Lỗi hẹn trong “Và em, lễ khấn dòng” - Tác giả: Minh Hải

Lan Mary
"Và em, lễ khấn dòng" là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Ðình Bảng, sau các tác phẩm gồm sách giảng văn, giáo trình sách giáo khoa, thơ, văn, ký..., xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Tập thơ đong đầy những xúc cảm yêu thương, bằng chất liệu ngôn từ đậm chất "nhà đạo", là kết quả của nhiều rung cảm, hoài nhớ không có tuổi... NGUỒN:

"Và em, lễ khấn dòng" là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau các tác phẩm gồm sách giảng văn, giáo trình sách giáo khoa, thơ, văn, ký..., xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Tập thơ đong đầy những xúc cảm yêu thương, bằng chất liệu ngôn từ đậm chất "nhà đạo", là kết quả của nhiều rung cảm, hoài nhớ không có tuổi...

Đầu tập thơ, ở lời giới thiệu, nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc đưa ra một nhận xét dường như khái quát được vẻ đẹp hồn thơ Lê Đình Bảng: "Cái đẹp lạ lùng của tập thơ là ở chỗ nó đi thong dong giữa hai bờ, hai cõi. Cõi trần, cõi bụi và cõi đạo, cõi bát ngát hương hoa... Thơ Lê Đình Bảng phản ánh cái "chập chờn" nửa đời, nửa đạo. Cái nửa bụi, nửa trong...". Xin bổ sung thêm: có một điểm rất rõ ở tập thơ chính là tình yêu luôn hiển hiện gần như toàn bộ 63 bài thơ ngắn, dài.

Như nhiều tác phẩm trước đó, màu sắc tình yêu trong thơ Lê Đình Bảng trải trong không gian của đạo. Cái trong ngần, thanh khiết; cái buồn man mác, ngóng trông vời vợi, nằm ở sự hiểu mình và em là hai đường song song, nhưng không tuyệt vọng, bi lụy, mà chỉ là thoáng cảm giác như mình lỗi hẹn... Nhân vật "Em" để hướng dòng cảm xúc, niềm thương của nhà thơ không là một ai cụ thể, nên có thể hiểu, trong nét chân dung khó xác định, khó định vị, "Em" là cái đẹp mà cả đời tâm hồn người thi sĩ ấp ủ. Màu sắc nhà đạo ẩn hiện qua rất nhiều hình ảnh, ngôn ngữ thân quen: Lễ khấn dòng, lễ mở tay, học đạo, kinh nguyện, dâng hiến, giáo đường... Tình yêu trong tập thơ cũng còn mang thêm màu của nỗi nhớ, hoài tưởng.

Với ngôn ngữ của một nhà thơ giàu kinh nghiệm sống, tác phẩm vừa chỉn chu, chắt lọc; song cũng giản dị, dễ hiểu, với ẩn hiện cuộc sống dân dã, nếp đạo xưa cũ ở miền quê nghèo Bắc bộ nào đó, với những hoa xoan, hoa bưởi, hoa sứ, hoa khế, hương nhu, hoa cối xay, hoa quế..., hòa cùng các loài dáng vẻ, hương sắc thanh tao, đài các như quỳnh hương, ngọc lan, mẫu đơn, huệ trắng... Người đọc vừa gặp một tiểu thư "Lệ mùa rơi đóa Thu phong ấy/ Hương ngọc lan ủ dưới gối nằm/ Chợt nửa khuya mơ hồ tỉnh giấc/ Đêm thơm như là đóa từ tâm" (Ngọc lan hương), lại thấy ngay một thôn nữ "Nhớ vàng bông cải, câu kinh sớm/ Nhớ tháng Giêng, đồng bãi cỏ non" (Trong vườn ngọc lan), với sự lóng ngóng của một chàng trai mới lớn chân chất: "Về đây, vào lễ hương. Em nhé/ Xin hái dùm tôi một đóa hoa/ Này, mẫu đơn kề bên cửa sổ/ Một chùm xinh nở trước hiên nhà" (Mẫu đơn).

Trong tập thơ, cũng hay thấy cảnh hội hè, lễ lạy mang hơi thở giáo đường; những cuộc rước, tháng hoa, chầu lượt đậm chất sống đạo bình dân, nhưng vẫn toát lên một đức tin mộc mạc: "Con đi học đạo, xa nhà/ Nhớ câu kinh muộn, tiếng gà ban trưa/ Nhớ từng đường chỉ, mau thưa/ Những manh áo vá vải thô bạc màu" (Con đi học đạo xa nhà), nhưng bền vững, xác tín: "Có phải, Em về từ cõi khác/ Hiện hình Thánh nữ Têrêsa/ Làm mưa hoa hồng xuống, mưa đều khắp/ Cả thế gian, vui hưởng thái hòa" (Ngày mai, lễ Khấn dòng), "Mẹ ngồi trước mái tây hiên/ Ru con ru cả người bên kia nhà/ Đầy vườn, cây bưởi ra hoa/ Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn" (Tôi ru tôi một đời)...

Nhờ vào nguồn thi liệu lấy từ bối cảnh đời sống sinh hoạt lễ hội Công giáo mà bản thân đã quá "sành sỏi", quá quen thuộc, trong các liên tưởng với những hình thái giữ đạo từ thôn dã đến thành thị, tác giả Lê Đình Bảng đã tạo nên vẻ đẹp khó lẫn của người Công giáo thuần thành, không chỉ với riêng tập thơ "Và em, lễ khấn dòng", mà còn với nhiều thi phẩm khác của ông như Bước chân người Giao chỉ (1967), Hành hương (2006), Quỳ trước đền vàng (2010), Lời tự tình của bến trần gian (2012), Ơn đời một cõi mênh mang (2014), Kinh buồn (2014)...

Đẹp và gần gũi, thân thuộc như ca dao - một dạng ca dao Công giáo.

Minh Hải

Nguồn:cgvdt.vn