Góc nhỏ tâm hồn - Tác giả: Trung Khúc
17.04.2024
Mặt trời đã ló dạng, tôi và Cha cùng đón những hơi ấm của tia nắng ban mai nơi chiếc ghế dài vốn đã xưa cũ. Bàn tay Cha đầy những nếp nhăn và giường như chẳng thể nắm chặt lại. Mọi người vẫn thường nói, khi một đứa bé chào đời, đôi tay nó thường nắm chặt để giúp chúng cảm thấy bình an. Khi tôi nắm lấy bàn tay ấy, bàn tay đã trải qua gần hết kiếp người, tôi chẳng thể tìm ra sự tương đồng nào khác nữa, cho bằng là bản chất của chúng. Bàn tay cha giờ đây chẳng còn chút sức lực và giường như không thể nẳm chặt những thứ cha muốn.
Như thường ngày, nơi đây luôn xuất hiện nhiều chủ đề được đem ra thảo luận không hồi kết, cho tới khi mặt trời lên cao như hồi chuông báo thức cho sự say mê của hai Cha con.
Hôm nay, tôi nắm lấy tay Cha và hỏi: "Thưa Cha, đến tuổi này điều gì khiến Cha cảm thấy hạnh phúc nhất?".
Mặc dù sức khỏe không còn tốt, nhưng khi nghe câu hỏi từ một chú ứng sinh, Cha dùng hết sức lực để quay lại nhìn chằm chằm vào tôi, khoảnh khắc mà tôi chẳng thể nào giải mã được.
Cha trả lời với giọng yếu ớt: "cho tới bây giờ, điều làm Cha hạnh phúc nhất là đã trung thành và tin tưởng vào Chúa".
Cha nhớ lại, ngày xưa lớp Cha có 12 anh em đồng chí hướng, bước theo con đường ơn gọi. Nhưng, hoàn cảnh đã hòa mình với thời gian đem đến cho cuộc đời những bước ngoặt của sự chọn lựa. Sau biến cố lịch sử ấy, tất cả anh em phải trở về gia đình, cùng lao động và phải tạm gác lại con đường dâng hiến. Mỗi ngày qua đi, tin tức thông báo về việc quay lại Chủng viện để tiếp tục chương trình tu học cũng chẳng có chút hồi âm. Sự trông ngóng và tâm trạng không khi nào được yên đã dần bị thay thế bởi sự tất bật và lo lắng cho cuộc sống.
Bao nhiêu năm bên gia đình là bấy nhiêu năm cha vùi mình vào lao động, với chút hy vọng còn le lói, chút mong ước còn sót lại sau bếp than hồng nay đã dần tàn tro. Những giờ kinh vội vã mỗi khi được nghỉ tay chân, một lời dâng ngày và dâng đêm vắn tắt như minh chứng cho sự khao khát ấy, dù dòng đời luôn lắm cuồng quay. Thời gian trôi đi, khi vùi trong bếp mà chẳng còn tý than hồng nào để sưởi ấm những tâm hồn mong mỏi, thôi, đành phải ra đi, dù lòng còn vấn chút vương, đó là suy nghĩ của nhiều anh em trong lớp.
Có lẽ, tìm cho mình một người để yêu thương, chăm sóc, cùng nhau xây dựng tổ ấm là chút nào đó sống đúng với tâm tình của cha giáo đã từng nói với lớp: "Rồi mai đây, anh em sẽ trải qua nhiều khó khăn, sẽ đối diện với muôn vàn chọn lựa. Nhưng anh em hãy suy nghĩ và chọn cho mình điều mang lại cho anh em bình an. Khi đạt được điều ấy, Cha tin chắc rằng, anh em sẽ bước đi với lòng đầy tin tưởng và hạnh phúc để làm rạng danh Đức Ki-tô trong mọi chọn lựa".
Đã có vài anh em trong lớp từ bỏ, con đường vốn dĩ có lớp sương mù dày đặc, mà không biết đến khi nào mới tan. Không biết bao nhiêu lần Cha lạc mất trong lớp sương mù tăm tối đó, chỉ để mong tìm kiếm một chút mảnh ghép cho hình ảnh của sự hy vọng, của sự khát khao ơn gọi dù có chăng là mờ nhạt.
"Đã có bao giờ Cha nghĩ tới việc lập gia đình không"? tôi hỏi.
Cha vào chủng viện từ lúc rất nhỏ, dù chưa ý thức trọn vẹn về con đường tu trì, nhưng, thời gian ở chủng viện, được quý Cha dạy dỗ, yêu thương, Cha dần yêu Chúa tự khi nao. Chính cái nền của ngôi nhà thiêng liêng được vun công cày xới đã giúp Cha ý thức trọn vẹn về bản thân và bậc sống của mình. Dẫu biết rằng, phận là con người ai cũng có những yếu đuối và tìm kiếm những gì dễ dàng đạt được, Cha đã trải qua một đêm tối dài ảm đạm, nhiều lúc đã dừng lại, nhưng thật may mắn là Cha đã có Chúa, cùng Chúa tiến bước.
Trước những khó khăn, thử thách chúng ta có thể cho phép bản thân được dừng lại. Dừng lại để tâm mình được tĩnh, dừng lại để lòng không động và dừng lại để ta biết ta cần gì. Cha đã từng có những lúc như thế, Cha đã dừng nhưng không lùi, hoàn cảnh ấy như tiếp thêm động lực giúp Cha tiến xa hơn, đến ngày hôm nay. Dừng để rồi lại bắt đầu .
Cha nhìn tôi với ánh mắt long lanh như chứa cả đại dương của tình thương bao la mà cố truyền đạt hết những gì có thể: Một chú ứng sinh – bước đầu cho hành trình dâng hiến, chính là lúc con xây dựng nền tảng cho ngôi nhà thiêng liêng, điều con sống lúc này chính là giá trị của mai sau. Chúng ta được sinh ra trong thế giới của tri thức, của vật chất, chúng ta dần dành cả cuộc đời để tìm kiếm nó. Về già ta lại trở về lúc ban đầu – khi ta chưa có gì trong tay – thời khắc mà ta được sinh ra với thế giới này với hai bàn tay cố nắm lại. Rồi giờ đây, Cha cố nắm giữ chút ít của sức khỏe, hạnh phúc và cả nỗi cô đơn, mặc dù Cha biết rõ không bao giờ Cha sẽ giữ nó mãi bên mình. Chẳng có gì là mãi mãi, CHỈ có CHÚA mới cho con được mãi mãi ở với Ngài. Các môn đệ xưa đã hăng hái ra đi thế nào thì con cũng phải xin cho được điều ấy, sự hăng hái trong Đức Ki-tô Tử Nạn – Phục Sinh.
...những tia nắng dần trở nên nóng gắt, tôi dìu cha vào phòng, để ngài nằm nghỉ bên chiếc giường y tế. Tôi quay trở lại bàn – dành riêng cho các chú trong việc học tập nếu cần, tách cà phê mà tôi pha vội trước khi đi tham dự Thánh Lễ vẫn đang nằm đó, tôi thả hồn miên man giữa những nỗi ưu tư trong tâm hồn mình.
Vị đắng của cà phê làm cho tôi ý thức hơn về thực tại, về những gì tôi đã, đang và sẽ đối diện. Muốn chắt lọc được ly cà phê ngon, chính những hạt cà phê phải được nghiền nát, phải chấp nhận độ nóng của nước, để rồi cùng hòa làm một và đem lại cho người thưởng thức ly cà phê thơm ngon. Tôi ngẫm suy, và cho rằng cuộc đời mình tốt nhất nên như vậy. Tôi muốn mang Chúa đến với mọi người, tôi muốn tất cả khi đến với giáo xứ luôn cảm thấy vui vẻ và bình an, mỗi người sẽ nhận được thứ mà họ luôn tìm kiếm cho nội tâm của chính họ. Đó là ước mơ của tôi, một ước mơ sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, dẫu cho là cuộc đời này. Tôi hiểu rõ điều đó, vì chẳng phải Đức Ki-tô đã từng nói: "ai hy sinh mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ giữ được mạng sống ấy" sao.
Không ai có thể cho điều mà mình không có, điều mà tôi luôn tâm đắc trong lòng, không thể đem Chúa đến với mọi người nếu trong tôi không có Chúa, và tôi chẳng thể đem lại cho mọi người sự bình an hay hạnh phúc mà tôi đã từng ước mơ, nếu chính tôi không tìm được điều ấy trong Chúa Ki-tô.
Hành trình dâng hiến là hành trình của đau khổ nếu tôi cứ mãi sống cho chính mình, không bao giờ biết trao ban. Hình ảnh cha già nằm bên chiếc giường, đã từng dấy lên trong tôi sự lo âu khi về già, nay đã được thay thế bằng sự can đảm tiến bước và sự xác quyết hơn trong ơn gọi dâng hiến. Từ trước đến nay, tôi đã thổi phồng cho chính sự đau khổ mà mình đã trải qua, sẽ chẳng ai chịu nhiều đau khổ như mình, là điều tôi thường đinh ninh.
Cuộc sống vốn dĩ êm đềm, nhưng có được điều đó, phải có những con người biết đón nhận cuộc sống như vốn dĩ nó là. Trải qua đau khổ, chúng ta mới thấy được giá trị của hạnh phúc. Trải qua sự lìa xa chúng ta mới trân trọng những giây phút gặp mặt, chuyện trò. Người cha già đã từng có cuộc sống êm đềm như thế, Ngài đã chấp nhận những sóng gió của cuộc đời, những đau khổ, trái ngang để rồi vẫn một lòng kiên tâm bước theo lời mời gọi của Chúa. Trải qua hành trình dấn thân phục vụ, giờ đây, Ngài lẻ loi bên chiếc giường như người bạn đồng hành, nhưng chẳng thấy bao giờ Ngài trách móc hay oán hờn cuộc sống. Có lẽ rằng, Ngài đã học cách chấp nhận cuộc sống như vốn dĩ nó là.
Tôi cũng muốn trở nên như vậy – một con người không hề thích oán hờn cuộc sống này, chẳng hề muốn cuộc đời trôi đi với guồng quay tất bật của lối sống vị kỷ. Điều tôi muốn là luôn đón nhận cả những niềm vui, nỗi buồn hay là sự khổ đau, để biết tạ ơn TRỜI, biết ơn Đời và cảm ơn Người. Mong muốn được ra đi với đôi mắt sáng ngời, bàn chân rảo bước và hăng hái lên đường đem Tin Mừng Phục Sinh đến với muôn người. Để được như vậy, tôi phải học cách SỐNG với cuộc đời này, biết chấp nhận mọi nghịch cảnh, dám vươn ra khỏi vỏ bọc của chính bản thân để nảy mầm, vươn lên để được sống với tất cả niềm khát khao, hăng say của người môn đệ Đức Ki-tô.