Lửa Mến - ngọn lửa nung nấu lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
Trong kho tàng ngôn ngữ riêng của nhà đạo mình, vẫn có đấy, một số từ ngữ rất đặc thù, chỉ có người trong nhà mới hiểu một cách trọn vẹn. Chẳng hạn: "đi đàng nhân đức, của nuôi phần rỗi, bõ ngãi trong nhà, của ăn đàng, làm chứng dối, bằng lòng chịu sự khó cho nên, nhịn nhục bằng lòng, vâng lời tối mặt, nhân đức khó khăn, khốn nạn, giữ mình sạch sẽ, mê dâm dục, viếng kẻ liệt lào, chối Chúa, mở dậy kẻ mê muội, chuộc kẻ làm tôi, ăn năn tội cách trọn, ăn mày các phép...". Nhiều không sao kể hết. Đa phần, chúng nằm trong kinh sách đã có lịch sử mấy trăm năm, cụ thể là ngay từ khi đạo Chúa mới du nhập thế kỷ XVI, XVII. Nhưng trải qua va chạm, chung đụng với thế giới ngôn ngữ giao tiếp đời thường, với văn học nghệ thuật, đã có một gặp gỡ, trao đổi chung, bão hoà. NGUỒN:
1.
Trong kho tàng ngôn ngữ riêng của nhà đạo mình, vẫn có đấy, một số từ ngữ rất đặc thù, chỉ có người trong nhà mới hiểu một cách trọn vẹn. Chẳng hạn: "đi đàng nhân đức, của nuôi phần rỗi, bõ ngãi trong nhà, của ăn đàng, làm chứng dối, bằng lòng chịu sự khó cho nên, nhịn nhục bằng lòng, vâng lời tối mặt, nhân đức khó khăn, khốn nạn, giữ mình sạch sẽ, mê dâm dục, viếng kẻ liệt lào, chối Chúa, mở dậy kẻ mê muội, chuộc kẻ làm tôi, ăn năn tội cách trọn, ăn mày các phép...". Nhiều không sao kể hết. Đa phần, chúng nằm trong kinh sách đã có lịch sử mấy trăm năm, cụ thể là ngay từ khi đạo Chúa mới du nhập thế kỷ XVI, XVII.

Nhưng trải qua va chạm, chung đụng với thế giới ngôn ngữ giao tiếp đời thường, với văn học nghệ thuật, đã có một gặp gỡ, trao đổi chung, bão hoà.

Riêng trường hợp "mến Chúa", "mến thánh giá" là cả một chuyện dài nhiều tập rất lý thú để luận bàn cho ra lẽ. Xin lỗi các Chị dòng Mến Thánh Giá. Theo suy nghĩ (có thể là dông dài) của kẻ viết bài này. Mến, chỉ là cách nói và viết để "chữa cháy", để "chữa", để "tránh" từ "yêu" của nhà đạo mình. Mến Chúa và yêu người, xét về ngữ nghĩa, chỉ là một từ để phiên dịch amo, amare, amor, aimer, love. Mến Thánh giá là yêu Thánh giá, rõ ràng lắm rồi, không chạy đi đâu được. Vì thế, nói và viết "yêu" Thánh giá, với lối suy nghĩ đạo đức của nhà tu thì nghe rất phản cảm, phàm hèn và có vẻ dung tục, thế gian, xác thịt lắm. Nên phải "chữa cháy" đi, "yêu" thành ra "mến". Đọc và nghe, thấy êm tai, lành thánh, đạo đức, tu trì, đạo hạnh, đàng hoàng, đúng đắn hơn. Đáng lẽ, các miền dòng Mến Thánh Giá trên cả nước ta cứ vô tư đi, cứ tự xưng mình là "dòng yêu thánh giá" đi, có ai thắc mắc gì đâu? Khổ thế. Ngôn ngữ Việt thiệt là rắc rối, lắm điều, nói và viết một đàng, hiểu một lẽ! Chợt nghĩ mà tội nghiệp ông tổ là đấng sáng lập, đức thầy gốc Tây, Lambert de la Motte (1624-1679). Nhớ xưa, mở Công đồng Đàng Ngoài, Phố Hiến và lập ra dòng Mến Thánh Giá tiên khởi năm 1670 ở Kiên Lao, An Chỉ và Bái Vàng, ngài cũng chỉ nghĩ đơn giản là nó xuất phát từ verbe "aimer" thôi, chỉ gói ghém trong cái ý tưởng" yêu sự đau khổ" như Chúa Giêsu trên Thánh Giá thôi. Nào ngờ, nó đã trôi dạt bồng bềnh ra thế này? Các Chị em nhà ta đáo để thiệt, đã lèo lái "aimer" thành ra "mến"; "yêu thánh giá" thành ra "mến thánh giá". Thôi, thì cứ để cho gió cuốn đi. Chuyện đã hơn 300 năm (1670-2024), đã quen mắt, quen miệng lắm rồi.

Báo chí Công giáo Việt Nam, kể từ buổi đầu mới hình thành (26.11.1908) với tờ tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (Semaine Religieuse) có truyền thống yên ả, chừng mực, không chạy theo nhu cầu thị hiếu của thời cuộc. Chỉ "vì lòng ái mộ danh Cha cả sáng, cùng ước ao con nhà Annam ta mọi nơi đâu đó đều đua nhau, tấn tài, tấn đức...cho thông phần đạo và ngoan việc đời, nhựt trình này lập ra và có ý gieo tin lành trong vườn Hội Thánh, cho mọi người mọi nơi đều đặng nhờ ích lợi cho phần hồn, phần xác mọi bề".

Nhưng, từ thập niên 1960 trở đi, trước những biến cố trọng đại của Giáo hội:

- Sự thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (11.1960).

- Công Đồng Vaticano II (1962).

Các Văn kiện quan trọng có liên hệ đến giới truyền thông:

- Sắc lệnh Inter Mirifica (4.12.1963).

- Hiến Chế Lumen Gentium (1964).

- Tuyên Ngôn về Giáo dục Ki tô giáo Gravissimum Educationis (1965).

- Sắc Lệnh về các tôn giáo Nostra Aetate.

- Hiến Chế Gaudium et Spes.

- Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng Evangelii Nuntiandi (1974).

Báo chí Công giáo đã có từng bước chuyển mình đáng kể, đã đặt thành những vấn đề nhức nhối, gai góc, cấp thiết trước yêu cầu của thời đại. Có thể, kể tới sự xuất hiện hàng loạt của các tờ báo với những vấn nạn nóng hổi: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (1960); Trái Tim Đức Mẹ (1960) của cha Phan xi cô Minh Đăng; Đức Mẹ La Vang (1961) của cha Phao lô Nguyễn Kim Bính; Thẳng Tiến (1961) của cha Phan Văn Thăm; Người Mới (1962) của Đỗ Sinh Tứ và Phạm Đình Khiêm; nhật báo Xây Dựng (1963) của cha Nguyễn Quang Lãm; nhật báo Hoà Bình của cha Trần Du (1966). Đặc biệt, tờ Sống Đạo (1962), cơ quan ngôn luận của những "người Công giáo tiến bộ", mong muốn cải tổ giáo hội theo hướng của Công đồng Vatican II và các tạp chí do người Công giáo chủ trương như: Đại Học, Đất Nước, Bách Khoa, Hành Trình... Trong bối cảnh sôi bỏng ấy, Lửa Mến, nguyệt san cổ vũ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ra đời, góp tiếng nói với công chúng.

2. Người đứng mũi chịu sào cho tờ báo này, là linh mục Phê rô Phạm Tuấn Tri. Nay, nhân tháng 6 kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng tôi muốn nhắc lại công sức của Ngài để ghi nhớ một tấm lòng không mệt mỏi, suốt 47 năm (2010-1963) giữ vững ngọn lửa nung nấu lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu qua tờ báo Lửa Mến. Đây là một trong những kỷ lục về thời gian cầm cự để tờ báo sống còn, phát triển, từ cơ quan ngôn luận hạn hẹp của giáo phận Vĩnh Long lan rộng ra khắp các họ đạo trên cả nước.

Được biết, Lửa Mến ban đầu, là tờ báo của tỉnh lẻ Bến Tre toà soạn đặt tại địa chỉ số 13/9 Hùng Vương, Thị Nghè, Gia Định và chỉ lưu hành nội bộ. Năm 2005, trụ sở đặt tại nhà thờ họ đạo Tân Định và phát hành rộng khắp các giáo xứ. Tài liệu của họ đạo Bến Tre, giáo phận Vĩnh Long ghi nhận cha cố Phê rô Phạm Tuấn Tri sanh năm 1918 tại xã Đại Phước, thuộc họ đạo Bãi Xan, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 1944, chịu chức linh mục và sau đó là giáo sư tiểu chủng viện Vĩnh Long. Năm 1945, được đức cha Phê rô Maria Ngô Đình Thục bổ nhiệm làm cha tuyên uý Gia Đình Phạt Tạ (GĐPT) thay cho người anh là cha Phê rô Phạm Tuấn Binh qua đời vì bệnh. Trong suốt 10 năm(1946-1956), cha Phê rô đã xin phép đức cha giáo phận Sài gòn, đức cha giáo phận Cambodge, đức cha Cần Thơ ban phép cổ vũ "Tôn Trái Tim Chúa làm vua và truyền bá việc Phạt Tạ trong các họ đạo". Thành quả trong 10 năm, cha Phê rô đã tổ chức Đoàn Thể Phạt Tạ trong:

- 43 họ đạo thuộc giáo phận Vĩnh Long.

-28 họ đạo thuộc giáo phận Sài gòn.

- 27 họ đạo thuộc giáo phận Cần Thơ, Long Xuyên .

- 6 họ đạo thuộc giáo phận Cambodge.

Và đến ngày 16.5. 2010, Cha đã ra đi, an nghỉ trong Chúa. Ngày 19.5.2010, thánh lễ đồng tế an táng được cử hành trọng thể tại quê nhà, do đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân chủ tế. Trong bài giảng lễ, đức cha đã ngợi ca cha là một cây đại thụ của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ sống mãi trong đời sống đức tin của người Công giáo các giáo phận miền sông nước Cửu Long.

Hiện nay, Lửa Mến vẫn được các thế hệ kế thừa tiếp tục con đường Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri để lại.