Khi nhắc tới thánh Phanxicô Assisi (1182-1226), người ta thường nghĩ ngay tới bài thánh ca quen gọi Kinh Hòa Bình [1]. Ở Việt Nam, dường như không có giáo xứ nào không hát bài này. Nhưng có lẽ ít người biết tới Bài Ca Anh Mặt Trời, một thi phẩm bất hủ mà thánh nhân đã để lại cho nhân loại suốt 800 năm qua. Đối với người Ý, đây là thi phẩm tôn giáo đầu tiên được viết bằng ngôn ngữ bản địa, là kiệt tác nổi tiếng nhất của thánh Phanxicô. Trong thời gian giúp hè ở một vài giáo xứ bên Ý, người viết cũng nhận thấy bài thánh ca này được hát thường xuyên trong các Thánh lễ nhưng không cảm thấy có gì hấp dẫn đặc biệt. Tuy nhiên, thi phẩm này đã truyền cảm hứng cho nhà soạn nhạc Hermann Suter, người Thụy Sĩ, chuyển thể cả thi phẩm thành bản giao hưởng hợp xướng bất hủ mang tên Những lời ngợi ca (Le laudi) [2]. Suter đã kết hợp giữa hợp xướng, hợp xướng thiếu nhi, nhạc giao hưởng và giọng độc tấu. Thú thực, khi nghe nhạc phẩm này, nhiều chỗ người viết cảm thấy 'nổi da gà'. Hy vọng trong Năm Thánh 2025, thi phẩm này sẽ được các nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc cho xứng tầm.
Bài ca anh mặt trời - thi phẩm truyền cảm hứng
Giáo hội Công giáo, cách riêng Dòng Phanxicô đang thực hiện chương trình kỷ niệm kéo dài bốn năm [3], trong đó có năm tôn vinh thi phẩm này:
- 2023, kỷ niệm Giáng Sinh đầu tiên tại Greccio: Chiều kích thần học (sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thụ tạo),
- 2024, kỷ niệm 800 năm thánh Phanxicô được in dấu thánh: Chiều kích nhân học (học cách sống trong sự kinh ngạc, khiêm nhường và biết ơn),
- 2025, kỷ niệm 800 năm Bài ca Anh Mặt Trời: Chiều kích Giáo hội học (với mục tiêu xây dựng tình huynh đệ phổ quát),
- 2026, kỷ niệm 800 năm ngày mất của thánh Phanxicô: Chiều kích xã hội học (với một lối sống mới: sinh thái toàn diện).
Trong lời giới thiệu của tạp chí Credere Oggi 4/2024, có đoạn:
"Đây là một hành trình không chỉ dành riêng cho dòng Phanxicô, mà còn dành cho tất cả mọi người, những ai tái khám phá lời đề nghị của Tin Mừng một cách căn bản trong cuộc sống đương đại. Tạp chí "Credere Oggi" xem xét lại bản văn và lịch sử "Bài ca của các thụ tạo" không chỉ trong bối cảnh trải nghiệm của thánh Phanxicô Assisi, mà còn trong toàn bộ quan điểm văn hóa Kitô giáo, nhằm hỗ trợ công cuộc cải cách Giáo hội mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thực hiện trong triều đại của ngài (Laudato si', Fratelli tutti, Evangelii gaudium, v.v.). Tác phẩm mang trong mình sức mạnh của một văn bản có khả năng truyền cảm hứng ngay cả trong những bối cảnh mới mẻ của thời đại hôm nay".
Thật vậy, trong Tông sắc Spes non confundit [4], Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh 2025 với khẩu hiệu:"Những người hành hương của hy vọng" (Peregrinantes in Spem) cũng đã nhắc đến thánh Phanxicô như một vị truyền cảm hứng. Năm Thánh thường lệ này sẽ chính thức được khai mạc vào đêm Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 2024 tại đền thờ thánh Phêrô. Đức Phanxicô viết:
"Trong thời đại Internet, khi không gian và thời gian dường như bị thay thế bởi dòng thời gian "ở đây và bây giờ", lòng kiên nhẫn dường như không còn chỗ đứng. Nếu chúng ta vẫn còn khả năng nhìn ngắm các thụ tạo với lòng kinh ngạc, chúng ta sẽ hiểu được lòng kiên nhẫn quan trọng tới mức nào. Kiên nhẫn chờ đợi các mùa thay đổi với những hoa trái khác nhau; quan sát đời sống động vật với các chu kỳ phát triển đa dạng; và có đôi mắt đơn sơ như Thánh Phanxicô, cảm nhận các thụ tạo như một đại gia đình trong Bài ca thụ tạo được viết cách đây đúng 800 năm, nơi ngài gọi mặt trời là "anh" và mặt trăng là "chị".[5]
Ca Khúc được Thánh Phanxicô sáng tác để ca ngợi Thiên Chúa, đã 800 năm trôi qua, nhưng âm hưởng ấy vẫn còn vang dội nhẹ nhàng mà sâu lắng, đơn sơ mà đầy sức cuốn hút cho thế giới hôm nay. Những tiếng vang vọng này không chỉ đến từ một văn bản hay là từ dàn hợp xướng giao hưởng mà còn từ chính cuộc đời Phanxicô hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa và con người, không ngừng cất lên những lời ca ngợi Thiên Chúa ngay trong những giờ phút đối diện với đau khổ (mang trên mình năm dấu thánh rỉ máu) và thậm chí cả cái chết.
Thánh Phanxicô đã không ngừng truyền cảm hứng cho mọi người, không chỉ với các anh em Dòng Phanxicô, là những người bước theo sát dấu chân vị tổ phụ, mà còn cho biết bao tâm hồn trong Giáo hội, thậm chí nhiều tín đồ tôn khác tôn giáo. Một tấm gương điển hình không thể bỏ qua chính là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn là tu sĩ Dòng Tên, nhưng khi đắc cử Giáo Hoàng vào năm 2013, ngài đã chọn tước hiệu Phanxicô. Khi ấy, nhiều người dự đoán vị Tân Giáo hoàng người Argentina đã chọn thánh Phanxicô Xaviê, vốn là một gương mặt xuất chúng của Dòng Tên. Tuy nhiên, ngài đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng qua lời giải thích:
"Trong cuộc bầu Giáo Hoàng, tôi ngồi bên cạnh Đức Hồng Y Claudio Hummes, nguyên Tổng giám mục San Paolô, một người bạn rất thân với tôi, khi tình huống trở nên "nguy hiểm", ngài an ủi tôi, không sao đâu! Nhưng khi số phiếu bầu đã lên đến hai phần ba, mọi người vỗ tay vì đã bầu được Giáo hoàng. Ngài ôm hôn tôi và nói: "Đừng quên người nghèo". Lời này đi vào sâu thẳm trái tim tôi: người nghèo, người nghèo. Liên hệ đến người nghèo, gần như ngay lập tức tôi nghĩ về Thánh Phanxicô Assisi!"[6]
Có vẻ như việc chọn tước hiệu này đến như một chuyện được gợi hứng cách tình cờ. Tuy nhiên, thời gian trôi qua người ta cũng dần nhận thấy phong cách Đức Phanxicô không hề thay đổi, nhưng ngài đã làm cho cả Giáo triều đổi thay và đang từng bước canh tân Giáo hội chính là nhờ niềm cảm hứng thiêng liêng theo thánh Phanxicô.
Trong thông điệp Laudato sì, Đức Phanxicô tái khẳng định niềm cảm hứng từ thánh nhân:
"Tôi đã lấy tên của ngài làm danh hiệu truyền cảm hứng vào thời điểm tôi được bầu làm Giám mục Rôma. Tôi tin rằng thánh Phanxicô là mẫu gương xuất sắc về việc chăm sóc những gì là yếu đuối và về một hệ sinh thái toàn diện, sống trọn vẹn đầy niềm vui chân thực. Ngài là vị thánh bảo trợ của tất cả những người nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực sinh thái, được cả nhiều người không phải là Kitô hữu yêu mến. Ngài tỏ ra đặc biệt chú ý tới công trình sáng tạo của Thiên Chúa cũng như tới những người nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất. Ngài yêu và được yêu nhờ niềm vui, lòng dâng hiến quảng đại và trái tim phổ quát của ngài. Ngài là một nhà thần bí, một người hành hương, sống đơn giản, hòa hợp tuyệt vời với Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính mình. Nơi ngài, chúng ta có thể thấy mối quan tâm đối với thiên nhiên, công lý đối với người nghèo, sự dấn thân cho xã hội và an bình nội tâm không thể tách rời nhau." [7]
Sau Thông điệp Laudato si', vốn được truyền cảm hứng từ Bài Ca Anh Mặt Trời, nhiều người ngỡ tưởng nói về thánh Phanxicô như thế là đủ rồi, nhưng năm 2020, một lần nữa Đức Phanxicô lại khiến thế giới ngạc nhiên với Thông điệp Fratelli Tutti. Ngài thừa nhận:
"Chính vị thánh của tình huynh đệ, của sự giản dị và niềm vui này, đã từng truyền cảm hứng để tôi viết Thông điệp Laudato Sì, nay lại thúc đẩy tôi viết tiếp Thông điệp mới này, về chủ đề tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Thật vậy, thánh Phanxicô không những cảm thấy mình là anh em với mặt trời, biển khơi và các ngọn gió mà còn biết nối kết hơn nữa với những gì đã làm nên thân xác mình. Ngài đã gieo vãi niềm bình an ở khắp nơi, đồng thời sống cận kề những người nghèo khó, những người bị bỏ rơi, những người bệnh, những người sống bên lề xã hội, những người rốt hết." [8]
Cũng theo tạp chí Credere Oggi, thánh Phanxicô đã và đang là điều gì đó lớn hơn, gần như trở thành một "tài sản chung của nhân loại": một trong những nhân vật được yêu mến đến mức trở thành điểm tham chiếu cả với những người không thuộc truyền thống Công giáo. Ngài được tiếp nhận từ các nhóm Tin Lành, chẳng hạn như Paul Sabatier (1858-1928), một nhà cải cách đã viết Cuộc đời Thánh Phanxicô thành Assisi, góp phần vào sự quan tâm mới mẻ đối với vị thánh này trong thế kỷ 20. Ngài cũng được tiếp nhận từ Giáo hội Chính thống Nga, vốn nhận ra những điểm tương đồng với các nhân vật như Thánh Seraphim xứ Sarov (1754-1833) hoặc truyền thống "những kẻ điên vì Đức Kitô" (fools for Christ): một loại tâm linh vượt qua mọi biên giới, đến mức thay đổi cả mối quan hệ với các loài thọ tạo khác.
Nước Ý cũng có nhiều hoạt động để tôn vinh thi phẩm bất hủ này, chẳng hạn cuộc hội thảo do Đại sứ quán Ý cạnh tòa Thánh tổ chức, diễn ra ngày 15 tháng 10 tại Palazzo Borromeo với sự tham gia của các diễn giả: Hồng y Gianfranco Ravasi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Giáo sư Roberto Antonelli, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Lincei và Giáo sư Davide Rondoni, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tổ chức lễ kỷ niệm vào năm 2026 nhân dịp 800 năm ngày mất của Thánh Phanxicô thành Assisi.
Đôi điều giới thiệu sơ khởi trên đây cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của thi phẩm Bài Ca Anh Mặt Trời. Đó thực sự là một thi phẩm truyền cảm hứng bất hủ suốt 800 năm qua. Nhưng thi phẩm được ra đời trong hoàn cảnh nào, có nội dung gì đặc biệt mà truyền cảm hứng cho vị Giáo hoàng Phanxicô viết các thông điệp nặng ký như Laudato sì, Fratelli tutti? Đâu là cấu trúc tác phẩm? Đâu là ý nghĩa vượt thời gian khiến cho tác phẩm được tôn vinh như thế? Thi phẩm 800 năm, xưa quá rồi, có còn ích gì cho con người thời đại 4.0 hôm nay chăng?! Và còn muôn vàn những câu hỏi như thế.
Trong bài viết nhỏ này, người viết không có tham vọng giải đáp các câu hỏi, sau đây xin giới thiệu bản dịch Bài Ca Anh Mặt Trời, để bạn đọc có thể tiếp xúc trực tiếp với bản văn.
Bản dịch thi phẩm Bài Ca Anh Mặt Trời
Trong phần này, trước tiên người dịch giới thiệu bản văn gốc tiếng Ý [9], kèm theo bản dịch Việt ngữ sát từng chữ theo kiểu 'word by word', lần lượt theo từng câu trong bản văn gốc. Liền sau từng khổ thơ được giải nghĩa là bản dệt từng khổ thơ, theo từng khổ thơ tương ứng bản gốc.
(Cantico delle creature: Bài ca của muôn thụ tạo)
1
Altissimu,/ onnipotente,/ bon/ Signore,
Tối cao,/ toàn năng,/ tốt lành/ Chúa,
tue/ so'/ le laude,/ la gloria/ e/ l'honore/ et/onne/ benedizione.
của Ngài/ là/ những lời ca ngợi,/ vinh quang/ và/ danh dự/ và/ mọi/ lời chúc tụng.
Ad/ Te/ solo/, Altissimo,/ se konfane,
tới/Ngài/ chỉ/, Đấng tối cao,/ mới xứng đáng,
e /nullu/ homo/ ène/ dignu/ te mentovare.
và/ không/ người nào/ thì/ xứng đáng/ gọi tên Ngài.
Lạy Chúa tốt lành, toàn năng, cao cả [10]
xứng muôn lời ca, danh dự với vinh quang
tất cả thuộc riêng Ngài, lạy Đấng cực cao sang
không ai xứng kêu danh Ngài, lạy Chúa.
2
Laudato sie,/ mi'/Signore,/ cum/ tutte/ le tue creature,
Chúc tụng Ngài, Chúa của con,/ cùng với/ tất cả/ các thụ tạo của Ngài,
spezialmente/ messor/ lo frate/ Sole,
đặc biệt/ ông chủ/ anh/ Mặt Trời,
lo qual/ è/ iorno/ et/ allumini/ noi/ per lui.
Ông anh ấy/ là/ ngày/ và/ [Ngài] chiếu sáng/ chúng con/ qua anh ấy.
Et/ ellu/ è/ bellu/ e/ radiante/ cum/ grande/ splendore:
Và/ anh thì/ đẹp/ và/ rạng ngời/ cùng với/ lớn lao/ vẻ huy hoàng:
de te,/ Altissimo,/ porta/ significazione.
về Ngài/Đấng tối cao,/ [anh ấy] mang/ ý nghĩa.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, với muôn loài thụ tạo
đặc biệt ông anh Mặt trời là ngày sáng chiếu soi
Anh đẹp huy hoàng, vĩ đại, rạng ngời
phản chiếu Ngài, Đấng Tối Cao tuyệt mỹ.
3
Laudato si',/ mi' Signore,/ per/ sora/ Luna/ e/ le stelle:
Chúc tụng Ngài/Chúa của con,/ qua,vì/ chị/ Trăng/ và/ những ngôi sao:
in/ celu/ l'ài/ formate/ clarite/ e/ preziose/ e/ belle.
Trong/ các tầng trời/ Ngài đã/ thiết lập/ sáng láng/ và/ quý giá/ và/ đẹp/.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, qua [11] chị Trăng diễm lệ
cùng muôn vì tinh tú rạng soi
Ngài tạo tác treo trên các vòm trời
bài trí đẹp lung linh cao quý.
4
Laudato si',/ mi' Signore,/ per/ frate/ Vento
Chúc tụng Ngài,/Chúa của con,/ qua,vì /anh/ Gió
e/ per/ aere/ e / nubilo/ e/ sereno/ et/ onne/ tempo,
Và/qua,vì/ không khí/ và/ mây/ và /[trời] thanh bình/ và / mọi/ mùa-thời tiết,
per/ lo quale/ a le tue creature/ dài/ sustentamento.
Qua, vì/đó/ cho các tụ tạo của Ngài/ Ngài nuôi dưỡng.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, qua anh Gió,
với Mây trời, bầu Khí Quyển thanh quang
Ngài cho thời tiết thay đổi nhịp nhàng
cho muôn loài nguồn dưỡng nuôi sinh nở.
5
Laudato si',/ mi' Signore,/ per/ sor'/Acqua,
Chúc tụng Ngài,/Chúa của con,/ qua, vì/chị/Nước
la quale è multo utile et humile e preziosa e casta.
Chị ấy/ thì/ rất/ hữu ích/ và/ khiêm nhường/ và quý giá/ và/ thanh khiết.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, qua chị Nước
Rất khiêm nhường, rất hữu ích làm sao;
Rất mực thanh khiết, trong sáng dường nào
Thật duyên dáng và vô cùng quý giá.
6
Laudato si', mi' Signore, per frate Focu,
Chúc tụng Ngài,/Chúa của con/ qua,vì/ anh/ Lửa,
per lo quale ennallumini la notte:
qua,vì/ anh ấy/[Ngài] chiếu sáng/ đêm:
et ello è bello e iocundo e robustoso e forte.
Và/ anh ấy/ thì/ đẹp/ và/ vui tươi/ và / kiên cường/ và/ mạnh mẽ.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, qua anh Lửa
đến chiếu soi trong tăm tối đêm trường
anh vừa tuấn tú lại càng thêm vui vẻ,
vừa mạnh mẽ lại vừa rất kiên cường.
7
Laudato si',/ mi' Signore,/ per/ sora/ nostra matre Terra,
Chúc tụng Ngài,/Chúa của con,/ vì,qua/ chị/ mẹ trái đất của chúng con
la quale/ ne sustenta/ e / governa,
Chị ấy/ nâng đỡ/ và/ cai trị,
e/ produce/ diversi frutti/ con/ coloriti flori/ et/ herba.
Và/ sản sinh/ những hoa trái đa dạng/ với/ những bông hoa màu sắc/ và/ thảo mộc.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, qua người chị, Mẹ Trái Đất
hằng nâng đỡ và chăm sóc chúng con
sản sinh ra muôn vàn hoa trái
cùng muôn loài thảo mộc đẹp tươi.
8
Laudato si',/ mi' Signore,/ per/ quelli ke perdonano/ per/ lo tuo amore
Chúc tụng Ngài,/Chúa của con,/ vì, qua/ những người tha thứ/ nhờ/ tình yêu của Ngài
e/ sostengo/ infirmitate/ e/ tribulazione.
và/ chịu đựng/ bệnh tật/ và / đau khổ.
Beati/ quelli/ ke 'l sosterrano/ in pace,
Phúc thay/ những ai/ chịu đựng/ trong bình an,
ka da te,/ Altissimo,/ sirano/ incoronati.
từ bởi Ngài,/ Đấng Tối Cao,/ sẽ được/ trao vương miện.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, nhờ Tình Ngài
bao người biết yêu thương tha thứ;
bao người biết chịu hi sinh gian khổ.
Phúc thay ai đón nhận trong an bình
sẽ được Ngài trao triều thiên bất diệt.
9
Laudato si',/ mi' Signore,/ per/ sora/ nostra Morte corporale,
Chúc tụng Ngài,/Chúa của con,/ vì, qua/ chị/ Chết thân xác của chúng con,
da la quale/ nullu/ homo/ vivente/ po'/ skappare:
Từ chị ấy,/ không/ người nào/ sống/ có thể / trốn thoát:
guai/ a quelli/ ke morrano/ ne le peccata/ mortali;
Khốn thay/ những ai/ chết/ trong tội chết [tội trọng];
beati/ quelli/ ke trovarà/ ne le/ tue santissime voluntati,
Phúc thay/ những ai/ đặt mình/trong thánh ý của Ngài
ka/ la morte/ secunda/ no 'l/ farrà/ male.
Rằng/ cái chết/ thứ hai/ không/ làm hại/ được họ.
Chúc tụng Ngài, lạy Chúa tôi, qua chị Chết
Trong thân phận phù du chúng con đây
Chị không để ai vuột khỏi bàn tay
Tội nghiệp thay người chết trong tội chết![12]
Phúc thay ai vâng Ý Ngài hết sức
Không lo gì cái chết thứ hai .[13]
10
Laudate/ e/ benedicete/ mi' Signore/ e/ rengraziate
Hãy ngợi khen/ và/ chúc tụng/Chúa của con/ và/ hãy cảm tạ
e/ serviateli/ cum/ grande/ humilitate.
Và/ hãy phục vụ Ngài/ với/ lòng khiêm nhường lớn lao.
Hãy ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa,
Hãy tạ ơn, khiêm cung phục vụ Ngài.
Có thể, khi đọc xong bản dịch 'thi phẩm bất hủ' này, quý độc giả vẫn chưa thấy 'bất hủ', chưa cảm thấy được truyền cảm hứng hay điều gì đó đặc biệt. Có thể do bản dịch chưa đạt chất lượng tương xứng, hoặc còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Xin các bậc thức giả thêm lời chỉ giáo và ước mong thi phẩm này có thể khơi lên một chút hy vọng để bước vào Năm Thánh của Hy Vọng 2025.
【Đình Chẩn, Phát Diệm, Chúa nhật III Mùa Vọng 2024】
[1] Theo truyền thống, Kinh Hòa Bình được gán cho thánh Phanxicô vì từng lời như phản chiếu con người thánh nhân. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng không có bằng chứng chắc chắn khẳng định điều này.
[2] Người viết hy vọng sẽ viết bài giới thiệu riêng về bản nhạc này. Bạn đọc có thể nghe tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=95MauzyvjNQ&list=PLJVIvctj31u-j90T8VLdlAImlA3y2TYy1
[3] Credere Oggi, Il Cantico delle creature 800 anni dopo, Edizioni Messagero Padova, 4/2024, n. 262.
[4] Tông sắc Spes non confudit, "Hy vọng không làm thất vọng (Rm 5,5)", được ban hành ngày 09 tháng 05 năm 2024.
[5] Tông sắc Spes non confudit, Đình Chẩn chuyển ngữ từ bản tiếng Ý.
[6] https://dongten.net/duc-thanh-cha-giai-thich-ly-do-ngai-chon-danh-hieu-phanxico
[7] Thông Điệp, Laudato Sì, số 10.
[8] Thông điệp, Fratelli Tutti, số 2.
[9] Trích từ tạp chí: Credere Oggi, Il Cantico delle creature 800 anni dopo, Edizioni Messagero Padova, 4/2024.
[10] Để thuần Việt, bản dệt thơ phải đảo trật tự ngược lại so với bản gốc. Danh từ "Chúa" ở cuối câu phải được đặt lên đầu câu. Phẩm tính "tốt lành" xếp thứ ba trong bản gốc, nhưng là tính từ đi liền với danh từ "Chúa", do vậy, "tốt lành" cũng phải được xếp liền ngay sau chủ ngữ.
[11] Giới từ "per" được dùng tới 11 lần, có thể hiểu là "vì", "nhờ bởi" hoặc "thông qua".
[12] Ở đây người dịch cố ý giữ nguyên bản gốc từ "tội chết", có nghĩa là tội trọng. Lặp từ chơi chữ "chết trong chết".
[13] Theo Kinh Thánh, cái chết thứ nhất là chết về thể xác, cái chết thứ hai về linh hồn khi chịu phán xét chung thẩm.