Cảm thức đức tin trong thơ Công giáo Việt Nam từ 1975 đến nay - Tác giả: Mai Văn Phấn
18.11.2024
Hình ảnh minh họa cho bài viết, do công nghệ AI thực hiện
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, tôn giáo và văn chương đã thiết lập mối liên kết thiêng liêng, bền vững và sâu sắc, hòa quyện giữa khát vọng hướng thượng và cảm thức nghệ thuật. Mối tương liên này không chỉ xây dựng đức tin và động lực sống mà còn thắp lên trong mỗi con người niềm hy vọng về một tương lai bình an, nơi những giá trị nhân văn và chân lý được tôn vinh. Tôn giáo là cuộc hành trình truy cầu chân lý tuyệt đối, ánh sáng vô biên và nguồn cội của sự sống; trong khi văn chương mở ra những chân trời mới, giúp người đọc khám phá bản thân mình và thế giới xung quanh. Cảm thức tôn giáo trong văn học thể hiện khát vọng lớn lao của nhân loại về niềm tin và chân lý, góp phần hình thành hệ tư tưởng, các giá trị và bản sắc văn hóa bền vững qua thời gian.
Đạo Công giáo bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVI. Theo cuốn "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" (soạn dưới triều vua Tự Đức từ năm 1856, quyển 33, phần chính biên, tờ 5-6), vào khoảng năm 1533, một giáo sỹ người Tây Ban Nha tên là I-nê-khu (Ignacio theo tiếng Tây Ban Nha) đã đến truyền đạo Giatô tại các làng Ninh Cường, Quần Anh (huyện Nam Chân) và Trà Lũ (huyện Giao Thủy), thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Năm 1533 được xem là năm khởi đầu đánh dấu ánh sáng Tin Mừng đến Việt Nam. Đến năm 1615, giai đoạn truyền giáo mới chính thức được mở ra khi hai tu sĩ Dòng Tên là Francesco Buzomi (người Ý) và Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) đã tới Đà Nẵng, thiết lập địa điểm truyền giáo tại xứ Đàng Trong (miền Trung, dưới thời Chúa Nguyễn). Và tại xứ Đàng Ngoài (miền Bắc, dưới thời Chúa Trịnh), công cuộc loan báo Tin Mừng chính thức và liên tục chỉ bắt đầu từ năm 1627 với hai vị thừa sai là Pedro Marquez (người Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (người Pháp). Sứ vụ truyền giáo của các giáo sỹ phương Tây đã mang lại những ảnh hưởng sâu sắc, mở rộng đức tin Công giáo và đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ của Việt Nam.
Từ khi có Đạo Công giáo, đức tin Kitô giáo đã tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần của một bộ phận người Việt, đặc biệt, góp phần làm phong phú và thay đổi diện mạo văn học Việt Nam. Các tác phẩm văn học Công giáo, từ thơ ca, văn xuôi đến văn học giáo lý, dần hình thành và phát triển, mang theo tinh thần và giáo huấn Kitô giáo. Điều này không chỉ tạo nên một dòng chảy văn học tôn giáo mà còn góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà với các đề tài mới mẻ về đức tin, lòng mến, và niềm hy vọng. Nhân đức tin, tình yêu thương, sự khiêm nhường và lòng bác ái của đạo Công giáo được thể hiện rõ nét trong văn học Công giáo, tạo nên những tác phẩm ca ngợi Thiên Chúa và các giá trị nhân bản. Văn học Công giáo cũng tạo nên những lối viết độc đáo, kết hợp giữa ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ giáo lý, khiến cho những giáo huấn Kitô giáo trở nên gần gũi với người dân Việt Nam. Đồng thời, chữ Quốc ngữ - một công cụ mà các vị thừa sai đã dày công phát triển - không chỉ là phương tiện truyền giáo mà còn trở thành nền tảng văn hóa quan trọng, thúc đẩy văn học phát triển theo hướng mới. Qua đó, đạo Công giáo đã tạo nên một môi trường tinh thần, giúp con người hướng về sự siêu việt, tìm kiếm chân lý và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
Từ thế kỷ XVI đến nay, mối quan hệ giữa tôn giáo và văn chương Việt Nam luôn gắn bó, liên kết chặt chẽ. Văn chương vừa là phương tiện thể hiện đức tin vừa là cầu nối đưa các giá trị Kitô giáo hòa nhập vào đời sống và tâm hồn con người. Qua từng thời kỳ, văn học Công giáo đã phản ánh khát vọng về tình yêu Thiên Chúa, lòng bác ái, và hy vọng vào cuộc sống đời đời, đồng thời mang đến cho nền văn học nước nhà những sắc thái độc đáo, chứa đựng chiều sâu tâm linh và sự hướng thiện. Theo dòng lịch sử, đức tin Công giáo trong văn chương Việt Nam cũng trải qua nhiều thăng trầm. Từ buổi đầu đón nhận Tin Mừng, văn chương Công giáo đã nảy nở trong sự giao thoa với văn hóa truyền thống Việt Nam, tạo nên những tác phẩm hài hòa giữa đức tin và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, có những thời kỳ đầy biến động, đức tin Công giáo gặp những thử thách, và văn chương Công giáo chịu nhiều áp lực, thậm chí bị gián đoạn. Dẫu vậy, qua mọi cung bậc, văn chương Công giáo vẫn kiên trì và lặng lẽ hòa vào dòng chảy văn học nước nhà, tiếp tục truyền tải tinh thần Kitô giáo qua ngôn ngữ của tình yêu, sự hy sinh, và niềm tin vĩnh cửu vào Thiên Chúa, vào những giá trị tốt đẹp của thế gian.
Với Công giáo Việt Nam, cảm thức đức tin Thiên Chúa và những biến chuyển tinh thần trong văn chương được thể hiện rõ trong diễn trình thơ Công giáo từ năm 1975 đến nay. Cảm thức ấy biểu hiện qua khát vọng cứu rỗi, an bình và hy vọng trước những biến động không ngừng của thời cuộc khi các giá trị xã hội và văn hóa liên tục thay đổi.
Thơ đương đại Việt Nam, qua những biến chuyển trước và sau năm 1975, đã đón nhận Đạo Công giáo không chỉ như một biểu hiện của niềm tin vào Thiên Chúa mà còn như một nguồn mạch nghệ thuật phong phú và sinh động, góp phần định hình sắc thái độc đáo cho thi ca. Những tác phẩm thơ ca đã chuyển tải sâu sắc các câu hỏi về sự tha thứ, tình yêu thương vô điều kiện, và lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa như một điểm tựa tinh thần thiêng liêng, bền vững trong cuộc sống. Các hình tượng này biểu trưng cho lòng khao khát tìm kiếm chân lý, ánh sáng, và định hướng cho con người trước mọi nghịch cảnh.
"Bỗng nghe một tiếng chuông buông
Xa xôi tự tháp thánh đường nào đây!
Vang lên cao vút tầng mây
Rồi ngân nhè nhẹ như ngây ngất lòng..."
("Chuông chiều" – Xuân Ly Băng[1])
Bốn câu thơ trên của nhà thơ Xuân Ly Băng khơi dậy những xúc cảm sâu sắc về một không gian tâm linh tràn đầy ân thánh. Tiếng chuông mở ra một không gian vời vợi và thanh tĩnh, dẫn dắt con người tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Âm thanh ấy đưa ta về với đức tin Thiên Chúa, về với giá trị tinh thần, khuyên nhủ con người dừng lại, suy ngẫm và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp; nó kết nối con người với điều thiêng và cái đẹp, khiến tinh thần con người như được thanh tẩy, tràn ngập tình yêu và niềm tin Thiên Chúa.
Sau năm 1975, xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu rộng, với nhiều biến động trong đời sống đức tin. Thời kỳ hậu chiến đưa đến những thách thức mới trong tư duy và văn hóa, từ đó dẫn đến những hạn chế trong việc khám phá các thi pháp sáng tác mới hay mở rộng những quan niệm thẩm mỹ vốn được định hình trước đó. Trong bối cảnh này, những tác phẩm có nội dung liên quan đến đức tin Thiên Chúa thường được thể hiện qua các biểu tượng, ẩn ý gián tiếp. Khát vọng bình yên và lời cầu nguyện – những biểu trưng của đức tin – thường được diễn đạt qua phép ẩn dụ nhằm biểu đạt những cảm xúc phức rối và đa tầng, như nỗi nhớ, sự trăn trở, và cả nỗi đau do hệ lụy chiến tranh vừa qua.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cảm hứng tôn giáo vẫn luôn là nguồn mạch tâm linh, là phương tiện cần thiết để các nhà thơ Công giáo khám phá chiều sâu tâm hồn, phản ánh nỗi đau, sự hoài nghi và niềm hy vọng về một đời sống công bằng, bác ái... Theo tác giả Nguyễn Vy Khanh, tác phẩm văn chương Công giáo Việt Nam bao gồm hai loại: Một là, "Sách đạo", tức các tác phẩm giáo lý, tu đức và kinh sách về đạo Chúa; hai là, "Văn học đạo", gồm các tác phẩm văn học và học thuật có nội dung "tải đạo" hoặc chịu ảnh hưởng của Đạo Công giáo. Nói cách khác, "văn học đạo" là một hình thức "hội nhập văn hóa" của đức tin. Trong các tác phẩm thuộc thể loại "văn học đạo" có nhiều bài thơ và lời kinh bổn được chuyển thể thành thơ, thành diễn ca để truyền bá Tin Mừng, đưa Thiên Chúa đến gần hơn với tha nhân.
Theo thiển nghĩ của tôi, các nhà thơ là tín hữu Công giáo người Việt không nhiều; trước năm 1975 có thể xướng tên các nhà thơ, Bàng Bá Lân[2], Hồ Dzếnh[3], Hàn Mặc Tử[4], Quách Thoại[5]...; sau năm 1975 có các nhà thơ như Lê Quốc Hán[6], Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng[7], Đình Chẩn[8], Trần Vạn Giã[9], Mai Văn Phấn... Ngoài ra, trong cuốn sách "Những nhà thơ Công giáo Việt Nam hiện nay", tác giả Khải Triều[10] đã khảo cứu thơ của một số tác giả Công giáo như Trần Mộng Tú[11], Bùi Đức Dung[12], Dzuy Sơn Tuyền[13], Hàn Lệ Thu[14], Ngọc Tự[15], Thanh Chương[16]...
Sau Đổi Mới (1986), các nhà thơ được cởi mở hơn trong cách biểu đạt đức tin Thiên Chúa. Thơ ca giai đoạn này ngày càng phản ánh sâu sắc những trăn trở về vai trò của Thượng Đế, khi các tác giả không chỉ nhìn nhận Ngài qua hệ thống tín lý mà còn qua lăng kính của những trải nghiệm cá nhân. Nhiều nhà thơ, kể cả một số nhà thơ không phải người Công giáo đã sử dụng hình ảnh Thiên Chúa như một biểu tượng của sự cứu rỗi, điểm tựa tinh thần giúp họ đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Thiên Chúa không chỉ xuất hiện như Đấng-Tối-Cao mà còn đồng hành, gần gũi con người trong những khoảnh khắc đớn đau, mất phương hướng. Bài thơ "Hạt bụi" dưới đây của nhà thơ Lê Quốc Hán mang đến cái nhìn sâu sắc về tình yêu, đức tin và sự tồn tại, qua đó diễn đạt mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa, tình yêu và ý nghĩa cuộc sống.
"Phải ngày xưa chúng mình hai hạt bụi, ở hai vì tinh tú xa xôi, một ngày kia qua hơi thở Chúa Trời, quằn quại hóa đôi linh hồn bất diệt.
Hai hạt bụi chẳng thể hòa làm một, nên suốt đời vờ vật ở bên nhau, đôi linh hồn sinh bởi một phép màu, nên muôn kiếp muốn tan vào một biển...
... Xin Chúa Trời hãy rộng lòng tha thứ, khi chúng con muốn vươn tới gương Người, dao tình yêu tách hạt bụi làm đôi, thổi vào đó một linh hồn bé bỏng."
("Hạt bụi" – Lê Quốc Hán)
Hình ảnh "hạt bụi" vừa ẩn dụ sự nhỏ bé, mong manh của con người trong vũ trụ, vừa biểu tượng cho sự nguyên sơ và mối liên kết sâu sắc với Đấng-Tạo-Hóa. Sự mâu thuẫn trong tình yêu của hai "hạt bụi" – dù "chẳng thể hòa làm một" mà vẫn "vờ vật ở bên nhau" – gợi nỗi khắc khoải, khát vọng gắn bó của hai tâm hồn. Tình yêu ở đây được nhà thơ nâng lên thành cuộc hành trình tâm linh đầy ý nghĩa, một phép màu mà đôi lứa khao khát đạt được. Bài thơ khép lại với lòng biết ơn và ngưỡng vọng, gửi gắm niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa như một phép lạ màu nhiệm. "Hạt bụi" không chỉ ngợi ca tình yêu đôi lứa mà còn xưng tụng đức tin Thiên Chúa và mối liên hệ thiêng liêng giữa con người với Đấng-Tạo-Hóa. Bài thơ khai thác chiều sâu tâm linh, vượt qua những khác biệt và sự mong manh của kiếp người, từ đó gửi gắm niềm tin vào sự vĩnh cửu, vượt qua ràng buộc của thời gian.
Thơ ca Công giáo sau Đổi mới không chỉ thể hiện lòng sùng kính Thiên Chúa mà còn đi sâu khám phá các trăn trở, xung đột nội tâm trong đời sống tâm linh. Các tác phẩm chú trọng đến ý thức trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng, qua đó truyền tải những dòng thơ mang đậm màu sắc suy tư và chiêm nghiệm về ý nghĩa sự cứu rỗi. Những biểu tượng như thập giá, thiên đường, địa ngục, thánh đường, tín hữu,... đã trở thành chất liệu phong phú trong sáng tạo văn chương, đặc biệt thơ ca. Các biểu tượng này đóng vai trò như những tấm gương, khung tham chiếu nghệ thuật, giúp thơ ca khai phá chiều sâu tâm lý và những bí ẩn trong thế giới nội tâm.
Trong thơ đương đại Việt Nam, đạo Công giáo vừa là nguồn cảm hứng tâm linh vừa là phương tiện mở rộng chiều kích tâm hồn. Qua những vần thơ nguyện cầu, tụng ca Thiên Chúa, các nhà thơ không chỉ xem tôn giáo là nơi trú ngụ cho niềm tin và tinh thần, mà còn là hành trình tự vấn, nơi họ đối diện với những khắc khoải, yếu đuối và khát vọng. Hình ảnh Thiên Chúa trong thơ trở thành biểu tượng không chỉ của quyền năng mà còn của tình yêu thiêng liêng và lòng trắc ẩn, phản ánh sự hòa quyện giữa sức mạnh thần thánh và cảm thức nhân văn.
"Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện
Hồn reo vui trong từng chữ từng lời
Trong đất mầu đương vỡ vạc sinh sôi
Trong cây lá vươn sức dài vai rộng"
("Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện" – Lê Đình Bảng);
"Tôi quỳ lạy Chúa trên cao
Dẫn dìu tôi kẻo sa vào tối tăm
Thế mà tôi tưởng xa xăm
Hóa ra Người ở âm thầm trong tôi"
("Chúa ở trong tôi" – Lê Đình Bảng)
Hai đoạn thơ trên của nhà thơ Lê Đình Bảng đã khắc họa thơ ca như nhịp cầu giữa Đấng-Tối-Cao và con người, là hành trình thiêng liêng nơi tâm hồn nhà thơ kết nối với những điều cao cả. Những hình ảnh đất đai, cây cỏ và nghi thức cầu nguyện đã gợi lên khung cảnh Vườn Địa đàng, nơi không chỉ có vẻ đẹp tinh khôi mà còn tràn đầy lòng nhân từ và an nhiên trong mọi tạo vật; chúng giúp người đọc cảm nhận rõ nét sức mạnh và vẻ đẹp của nhân đức tin khi hòa quyện trong nghệ thuật thơ ca. Từ nghi thức "quỳ lạy Chúa trên cao" đến nhận thức "Người ở âm thầm trong tôi", tác giả đã miêu tả sự chuyển biến từ một nhận thức bên ngoài về Thượng Đế đến sự giác ngộ sâu sắc bên trong. Nhà thơ nhận ra rằng, Thiên Chúa luôn trong trái tim mỗi người, một sự hiện hữu gần gũi mà không phải ai cũng dễ dàng cảm nhận. Hình ảnh này không chỉ biểu đạt chiều sâu tâm linh, mà còn phản ánh tâm thức con người khi tìm kiếm ánh sáng từ bên trong để vượt qua những thử thách của cuộc sống.
Trong hành trình đến với Chúa, cái tôi trong thơ được dâng hiến trọn vẹn cho đức tin, cho nghệ thuật và sáng tạo. Các nhà thơ Công giáo đã liên kết hài hòa cái tôi thi nhân với cái tôi tín hữu, tìm thấy trong đức tin những phẩm hạnh đẹp đẽ của giá trị văn hóa, tinh thần – không xa lạ, mà hiện hữu trong những điều bình dị của cuộc sống thường nhật. Khổ thơ dưới đây của nhà thơ Trần Vạn Giã bộc lộ niềm tin tôn giáo, tình yêu nơi đời thường và hy vọng vào một tương lai hứa hẹn.
"Tôi tin nơi bến đợi sông chờ
Nơi tôi sống ngày mai mặt trời vẫn đến
Tin năm con cá và hai chiếc bánh
Sáng lên trong lời kinh Thánh
Ấm lên bên bếp lửa hoàng hôn
Tôi bắt chước Chúa thổi vào xương sườn vợ tôi
...
Đất mới
Trời mới
Em hãy cùng anh tin còn mùa gặt mới."
("Năm chiếc bánh và hai con cá" – Trần Vạn Giã)
Hình ảnh "năm con cá và hai chiếc bánh" gợi nhắc một câu chuyện kỳ diệu trong Kinh Thánh về phép lạ của Chúa Giê-su, khi Ngài cho một đám đông lớn được ăn no đủ. Câu chuyện này đã trở thành biểu tượng cho lòng tin, sự sẻ chia và phép màu trong đức tin Thiên Chúa, nó nhấn mạnh rằng những điều tưởng chừng nhỏ bé cũng có thể tạo ra kết quả vĩ đại khi được Chúa tác động. Câu thơ "Tôi bắt chước Chúa thổi vào xương sườn vợ tôi" trong bài chứa đựng ý niệm sâu sắc về tình yêu và sự gắn bó vợ chồng. Tác giả mượn hình ảnh Thiên Chúa tạo ra bà Eva từ xương sườn của ông Adam để thể hiện tình yêu bền chặt và thiêng liêng giữa người nam và người nữ. Cách diễn đạt này nhấn mạnh sự hòa quyện giữa tình cảm cá nhân và niềm tin tôn giáo, và, tình yêu cũng chính là một phép màu của tạo hóa. Hình ảnh tôn giáo kết hợp với đời sống thường nhật đã tôn vinh niềm tin trong những giá trị vĩnh cửu: tình yêu, gia đình và hy vọng về một tương lai tràn đầy ơn thánh.
Đức tin Thiên Chúa không chỉ là tín ngưỡng, mà còn là nguồn cảm hứng vô tận. Niềm tin ấy được khắc họa như một hành trình tinh thần, phản ánh sự đấu tranh giữa khát vọng và đau khổ, lòng cậy trông và sự cứu rỗi. Nhiều tác phẩm đã vẽ nên bức tranh đa chiều về con người trong diễn trình tìm kiếm chân lý và sự bình an giữa những biến cải thế gian, khắc họa hình ảnh Thiên Chúa vừa là ánh sáng dẫn lối vừa là tình yêu vô bờ bến dành cho nhân loại. Chính những hình ảnh này đã tạo ra một cầu nối vững bền giữa tôn giáo và văn chương, giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về đức tin và thấy được giá trị của chính mình trong bức tranh lớn của cuộc sống.
"...Tôi đứng mãi đàng xa, tít tắp
Chờ bầy chim trắng thoáng bay qua
Chúa ôi, ai nấy đều tăm tắp
Như suối, như sông chảy thật thà..."
("Ngày mai, Lễ khấn dòng" – Lê Đình Bảng)
Đoạn thơ trên của nhà thơ Lê Đình Bảng vẽ nên cảnh tượng mang tính tượng trưng về hành trình tinh thần, nơi mà lòng thành kính và đức tin Thiên Chúa được phác họa qua hình ảnh "bầy chim trắng" – biểu trưng cho sự thanh khiết, hồn nhiên và khát vọng hướng về cõi thiêng. Hình ảnh ấy được sử dụng như một biểu tượng của tâm hồn thanh sạch và khao khát thăng hoa tinh thần. Nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ tinh tế để biểu đạt niềm tin sâu sắc và bền bỉ vào Thiên Chúa, đồng thời mở ra một không gian tinh thần vô biên, nơi đức tin được hình dung là nguồn sáng và nơi an bình vững bền.
Bài thơ này nằm trong tập thơ "Và Em, Lễ khấn dòng" (Tủ sách Tuổi hoa, 2024), đây là thi tập ca ngợi tình yêu thế tục trong không gian của đạo Chúa, nơi hòa quyện hương sắc trần gian với cõi thiêng. Thơ của Lê Đình Bảng trong thi tập này phảng phất giữa đạo và đời, với những câu thơ vương vất mối tình nam nữ mà kết lại trong tình yêu Thiên Chúa:
"Lệ mùa rơi đoá Thu phong ấy
Hương ngọc lan ủ dưới gối nằm
Chợt nửa khuya, mơ hồ tỉnh giấc
Đêm thơm như là đoá từ tâm."
("Ngọc lan hương" – Lê Đình Bảng)
Dấu ấn Đạo Công giáo trong thơ đương đại Việt Nam từ 1975 đến nay cho thấy các nhà thơ đã thay đổi cách tiếp cận đức tin và các giá trị văn hóa tôn giáo. Sau Đổi mới, thơ Công giáo không chỉ miêu tả sự sùng kính Thiên Chúa mà còn phản ánh những trăn trở nội tâm trước thực tại đời sống. Các tác phẩm nhấn mạnh ý thức trách nhiệm cá nhân trong cộng đồng, qua các dòng thơ đậm chất suy tư, chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc sống và sự cứu rỗi. Những chuyển biến trong đời sống văn hóa và xã hội đã làm phong phú thêm dòng thơ về đức tin Thiên Chúa, mở rộng không gian sáng tạo. Giai đoạn này, đức tin, nội tâm và những suy tư của các nhà thơ về Thiên Chúa, không chỉ qua hình ảnh của một Thượng Đế thiêng liêng, mà Ngài còn hiện thân như một Người bạn đồng hành trong cuộc sống thường nhật của con người. Với lý trí, ý chí và tự do, con người được mời gọi hiệp hành cùng Thiên Chúa, kiến tạo một mối quan hệ sâu sắc hơn để khám phá những giá trị cao quý, thiêng liêng. Dòng thơ về đức tin Thiên Chúa từ đó được cá nhân hóa hơn, phản ánh khát vọng tâm linh một cách đa dạng và sâu sắc hơn. Thơ ca không chỉ tôn vinh niềm tin theo truyền thống mà còn kết hợp với triết lý Đông phương, mở rộng tầm nhìn.
Thiên Chúa hiện ra trong thơ, vừa là Đấng-Toàn-Năng vừa biểu tượng cho sự hòa hợp, bình an và tự do nội tại, dẫn dắt con người trên hành trình tìm về nơi bình yên, hạnh phúc. Các chủ đề về hiệp hành, tha thứ, hòa giải đã làm cho hình ảnh Thiên Chúa trở nên gần gũi và thiêng liêng, đồng thời mở ra nhãn quan mới mẻ, đa chiều cho không gian thơ.
"Có ai thương con bằng khối tình muôn thuở
Khi kiếp nhân sinh hơi thở vô thường
Từ ngàn xưa khi chưa có trời đất
Rồi đến ngàn sau...
Nào ai trọn tình thương?"
("Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" – Đình Chẩn)
Đoạn thơ trên của dịch giả, nhà thơ Đình Chẩn vừa ngợi ca tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa, vừa suy tưởng sâu sắc về kiếp người vô thường theo tư tưởng Á Đông; từ đó mở ra một không gian thơ lành thánh, nơi tâm hồn con người được ôm ấp trong tình thương bao la, trường tồn của Thiên Chúa. Câu thơ "Có ai thương con bằng khối tình muôn thuở" ngợi ca, tôn vinh tình thương vô biên của Thiên Chúa, vượt qua mọi giới hạn thời gian và không gian. Quan niệm của tác giả về "kiếp nhân sinh hơi thở vô thường" phản ánh rõ triết lý Á Đông, cho rằng đời sống ngắn ngủi, mọi thứ đều trôi qua và thay đổi.
Cũng cần phải nói thêm, Đình Chẩn là bút danh của Linh mục Giuse Trần Văn Đỉnh, người công giáo đầu tiên đã chuyển ngữ bản "Thần khúc" của nhà thơ kiệt xuất Dante Alighieri (1265-1321, của nước Ý) từ nguyên tác tiếng Ý sang tiếng Việt. Mặc dù trước ông đã có một số bản dịch tác phẩm này, nhưng cho đến nay bản dịch của ông là bản dịch đầy đủ và trung thành nhất với nguyên tác "Thần khúc" của Dante. Đình Chẩn không chỉ chuyển ngữ mà còn chú giải tỉ mỉ các đoạn khó hiểu hoặc xa lạ với văn hóa Việt Nam, đồng thời ông ghi chú chi tiết từng điển tích, tên riêng, những ám chỉ, ẩn dụ trong kiệt tác này. Đình Chẩn sinh năm 1982. Năm 2009, ông được bề trên cử sang Ý tu học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Rôma. Sau tám năm học tập ở Ý, ông đã thực hiện một số bản dịch, trong đó có tập thơ của Thánh nữ Teresa. Với kiến thức sâu rộng về Kinh thánh và văn chương Đông – Tây, Đình Chẩn đã giúp độc giả cảm nhận được cái đẹp của nguyên tác gần như trực tiếp, và vượt qua được những khác biệt về văn hóa. Bản dịch "Thần khúc" của Đình Chẩn đã đóng góp ý nghĩa lớn lao vào kho tàng văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học Công giáo.
* * *
Tôn giáo và nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, có mối quan hệ khăng khít, lâu đời, tạo nên một dòng chảy tinh thần và tư tưởng phong phú trong lịch sử văn hóa nhân loại. Từ xưa đến này, tôn giáo luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tác phẩm nghệ thuật, trong đó có thơ, khi con người tìm cách diễn đạt đức tin, những câu hỏi về sự tồn tại, và ước vọng về một thế giới lý tưởng. Ngày 4/4/1999, trong Tông thư của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II gửi các văn nghệ sĩ toàn cầu đã viết: "Tôi mời gọi anh chị em hãy khám phá lại chiều sâu tâm linh và tôn giáo, vốn là nét điển hình của nghệ thuật từ xưa tới nay dưới những hình thức cao quý nhất. Nghĩ như thế, nên tôi kêu gọi anh chị em nghệ sĩ: nghệ sĩ của chữ viết và lời nói, của sân khấu và âm nhạc của tạo hình và thông tin theo các kỹ thuật tiên tiến nhất. Còn các nghệ sĩ Kitô giáo, tôi cũng xin có lời hiệu triệu đặc biệt đối với các bạn: tôi muốn nhắc anh chị em nhớ rằng, ngoài những suy nghĩ nặng tính chức năng trên đây, ta còn thấy có một sự liên minh chặt chẽ và luôn luôn giữa Tin Mừng và nghệ thuật, nghĩa là các bạn được mời sử dụng trực giác sáng tạo của mình để đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và đồng thời, đi sâu vào mầu nhiệm con người"[17].
Như thế, ta thấy chính Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đề cao vai trò của văn chương nghệ thuật trong việc biểu đạt đức tin tôn giáo. Lời dạy của Đức Giáo Hoàng chính là sự khích lệ các văn nghệ sĩ trải nghiệm đức tin thông qua nghệ thuật.
Thơ Công giáo Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay đã trải qua giai đoạn dè dặt và bước ra cánh cửa mở rộng sau Đổi mới, thơ đã mang những đặc tính thiêng liêng của đức tin, kết hợp sâu sắc giữa đức tin và đời sống con người. Sự lan tỏa đức tin Thiên Chúa trong thơ đương đại cho thấy sức hút và sự đa dạng của chủ đề này; nó minh chứng cho khả năng biểu đạt phong phú và rộng mở của thơ ca về tâm linh và niềm tin tôn giáo. Đức tin Thiên Chúa không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng mà còn mở ra một không gian lành thánh để con người hiện đại khám phá và trải nghiệm. Thơ ca về đức tin trước hết dẫn dắt con người đến với niềm tin tôn giáo, con người có đức tin sẽ được sống cuộc sống thiện lành hơn, tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Như vậy, thơ ca Công giáo góp phần vào lan tỏa tinh thần nhân văn, khơi gợi tình yêu thương, lòng khoan dung, và mang đến niềm tin vào những giá trị tốt đẹp. Đức tin Thiên Chúa trong thơ đương đại được thể hiện như một diễn trình tìm kiếm hạnh phúc, bình an và sự hòa hợp giữa đời sống tâm linh với cuộc sống thế tục. Thông qua nghệ thuật thơ ca, các nhà thơ Công giáo biểu đạt khát vọng sống trọn vẹn với đức tin, đồng thời phản ánh những trăn trở và hoài nghi của con người hiện đại trước sự tha hóa và suy thoái của các giá trị đạo đức và văn hóa hiện nay.
Cảm thức tôn giáo, đặc biệt là đạo Công giáo trong thơ đương đại Việt Nam sau 1975, không chỉ kế thừa truyền thống văn chương Công giáo trước đó, mà còn mở rộng các hình thức biểu đạt, thể hiện mối liên kết bền chặt và màu nhiệm giữa Thiên Chúa và con người. Thông qua các biểu tượng và cảm thức tôn giáo, người đọc có thể cảm nhận những xúc cảm thiêng liêng, sâu lắng cùng khát vọng tìm kiếm ánh sáng Thiên Chúa và sự cứu rỗi. Thơ ca, bên cạnh chức năng là nghệ thuật ngôn từ, còn đóng vai trò như một nhịp cầu kết nối đời sống thế tục với thế giới tâm linh, giúp con người khám phá sự giao hòa giữa ánh sáng của đức tin và những trải nghiệm sống, nơi phản chiếu niềm vui và ân sủng từ đức tin.
(Do hạn chế nguồn tài liệu, bài viết này có thể chưa bao quát hết các tác phẩm của các nhà thơ Công giáo Việt Nam, nên rất mong nhận được những ý kiến góp ý từ bạn đọc.)
Hải Phòng, 30/10/2024
M.V.P
* Chưa biết tên của điêu khắc gia tác phẩm này. Nguồn: Facebook Linh mục Gioan X. Lộ.
[1] Xuân Ly Băng là bút danh của Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa (1926-2017). Ngài thụ phong linh mục năm 1959 tại Gia Định, từng là Giáo sư Tiểu Chủng viện Chân Phước Tự, Thủ Đức-Gia Định, Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha Trang, Tổng Đại diện giáo phận Phan Thiết. Đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó: "Thơ kinh", "Hương kinh", "Trầm tư", "Nỗi niềm", "Bài ca thương khó", "Dụ ngôn Phúc âm", "Như trầm hương", "Kinh trong thời gian", "Khúc hát ân tình", "Một vùng châu lệ", "Kinh sầu trên quê hương"...
[2] Nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) tên thật là Nguyễn Xuân Lân, là một tín hữu Công giáo. Sinh tại Tân Minh, Lạng Thương, Bắc Giang. Đã xuất bản các tập thơ: "Tiếng thông reo" (1934), "Xưa" (1941), "Tiếng sáo diều" (1939 - 1945), "Để hiểu thơ" (1956, "Thơ Bàng Bá Lân" (1957), "Tiếng võng đưa" (1957),... Và các tập truyện: "Người vợ câm", "Vực xoáy", "Gàn bát sách" (phiếm luận). Từ 1977 viết thêm "Kỷ niệm văn", "Thi sĩ hiện đại quyển 3", "Hồi ký Trọn đời cho thơ"...
[3] Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991), tên thật là Hà Triệu Anh, là một tín hữu Công giáo. Sinh tại làng Đông Bích, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Tác phẩm đã xuất bản: "Dĩ vãng" (truyện vừa, 1940), "Quê ngoại" (tập thơ, 1942), "Những vành khăn trắng" (truyện dài, 1942), "Tiếng kêu trong máu" (truyện dài, 1942), "Một chuyện tình 15 năm về trước" (1943), "Chân trời cũ"(truyện ngắn, 1943), "Hoa Xuân Đất Việt" (tập thơ,1946), "Cô gái Bình Xuyên" (truyện vừa, 1946), Cuốn sách không tên (tiểu thuyết tự truyện, xuất bản sau khi mất).
[4] Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, là một tín hữu Công giáo. Sinh tại làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Đã xuất bản: "Lệ Thanh thi tập", "Gái Quê" (1936), "Thơ Điên" (hay "Đau Thương", 1938), "Xuân như ý", "Thượng Thanh Khí" (thơ), "Cẩm Châu Duyên", "Duyên kỳ ngộ" (kịch thơ-1939), "Quần tiên hội" (kịch thơ, 1940), "Chơi Giữa Mùa Trăng" (tập thơ-văn xuôi).
[5] Nhà thơ Quách Thoại (1930-1957) tên thật là Đoàn Thoại, là một tín hữu Công giáo. Thơ của ông thường đăng rải rác trên các báo xuất bản ở Sài Gòn. Đã xuất bản tập thơ "Giữa Lòng Cuộc Đời" (1963).
[6] Nhà thơ Lê Quốc Hán (1949), là một tín hữu Công giáo, đồng thời là phó giáo sư, tiến sĩ Toán học. Đã xuất bản: "Lời khấn nguyện","Bến vô cùng", "Mạc khải", "Bất biến", "May", "Thơ trong ký ức", "Giao cảm thơ"...
[7] Nhà thơ Lê Đình Bảng (1942), là một tín hữu Công giáo. Sinh tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Đã xuất bản: "Bước chân giao chỉ" (Sài gòn 1967), "Hành hương" (2006), "Quỳ trước đền vàng" (2010), "Lời tự tình của bến trần gian" (2012), "Ơn đời một cõi mênh mang" (2014), "Kinh buồn" (2014), và các bài thơ được phổ nhạc: "Đội ơn lòng Chúa bao dung" (2012), "Lời khấn nhỏ chiều Chúa nhật" (2012), "Về cõi trời mênh mang" (2012). Ngoài ra ông còn là nhà nghiên cứu lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Đã in "Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường" (2010), và bộ sách gồm 6 cuốn, 4.088 trang in: "Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam" (2009) do ông sưu tầm, nghiên cứu... Gần đây ông xuất bản tập thơ "Và em, Lễ khấn dòng", và "Hành hương với hành hương".
[8] Đình Chẩn (1982) là bút danh của Linh mục Giuse Trần Văn Đỉnh. Ngoài sáng tác thơ, ông còn dịch tập thơ của Thánh nữ Teresa và "Thần Khúc" của Dante (Nxb. Hồng Đức, 2022)... (https://phatdiem.org/van-chuong-tho-ca/gioi-thieu-van-hoc-cong-giao-duong-dai-tho-giao-phan-phat-diem.html
[9] Nhà thơ Trần Vạn Giã (1945) tên thật là Trần Ngọc Ẩn, là một tín hữu Công giáo. Đã xuất bản các tập thơ: "Tiếng hát những người đi tới " (1993), "Tuyển tập văn chương viết về lao tù" (1973), "Hào khí quê ta" (1970), "Miên ca hòa bình" (1971), "Tình yêu đẹp như bài thơ" (1996), "Gió đưa khói bếp lên trời" (2004), "Trầm tư với lá" (2006), "Trên chặng đường thánh giá" (2006), "Lục bát Trần Vạn Giã" (2007), "Lục bát nhà quê" (2008)...
[10] Nhà thơ-nhà văn Khải Triều (1936) tên thật là Nguyễn Văn Tùy, là một tín hữu Công giáo. Tác phẩm đã xuất bản bao gồm một số tập thơ, truyện ngắn, truyện ký, biên khảo, tiểu luận... (https://vietvanmoi.fr/KHAITRIEU-saigon.html
[11] Nhà thơ-nhà văn Trần Mộng Tú (1943), là một tín hữu Công giáo. Sinh tại Hà Đông năm 1943. Là một tín hữu Công giáo. Tác phẩm đã xuất bản: "Thơ Trần Mộng Tú" (1990), "Câu chuyện của lá phong (truyện ngắn, 1994), "Để em làm gió (thơ, 1996), "Cô Rơm và những truyện ngắn khác" (truyện ngắn, 1999), "Ngọn nến muộn màng" (thơ, 2005), "Mưa Sài Gòn mưa Seattle" (tạp văn, 2006), "Thơ tuyển Trần Mộng Tú" (2009)...
[12] Nhà thơ Bùi Đức Dung (1942-2021), sáng tác với bút danh Bùi Kim Phượng, Bùi Thụy. Là một tín hữu Công giáo. Ông đã xuất bản một số tập thơ và sáng tác nhạc. (https://cdn.t-van.net/2023/01/NHUNG-NHA-THO-CONG-GIAO-VIET-NAM-HIEN-NAY.pdf
[13] Nhà thơ Dzuy Sơn Tuyền (1946-2021) tên thật là Đinh Thế Tuyền, là một tín hữu Công giáo. Ông đã xuất bản một thi tập và bài nói chuyện về đề tài Thi ca và Cầu nguyện. (https://cdn.t-van.net/2023/01/NHUNG-NHA-THO-CONG-GIAO-VIET-NAM-HIEN-NAY.pdf
[14] Nhà thơ Hàn Lệ Thu (1940-2007) tên thật là Nguyễn Thị Thu Cúc, là một tín hữu Công giáo. Bà có một số bài thơ in trong cuốn "Góp nhặt thơ Công giáo Việt Nam" (Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999) và trong cuốn "Những bài thơ Việt Nam hay lạ xưa nay" (Nxb Văn Nghệ, 2009). (https://cdn.t-van.net/2023/01/NHUNG-NHA-THO-CONG-GIAO-VIET-NAM-HIEN-NAY.pdf
[15] Nhà thơ Ngọc Tự (bút danh khác: Ninh Văn, Trần Ninh Bình), sinh 1948, tên thật là Trần Ngọc Tự, là một tín hữu Công giáo. Đã xuất bản một số thi tập. (https://cdn.t-van.net/2023/01/NHUNG-NHA-THO-CONG-GIAO-VIET-NAM-HIEN-NAY.pdf
[16] Nhà thơ Thanh Chương (bút danh khác: Thạch Ngữ, Hoài Nhân, Châu Huy Quang... 1939-2021) tên thật là Trần Quang Tịnh, là một tín hữu Công giáo. Đã xuất bản một số thi tập. (https://cdn.t-van.net/2023/01/NHUNG-NHA-THO-CONG-GIAO-VIET-NAM-HIEN-NAY.pdf
[17] Nguồn: Nhà thờ Chính tòa Giáo phận TP. Hồ Chí Minh.