[Giới thiệu sách] Đóa thạch thảo cuối cùng của linh mục Hoàng Diệp - Tác giả: Vinh Kiu

Lan Mary
Nếu bạn muốn thưởng thức một quyển truyện dành cho tuổi Teen có nội dung lôi cuốn, kịch tính nhưng không kém phần lãng mạn, thì bạn đã tìm được rồi đó. Tiểu thuyết "Đóa thạch thảo cuối cùng" của Linh mục trẻ Tôma Hồ Hoàng Diệp là sự kết tinh những tháng năm sôi động trên ghế nhà trường mà chỉ khi có thời gian đủ dài để "tĩnh tâm" mới đủ khả năng hồi nhớ và chép lại. Với Lm Hoàng Diệp, điều đó sớm hơn chúng ta, bởi là một linh, ở tuổi ngoài ba mươi, "tâm" cha đã đủ "tĩnh", thời gian lắng đọng để cầm bút cũng đủ dài. NGUỒN:

Khúc ca buồn của những đóa thạch thảo

Nếu bạn muốn thưởng thức một quyển truyện dành cho tuổi Teen có nội dung lôi cuốn, kịch tính nhưng không kém phần lãng mạn, thì bạn đã tìm được rồi đó. Tiểu thuyết "Đóa thạch thảo cuối cùng" của Linh mục trẻ Tôma Hồ Hoàng Diệp là sự kết tinh những tháng năm sôi động trên ghế nhà trường mà chỉ khi có thời gian đủ dài để "tĩnh tâm" mới đủ khả năng hồi nhớ và chép lại. Với Lm Hoàng Diệp, điều đó sớm hơn chúng ta, bởi là một linh, ở tuổi ngoài ba mươi, "tâm" cha đã đủ "tĩnh", thời gian lắng đọng để cầm bút cũng đủ dài.

Là một tiểu thuyết dành cho tuổi Teen, hẳn độc giả ít nhiều liên tưởng đến truyện của Nguyễn Nhật Ánh - người được xem là tác giả viết về tuổi Teen xuất sắc nhất lịch sử văn học Việt Nam. Ai đó có thể có những tác phẩm đột phá, nhưng xét về độ "trường sinh" thì chưa ai vượt qua Nguyễn Nhật Ánh. Mặc dù vậy, những đột phá trong các tác phẩm dành cho lứa tuổi này xứng đáng được ghi nhận. Tôi tin rằng "Đóa thạch thảo cuối cùng" của Lm Hoàng Diệp cũng nằm trong số đó.

Lm Hoàng Diệp có nét riêng với lối văn chặt chẽ, khả năng xây dựng tình tiết gay cấn và có phần dữ dội khác biệt lối viết nhẹ nhàng, mượt mà, sâu lắng của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng cả hai có điểm chung: nét lãng mạn, với Nguyễn Nhật Ánh là sự bay bổng của một cây văn chuyên nghiệp, còn Lm Hoàng Diệp là những nốt thăng trầm của khúc tình ca người nhạc sĩ dệt nên.

Truyện sử dụng thủ pháp đảo chiều thời gian bằng cách đưa người đọc vào đoạn giữa câu chuyện, hồi nhớ tuổi thơ của các nhân vật rồi lại đưa người đọc trở về với thực tại và tăng tốc đến đoạn kết, khiến cho độc giả thấy "ngộp thở" như lùi lại một bước để lấy đà rồi chạy nước rút về đích. Chuyện tình tay ba giữa Long - Dung - Phong thật lôi cuốn bởi những tình tiết bất ngờ, liên tiếp, dồn dập hẳn khiến cho độc giả không thể rời mắt khỏi trang sách. Có những chi tiết bạn đoán ra được, nhưng có những tình tiết đoán sai sẽ làm bạn "bực dọc" và tò mò muốn đọc cho bằng hết. Đó chính là thành công của câu chuyện.

Tác giả cũng sử dụng thủ pháp "truyện trong truyện", dùng nhân vật này kể chuyện về nhân vật khác, hay kể chuyện dưới con mắt của một nhân vật chứ không phải từ góc nhìn của tác giả (người ngoài). Điều này khiến người đọc lắm lúc nhập vai vào truyện, có lúc là Phong - người yêu đơn phương; có lúc là Dung - người bị mắc kẹt ở giữa hai "crush", cũng có lúc là "Tuesday" như Long, làm "kỳ đà cản mũi" hai người bạn thân của mình. Những hình ảnh trong truyện có lúc như hiện ra trước mắt, có lúc lại như cuốn phim quay chậm. Tất cả tạo nên sức cuốn hút đặc biệt ở Tiểu thuyết này.

Tưởng chừng mô típ tình yêu tay ba thuở học trò này quá "cũ rích", thì hẳn bạn biết mình đã nhầm khi đọc "Đóa thạch thảo cuối cùng" của Lm Hoàng Diệp, bởi những nét tươi mới và độc đáo trong đó. Từ chuỗi ngày thơ ngây chỉ giành ăn, nghịch phá đến những nét e lệ khi chớm yêu được tác giả xây dựng một cách chân thật mà chỉ người trong cuộc mới có. Đoạn kết câu chuyện là sự trở về với Tình yêu lớn nhất mà con người có thể đó nhận, đó là Thiên Chúa nhân lành. Bạn có thể cũng có những tháng ngày sôi động trên ghế nhà trường, nhưng câu chuyện của bạn hẳn sẽ khác, không ai giống ai, song một điều chắc chắn là bạn khó lòng kể lại một cách lôi cuốn như Lm Hoàng Diệp, bởi đơn giản là một nhạc sĩ, câu chuyện cha kể có nốt thăng hoa, có nốt trầm xao xuyến, có trường độ dài ngắn khác nhau, dệt nên một khúc tình ca tha thiết...

Chỉ tiếc rằng nó buồn! Buồn da diết!...

Nhưng liệu vui được chăng, khi cuộc đời thường dang dở như vậy, và phải chăng "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở" (Hồ Dzếnh), hay "Bản giao hưởng bỏ dở" (Franz Schubert) lại là một trong những bản nhạc hay nhất mọi thời đại? Hãy nhập vai các nhân vật trong truyện và đồng điệu cùng khúc ca buồn của những đóa thạch thảo, bạn nhé, để hương thơm nơi tâm hồn bạn bay theo gió, tan vào cuộc sống, xoa dịu nỗi đau chúng ta đã từng gây nên cho ai đó...

Sách 268 trang cỡ phổ thông 14,5x20,5cm với giá 63.000đ thật sự rẻ.

Miễn phí ship tại Hà Nội.
Qui Nhơn có thể mua tại Toà Giám mục.
Sài Gòn có thể mua tại Nhà sách Đức Bà Hoà Bình.

Các vùng miền khác có thể đặt qua Tác giả hoặc Vinh Kiu: trên 5 quyển free ship, dưới 5 quyển phí ship 15k.