Đọc trường ca “Gương phúc tử đạo” của Xuân Cát OP - Tác giả Bùi Công Thuấn
24.11.2024
Văn học Công giáo Việt Nam đã có Inê tử đạo Vãn, dài 562 câu thơ Nôm lục bát và song thất lục bát phức hợp khắc họa hình tượng nhân vật người phụ nữ Công giáo Việt Nam kiên trung tử đạo. "Inê tử đạo vãn được viết như một truyện dài bằng thơ theo kiểu cổ điển. Truyện có lớp lang theo từng nhân vật. Mỗi lớp, tác giả tập trung kể hành động và lời nói của nhân vật, rất ít tả bối cảnh xã hội. Góc trần thuật là của tác giả, một người đứng ngoài câu truyện, nhìn về các nhân vật, các sự việc mà thuật lại khách quan. Nhiều đoạn tác giả để nhân vật trực tiếp trần thuật" [1].
Lược qua lịch sử văn học Công giáo để thấy rằng, viết trường ca "Gương phúc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành", Sr Xuân Cát OP tiếp tục dòng cảm hứng lịch sử hào hùng của văn học Công giáo, đóng góp thêm những giá trị tư tưởng và nghệ thuật cho dòng văn học này bằng những suy tư và cách viết hiện đại.
Đặc sắc ngòi bút của Xuân Cát OP trong trường ca này là chất hiện đại. Hạnh các thánh là một đề tài cũ. Chuyện các thánh tử đạo Việt Nam đã được công chúng biết qua các tiểu sử, các ngày lễ mừng, các truyện kể. Vì thế, viết lại những câu chuyện ấy bằng trường ca mới sẽ là thách thức không nhỏ đối với người sáng tác. Hơn nữa đối tượng tác giả hướng đến là bạn đọc trẻ hôm nay: "Chúng ta sẽ kể các con nghe/ 75 vị bị xử trảm quyết...".
Việc chọn lựa cách viết hiện đại [2] là một đặc điểm tư tưởng và nghệ thuật. Là đặc điểm tư tưởng bởi tác giả phải đem sự việc, con người, tư tưởng, lối sống, bối cảnh xã hội của ngày xưa (thời phong kiến) về với hôm nay: "Thời chúa Trịnh Doanh, Sâm/ Thời vua Cảnh Thịnh" cấm đạo - Trịnh Doanh (1720-1767); Cảnh Thịnh (1783 – 1802). Là đặc điểm nghệ thuật bởi hình tượng nhân vật Anê Lê Thị Thành trong "Gương phúc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành" là một khám phá, sáng tạo rất mới (xin so sánh với Inê tử đạo Vãn). Sáng tạo Cái Mới là đặc điểm của tài năng văn học.
Sr Xuân Cát đã không sử dụng lại thể thơ Song thất Lục bát truyền thống (của thể Vãn) mà triển khai trường ca bằng thơ tự do hiện đại. Điều này giải phóng mọi suy nghĩ, làm bung nở mọi cảm xúc, và mở ra muôn nẻo đường cho trí tưởng sáng tạo của tác giả. Câu thơ bừng lên như lửa cháy, mạch thơ cuồn cuộn như thác lũ, nhạc thơ là điệu rung của trăm vạn con tim, lời thơ khi thì thân thương, khi xót xa, khi hào hùng quyết liệt, khi tín thác tin yêu. Sự thay đổi các ngôi trần thuật làm cho giọng kể phong phú, sống động.
Điều gây ấn tượng nhất với người đọc ở trường ca này là Cái Đẹp mới lạ. Đẹp nhất là hình tượng mẹ Thành, người phụ nữ Công giáo Việt Nam được khắc họa trong bối cảnh làng quê, gia đình, quê hương Việt; mới lạ ở phẩm chất giản dị, tình nghĩa, nhưng đức tin kiên vững và bước vào ân phúc tử đạo với tư thế người anh hùng. Mẹ Thành rất khác với nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du. Thúy Kiều là nhân vật Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc và được khắc họa bằng nghệ thuật ước lệ của điển ngữ Trung Quốc.
"Mẹ Thành đi
Nồi niêu xoong chảo bị hôi hết
Chăn gạo bát đĩa bị cuốn đi
Xác xoan mỏng rơi cuối mùa ly biệt
Tím sân nhà phủ màu áo đau thương.
Mẹ ra đi hơi ấm đong kỷ niệm
Mắt đêm buồn ai chong những lời kinh
Mẹ yếu sức gông nặng xô mẹ ngã
Chân rã rời những vết xước ai khơi.
Vai vác gông như vai mang Thập tự
Giống Giêsu mẹ đón nhận bước đi
Cả ngày đêm hình hài nghiêng ngã sấp
Ai cời lại những vết rằm rỉ khô.
Chiều hôm ấy mây xám trôi oằn oải
Mái tranh buồn nhỏ giọt nhớ mẹ yêu."
Trường ca "Gương phúc tử đạo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành" thuật lại một đời nghèo nhưng rất đẹp, đẹp từ vệt bồ hóng, cái kiềng bốn chân, bóng mẹ trên bức vách, Lọn tóc tơ mẹ cột, ấm nước đun sôi, áo thơm hai vạt, tàu lá chuối ngậm sương khuya, Chú nhện con giăng tơ, xa chân trời sương giăng trắng...; đẹp ở cách tường thuật lại những đày ải, nhục hình, đầu rơi máu chảy bằng những tứ thơ đầy màu sắc, hương thơm, kết hợp với những suy nghĩ rất đẹp của ánh sáng đức tin (khác với cách miêu tả rùng rợn, bạo lực của văn chương giải trí)
"Mỗi làn roi có Đức Mẹ nâng đỡ
Sức nữ thường ai chịu thấu đớn đau
Máu bắn ra như cánh hoa hồng đỏ
Con góp lại thành bông thắm tình yêu.
Cánh đồng bỏ hoang ngôi nhà thông thốc gió
Hoa xoan vừa lụi muỗi giàn giụa kiếm cơm
Nền trại ướt ẩm hơi nồm về nhơm nhớp
Lạnh giá thân mình thêm đau nhức từng cơn.
Áo mẹ hoa đỏ chảy nước vàng sưng thối
Không phàn nàn mẹ khơi lửa đức tin
Đàng Thánh Giá, chuỗi tràng châu trên miệng
Ấm giam trại bằng lửa mến tình yêu..."
Trường ca có cách diễn đạt bằng những câu thơ rất hiện đại:
"Đất choàng vai gánh hạt đức tin
Dẫn con nhỏ qua phố giăng bẫy sương chiều
Chân đóng chì vết sạm trùng đêm thâu
Tay gieo hạt giống máu".
...
Một ngày đông nhắn ngày đông buốt lạnh
Vách đá nẻ mòn suy nghĩ từng đêm
Trong thinh vắng, cơn gió mùa khẽ chảy mình giật thót
Bóng hiện mờ rồi vụt loãng vào đêm
Lời thơ, câu thơ là lời trò chuyện đời thường, kể lại chuyện các thánh tử đạo, đọc lên tưởng như không thơ, tưởng như văn xuôi được vắt dòng. Nhưng nếu đọc bằng cảm thức đức tin, đọc bằng trái tim yêu người, đọc bằng sự khám phá nghệ thuật, để trái tim đập một nhịp với mạch thơ, để tâm hồn sống với những thời khắc lịch sử, người đọc sẽ thấy chất thơ rung động mạnh mẽ linh hồn mình. Nghĩa là, hãy quên câu chữ đi, hãy bỏ qua niêm luật vần điệu, đừng bận tâm những kỹ thuật tu từ để thâm nhập vào hồn thơ, thâm nhập vào cái tinh khôi nghệ thuật, bay lên cùng nhạc thơ, người đọc sẽ gặp được những ân phúc mà chỉ văn chương mới có sức làm nở hoa những đau khổ, bất hạnh, bi thương.
"Đêm qua
Giọt mưa rơi chầm chậm gõ mềm phiến lá
Cánh hoa đào lìa thân tàn lụi rơi
Dế thổn thức lặng thầm nghe tiếng thở
Gió đông ùn cứa lạnh tựa vết dao.
Sáng hôm ấy, ngày 20.3.1841
Đúng Đại lễ Phục sinh
Tiếng trống chiêng, tiếng đao, tiếng chân quân lính chạy
Thảng nhìn như dây nút hạt mùa thương
Các cha ấy vừa dâng trọn Thánh Lễ
Chúc bình an đi ra giữa vòng vây..."
Tài năng thơ ca của Sr Xuân Cát OP đã kết tinh thành những giá trị rất đẹp đẽ ở trường ca này.
Người đọc nghe được nhịp đập trái tim, tiếng máu chảy, hơi thở nồng nàn và những dòng tư tưởng của tác giả chảy tràn trên trang giấy. Cả tâm hồn, niềm tin, cả lý tưởng đời tu, lòng yêu mến Chúa, yêu mến các thánh tử đạo của nhà thơ hòa trộn trong câu chuyện và hiện lên lấp lánh trên từng con chữ mới lạ, tinh khôi. Giải nhất VHNT Đất Mới 2024 về thơ ca dành cho trường ca này là niềm vui chung của văn học Công giáo đương đại.
[1] Bùi Công Thuấn-Inê tử đạo vãn, Những vấn đề nhìn từ văn bản.
Nguồn: Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb. HNV. 2022, tr. 450
[2] Thuật ngữ "Cách viết hiện đại" bao hàm nghĩa rất rộng, gồm cả tư tưởng, thi pháp, phong cách của văn học hôm nay (hiện đại).