(Tiểu thuyết triết học)
Người ta sợ nhất câu "Ăn cơm tấm nói chuyện triều đình", ý là người dân thì biết gì mà nói chuyện nơi thâm cung bí sử - đó là việc nhà quan, hay là giáo dân (tính cả Huynh trưởng, Giáo lý viên) thì biết gì về triết học mà bàn luận chuyện triết học, thần học cao siêu về Thiên Chúa - đó là việc của nhà thần học, cụ thể hơn là các Giám mục, Linh mục và nam nữ tu sĩ...
Các cây viết cũng sợ viết không nổi Tiểu thuyết, bởi vậy Tiểu thuyết triết học lại càng khó hơn chứ chưa nói đề tài về Thần học. Vậy mà Linh mục trẻ Tôma Hồ Hoàng Diệp lại chọn viết về thể loại này, phải chăng ngài đang "chọn chỗ đoạn trường mà đi"?!
Có lẽ như vậy thật!
Cha Diệp đã chọn con đường khó để đi, là mong mở cho các độc giả một con đường thênh thang mà gần gũi để đến với Thiên Chúa - Đấng mà mọi tôn giáo đều gọi chung là "Thượng Đế". Ngài chọn con đường chông gai để mở cho chúng ta một lối đi an toàn, tạo một con đường mòn đầy thân thuộc để đến với Thượng Đế là Cha Toàn Năng nhưng lại là người Cha Chí Ái, khác biệt với hình ảnh vị "Thượng đế" uy quyền và xa cách của các tôn giáo khác.
Để làm được điều này, tất nhiên Tác giả phải có một nền tảng tri thức vững chắc với việc vượt qua môn Triết thần của Chủng viện, ngoài ra ngài cũng là một nhạc sĩ, (đã đạt nhiều giải cao về sáng tác Thánh ca), một nhà thơ, nhà văn Công giáo. Hành trang ấy đủ cho vị tân chức Linh mục Tôma Hồ Hoàng Diệp mở đường rẽ lối cho các giáo dân của mình đi tìm "Thượng Đế Chí Nhân Chí Tình" bằng thủ pháp "kể chuyện" với nhân vật chính là cậu thiếu niên 15 tuổi mà tôi nghĩ đó chính là thời niên thiếu của ngài. Dựa trên những câu chuyện nhỏ, những lời đối thoại với bố mẹ, bạn bè và suy tư của chính mình kết hợp đọc thêm về các triết gia hàng đầu thời thượng cổ (tiêu biểu là Sôcrat, Platon và Aríttốt), cậu thiếu niên ấy đã minh nhiên sự tồn tại của một vị Thượng Đế nhân lành, chính xác hơn là Thiên Chúa chúng ta.
Và tất nhiên, phản ánh góc nhìn của một cậu thiếu niên 15 tuổi thì dễ hiểu, gần gũi chứ không hề "hàn lâm" đúng không quý bạn? Điều này làm tôi nhớ tới Chị thánh Catarina Alexandria ở tuổi thiếu niên đã chiến thắng 50 triết gia hàng đầu Ai Cập thời bấy giờ trong một cuộc tranh luận về Thượng Đế (Thiên Chúa) suốt một tuần liền. Nàng đã minh nhiên sự tồn tại của Thiên Chúa và Tình Yêu của Người dành cho nhân thế, chính vì vậy một số triết gia đã bị thuyết phục và muốn theo đạo dù biết sẽ bị bách hại, tử đạo. Dù tư liệu còn sót lại của Thánh nữ xinh đẹp này không còn nhiều, nhưng phương pháp truyền đạt và lối kể chuyện thuyết phục của nàng cũng có đôi nét tương đồng với "Ngược dòng" của Linh mục Tôma Hồ Hoàng Diệp, tất nhiên là có sự khác biệt giữa hai thời đại khác nhau tận gần 2.000 năm!
Còn sách không có chữ ký, có thể mua tại Nhà sách Đức Bà Hoà Bình, cha FA Thạch (Qui Nhơn) hoặc Vinh Kiu nhé, giá bìa 62.000đ với những ưu đãi riêng.
Trân trọng cảm ơn.