Sau khi Thánh Nữ Têrêsa của Chúa Giê-su qua đời, nhiều học giả đã nghiên cứu về cuộc đời ngài. Họ bất ngờ tìm thấy vài dòng lưu bút bên lề của một trang sách trong tập kinh nguyện mà ngài thường xuyên mang theo bên mình. Có thể nói, lời nguyện này đã gắn liền với những thăng trầm trong cuộc đời của thánh nữ trên bước đường thay đổi diện mạo dòng Cát Minh từ khoảng giữa thế kỷ 16. Vài dòng ngắn ngủi những ký tự được thánh nhân viết nguệch ngoạc đã trở thành lời cầu nguyện được nhiều người nhẩm đi nhắc lại trong những giây phút phong ba bão tố nhất của cuộc đời. Nhờ lời nguyện này, thánh nhân đã kiến tạo một tình bạn nghĩa thiết với Thiên Chúa và nhắc mình nhớ về hôn ước thiêng liêng với Chúa Giê-su. Trong bài cảm nghiệm này, người viết muốn học hỏi cách thánh nữ Têrêsa Avila cầu nguyện theo truyền thống Cát Minh thông qua lời nguyện "Nada Te Turbe", nghĩa là "Đừng để lòng bối rối." [1]
Đừng để lòng bối rối
Đừng sợ hãi lo âu
Phù vân sẽ qua mau
Thiên Chúa luôn còn mãi
Cứ bền tâm nhẫn nại
Tất cả sẽ ổn thôi
Có Chúa là đủ rồi
Chúa mới là tất cả!
I. Hồi tâm
Ngay từ ba dòng đầu tiên của lời nguyện, Thánh Têrêsa đã nhận thức một cách rõ ràng những hỗn loạn bên ngoài có thể dẫn đến những bối rối, lo âu và sợ hãi bên trong. Một tâm trí bị phân mảnh thì không thể hướng về Thiên Chúa, là Đấng hiện diện sâu thẳm trong linh hồn [2]. Do vậy, nguyện hồi tâm chủ động tập trung các quan năng của linh hồn quay trở về nội tâm nơi nó ở một mình, trong thinh lặng, với sự hiện diện của Chúa Giê-su [3]. Cần chú ý rằng, sự hiện diện này không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng là một cảm nghiệm rõ ràng không thể nhầm lẫn rằng Chúa Giê-su đang ở cùng linh hồn. Cha Earnest Larkin, O. Carm đã ví cảm nghiệm này như một người mù "nhận ra", trong bóng tối của mình, sự hiện diện của một người khác trong cùng một căn phòng [4]. Đối với Cát Minh, ở mức độ nền tảng nhất, cầu nguyện là tương quan hiện diện.
Không chỉ riêng thánh Têrêsa, mà các bậc thầy đời sống tâm linh như Thomas Merton và Thomas Keating đã coi nguyện hồi tâm là một khía cạnh thiết yếu ở bất kỳ mức độ nào trong hành trình tâm linh của một người [5]. Đó là nghệ thuật định tâm để "hồi ức và tưởng nhớ đến Chúa thường xuyên hơn là chúng ta hít thở."[6] Hành động hồi tưởng này soi sáng cho ta thấy rõ sự thật về bản thân và tương phản nó trước nguồn chân lý là Thiên Chúa. [7] Nói cách khác, "Domine Iesu, noverim te, noverim me." [8] Nhờ biết mình biết Chúa, con người sống và bước đi trong chân lý; Thánh Têrêsa xem đây là đức khiêm nhường thật [9] và gọi nó là "Bà Hoàng" của các nhân đức. [10] Chúa Giê-su luôn hiện diện trong tâm hồn khiêm nhường như Ngài đã từng cư ngụ trong cung lòng của Đức Maria. Thực hành hồi tâm ấp ủ một mối dây liên kết thiêng liêng tương tự: thâm tình và sâu sắc. Theo thời gian và tiến độ, khi mọi sự chuẩn bị từ phía con người không thể tiến xa hơn được nữa, chính Thiên Chúa sẽ lôi kéo linh hồn theo con đường chiêm niệm. Ở đó, linh hồn liên tục đón đợi và hợp tác với ơn Chúa.
Cầu nguyện Cát Minh thúc đẩy con người tìm kiếm Thánh Nhan giữa những bối rối, lo âu và sợ hãi. Thánh nữ Têrêsa thích hồi tâm cùng Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu. [11] Khi ngài gặp rắc rối trong đời tu (ví dụ: các cha giải tội cho rằng ngài bị quỷ ám vì những thị kiến lạ lùng), hình dung Chúa Giê-su xao xuyến làm cho ngài "bừng cháy lửa mến" và tin tưởng trọn vẹn để "ký thác hết thử thách" cho Đấng đã chiến thắng tử thần. [12] Một Giê-su khắc khổ đã nhắc nhớ và biến đổi những chán nản tuyệt vọng của thánh nữ thành niềm an ủi. Chính cảm nghiệm này cũng trở nên suối nguồn bình an cho những ai học hỏi cầu nguyện nơi vị thánh Cát Minh này. Do đó, nguyện hồi tâm trong truyền thống Cát Minh không chỉ là một bài linh thao mà còn là một thực hành mang tính biến đổi, đưa linh hồn tiến gần với Thiên Chúa thông qua sự hiện diện của Giê-su. [13]
II. Thiên Chúa bất biến
Soren Kierkegaard là một triết gia hiện sinh Kitô giáo. Từ các suy tư của ông, người đọc dễ nhận thấy một tâm thức nhạy bén và đa chiều về ý nghĩa sống vượt trên các ưu tư sầu muộn trong hành trình đức tin của một Kitô hữu. Đối với ông, đức tin và cầu nguyện là phương tiện duy nhất giúp con người đạt được điều này. [14] Kierkegaard viết: "Lời nguyện không làm thay đổi ý Chúa nhưng nhờ nó, người thỉnh nguyện được biến đổi." [15]
Thánh Têrêsa biết rằng Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Ngài nhận ra rằng lời nguyện của con người dù tâm tình cách mấy hay lý luận có sắc sảo đến đâu đi nữa, thì Thiên Chúa không bao giờ hài lòng làm theo ý con người. Thánh nhân đã khám phá ra rằng "cầu nguyện không hệ tại ở suy nghĩ nhiều nhưng yêu nhiều." [16] Yêu ở đây không phải là những cảm nghiệm ngọt ngào khi cầu nguyện, nhưng là thái độ quyết tâm và lòng nhiệt thành cố gắng làm hài lòng Chúa trong mọi việc, bằng mọi cách tránh xa những gì xúc phạm đến Ngài và cầu nguyện không ngừng cho vinh quang cũng như danh dự của Chúa và cho sự phát triển của Giáo Hội Công giáo.[17] Do vậy, người cầu nguyện, nếu dựa vào tương quan thiêng liêng để mong thay đổi Thánh ý, thì đã vô tình biến Thiên Chúa thành một ngẫu tượng chịu sự kiểm soát của con người. Trái lại, lời nguyện phải xuất phát từ lòng cậy tin nơi sự quan phòng và cảm thấy hạnh phúc với sự sắp đặt của Thiên Chúa dù thế nào đi chăng nữa. Như vậy, cầu nguyện Cát Minh là tín thác và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng đời sống và lòng biết ơn. Thánh nữ đã viết rằng "Ý nguyện của tôi là công bố cho mọi người nhận thấy lòng thương xót của Người, để Danh Người được ca tụng và tôn vinh rộng rãi."[18] Đây thực sự là đức tin của người Kitô giáo và cũng là con đường nên thánh rất Cát Minh.
Nhận thức sâu sắc của Têrêsa về Thiên Chúa thông qua nhãn quan thần học về cầu nguyện của triết gia Kierkegaard cho thấy rằng tính bất khả thụ nạn không phải là một phẩm chất thiết yếu trong sự bất biến của Thiên Chúa khi điều này được xem xét trong bối cảnh của một tình yêu muôn thuở. [19] Thật vậy, vịnh gia đã khẳng định: "muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 136,1). Những ai đã bước vào giao ước với Thiên Chúa, như dân Ít-ra-en, hoặc hôn nhân thiêng liêng, như thánh Têrêsa của Chúa Giê-su, chắc chắn đã nhận được mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu và trung tín. Qua muôn ngàn thế hệ, Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Mãi muôn đời Ngài vẫn trọn tình thương. Vậy, cầu nguyện Cát Minh nhận nguồn cảm hứng sâu xa từ lời Chúa, đặc biệt là các thánh vịnh.
III. Nhẫn
"Cứ bền tâm nhẫn nại, mọi sự sẽ ổn thôi" gói gọn một chân lý vượt thời gian và vang vọng một trải nghiệm rất con người. Thánh Têrêsa Avila đã kể lại một cuộc gặp gỡ lúc còn là tập sinh. Ngài biết một nữ tu có tuổi tại Đan viện Nhập Thể mắc phải một căn bệnh trầm kha và đau đớn. Thân thể bà mang đầy những vết loét hở làm các chị em khác cảm thấy "ghê tởm" và không dám lại gần. Do chán ăn, bà không đủ sức cầm cự và đã sớm qua đời. Bất chấp những cơn đau dữ dội và kéo dài cùng với cách đối xử lạnh lùng của chị em, vị nữ tu này đã dũng cảm sống phó thác nơi lòng Chúa thương xót cho đến hơi thở cuối cùng. Lòng kiên nhẫn của bà đã làm toát lên dáng dấp của một Giê-su khổ nạn bị bỏ rơi; và điều này khiến trái tim Têrêsa phải rung lên vì "ghen". Do vậy, khi còn là tập sinh, thánh nhân đã khẩn nài để có được đức nhẫn nại can trường như sơ nọ. [20]
Têrêsa của Chúa Giê-su đã chịu đựng vô vàn những thương đau trong suốt cuộc đời mình. Mỗi nỗi phiền sầu trở nên một hạt sỏi trên con đường thiêng liêng rất riêng của ngài và gắn kết bền chặt mối tương quan giữa thánh nhân và Thiên Chúa. Noelia Bueno-Gómez đã liệt kê chi tiết và cung cấp những phân tích sâu sắc về cuộc thử luyện là đời sống của Têrêsa. [21] Têrêsa đã phải vật lộn với nhiều căn bệnh khác nhau. Ngài đã chịu đau đớn nơi thể xác và lung lay trong tinh thần. Thậm chí, các phương thức trị liệu cũng làm thánh nữ suy yếu. Thêm vào đó, thực trạng đời tu bị thế tục hóa và những yếu đuối chưa được thanh luyện cũng làm Têrêsa phải đấu tranh nội tâm một cách quyết liệt. Ngay cả trong đời sống thiêng liêng, ngài cũng phải tìm cách vượt qua những bối rối, xáo trộn và rào cản trong việc cầu nguyện. Các thực hành khổ chế và việc tuân thủ luật dòng cùng các quy tắc tôn giáo đã phủ thêm những lớp giáp thiêng liêng để giúp ngài thăng tiến nhiều hơn trên đường nhân đức. Nhờ nhẫn nại bền tâm, Têrêsa đã biết coi đau khổ như là ấn tín của tình yêu thiêng liêng. Ngài sẵn sàng ấp ủ chúng trong lòng như mầm sống sinh trưởng hoa trái là ơn kết hiệp với Đức Kitô. Vậy, trường cầu nguyện Cát Minh là mảnh đất để ươm hạt giống của đức tin và hy vọng trong thử thách và gian nan.
Thông qua tất cả, khả năng đón nhận và ước muốn chịu khổ vì Chúa đã nén đức kiên nhẫn của Têrêsa thành một viên kim cương lấp lánh tỏa sáng. Báu vật này là bảo chứng cam kết tình yêu không lay chuyển của thánh nhân dành cho Chúa Kitô, Đấng tình quân mà ngài tôn thờ.
IV. "Chúa mới là tất cả"
Cũng như bao tiền nhân Cát Minh đi trước, Têrêsa tìm thấy ơn gọi cũng như kín múc cảm hứng tâm linh từ đấng sáng lập thiêng liêng của nhà dòng, là ngôn sứ Ê-li-a. "Đức Chúa Thiên Chúa các đạo binh, Đấng tôi hằng chầu trực" là tâm thế cầu nguyện của Ê-li-a (1V 18,15). Têrêsa cũng đã chọn phụng sự Thiên Chúa như vị cha thiêng liêng Ê-li-a bằng cách trút cạn bản thân để làm lộ ra khoảng trống cho Thiên Chúa bước vào và đổ đầy. Con đường thần bí của thánh Tê-rê-sa giải thích sự trút cạn này bằng hình ảnh "con tằm hóa bướm" trong cư sở thứ năm của Lâu Đài Nội Tâm và cảm nghiệm cận tử 4 ngày hôn mê. Các hiện tượng này được nhiều tôn giáo lớn lưu ý và gọi tên là Cái Chết Huyền Nhiệm vì có liên quan đến sự phục sinh tinh thần. Do vậy, nó có khả năng mở con người ra với những biên thùy tâm linh mới. [22] Sự chuyển hóa trong tình trạng chết đi cái tôi vị kỷ thanh tẩy linh hồn khỏi những bám chấp trần thế và đạt đến một ý thức khao khát tinh tuyền hướng về một sự Thiện hảo Tối hậu là Thiên Chúa. Ý thức này chỉ phát sinh ở nơi những người có tấm lòng trong sạch, vì Chúa sẽ cho họ thấy chính Ngài (Mt 5,8). Như vậy, Têrêsa đã nhìn ra nơi Cát Minh một lối cầu nguyện có khả năng trút cạn linh hồn. Nhờ vậy, con tim đạt đến tình trạng ý thức trong sạch, khao khát tinh tuyền, thủy chung một lòng một dạ để khiêm hạ đứng trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Ở tâm thế rất Cát Minh này, Thiên Chúa thực sự là tất cả.
Có tương quan với Thiên Chúa chưa hẳn đã trở nên bạn thân với Ngài. Satan cũng có tương quan với Thiên Chúa. Hắn đã đứng chầu trong Thiên Triều cùng quần thần các người con của Chúa (Gióp 1,6). Làm bạn với Thiên Chúa phải bắt đầu từ tình bạn với Đức Kitô (Ga 14,6). Nói cách khác, tình bạn này đã được mầu nhiệm nhập thể hiện thực hóa trong nhân tính của Chúa Giê-su. Một Giê-su đã sống kiếp con người cùng chịu nhiều đắng cay sầu muộn thì dễ kết bạn hơn một Giê-su thần học. Cảm nghiệm bằng chính cuộc đời mình, Thánh Têrêsa đã kết luận và khuyến khích: "Với Người bạn thân tình đến thế, cũng là Đấng đã đi tiên phong trên con đường đau khổ, ở bên cạnh người, ta có thể chịu đựng mọi sự. Người trợ giúp chúng ta. Người ban cho chúng ta sức mạnh. Người không bao giờ bỏ quên chúng ta. Người là một người bạn đích thực." [23] Cần phải lưu ý rằng những dòng thánh nhân dành để ca tụng tình bạn của Chúa Giê-su đã được viết lại trong bối cảnh của bí tích Thánh thể. Nơi nhiệm tích tình yêu, thánh nhân gặp gỡ và trò chuyện liên lỉ cùng người bạn đích thực của mình.
Tình bạn với Đức Kitô còn là cách sống ơn gọi nên thánh cùng với tha nhân. Mặc dù Chúa thật là tất cả, nhưng đồng thời Ngài cũng mời gọi: "vậy anh em hãy nên trọn lành như cha anh em trên trời là Đấng Trọn Lành" (Mt 5,48). Nói khác đi, Chúa không muốn con người chỉ sống cho Ngài một cách cô độc, nhưng những chứng nhân của tình yêu Kitô, đồng thời là các ơn gọi Cát Minh, phải lan tỏa "phúc ngôn" này đến những người xung quanh bằng một đời sống thánh thiện mang dáng dấp của một tình bạn nghĩa thiết với Chúa Giê-su. Khi tình bạn với Đức Kitô được xem như một biểu hiện của đời sống thánh thiện, mọi người đều có khả năng kiến tạo và nuôi dưỡng tương quan với Chúa ở bất kỳ bậc sống nào, dù là giáo dân hay tu sĩ. [24] Vậy, cầu nguyện Cát Minh đưa con người xích lại gần nhau qua một mục đích sống là nên thánh trong Đức Kitô.
V. Tạm Kết
Chuyện kể lại rằng một hôm Thánh Têrêsa gặp một cậu bé trong đan viện lúc bước lên cầu thang. Cậu bé hỏi: "Mẹ là ai?" Ngài trả lời: "Tôi là sơ Tê-rê-sa của Chúa Giê-su. Cậu là ai?" Cậu trả lời: "Ta là Giê-su của Mẹ Tê-rê-sa." Một sự kết hiệp khắng khít xuất hiện ngay từ trong cái tên của thánh nữ. Cuộc đời của Têrêsa đã được đóng ấn bởi những đau khổ mà ngài tự nguyện cam chịu chỉ vì khao khát được nên như người bạn đời của mình là Chúa Giê-su. Gương mẫu thánh thiện này tuôn tràn qua từng dòng chữ và trang giấy mà thánh nhân đã viết về một cuộc đời gắn liền với cầu nguyện và phục vụ để cải tổ dòng Cát Minh. Mục đích của những thay đổi này cũng chỉ nhằm đưa nhà dòng trở về với không gian cô tịch là mảnh đất tốt nuôi dưỡng ơn gọi cầu nguyện.
Lời nguyện "Nada te Turbe", hay "đừng để lòng bối rối" là kết tinh những bài học linh đạo nhắc nhở và ủi an thánh nhân qua bao phen thử thách. Nỗi sợ phải xa rời Chúa vì yếu đuối đã nhiều lần làm đức tin của Têrêsa phải lung lay. Nhưng nhẩm đi nhắc lại "mọi sự sẽ qua thôi," Têrêsa đã tìm cách định thần, hướng tâm và nhận ra Chúa Giê-su đang hiện diện với mình, chính Ngài sẽ xoa dịu mọi bối rối âu lo. Ngước nhìn lên cao, thánh nữ hiểu rằng Chúa không bao giờ thay đổi. Chính ngài phải là người nhận ơn Chúa để được biến đổi tự thâm tâm. Nhiều lần xin ơn đã giúp ngài nhận ra: "Cứ bền tâm nhẫn nại, mọi sự sẽ ổn thôi." Ai đã trải qua thử thách để tôi luyện đức tin thì trở thành bạn của Chúa qua gương Đức Giê-su. Có Giê-su có tất cả. "Chúa mới là tất cả." [25]
Keith Egan, một thành viên dòng Ba Cát Minh và là chuyên gia thần học tâm linh Cát Minh, đã khép lại bài tiểu luận của mình mang tên "Cát Minh: Trường Dạy Cầu Nguyện" bằng một định nghĩa như sau: "Cầu nguyện Cát Minh là để cho Thiên Chúa tạo nên trong tâm hồn mỗi người một khoảng trống yêu thương đại lượng" (a magnanious loving heart). [26] Đức Giê-su đã khuếch trương con tim của thánh Têrêsa để ngài mến Chúa và yêu người một cách phi thường. Do vậy, cầu nguyện Cát Minh là một mầu nhiệm cần phải được sống và chứng nghiệm bằng trọn cả một đời người.
[1] Bản dịch của Lm. Đình Chẩn. https://www.vanthoconggiao.net/2019/10/chua-moi-la-tat-ca-tho-thanh-nu-teresa.html 30/03/2024.
[2] Lời nguyện thời danh của thánh Augustinô: "Lạy Chúa, linh hồn con khắc khoải cho đến khi nó được nghỉ yên trong Chúa." Thánh Têrêsa đã chịu ảnh hưởng nhiều từ ngài và rất yêu thích đọc quyển Tự Thú (Confessions). X. Augustine of Hippo, Confessions, 1,1.5.
[3] Thánh Têrêsa nhận rằng phương pháp cầu nguyện này là do chính Chúa Giê-su hướng dẫn ngài (ĐHT 29.7)
[4] Earnest E.Larkin, O. Carm, "The Carmelite Tradition and Centering prayer/Christian Meditation", Carmelite Prayer: A Tradition for the 21st Century (Paulist Press, 2003), tr. 214.
[5] Earnest E. Larkin, O. Carm, "Teresa of Avila and Centering Prayer," Carmelite Studies 3 (Washington, D.C: ICS,1984), tr.203-9.
[6] GLHTCG 2697
[7] Thánh nhân đã viết: "Như tôi thấy, nếu không tìm học biết về Thiên chúa, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt tới chỗ hiểu biết về mình cho đủ. Suy niệm về sự cao cả của Người, rồi nhìn lại sự thấp hèn của ta; do chiêm ngắm sự tinh tuyền của Người, ta sẽ thấy sự nhơ nhớp của ta; suy niệm đức khiêm nhường của Người, sẽ giúp ta thấy mình còn xa đức ấy dường bao." X. LĐNT CS.I.2
[8] Lời nguyện của thánh Augustinô: "Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con."
[9] LĐNT CS.VI.10. Người bước đi trong chân lý thì nghĩ thật, nói thật và hành động chân thật; dù có vì thế mà bị thua thiệt mọi bề vẫn không nao núng. (Sen giữa lầy)
[10] ĐHT 16.1
[11] TT 9.4
[12] TT 29.4
[13] Keith J. Egan, Carmelite Prayer: A Tradition for the 21st Century (Paulist Press, 2003), tr. 7-21
[14] Soren Kierkegaard, The Prayers of Kierkegaard, Edited and with a New Interpretation of His Life and Thought (Chicago, Illinois: University of Chicago Press, 1956), tr.36.
[15] Soren Kierkegaard, Purity of Heart Is to Will One Thing; Spiritual Preparation for the Office of Confession (New York:Harper & Row, 1965-1948), Ch.2
[16] LĐNT. CS IV.1.7
[17] Sđd. CS IV.1.6-7
[18] Sđd. CS VII.1.1
[19] Thiên Chúa không thể thay đổi hoặc bị chi phối bởi bất cứ sự kiện nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ngài dửng dưng và lãnh đạm trước đau khổ của con người. Chính tình yêu Thiên Chúa đã khởi sự công trình nhập thể (Ga 3,16), ngõ hầu Con của Ngài chia sẻ sự đau khổ với chúng ta. Xem định nghĩa "Bất khả thụ nạn" trong HV Đa Minh, Thuật Ngữ Thần Học (Anh - Việt) (NXB Tôn Giáo, 2014), tr.168
[20] TT V.3
[21] Noelia Bueno-Gómez, "'I Desire to Suffer, Lord, Because Thou Didst Suffer': Teresa of Avila on Suffering", Hypatia 34, số. 4 (2019): tr. 755–76. https://doi.org/10.1111/hypa.12488
[22] Gálik, S., Gáliková Tolnaiová, S. & Modrzejewski, A. Mystical Death in the Spirituality of Saint Teresa of Ávila. SOPHIA 59, tr. 593–612 (2020). https://doi.org/10.1007/s11841-020-00763-y
[23] TT XXII.6
[24] Tara K. Soughers, "Holiness as Friendship With Christ: Teresa of Avila," Theological Studies/Teologiese Studies 72, tr. 4, https://doi.org/10.4102/hts.v72i4.3444
[25]Bản dịch của Lm. Đình Chẩn. https://www.vanthoconggiao.net/2019/10/chua-moi-la-tat-ca-tho-thanh-nu-teresa.html 30/03/2024.
[26] Keith J. Egan, Carmelite Prayer, tr. 21