Khi “hơi thở chạm tơ vàng” - Tác giả: Gioan Lê Quang Vinh

Lan Mary
Cũng thật là thú vị khi biết một linh mục cũng là nhà thơ, dù xét cho cùng đời linh mục cũng rất "nên thơ, thành thơ". Nhà thơ Khắc Đỗ (Linh mục Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa) là tác giả nhiều tuyển tập thơ và là dịch giả nhiều tác phẩm, trong đó có tác phẩm kinh điển Ngụ Ngôn La Fontaine (dịch cùng tập với dịch giả đầu tiên là dịch giả huyền thoại Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí). NGUỒN:

(Đọc "Run Như Hơi Thở Chạm Tơ Vàng" của Linh Mục – Nhà thơ Khắc Đỗ)

Khi giới thiệu một tập sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, học giả Nguyễn Hiến Lê viết đại ý như sau: khi biết anh là bác sĩ mà lại là nhà thơ thì người ta thật ngạc nhiên một cách thú vị.

Cũng thật là thú vị khi biết một linh mục cũng là nhà thơ, dù xét cho cùng đời linh mục cũng rất "nên thơ, thành thơ". Nhà thơ Khắc Đỗ (Linh mục Phêrô Đỗ Khắc Minh Khoa) là tác giả nhiều tuyển tập thơ và là dịch giả nhiều tác phẩm, trong đó có tác phẩm kinh điển Ngụ Ngôn La Fontaine (dịch cùng tập với dịch giả đầu tiên là dịch giả huyền thoại Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí).

Tập thơ mới ra đời của tác giả Khắc Đỗ có tựa đề "Run Như Hơi Thở Chạm Tơ Vàng". Tựa đề được lấy ý từ một câu thơ trong Trường ca Thánh Nữ Đồng Trinh Maria của nhà thơ Hàn Mặc Tử, gợi lên trong người đọc điều gì cao sang, diễm lệ và rất đỗi dịu dàng. Khi đi vào nội dung tập thơ và lặng lẽ để cho hồn mình thấm đượm từng câu thơ, người đọc mới cảm được thế nào là "Run Như Run..." mà tác giả muốn thổi nhẹ vào từng trang thơ.

Không biết do sắp xếp tình cờ hay hữu ý mà tác giả đặt bản dịch lời kinh Tạ Ơn truyền thống của Giáo Hội (Te Deum) vào đầu tập thơ. Phải chăng trước uy linh cao cả của Đấng là "Thiên Chúa cửu trùng", Đấng mà "Chúng con ca ngợi tuyên xưng hết tình", thì "Cả và trái đất sấp mình suy tôn", và lúc bấy giờ tiếng thơ ngợi khen có thể bắt đầu "run run" ngân lên để cùng với "Phẩm Minh thần, phẩm Luyến thần/ Không ngừng tán tụng trước Nhan thánh Ngài:/ Thánh! Chí Thánh! Chí Thánh thay!/ Chúa là Chúa Tể mọi loài thiên binh".

Lời kinh Tạ ơn được tác giả diễn ngữ bằng lời thơ dung dị mà tuyệt đẹp, nhẹ nhàng mà sang trọng, đơn giản mà đi sâu vào lòng người đọc, để khi đọc xong lời kinh-thơ ấy, người đọc còn thấy lòng mình "run như run hơi thở chạm tơ vàng".

Người đọc "run như run..." trước kỳ công của Đấng Tạo Hoá, trước sự hùng vĩ của trời đất và trước vẻ đẹp cao sang của từng loài mà Ngài đã tác tạo. Bạn hãy thưởng thức vẻ đẹp này:

"Một tia nắng chảy dài trên cành liễu
Một hạt mưa tí tách gội lá non
Một cành hoa tươi nở cánh bung tròn
Một làn gió vi vu chân trời đỏ
Một cánh bướm tung tăng vờn ngọn cỏ
Một giọt sương rung êm ả tinh khôi
Một ánh trăng bàng bạc khuất sau đồi
Một dòng suối lách luồn qua khe đáy
Một hòn đá hao mòn khi nước chảy
Một đám mây vần vũ lúc bão giông
Một tiếng chim tíu tít giữa nội đồng
Một hơi thở rút từ bầu khí quyển..."
(Đẹp Quyến Rũ)

Trước cái đẹp cao sang quyến rũ ấy, nhà thơ – và cả chúng ta – cảm thấy Đấng Tạo Hoá thu hút mình rất mãnh liệt. Nhà thơ dùng một từ "bình dân", quen thuộc và rất "teen", khiến người đọc thấy thân thương, đọc thấy bất ngờ: được Ngài "dụ khị", từ này được dùng rất "đắt" ở đây:

"Con vui sướng bởi được Ngài dụ khị
Ôi Rất-Xưa-Và-Rất-Mới-Đẹp sao!
Ánh Huy Hoàng Bất Biến mãi khát khao
Ngài đã thắng, chinh phục con mỹ mãn!"

Tuy được thu hút bởi kỳ công của Đấng Tạo Hoá và rồi được chính Ngài thu hút, nhà thơ vẫn cảm được phận mình quá bé nhỏ khi suy ngắm "Trong Hốc Đá" cảm hứng từ sách Xuất Hành:

"Thần tử phận hèn ôi bất xứng
Mắt phàm nào dám ngắm Long Nhan!"

Nhưng mà lạ lắm, ai đã từng cảm nếm vinh quang của Đấng là Tình Yêu hoặc ai đã từng mơ ước được chạm vào siêu việt, đều có thể rung cảm với tác giả, rung cảm với điều nghe ra như một nghịch lý. Đó là: biết mình nhỏ hèn, bất xứng và chỉ là phàm nhân mà vẫn nuôi trong mình khát vọng thẳm sâu, khát vọng từ chính bản chất con người, khát vọng ấy là hướng về siêu việt, muốn được đến gần, được nghe và được chiêm ngắm vinh quang rạng ngời của Đấng cao vời khôn ví. Khát vọng ấy được tác giả diễn tả sao quá đỗi gần với phận người:

"Xin đặt con vào trong hốc đá
Lấy tay che phủ mắt săm soi
Để cho vinh hiển Ngài khôn tả
Nhẹ lướt ngang qua cũng đủ rồi!"
(Trong Hốc Đá)

Lại thêm một tương phản khác: Tác giả tài tình đối chiếu viễn cảnh huy hoàng được bao phủ bằng "vinh hiển Ngài khôn tả" với cảnh "u mê tăm tối", lầm than thổn thức của chốn lữ thứ trần gian. Có điều là cái u mê tăm tối ấy dưới ngòi bút thi nhân lại trở nên đầy hy vọng. Người đọc đi theo từng câu thơ "tăm tối", "khổ đau", "lê bước", "lầm than", bỗng giật mình trước hai từ "trông mong" cuối câu tám. Phải chăng niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng mà Đức Bênêđíctô gọi là "niềm hy vọng huy hoàng nhất" (Spe Salvi) đã được tác giả thấm đẫm từ thuở nào:

"Kìa muôn vật u mê tăm tối
Vẫy vùng trong tội lỗi khổ đau
Màn khuya lê bước dãi dầu
Lầm than thổn thức cơ cầu trông mong."

Trông mong, hy vọng... Nhưng trông mong hy vọng điều gì? Đọc từng trang thơ, cảm từng ý từng từ, người đọc sẽ nhận được câu trả lời rất thật và rất thơ:

"Vâng theo lời sấm sứ thần
'Giê-su' tên thánh, muôn dân mong chờ
Con ơi, Con cứ ngủ mơ
Một mai lớn dậy bước vô trần hoàn
Loan ơn cứu độ nhân gian
Thoát vòng tội lỗi, xa đàng u mê..."

Tác giả khéo léo diễn đạt các sự kiện trong Lịch Sử Cứu Độ bằng thơ, nhưng hoàn toàn khác với những "Sử diễn ca" quen thuộc. Những câu lục bát của Khắc Đỗ không gò bó, không lúng túng khi chọn vần điệu, mà tất cả đều chính vận, giàu nhạc điệu và trung thành với sứ điệp:

"Chiều về xứ sở nên thơ
Hoa hương dậy đất, cung tơ vang trời
Lòng yêu mong mỏi bồi hồi
Chờ ngày loan phụng diệu vời hòa minh
Đính hôn hỷ sự vẹn tình
Rước Nàng mãn nguyện về dinh đề huề
Ma-ri-a chính Hiền Thê
Trâm anh thục nữ trọn bề trinh nguyên
Gọi là tiền định thiên duyên
Môn đăng hộ đối, ơn Trên an bài
Chỉ hồng xe kết lâu dài
Sắt cầm mơ ước miệt mài trăm năm."
(Nhật Ký Thánh Giuse)

Bác thợ mộc Giuse Nadarét, Dưỡng phụ Đấng Cứu Thế, được người tín hữu gọi là Cha hiền, rất âm thầm lặng lẽ, và có thể Ngài không viết nhật ký. Nhưng chắc hẳn Ngài mỉm cười thú vị khi Khắc Đỗ "viết giùm" Ngài những trang nhật ký diễm lệ cả về ý lẫn ngôn từ.
Và đây là lời thiên thần loan báo Tin Vui, thể thơ ngũ ngôn:

"Này đây ta loan báo
Một trọng thể Phúc Âm
Là Tin Mừng vĩ đại
Cho mọi nước mọi dân
Hôm nay Đấng Cứu Độ
Đã sinh xuống làm người
Ngài là Con Thiên Chúa
Đến xoay chuyển cõi đời:
cuộc đời không vô định.
Đổi thay cả kiếp người:
Phận người không vô nghĩa."

Nhẹ nhàng quá, đáng yêu quá những câu thơ mượt mà. Lịch Sử Cứu độ từ ngàn xưa của Cựu Ước trầm mặc đã kết thành hoa trái viên mãn, được nhà thơ Khắc Đỗ họa lại bằng nét bút nhẹ như tơ trời, không, không phải tơ trời, mà tha thướt như cánh thiên thần! Xin mời đọc lại những vần lục bát này trong "Nhật Ký Thánh Giuse":

"Con ơi, Con cứ ngủ mơ
Một mai lớn dậy bước vô trần hoàn
Loan ơn cứu độ nhân gian
Thoát vòng tội lỗi, xa đàng u mê..."

"Một mai lớn dậy bước vô trần hoàn"! "Con cứ ngủ mơ" nhưng không phải "một mai thức dậy", mà là "một mai lớn dậy", nghĩa là "khi đến thời đến buổi", người Con ấy đường hoàng đĩnh đạc "bước vô trần hoàn". Người đọc có chút ngạc nhiên: Người đến trần hoàn rồi mà? Vâng, Người đến rồi, nhưng Người còn "cứ ngủ mơ" đế ươm mầm ơn cứu rỗi, và khi "lớn dậy", Người mới chính thức "bước vô", mới vào cuộc, và mới "loan ơn cứu độ nhân gian". Ơn cứu độ ấy là đây: "Thoát vòng tội lỗi, xa đàng u mê..." Người đọc thầm đọc lại bốn câu thôi, đã thấy bước chân của Đấng Thiên Sai "vô trần hoàn" dù nhẹ tênh nhưng lại có sức hóa giải ngàn cân tội tình.

Người Con chí thánh ấy lớn lên giữa cuộc đời, như bao nhiêu trẻ con khác qua các thời đại. Nhưng khi những đứa trẻ khác học ăn, học nói để lo cho tương lai, thì Hài Nhi Giêsu:

"Hôm nay Con học nói
Mai rao giảng cho đời
Loan Tin Mừng cứu rỗi
Ban mạc khải Nước Trời."

Phải chăng đó cũng là sứ mạng của nhà thơ Công giáo, đặc biệt của linh mục – nhà thơ Khắc Đỗ?
Cái đẹp của thụ tạo tự nhiên và cái đẹp của niềm hy vọng Ơn Cứu rỗi bừng sáng lên trong thơ của Khắc Đỗ. Nhưng không chỉ là cái đẹp làm nhà thơ rung động, mà sâu xa hơn, nhà thơ ý thức cái đẹp, cái "mỹ" ấy khơi nguồn từ tình yêu diệu kỳ của Đấng Toàn Năng, và nhà thơ "run như run..." trước tình yêu diệu kỳ, làm người đọc cũng "run như run..." cùng với nhà thơ.

Người đọc có lẽ hơi bỡ ngỡ khi thấy "tình yêu" buổi chợ chiều:

"Ngài vẫn gọi con giữa chợ chiều
Bán buôn ế ẩm cả tình yêu
Mưu sinh một kiếp, ôi ngao ngán
Mấy kẻ nghe Lời, mấy kẻ theo!"

Câu thơ và tứ thơ rất lạ. Tình yêu mà ế ẩm sao? Là khi con người nghe Lời mà quay lưng, và không hiểu Lời là Tình Yêu! Chính từ giờ phút thấy "tình yêu ế ẩm" ấy mà nhà thơ nhìn lên ánh hào quang yêu thương:

"Ôi! Tình yêu lặng lẽ!
Con tin, con mến yêu hoài
Và con muốn kết hợp với Ngài chặt chẽ
Xin ngự đến ở mãi trong lòng con, Chúa ơi!"
Và như thế, nhà thơ dấn thân:
"Có Ngài trong con, vượt đam mê trần thế
Rao giảng một tình yêu tuyệt vời
Là tình hi sinh, hiến mạng cho muôn người."

Đọc những lời thơ dung dị mà chan chứa yêu thương ấy, người đọc hẳn "run như run..." và muốn cùng nhà thơ ra đi, rao giảng trên từng mái nhà, rằng Tình yêu từ thuở giáng thế, không thể ế ẩm và không thể đi vào cô quạnh. Phải la lên, nói lớn, bằng thơ hay bằng từng ánh mắt nụ cười, rằng:

"Vì yêu, Chúa đã giáng trần
Mưa sương cứu chuộc, viếng thăm dân Người."
(Khúc Vỗ Về Đêm Thánh)

Khi nói đến thơ, người ta thường nghĩ đến tình yêu. Nhưng ít ai chú ý rằng tình yêu trần thế, dù là tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng hay tình yêu trong gia đình, đều là những phản ánh mờ nhạt của một Tình Yêu vô biên là chính Đấng tác tạo muôn loài. Và Đức Maria là người đầu tiên cảm được tình yêu cao vời ấy:

"Đêm nay thần nhạc lên ngôi
Mẹ ngây ngất hát: À ơi phận mình!
Con là mạch suối Thiên đình
Là Con của Mẹ, là tình yêu thương.
Tâm hồn Mẹ cứ vấn vương:
Gọi Con Thiên Chúa là Con của mình!"

Khi viết những dòng thơ này, hẳn tác giả nghĩ đến máng cỏ Bêlem, đến đêm đông giá lạnh khi Con Thiên Chúa làm người, và nhà thơ cũng nghĩ đến tín điều của Công đồng Êphêsô: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Nhưng khoan nghĩ đến những nhiệm mầu cao siêu ấy, chúng ta có thể nhìn ngắm tâm tình gắn bó giữa tác giả và Mẹ thánh, hẳn nhà thơ phải cảm được nhiệm mầu thế nào mới diễn tả một cách hồn nhiên nhẹ nhàng mà sâu lắng đến thế.

Về tứ thơ và nguồn thi hứng, có lẽ phải viết bài dài bằng tập thơ mới diễn tả được đầy đủ. Đến đây, xin được nhìn đến "thủ pháp nghệ thuật" của nhà thơ Khắc Đỗ. Người đọc "run như run..." khi đọc những lời thơ mượt mà óng ả và rất đỗi tự nhiên, làm thơ mà như chỉ đơn thuần để cho mạch thơ tuôn ra.
Mở đầu bản dịch Kinh Tạ ơn Te Deum, nhà thơ viết về Đấng Toàn Năng:

"Đội ơn Thiên Chúa cửu trùng
Chúng con ca ngợi tuyên xưng hết tình."
Và câu kết thúc:
"Nơi Ngài, hy vọng chứa chan
Muôn đời chẳng phải bẽ bàng hổ ngươi."
Còn đây, tác phẩm của Đấng Toàn Năng:
"Chào em - một đóa hoa tiên
Hương trời sắc nước ngả nghiêng thành trì.
Tòa thiên nhiên đẹp diệu kỳ
Giai nhân thiên hạ ai bì được em!
Lưng ong mình hạc êm đềm
Môi thơm mật ngọt mướt mềm nhường tơ!
Mắt em - mặt nước hồ thu
Bồ câu lấp lánh nhẹ ru nội đồng.
Tóc mây quyện với nắng hồng
Ngạt ngào hương phấn, phập phồng làn da.
Thân em trong ngọc trắng ngà
Mười phân duyên dáng thướt tha vẹn mười!"
(Khúc Hát Giao Duyên)

Lời thơ lục bát tự nhiên duyên dáng, đằm thắm trữ tình, cứ như làn điệu ca dao. Và người đọc hình dung ngay được vẻ đẹp của Đấng Chân Thiện Mỹ và vẻ đẹp của con người mà Ngài tạo dựng. Phải chăng hồn thơ có sức mạnh chuyển tải nhanh và trọn vẹn?

Thánh vịnh 44, lời thơ đẹp của Vua thánh Đavít, được chuyển ngữ tài tình:

"Hỡi ngài - kiện tướng vinh quang
Lưng đeo bảo kiếm huy hoàng oai phong
Xứng danh lẫm liệt anh hùng
Xông pha vó ngựa vẫy vùng thế gian
Nhiệt thành bênh vực lòng nhân
Ra uy bảo vệ thiện chân công bình
Tay ngài gieo rắc thất kinh
Vừa buông tên nhọn, trúng tim địch thù
Ngai vàng Thiên Chúa ban cho
Quang minh vương trượng thiên thu trường tồn."

Ở đây, lời thơ đẹp không chỉ mượt mà nhưng còn trình bày hình ảnh rất cao sang. Vị Vua anh dũng xuất hiện "Xứng danh lẫm liệt anh hùng/ Xông pha vó ngựa vẫy vùng thế gian".

"Trường ca Đêm Thánh Vô Cùng" dùng một thể thơ khác, trình bày viễn tượng lãng mạn "hẹn hò tình sử" mà rực sáng hồng ân cứu độ từ Đấng Công Chính (Hoàng Tử Bình An):

"Bê-lem hỡi! Điểm hẹn hò tình sử!
Khắp thế gian đang náo nức hướng về
Đây muôn loài nín thở lắng tai nghe
Loa thiên sứ vang rền trên cõi đất.
Đừng đi hết, đêm bồi hồi ngây ngất!
Đêm ngàn sao giăng sáng phủ kín trời
Đêm kim ô lui về chốn nghỉ ngơi
Để nhường chỗ cho Vầng Dương Công Chính."

Trước hình ảnh cao sang và viễn tượng đầy hy vọng của Thiên Chúa Cứu Độ, nhà thơ ngày ấy sắp lãnh nhận thiên chức linh mục, cảm thấy mình bất xứng. Có điều, khi bình minh rực rỡ xuất hiện thì những mờ ảo của nhân gian phải tan biến đi, còn khi Vầng Dương Công Chính xuất hiện, phận người thấp hèn lại được nâng lên:

"Con hoảng hốt nhận ra mình bất xứng
Nào dám mơ nguồn thánh sủng siêu phàm
Ôi cao vời: con linh mục, khôn kham
Ngày chịu chức, con biết mình tay trắng!"
Và tay trắng lại trở thành:
"Con linh mục: bánh bẻ ra trao hiến
Quy tụ muôn người, liên kết muôn dân
Tháp nhập vào sự sống Đấng Thần-Nhân
Chính là Thượng Tế Đời Đời Duy Nhất."

Bài thơ Con Linh Mục (cảm hứng từ thi tập "Lời Dâng" của R. Tagore) khép lại tập thơ "RUN NHƯ THẦN TỬ THẤY LONG NHAN" để mở ra cho người đọc cánh cửa mới: "Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến" (Hàn Mặc Tử).

G.Lê Quang Vinh