Mùi Chiên - Tác giả: Têrêsa Lê Thanh Tâm
19.12.2024
Giải Đặc biệt cuộc thi: "Têrêsa điều phi thường nhỏ bé" 2024
Bão tan... Gió đã ngừng gào thét, nhưng mưa vẫn lạnh lùng ném xuống mặt đường, hằn lên nhiều rãnh sâu lộ ra những viên đá trơ trọi, chơ vơ giữa dòng nước xiết qua. Căn nhà phòng nhỏ của Giáo điểm Bảo Nhai- nơi cha Công, vị linh mục truyền giáo tá túc - được che chắn bởi ngọn đồi phía sau nên không bị gió hất tung bởi cơn bão Yagi lịch sử. Danh mở toang cửa sổ sau một đêm dài gió mưa quần thảo. Luồng hơi ẩm xen lẫn mùi đất đỏ thốc vào căn nhà phòng dột ướt vẫn còn loang lổ nước mưa. Cha Công đang lúi húi lau đi lau lại sàn nhà, chỗ hai cha con vẫn thường ngồi đọc Kinh sáng tối, chốc chốc lại ngước nhìn Thánh giá với vẻ lo âu.
- Cha nghỉ tay ăn trưa nhé! - Danh vừa nói, vừa đặt 2 bát mỳ nóng hổi lên bàn. - Không biết dưới bản thế nào, có thiệt hại gì về người không, cha thấy sốt ruột quá! Tí nữa ngớt mưa anh chở cha xuống xem thế nào nhé!
- Dạ! Để tí con chở cha xuống!
Mưa đã bớt nặng hạt, hai cha con vội vã lên đường. Dọc đường Danh trấn an cha đừng lo lắng quá, dưới đấy cũng nhiều ngọn đồi bao quanh, chắc gió không mạnh lắm đâu. Kỳ thực, cha không lo gió quật nhà đổ, chỉ sợ sạt lở đất gây nguy hiểm cho mọi người. Mưa to như thế khó mà tránh khỏi chuyện chẳng hay. Trời nhá nhem tối, nhiều đoạn đường bị cây đổ ra chắn ngang làm cha con Danh mất hai tiếng mới xuống đến bản. Nước đã ngập đến đầu gối. Danh để xe ở đầu bản rồi cùng cha lội xuống khảo sát tình hình.
Thật bất ngờ, dưới bản vắng tanh không một bóng người. Cả bản làng chìm trong bóng tối vì mất điện. Mưa rơi rả rích trên chiếc mũ cối đã sờn bạc, gương mặt cha giãn ra, thở phào một tiếng. "Chắc mọi người đi sơ tán trước bão hết rồi, ta ghé qua nhà nguyện xem có bị hư hại gì không"! Căn nhà nguyện nhỏ bị gió hất tung mái tôn, nhưng Thánh giá gỗ vẫn nằm ngay ngắn trên bức tường gạch đỏ. Cha sắp xếp lại vài chiếc bàn ghế bị xô về một bên. Hai cha con làm dấu thánh giá tạ ơn rồi ra về.
***
Mưa càng lúc càng nặng hạt, đường trở về đã ngập đến bắp chân, chắc là đập thuỷ điện đang bắt đầu xả lũ. Danh nghĩ bụng, phải phi về nhanh gấp không lại mắc kẹt ở đây thì nguy.
"Rầm"
Vừa rời khỏi nhà nguyện một đoạn thì xe máy thúc vào hòn đá khiến hai cha con ngã uỳnh xuống, ướt sũng.
- Ôi! Cha có sao không cha?
- Cha không sao, con không sao chứ?
Bỗng từ xa có ánh đèn lấp loá cùng tiếng hô hoán: "Chạy ngay đi, hai người vẫn còn ở đây làm gì, đập thuỷ điện sắp vỡ rồi, dân bản kéo nhau lên đồi tránh lũ từ chiều, nhanh lên không lại bỏ mạng ở đây!"
Danh dìu cha đứng dậy, không còn cách nào khác, đành phải bỏ lại xe ở nhà nguyện, việc cấp thiết là bảo toàn tính mạng trước đã. Danh bắt đầu nổi gai ốc về những điều mường tượng trong đầu. "Vỡ đập thuỷ điện ư? Nó còn hơn cả một thảm hoạ, nước có thể nhấn chìm cả mấy Huyện chứ không riêng Huyện Bắc Hà này. Căn nhà nhỏ tá túc của hai cha còn dù ở cao hơn cũng khó mà giữ được!". Vượt qua năm cây số, cha con Danh cũng leo lên đến ngọn đồi nơi người dân bản đang tránh trú. Rất nhiều giáo dân đã ở đó, một vài gương mặt quen thuộc đang ngồi co ro, đôi mắt thất thần nghĩ về những điều khủng khiếp sắp xẩy ra.
Cha Công và Danh tìm lấy một chỗ ngồi cho mình. Bỗng nhiên trong lòng Danh dâng lên một nỗi niềm khó tả. Những con chiên của Cha biết tin từ chiều, đã dẫn gia đình chạy trốn đến đây, tại sao không có lấy một ai gọi cho cha một cuộc điện thoại báo tin để cha con Danh biết đường sơ tán, trong khi cha sốt ruột cả đêm lo lắng cho đoàn chiên của Ngài? Nếu không phải may mắn gặp người qua đường đi tránh trú muộn, có khi hai cha con đã bị nước lũ cuốn trôi chẳng còn ai biết danh tính. Nghĩ mà tủi thân. Mà Danh trông đợi điều gì ở đây? Những giáo dân hằng ngày vẫn lam lũ trong nghèo đói, nay lại đang phải đối mặt với sự nguy hiểm cả tính mạng, họ vẫn giữ đạo là tốt lắm rồi.
Thật ra cũng không có gì là lạ! Bình thường ngoài giờ cha tới nhà nguyện dâng lễ ra, có ai lui tới với cha đâu. Dẫu ốm đau, cha vẫn lầm lũi một mình, chẳng bù cho xứ đạo của Danh. Xuất thân là chú giúp lễ, Danh có cảm nhận rõ rệt về sự tôn kính, coi trọng hết mực của giáo dân dành cho cha xứ của mình. Có gì ngon cũng muốn chia sẻ cùng Cha. Cha bệnh, luôn có người thăm nom, hỏi han tận tình. Cũng chính vì được sống trong môi trường ấy từ nhỏ, Danh vẫn luôn nuôi giấc mơ được mặc áo lễ, say sưa giảng đạo trong sự kính nể của hàng ngàn người...
Màn đêm bắt đầu buông xuống, gió thổi từng cơn lạnh ngắt, không khí ảm đạm bao trùm ngọn đồi với hàng trăm cặp mắt không dám ngủ dù đã mệt rã rời. Danh lại nhớ về mối duyên đưa cậu đến giáo điểm này hai năm trước đây...
***
Danh thất thần buồn bã ngồi thụp xuống trước kết quả thông báo trượt kỳ thi Đại Chủng Viện Vinh Thanh. Cậu đã dành tất cả thanh xuân để nỗ lực học hành, rèn giũa kiến thức, bao nhiêu cuốn sách thần học, bao nhiêu công sức ôn luyện, chính cha nghĩa phụ cũng phải khen và đặt nhiều hy vọng về Danh. Nhưng giờ đây, mọi công sức như đổ sông đổ bể. Có mấy người bạn cùng khoá ôn thi với Danh có kết quả đậu, Danh càng thất vọng hơn, vì rõ ràng cậu giỏi hơn họ, cả về giáo lý lẫn văn hoá. Nhưng tại sao? Có lẽ Chúa không gọi Danh cho hàng giáo phẩm của Người.
"Cốc cốc"
Tiếng đẩy cửa nhè nhẹ. Cha Dũng bước vào.
- Trượt rồi hả? Danh ngước mắt nhìn Cha, buồn bã trả lời:
- Chắc con đường này Chúa không dành cho con, đã chuẩn bị kỹ càng thế rồi mà... Con không biết nên làm gì tiếp theo, cũng không đủ dũng khí để thi lại một lần nữa.
- Con có biết con còn thiếu gì không?
- Con không biết, thưa Cha!
- "Mùi Chiên!"- Cha Dũng ôn tồn trả lời: - Mỗi người đều được Chúa mời gọi đi trên con đường Ngài muốn. Đối với người mục tử, không phải kiến thức uyên bác hay khả năng thuyết giảng hùng hồn mới có thể trở thành người được chọn. Nhưng mục tử thì phải chịu được mùi của chiên, phải thấm đẫm mùi chiên. Khi con ngấm đủ mùi chiên, con sẽ thấy nhiều con đường cho mình lựa chọn để được đẹp ý Chúa.
Danh tròn mắt, khái niệm này đối với Danh không hề khó hiểu. Nhưng Danh không biết làm thế nào để cảm nghiệm và tìm ra câu trả lời cho mình. Không đợi cậu lên tiếng, cha Dũng tiếp lời:
- Cha có cha bạn đang phục vụ ở giáo điểm Bảo Nhai, Lào Cai. Nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc truyền giáo. Một mình ngài ấy vẫn vượt núi đồi để mang tin mừng đến với nhiều bản làng ở đó. Nếu con muốn cảm nghiệm "mùi chiên", hay là thử lên đó hỗ trợ Cha ít thời gian xem sao?
Sự vô định của Danh khiến Danh gật đầu không chút do dự. Và cái gật đầu vô định ấy đưa Danh đến với Bảo Nhai, một giáo điểm còn chưa được xã hội công nhận. Số lượng giáo dân ít ỏi, nằm rải rác khắp các bản lân cận. Không có lấy một một ngôi nhà thờ nào, chỉ có nhà nguyện các cha đến truyền giáo nơi đây xin được quyên góp, dựng tạm ở gần các bản làng để tiện cho việc thờ phụng và dạy giáo lý.
Cha Công trạc tuổi Sáu mươi! Dáng người nhỏ nhắn, khắc khổ, tóc đã bạc nửa mái đầu, làn da rám nắng vì gió sương miền Tây Bắc. Ngày ngày vẫn một mình vượt năm sáu chục cây số đến với các bản làng để dâng lễ, truyền đạo. Có những ngày Chúa Nhật, cha lặn lội từ sớm đến tận tối trên chiếc xe "Way" cũ, đến dâng lễ cho nhiều giáo điểm khác nhau. Mỗi bước chân cha đi đều đau đáu nỗi niềm mở mang nước Chúa. Thấm thoắt Danh về đây cũng được hai năm. Có Danh cùng đồng hành trên những chặng đường gian khổ, cha Công cũng bớt vất vả hơn, đổi lại Danh đang dần thôi đặt áp lực lên bản thân rằng phải đậu Đại Chủng Viện, phải mang tiếng thơm về cho Giáo xứ, gia đình. Chính sự dung dị, chân thành của Cha cùng nỗi vui mừng khi dẫn được một con chiên lạc trở về cùng Chúa mà Danh được tận mắt chứng kiến làm Danh gắn bó đến tận bây giờ, dù điều kiện sống đầy khó khăn thiếu thốn. Cũng có thể đây là một sự trốn chạy khỏi hiện thực rằng cậu đã trượt kỳ thi mà cậu coi trọng hơn tất cả, né tránh ánh mắt soi xét của người đời...
***
Có tiếng khóc lóc thảm thương xé toạc màn đêm làm mọi người sửng sốt. Mọi người nháo nhào hỏi người phụ nữ có chuyện gì xảy ra. "Người thân ở Hà Nội gọi điện báo tin, đọc được tin tức Làng Nủ bị chôn vùi trong cơn sạt lở đất, cả ngôi làng 115 người mất tích, gia đình người anh của cô cũng chưa rõ sống chết"- cô vừa khóc vừa run rẩy kể.
"Trời ơi!" Ai cũng bàng hoàng, đau xót, hoảng hốt như chính người thân của mình đang nằm trong lớp đất đá lạnh lẽo...
Cha Công rơm rớm nước mắt, lần đầu tiên Danh thấy cha khóc. Đứng trước thiên tai, con người thật nhỏ bé làm sao, thật yếu đuối làm sao! Nỗi sợ hãi dâng lên như dòng nước lũ đỏ ngầu đang càn quét dưới kia. Có lẽ, ngày mai khi trời sáng, điều Danh và mọi người còn giữ lại được cho đến thời điểm này là mạng sống quý giá của bản thân và những người thân yêu trong gia đình. Nước lũ sẽ nhấn chìm tất cả với sự lạnh lùng, hung hãn của nó. Nhiều người lạc quan hơn, động viên người bên cạnh. "Còn người là còn của, chúng ta hãy cố lên!"
Cha Công quỳ xuống làm dấu Thánh Giá. Đọc một vài lời nguyện nhỏ cầu cho những nạn nhân xấu số đã ra đi, cầu cho những người còn sống được sớm tìm thấy trong lớp bùn đất rồi ngài ngồi xuống lần hạt. Cha đọc to kinh Kính Mừng như mang cả sự cậy trông của người con nhỏ bé dâng lên Mẹ Maria, xin Mẹ cứu giúp những người cùng khổ. Nhiều giáo dân bắt đầu ngồi xuống đọc kinh bên cạnh cha, kinh Kính Mừng dậy vang, thắp lên tia hy vọng nhỏ nhoi trong màn đêm tĩnh mịch.
***
Mưa đã ngừng rơi trên chiếc lán mọi người dựng tạm. Mặt trời đang lên sau lớp mây mù dày đặc, xám ngoét, lộ ra mơ hồ một vài mái nhà vẫn đang vững chãi phía xa xa. Những tán cây gom nước mưa rũ xuống từng hạt tí tách đánh thức đám trẻ con sau một vài tiếng chợp mắt vì quá mệt mỏi.
"Mọi người ơi! Đập thuỷ điện không vỡ, họ chỉ xả lũ thôi, tin giả mọi người ơi! Nhưng dưới kia vẫn ngập lắm, chúng ta ráng chờ đến trưa nếu không mưa có thể nước lũ sẽ rút bớt, đến lúc đó hẵng xuống nhé!". Tiếng chú trưởng bản cất lên làm mọi người thở phào nhẹ nhõm. Vậy là cơn ác mộng đã không xảy ra.
Tạ ơn Chúa!
Đến trưa, vài người thăm dò trở về báo tin nước lũ đã rút bớt, mọi người có thể về xem nhà cửa thế nào. Cha Công và Danh cũng theo đoàn người đi xuống bản. Cảnh tượng trước mắt cũng khiến Danh đủ buồn thương. Nước lũ như con mãng xà trườn qua nuốt hết nguồn sống. Hoa màu, gia súc, gia cầm, đồ đạc trong nhà và bao nhiêu lương thực để dành cứ thế trôi theo dòng nước chảy xiết. Nước bây giờ ngập đến quá đầu gối. Mọi người tranh thủ lội ra nhặt nhạnh đồ đạc còn dùng được. Danh thờ dài, cầu mong cho tất cả sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, mất mát này.
Chiếc xe máy của cha để lại ở nhà nguyện xem chừng vẫn hoạt động được. Hai cha con trở về, lòng nặng trĩu đa mang. Căn nhà tá túc của hai cha con không bị lũ nhòm ngó nên vẫn còn một ít lương thực đủ cầm cố qua ngày. Đêm hôm ấy, cha Công lại trằn trọc đi ra đi vào. Danh cũng không ngủ được. Những điều Danh chứng kiến hôm nay có lẽ là "mùi chiên" mà cha nghĩa phụ đã nhắc đến. Nó thật khác với những gì Danh bỏ thời gian ra nghiên cứu qua sách vở bấy lâu nay.
Trời chưa sáng hẳn, cha Công đã dồn hết gạo, mỳ tôm, trứng, những đồ ăn còn sót lại trong nhà vào một bao tải lớn. "Anh chở cha xuống bản nhé! Sau lũ bao giờ cũng là nạn đói ghé thăm. Hy vọng ngần này đủ cho lũ trẻ và người già cầm cự trong vài ngày tới, trong khi chờ đợi đoàn cứu trợ tìm đến được đây!". Đúng là người mục tử của Chúa, trên vai mang nặng nỗi thống khổ của đoàn chiên. Danh cảm phục vô cùng.
Đã hai ngày nữa trôi qua. Vì địa lý nhiều ngăn trở, địa hình phức tạp, dễ xảy ra sạt lở trên đường đồi nên chưa có đoàn cứu trợ nào tìm đến. Cha và Danh bắt đầu lo lắng. Điện vẫn chưa có, nước sạch, đồ ăn, quần áo thiếu thốn đủ bề. Điện thoại của hai cha con cũng hết sạch pin từ mấy hôm trước, không thể liên lạc ra ngoài tìm viện trợ. Đêm ấy, cha lại thức cầu nguyện trước linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Xin Mẹ đoái thương đến đoàn con cái đang cực khổ vì thiên tai.
***
Mặt trời đã ló rạng sau những ngày dài tăm tối. Tia nắng xuyên qua những tán cây Bạch Đàn đứng vững trong gió bão vẽ lên chút màu sắc của bình minh. Chiếc điện thoại vẫn cắm sạc mấy ngày bỗng sáng màn hình.
"Ôi có điện rồi cha ơi!"
Rất nhiều cuộc gọi nhỡ của người thân. Chắc mọi người ở nhà lo lắng lắm. Tay Danh run run tìm số điện thoại của cha Dũng để xin cứu viện thì bỗng số lạ gọi đến.
- Alo! Tôi Danh xin nghe ạ!
Danh vui mừng khi đầu dây bên kia vang lên chất giọng miền trung quen thuộc!
- Dạ alo! Em chào anh Danh, em là Giuse Nguyễn Kim Phúc - trưởng Cộng Đoàn Giáo Phận Vinh - Hà Tĩnh tại Hà Nội. Cộng đoàn chúng em có xin được một ít quỹ thiện nguyện và nhu yếu phẩm của các mạnh thường quân gửi về chia sẻ với bà con vùng lũ. Em nghe cha Dũng bảo giáo điểm chỗ anh phục vụ đang bị cô lập, không biết hiện tại tình hình thế nào rồi anh?
- Dạ! Tình hình nước đã rút nhưng thiếu lương thực trầm trọng, nếu được xin cộng đoàn mang một ít nhu yếu phẩm lên tiếp tế cho bà con nhé anh!
- Vâng anh! Đoàn chúng em đã sẵn sàng lên đường, anh chỉ dẫn qua về vị trí cho bọn em dễ tìm nhé!
- Dạ vâng ạ! Em thay mặt bà con cảm ơn mọi người rất nhiều!
Danh tắt máy, phấn khởi vội báo tin cho cha Công cùng vui mừng. À đúng rồi! Chẳng phải đó là Cộng đoàn mà thầy Cường, thầy Thạch, thầy Hoàng - bạn thi cùng khoá Đại Chủng Viện với Danh - vẫn thường nhắc đến với muôn vàn sự tự hào đó sao? Chính Danh cũng từng được tham dự Thánh lễ quan thầy kính Thánh Têrêsa và kỉ niệm mười năm thành lập của Cộng đoàn khi đi cùng với cha Dũng. Không khí đầy sự tươi trẻ, nhiệt huyết của những người con Vinh-Hà cùng tiếng hát của ca đoàn Têrêsa hôm ấy ghi vào lòng Danh một ấn tượng khó phai. Nếu Danh học ở Hà Nội, có khi cậu cũng là một thành viên nhiệt thành của Cộng đoàn chăng?
Qua nửa ngày mong ngóng. Anh Phúc trưởng đoàn gọi điện báo tin, đoàn cứu trợ gặp nhiều đoạn đường sụt lún, sạt lở nên mất nhiều thời gian chờ đội cứu hộ thông đường. Có lẽ phải chập tối mới đến nơi được. Cha con Danh chẳng biết làm gì ngoài việc cầu nguyện cho đoàn cứu trợ được bình an, đi đến nơi, về đến chốn.
Hoàng hôn bắt đầu buông xuống, hai chiếc xe bán tải và một chiếc xe con dán băng rôn hình ảnh chị Thánh Têrêsa cùng dòng tên: Cộng Đoàn Giáo Phận Vinh - Hà Tĩnh Tại Hà Nội - "Chuyến xe yêu thương" cũng tìm được đến nơi. Cha Công vui mừng đón đoàn người bước xuống. Sau thùng xe chất đầy lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm.
- Dạ! Thưa Cha, đây là những tình cảm của các bạn sinh viên, các anh chị cựu, các ân nhân trong và ngoài Cộng đoàn nhờ chúng con mang đến cho bà con qua những phần quà nhỏ, mong bà con sớm vượt qua khó khăn. Bây giờ, cha dẫn chúng con xuống dưới kia để trao đồ cứu trợ cho mọi người nhé! - Anh Phúc giới thiệu qua về Cộng đoàn và chuyến thiện nguyện.
- Xin Chúa trả công bội hậu cho các mạnh thường quân và đoàn cựu trợ! - Cha xúc động nắm tay từng người trong đoàn.
Nói rồi mấy cha con lên đường. Nước đã rút nhưng bùn vẫn đặc quánh. Gần đến bản, con đường nhỏ khiến xe ô tô không qua được. Đoàn cứu trợ đành phải tháo dép lội giữa bùn sình chuyền tay nhau chuyển đồ vào điểm tập kết. Danh nhanh nhẹn chạy vào bản kêu gọi dân làng ra nhận đồ. Trong bản, điện vẫn chưa có, dân làng lập loè đèn pin theo chân Danh đến điểm cứu trợ. Nhiều người phụ nữ bật khóc nức nở vì cảm động sau nhiều ngày bị cô lập không có đoàn nào tìm đến đây, có bà cụ bỗng nắm tay Danh, mắt rơm rớm nước: "Bà cảm ơn các cháu nhiều lắm, thế là dân làng được sống rồi!"
Ôi! "Mùi chiên". Danh cảm nghiệm được nó rồi! Có điều gì đã không còn mơ hồ hiện lên trong tâm trí. Hoá ra trước đây, điều thôi thúc Danh tìm đến con đường Thánh hiến chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài của cuộc đời Linh Mục. Được tôn trọng, được đề cao, được làm rạng danh cho gia đình chứ không hề là vì để phục vụ những người bé mọn. Danh cứ nghĩ, làm Linh Mục là phải đỗ đạt trường Đại, phải giỏi giang, phải được mọi người công nhận. Sự kiêu ngạo đã lấn át hết trái tim cảm thông.
Danh nhìn anh em Cộng đoàn không quản ngại đường sá xa xôi, không màng hiểm nguy đưa tình thần bác ái Chúa Kitô đến với những cảnh đời bất hạnh. Nhìn những thùng mì, gói bánh, nhu yếu phẩm của mạnh thường quân góp về, những thứ tưởng chừng nhỏ bé ấy lại cứu được bao nhiêu mạng người trong cơn đói khát. Nhìn người cha đáng mến - người mục tử đầy sự khiêm nhường, chỉ muốn dùng cả cuộc đời với những bước chân nhỏ bé đi vào những nơi sỏi đá khô cằn, tìm từng con chiên lạc trở về với Chúa. Tất cả, tất cả trong mắt Danh giờ đây đều thật phi thường biết bao! Đúng như lời chị Thánh Têrêsa từng nói: "Không có gì là nhỏ bé trong mắt Thiên Chúa, hãy làm mọi sự vì tình yêu".
"Có điện rồi bà con ơi!"
Hàng loạt ánh đèn sáng lên trong đêm đen làm sống dậy cả bản làng. Mọi người reo hò mừng rỡ như tạm quên đi những mất mát đã qua. Ngày mai nắng lại lên, cuộc sống sẽ tiếp diễn với những điều tốt đẹp khi xung quanh ta luôn tồn tại "điều phi thường nhỏ bé".
Danh theo chân đoàn cứu trợ trở về! Có con đường bỗng mở ra trong mắt cậu. Trên con đường ấy, người mục tử đứng giữa đàn chiên với đầy đủ thứ mùi. Danh bất giác lẩm nhẩm khúc hát vẫn thường nghe trong ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo: "Đẹp thay! Ôi đẹp thay, những bước chân gieo mầm cứu rỗi. Đẹp thay! Ôi đẹp thay, những bước chân rảo khắp nẻo đường!"
【Têrêsa Lê Thanh Tâm】