Bồi hồi khúc bi ca Requiem chiêu niệm cầu hồn: văn tế các đẳng - Tác giả: Lê Đình Bảng
05.11.2024
Văn tế là một thể văn biền ngẫu, thoát ly từ thể phú Đường luật, với nội dung kể công đức, tính hạnh của người được tế và bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương. Có thể viết văn tế bằng nhiều dạng khác nhau: Tán, Từ khúc, Thi ca hoặc văn xuôi (điếu văn); tùy hoàn cảnh và đối tượng. Tế sống, tế chết, tế thần thánh. Tuy nhiên dựa vào thực tế văn học Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là các bài văn tế soạn theo qui luật Đường phú và văn tế viết bằng thể thơ song thất lục bát. So với thi phú truyện Nôm, ca ngâm thì số lượng các bài văn tế không nhiều. Song, nhờ chất lượng nội dung và giá trị về nghệ thuật hùng biện, mảng văn tế đã trở thành một trong những bộ phận hữu cơ khá đặc thù của dòng văn học Việt Nam cuối thế kỷ 18 và 19, kể cả trong sinh hoạt lễ tang, tưởng niệm, truy điệu, giỗ chạp thường nhật. Xin kể ra đây một vài kiệt tác điển hình: Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (Nguyễn Du); Văn Tế Vua Quang Trung (Lê Ngọc Hân); Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ (Nguyễn Văn Thành); Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc, Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh (Nguyễn Đình Chiểu); Văn Tế Võ Tánh Và Ngô Tùng Châu (Đặng Đức Siêu); Văn Tế Sống Vợ (Tú Xương) và Văn Tế Phan Chu Trinh (Phan Bội Châu).
Phong tục và tín ngưỡng Việt Nam thấm nhuần đạo lý từ bi, coi trọng việc hiếu sinh hiếu tử và xót thương kiếp người phù du. Hằng năm, lúc trừ tịch giao thừa, ngày tư ngày tết, tảo mộ Thanh minh trong tiết tháng Ba chung thất, là có những lễ nhạc nghi thức cúng quả để đền ơn đáp nghĩa tiền nhân tiên tổ ông bà cha mẹ đã quá vãng. Riêng rằm tháng Bảy – lễ Trung Nguyên – là ngày xá tội vong nhân. Dân gian ta có tục cúng vong hồn cô hồn bằng cách đổ cháo vào lá đa, đặt rải rác ở các bờ bụi, gò mả, đồng bãi, đầu đường xó chợ, để những hồn ma bóng quế lưu lạc bơ vơ, ít ra cũng được họp mặt lập đàn quy tập về để hưởng chút gạo tí hồ hoặc nén hương, bát nước giải oan. Cám cảnh thê lương của bốn phương trời mười phương đất, của lẽ âm dương sum họp ấy, thi hào Nguyễn Du mở đầu bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh vẫn bằng một thứ ngôn ngữ thi ca giàu có sang trọng khác vời của Truyện Kiều:
"Tiết tháng Bảy, mưa dầm sùi sụt.
Quạnh hơi may, lạnh ngắt sương khô,
Não người thay, buổi chiều Thu
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác mưa sa,
Lòng nào lòng chẳng xót xa,
Cõi dương còn thế huống là cõi âm!"
Và kết thúc như là một lời cầu nguyện hộ niệm mong được giải thoát chúng sinh.
Người Công giáo, đặc biệt là người Công giáo Việt Nam cũng chẳng đi ra ngoài cái lẽ cảm thương đáp đền vấn vương bi lụy thường tình ấy. Phụng vụ dành trọn vẹn tháng 11 dương lịch để tưởng nhớ, cầu nguyện cho Tổ tiên, cho các đẳng linh hồn còn vướng mắc, còn oan khuất, còn trông mong chờ đợi nơi lâm bô, luyện ngục. Người sống có thói quen xin lễ cầu hồn, làm việc lành phúc đức, ra nghĩa trang hương khói, tảo mộ hoặc qui tụ thân bằng quyến thuộc trong nhà để đọc kinh nguyện giỗ. Có lần cách nay không lâu, trên tờ Công Giáo và Dân Tộc, chúng tôi đã viết về chuyện này khi mạo muội giới thiệu áng kinh văn bất hủ Cảm Tạ Niệm Từ mà nhà đạo mình thường gọi là kinh "Phục Dĩ Chí Tôn" và cả phần diễn ca quốc ngữ lục bát là Kinh Cao Sang. Tản mạn đôi điều trên đây để thấy rõ xuất xứ, hoàn cảnh và dụng ý của tác giả Đặng Đức Tuấn muốn gửi gắm trong bài Văn Tế các Đẳng mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây. Cứ xem như một đồng cảm ngâm ngợi "khúc bi ca Requiem chiêu niệm cầu hồn".
Bài này có 32 liên (cặp) tức 64 câu, không kể những nhóm từ chuyển mạch (Hỡi ôi, nhớ các đẳng xưa, Thương ôi) và kết thúc (Hỡi ôi, thương thay, kinh nguyện sở cầu như ý). Để dễ thâu hội nội dung tư tưởng của tác giả, chúng tôi bố cục bài văn tế thành các phần, đoạn như sau:
Phần MỞ (THÁN – liên 1-2) Ngẫm về kiếp sống phù du, về số phận điêu linh của các đẳng mà chạnh lòng xót thương, viết ra bài văn tế này.
Phần THÂN (TÁN – LIÊN 3-26). Truy niệm công đức của những người đã khuất. Phần này được chia làm 4 đoạn:
Đoạn I (Liên 3-7). Cũng là tôi con một Chúa, cũng có xác hồn, cũng biết được lẽ tử sinh, song vì nặng lòng với tài sắc danh lợi ở cõi trần gian mà các đẳng chưa được về cõi phúc trường sinh.
Đoạn II (Liên 8-12). Thành phần xã hội, sinh hoạt đời sống, nghiệp chướng cùng những hệ lụy của thập loại chúng sinh: sĩ, nông, công, thương, y, tiều, ngư, mục...
Đoạn III (Liên 13-18). Người đời còn mải mê trong cõi hồng trần, trong vòng tục lụy dể duôi lạnh nhạt với Chúa, với cuộc sống đời sau.
Đoạn IV (Liên 19-26). Giờ khắc tử biệt ly sinh, nỗi chết chợt đến như kẻ trộm vào nhà, nào ai biết được. Trách ai kia biếng nhác, lần lữa việc tu thân tích đức. Đến khi ngộ ra cái lẽ tồn vong thì xác đất vật hèn, trắng tay đánh mất thiên đàng.
Phần KẾT (AI Liên 27-32). Thiên Chúa thẩm phán thưởng phạt chí công vô tư. Xót thương cho những linh hồn còn vướng mắc ở cõi lâm bô, luyện hình, biết cậy dựa vào đâu? Nguyện nhờ ơn Cứu Độ qua thánh lễ Misa và cầu cùng Đức Mẹ dắt dìu về quê phúc hằng sống.
Áng văn này gợi cho người đọc người nghe trong chiêm niệm nguyện thầm hoặc cuộc nhàn đàm thi phú cái cảm nhận trước hết về động cơ sáng tác và tính cách tôn giáo tâm linh của nó. Bởi tin vào Thiên Chúa quan phòng, cầm cân nảy mực như mọi "sinh hóa trụ diệt" của vũ trụ, nhân sinh; bởi nghĩ rằng dẫu có "linh ư vạn vật" thì trăm năm đời người cũng chỉ là bèo dạt hoa trôi, "sinh ký tử quy", nay còn mai mất. Hơn một lần, ở ngay buổi hừng đông của Tin Mừng mới được gieo vãi trên mảnh đất giàu tín ngưỡng tâm linh này, cha ông ta đã sớm nhận ra cái qui luật muôn đời ấy: "Ô hô, sinh nhật dĩ hoàn, mệnh chung thích chí. Khí linh đãi tận bồi hồi thuẫn thức chi gian – Than ôi, giờ chết chẳng xa/khí thiêng mong thở hắt ra còn gì! Bồi hồi, hoi hóp đang khi..." Không những tác giả nói về cái biên giới mong manh dễ vỡ của kiếp người, của cõi chết, mà còn muốn nói với chúng ta nhiều hơn về cõi sống trăm năm, đã kinh qua và đặc biệt về cõi sống vĩnh hằng đời sau của một tín hữu. Nếu thi hào Nguyễn Du – thấp thoáng qua cánh của luân hồi chỉ mới dự báo rằng "thác là thể phách, còn là tinh anh" thì linh mục – nhà thơ Gioakim Đặng Đức Tuấn đã kiên định một Hội thánh hiệp thông "xác loài người ngày sau sống lại".
Đọc, nghe, cảm và sống những ngôn ngữ chuyển tải đức Tin – lòng đạo sinh động ấy – qua bút pháp, theo mạch văn của Đặng Đức Tuấn – là ta đã bát ngát mênh mang giữa hợp lưu dạt dào của ba nguồn cảm hứng: Của quy ước điển cố, truyện tích phong phú nơi những pho cổ thư Trung Quốc; của ơn Chúa lộc Trời múc ra từ đền vàng là Thánh Kinh, ca vịnh Công giáo và của kho tàng châu báu ngôn ngữ dân tộc Việt Nam. Thơ phú, lúc này, đã là kinh nguyện, tập trung hồn vía tao phách của cổ nhân, như sử gia Tư Mã Thiên đã khẳng định. Lần đầu tiên, ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ Thánh Kinh và ngôn ngữ đời sống Việt Nam đan xen hòa quyện vào nhau: Đền lân trướng hổ, kinh lân, Đổng Tử, Sử Mã, Hữu Sằn, La Phù, Kim Cốc, Châu tùng – các đẳng, tam cừu, kinh thập giới, nghĩa mầu, Bê lem gió sóc lạnh lùng, vườn Giết, núi Ca, Thánh Giá, giấm chua, lễ Misa, ơn Cứu Thế, tay Chúa, quê vức, lửa mến tin, cây hằng sống, muôn phần thương xót, nước thiên đàng, ép xác hãm mình, lập công đền tội v. v...Ngôn ngữ nhà thờ nào có khác chi văn chương và ngôn ngữ ngoài xã hội?
Nhờ nhạc tính của chữ, tiết tấu của câu, âm hưởng của vần, lại thêm điển tích thác ngụ ý tình phụ hội vào, bài văn vừa thâm trầm hàm súc lại vừa phơi mở ra những tần số vang động mang tính cảm khái u hoài. Có tiếc thương thầm trách như thế nhân thường tình đấy. Nhưng là tiếc nhớ và trách yêu bằng giọng điệu khoan hòa thắm thiết của một người bình tâm. Rằng, hà cớ gì mà trần gian nhắm mắt làm ngơ trước tiếng vọng của đời sau vô biên? Đạo hạnh mà lãng mạn như nhịp hát tung tăng vui đùa của đồng dao trên miệng trẻ thơ Việt Nam nơi thôn ổ, sau luỹ tre xanh những đêm trăng sao vằng vặc:
"Thiên đàng địa ngục đôi quê,
Ai khôn thì về, ai dại thì xa.
Đêm về, nhớ Chúa nhớ cha,
Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn,
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi lìa xác được lên thiên đàng."
Thì ra, trong dòng chảy của văn học Việt Nam, "Văn Tế Các Đẳng" của Đặng Đức Tuấn như đã gặp gỡ "Cảm Tạ Niệm Từ", đã giao lưu với "Tứ Chung", với "Tứ Mạt Ca", đã đồng điệu với "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh", để cuối cùng, nhờ Thánh Vịnh, Thánh Kinh mà hóa thân ra sữa và mật ong, ra ân sủng nuôi sống linh hồn người ta. Tổng hợp lại, dư sức để có một mảng kinh văn đầy đủ cả giá trị về thần học lẫn nghệ thuật, phục vụ cho sinh hoạt văn hóa lễ tang giỗ chạp của nhà đạo mình, trong ý nghĩa hội nhập văn hóa.
Những ngày tháng này, lòng chớm buồn tàn thu. Vẳng nghe tiếng chuông giáo đường ngoại ô từng giọt, từng giọt ngân rung. Bồi hồi ngâm ngợi bài "Văn Tế Các Đẳng", chạnh nhớ Gia Hựu, Qui Hòa, Bồng Sơn thuở nào của cha sở Đặng Đức Tuấn. Hát se sẽ Thánh Vịnh De Profundis. Trông ra ngọn cỏ lá cây, thấy hiu hiu gió từ thung lũng đại ngàn vọng về. Abyssus abyssum vocat. Có phải đây là khúc bi ca Requiem của cõi dương và cõi âm phận người...?