Hành trình cứu chuộc trong văn xuôi Công giáo hậu hiện đại - Tác giả: Mai Văn Phấn
26.12.2024
"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta"
(Phúc Âm theo Thánh Gioan 1, 14)
Lời mở
Văn học Công giáo, đặc biệt văn xuôi, luôn chiếm vị trí quan trọng trong dòng chảy văn hóa nhân loại, phản ánh sâu sắc những giá trị tinh thần và nhân sinh. Trong bối cảnh hậu hiện đại, khi các giá trị truyền thống đối diện với những thách thức, văn xuôi Công giáo không chỉ tái hiện những mâu thuẫn nội tâm mà còn mở ra hành trình khám phá chiều sâu đức tin và niềm hy vọng. Sự cứu chuộc, vốn là giá trị cốt lõi của văn học Công giáo, vượt khỏi phạm trù tâm linh, trở thành hành trình kiếm tìm sự tha thứ, hòa giải và chữa lành những tổn thương của cá nhân và cộng đồng. Trên nền tảng nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi Công giáo hậu hiện đại trong và ngoài nước, bài viết này tập trung phân tích hành trình cứu chuộc như một trục chính của sáng tác, qua đó làm sáng tỏ vai trò của nhà văn trong việc kiến tạo và lan tỏa các giá trị nhân sinh; đồng thời, khảo sát cách thức biểu đạt mối quan hệ giữa con người, đức tin và ý niệm cứu rỗi trong bối cảnh giao thoa văn hóa và tư tưởng đương đại.
Các tác giả là tín hữu Công giáo, hầu hết đều viết về đức tin; trong đó, có những nhà văn sáng tác với tâm thức hậu hiện đại, hoặc áp dụng một số thủ pháp đặc trưng của trào lưu này. Bên cạnh đó, một số nhà văn không phải tín hữu Công giáo nhưng đã viết về đức tin và sự cứu chuộc theo lối hậu hiện đại, nhằm phản ánh sự phức tạp, mâu thuẫn trong đời sống tâm linh và xã hội đương đại. Người viết bài này gọi chung tác phẩm thuộc các nhóm trên là văn xuôi Công giáo hậu hiện đại. Nội dung bài viết sẽ tập trung bàn về một số tác giả Công giáo Việt Nam tiêu biểu như, Linh mục Nguyễn Trung Tây, Linh mục Cao Gia An, Linh mục Nguyễn Đức Thông, Linh mục Linh mục Nguyễn Hoàng Hải, Linh mục Trần Văn Dũng, Song Nguyễn (bút danh của Đức Giám mục Đaminh Nguyễn Chu Trinh); các nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Một, Vinh Kiu, Nguyễn Thị Khánh Liên, Đặng Kim Thoa, Huy Chung (bút danh của Chung Thanh Huy), Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Hải Miên (bút danh của Phạm Minh Châu), Hạt Cát Sa Mạc (bút danh của Soeur Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung), Đinh Thị Thu Hằng... Đây là những nhà văn không ngừng thử nghiệm trong cách biểu đạt, nhằm mở rộng không gian cho những trải nghiệm tâm linh và đức tin. Bên cạnh đó, bài viết cũng lấy dẫn chứng tác phẩm của một số nhà văn nước ngoài như Cormac McCarthy, Flannery O'Connor, Toni Morrison, Graham Greene . Dù họ thuộc những tín ngưỡng khác nhau, nhưng đã mang tâm thức, hoặc sử dụng một phần thủ pháp hậu hiện đại để biểu đạt đức tin và mỹ học Kitô giáo.
Văn xuôi Công giáo hậu hiện đại có thể được chia thành hai chủ đề chính: văn học Công giáo viết về sự cứu rỗi và sự cứu rỗi trong văn học thế tục. Tuy nhiên, việc nghiên cứu dấu (hiệu) ấn hậu hiện đại trong văn học Công giáo Việt Nam hoặc bất kỳ khía cạnh nào liên quan đều là những lĩnh vực rộng lớn, đòi hỏi sự phân tích sâu sắc, và khó có thể bao quát toàn diện trong khuôn khổ một nghiên cứu. Vì vậy, trong bài viết này, tôi chỉ tập trung điểm xuyết một số nét cơ bản của các tác phẩm văn xuôi Công giáo mang tâm thức hậu hiện đại hoặc sử dụng một số thủ pháp tiêu biểu của trào lưu này, nhằm nhận diện sơ bộ một nhánh trong dòng chảy văn chương đương đại. Thông qua các tác phẩm được dẫn chứng, bài viết sẽ làm nổi bật ảnh hưởng của trào lưu hậu hiện đại trong việc khắc họa đức tin, sự cứu rỗi và thân phận con người ở một số khía cạnh nhất định.
Thuật ngữ "Hậu hiện đại" (Postmodern) xuất hiện vào khoảng năm 1947, lần đầu tiên được nhà sử học người Anh Arnold Toynbee sử dụng để mô tả một giai đoạn văn hóa trong lịch sử nhân loại, phản ánh sự chuyển mình từ thời hiện đại sang một giai đoạn mới. Vào những năm 1960, thuật ngữ này được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong các công trình kiến trúc của Charles Jencks . Ông đã viết về hậu hiện đại như một trào lưu phản ứng lại những nguyên lý của chủ nghĩa hiện đại, đề cao tính đa dạng và khoảng mở trong thiết kế. Sau đó, Jean-Francois Lyotard trong cuốn sách "Hoàn cảnh Hậu hiện đại" ("La Condition postmoderne", 1979), đã mô tả hậu hiện đại như sự phản kháng lại các "siêu tự sự" hay "đại tự sự", được hiểu là các giá trị và hệ thống lý thuyết bao trùm khi ấy; thay vào đó, ông đề cao sự đa dạng, tính diễu nhại, tính chủ quan, liên văn bản... Các học giả khác như Jacques Derrida với phương pháp giải cấu trúc, Michel Foucault với lý thuyết quyền lực và tri thức, hay Jean Baudrillard với lý thuyết mô phỏng đã góp phần hình thành tư duy hậu hiện đại, nhấn mạnh tính đa thanh, sự phân mảnh, giải trung tâm, và nghi ngờ các giá trị phổ quát. Với nền tảng lý thuyết này, hậu hiện đại thúc đẩy sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận và tương tác với thế giới xung quanh; nó mở ra không gian cho sự đa dạng và phức tạp trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có văn học. Trong mọi mô hình xã hội, điều kiện hậu hiện đại có vai trò quyết định trong việc hình thành các phương pháp sáng tạo mới, khuyến khích sự tự do biểu đạt, phá vỡ những quy chuẩn truyền thống và mở rộng phạm vi chấp nhận của xã hội đối với những hình thức nghệ thuật đa dạng. "Sáng tạo, theo tinh thần của hậu hiện đại, là thể nghiệm không giới hạn, là phiêu lưu vô định, là việc khai phóng các khả thể của nghệ thuật chứ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật. "
I - Sự cứu chuộc nơi thương khó
Sự cứu chuộc (Redemption) trong Công giáo là hành động Thiên Chúa giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết thông qua cái chết tự nguyện của Ngài trên thập giá. Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, con người nhận được ơn cứu độ và cơ hội hòa giải với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự cứu chuộc không chỉ là hành động duy nhất mà còn kêu gọi con người sám hối, tin vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế và sống theo những giáo huấn của Ngài.
Trong văn học Công giáo, sự cứu chuộc là biểu hiện sâu sắc của nhân tính và quá trình chữa lành. Các tác phẩm văn xuôi Công giáo hậu hiện đại thường thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm của các nhân vật, những người tìm kiếm sự cứu chuộc không chỉ qua hình thức tôn giáo truyền thống mà còn qua hành động, hy sinh và đối diện với những mâu thuẫn cá nhân và xã hội. Trong bối cảnh đó, sự cứu chuộc trở nên mơ hồ và phức tạp, đan xen trong cuộc sống của những nhân vật mang đầy mâu thuẫn và xung đột.
Nguyễn Văn Học là một trong những nhà văn Công giáo sung sức và nổi bật hiện nay. Ở tuổi 40, anh đã có hơn 40 tác phẩm được ấn hành, với đa dạng đề tài và chiều sâu tư tưởng. Tập truyện ngắn "Miền Thánh Đợi" (Nxb. Văn học, 2021) là một điểm nhấn quan trọng, xoay quanh ba chủ đề lớn: đức tin, xã hội và tình yêu, khắc họa hành trình vươn tới thánh thiện của những con người chịu đau khổ và tìm thấy ý nghĩa trong ánh sáng Thiên Chúa. Đau khổ không phải là trừng phạt mà là sự tôi luyện, giúp con người mạnh mẽ hơn. Đức tin là ánh sáng soi rọi, giúp vượt qua nghịch cảnh, trong khi tình yêu và sự tha thứ mang lại bình an và hy vọng. Với lối kể chậm rãi và giàu cảm xúc, các câu chuyện không theo mạch tuyến tính hay kết thúc rõ ràng, mà có kết cấu mở, tạo sự mơ hồ và khơi mở nhiều cách hiểu, phản ánh sự hoài nghi đặc trưng của văn học hậu hiện đại. Cuốn sách kết hợp nhuần nhuyễn tôn giáo và triết học, xã hội và tâm lý, tạo nên không gian giao thoa giữa hiện thực và tâm linh.
Sự cứu chuộc trong văn học Công giáo gắn liền với nhân sinh quan và đấu tranh nội tâm. Các nhân vật thường đối diện với tội lỗi, khổ đau và mâu thuẫn, trong đó sự cứu chuộc trở thành hành trình khám phá bản thân và hòa giải với Thiên Chúa. Sự tha thứ và hy vọng vào cứu rỗi giúp họ vượt qua thử thách, xây dựng nhân sinh quan về tự cứu, tha thứ và phục hồi mối quan hệ với Thiên Chúa. Sự cứu chuộc là hành động cá nhân, cũng là quá trình tái sinh và hòa giải cộng đồng, nơi các mối quan hệ được thử thách và chữa lành.
Tập truyện ngắn "Một mùa hè dưới bóng cây" (Nxb. Hội Nhà Văn, 2023) của Nguyễn Tham Thiện Kế khắc họa sâu sắc chiều kích tâm linh, nơi ánh sáng Thiên Chúa và tinh thần cứu chuộc trở thành mạch ngầm xuyên suốt. Ánh sáng ấy, biểu trưng cho hy vọng, giác ngộ và tình yêu, hiện diện qua hành trình các nhân vật đối mặt với sai lầm và đổ vỡ niềm tin. Các nhân vật thường mang nặng xung đột nội tâm, nhưng chính ánh sáng Thiên Chúa soi tỏ giá trị tha thứ và hy sinh, giúp họ vượt qua bóng tối. Truyện ngắn "Có một ai trong bóng tối nhìn tôi" in trong tập là bức tranh nội tâm kịch tính, với nhân vật "Tôi", một họa sĩ trẻ, phát hiện hai di ảnh úp mặt trên ban thờ gia tiên của hai anh em sinh đôi là đại diện cho hai chiến tuyến đối địch. Qua cuộc gặp gỡ kỳ bí, "Tôi" nhận ra bi kịch của một gia đình bị chia cắt bởi định kiến xã hội dù chiến tranh đã kết thúc. Truyện khắc họa vết thương chiến tranh chưa lành, nơi tình yêu và quan hệ bị xé nát, với ánh mắt bí ẩn trong bóng tối vừa gợi nỗi sợ hãi, vừa mang tính phán xét. Câu hỏi "Hình như trong bóng tối có ai đang nhìn Tôi?" không chỉ là câu trần thuật, mà là lời kêu gọi sự tha thứ và hòa giải từ cộng đồng.
Lấy ánh sáng Thiên Chúa làm trung tâm, nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên, qua tập truyện ngắn "Sông chảy về đâu" (Nxb. Hồng Đức, 2021), đã khắc họa hành trình vượt qua bóng tối của các nhân vật bằng niềm tin, sự tha thứ và tình yêu cứu chuộc, mang đến những câu chuyện giàu ý nghĩa về cuộc sống, đức tin và những phận người đau khổ nhưng tràn đầy hy vọng. Truyện ngắn "Tiếng chuông mùa xuân" trong tập sách biểu đạt hành trình trở về đầy kỳ diệu của một người "con đi hoang"; Đây là sự hòa giải giữa con người với gia đình, cộng đồng, là sự trở về với Thiên Chúa. Hình ảnh người mục tử trong tập truyện hiện lên như những "người gieo hạt", mang tình yêu và ánh sáng của Chúa đến những vùng đất xa xôi, thiếu thốn. Họ là biểu tượng cho sự hy sinh, giản dị và lòng kiên trì gieo trồng đức tin giữa đời sống khắc nghiệt. Nhân vật Lapia trong truyện "Bài ca của chú ve nhỏ" là minh chứng cho sức mạnh kiên cường trước nghịch cảnh. Mất chồng con trong cơn lũ quét, chịu đựng nỗi đau thể xác vì bệnh phong cùi và sự cô lập của xã hội, Lapia vẫn ví mình như những chú ve nhỏ, dù ngắn ngủi nhưng vẫn hát ca ngợi Thiên Chúa.
Văn xuôi Công giáo hậu hiện đại nổi bật với sự pha trộn giữa thực tại và huyền bí, đồng thời thể hiện sự xung đột giữa đức tin và nghi ngờ. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi các giá trị truyền thống bị đổ vỡ, các tác phẩm hậu hiện đại không tìm cách khẳng định một đức tin vững chắc, mà thay vào đó, khám phá những vùng tối ám và mâu thuẫn nội tâm của con người. Nhà văn thường kết hợp yếu tố tôn giáo và huyền bí, nơi đức tin diễn ra giữa ánh sáng và bóng tối, niềm tin và sự mất mát. Điều này khiến sự cứu chuộc trong văn học Công giáo hậu hiện đại trở thành một hành trình đầy mâu thuẫn và nghịch lý.
Đức tin và sự cứu chuộc của Chúa là ánh sáng dẫn lối, giúp con người thoát khỏi bóng tối. Trong truyện dài giả tưởng "Sứ mạng " của Đặng Kim Thoa, người mẹ đơn thân và con trai nhỏ chuyển đến sống trong ngôi nhà đồn đại là "ma ám." Thực tế, đây là nơi các linh hồn tìm đến nhờ cô giải thoát. Với sứ mạng được Chúa trao phó, hai mẹ con phải đối mặt với những thế lực hắc ám. Được sự trợ giúp của Tiên tri Elia và Tổng Lãnh Thiên Thần Michel, người mẹ học cách chiến đấu chống lại quỷ dữ. Khi Satan dồn toàn lực tấn công, lời cầu nguyện của các linh hồn và tín hữu đã được Thiên Chúa ban ơn. Michel giáng trần, chiến thắng quỷ vương và mang lại hòa bình. Truyện không chỉ lồng ghép đức tin vững mạnh mà còn truyền tải thông điệp về sự cứu rỗi qua quyền năng Thiên Chúa.
Trong các tác phẩm hậu hiện đại, sự cứu chuộc không còn là một quá trình tuyến tính, dễ hiểu. Các tác giả không đơn giản hóa vấn đề tội lỗi và sự tha thứ, mà thay vào đó, họ khai thác sự phức tạp của tâm hồn, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, và cảm giác lạc lối của các nhân vật trong thế giới hiện đại. Chẳng hạn, trong tác phẩm "Cha và Con" của Cormac McCarthy (Nxb. Văn hóa Thông tin, 2008), sự cứu chuộc là quá trình sống phức tạp, đầy đau khổ nhưng vẫn tìm thấy hy vọng trong yêu thương và sự hy sinh. McCarthy vẽ lên một thế giới hậu tận thế tăm tối, nơi các nhân vật tiếp tục hành trình bất chấp mọi thử thách. Sự cứu chuộc trong câu chuyện này không mang tới một kết quả hoàn hảo, mà là hành trình tìm kiếm những giá trị nhân văn còn sót lại trong một thế giới đổ nát. Trong bối cảnh đó, người cha và con trai của ông kiên trì sống sót không chỉ vì sự cần thiết phải tồn tại mà vì tình yêu gia đình và lòng kiên cường. Dù thế giới xung quanh ngập tràn tội lỗi và tàn ác, người cha vẫn giữ vững niềm tin vào mối quan hệ với con trai, cố gắng bảo vệ sự trong sáng của đứa trẻ. Tình yêu và sự hy sinh của người cha chính là yếu tố cứu rỗi, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trong những hoàn cảnh tăm tối nhất.
Các thể loại văn xuôi hậu hiện đại như tiểu thuyết, truyện ngắn và tác phẩm phi hư cấu có vai trò quan trọng trong biểu đạt đức tin và sự cứu chuộc. Tiểu thuyết Công giáo hậu hiện đại, với các nhân vật đầy mâu thuẫn và hành trình nội tâm phức tạp, tạo ra những không vực tâm linh đa chiều, nơi sự cứu chuộc vừa là mục tiêu cuối cùng vừa là quá trình tìm kiếm gian nan, đầy thử thách. Thể loại truyện ngắn, với tính chất cô đọng và sâu sắc, cũng thường sử dụng các tình huống đối mặt với đức tin, khủng hoảng tinh thần và sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, thể hiện rõ sự giao thoa giữa tín ngưỡng và sự đổ vỡ các giá trị. Các tác phẩm phi hư cấu trong văn xuôi hậu hiện đại phản ánh đức tin trong xã hội đương đại, từ những cuộc đối thoại với niềm tin, sự nghi ngờ cho đến những tìm kiếm về sự cứu chuộc trong một thế giới mà sự tồn tại của Thiên Chúa đôi khi bị hoài nghi.
Con người trong thế giới hậu hiện đại phải đối diện với sự mất mát giá trị tinh thần và sự mông lung trong tìm kiếm ơn cứu chuộc. Tính chất đa chiều và hỗn mang của xã hội đương đại khiến cho sự tha thứ, sự tìm kiếm và khủng hoảng đức tin trở thành tâm điểm trong các tác phẩm văn học hậu hiện đại. Sự tha thứ không còn là hành động dễ dàng hay kết thúc rõ ràng, mà là một quá trình phức tạp, đôi khi mâu thuẫn, đan xen giữa từ bỏ và kiên định. Trong bối cảnh này, sự cứu chuộc là mục tiêu tôn giáo, cũng là một hành trình đầy gian nan, trong đó con người phải đối mặt với sự nghi ngờ, mất mát và những khó khăn tinh thần để tìm lại hy vọng và bình an.
Truyện "Huệ trong đêm " của nhà văn Cao Gia An, là một câu chuyện cảm động về tình yêu thương và lòng nhân ái. Truyện kể về một người phụ nữ đơn thân, tên Huệ, phải vật lộn với khó khăn cuộc sống và nỗi đau mất mát. Trong một đêm tăm tối, cô gặp gỡ một vị khách đặc biệt, người đã giúp cô nhận ra giá trị của đức tin và tình thương trong cuộc đời. Câu chuyện là thông điệp sâu sắc về hy vọng và cứu rỗi trong tình thương yêu của Thiên Chúa.
Tập truyện ngắn "Khó mà tìm được một người tốt" của Flannery O'Connor (Nxb. Hội Nhà Văn, 2019) là một tác phẩm xuất sắc khám phá những phức tạp về đạo đức, đức tin và tình trạng của con người hiện đại. Các tình tiết trong tác phẩm xoay quanh những nhân vật bình dị, nhưng phải đối mặt với những tình huống khắc nghiệt và tàn bạo. Cuốn sách không chỉ khắc họa sự đối đầu giữa tội lỗi và ân sủng, mà còn là một hành trình tìm kiếm cứu chuộc qua những khủng hoảng tinh thần, niềm tin và sự mất mát. O'Connor tài tình lột tả những yếu tố tôn giáo và huyền bí, nơi đức tin có thể bị thử thách đến tận cùng, dẫn dắt các nhân vật vào những khúc quanh quyết định của đời sống, khi họ phải đối diện với sự thật về bản chất và mối quan hệ giữa con người và Chúa.
II - Hành trình vượt thoát
Trong văn xuôi Công giáo hậu hiện đại, hành trình cứu chuộc được thể hiện qua các hành động cụ thể, là quá trình đấu tranh nội tâm phức tạp, nơi cái thiện và cái ác luôn đan xen, song hành. Các tác phẩm khai thác sâu sắc sự giác ngộ qua tội lỗi và tha thứ, phản ánh cách mà con người tìm thấy sự cứu rỗi trong những khoảnh khắc đen tối nhất. Thay vì mô tả ơn cứu chuộc như một kết quả tươi sáng và rõ ràng, văn học hậu hiện đại mô tả nó như một hành trình gian nan, nơi nhân vật phải đối mặt với bản chất tội lỗi và khổ đau để từ đó tinh thần được chuyển hóa. Các tác giả thường sử dụng những tình huống cực đoan, kịch tính, thậm chí là bạo lực để làm nổi bật cuộc chiến giữa sự cứu rỗi và hủy diệt.
Trong văn học hậu hiện đại, sự tha thứ không phải lúc nào cũng đến từ Thiên Chúa mà nó phản ánh một quá trình đối diện và chấp nhận tội lỗi. Sự cứu chuộc không phải là xóa bỏ hoàn toàn tội lỗi mà là một bước chuyển đổi trong nhận thức và cách đối diện với nó.
Các nhân vật trong văn xuôi Công giáo hậu hiện đại thường là những con người lạc lối, đầy mâu thuẫn nội tâm, và khát khao tìm kiếm sự cứu chuộc. Họ không phải những anh hùng hay thánh nhân hoàn hảo mà là những con người bình dị, đối diện với sự yếu đuối, sai lầm và tội lỗi. Những giằng xé tâm lý của họ là trọng tâm của tác phẩm, vì đây là nơi họ trải qua những thử thách tinh thần và tự nhận thức. Nhân vật có thể bắt đầu hành trình cứu rỗi từ những lỗi lầm, nhưng chính quá trình đối diện với tội lỗi, với đau khổ và sự tha thứ đã tạo cơ hội cho họ biến đổi và giác ngộ. Họ phải đối mặt với chính mình trong những tình huống khó khăn nhất và dần học được cách tha thứ cho bản thân và cho tha nhân.
Tác phẩm "Người Yêu Dấu" của Toni Morrison (Nxb. Văn học, 2007) là một ví dụ điển hình về việc đối diện với tội lỗi và sự tha thứ trong hoàn cảnh hậu hiện đại. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Sethe, một người mẹ nô lệ đã giết con gái mình để bảo vệ con khỏi kiếp nô lệ, dẫn đến sự xuất hiện của linh hồn ma quái – "Người yêu dấu" – luôn theo đuổi, ám ảnh gia đình bà. Sự cứu chuộc trong "Người Yêu Dấu" không đến từ sự tha thứ của Thiên Chúa mà từ việc đối diện và hòa giải với quá khứ. Nhân vật Sethe tìm kiếm sự cứu chuộc cho bản thân và cho những linh hồn vương vấn, bao gồm cả linh hồn của con gái bà đã chết. Tình yêu thương của Sethe dành cho các con là động lực, là cái giá phải trả cho sự giải thoát khỏi kiếp nô lệ. Qua hành trình đau khổ và hy sinh, các nhân vật trong tác phẩm tìm thấy sự cứu chuộc không hoàn hảo, là sự hòa giải với chính tội lỗi và quá khứ đau thương.
Tác phẩm "Vinh Quang và Quyền Năng" (Nxb. Sống Mới, 1972) của Graham Greene cũng thể hiện sâu sắc cuộc đấu tranh giữa tội lỗi và sự cứu chuộc qua hình tượng một linh mục đầy mâu thuẫn nội tâm. Dẫu mang trên mình tội lỗi, ông vẫn kiên định trong nghĩa vụ, tìm thấy sự cứu chuộc qua sự hy sinh và tình yêu thương, phản ánh quan niệm Công giáo về sự cứu rỗi: vừa là sự tha thứ từ Thiên Chúa, vừa là hành trình vượt qua yếu đuối, đấu tranh nội tâm để yêu thương và hy sinh vì tha nhân.
Văn xuôi Công giáo hậu hiện đại thường được đặt trong bối cảnh xã hội đầy bất ổn và sự xói mòn các giá trị đạo đức và tinh thần. Trong thế giới đương đại, các nguyên tắc đạo đức truyền thống đang dần mất đi, con người cảm thấy lạc lối và khó tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh tăm tối nhất vẫn có những tia hy vọng, sự chữa lành và cứu chuộc. Tác phẩm không chỉ phản ánh sự mất mát trong thế giới vật chất mà còn mở ra những chiều kích tâm linh, nơi con người có thể tìm thấy sự kết nối với Thiên Chúa và đồng loại. Các tác giả sử dụng các yếu tố tôn giáo, huyền bí và khoảnh khắc ân sủng để chỉ ra rằng, mặc dù xã hội có thể suy đồi, nhưng vẫn có những cơ hội để tìm lại sự chữa lành, bình an và cứu chuộc.
Văn xuôi Công giáo hậu hiện đại vừa khai thác sự cứu chuộc của cá nhân vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết cộng đồng. Mặc dù mỗi nhân vật luôn phải đối mặt với hành trình cứu rỗi của riêng mình, nhưng họ không tồn tại trong cô độc. Mối quan hệ giữa các cá nhân, đặc biệt là trong gia đình và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng. Các tác phẩm biểu đạt rằng sự cứu chuộc không chỉ là sự chuyển hóa cá nhân mà còn là sự hòa nhập và liên kết của các cá nhân trong một cộng đồng, một xã hội. Qua những tương tác này, những nhân vật có thể tìm thấy sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, tạo ra một không gian tâm linh nơi sự tha thứ và cứu rỗi được chia sẻ.
Sự cứu chuộc còn phản ánh những vấn đề sâu sắc và nổi bật của xã hội đương đại, như sự mất mát, kiếm tìm ý nghĩa trong cuộc sống, tội lỗi và sự tha thứ. Xã hội hiện đại đang đối mặt với nhiều khủng hoảng về giá trị đạo đức và tinh thần, khiến con người cảm thấy lạc lối và thiếu một điểm tựa vững chắc. Sự mất mát, một trong những chủ đề quan trọng trong văn học đương đại, đặc biệt là mất mát về tinh thần và nhân tính, thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm Công giáo hậu hiện đại. Trong bối cảnh đó, hành trình tìm kiếm sự cứu chuộc phản ánh nỗi khao khát khám phá ý nghĩa cuộc sống, vượt qua đau khổ và tội lỗi.
Trong một thế giới mà các giá trị truyền thống dần bị mai một và sự hoài nghi đức tin gia tăng, những câu chuyện về sự cứu rỗi cá nhân có thể giúp độc giả tìm thấy con đường trở lại với sự hy vọng và lòng tin. Sự tha thứ, trong các tác phẩm này, không chỉ đến từ Thiên Chúa mà còn là một quá trình nội tâm, nơi nhân vật phải đối diện với chính mình, vượt qua sự yếu đuối và tội lỗi để chấp nhận và yêu thương. Tình yêu thương và sự hy sinh là những yếu tố chủ yếu trong quá trình cứu chuộc, giúp con người vươn lên và tái sinh từ những đau thương, cho dù sự cứu chuộc đó không phải lúc nào cũng đem lại kết quả.
Văn học Công giáo Việt Nam có nhiều nhà văn với phong cách sáng tác độc đáo, tiêu biểu là Linh mục Nguyễn Trung Tây. Tác phẩm của ông kết hợp giữa tâm linh tôn giáo và góc nhìn hậu hiện đại, mang đậm dấu ấn của một tư duy chiêm nghiệm về đức tin, con người và cuộc sống, được trình bày bằng một lối viết gần gũi, đôi khi dí dỏm, phá cách... Tác phẩm của Nguyễn Trung Tây chắt lọc từ đời sống thực nơi tác giả đã trải qua, kết hợp với huyền thoại, giấc mơ, sự kỳ lạ, ngôn ngữ ẩn dụ, tạo nên một mảng văn chương đặc sắc. Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn nhận xét: "... có truyện hiện thực kết hợp với huyền thoại, với giấc mơ, với những sự kỳ lạ ("Thần cây đa", "Cơn mơ và giấc mộng", "Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh"). Có truyện viết bằng ngôn ngữ mộc của đời sống cộng đồng nhưng có truyện lại viết bằng ngôn ngữ ẩn dụ rất uyên thâm, khiến cho thông điệp chuyển tải trở nên sâu kín. Những truyện này tạo thành một mảng văn chương đặc sắc của Nguyễn Trung Tây ("Quán rượu nửa đêm", "Giấy bạc con công", "Thần cây đa", "Hành trình Văn lang", "Người máu lạnh", "Thanh hỏa trà", "Tôi hét lên"). Cũng có truyện pha trộn hiện tại với lịch sử, với tư tưởng triết học, với suy tư để chủ đề thăng hoa khỏi những bế tắc bi kịch của thực tại ("Tôi từ thiên đàng tới", "Hành trình Văn Lang", Giấy bạc con công...) ". Văn phong của Nguyễn Trung Tây phá vỡ khuôn mẫu truyền thống, kết hợp giữa thần học, tâm linh với cái nhìn đa chiều, phóng khoáng về đời sống, thường đặt các vấn đề tôn giáo trong bối cảnh đương đại, gắn với các giá trị phổ quát như tình yêu, sự tha thứ và khát vọng cứu rỗi.
Văn học Công giáo tác động sâu sắc đến độc giả trong việc tìm kiếm và nhận thức về ơn cứu độ. Các tác phẩm mở ra một cõi tâm linh, nơi con người có thể tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ với những giằng xé nội tâm của nhân vật. Độc giả có thể nhìn thấy mình trong các nhân vật đầy mâu thuẫn, tội lỗi và khát khao được cứu rỗi, từ đó nhận ra rằng sự cứu chuộc là một quá trình không ngừng nghỉ, mà trong đó mỗi bước đi, dù là sai lầm hay sự hy sinh, đều góp phần vào sự trưởng thành và giác ngộ.
Văn xuôi hậu hiện đại đặc biệt chú trọng đến việc phá vỡ cấu trúc kể chuyện truyền thống, nhằm làm nổi bật tính phức tạp và mâu thuẫn trong hành trình cứu chuộc. Những tác phẩm thuộc thể loại này thường kết thúc không có hậu, hoặc chủ đích không rõ ràng, thay vào đó, sự cứu chuộc được biểu đạt như một hành trình đầy gian nan, đòi hỏi con người đối mặt với những mảnh vỡ của đời sống. Sự cứu chuộc không phải một điểm đến cuối cùng mà là quá trình liên tục, trong đó mỗi nhân vật phải vật lộn với chính những yếu đuối, sai lầm và nỗi đau của bản thân để tiến gần hơn đến sự giác ngộ.
Tiểu thuyết "Cơ hội của Chúa" của Nguyễn Việt Hà (Nxb. Trẻ, 1999) là một ví dụ điển hình cho việc phá vỡ cấu trúc kể chuyện truyền thống trong văn xuôi Công giáo hậu hiện đại. Tác phẩm trình bày câu chuyện thông qua những mảnh ghép rời rạc như những trang nhật ký, vùng mờ ký ức và dòng suy tưởng đứt quãng; nó phản ánh sự bất an và mâu thuẫn trong xã hội. Nhân vật Hoàng, một trí thức trẻ đối mặt với khủng hoảng niềm tin và bất định trong cuộc sống, trở thành hình mẫu cho sự hoang mang của cả một thế hệ. Qua những mảnh vỡ ký ức, câu chuyện dần hé lộ một thực tại đầy mâu thuẫn, nơi cuộc sống không còn là chuỗi sự kiện liên tục mà dung hợp khoảng trống và những mảnh vỡ. Cấu trúc này không chỉ phản ánh sự hỗn loạn, bất ổn của hậu hiện đại mà còn là phép ẩn dụ cho hành trình cứu chuộc của nhân vật – không theo một đường thẳng, mà qua nhiều ngã rẽ, sự nghi ngờ, thử thách và đấu tranh nội tâm.
Cách tiếp cận của Nguyễn Việt Hà thách thức tư duy truyền thống về cấu trúc tiểu thuyết, mở ra góc nhìn mới về sự cứu chuộc trong văn học Công giáo hậu hiện đại. Từ cái nhìn phi tuyến tính, sự cứu chuộc trở thành một quá trình chưa có điểm dừng, trong đó đức tin, hy sinh và tình yêu thương không phải là những yếu tố dễ dàng đạt được, mà là nguồn sáng dẫn lối giữa mê cung của đời sống. Các nhân vật trong tác phẩm không tìm thấy sự cứu rỗi ngay lập tức mà phải trải qua những nỗi đau, sự đổ vỡ và những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với chính mình, đối diện và chấp nhận cả những vết thương không mau lành.
Như vậy, việc phá vỡ cấu trúc kể chuyện truyền thống trong văn xuôi Công giáo hậu hiện đại không chỉ là phương pháp nghệ thuật mà còn là cách để phản ánh một thực tế sinh động về sự cứu chuộc: đó là quá trình khó khăn và mâu thuẫn, ngổn ngang những đoạn đường gập ghềnh và không bao giờ có sự hoàn hảo tuyệt đối.
III - Hòa giải và tái sinh
Văn học Công giáo hậu hiện đại biểu đạt sự cứu chuộc như một hành trình tự nhận thức và đối diện với sự yếu đuối, những khiếm khuyết của bản thân. Sự cứu chuộc là tìm kiếm sự tha thứ, đồng thời là cuộc phản tỉnh sâu sắc về bản chất của tội lỗi và những ràng buộc xã hội. Các tác phẩm này mở ra một bối cảnh cho sự mâu thuẫn nội tâm, nơi nhân vật không tìm cách thoát khỏi tội lỗi bằng sự tha thứ dễ dàng, mà phải trải qua quá trình đối diện với những sai lầm, những khổ đau mà họ đã gây ra. Sự cứu chuộc ở đây là sự thấu hiểu và sự chấp nhận, dẫn đến trưởng thành và thay đổi từ bên trong. Các tác phẩm theo khuynh hướng này thường thách thức sự hiểu biết đơn giản về tội lỗi và sự cứu chuộc. Sự cứu chuộc không phải là sự giải thoát khỏi tất cả khổ đau và tội lỗi mà là một quá trình liên kết giữa cái tôi cá nhân với những giá trị tâm linh và nhân văn trong bối cảnh xã hội đầy biến động.
Tác giả Vinh Kiu (bút danh của Lê Ngọc Thành Vinh) chủ yếu viết về đức tin Công giáo qua ba cuốn sách đáng chú ý. Tiểu thuyết "Đóa Hồng Thứ 40" (Nxb. Hồng Đức, 2020) kể về nhân vật Thanh Hiền, một lao động xa xứ tại Nhật Bản, đối mặt với áp lực tài chính và những cạm bẫy đạo đức nơi đất khách. Dù bị đẩy vào những góc tối của đời sống, Thanh Hiền vẫn một lòng hướng về Chúa; Cô chứng minh rằng đức tin chính là con đường dẫn đến sự giải thoát và cứu chuộc. Tiểu thuyết "Hoa Trong Bão" (Nxb. Hồng Đức, 2022) là câu chuyện về Thảo Mai, một phụ nữ Công giáo trẻ vật lộn với cuộc sống hôn nhân đầy mâu thuẫn. Qua hình ảnh người phụ nữ bảo vệ gia đình và giữ gìn đức tin, tác phẩm nhấn mạnh giá trị của lòng chung thủy và sự quan phòng của Thiên Chúa. Truyện "Maria ngoại truyện" ("Truyện kể về Đức Mẹ Maria", Nxb. Hồng Đức, 2022) tái hiện cuộc đời Đức Mẹ Maria, hòa quyện giữa sự linh thánh và đời sống thế tục. Đức Mẹ trong truyện hiện ra như biểu tượng của sự vâng phục và lòng yêu thương vô bờ bến, truyền cảm hứng về đức tin kiên định và tinh thần hy sinh thầm lặng. Vinh Kiu có cách viết giản dị nhưng giàu biểu cảm, giúp người đọc cảm nhận được đức tin Công giáo, từ đó hiểu rõ ý nghĩa của sự cứu chuộc: nhờ đức tin và tình yêu Thiên Chúa, con người có thể vượt qua những yếu đuối, tìm thấy hy vọng và giữ vững lòng trung thành với những giá trị nhân văn cao cả.
Nhìn từ góc độ phê phán, sự cứu chuộc trong văn học Công giáo hậu hiện đại vừa là câu chuyện về một cá nhân tìm kiếm sự tha thứ từ Thiên Chúa vừa là sự tái tạo, làm mới lại các mối quan hệ giữa con người với nhau và với chính bản thân. Những nhân vật trong tác phẩm thường phải đương đầu với những điều kiện xã hội bất ổn, đối diện với sự đổ vỡ các giá trị truyền thống, và từ đó hình thành cách nhìn mới về sự cứu rỗi, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là một hành trình chưa có điểm dừng.
Có những tác phẩm không trực tiếp viết về tôn giáo, nhưng mang tinh thần của sự cứu chuộc. Tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (Nxb. Hội Nhà văn, 2023) của nhà văn Nguyễn Một đã vận dụng tư tưởng Hậu hiện đại để giải thiêng các "đại tự sự" về chiến tranh Việt Nam, phơi bày sự tàn khốc, đau đớn và những tác động sâu sắc của chiến tranh lên đời sống cá nhân và cộng đồng. Tôi ấn tượng sâu sắc với nhân vật Trang, một người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố đau thương. Cô trở thành gái nhảy tại quán bar Thiên Thai, sống trong môi trường đầy rẫy tội lỗi, rượu, ma túy và những mối quan hệ buông thả. Trang sống cùng Giôn Bay, một phi công Mỹ, và sinh cho anh một đứa con trai tên là Trần Văn Mỹ. Sau khi Giôn mất tích, Trang gửi đứa bé cho sơ Thục Hạnh dòng Mến Thánh Giá và quay lại cuộc sống tại quán bar... Những trải nghiệm khổ đau này đưa cô đến bờ vực tuyệt vọng, nhưng Trang tìm thấy ánh sáng của niềm tin, mở ra cơ hội cho sự thay đổi và sự hòa giải với chính mình. Hành trình tự cứu rỗi của Trang khắc họa sâu sắc quá trình vượt qua đau khổ và lầm lạc. Nhan đề cuốn sách mang ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt đối với những người Công giáo, khi "giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" theo sách Phúc Âm là thời điểm Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá . Đây là khoảng thời gian vô cùng đau đớn, nhưng cũng chứa đựng sự hy sinh và cứu rỗi của Chúa. Trong chuyện, "Tôn giáo không được miêu tả như là những thành tố văn hóa tâm linh (tín lý, Thần học, Kinh Thánh...), hoặc miêu tả để khích bác (như một vài tác phẩm trước đây), mà được trình bày như một thực tại xã hội có khả năng nâng đỡ những nỗi đau thương của con người trong chiến tranh, đem lại niềm tin yêu trong cơn tuyệt vọng và góp phần xây dựng, gìn giữ hòa bình. " (Bùi Công Thuấn).
Với sự kết hợp giữa lý tưởng tâm linh và tư tưởng nhân văn, văn học Công giáo không chỉ phản ánh những vấn đề đương đại mà còn biểu đạt Cái đẹp hoàn mỹ, vĩnh cửu dưới ánh sáng Thiên Chúa, tôn vinh những giá trị nhân văn cao cả. Đây là dòng chảy đặc biệt trong văn học Việt Nam, vừa góp phần xây dựng và duy trì những giá trị đạo đức, vừa trở thành cầu nối giữa con người hiện đại với những giá trị tinh thần vượt thời gian. Các tác giả Huy Chung (bút danh của Chung Thanh Huy), Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Hải Miên (bút danh của Phạm Minh Châu), Hạt Cát Sa Mạc (bút danh của Soeur Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung), Đinh Thị Thu Hằng... đã có những đóng góp đáng kể vào vào đời sống văn học. Viết về đức tin và hành trình cứu chuộc trong ánh sáng Thiên Chúa, mỗi tác giả mang đến một góc nhìn riêng biệt nhưng cùng hướng đến mục tiêu là truyền tải thông điệp về niềm tin, sự cứu rỗi và tình yêu của Thiên Chúa.
Thông qua hành trình đối diện với tội lỗi, tìm kiếm sự tha thứ và hòa giải, các tác phẩm văn học Công giáo khơi dậy ý thức tâm linh, khẳng định vẻ đẹp của lòng nhân ái, sự khoan dung và trách nhiệm; dẫn dắt độc giả đến sự tự vấn, phản chiếu ánh sáng Thiên Chúa như nguồn cội của sự thật và tình yêu, thúc đẩy lối sống hòa hợp giữa con người với cộng đồng, với tha nhân. Đồng thời, văn học Công giáo đối thoại sâu sắc với những thách thức đương đại như khủng hoảng môi trường, bất bình đẳng xã hội, hay sự suy giảm các giá trị nhân bản, qua đó gợi mở giải pháp dựa trên niềm tin, lòng trắc ẩn và tinh thần cứu chuộc. Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực tại, các tác phẩm còn đề cao khả năng phục hồi và tái sinh của con người, mang đến sự chữa lành trước những khủng hoảng tâm lý như cô đơn, trầm cảm, hay rối loạn tinh thần. Dưới ánh sáng Thiên Chúa, văn học Công giáo thắp lên niềm hy vọng và khát vọng hướng tới Cái đẹp vĩnh cửu.
Kết luận
Sự cứu chuộc trong văn học Công giáo hậu hiện đại là hành trình phức hợp, gắn liền với kiếm tìm sự tha thứ từ Thiên Chúa và đối diện với những mâu thuẫn, khổ đau, tội lỗi của con người. Nó phản ánh quá trình cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi các giá trị truyền thống bị thử thách, đạo đức bị thoái hóa, suy đồi. Sự cứu chuộc không chỉ là phương tiện chữa lành, mà còn nhắc nhở về mối quan hệ giữa con người và đức tin, khơi dậy niềm hy vọng và sự tái sinh.
Văn học Công giáo hậu hiện đại phản ánh các vấn đề đương đại thông qua hành trình tâm linh, khơi mở những suy tư sâu sắc về đức tin, tình yêu và lòng trắc ẩn. Dù mang tính thử nghiệm nghệ thuật hay hướng đến chiều sâu triết lý, các tác phẩm đều toát lên sức mạnh chữa lành và niềm hy vọng vào khả năng phục hồi của tâm hồn con người.
Vượt qua giới hạn tôn giáo, văn học Công giáo đóng góp vào việc xây dựng nền văn hóa nhân văn, nơi tình yêu thương, sự hy sinh và lòng trắc ẩn trở thành giá trị phổ quát. Nó tiếp tục khẳng định vai trò tinh thần, soi sáng những vấn đề cốt lõi của con người và xã hội, khuyến khích con người sống bác ái, chan hòa và tìm kiếm cuộc sống có ý nghĩa hơn.
(Do hạn chế nguồn tài liệu, bài viết này có thể chưa bao quát hết các tác phẩm của các nhà văn Công giáo Việt Nam, nên rất mong nhận được những ý kiến góp ý từ bạn đọc.)
【Hải Phòng, 17/12/2024, M.V.P】
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái Phan Vàng Anh (2010), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn hậu hiện đại, Văn nghệ quân đội (712), tr104;
2. Lê Huy Bắc (2013), Văn học hậu hiện đại, lí thuyết và tiếp nhận, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Phạm Văn Chung S.J (Luận văn tốt nghiệp dòng Tên, 2013), Giải cấu trúc hiện tượng luận Husserl" của Jacques Derrida, Học viện Thánh Guise;
4. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, NXB Khoa học xã hội.
5. Graham Greene (Tiểu thuyết, 1972), Vinh Quang và Quyền Năng, Nxb. Sống Mới;
6. Phương Lựu, (Nghiên cứu, 2011), Lý thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb. Đại học Sư Phạm Hà Nội,
7. Jean-Francois Lyotard (Chuyên luận, 2019), Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Nxb. Tri Thức,
8. Nguyễn Việt Hà (Tiểu thuyết, 2013), Cơ hội của Chúa, Nxb. Trẻ;
9. Nguyễn Việt Hà (Tiểu thuyết, 2013), Khải huyền muộn, Nxb. Trẻ;
10. Nguyễn Việt Hà (Tiểu thuyết, 2015), Ba ngôi của Người, Nxb. Trẻ;
11. Nguyễn Tham Thiện Kế (Tập du ký, 2017), Đợi chị về tưới rượu bến sông, Nxb. Hội Nhà Văn;
12. Nguyễn Tham Thiện Kế (Tập truyện ngắn, 2023), Một mùa hè dưới bóng cây, Nxb. Hội Nhà Văn;
13. Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Đặc trưng ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QG Hà Nội, Tập 4, Số 1 (2/2018);
14. Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Giọng điệu giãi bày trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy Ngoại ngữ, ngôn ngữ và Quốc tế học tại Việt Nam, NXB ĐH QG Hà Nội.
15. Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Biểu tượng trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện KHXHVN - Viện KHXH vùng Nam Bộ), Số 3 (235), (7/2018).
16. Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Xúc cảm thẩm mỹ trong thơ Công giáo Việt Nam, Tạp chí khoa học Trường ĐH Hồng Đức, Số 41 (10/2018).
17. Nguyễn Thị Kim Hồng (10/2018), "Sự phát triển của thơ Công giáo trong thơ ca Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế dành cho Học viên Cao học và Nghiên cứu sinh GRS 2018, Nxb. ĐH QG Hà Nội.
18. Nguyễn Thị Kim Hồng (2018), "Một số thể thơ trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại", Tạp chí khoa học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Số 4/2018 VN.
19. Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2019), "Dấu ấn tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn", Tạp chí khoa học Trường Đại học Vinh, Tập 48, Số 3/ 2019.
20. Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2022), Về nghiên cứu cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện Hàn lâm KHXHVN – Viện KHXH vùng Nam Bộ), số 4 (284), 2022;
21. Flannery O'Connor (Tập truyện ngắn, 2019), Khó mà tìm được một người tốt, Nxb. Hội Nhà Văn;
22. Toni Morrison (Tiểu thuyết, 2007), Người Yêu Dấu, Nxb. Văn học;
23. Nguyễn Một (Tiểu thuyết, 2023), Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Nxb. Hội Nhà văn;
24. Nguyễn Kiên Trường (Sách dịch, 2005), Từ điển Tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, Nxb. Tôn giáo.
25. Cormac McCarthy (Tiểu thuyết, 2008), Cha và Con, Nxb. Văn Hóa Thông Tin;
26. Carol Smith - Roddy Smith (Nghiên cứu, 2011), Lịch sử Thiên Chúa giáo, Nxb. Thời đại;
27. Гopbobeu Людmnлa Ocnnobha (Tpaktat, 2017), Noctmoдephnзm. Bзrлrд nзhytpn, Mockobckoe nздateлbctbo.