Người nghèo của tôi - Tác giả: Nguyễn Bảo

Lan Mary
Một chút trùng hợp và khá thú vị khi bản thân người viết có đôi ưu tư về nội dung bài Tin Mừng Chúa Nhật 34: Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ và lời mời gọi viết về một người nghèo mà bản thân cảm nhận được. Có gì gọi là chung cho hai câu chuyện ấy? Và bởi đâu, cả hai câu chuyện lại được nối kết trong bài viết này? NGUỒN:

Một chút trùng hợp và khá thú vị khi bản thân người viết có đôi ưu tư về nội dung bài Tin Mừng Chúa Nhật 34: Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ và lời mời gọi viết về một người nghèo mà bản thân cảm nhận được. Có gì gọi là chung cho hai câu chuyện ấy? Và bởi đâu, cả hai câu chuyện lại được nối kết trong bài viết này?

Ưu tư của người viết về nội dung của bài Tin Mừng Chúa Nhật 34 là hình ảnh: Vua Cao Cả lại tự giới thiệu mình ngự trị nơi những con người nhỏ bé (cả thân xác và tâm hồn): "Mỗi lần các ngươi làm/không làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm/không làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40. 45). Như vậy, một cách minh nhiên, cùng với Vua Muôn Vua, chúng ta nhận ra sự "ngự trị" đặc biệt của Người nơi những anh em bé nhỏ. Nhưng, những anh em bé nhỏ mà Chúa muốn nói đến là ai? Chúng ta có thể nhắc đến họ như là những người nghèo, nghèo cả thân xác và tâm hồn; họ còn là những người bị bỏ rơi; họ còn là những người thiếu may mắn; họ còn là những người anh em sống cạnh ta mỗi ngày mà nhiều khi ta vô tình hay cố ý đã "khóa cửa trái tim" của ta với họ.

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có" (x. Mt 26,11). Quả thật, "nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định. Thước đo các tiêu chuẩn này và các nguyên nhân dẫn đến nghèo nàn thay đổi tùy theo địa phương và theo thời gian. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa nghèo theo thu nhập. Theo đó một người là nghèo khi thu nhập hàng năm ít hơn một nửa mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm (Per Capita Incomme, PCI) của quốc gia [1]". Còn đối với Giáo hội, cách riêng là đối với Đức Thánh Cha Phanxicô thì người nghèo luôn là kho tàng của Giáo hội: "Người nghèo không chỉ dừng lại nơi đối tượng nghèo đói, nhưng còn nơi những người bị loại trừ, bị bỏ rơi và cô lập bởi những người xung quanh, bởi kế hoạch phát triển xã hội và thể chế chính trị. Đức Thánh Cha không chỉ quan tâm đến người nghèo về điều kiện vật chất mà còn về điều kiện xã hội, kinh tế và chính trị. Đây vốn là những điều kiện căn bản và cần thiết cho việc phát triển con người toàn diện".[2]

Với bản thân người viết, ngẫm lại thấy mình thật may mắn khi có cơ hội đồng hành với những người nghèo ngang qua sứ vụ hè của Nhà Dòng tại Thái Bình. Đó là các chàng trai đặc biệt và họ bao chứa rất nhiều đặc điểm của một người nghèo đúng nghĩa.

Trước hết, các chàng trai này cùng sống trong một môi trường hết sức đặc biệt: không có người thân, không tự chủ về kinh tế, không tự chủ về sức khỏe và ngay cả về trí tuệ (tạm gọi là những người bị thiểu năng). Người viết đã tận mắt chứng kiến phần nào cuộc sống của những người này. Hơn thế nữa, người viết đã được đồng hành và lắng nghe các câu chuyện cuộc đời của họ: theo ngôn ngữ nào đó thì họ có thể "tàn nhưng không phế". Đó là lý do tại sao Giáo hội và cách riêng là Đức Thánh Cha Phanxicô luôn ưu tư cho mọi tầng lớp người nghèo vì ngài nhận ra nơi họ hình ảnh của Đức Kitô Nghèo Khó và cư ngụ nơi những người anh em nhỏ bé. Cuộc đời và những câu chuyện của họ nhiều lúc trở nên những nền tảng kinh nghiệm cho đời sống của chúng ta.

Sống chung với nhau, dưới sự hướng dẫn của các Thầy, họ thích nghi dần với những nội quy hẳn hoi: thức dậy đi Lễ sáng; quét sân; ăn sáng; phụ làm rau; tập thể dục; đi cắt cỏ cho cá, cho trâu; tự rửa chén bát sau các bữa ăn; nhắc nhở nhau làm việc; cùng nhau lần chuỗi Mân Côi sau cơm tối. Ôi lạy Chúa, những công việc này sao mà thánh thiện vậy? T [3], một trong số họ nói với người viết rằng: "Thầy biết không, những công việc này chúng con làm đều đặn, như bây giờ là tốt lắm rồi đó, chứ trước đây tùm lùm lắm".

Trong số các chàng trai mà người viết có cơ hội đồng hành, chỉ có vài người là có khả năng nói chuyện và trao đổi ở mức bình thường. Do vậy, cùng một câu chuyện nhưng luôn được "tam sao thất bản" sao cho phù hợp và có lợi nhất cho họ khi trình bày. Nói chung, khi gặp người viết, người này nói về người kia, người kia lại nói về người nọ... phản ánh đâu đó việc muốn được quan tâm. Thật vậy, như đã nói ở trên, những chàng trai này mặc lấy sự nghèo đúng nghĩa và tâm hồn họ cũng thiếu thốn sự quan tâm của người khác. Dù có hạn chế về trí tuệ, nhưng họ vẫn biết chưng diện khi có các đoàn ghé thăm và sinh hoạt. Bằng mọi cách, họ tìm đến các vị khách như là người thân của họ vì họ thiếu sự yêu thương và quan tâm của những người thân thiết trong gia đình. L chia sẻ: "Thầy biết không, mỗi lần đi gặp đoàn là mỗi lần tụi con có niềm vui, vì người ta hay cho quà, lâu lâu cho tiền và thăm hỏi hoàn cảnh, và chúng con như được quan tâm ấy". Đó là thái độ của nhóm tạm gọi là tỉnh táo, còn nhóm "mơ màng" thì không đủ sức để tương tác, không đủ sức để chia sẻ bất cứ điều gì. Với họ, khách hay không khách cũng như nhau, có thêm cái ăn cái uống là vui vẻ rồi.

Một vài trong số họ: L, K, H... sống cuộc đời trong vòng tròn của sự luẩn quẩn: đi ra đi vào, nằm, ngủ, chơi, nói gì làm đó. Thế giới riêng của họ cũng chỉ là những đồ dùng cá nhân của riêng họ mà suốt ngày họ cứ dọn ra và xếp vào. Những gì họ tương tác với người viết chỉ là "Vui, ngon lắm", gật đầu và lắc đầu. Sự cô độc tưởng chừng sẽ nghiền nát họ nhưng lạ lùng thay: họ vẫn có niềm vui riêng cho mình và niềm vui dành cho nhau. Những trận bóng mỗi chiều là sân khấu của đủ thể loại diễn xuất, cảm xúc: kẻ hào hứng, người vô hồn, kẻ chủ động, người thụ động, chỉ vui và cười chứ không có nỗi buồn vì thua trận. Nhiều khi xem các cậu chơi với nhau, người viết lại thấy mặt tối của chính mình: sân chơi là sân khấu của niềm vui thế mà nhiều khi người viết đã đẩy nó lên cao trào của sự đòi hỏi, của sự hơn thua...

Một ngày dài khép lại sau rất nhiều công việc, nhưng người viết luôn được củng cố bởi việc lần Chuỗi Mân Côi chung của họ. Có lẽ, họ không thấu hết các điều họ đọc nhưng Chúa và Mẹ lại thấu tỏ cách tường tận. Không nhiều lần người viết đọc Kinh chung với họ, nhưng mỗi khi có cơ hội, người viết hòa vào không gian ấy. Một không gian đại đồng đúng nghĩa, một môi trường của sự Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ rõ ràng. Khi không có cơ hội đọc chung, người viết hay gọi riêng cậu T, để cùng lần 1 chục kinh với cậu. "Thầy biết không, con cũng yêu mến Đức Mẹ lắm đó. Con đọc kinh và cầu nguyện cho mọi người". Tâm tình quá đỗi đơn sơ, chân thành và đầy lòng mến.

Người nghèo ở bên cạnh chúng ta mỗi ngày và mỗi giây phút và họ là những người bé nhỏ, những người đáng để chúng ta phải quan tâm, yêu thương và chia sẻ. Vì như Chúa đã nói: "Điều gì anh em làm hay không làm cho họ là anh em làm hay không làm cho chính Ta vậy" (x. Mt 25). Như thế, tất cả chúng ta, không phân biệt bất cứ ai, cũng đều được mời gọi để thông chia tình yêu mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa cho những người nghèo của Đức Kitô.

"Dựa trên nền tảng Kitô học - Đức Kitô trở nên người nghèo và gần gũi với người nghèo – Đức Thánh Cha mong muốn Giáo hội hiện tại là Giáo hội nghèo và cho người nghèo. Về sứ vụ của Giáo hội, Đức Thánh Cha không đóng khung Giáo hội vào những không gian riêng tư nhưng mở ra với cuộc sống xã hội trong việc phục vụ người nghèo, những người bị loại trừ và bị ngược đãi" [4]. Sứ vụ của Giáo hội đã quá rõ ràng, ưu tư của người viết cũng không còn "ẩn giấu", chỉ xin cho tình yêu của Ba Ngôi đổ tràn tâm hồn người viết, ngõ hầu những gì người viết đã ưu tư, những gì người viết đã ấp ủ được "sinh ra" như quà tặng cho trần gian, cách riêng cho người nghèo và cách đặc biệt hơn cho các chàng trai mà người viết nói đến trong bài viết này.

Nguyễn Bảo

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nghèo, truy cập ngày 08.08.2024

[2] http://gpphanthiet.com/index.php/vi/news/chuyen-de/cai-ngheo-theo-tam-thuc-cua-duc-thanh-cha-phanxico-8760.html

[3] Trong bài viết có nhắc đến tên của một số người và đều dùng biện pháp viết tắt, nhằm bảo vệ uy tín và danh dự cá nhân của các nhân vật được nhắc đến.

[4] http://gpphanthiet.com/index.php/vi/news/chuyen-de/cai-ngheo-theo-tam-thuc-cua-duc-thanh-cha-phanxico-8760.html