Chuỗi hạt và mùa nước nổi - Tác giả: Maria Hồng Hà CMR
13.11.2024
Tía ơi! t.......ía ơi!
Trong đầu ông Sáu nghe thấy tiếng gọi xa xa ở cõi nào không rõ, ông nửa tỉnh nửa mê cố gắng mở mắt nhưng sao thật khó khăn.
- Tía ơi, tía tỉnh lại đi, tía tía ơi.
Giọng nói nghe quen lắm nhưng sao trước mắt ông là khoảng trắng mờ đục. Ông Sáu không còn đủ sức mở đôi mắt nữa, hơi thở ông không còn nữa.
Thằng Tâm lay gọi mãi, nó đã cố gắng hô hấp nhân tạo và sơ cứu cho tía nó nhưng vô hiệu. Giữa đêm thanh vắng tiếng khóc của thằng con trai nức lên trong bóng tối sao nghe não lòng quá.
- Tía ơi...... Tía bỏ con à tía....... Tía.......
Thế giới như chỉ còn một mình thằng Tâm, đầu óc nó trống rỗng, nó gào thét, tiếng khóc xé toạc bóng đêm. Nhiều người vây xung quanh hai cha con nó, đâu đó ánh đèn pin nhập nhòe soi vào khuôn mặt trắng bệch của ông Sáu, có tiếng thì thầm: Đưa ổng đi bệnh viện đi. Ổng chết rồi đưa chi nữa.... tiếng lạo xạo trong đêm tối. Chỉ mình thằng Tâm đứa con trai duy nhất của ông biết ông Sáu thế nào.
.........
Ông Sáu làm nghề nuôi tôm, ông có miếng ruộng lúc trước trồng lúa được có một vụ vì ruộng hay bị lấn mặn. Có năm nước mặn về ông không trồng lúa được nên ông chuyển sang nuôi tôm, trong ruộng giống tôm nước lợ nên chỗ ông người ta gọi là con sú chứ không gọi là tôm. Hồi đầu có mình ông Sáu nuôi tôm, cả xóm chê cười, nhưng ông nuôi tôm trúng được mấy vụ liền có tiền sửa lại cái chòi ọp ẹp, cho vợ con ông có chỗ ở tử tế, nghe đâu ông cũng đủ tiền mua được miếng ruộng chỗ xa xa nào nữa để dành cho thằng Tâm mai kia lấy vợ. Thấy ông nuôi tôm được nên dân ở chỗ ông cũng dần chuyển sang nghề nuôi tôm hết. Vì thế mà tôm của ông cứ bị ép giá hoài, có vụ được mùa thì mất giá nên đồng tiền kiếm được cũng trở nên khó khăn hơn trước. Thằng Tâm con trai ông cũng đến tuổi đi học, phải lo thêm tiền học cho nó nữa
Bữa chiều tối nay cũng vào mùa nước nổi, ông Sáu đưa vợ con đi lễ, ngặt nỗi là nhà ông muốn sang nhà thờ phải đi thuyền qua sông mới tới nhà thờ, miết thành lệ. Ông chèo xuồng đi lễ mà bữa đó cũng vô mùa nước lớn rồi, trời lại xầm xì mưa, gia đình ông vẫn đi lễ như thường lệ. Lúc về trời cũng nhá nhem tối, mưa nặng hạt hơn. Khi con thuyền của gia đình ông Sáu sang tới giữa sông, nước như chảy xiết, con thuyền xoay vòng, ông cố gắng chèo thuyền vào bờ thì bất chợt chiếc thuyền lật nhào, cả gia đình ông bị trôi theo dòng nước. Ông Sáu trong cơn hoảng loạn cố tìm kiếm vợ và con, ông hoảng loạn gọi thì nghe tiếng khóc, ông bơi ngược dòng nước vớt được thằng Tâm lên bờ rồi lại nhào xuống sông tìm vợ.
Nghe thấy tiếng thằng Tâm khóc ầm ĩ, vừa khóc vừa chỉ tay xuống sông, người dân quanh đó biết là có chuyện, họ gọi nhau xuống sông tìm người giúp ông Sáu nhưng dường như vô vọng, suốt 4 giờ tìm kiếm, cả chục người tìm bà Sáu mà cũng chẳng thấy tăm hơi đâu. Người ta chỉ vớt được chuỗi hạt gỗ của bà trên sông. Ánh đèn pin loang loáng trên sông, tiếng gọi tiếng hô hoán và mấy chú công an cũng đến, họ cho thuyền đi dọc theo con sông đen ngòm trong bóng tối để tìm nhưng vẫn không thấy. Người ta vội đưa ông Sáu vào bờ vì dường như ông không còn đủ sức ở dưới nước nữa, trong tiếng thì thào ông Sáu vẫn gọi: Bà nó ơi! Ông vùng vằng không muốn người ta đưa ông vào bờ nhưng rồi nghe tiếng thằng Tâm khóc ông nhào lên bờ ôm lấy thằng bé đang khóc và ông cũng khóc.
Sáng hôm sau người ta tìm thấy xác bà Sáu tận cửa sông lớn, ông Sáu ôm lấy cái xác lạnh ngắt mà khóc không thành lời. Ông an táng bà Sáu trong nghĩa trang của Giáo xứ và từ hôm đó trở đi chẳng còn ai thấy ông Sáu cười nữa, khuôn mặt u uất, đau đớn. Vì thằng Tâm mà ông Sáu tiếp tục sống tiếp tục nuôi dạy con, ông chăm ruộng tôm lớn nhanh như thổi cũng đủ tiền cho thằng Tâm ăn học. Tâm là đứa trẻ hiểu chuyện nó chăm học, lại để ý phụ giúp Tía nó những công việc trong nhà. Sáng nào nó cũng dậy sớm nấu cơm cho hai cha con ăn rồi nó mới đi học, chiều nó xuống ruộng tôm giúp tía cho tôm ăn cứ thế cuộc sống của hai cha ông Sáu bình lặng trôi đi, nhưng ngặt nỗi đêm nào thằng Tâm cũng ngủ ở nhà một mình, còn ông Sáu hay xuống ghe ngủ, chiếc ghe và con sông như nhắc ông về cái chết của vợ ông, ông nặng tình cảm với gia đình là thế.
Thời gian như đong đếm nỗi buồn, kể từ ngày người ta xây cây cầu bắt ngang qua con sông, người dân không còn phải đi ghe qua bờ bên kia nữa. Nhưng ông Sáu vẫn chòng chành lên xuống chiếc ghe, có lần thằng Tâm đòi theo ông xuống ghe ngủ ông không cho đuổi nó lên nhà ngủ, mái chèo gác lên mái ghe chuỗi hạt đong đưa, trong mái ghe đó là vật duy nhất của bà Sáu, nhắc ông Sáu đọc kinh nhớ đến Chúa. Chuỗi hạt bằng gỗ đã phai màu mà tối nào hai ông bà cũng đọc kinh, nay lời kinh kính mừng như mất một vế. Ông Sáu vẫn gỡ chuỗi hạt xuống hòa mình với cái bập bềnh của dòng nước đọc từng vần kinh Kính Mừng.
Và rồi tối nay ông bỗng nghe tiếng ầ...m như ai đó rơi xuống sông ông vội bỏ chuỗi hạt chèo thuyền ra xem, thì thấy một người phụ nữ trẻ đang ngoi ngóp giữa dòng sông ông vội xuống đưa người phụ nữ đó lên ghe, trong tiếng thì thào:
- "để tôi chết đi..."
Trong ông hiểu rằng người phụ nữ này có ý tự tử, rồi trong tiếng tiếng nức nở người phụ nữ òa khóc, ông Sáu cố khuyên giải:
- Cô chết rồi con cái cô ai nuôi, ai cũng có nỗi khổ riêng nhưng phải nghĩ đến con cái để mà sống chứ, sự sống quý lắm, người ta chỉ sống một lần thôi, ông nói như từ chính trong kinh nghiệm sống của mình,
Người phụ nữ nguôi ngoai hết khóc, ông đưa ghe vào bờ cho người phụ nữ ấy về nhà, ông gọi với theo:
- Ráng mà sống không nghĩ quẩn nữa nghe.
Từ hôm đó, cây cầu không chỉ là đường sống cho người ta đi lại nhưng còn là con đường chết cho những người mất hy vọng, mấy bữa ông Sáu lại cứu được một người giữa đêm khuya ông chẳng ngại đưa ghe ra để cứu người, có bữa ông Sáu đưa ghe ra tới nơi thì người ta chết rồi, ông lặng lẽ đưa người lên bờ rồi đến báo với mấy chú công an xã, người ta chẳng biết ông Sáu đã cứu được bao nhiêu người nhưng cái xóm chợ ấy lúc nào cũng xôn xao khi có ai đó đuối nước vì nhảy cầu. Bữa nay thằng Tâm đi học về đem tôm xuống chợ bán khi về thau tôm còn y nguyên, nó nói:
- Tía à, Tía đừng ngủ ghe cứu người nữa, bữa này mấy bà dưới chợ nói tía cho tôm rỉa người nên tôm mới mau lớn, nên hổng ai dám mua tôm nhà mình nữa.
- Ông Sáu thở dài: ừ làm việc thiện mà cũng khổ quá, chắc tía con mình chuyển nghề khác, mà làm gì bây giờ ruộng không trồng lúa được bị lấn mặn hoài.
- Thôi kệ người ta nói gì thì nói mình làm ăn lương thiện mà con
Thằng Tâm bê thau tôm xuống sau luộc, mai đem phơi làm tôm khô, khuôn mặt nó giận dỗi tía nó
Tối nay ông Sáu vẫn xuống ghe ngủ, chuỗi hạt đong đưa trên vòm mái của chiếc ghe, ông lặng lẽ gieo từng vần kinh trong đêm tối, cầu mong sao đêm nay đừng ai nghĩ quẩn để con sông được bình yên, để lòng ông cũng phẳng như dòng sông kia. Thế rồi, đang chìm trong những suy nghĩ miên man, ông Sáu nghe tiếng có người trên sông ông vội lao xuống để cứu người. Vừa đưa được người lên chiếc ghe, bỗng đâu ông bị vọp bẻ (chuột rút), đôi chân ông cứng đờ cộng thêm phần kiệt sức khi cố cứu người, ông dần chìm xuống nước, nạn nhân vừa được ông cứu không thấy ông đâu nên đã hô lên để người ta đến cứu ông, nghe tiếng thất thanh từ ghe ông Sáu. Thằng Tâm biết có chuyện không lành nó vội chạy xuống bờ sông, không thấy ông Sáu, nó vội lao xuống sông tìm người, thấy tía nó vội đưa ông vào bờ nhưng dường như quá trễ.
Thằng Tâm cầm tấm giấy trúng tuyển đại học đến trước di ảnh Tía và má nó để khoe những giọt nước mắt chảy dài trên không mặt. Chẳng còn ai ở lại để thấy nó đã thành đạt, nó có ở lại vùng đất mà đối với nó đầy đau thương khi con nước lớn, con sông đã đưa tía, má nó đi thật xa nhưng cũng nơi đây chất chứa bao kỷ niệm dưới mái nhà trên chiếc ghe là cả một bầu trời tuổi thơ của nó.
Bữa nay thằng Tâm mang bán hết số tôm còn lại trong ruộng của Tía nó
Biết chuyện
Những người trong chợ vồn vã như quên đi chuyện lúc trước
- Mua tôm cho thằng bé đi
- Mua tôm cho nó để nó có tiền đi học nữa
- Tía nó là người tốt cứu nhiều người lắm
Thằng Tâm tối nay lững thững xuống chiếc ghe của tía nó, chuỗi hạt vẫn lúc lắc ở đó, nó thầm đọc vần kinh mà tối nào nó cũng nghe văng vẳng bên tai tiếng kính mừng khàn khàn của tía.
【Maria Hồng Hà CMR】