Tay trắng tay đen - một cuốn sách chữa lành - Tác giả: Khánh Liên

Lan Mary
Đọc xong 262 trang sách đầu óc tôi vẫn vấn vương những câu chuyện và nhân vật thực trong sách. Tôi thấy nước mắt của những người trong trại tị nạn, tôi nghe tiếng cười khúc khích của đám trẻ ở khu vườn nhà cha, tôi nghe tiếng trống và những điệu nhảy, tôi mường tượng những hàm răng trắng và những đôi mắt lấp lánh cười, tôi thấy tình cảm của những đứa trẻ và người lớn dành cho cha Cao Gia An- một người không đến Châu Phi để tham quan mà sống cùng, buồn vui và trăn trở với dân tộc họ nên đã được những người Châu Phi chấp nhận. Gấp cuốn sách tôi không thấy ngổn ngang mà thấy an tâm bởi niềm tin Chúa luôn ở bên con người, dù là dân tộc nào, màu da nào. NGUỒN:

Hồi tháng sáu, tôi may mắn được đọc bản thảo và biết thêm một cuốn sách viết về Châu Phi. Đó là cuốn nhật ký Châu Phi với tựa sách gợi hình "Tay trắng tay đen" của linh mục, tiến sĩ, giáo sư Cao Gia An đang giảng dạy ở Roma. Đây là một cuốn sách chủ đề hoàn toàn mới mẻ và quá hay trên văn đàn, nhất là đối với văn thơ Công giáo.

Ai đó từng nói rằng, Châu Phi là một vùng đất mới mẻ và hoàn toàn xa lạ với phần còn lại của thế giới. Người ta biết chút ít về Châu Phi qua vài bộ film, vài tấm ảnh, vài tin tức- phần nhiều là tin xấu, chiến tranh, hạn hán, đói khát... và chỉ thế. Nhưng những người được đặt chân tới Châu Phi họ lại cho ta thấy một cái nhìn khác về Châu Phi, đó là cảnh sắc, tính tình, tâm hồn và cả số phận nhiều bộ tộc ở Châu Phi. Chúng sắc nét, đam mê, cháy bỏng và quyến rũ hơn những gì ta từng biết.

Như đã nói, ngoài sự biết vụn vặt ở trên, tôi thật sự "biết" Châu Phi qua cuốn sách "Châu Phi nghìn trùng" của nhà văn Isak Dinesen do dịch giả Hà Thế Giang dịch. Cuốn sách đã viết từ lâu nhưng năm 2020 mới được dịch ra tiếng Việt. Tôi biết Châu Phi nhưng là một Châu Phi xa xôi, cả về thời gian và khoảng cách. Những thứ hấp dẫn và đẹp đẽ trong cuốn sách có thể đã thay đổi, đã không còn. Dù yêu Châu Phi nhưng tôi có cảm giác mình yêu trong dĩ vãng.

Vào lúc tưởng rằng mình sẽ không còn biết thêm gì về Châu Phi nữa thì "Tay trắng tay đen" của cha giáo sư Cao Gia An xuất hiện. Như một món quà của Chúa, "Tay trắng tay đen" là một cuốn sách vô cùng mới mẻ, hiện đại, nóng hổi, cũng người thật việc thật bởi một người sống, ăn uống, sinh hoạt, giao tiếp trong lòng Châu Phi với người Châu Phi. "Tay trắng tay đen" thật sự là một cuốn sách riêng biệt, không lẫn với cuốn sách nào trên văn đàn và vô cùng nặng ký bởi những câu chuyện của chính nó. Khi đọc, ta biết thêm những thân phận người của một Châu Phi hiện đại. Họ vừa giống quá khứ nhưng cũng khác quá khứ. Họ vừa khác ta nhưng cũng giống ta. Và như mọi người dân trên địa cầu này, ai cũng phải sinh tồn, ai cũng có ước mơ, ai cũng cố gắng vươn lên và hy vọng, dù bạn da trắng, da vàng, da đen hay da đỏ.
"Tay trắng tay đen" gồm 8 chương với 50 tiêu đề, rất tiện cho bạn đọc. Bạn đọc có thể mở trang nào cũng được, đọc tiêu đề nào cũng được vì mỗi tiêu đề là một câu chuyện nhỏ. Mỗi câu chuyện nhỏ này lại chứa rất nhiều thứ lớn lao, có thân phận, trầy trật mưu sinh, nỗi đau và nước mắt, lấp lánh hy vọng và tin tưởng ở tương lai.

Thật khó để thích câu chuyện nào nhất, bởi mỗi câu chuyện đều có những nỗi niềm riêng, thú vị riêng. Bạn có thể mê tít cô bé Abigai hồn nhiên, thông minh và mạnh mẽ trong khu ổ chuột, có thể khoái những cậu bé tinh nghịch tóc xoăn, mát sáng, có thể thú vị với ông xe thồ chở cha Cao Gia An đi dự thánh lễ, muốn được nhảy múa trong một thánh lễ ở Châu Phi và mong ước ở Việt Nam cũng được như vậy, thèm một lần được tận mắt thấy cây dù gai hay cây baobap, ao ước được ngắm nhìn cảnh hoàng hôn Châu Phi và nhìn thấy một người Masai bằng xương bằng thịt chứ không phải là trên màn hình phóng sự với những câu chuyện huyền thoại về bộ tộc của họ.

Những câu chuyện tôi thích nhất là những câu chuyện trong trại tị nạn của dòng Tên mà cha Cao Gia An đã ghé qua. Những câu chuyện được nhân vật sống kể, cha viết lại, những câu chuyện cha nghe kể nhưng không thể viết và cả những câu chuyện họ không thể kể, kể cả những người còn sống hay những người không còn được nhìn thấy ánh nắng mặt trời.

Châu Phi nhiều sắc tộc và chiến tranh xảy ra liên miên bởi sự xung đột của những sắc tộc đa dạng. Vì điều đó mà thân phận người Châu Phi càng mong manh và bị tổn thương. Hết thế hệ này tới thế hệ khác không được sống bình thường, không được học hành, không được viết, vẽ ước mơ của mình mà phải chọn phe, cầm súng, chạy trốn trong trại tị nạn và không biết "đi về đâu hỡi em?". Họ có nhà và đó cũng không còn là nhà, "nhà", "người thân" chỉ còn trong dĩ vãng.

Và thật lạ, trong khu ổ chuột, trong đám bùn lầy, trong chiến tranh khói súng, trong mất mát đau thương người dân Châu Phi vẫn tin vào Chúa, vẫn hy vọng về một tương lai tốt đẹp. Người ta nói, mất hy vọng mới mất tất cả. Đằng này khu ổ chuột, đầm lầy vẫn mọc lên những bông hoa. Đó là những con người cố vượt lên hoàn cảnh, tha thứ cho số phận, tìm đến những thứ tốt đẹp: giáo dục và tôn giáo để thay đổi tương lai. Một cuốn sách viết về những thân phận "thiếu may mắn" nhưng không hề tuyệt vọng. Đọc cuốn sách ta thấy cái đẹp không những trong cảnh sắc hoang dã mà cả những con người không khuất phục số phận, quyết chí thay đổi, vươn lên. Ta tưởng rằng ở hoàn cảnh bi đát con người chỉ có hận thù nhưng không ngờ lại thấy được sự bao dung và tha thứ. Chúa ở trong họ và luôn bên họ. Chúa ở bên những thân phận người ấy.

Đọc xong 262 trang sách đầu óc tôi vẫn vấn vương những câu chuyện và nhân vật thực trong sách. Tôi thấy nước mắt của những người trong trại tị nạn, tôi nghe tiếng cười khúc khích của đám trẻ ở khu vườn nhà cha, tôi nghe tiếng trống và những điệu nhảy, tôi mường tượng những hàm răng trắng và những đôi mắt lấp lánh cười, tôi thấy tình cảm của những đứa trẻ và người lớn dành cho cha Cao Gia An- một người không đến Châu Phi để tham quan mà sống cùng, buồn vui và trăn trở với dân tộc họ nên đã được những người Châu Phi chấp nhận. Gấp cuốn sách tôi không thấy ngổn ngang mà thấy an tâm bởi niềm tin Chúa luôn ở bên con người, dù là dân tộc nào, màu da nào.

Đọc "Tay trắng tay đen" ngoài bản thân những câu chuyện quá hay, tôi còn thấy tài năng của cha Cao Gia An. Với những câu chuyện như vậy, người ta có thể thêm thắt để gợi lòng thương, hay viết hết những gì họ biết để tạo sự giật gân, hấp dẫn- thứ quá cần cho đám đông hôm nay. Nhưng cha viết bình tĩnh và tiết chế, không cần phải viết hết mà đủ gợi để người đọc tự cảm nhận, tự hiểu.

Hiện nay, sách xuất bản trên văn đàn khá nhiều nhưng sách hay thì rất hiếm. "Tay trắng tay đen" không những là một cuốn sách hay mà còn là một cuốn sách ý nghĩa. Nếu có một giải thưởng nào đó dành cho "Tay trắng tay đen" tôi thấy rất xứng đáng. Và lâu nay những bạn đọc Công giáo thường than phiền, sách hay Công giáo hiếm quá. Thì đây, "Tay trắng tay đen" là cuốn sách mà bạn nên mua đọc. Tôi đảm bảo rằng, cuốn sách này bạn không chỉ đọc một lần mà sẽ đọc thêm rất nhiều lần nữa.

Khánh Liên

Địa chỉ liên lạc:
(NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN
124/18/4B Ngô Gia Tự- Khu phố 2 Phường Thanh Sơn- TP Phan Rang Tháp Chàm- Ninh Thuận
SĐT: 0976727211
Emai: [email protected]
Số tài khoản BIDV Ninh Thuận: 61510000229310)