Những tâm tình trong mùa lũ - Nhiều tác giả

Lan Mary
Một điều cuối cùng này em muốn gửi đến Chị nữa thôi, đây cũng là mong ước của em từ bao năm nay. Nếu Chị nhận được bức thư này của em, thì xin Chị hãy đưa cho những người thân, bạn bè của Chị cùng đọc nhé, để họ hiểu được sự đau khổ của người dân chúng em. Và nếu các Anh Chị có yêu quý quê hương chúng em, muốn đến thăm thì xin hãy đến thăm với những làn gió nhè nhẹ, và những giọt nước trong xanh thôi nhé. Để mùa đông vẫn còn màu xám trắng của làn sương mù, để mùa Xuân vẫn là màu xanh của mầm cây, để mùa hè hoa phượng vẫn nở, ve vẫn cất tiếng và để mùa thu vẫn lãng mạn với những chiếc lá vàng rơi cùng mùi hương thơm dịu nhẹ của loài hoa sữa; hơn hết để Anh Chị có thể thấy được vẻ đẹp từ thiên nhiên và con người của chúng em. NGUỒN:

"CHẠM" YÊU THƯƠNG


"Yagi" là cụm từ "hot" trong thời gian gần đây. Đó là tên của cơn bão mạnh nhất mà châu Á ghi nhận trong năm nay đồng thời là cơn bão mạnh thứ 2 thế giới tính tới hiện tại sau siêu bão Beryl và là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.

Bão Yagi bắt nguồn là một cơn bão nhiệt đới ở phía tây Biển Philippines, đổ bộ vào Philippines rồi bắt đầu suy yếu. Tuy nhiên, do nước biển nóng bất thường ở Biển Đông, nó mạnh lên thành bão cấp 3 rồi trở thành siêu bão[1].

Nhiều nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Gió giật mạnh và mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc và tiếp tục gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng.

Qua việc thăm hỏi người thân, đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông, tôi biết được nhiều thông tin về tình hình bão lũ. Thiệt hại về người và tài sản là nhiều thật nhiều. Con số người thiệt mạng và mất tích khiến tôi bất ngờ và cảm thấy bùi ngùi thực sự.

Còn đâu nữa những ngôi nhà mà người ta tích góp để dựng xây? Còn đâu nữa tiếng nói, tiếng cười mộc mạc đượm tình yêu thương của những người dân làng Nủ nơi núi đồi Tây Bắc? Còn đâu nữa hỡi cây cầu Phong Châu thân thương gắn liền với kỷ niệm của bao người? Vì lẽ gì mà nhiều người đang trên cầu, khi chưa kịp đặt chân tới bên kia dòng sông đã qua ngay thế giới bên kia? Ôi thật buồn! Bao thứ đã bị gió thổi bay, bị nước cuốn đi xa thật xa, bị cát đất vùi lập và chỉ để lại những giọt nước mắt mà thôi.

Từ khắp nơi, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ, cứu trợ các nạn nhân của bão lũ. Nhiều đoàn xe cứ nối nhau hướng về phía Bắc với tinh thần sẻ chia. Tuy nhiên đây đó cũng có người này, người kia "lặn lội" tới gần các khu vực chịu thiệt hại để rồi lại "làm màu" để đánh bóng tên tuổi mình trước bàn dân thiên hạ là chính. Trên các nền tảng Facebook, Tiktok... nhiều clíp quay cảnh bão lũ. Phần nhiều có thể coi đó như việc cung cấp thông tin về tình hình thiên tai cho cộng đồng mạng biết. Nhưng cũng không ít Facebooker, Tiktoker đăng những điều ấy lên chỉ để câu view, câu like, kiếm tiền.

Vậy có nên chăng tìm cách làm cho mình nổi tiếng hay chủ động kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại không? Lẽ dĩ nhiên là ngoại trừ việc được người ta biết đến, việc có được hoa lợi, tự nó là hệ quả tự có của việc muốn bày tỏ và muốn lan tỏa sự đồng cảm.

Khi mà bao giọt nước mắt đã rơi, bao giọt máu đã chảy vì thương tích. Vậy ta thế nào? Ta ở đâu khi anh chị em mình đau khổ? Liệu bạn có rơi nước mắt khi nghĩ về các nạn nhân, có thấy nhói đau trong lòng hay không? Nỗi đau cùng tiếng kêu của anh chị em đồng bào mình có chạm tới sâu thẳm trái tim ta hay chăng? Hay ta chỉ là dành quá nhiều thời gian để mà "quẹt, quẹt" hay "chạm, chạm" màn hình điện thoại và sống trong không gian ảo mà thôi?

Chắc hẳn hầu hết những người đã ra đi trong cơn bão lũ vừa qua, đã và đang nghe biết cách nào đó về cơn bão nhưng có lẽ không ai ngờ rằng số phận của mình lại gắn liền với lịch sử cơn bão qua việc ra đi mãi mãi. Tuy họ không còn trên trần thế với sự hiện diện hữu hình với chúng ta nhưng ngang qua họ, thông điệp mời gọi ta vẫn mãi còn đó.

Trong lịch sử Giáo Hội, một số vị thánh được chính Chúa Kitô "chạm" tới và mang trên thân mình các thương tích của Người, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi tràn ngập ơn nghĩa Chúa, các thánh nhân đã đến với tha nhân, đã "chạm" vào nhiều người để "vui với người vui, khóc với người khóc" (Rm 12, 15), để đồng cảm, chia sẻ với họ.

Trong cuộc sống, nhất là lúc này, khi mà dư âm của bão lũ vẫn còn, ta cần để Chúa – nguồn cội yêu thương – "chạm" vào. Nhưng trước khi "chạm" vào người khác, trước tiên, ta cần "chạm" vào chính cõi lòng mình, để thức tỉnh, để tự nhắc mình rằng, thảm họa thiên nhiên phần nào là do ảnh hưởng của việc con người trong đó có chính ta không biết gìn giữ, bảo vệ môi trường, gây ra biến đổi khí hậu[2]. Sau đó ta cần "chạm" cánh cửa tâm hồn để mở nó ra. Mở lòng ra để nghe được tiếng của Chúa hiện diện nơi tha nhân đang trong đớn đau, thất vọng, mất mát. Mở lòng ra để hành động, trao gửi tình yêu thương cho người khác cách vô vị lợi [3].

Nên nhớ rằng ta được mời gọi sống liên đới mật thiết với mọi người, được mời gọi "chạm" tới nỗi đau của tha nhân để góp phần chữa lành vết thương chứ không phải thực hiện những "cú chạm" như là để xát ớt, xát muối vào vết thương làm nó rỉ thêm máu; hay như là để ngắt đi đôi cánh của chú chuồn chuồn ớt khiến nó không thể bay mà nằm im bất động.

Mấy hôm nay, tôi và bạn còn được quây quần cách nào đó để mà thưởng thức mùi vị thơm ngon của những chiếc bánh Trung Thu. Nhưng nơi đó, nhiều em nhỏ không nhà, không cửa; nhiều em bị mất đi món quà vô giá là chính cha mẹ mình; thậm chí nhiều em không còn trên cõi đời này để mà ngắm trăng, để vui vẻ đùa vui bên chú Cuội, chị Hằng. Bạn thấy sao?

"Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô [4]." Bạn biết điều đó chứ? Là Kitô hữu, nếu chúng ta không ở gần các nạn nhân, ngoài việc ra sức ủng hộ tiền tài, đồ đạc cho những vùng bị ảnh hưởng thì ta có thể làm gì được? Lời cầu nguyện cho các nạn nhân thì thật cần thiết đó bạn. Việc chay tịnh hay hy sinh nào đó dù nho nhỏ để cảm nhận được phần nào cái đói, cái rét, cái sự thiếu thốn của anh chị em mình thì cũng có giá trị đó nhé. Cùng với ơn Chúa, chính những lần như thế, trái tim ta trở nên "quả tim mới", "quả tim bằng thịt" biết yêu thương (x. Ed 36, 26).

Bão lũ đã qua đi, tình người, tình yêu thương đùm bọc giữa người với người vẫn còn mãi. Không chỉ là cái tên của một cơn bão, Yagi còn là một lời mời gọi tới bạn, tôi và chúng ta...

Vi Vu, OFMConv


THƯ GỬI NGƯỜI EM QUÊ LŨ


Chuyện tôi kể, từ lá rau, hạt cải
Chúa cho mọc lên, xúm xít cánh đồng
Có mùi nhà quê, chợ búa, bãi sông
Kẻ tưới, người gieo, bốn mùa tươi tốt

Chỉ mình Chúa, là muối men trong bột
Nấu nồi cơm to, no bụng, ấm thân
Yêu lấy đầy vơi của kiếp nhọc nhằn
Trăm nỗi, chín chiều, bao điều tất bật

Có lúc, vờ quên cơn đau, ruột thắt
Có những chiều, nghe nốt nhạc, chạnh buồn
Tội nghiệp thay, thương lứa tuổi còn son
Em, quê lũ ở cuối dòng, xa tít

Cây cầu yếu, gục đầu, trôi oan nghiệt
Xác Em đâu? Chỉ thấy lũ ngập tràn
Lũ vô tình trong bèo nước tan hoang
Có người phải đi gắp phân, bán máu

Đầu sóng chân mây,biết đâu mà đậu
Chúa gìn giữ Em trên chỗ nước nguồn
Biển có bao giờ nhiều muối, mặn hơn
Em đã trèo lên non cao của Chúa

Vẫn bặt tin Em, nhà dòng Hưng Hoá
Ôi, thế gian này, cũng đang qua đi
Cả đồng xanh vừa thắm thiết, xanh rì
Vui khấp khởi, vì đường xa đã đến

Cuống họng tôi, muốn dâng lên nghèn nghẹn
Biển và sông và lũ cứ ùa ra
Đâu thấy gì, giọt nước mắt xót xa
Đấy là đỉnh Căn Vê và thánh giá

Em chết trẻ và ra đi vội vã
Hoa cứ non tươi và lá cứ xanh
Như trái tim Em, là một phước lành
Thôi, Em nhé, đã vâng theo ý Chúa

Tới bến cảng của một miền đất hứa
Thuyền Em ra khơi, chở nặng một đời.

Lê Đình Bảng


LŨ QUÉT


Em giật mình thức dậy
Lắng chờ nghe gà gáy bên khe.
Ầm ầm nước cuốn
Đêm trở mùa, mưa lũ tràn trề.
Cuốn phăng mọi lối đi về
Bên kia, anh có yên bề nào chăng?

Nhớ ngày bé nhỏ tung tăng
Hai đứa vào rừng nhặt củi
Bên bờ khe bờ suối
Câu cá, câu lươn...
Đến tuổi lớn khôn
Cùng nhau học thêm cái chữ.
Rồi một ngày đời thay trang sử
Cha mẹ ta theo đạo Chúa trời.
Anh là người
Luôn bên em những lần đi lễ
Đức siêng năng phải đâu là dễ...

Rét mùa đông sương trắng núi đồi
Gà vừa gáy
Anh đã thức dậy rồi
Qua khe, qua suối
Tiếng gọi em dội vang lừng vách núi
Đi lễ cầu kinh...

Hôm nay, vách núi lặng thinh
Nhà anh bên ấy an bình hay không...?

Thanh Chi



BỨC THƯ GỬI CHỊ YAGI


Chị Yagi thân mến,

Trước tiên, em muốn gửi tới Chị lời cảm ơn chân thành. Bởi nhờ Chị mà dòng lệ cạn khô bao năm của em nay đã trở lại. Em tưởng rằng, những khó khăn gian khổ trước đây đã khiến nước mắt em cạn kiệt rồi chứ, vậy mà khi Chị đến đôi mắt em lại được tưới gội thêm một lần nữa.

Chị là ai, Chị từ đâu đến và Chị đến từ khi nào, em không biết, mà em cũng không đi tìm lời giải đáp ấy. Em chỉ biết đến Chị qua lời thông báo của bề trên trong giờ kinh chiều:

"Thưa các chị em, xin chị em hiệp ý cầu nguyện cho người dân Miền Bắc, đặc biệt là những người dân sinh sống dọc bên sông Cầu: từ Thái Nguyên về đến Bắc Giang, Bắc Ninh trong đó có các chị em nhà mình. Các chị cộng đoàn Linh Sơn từ người cho đến gà qué, bếp núc phải ở trên lầu hết. Nước lên tận cầu thang rồi và vẫn đang tiếp tục dâng lên nhanh chóng."

Nghe thông báo xong, chân tay em bủn rủn. Em không còn tâm trí nào đọc kinh cùng cộng đoàn. Tim đau nhói, em phải lấy tay gì chặt vào lồng ngực để kìm nén cơn đau đang cuộn trào. Chốc chốc em lại ngước nhìn lên đồng hồ, ngắm nhìn những con số. Chưa khi nào em thấy giờ kinh chiều lại kéo dài như vậy Chị ạ.

Chị ơi, Chị có người thân không ạ? Chắc là có chứ Chị nhỉ, bởi năm nào em cũng thấy những Anh Chị giông giống Chị ghé thăm chúng em mà. Chị biết đấy, gia đình là một điều gì đó hết sức thiêng liêng và nó dường như là tất cả đối với em. Nghe tin quê hương đang gặp khó khăn, lúc này em mới thực sự hiểu được cảm giác ruột gan nóng như lửa đốt là như thế nào. Việc đầu tiên sau giờ kinh chiều, em đến gặp dì giáo để xin mượn điện thoại gọi về cho gia đình. Nhưng còn sự hụt hẫng, đau khổ nào hơn khi chỉ có tiếng của cô nhân viên tổng đài đáp lại em, cùng những tiếng tút tút thật dài. Không thể liên lạc với gia đình, em như bị ngộp thở, cơ thể em không còn chút sức lực nào, em muốn ngã quỵ. Thậm chí trong vài giây phút ngắn ngủi, em còn muốn dừng lại cuộc sống này. Em không biết người thân của em đã xảy ra chuyện gì, trong đầu em hiện lên toàn những hình ảnh xấu và tiêu cực. Chị đã trải qua cảm giác này bao giờ chưa ạ?

Chị Yagi à, em ít khi lướt web lắm, chỉ thỉnh thoảng vào tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học thôi, vậy mà suốt buổi tối hôm ấy, máy tính của em chỉ hiện lên những thông tin về "Bão lũ miền Bắc". Em thấy những hàng cây đổ rạp, những ngôi nhà tan tành, những người bị gió thổi bay, những vùng đất bị "xóa sổ". Em thấy những giọt nước mắt của người dân và em cũng cảm nhận được hơi ấm nóng ấy trên má mình nữa. Có lẽ Chị cũng thấy những hình ảnh ấy chứ nhỉ?

Đang ngồi học bài nghe thấy tiếng chị bạn nghẹn ngào làm em giật nảy mình:"Các chị ơi, nhà em phải đi di tản rồi". Quay sang nhìn chị đang gục mặt xuống bàn, vai chị rung rung lên từng nhịp. Bình thường em là đứa hay nói, hay trêu bạn bè. Nhưng chẳng hiểu sao nhìn chị lúc này, em lại không thể nói được một câu gì, cũng không thể nhấc nổi cánh tay để vỗ lên vai chị mà an ủi. Trái tim em đập mạnh lắm, nó như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực vậy. Em thương chị, thương gia đình chị. Và em lo cho người thân của em cũng đang ở vùng lũ. Chẳng còn tâm trí học bài nữa, em lại lướt web để tìm kiếm chút tin tức về gia đình. Vô tình một đoạn video hiện lên, hình ảnh người đàn ông đang chèo thuyển để cứu một con chó. Khi con chó vừa bước được chân cuối cùng lên thuyền. Tưởng rằng chó và người sẽ bình an chèo vào bờ, thì sự chông chênh lại làm cho nước tràn vào thuyền. Thuyền lật, chó và người cùng rơi xuống dòng nước. Xui thay người đàn ông lại không biết bơi, ông túm vào con chó, nhưng con chó lại quá nhỏ bé so với sức nặng của người đàn ông cùng sóng nước đang cuồn cuộn. Em không muốn thấy một kết quả xấu xảy ra, tuy vậy, em lại không thể rời mắt khỏi màn hình. Vừa xem em vừa thầm cầu nguyện cho người đàn ông ấy. Em nín thở hồi hộp chờ đợi. Và em đã hối hận, vì sau đó em bị ám ảnh bởi những hình ảnh cuối đời của một người luôn đeo bám tâm trí.

Khi nhận được bài sai vào Sài Gòn học Thần học, em chẳng thích tí nào. Em chưa bao giờ sống xa nhà, lại cũng chẳng thích vùng đất mà chỉ có hai mùa mưa – nắng nhàm chán ấy nữa. Tuy nhiên vì lời khấn Vâng phục, em vẫn đi. Một năm trôi qua bình an, khi đã quen với miền đất hai mùa này, càng quen và càng hiểu Sài Gòn, thì em càng yêu miền Bắc và muốn trở về. Chưa khi nào em không nhớ về miền Bắc quê hương với bốn mùa tươi đẹp, mỗi mùa có một màu sắc riêng. Em thích mùa Đông với màu trắng xám của sương mù. Em thích mùa xuân với màu xanh lá của mầm cây, cùng những hạt mưa phùn bay bay. Em thích mùa hè với màu đỏ rực của hoa phượng vĩ, hòa chung với tiếng ve rền vang. Và hơn hết, Em thích nhất mùa thu, bởi không khí mát mẻ, cùng sự lãng mạn nhờ những chiếc lá vàng rơi và mùi hoa sữa đặc trưng. Chị ơi, cũng là mùa Thu mà sao năm nay lại tàn khốc đến thế. Lá năm nay chẳng rơi từng chiếc, có lẽ hoa sữa cũng đang phải cùng người dân oằn mình lên níu giữ sự sống, chứ làm gì con chút sự lãng mạn nào mà tỏa hương nữa?

Mà Chị có tin vào Chúa không ạ? Em thì có. Em tin là Chúa cho phép Chị đến thăm quê hương em, và em tin Ngài có lý do nào đó, mà hiện giờ em chưa thể hiểu. Nhưng em cũng tin, Ngài sẽ không bỏ rơi con cái của Ngài trong hoàn cảnh khó khăn này đâu. Bởi nhìn từ một góc độ nào đó, nhờ Chị đến mà tình thương của con người lại có dịp được bày tỏ cho nhau. Em giờ chẳng thể làm gì giúp những người dân khốn khổ ấy được, chỉ có một việc duy nhất em có thể làm cho họ đó là cầu nguyện.

Chị Yagi ơi, đến giờ em vẫn chưa liên lạc được với bố mẹ, Chị có thấy họ không ạ? Họ vẫn bình an chứ ạ? Nếu gặp, Chị nhắn với bố mẹ giúp em là liên lạc với em sớm nhất có thể để em yên tâm nhé. Em ở đây vẫn bình an và luôn cầu nguyện cho họ.

Chị này, em hỏi nhỏ xíu: Khi nào Chị về quê của Chị ạ? Khi Chị về, Chị đừng mang theo ai về với Chị nhé.
Bởi em biết Chị yêu quê hương của Chị lắm.Chị muốn mọi người đến thăm để Chị được khoe về những danh lam thắng cảnh, khoe về những chiến tích hào hùng của quê hương. Nhưng Chị có quê hương, em có và mọi người ai cũng có. Chắc hẳn Chị muốn trở về quê của Chị và mọi người cũng vậy ạ. Thế nên, nếu có ai đó đã qua đời trong "vòng tay" của Chị rồi, thì Chị cũng để người nhà họ tìm thấy thi thể họ mà an táng cho đàng hoàng Chị nhé.

Một điều cuối cùng này em muốn gửi đến Chị nữa thôi, đây cũng là mong ước của em từ bao năm nay.
Nếu Chị nhận được bức thư này của em, thì xin Chị hãy đưa cho những người thân, bạn bè của Chị cùng đọc nhé, để họ hiểu được sự đau khổ của người dân chúng em. Và nếu các Anh Chị có yêu quý quê hương chúng em, muốn đến thăm thì xin hãy đến thăm với những làn gió nhè nhẹ, và những giọt nước trong xanh thôi nhé. Để mùa đông vẫn còn màu xám trắng của làn sương mù, để mùa Xuân vẫn là màu xanh của mầm cây, để mùa hè hoa phượng vẫn nở, ve vẫn cất tiếng và để mùa thu vẫn lãng mạn với những chiếc lá vàng rơi cùng mùi hương thơm dịu nhẹ của loài hoa sữa; hơn hết để Anh Chị có thể thấy được vẻ đẹp từ thiên nhiên và con người của chúng em.

Em cảm ơn Chị thật nhiều đã ghé thăm, và kiên nhẫn đọc hết những lời tâm sự của em.

Em mến chúc Chị cùng gia đình thật nhiều niềm vui và hạnh phúc!

Cóc Hoa