thang-11-viet-cho-nguoi-tac-gia-gioan
Tôi viết cho người, người đã in hằn dấu chân của mình trong cuộc sống lữ hành này nhưng nay đã an nghỉ trong vùng đất của sự bình lặng. Trái tim của người đã ngừng đập, hơi thở đã ngừng tắt và mọi chi thể không còn cử động. Người đã nằm xuống nơi chính người được sinh ra và tạo thành, dù muốn hay không nhưng đó là điểm hẹn mà ai cũng phải đến. Tôi viết cho người là cũng đang viết cho chính tôi, bởi một ngày nào đó tôi cũng sẽ khuất bóng nơi cõi tạm này như người, để về với Đấng mà chúng ta hằng mong ước...
Tháng 11, tháng cận kề cuối năm để khép lại dòng chảy của thời gian trong suốt một năm qua. Thời gian vẫn vậy, cứ âm thầm chảy mãi như dòng sông từ thượng đến hạ nguồn. Tháng 11, cũng làm cho con người suy ngẫm về cõi nhân sinh, như những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, tuy nhẹ nhàng bình thản nhưng chất chứa bao nhiêu nỗi buồn sầu ưu tư. Cách riêng, trong đạo Công giáo, tháng 11 Giáo hội dành riêng để người Kitô hữu kính nhớ, cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn ân thân nhân đã qua đời. Đó cũng là cách con người bày tỏ mối dây hiệp thông với những người đã khuất, để nhờ tình thương của Thiên Chúa đón nhận các ngài vào hưởng hạnh phúc trên Thiên Đường.
Tản sáng, khi mặt trời còn ẩn mình dưới những đám mây mù mịt thì những cơn mưa rả rích, kèm theo những cơn gió nhè nhẹ khẽ qua những tán lá, phả nhẹ vào làn da mỗi người. Lạnh, một cảm giác làm cho con người co mình trước tiết trời se lạnh của cuối thu. Trên cây cao, số phận những chiếc lá vàng thật mong manh trước những cơn gió đang muốn cuốn đi sự sống của nó. Một, hai và thậm chí liên lỉ những cơn gió mạnh làm cho chiếc lá không còn vững vàng khi còn xanh tươi. Cuối cùng, chiếc lá không thể lội ngược dòng với quy luật thời gian. Nó đã rơi, một cái rơi nhẹ nhàng, bình yên nhưng cũng chua xót cho một một thời xanh ngắn ngủi. Biết làm sao đây để trốn chạy với thời gian, trốn chạy đi quy luật nhân sinh, lá rụng về cội.
Chiều về, âm thanh yên bình của đồng quê kèm theo mùi hương của những thớ đất của người nông dân làm cho ta càng lưu luyến giây phút này biết bao. Bước đi trên đường gặp bao nhiêu người quen thân thuộc, này anh chị, cô dì, chú bác và cả những người chưa quen biết, nhưng tất cả đều nở nụ cười tươi để chào nhau. Bỗng, những tiếng chuông chiều ngân vang nơi giáo đường, chầm chậm đến hối hả, báo tin một người trong làng quê đã mãi mãi khuất bóng nơi trần gian. Tiếng chuông làm ta hồi tỉnh, kéo ghì ta về với thực tại của nhân sinh. Một người anh, người chị của chúng ta đã chết, người đã chết!
Ôi kiếp người thật mong manh và mỏng dòn, như chiếc lá vàng trên cây. Mới đây còn cười, còn nói nay đã lặng im trong chiếc khung gỗ nhỏ; mới đây con chân con bước đi tay đã làm việc nay lại nằm bất động; mới đây nhìn, còn thấy, còn gọi mà nay đã mãi mãi khuất bóng nơi cõi tạm trần gian. Dù chẳng ai muốn, nhưng cái chết của người mang đến bao nhiêu đau thương mất mát cho những người còn sống. Từ nay, không còn hình bóng thân thương của người nữa, chẳng còn những cử chỉ ân cần hay những lời động viên khích lệ nhau. Người đã nằm xuống, trong lòng đất chính người được sinh ra. Phải chăng, con người là hạt bụi, là nấm đất như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi"?
Người đã sống. Cũng như bao nhiêu người đang sống, người đã sống một cuộc đời trong phận vụ của mình một cách tốt lành. Có thể, người là một người cha nhân hậu, một người mẹ tần tảo, một người anh, người chị dễ mến hay những người hàng xóm, người xa lạ tốt lành. Trong bậc sống của người, có lẽ người luôn cố gắng chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình cách tốt nhất. Song, con người là một hữu thể sống, vì sống nên con người mang trong mình những yếu đuối, bất toàn và nghiêng chiều về sự dữ. Vì thế, ắt người cũng không tránh khỏi những sai lầm, tội lỗi và thiếu sót trong bậc sống của mình. Nhưng đó cũng là khía cạnh để biểu lộ bản tính của con người và cũng là cánh cửa nếu người biết mở ra để đón nhận ân sủng tình yêu của Thiên Chúa đi vào. Chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa, người can đảm bước đi trong sự yếu đuối của con người và để khi kết thúc hành trình sống, người cũng can đảm thốt lên: " Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin" (2 Tm 4, 7).
Người đã chết. Ngẫm! Mới đây thôi, người còn ngồi ăn, ngồi uống, ngồi nói chuyện vui vẻ nay lại khuất bóng đi xa; mới hôm qua, người còn chia sẻ với tôi những lý tưởng sống, những hoài bão tương lai mà bây giờ đôi mắt đã nhắm lại, giọng nói đã lịm tắt và trái tim đã ngừng đập. Tất cả còn lại cái tên và di ảnh nhỏ được khắc ghi trên bia đá, đặt lên trên nấm mộ nhỏ giữa mảnh đất dành cho bao người chết. Người đã chết, ôi! sự sống của con người thật mong manh. Mong manh đến nỗi chỉ cơn gió thoảng qua cũng đã lấy đi sự sống của biết bao người. Lời Thánh vịnh (103, 13-14) cũng đã diễn tả sự sống con người rằng: "Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình".
Chết mẫu số chung của tất cả con người. Dẫu biết sự chết là một quy luật tất yếu, song nhắc đến chết, con người luôn cảm thấy rùng mình, sợ hãi và thậm chí né tránh. Thực tế trong đời sống, cái chết không phân biệt loại trừ bất cứ ai, từ người giàu đến người nghèo, khoẻ mạnh đến đau yếu, trẻ đến già, nam đến nữ..., cái chết luôn bình đẳng với tất cả mọi người. Vì thế, người ta thường nói: " "Trên đời này không có cái gì là chắc chắn cả ngoại trừ cái chết", bởi có sinh ắt có tử. Thánh Vịnh 49 cũng nói đến sự chết như sau: " Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp" (x. Tv 49, 12). Điều đó, dường như minh chứng cho tôi thấy được cái chết luôn hiện hữu trong đời sống của con người, và con người chỉ biết rằng mình sẽ chết nhưng không biết ngày giờ nào.
Người đang hy vọng. Dưới lăng kính Đức tin Kitô giáo, cuộc sống người Kitô hữu không xem cái chết là điểm kết thúc nhưng là khởi điểm, hay là cánh cửa để con người bước vào đời sống mới trong Thiên Chúa. Bởi trên cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã dùng cái chết của mình để chiến thắng mọi hình thức của đau khổ, tội lỗi và cái chết, qua đó hoà giải con người tội lỗi với Thiên Chúa thánh thiện: "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành"(1 Pr 2,21-24). Hơn nữa, sự Phục Sinh của Đức Kitô mở ra cánh cửa hy vọng cho con người, rằng chính con người cũng sẽ được sống lại và chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Vì thế, tuy người đã chết nhưng người đang hy vọng, hy vọng vào tình yêu, tình thương của Thiên Chúa để được sống lại trong Đức Kitô.
Tôi biết một ngày nào đó, tôi cũng như người, sẽ khuất bóng nơi cõi tạm trần gian để về với Đấng và chúng ta hy vọng. Vì thế, tôi viết cho người là đang viết cho chính tôi. Viết cho chính tôi để tôi cảm nghiệm được nơi người thân phận yếu đuối, mỏng dòn và phải chết của cõi nhân sinh, để tôi ý thức hơn về sự sống, sự hiện diện của tôi trong đời sống thực tại. Hơn nữa, tôi viết cho người là dịp để nhắc nhớ tôi luôn nhớ và cầu nguyện cho người, để cậy nhờ tình thương của Thiên Chúa đón nhận người vào Quê Trời vĩnh cửu.
Xin đừng quên người nhưng hãy cầu nguyện cho người, đừng bắt người phải chết một lần nữa!
【Gioan】