bài hát này cũng tỏ bày câu truyện được bộc lộ về đấng Messia.

Đối với những người ở thời đại đen tối (Dark Ages) – khi mà ít có ai được đọc hay tiếp cận với Kinh thánh – bài hát là một trong ít thí dụ cho biết làm cách nào quan điểm của Cựu ước và Tân ước về đấng Messia lại phối hợp được với nhau trong sự giáng sinh và cuộc đời của Đức Giêsu. Vì lý do nó mang chuyện về đấng Cứu thế kể thành sống động suốt hàng trăm năm khi người bình dân sống trong dốt nát và tăm tối, "O Come, O Come, Emmanuel" được xếp hạng là một trong những bài ca quan trọng nhất trong lịch sử đức tin Kitô giáo.

Bài ca được chấp nhận rộng rãi khắp nơi là do công của một người tên là John Mason Neale. Ông sanh ngày 24 tháng giêng năm 1818, là linh mục Anh giáo được học hỏi tại trường đại học Trinity ở Cambridge. Rất xuất sắc, có thể viết và nói hơn 20 ngôn ngữ, đáng lẽ ông sẽ có một tương lai rất sáng lạn. Nhưng lại có nhiều người sợ trí thông minh và sự sáng suốt của ông. Lúc đó các nhà lãnh đạo giáo hội nghĩ là ông quá hăng say truyền đạo, quá cấp tiến, và suy nghĩ quá tự do nên không thể để cho có ảnh hưởng lên quần chúng. Vì thế thay vì được làm việc mục vụ tại Luân đôn, ông được giáo hội sai tới vùng các đảo Madiera ở miền biển tây bắc Phi châu.

Bị đẩy ra khỏi nơi được mọi người chú ý và ban phát cho chức vụ làm giám sát tại một địa điểm gần như bị quên lãng như vậy, người ta nghĩ rằng ông và các ý tưởng của ông sẽ không bao giờ tìm được chỗ phát triển tại Anh quốc. Vậy mà Neale lại từ chối không chịu từ bỏ những gì liên hệ đến Chúa và đến ơn gọi của mình. Với lương bổng hằng năm chỉ có 27 anh kim, ông thiết lập dòng tu nữ St Margaret. Từ tu hội này ông bắt đầu kiến tạo một nhà nuôi trẻ mồ côi và một nhà trú ngụ cho gái giang hồ. Và những công việc cao cả ấy chỉ mới là bước đầu.

Khi không làm việc mục vụ cho những kẻ có thể được gọi là "những người hèn mọn nhất" đó, con người mảnh khảnh và yếu đuối tên Neale này lại đi xem xét mọi khía cạnh của các bài viết dựa trên Kinh thánh mà lúc đó ông có thể kiếm được. Chính trong khi nghiên cứu học hỏi này, Neale gặp được bài hát "O Come, O Come, Emmanuel" bằng tiếng Latinh trong một cuốn sách nhan đề Psalteroium Cantionum Catholicarum. Nắm bắt được sự quan trọng nơi văn bản đầy cảm hứng của bài ca, ông dịch các từ ngữ ra tiếng Anh. Trong bản khởi đầu của ông, lời bài hát bắt đầu bằng "Draw nigh, draw nigh, Emmanuel (Xin Emmanuel hãy xích đến gần)".

Mặc dầu được hát không biết bao lần mỗi dịp lễ Giáng sinh, nhiều ý nghĩa phong phú của bài hát đã bị đặt ra bên lề hoặc bị mất. Trong lúc cả hai vị - người đan sĩ cổ xưa và vị linh mục sống trong cảnh lưu vong đày ải – có lẽ sẽ ngạc nhiên rằng ai đó còn nhớ tới tác phẩm của họ và việc chỉ có một số ít người nhận ra ảnh hưởng hoàn toàn của các từ ngữ chắc chắn sẽ làm cho họ bất mãn lắm. Vì hát một bài ca mà không cảm nghiệm được sức mạnh và sự huy hoàng của ý nghĩa của nó là tầm thường hóa cả nhạc và lời.

Câu đầu tiên của bài hát lấy từ sách tiên tri Isaia 7:14 và sách Tin mừng theo thánh Matthêu 1:23. Nó giới thiệu đấng Emmanuel – "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" – và Israel như là tượng trưng cho thế giới Kitô giáo, bị lưu đầy trên một thế giới tối tăm và tội lỗi.

Chương 11 sách tiên tri Isaia dùng làm chủ đề cho câu mở đầu bằng "O come, thou rod of Jesse, free" (Xin hãy đến, hỡi Người là Cây gậy của Jesse, xin giải thoát. Trong một số bản dịch khác gọi là "Branch of Jesse," nhành cây của Jesse). Trong câu đó the rod of Jesse (cây gậy của Jesse) chỉ Đức Kitô, chỉ có mình Người có thể đánh bại được Satan và đem lại cuộc sống vĩnh cửu cho những kẻ tin theo Người.

"O come, O Dayspring, come and cheer (Ôi xin hãy đến, hỡi Rạng Đông, xin đến và tung hô)" diễn tả hình ảnh ngôi sao mai, một quan niệm có thể truy cập từ sách Malachi 4:2. Trong câu này, bài hát kể rằng đấng Cứu độ tới sẽ mang lại công lý, lương hảo và chân lý. Người sẽ soi sáng và xua đuổi bóng tối. Cũng như Malachi đã hứa hẹn: "Mặt trời công chính sẽ mọc lên trong đôi cánh có sức chữa lành." (2)

Lời ca tiếp theo trở thành "O come, thou key of David" (Xin hãy đến, hỡi Người là Chìa Khóa của David). Từ ngữ trong câu này giải thích rằng vị Vua mới giáng sinh nắm giữ chìa khóa nước trời, và chỉ có qua Người mới vào được thiên quốc.

Câu thơ bắt đầu bằng "O come, o come, Adonai" (Xin hãy đến, xin hãy đến, hỡi Adonai) (trong một số bản có chép "O come, thou wisdom from on high" (Xin hãy đến, hỡi Người là Minh Triết từ trời cao) đặt trọng tâm vào nguồn gốc của sự khôn ngoan đích thực, chỉ đến được từ Chúa qua Con của Người. Qua đấng Cứu thế, sự khôn ngoan này có thể đi vào khắp nơi trên thế giới, đem lại hòa bình và thông cảm cho mọi con người. Do đó, giáo huấn và gương mẫu của Đức Kitô thể hiện tất cả các lời tiên tri trong Cựu ước.

Ngay cả ngày nay, khi được hát nơi hành lang công cộng do một nhóm du ca hay trong một chương trình truyền hình đặc biệt, tiếng hát thuở ban đầu của các vị đan sĩ một thời xa xưa quên lãng vẫn tưởng chừng như còn nghe thấy đâu đây. Mặc dầu được dịch ra nhiều thứ tiếng và hát lên theo nhiều cung cách thể điệu và hòa âm khác nhau, tính chất đơn giản nhưng đạo đức của bài hát vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một lời tôn kính, một lời ngợi ca không phải chỉ về sự giáng sinh của Con Chúa Trời nhưng còn là sự thể hiện lời hứa của Thiên Chúa đem Con của Người xuống trần gian. Trong bài hát giản dị nhưng xuất sắc này, những tiếng nói của hàng giáo sĩ của một thời quá vãng còn vang vọng thúc giục thế giới ngày nay chấp nhận và thờ kính vị Vua, Người đã thực thi lời hứa cao cả nhất của Thiên Chúa với con cái của Người.

1. Lời ca (do Ace Collins ghi trong sách):

O come, o come, Emmanuel,
And ransom captive Israel,
That mourns in lonely exile here
Until the Son of God appear.

Điệp khúc:

Rejoice! Rejoice! Emmanuel
Shall come to thee, O Israel.

O come, thou rod of Jesse, free
Thine own from Satan's tyranny;
From depths of hell thy people save
And give them vict'ry o'er the grave.

O come, O Dayspring, come and cheer
Our spirits by thine advent here;
And drive away the shades of night
And pierce the clouds and bring us light.

O Come Thou Key of David, come
And open wide our heavenly home;
Make safe the way that leads on high,
And close the path to misery.

O come, O come, Adonai,
Who in thy glorious majesty
From Sinai's mountain, clothes in awe,
Gavest thy folk the elder law.

2. Lời ca (theo giáo hội Công giáo):

O Come, O Come Emmanuel
And ransom captive Israel
That mourns in lonely exile here
Until the Son of God appear.

Điệp khúc:

Rejoice! Rejoice! Emmanuel shall come to thee, O Israel.

O Come, Thou Wisdom from on high,
And order all things mightily
To us the path of knowledge show
And teach us in her ways to go.

O Come, O Come, Thou Lord of might,
Who to Thy tribes on Sinai's height
In ancient times did give the law
In cloud, and majesty, and awe.

O Come Thou Rod of Jesse's stem,
From every foe deliver them
That trust in thy power to save,
And give them victory o'er the grave.

O Come Thou Key of David, come
And open wide our heavenly home;
Make safe the way that leads on high,
That we no more have cause to sigh.

O Come Thou Dayspring from on High
And cheer us by Thy drawing nigh.
Disperse the gloomy clouds of night
And death's dark shadow put to flight.

O Come, Desire of Nations, bind
In one the hearts of all mankind.
Bid every strife and quarrel cease,
And fill the world with heaven's peace.

3. Chúng tôi không tìm được bài nhạc Việt nào chuyển dịch ca khúc này, ngoại trừ phiên bản sau đây của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:

- Vì yêu nhân gian Jêsus đến nơi dương trần.
Máng cỏ đê hèn thân Chúa cam chịu bần hàn.
Cô đơn nghèo nàn với biết bao nhọc nhằn.
Ngài đem an vui đến cho tất cả nhân loại.
Hãy hát vang lên! Danh Ngài Em-ma-nu-ên.
Chúa đến dương trần để cứu rỗi mọi tội nhân.

- Trần gian đau thương con người sống trong vô vọng.
Nhưng có tin mừng do Chúa Con Trời hạ sinh.
Âu lo, phiền muộn Chúa gánh thay loài người.
Trần gian khinh chê chối bỏ chính Vua muôn đời.
Ấy bởi thương tôi Jêsus chẳng than một lời.
Nhân thế vô vọng, Chúa đến để ban bình an.

- Tại Gô-gô-tha nhân loại đóng đinh Con Trời.
Thập giá khổ hình Jêsus gánh thay tội nhân.
Đau thương một mình Chúa gánh thay tội tình.
Vì yêu nhân gian Jêsus phó bỏ thân vàng.
Ấy bởi thương anh trên đồi huyết Chiên Con tràn.
Hãy đến bên Ngài, xin Chúa thứ tha tội anh.

Ghi chú:

(1) "O" antiphons là những tiền khúc cuối mùa Vọng, những tiền khúc kêu vọng, tức là 7 tiền khúc thuộc phần kinh chiều (Vespers) hát trong các tu viện trước và sau Tụng ca Magnificat của 7 ngày trước lễ Giáng sinh (từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 12), tất cả đều bắt đầu bằng chữ "O" nghĩa là Lạy:

Ngày 17: Lạy đấng Thượng Trí, Người xuất phát từ miệng đấng Tối Cao... xin đến dạy chúng con đường lối khôn ngoan.

Ngày 18: Lạy Thiên Chúa và Đấng Cai quản nhà Israel... xin đến giang cánh tay mở rộng để cứu chuộc chúng con

Ngày 19: Lạy Cội Jesse... xin hãy đến giải thoát chúng con, đừng nấn ná nữa.

Ngày 20: Lạy Chìa Khoá David và Vương Trượng nhà Israel... xin hãy đến, giải thoát người đang bị giam tù, người ngồi trong tối tăm và trong bóng tối sự chết.

Ngày 21: Lạy Bình Minh từ Phương Đông... xin hãy đến và soi sáng những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng tối sự chết.

Ngày 22: Lạy Đức Vua của Muôn dân... xin hãy đến và giải thoát con người Chúa đã tạo dựng nên từ bùn đất.

Ngày 23: Lạy Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi... xin hãy đến cứu chúng con, lạy Thượng đế Chúa chúng con.

(2) Sách tiên tri Ma-la-khi của giáo hội Công giáo không có chương 4. Câu tương đương là ở chương 3 câu 20: "Mặt trời công chính sẽ mọc lên mang theo các tia sáng chữa lành bệnh".

11 - HANG BE LEM


Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Nằm trong hang đá, nơi máng lừa.
Trông hang Bêlem...

Những câu hát ấy, khởi đi từ giữa thập niên 1940 của thế kỷ trước, vẫn còn vang vọng mỗi dịp mừng lễ Giáng sinh, từ trong các thánh đường Công giáo tại Việt Nam và theo chân đoàn con cái Chúa đi khắp những miền xa xôi trên thế giới, từ những đài phát thanh, đài truyền hình đến tận các tư gia. Bài hát thật giản dị, dễ nhớ, đã đi sâu vào lòng người, không chỉ những người Công giáo Việt Nam. Nhiều người thú nhận đó là bài thánh ca Giáng sinh đầu tiên và duy nhất mà họ thuộc nằm lòng.

Điều gì đã làm cho bài hát rất giản dị, trong sáng ấy còn vang vọng mãi trong lòng người suốt hơn nửa thế kỷ? Và ai dám bảo là nó sẽ không tồn tại đến chừng nào còn người Công giáo Việt?

Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Bê-lem:

"Đó là bài đầu tiên mà tôi viết vào tháng 11 năm 1945. Lúc ấy tôi được 25 tuổi và đang dạy học ở trường thầy Giảng Bùi Chu.

Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa soạn bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu - chủ nhiệm - thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại.

Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Bê-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này: Ông sẽ trả chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.

Tôi còn nhớ, lúc đó tôi đã in ra 500 bản với giá 3 hào hay 3 xu gì đó. Tôi gởi lên Hà Nội 10 bản. Một số nhà thờ hát và nhiều người thấy hay nhưng không tìm đâu ra bản nhạc. Thật đúng tôi là một anh nhà quê! Đối với thủ đô Hà Nội mà chỉ có gởi 10 bản nhạc!". Một điều rất đặc biệt là Cha Kim Định đã mua một bản danh dự với giá 100 đồng! Tôi cũng gửi biếu Đức Cha Phạm Ngọc Chi – lúc ấy còn là Linh mục và đang dạy ở trường Lý Đoán Phát Diệm – một bản.

Bài Hang Bê-lem đã ra đời như thế, và đã được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh năm 1945. Cũng chính nhờ sự thành công của bài hát này, Hải Linh đã được Giám Mục Phạm Ngọc Chi gởi đi du học ở Âu Châu vào năm 1950.

***

Hải Linh tên thật là Phanxicô Trần Văn Linh, sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại làng Ứng Luật phủ Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm, trong một gia đình đạo hạnh. Người em trai thứ sáu của ông cũng là một linh mục nhạc sĩ (Lm Trần công Hoan tức nhạc sĩ Hùng An).

Năm lên 12 tuổi ông vào tu tập tại Trường Thử ở Trung Linh (Nam Định), nơi đây ông được Lm Rangel người Pháp (tên Việt là cố Lễ) tập luyện ca nhạc và khơi động năng khiếu về âm nhạc. Ông sớm say mê âm nhạc, tự tìm tòi học hỏi. Năm 16 tuổi ông vào học ở Chủng viện Ninh Cường, nơi đây ông đã phụ trách tập hát và đệm đàn ở nhà thờ.

Năm 1940, lúc 20 tuổi, Hải Linh vào học tại trường Thầy Giảng (Bùi Chu) và sau đó được giữ lại để dạy Pháp văn và âm nhạc tại trường. Đây là thời gian Hải Linh bắt đầu sáng tác một số bài hát đạo cũng như đời. Có lẽ bài hát đạo đầu tay của Hải Linh là bản nhạc rất phổ thông "Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam" sáng tác vào khoảng năm 1944 giữa khi đất nước đang lâm cảnh chiến tranh tàn khốc. Hải Linh cùng với Vũ Minh Trân và một số bạn hữu khác như Thăng Ca (Lm. Ngô Duy Linh), Võ Thanh (Lm. Vũ Đình Trác), Hồ Khanh (Lm. Trần Thái Hiệp)... thành lập Nhạc đoàn Sao Mai, và đã xuất bản nhiều tập ca vịnh như: Ca vịnh Đức Mẹ (1946), Ca vịnh Đức Mẹ Fatima – Thánh cả Giuse (1949), Ca vịnh Thánh Tâm – Thánh Thể (1949)... Trong số các bài của thời kỳ sơ khởi này có những bài ngày nay vẫn còn phổ biến như "Lòng con đau đớn thiết tha...", "Ngày nay con đến hát khen mừng Mẹ Chúa Thiên Đàng", "Nguyện xin Thánh cả Giuse quyền cao sang...", nổi bật nhất là bài "Hang Belem", sáng tác cho mùa Giáng sinh 1945.

Đầu năm 1950 ông được gửi đi du học tại Roma, nhưng 5 tháng sau đổi qua Pháp. Từ 1-5-1951 ông học nhạc tại Viện Giáo Nhạc thuộc Institut Catholique de Paris, đồng thời học sáng tác tại Trường Nhạc César Franck do giáo sư Guy de Lioncourt làm giám đốc và trực tiếp hướng dẫn Hải Linh. Chính Giáo sư đã thổ lộ, theo lời kể của Cố Nhạc sĩ Lm Hoàng Kim:"Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi, tôi chỉ gặp được hai người có tài, một người Nhật, làm trưởng ban nhạc Đài Phát thanh Nhật Bản và người thứ hai là Phanxicô Hải Linh."

Ngoài việc học chính thức tại hai trường nói trên, Hải Linh còn tìm học hoặc trao đổi thêm với một số giáo sư nổi tiếng khác về ngũ âm cũng như về điều khiển ban nhạc. Các tác phẩm ông sáng tác trong thời kỳ du học tại Paris đã nói lên nỗi thao thức muốn tìm một nhạc ngữ phù hợp với ngôn ngữ đa thanh của dân tộc: Chúa Khải Hoàn, Ave Maria 1, Ngợi Khen, nhất là các bài Ra Khơi, Nhạc Việt, Hò Non Mước, Cóc Quân, Duyên Kỳ Ngộ, Chuông Hòa Bình, Lâm Khốc...mang đầy âm hưởng dân tộc. Giáo sư Guy de Lioncourt đã nhiều lần tỏ vẻ thích thú khi nghe "Monsieur Francois" (Người Pháp gọi Hải Linh bằng tên thánh Phanxicô) giải thích tại sao chỗ này thì viết thoáng mỏng, chỗ kia phải đơn giản hóa hòa âm, chỗ khác phải viết theo tinh thần đối âm, chỗ khác nữa lại phải đi cùng chiều thay vì có thể đi ngược chiều... chung qui là cốt đề cao tính giai điệu của nhạc ngữ dân tộc và nhất là tôn trọng thanh điệu (dấu giọng) của ngôn ngữ Việt Nam. Hải Linh là một người du học không mất gốc, một học trò biết tự trọng và được người Thầy xứng danh là bậc Thầy tôn trọng và thán phục quí mến. Từ đó, Hải Linh càng ngày càng xác tín hơn về hướng đi của mình trong công việc đưa nhạc ngữ dân tộc từ bậc giai điệu (đơn điệu) lên bậc đa âm đa điệu, và hai chủ đề chính cho các sáng tác của mình sẽ là: Tôn Vinh Thiên Chúa và Tán Tụng Quê Hương.

Năm 1956, ông trở về Việt Nam, ngoài việc dạy Hợp ca tại Viện Quốc gia Âm nhạc, ông thành lập Ca đoàn Hồn Nước nhằm thực hiện hoài bão của mình là Trình Tấu Sống Động các tác phẩm được soạn ra bằng một Lối Viết Thoáng Mỏng theo tinh thần Á Đông. Thành lập vào tháng 2/1957 thì tháng 6/1957 Ca Đoàn đã sơ diễn tại rạp Thống Nhất trong dịp lễ phát thưởng của trường trung học Nguyễn Bá Tòng. Ngày 23/12/57 Ca đoàn Hồn Nước dưới sự điều khiển của Hải Linh đã được hoan hô nhiệt liệt trong buổi ra mắt công chúng đầu tiên tại rạp Olympic (Saigon). Tiếp tục trong các năm sau, những lần trình tấu của Ca trưởng Hải Linh đều có tiếng vang... Các bản nhạc ông sáng tác trong thời kỳ này gồm có: Ave Maria 3 (Tấu lạy Bà), Ra Đời, Nữ Vương Hòa Bình, Đàlạt Trăng Mờ, Lòng Mẹ, Cung Đàn Bạc Mệnh 1,2,3, Chinh Phụ Ngâm, Chuỗi Cười... (Riêng bài Nữ Vương Hòa Bình đã đoạt giải nhất trong cuộc thi sáng tác cho Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc năm 1959). Trước đó, năm 1958 ông lập gia đình với cô Phạm Thị Ly.

Năm 1961 Hải Linh được học bổng sang nghiên cứu âm nhạc, giáo dục tại Đại học Ohio (Hoa Kỳ). Tại đây, ông cũng được các nhạc trưởng, nhạc công và khán thính giả Hoa Kỳ tán thưởng, nhất là trong lối trình diễn sống động và tinh tế. Năm 1969 ông sang Pháp dự định hoàn thành luận án tiến sĩ về "Cơ cấu giai điệu trong nhạc Việt", nhưng vì một số lý do, nên phải bỏ dở luận án.

Trở về nước năm 1970, ngoài việc dạy nhạc tại Đại học Đà Lạt, Nhạc sư Hải Linh tham gia Ủy ban Thánh Nhạc toàn quốc, tiếp tục củng cố ca đoàn Hồn Nước và thực hiện các cuốn băng: Một Giờ Hợp Ca 1 và 2, đồng thời dạy nhiều lớp ca trưởng tại Saigon và Đà Lạt. Các bản nhạc sáng tác ông trong thời kỳ này: Te Deum, Ave Maria 2, Bộ lễ Nữ Vương Hòa Bình, Hồng Ân Thiên Chúa, Thằng Bờm, Tiếng Thu, Con Bướm Trắng, Đồng Tiền Vạn Lịch... Đại hội Thánh Nhạc Toàn Quốc năm 1972 tại trường Lasan Taberd cũng là một cái mốc đáng ghi nhớ trong giai đoạn này.

Từ năm 1975 đến 1986 ông tiếp tục đào tạo ca trưởng, phần lớn tại tư gia đồng thời cũng dạy đệm đàn, sáng tác cho một ít người, và cũng có những lần mở lớp tập hát, những lần hát Thánh ca đây đó trong khuôn khổ Nhà nước cho phép. Đặc biệt, bài Khúc Ca Mặt Trời được hát lần đầu tiên tại Nhà thờ Đa-kao vào tháng 10 năm 1979 nhân kỷ niệm 50 năm Dòng Phanxicô được thành lập tại Việt Nam. Vào năm 1982, dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Tổ phụ Phanxicô, phần lớn Trường Ca Các Tạo Vật đã hoàn tất và được trình tấu lần đầu cũng tại nhà thờ Đa-kao. Dịp nầy, Hải Linh đã lập Nhóm Quê Hương để vừa học vừa góp tay thực hiện các chương trình đã đề ra cùng với mấy học trò còn lại: Phác họa và khai triển các chương trong 2 cuốn sách "Lối Viết Thoáng Mỏng" và "Lối Trình Tấu Sống Động". Các bài hát khác được sáng tác trong giai đoạn này gồm có: Vinh Danh Thiên Chúa, Phượng Trì, Kinh Lạy Cha, Khúc Nhạc Cảm Tạ, Chúc Tụng Thánh Giuse, Tình Non Nước, Hoan Ca Mùa Trường Xuân, Thơ Thơ 1,Thơ Thơ 2, Tán Tụng Hồng Ân, Tình Chúa Yêu Tôi, Bến Thiên Đàng, Yêu Con Đời Đời, Mùa Hồng Ân, Mẹ Vô Nhiễm, Xuân Về... (Các bài từ Tán tụng Hồng Ân trở đi là soạn chung với một số tác giả khác).

Ngày 8/5/1986 ông rời Việt Nam đi đoàn tụ gia đình tại Mỹ. Ông cư ngụ tại New Orleans, bang Louisiana, cùng nơi với Linh mục nhạc sư Ngô Duy Linh.

Chưa kịp nghỉ ngơi, ông đã tập dượt cho Ca đoàn Hợp tuyển Việt Nam để hát tại Đại hội mục vụ Thánh nhạc toàn quốc tổ chức tại New Orleans chiều ngày 1/7/1986. Tại đây gần 800 người gồm Ca trưởng, nhạc công Dương cầm, Quản cầm và các nhạc sĩ sáng tác công giáo Mỹ đã cảm phục tài nghệ của Nhạc sư Hải Linh.

Kế đó, ông mở các lớp Ca Trưởng tuần tự ở nhiều tiểu bang khác nhau (New Orleans (LA), California, Portland (Oregon), Missouri, Texas...) đồng thời tập dượt cho những Ca đoàn ở nhiều nơi để hát trong các dịp lễ. Trong gần 20 tháng ở Mỹ, Nhạc sư đã tập dượt để điều khiển trên 12 buổi ca hát chính thức. Buổi điều khiển có ý nghĩa sau cùng đối với ông có lẽ là đêm Giáng Sinh 24/12/1987 tại họ đạo Đức Mẹ Lên Trời ở Avondale, bang Louisiana, khi bài thánh ca Hang Bê-lem tròn 42 tuổi. Trách nhiệm nặng nề lo tập hát cho Đại lễ Phong Thánh tại Roma năm 1988 cũng là nỗi ưu tư lo lắng nhất cuối đời Nhạc sư. Hải Linh đã sáng tác thêm một số bài hát cho dịp này, như Nhân Chứng Đức Tin, Bài Ca Khải Hoàn...và đã lên chương trình tập dượt ở nhiều nơi.

Ngày 6/1/1988 nhạc sư rời New Orleans đi Los Angeles để tập hát theo chương trình dự tính, và đã từ trần vì bị nhồi máu cơ tim, lúc 6 giờ 30 chiều ngày hôm đó tại bệnh viện Fountain Valley (California). Nơi an nghỉ cuối cùng của ông là nghĩa trang Avodale (Louisiana).

Chuyện kể về cố nhạc sĩ Hải Linh không dừng lại ở sáng tác đầu tay Hang Bê-lem mà còn được nhắc nhở nhiều đến các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng sau này của ông về đạo cũng như về đời: Trường Ca Các Tạo Vật (dùng lời kinh của thánh Phanxicô, sáng tác chung với Xuân Thảo) gồm 10 bài, Trường ca Ave Maria (phổ thơ Hàn Mặc Tử) gồm 10 bài. Và một số bài thánh ca riêng lẻ như Kính mừng Nữ Vương, Tán tụng hồng ân, Ngài Là Thiên Chúa (Te Deum)... và một số bài thánh ca khác đã được hát trong 40 năm qua.

Về phần nhạc thế tục, cố nhạc sĩ đã để lại trong kho tàng âm nhạc Việt Nam những tác phẩm như: Đại tấu khúc Chinh phụ ngâm (trích thơ Đặng Trần Côn). Tác phẩm này được viết theo nhạc Việt nhưng hình thức vẫn theo lối cổ điển Tây phương, chia làm ba hành âm (mouvement): Từ khi có lệnh chiến chinh "Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt" cho đến khi người chinh phụ tiễn chinh phu lên đường lo việc nước. Cảnh người chinh phụ cô đơn chiếc bóng ở lại nhà săn sóc mẹ già và con thơ "Gà eo óc gáy sương năm trống". Phần kết kể lại ngày đoàn viên... Đại tấu chuông hòa bình viết cho dàn đại hòa tấu và ban hợp xướng cùng với một số nhạc khí cổ truyền; Nhạc kịch thơ Duyên kỳ ngộ (thơ Hàn Mặc Tử) là một thể loại tiểu nhạc kịch (micro-opera); Trường ca cung đàn bạc mệnh (trích thơ của Nguyễn Du trong tác phẩm truyện Kiều) gồm bốn cung chia ra như sau:

- Cung thứ nhất, gồm 10 bài, tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe

- Cung thứ hai, gồm 6 bài, mô tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Thúc Sinh và Hoạn Thư nghe.

- Cung thứ ba là tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Hồ Tôn Hiến.

- Và cung thứ tư là tiếng đàn của Thúy kiều gảy cho Kim Trọng lúc tái hồi.

Thật đáng tiếc, cố nhạc sĩ Hải Linh đã chưa hoàn tất cung đàn bạc mệnh cuối cùng... Riêng các tác phẩm âm nhạc độc lập (không nằm trong bộ hay trường ca nào) cũng rất đáng chú ý như: Đà Lạt trăng mờ, Ra đời (thơ Hàn Mặc Tử), Nhạc Việt, Hương quê, Ra khơi, Tình nước non, Cóc quân đả phá thiên đình, Thằng Bờm có cái quạt mo... Về phương diện học thuật, cố nhạc sĩ đã để lại những kinh nghiệm sáng tác, kỹ thuật và phương pháp điều khiển dàn giao hưởng và hợp xướng qua hai cuốn sách mang tên Lối viết thoáng mỏng và Lối trình tấu sống động.

Cây đại thụ trong làng thánh nhạc Công giáo Việt Nam đã không còn nữa, nhưng bóng mát vẫn còn tỏa rộng. Sự nghiệp của Hải Linh vẫn còn được kế thừa nơi những người ca trưởng ông đã đào tạo trong và ngoài nước, duy chỉ có tài năng của ông là không ai thay thế được. Tuy nhiên di sản ông để lại, những nhạc bản để tôn vinh Thiên Chúa và tán tụng quê hương, sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian, nhất là mỗi mùa Giáng sinh trở lại tiếng hát về Hang đá Be lem lại cất lên khắp các thánh đường Công giáo, và âm hưởng còn vang vọng mãi nơi hồn người: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...

Hang Bê-lem

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa.
Trông hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng

Đàn hát (réo rắt tiếng hát), xướng ca (dư âm vang xa).
Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta.
Người hỡi (hãy kịp bước tới), đến xem (nơi hang Bê lem)
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.

Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than

1- Nơi hang Bê lem thiên thần xướng ca
Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa

2- Nơi hang Bê lem chiên lừa thở hơi
Tan giá đêm đông ấm thân Con Người.

3- Nơi hang Bê lem mục đồng xúm quanh
Ca hát vang lừng mến yêu chân thành.

4- Nơi hang Bê lem huy hoàng ánh sao
Đưa lối Ba Vua phương đông đến chầu

5- Nơi hang Bê lem ta quỳ thiết tha
Xin Chúa nhân hiền xuống ơn chan hòa

12 - CAO CUNG LÊN


Ngày 7 tháng 7 năm 2006 đã tắt đi một ngôi sao sáng trên vòm trời thánh nhạc Công giáo Việt Nam. Nhạc sĩ Hoài Đức -- người mà hơn 50 năm trước đó cho chào đời những tác phẩm thánh ca mở đầu cho nền âm nhạc Công giáo Việt Nam -- đã an nghỉ trong Chúa tại thành phố Saigon sau 83 năm tại thế. Tuy thể xác đi về cùng cát bụi nhưng tinh anh của ông vẫn còn lại mãi mãi cùng với những nhạc bản ông để lại cho người Công giáo Việt Nam, nhất là những bản nhạc giáng sinh được hát lên mỗi năm ngày kỷ niệm Chúa giáng trần.

Hoài Đức sinh ngày 1 tháng 7 năm 1923 tại xã Vĩ Nhuế phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (ngày nay là xã Yên Đồng, tỉnh Nam Hà). Xã Vĩ Nhuế cũng là nơi giáo quyền xây dựng Giáo Xứ Kẻ Nấp. Năm 1938 chú bé Hoài Đức tốt nghiệp Sơ Học Pháp Việt và vào Tiểu Chủng Viện Hoàng Nguyên cũng năm này. Sau 6 năm học tập, thầy Hoài Đức được cử về giúp xứ Bút Đông. Ngày 1 tháng 9 năm 1945, thày nhập Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Mới chưa được một tháng, nhân biến cố Quân đội Nhật tiến đánh Đông Dương, Quân đội Trung Hoa chiếm Đại Chủng Viện, các chủng sinh được lệnh tản cư. Tháng 9 năm 1946, Đại Chủng Viện mở cửa lại, thầy Hoài Đức cùng các bạn trở về tiếp tục tu học. Lúc bấy giờ, cha Bề trên và các linh mục giáo sư đại chủng viện đều là người Pháp. Công việc học hành chỉ mới tiến triển được 3 tháng thì phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Các linh mục người Pháp bị câu lưu. Các thầy được lệnh sơ tán về những địa phương xa Hà Nội. Thầy Hoài Đức trở về lại Bút Đông, giúp cha Trần Tiến Đức. Trong thời gian này thày lấy bút hiệu là Hoài Đức, theo thầy kể thì bút hiệu này là để tỏ lòng mến thương linh mục Trần Tiến Đức là cha bảo dưỡng.

Thời gian tản cư kéo dài từ tháng 12 năm 1946 tới tháng 10 năm 1948, sau đó thầy Hoài Đức trở về Đại Chủng Viện Xuân Bích để tiếp tục học 4 năm Triết học và Thần học. Vì mới tản cư về, thầy cần phải có căn cước, nên lấy tên là Lê đức Triệu, cũng nhân đó khai luôn bút hiệu Hoài Đức vào tờ căn cước. Không biết khi mới sinh ra, cha mẹ thầy đặt cho thầy tên gì.

Sau 4 năm học ở đại chủng viện, thầy Hoài Đức được lãnh nhận 4 "chức nhỏ", nhưng vì bệnh suy tim nên Đức Giám mục Trịnh Như Khuê đã chỉ định thầy đi giúp xứ Kẻ Noi, rồi Sở Kiện... Vì tình hình chiến sự, thầy bỏ Sở Kiện tìm cách về lại Hà Nội. Niên học năm 1952, thầy được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Piô XII (ở Quần Ngựa), lúc ấy linh mục Nguyễn Huy Mai đang là Hiệu trưởng Trường Dũng Lạc, được thuyên chuyển về làm Giám Đốc Chủng Viện.

Rồi biến cố "chia đôi đất nước" ngày 20-7-1954 xảy đến. Ngày 18-7-1954, toàn bộ Tiểu Chủng viện Piô XII trong đó có thầy Hoài Đức, lên tầu di cư vào Nam. Địa chỉ sau cùng của Chủng Viện Piô XII là 223 Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn. Thầy Hoài Đức dạy giáo nhạc tại đây cho tới đầu niên học 1957 mới về lại Đại Chủng Viên Xuân Bích cũng đã di chuyển vào Nam và tọa lạc tại Thị Nghè. Sau khi hoàn tất chương trình "đào tạo linh mục", ngày 6 tháng 6 năm 1960 thầy thụ phong linh mục và vẫn tiếp tục làm giáo sư kiêm giám luật tại Chủng Viện Piô XII.

Năm 1966, Chủng Viện Piô XII chấm dứt hoạt động theo lệnh Toà Thánh, cha Hoài Đức được thuyên chuyển lên Giáo phận Kontum làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Thừa Sai, năm sau được bổ nhiệm phó Bề trên kiêm quản lý Chủng Viện. Hết niên học 1967-1968, cha được chuyển về Saigon đảm nhận chức vụ Thư Ký Thường Trực Ủy Ban Thánh Nhạc Toàn Quốc do đề nghị của Đức Cha Phạm văn Thiên đặc trách Phụng Vụ và Thánh Nhạc. Tháng 7 năm 1969, cha đã từ nhiệm chức vụ này và được thuyên chuyển lên Ban Mê Thuật làm quản lý tài sản Nhà Chung Ban Mê Thuật. Lúc ấy Đức Cha Nguyễn Huy Mai đang cai quản Giáo phận này. Ở đây cha Hoài Đức kiêm nhiệm Giám đốc Cơ quan Từ thiện Caritas, Chủ tịch phong trào Công lý và Hoà bình. Với những trách vụ kể trên, cha Hoài Đức đã cố gắng xây dựng các cơ sở giáo phận như tu viện, tập viện, nhà dưỡng lão, quán cơm xã hội, khai thác đồn điền cà phê, phân phối các phẩm vật cứu trợ...

Tháng 3 năm 1975, Cách mạng "giải phóng" Ban Mê Thuật, Đức cha Mai và cha Hoài Đức đã ở lại, không di tản. Thời gian này cả hai vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 14 tháng 1 năm 1977 cha Hoài Đức khăn gói lên đường vào trại cải tạo Mê Văn Đặc Lắc. Ở trại này được vài tháng, cha được chuyển ra ngoài Bắc. Sau nhiều lần chuyển từ trại này qua trại khác, năm 1979 cha Hoài Đức cùng một số cha khác (khoảng 20 vị) "định cư" tại trại Thanh Cẩm Thanh Hoá. Tại trại này cha Hoài Đức bị bệnh "tai biến mạch máu não", nhờ một bạn tù người Hoa chữa trị, bệnh thuyên giảm, nhưng sức khoẻ từ đó kém đi rất nhiều.

Tháng 11 năm 1987, cha Hoài Đức được thả về cùng với khoảng 50 bạn tù. Cha ngụ nơi nhà người em họ tại số 491 / 74A Lê văn Sĩ Phường 12 Quận 3 Saigon. Đây là nơi cha được chỉ định cư trú, theo lệnh chính quyền. Vào khoảng năm 1997, bệnh cũ lại bộc phát, cha bị á khẩu, toàn thân dần dần tê liệt và cha đã được chuyển về nhà Hưu Dưỡng Hà Nội (116 / 3 Hùng Vương, P.9, Q.5 Saigon) và mất tại đây.


Thánh ca Hoài Đức

Những bài hát do Hoài Đức sáng tác hầu như đã đi vào linh hồn người Công Giáo Việt Nam. Có lẽ không một tín hữu người Việt nào ngay từ nhỏ lại không mấp máy trên môi hay chưa từng thưởng thức những bài thánh ca bất hủ như Cùng Đi Bêlem, Mùa Đông Năm Ấy, Dâng Mẹ, Cung Chúc Trinh Vương... đặc biệt là bản nhạc "Cao Cung Lên" - ca khúc đã đưa tên tuổi Hoài Đức lên tột đỉnh. Nếu bên Âu Mỹ có những ca khúc bất tử về Giáng Sinh như Silent Night, Jingle Bell thì Việt Nam những "Đêm Đông" của Hải Linh và "Cao Cung Lên" của Hoài Đức vẫn còn sống mãi trong lòng người.

Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức sáng tác thánh ca để đời không bằng số lượng mà là bằng chất lượng tác phẩm. Toàn bộ cuộc đời sáng tác của ngài chỉ có 91 bài. Tuy nhiên nhiều ca khúc của ngài luôn đi vào lòng người, luôn có giá trị vượt thời gian, vẫn luôn được nhà thờ dùng trong phụng vụ. Không có mùa Noel nào lại không nghe những lời ca du dương của nhạc sĩ Hoài Đức, như:

"Cao cung lên, khúc nhạc Thiên Thần Chúa, hòa trong làn gió, nhè nhẹ vấn vương..." (Cao Cung Lên)
hay "Kìa trông huy hoàng vì sao chiếu soi gần xa khắp miền..." (Cùng Đi Belem)
hoặc "Mùa đông năm ấy, sao sáng soi cuối trời, Mùa đông năm ấy Con Chúa sinh xuống đời..." (Mùa Đông Năm Ấy)...

Và trong các buổi chầu Thánh Thể, ta luôn luôn nghe được lời cầu xin cho Đức Giáo Hoàng: "Này Con Là Đá". Thậm chí bài sáng tác đầu tiên của ngài "Thánh tâm Giêsu vua đất Việt" sáng tác năm 1945 trong hoàn cảnh chinh chiến, ngày nay vẫn còn nhiều nơi sử dụng.

Nhạc sĩ Hoài Đức đặc biệt có lòng tôn kính Đức Mẹ, đã dành tới 18 sáng tác về Đức Mẹ.

Quá trình sáng tác của Hoài Đức có thể chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Những ca khúc ngẫu hứng (1945-1949), dù mang tính ngẫu hứng nhưng có những bài ca xuất thần, giá trị vượt thời gian như bài Thánh Tâm Giêsu Vua Đất Việt, Thiếu Nhi Công Giáo Việt Nam, Cung Chúc Trinh Vương, Đêm Đông Âm U... đặc biệt là nhạc phẩm Cao Cung Lên (Giáng Sinh 1945).

Giai đoạn 2: Những ca khúc bài bản (1950-1975), điệu nhạc giản dị, hướng hẳn về bình ca, lời ca lấy từ sách kinh nguyện, Thánh Kinh, Ca Vịnh. Những bài ca nổi tiếng: Bí Tích Nhiệm Mầu, Ngắm Mình Thánh Chúa, Thờ Lạy Chúa... và những ca khúc về Đức Mẹ.

Giai đoạn 3: Những ca khúc thầm (1977-1987) viết trong thời kỳ ngài bị giam tù, sáng tác chuyển hẳn sang thể loại hợp xướng. Có thể kể một số bài: Cho Đến Bao Giờ (Ca Vịnh 12), Con Thức Trông Cậy Chúa (CV 62); Hỡi Toàn Cầu (Thánh Vịnh 99), Lạy Chúa Đừng Trách Mắng Con (TV 6); Nếu Chúa Không Ơn Lại (TV 123), Ngồi Bên Bờ Sông Babylon (TV 136)... Hầu hết những bài thánh ca hợp xướng sáng tác trong giai đoạn này chưa được phổ biến, còn xa lạ với giáo dân.

Phỏng vấn tác giả "Cao Cung Lên" thực hiện năm 1996 do nhà thơ Lê Đình Bảng:

PV: Cao Cung Lên là một hiện tượng, một trong những bản thánh ca Giáng Sinh được nhiều người biết, hát thuộc lòng và mến mộ nhất. Cha có thể cho biết thời gian sáng tác và cảm hứng lúc ấy?

Linh mục Hoài Đức (Lm. HĐ): Năm 1945, đại chủng viện Xuân Bích tạm đóng cửa, vì quân đội Trung Hoa trưng dụng cơ sở chủng viện để đóng quân, các chủng sinh phải sơ tán về nhà quê, địa phương gần đó. Tôi về Bút Đông (Nam Định), xứ sở của linh mục bảo dưỡng tôi là Linh mục Trần Tiến Đức, và qua Noel năm 1945 ở đó. Cũng chính thời kỳ đó, tôi bắt đầu tập tễnh làm quen với sáng tác thánh ca. Một lần, tôi cùng với cộng đoàn giáo hữu đọc kinh chiều và làm giờ viếng hang đá vừa xong, giữa lúc mọi người về thì hồi chuông nguyện nổi lên. Lúc ấy tôi cũng đang bước trên bậc thang từ trên nền nhà thờ xuống sân bên ngoài, bỗng nhiên trong trí óc tôi nảy ra một cung điệu phảng phất âm thanh của tiếng chuông đang ngân vang trên tháp chuông. Tôi liền bước chậm lại và thả hồn theo tứ nhạc đó, khi xuống tới sân nhà thờ thì trong trí óc đã hình thành xong đoạn điệp khúc Cao Cung Lên. Ngay lúc đó, tôi về phòng riêng chép lại điệp khúc đó và phiên khúc 1 của bài hát thì nguồn cảm hứng tắt ngấm. Tôi liền đưa bản nhạc cho Nguyễn Khắc Xuyên xem, vì Nguyễn Khắc Xuyên cũng đang ở Bút Đông. Nguyễn Khắc Xuyên khen tứ nhạc hay và hợp với bầu khí Noel, liền nhận lời đặt mấy phiên khúc sau. Nên người nào tinh ý sẽ nhận thấy ngay văn phong của những phiên khúc sau có đôi chút khác với văn phong của điệp khúc và phiên khúc 1.

PV: Đấy là trang mở đầu của những bài thánh ca bằng tiếng Việt. Như vậy, thưa cha, trong điều kiện còn manh nha, việc khơi dòng thật khó. Vậy chứ, trường hợp và động cơ nào thúc đẩy cha đến với thánh nhạc, thánh ca?

Lm. HĐ: Có thể nói là hoàn toàn ngẫu nhiên. Suốt 6 năm tu học ở tiểu chủng viện Latinh Hoàng Nguyên, tôi không có gì xuất sắc về âm nhạc. Cũng có được tập đàn harmonium vài năm, sau vì kém mắt nên xin thôi. Tiếng thì khàn khàn, đục đục, lại ương ương, không thể hát hay được. Năm 1945, vì thời cuộc phải tạm nghỉ học triết lý ở đại chủng viện Xuân Bích, tôi về với cha nuôi (ở) xứ Bút Đông, có Nguyễn Khắc Xuyên vốn quen biết Hùng Lân rồi. Tôi chưa có ý niệm gì về việc sáng tác nhạc cả. Nhưng chỉ có tấm lòng ước ao khao khát hòa bình cho đất nước, trước mắt là mong có hòa bình để mau được về tiếp tục học tại đại chủng viện. Với tâm tình đạo đức cầu nguyện đó, và với cái vốn ít ỏi hiểu biết về nhạc lý cộng với chút hiểu biết sơ đẳng về tư tưởng thần học, tôi nghêu ngao mấy câu để cầu nguyện xin Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu ban cho đất nước Việt Nam được hòa bình. Khi đã thành hình một bài hát, tôi ghi lại và đem gởi cho anh Hùng Lân làm lễ ra mắt để xin gia nhập nhạc đoàn. Cũng vì thế mà lúc đầu bài hát ấy như sau: "Giêsu, dưới chân Chúa con sấp mình, muôn vàn tha thiết dâng lòng thờ kính. Lòng còn tha thiết tháng năm sống đời an ninh. Chúa ơi nỡ tâm ngoảnh mặt làm ngơ sao đành." Đến sau tôi phải sửa lại thế này: "Giêsu, chúng con tới đây sấp mình, chân thành dâng Chúa tấm lòng thờ kính, đoàn con mong ước tháng năm sống đời an ninh, Chúa ơi hãy ban xuống cho Việt Nam thanh bình."

Được anh Hùng Lân khích lệ và chỉ dẫn dần dần, tôi bước vào con đường sáng tác từ đấy, nhưng vẫn không có ý sống trong âm nhạc, và chỉ sáng tác những khi nào có hứng thực về chủ đề nào này ra trong trí óc, và tâm hồn sống với chủ đề đó. Không ham muốn sáng tác nhiều bài.

PV: Cha có thể phác họa lại hoàn cảnh lịch sử và những năm đầu của thánh nhạc, thánh ca Việt Nam?

Lm. HĐ: Có khi phải lấy thời điểm năm 1940. Trước thời điểm đó chưa có thánh nhạc Việt. Khi nói đến thánh nhạc là phải nói đến những bài hát trong phụng vụ. Mà tất cả nền phụng vụ bấy giờ đều được cử hành bằng tiếng Latinh. Thánh Lễ, chầu Thánh Thể phải đọc hay hát bằng tiếng Latinh. Những bài hát đều lấy từ cuốn Paroissien Romain hay cuốn Cantus Pro Festis Solemnioribus, hoặc là cuốn Cantus Officiorum in Cantus Gregoriano, và trong giờ chầu Thánh Thể thì hát những bài in trong sách Cantus Selecti Ad Bennedictionem, hoặc cuốn Cantus ad Bennedictionem (quen gọi là cuốn Biton). Đôi khi được hát những bài không phải là tiếng Latinh thì hát bài bằng tiếng Pháp, chủ yếu là lấy trong cuốn Cantiques de la Jeunesse. Còn những bài hát bằng tiếng Việt thì chưa có, hay nói cách khác là chưa có ai làm ra cả. Trong miền Nam có cha Phaolô Quy và Phaolô Đạt có làm một ít bài: "Thanh niên với Đức Mẹ", "Thanh niên với Chúa Hài Đồng", tập cho các chủng sinh Latinh Hoàng Nguyên, hát được một vài lần rồi cũng rơi vào quên lãng.

Năm 1943 hay 1944, có một linh mục cao tuổi, quen gọi là Cha Già Vượng, ở xứ Nam Định, một mình đã cho ấn hành những 10 cuốn thánh ca, gồm có những bài ca lấy cung điệu ở những bài ca tiếng Pháp, hay tiếng Latinh, còn lời ngài đặt bằng tiếng Việt Nam, giọng văn đơn sơ, mộc mạc, đã được phổ biến mạnh trong một thời gian.

Còn kể đến bài hát bằng tiếng Việt Nam mà chưa được hát chính thức trong nhà thờ thời ấy, là bộ Vãn Dâng Hoa, được các hội dâng hoa các nơi sử dụng trong mùa hoa Tháng Năm. Nhưng không phải là các bài thánh ca phụng vụ, chỉ hát để dâng hoa kính Đức Mẹ. Có nhiều bộ Vãn Dâng Hoa, ở địa phận Hà Nội thì khác, ở Bùi Chu thì lại khác. Có khi trong một địa phận, mỗi xứ hát một hay hai Vãn Dâng Hoa khác nhau, đặc biệt về ngôn từ và cung điệu.

Tóm lại, các nghi lễ thời ấy đều làm bằng tiếng Latinh, với linh mục chủ tế trên bàn thờ, còn giáo dân chỉ biết đọc kinh, ngắm lễ bằng tiếng Việt, chứ hát lời kinh bằng tiếng Việt thì chưa có, ngoại trừ Ca Vãn Dâng Hoa.

Rồi vào năm 1940 trở đi, đã xuất hiện những ca khúc Việt Nam hoàn toàn, nghĩa là do người Việt Nam soạn cả phần nhạc và lời, như Lê Thương với bài Đàn Xuân, Đặng Văn Hân với bài Men Cùng Sườn Non, Thẩm Oánh với bài Tâm Hồn Anh Tìm Em, rồi tới những bài hát hướng đạo của nhóm Hoàng Quý, như Trên Sông Bạch Đằng, Lửa Rừng Đêm, Nhớ Quê, tiếp những bài ca ái quốc như Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước, Tiến Quân Ca của Văn Cao, nung nấu lòng yêu nước của mọi người nhất là những thanh niên có học. Đang lúc ấy, Hùng Lân với Thiên Phụng là những thanh niên vào lứa tuổi 20, đã nghĩ ngay đến việc tập hợp một số anh em để thành lập một nhạc đoàn chuyên soạn ra những bản thánh ca hoàn toàn Việt Nam thay cho những bài thánh ca tiếng nước ngoài như trước, thể hiện tinh thần dân tộc độc lập tự do của người Việt Nam, nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh ra đời từ đó.

PV: Cha có thể nhớ lại một số tác phẩm mà cha đã sáng tác từ thủa ban đầu cho đến ngày hôm nay?

Lm. HĐ: Vì có chủ trương không ham sáng tác nhiều nên tôi nhớ mang máng con số những bài hát tôi sáng tác chỉ vào chừng 80 bài thôi; còn một số bài tôi đã nháp rồi thấy không ưng ý hay không thích nữa thì tôi bỏ luôn, cũng vào khoảng ba bốn chục bài nữa. Tôi nói thêm rằng: Thời gian sáng tác nhiều nhất là thời gian học ở đại chủng viện, "ăn cắp" giờ học riêng để làm bài hát. Nhưng luật chủng viện không cho phép, các cha giáo sư nghiêm ngặt về vấn đề đó, thậm chí đã có cha giáo khám túi chủng sinh xem có tờ giấy nháp nào về bài hát không. Đến khi làm linh mục rồi, ra làm việc mục vụ thì rất ít có cơ hội để sáng tác cho ra hồn nữa. Đó là kinh nghiệm của riêng tôi thôi.

Qua chính lời tác giả bài hát Cao Cung Lên vừa kể trên, chúng ta được biết nhạc bản danh tiếng này được thành hình ra sao và trong trường hợp nào. Hoài Đức cũng cho chúng ta một thoáng nhìn về tình hình giáo nhạc Việt Nam thời kỳ phôi thai với nỗ lực ban đầu của những cây đại thụ trong làng âm nhạc Công giáo như Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên..., chính nhờ những vị này, cũng như nhờ Hoài Đức, trong vai trò những người tiền phong, mà ngày nay người Công giáo Việt chúng ta mới có được một nền âm nhạc phong phú dùng trong phụng tự.

Hoài Đức không còn nữa, nhưng những bản thánh ca cha để lại vẫn còn được hát lên hầu như mỗi ngày nơi các thánh đường Công giáo trong và ngoài nước. Riêng nhạc bản "Cao Cung Lên" vẫn còn vút bay như những tiếng chuông vang, như những nốt nhạc của các vị thiên thần Chúa trong ngày lễ giáng sinh đầu tiên, và chắc sẽ còn mãi mãi ngân vang mỗi năm khi mùa lễ Giáng sinh trở lại.

Cao Cung Lên

Cao cung lên khúc nhạc thiên thần Chúa
Hòa trong làn gió nhè nhẹ vấn vương.
Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn
Một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương
Đàn ơi cứ rung những điệu réo rắt:
Hát khen Con Một Chúa Trời, rày sinh xuống cõi đời
Hỡi người dương thế lặng nghe cung đàn
Mau tìm cho tới thờ kính Vua giáng trần.

1. Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính.
Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa.
Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính.
Chúa bỏ ngai vàng sinh xuống trần đêm xưa.

2. Thôi hỡi ngàn mây đen xám u mờ tăm tối.
Hãy mau tan đi nay Chúa đã xuống đời.
Trên cõi trời cao, sao sáng chân thật đưa lối.
Hãy mang tin lành cho nhân loại nơi nơi.

3. Thôi hỡi trần gian bao tuyết sương cùng gió rét.
Cớ sao nỡ làm cho Chúa lạnh vô ngần.
Ôi Đấng Toàn Năng xưa quá yêu người tha thiết.
Xuống chịu khổ hèn trên tuyết ngàn dặm sương.

4. Thôi hỡi hồn tôi ghi nhớ trong lòng sâu thẳm.
Chúa sinh đêm nay nên bé nhỏ khó hèn.
Con quyết từ nay yêu Chúa trong tình đằm thắm.
Muốn để đền bù lại cõi đời bạc đen.