Chiếc gùi nơi buôn làng - Tác giả: Maria Hồng Hà CMR

Lan Mary
Chiều dần buông trên mảnh đất Tây nguyên này, sương xuống mù mịt con đường phía trước, đôi chân sải bước sau giờ giáo lý, sơ Nga nghe tiếng gọi từ phía sau, dừng bước và nhận ra đó là Ka Hes cô bé trong lớp giáo lý của mình là cháu nội của già Jot - già làng của buôn này. NGUỒN:

Chiều dần buông trên mảnh đất Tây nguyên này, sương xuống mù mịt con đường phía trước, đôi chân sải bước sau giờ giáo lý, sơ Nga nghe tiếng gọi từ phía sau, dừng bước và nhận ra đó là Ka Hes cô bé trong lớp giáo lý của mình là cháu nội của già Jot - già làng của buôn này.

- Có gì không con?

- Mơi (sơ) ơi! xuống nhà Già làng đi mơi, già muốn gặp mơi, già có việc gọi mơi.

- Ừ được đi thôi

Nhà của già làng cũng nằm trên đường về cộng đoàn của sơ Nga, ngôi nhà gỗ của già là nơi gặp gỡ anh chị em đồng bào trong làng. Mỗi khi có việc gì của Giáo xứ họ đều đến nhà ông để họp và có chuyện gì trong làng họ đều đến hỏi ý kiến già. Bước vào sân thấy bóng già.

- Sơ Nga, chào già – Niam să già

- Tiếng chào lại – Niam să mơi

Già chậm rãi vời vào nhà, già lấy một chiếc gùi ra đeo lên vai cho sơ Nga và nói:- từ hôm nay mơi Nga là người của buôn làng mình, vì mơi đã đến với buôn làng mình, chiếc gùi cho mơi để mơi ở với buôn làng mình.

Nụ cười và cúi đầu Ưn ngai (cảm ơn) vì sơ Nga hiểu được ý nghĩa chiếc gùi, không chỉ là vật dụng để mang vác đồ của người đồng bào mà nó còn là vật dụng biểu tượng đẹp của người đồng bào, khi họ quý mến và coi người đó là người của buôn làng thì mới tặng cho chiếc gùi thôi, chiếc gùi được trao cho người con gái trong nhà khi tròn 15 tuổi để có thể gánh vác và giúp đỡ gia đình hoặc trao cho người con trai khi về ở rể (phong tục Mẫu hệ), hay trong đám cưới bố mẹ sẽ cho cô dâu chú rể hai chiếc gùi giống nhau, chỉ sự gắn kết của một gia đình mới.

Trên đường về đeo trên vai chiếc gùi Nga hiểu rằng, để có được một chiếc gùi không phải là chuyện dễ, phải mất nhiều công đoạn và nhiều thời gian. Trong một năm không phải lúc nào người ta cũng có thể vào rừng chặt nứa để mà đan gùi được. Theo kinh nghiệm của những người già trong buôn từ bao đời nay của ông bà tổ tiên người K'Ho, muốn đan một chiếc gùi đẹp, bền chắc thường thì vào tháng 6, tháng 7, họ vào rừng sâu để chặt nứa (tre). Vì sau những trận mưa đầu mùa, cây cối tiếp tục mọc lên, những cây mới mọc trong năm, thì thời điểm này đi chặt nứa đan gùi, là thích hợp nhất. Vì lúc đó, cây nứa không quá non và cũng không quá già, nên chọn những cây gióng dài, thân thẳng và có ngọn cong vút. Mang cây nứa chặt từng khúc ngâm dưới suối khoảng một tuần cho nứa giai và dẻo sau đó mang về phơi nắng cỡ một tuần để cây nứa đủ độ khô. Cây nứa trước tiên chặt từng khúc tùy theo độ lớn nhỏ của chiếc gùi, sau đó bổ ra làm đôi, chia nhỏ ra khoảng một phân, gọt thật mỏng để tạo ra sự đàn hồi dễ uốn theo nhiều kiểu. Nứa già độ dày khoảng hai phân, giờ ta phải gọt làm sao cho thành 0,1 phân, buộc người thợ phải thật kiên nhẫn và chịu khó lắm mới gọt đủ số lượng để hoàn thành một chiếc gùi. Sau đó mang những nan nứa gác lên sàn bếp hong khói để có màu vàng đẹp đồng thời không bị mối mọt khoảng một tháng, sau đó đem nan nứa xuống đan thành chiếc gùi, đó là công đoạn tỉ mỉ, khéo léo của người đan. Bên cạnh việc lựa chọn cây nứa thì con dao gọt cũng không kém phần quan trọng. Dao nhỏ có đầu nhọn hoắt và sắc bén, cộng với sự tỉ mẩn của con người là yếu tố quyết định để tạo ra một chiếc gùi đẹp.

Gùi của người K'Ho phổ biến nhất, gồm: "Sah sơn (rơn noas), sah dà (sớ dà), sớ nùng và sớ bơnơr. Với mỗi loại gùi người ta thường dùng vào những mục đích và công dụng khác nhau. Sah sơn là chiếc gùi to, có công dụng đo lượng. Một chiếc gùi có thể đựng được 50kg thóc. Còn sớ dà được đan thành nhiều kích cỡ khác nhau dùng để gùi nước, củi, lúa gạo và mang lên nương rẫy... Riêng sớ bơnơr chủ yếu dùng để đi hội, đi chợ. Vì chiếc gùi này nhỏ gọn, được đan công phu hơn và được trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp mắt nhằm tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy của người phụ nữ vùng sơn cước". Đa số những người già trong làng đều biết đan gùi nhưng đối với già Jot là người làm đẹp nhất, già làm rất tỉ mỉ, chắc, đẹp và rất cân đối. Nhìn vào chiếc gùi già đan có thể thấy được sự tinh tế của ông.

Chiếc gùi là vật bất li thân của người phụ nữ vùng sơn cước, nó như mang hơi thở và biểu hiện cho tính chịu thương chịu khó. Đối với chị em phụ nữ nơi đây, chiếc gùi còn là niềm kiêu hãnh và tâm hồn của họ, qua cách bảo quản gùi người ta biết được người phụ nữ ấy là người như thế nào, chiếc gùi không đơn thuần là dụng cụ để mang vác. Chiếc gùi trên vai mang đến một biểu tượng thật đẹp cho con người nơi đây, vì địa hình đồi núi dốc và không bằng phẳng, nên khi đi không thể mang hay xách tay những đồ dùng được, nên đeo gùi là phương thế tốt nhất khi đi làm rẫy hay đi núi thì mang gùi để đựng cơm, mang nước hay khi đi làm về mang bắp, mang lúa từ rẫy trở về nhà.

Mỗi lần xuống buôn, Nga hay ghé thăm già Jot, bên bếp lửa ông vừa đan gùi vừa kể sử thi về các anh hùng xưa cho đám nhỏ nghe, những đứa con nít ngồi xung quanh bếp lửa. Thường đặt câu hỏi cho ông: "tại sao người lớn có thể làm được mọi việc còn con nít thì không được?", "tại sao con nít thích ăn cơm hơn ăn khoai mì" và nhiều câu hỏi khác còn ngớ ngẩn hơn nữa. Trước khi trả lời câu hỏi, ông luôn mỉm cười, ông thường nói khi nào con nít ngoan lúc đó sẽ biết chuyện, con nít thích ăn cơm vì cơm giúp con nít lớn nhanh hơn ăn khoai mì. Già dạy nhiều hơn bố mẹ chúng vì bố mẹ suốt ngày đi làm có khi còn ngủ lại trên rẫy để canh lúa, bắp.

Già là người hướng dẫn đức tin cho chúng, già dạy đọc kinh "Kính Mừng" bằng thổ âm, và dặn khi nào cảm thấy sợ ma hay gặp nguy hiểm thì hãy đọc liên tục kinh này thì sẽ hết sợ và được che chở. Già rất siêng năng đi lễ, và căn giờ rất chuẩn mặc dù không có đồng hồ, chỉ nghe tiếng gà gáy là có thể đoán được giờ, chuông thứ nhất già đã lo đi rồi, già thường nói với chúng tôi tiếng chuông là tiếng Thiên Thần gọi con người.

Già rất tha thiết với con cháu, luôn muốn dạy các cháu cách đan gùi nhưng chẳng ai chịu kiên nhẫn ngồi yên một chỗ để học cách gọt tre. Và không biết nghề đan gùi có ai tiếp nối già nữa không......

Có lần Ka Hes kể cho sơ Nga về già Jot ông của mình:

"Khi con lên cấp II, con được học chung với các bạn người Kinh, ông dặn con phải ăn ở sạch sẽ để có bạn mà chơi. Ông biết khả năng tiếp thu của con kém, ông tập cho con tính cần cù và siêng năng bằng cách mỗi sáng thức dậy đi lễ chung với ông, lễ về phải đi múc nước sau đó tự học bài, ông muốn chỉ dạy cho con nhưng ông lại không biết chữ. Dù ông đã cố gắng hết sức để giúp con, nhưng cũng chẳng giúp ích được gì cho con, con bắt đầu cảm thấy chán việc học và muốn thoát khỏi các giờ học buồn ngủ. Con tìm đủ mọi lý do để được nghỉ học, bố mẹ con thì cho phép vì muốn có người trông em để cho bố mẹ đi làm. Nhưng ông nhất quyết không cho, ông nói con phải học cho dù không hiểu gì hết nhưng vẫn phải đi học. Ông tặng con chiếc gùi nhỏ rất đẹp và nói nếu cháu muốn có cuộc đời đẹp như chiếc gùi này thì phải học biết cái chữ. Con vừa nhận chiếc gùi vừa khóc, con muốn chiếc gùi thôi chứ không muốn đi học.
Ông nhìn con mỉm cười, lắc đầu và giải thích: Muốn có một chiếc gùi đẹp, ông phải trải qua nhiều công đoạn và mất nhiều thời gian. Chiếc gùi chỉ là vật dụng để mang vác nhưng nó giúp ích nhiều cho cuộc sống của chúng ta. Về phần cháu nếu muốn có ích cho bản thân và gia đình cháu nhất định phải biết cái chữ và cũng mất nhiều thời gian rèn luyện".

Và rồi vào chiều tháng 10 người ta báo cho sơ Nga "Già làng Jot đã qua đời". Cuộc đời ông là một gương mẫu cho tôi học hỏi, nơi ông có tính cần cù, kiên trì, chịu khó, nhẫn nhục. Ông luôn biết cách đối nhân xử thế với mọi người. Trong đám tang của ông. Mọi người trong làng tham dự Thánh Lễ tiễn đưa ông rất đông. Các già làng làm nghi thức tiễn biệt ông rất long trọng trước sân nhà Rông, là nơi ông đóng góp xây dựng buôn làng.

Mơi ơi! Con xuống thăm mộ ông, cô bé Ka Hes đeo chiếc gùi đựng đầy hoa giã quỳ vàng ươm, mỉm cười:

- Ông của con thích hoa này lắm, có phải khi về thiên đàng ông sẽ ngắm hoa giã quỳ từ trên cao phải không mơi.

- Sơ Nga mỉm cười, ừ đúng rồi

Lạy Chúa, con sẽ là chiếc gùi đẹp nhất. Người đan là Chúa, con chỉ có thể góp những vật liệu nhỏ thôi. Và nhất là hiện diện một cách hiệp hành với anh chị em đồng bào nơi đây, nơi mảnh đất mới được gieo vãi hạt giống Đức Tin, và chính Chúa sẽ đan những chiếc gùi Đức Tin nơi tâm hồn những con người trong mảnh đất Tây Nguyên này.

Maria Hồng Hà CMR