Có một nghề - Tác giả: Matta Như Quỳnh
28.04.2024
Bầu trời bao phủ bởi một lớp áo khoác đậm màu mực tối, mới tức thì lúc trước, nó còn mang trong mình một dáng vẻ thiếu nữ nhẹ nhàng như e thẹn chẳng dám ngỏ lời, ấy vậy mà chẳng biết cớ sao bây giờ lại hậm hực kéo đồng bọn những đám mây đen ùn ùn kéo đến. Trên con đường chở nặng ký ức tuổi thơ, thu vào tầm mắt nó một quang cảnh như những người "lạ mặt quen biết", nó ngửi thấy mùi đất nồng, mùi lúa đương chín hạt. Đúng vậy, vương vấn nơi cánh mũi nó là mùi quê hương, mùi của mảnh đất tình - mùi hương mà bao lâu nay nó hằng mong nhớ! Vẫn trên con xe máy quen thuộc - đấy là cái tài sản quý giá một thời mà cả nhà nó từng lấy làm niềm tự hào với bà con chòm xóm. Chuyến xe mà bố nó đón lần này chẳng rôm rả những câu chuyện trò không kể xiết như những lần trước. Cũng trên con đường cũ, nhưng lần này là nó đèo bố, bởi nó biết tay bố giờ chạy xe đã không còn vững như ngày trước. Tiếng xe rít rít lạch cạch dù chạy trên con đường bê tông mới bóng loáng. Xen giữa những âm thanh xưa cũ, thi thoảng hai bố con lại cất lên những lời hỏi thăm đầy xã giao và xa lạ:
- Con ngồi xe lâu thế có mệt không?
- Đợt này về có lâu không?
Nó cũng góp giọng vào bằng những câu nói vu vơ:
- Con về được năm hôm
- Lần sau bố cứ để bạn con lên đón cho đỡ vất vả
Những câu hỏi quan tâm nghe có vẻ đơn sơ lại dễ dàng bộc lộ nhưng sao trong cuộc hội thoại của hai bố con lại mang một sắc thái gượng gạo và xa cách đến thế. Và đúng như nó dự đoán, cuộc nói chuyện trực tiếp sau 2 năm chờ đợi lại đi vào ngõ cụt chỉ sau dăm ba câu chuyện trò:
- Bố có còn đi xây không đấy?
Sau câu hỏi đấy, bao trùm lấy hai bố con nó là một sự im lặng như nuốt chửng lấy hai cá thể nhỏ bé giữa một không gian bao la. Dường như chính nó đang tự khơi gợi lên những ký ức mà nó chẳng hề muốn gọi tên thêm một lần. Hay tự nó đang chạm vào cõi lòng đầy vết xước mà nó luôn cố để che đậy? Không, nó đang tìm cách để cố trách móc và thầm đay nghiến một cách kín đáo cái tội mà nó tự kết lấy cho bố mình. Trong không gian trời đất gió cuộn rộng lớn, nhưng sao nó lại thấy ngột ngạt đến thế!
Vâng, bởi nó ghét nghề của bố - nghề thợ xây. Nó ghét chẳng phải vì xấu hổ bởi cái nghề đó không được người đời gọi là "cao quý" như các nghề nghiệp khác, chẳng hạn là giáo viên, bác sĩ hay giám đốc,... Nó ghét không phải vì bố nó không là "ông nọ bà kia". Nó ghét bởi trong mắt nó, nghề thợ xây là thứ khiến cho gia đình nó không còn hai chữ "trọn vẹn"...
Đưa dòng ký ức ngược về thời gian của 9 năm về trước. Thuở đấy có lẽ là khoảng thời gian mà nó cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn và đủ đầy nhất. Trong lòng xóm đạo nhỏ, nó được sinh ra và lớn lên nơi một gia đình đông con nhưng vẫn được người ta gọi là "nể", bởi dẫu có đói khổ thì bố mẹ nó vẫn lo cho năm anh chị em nó học hành tới chốn. Nó nhớ về miền ký ức đẹp xinh khi vào mỗi đêm, sau những giờ kinh nguyện, trong màn đêm yên ắng với quang cảnh tĩnh mịch, mặt trăng tỏa rạng, vòm trời như thảm nhung khổng lồ đính kết muôn ngàn tinh tú, thỉnh thoảng lại quyện vào những hơi thở oi nóng của cơn gió hạ cuối mùa; gia đình nó lại vui vầy bên nhau. Như một thói quen mà cũng được kể là truyền thống, cứ mỗi tối chủ nhật, bố mẹ nó cùng các anh chị và út Đán (tên thường gọi của nó lúc ở nhà) lại mang theo nào chiếu, nào chõng trải rộng cả một khoảng sân trước. Nó yêu cái cảm giác được nằm lên đùi của mẹ và được âu yếm vuốt ve mái tóc, được nắn nắn đôi bàn tay chai sạn vì suốt ngày phải đi xây của bố, rồi pha vào đó những câu chuyện ngày thường dí dỏm cùng những tiếng cười rôm rả cả một góc nhà:
- Nay bố đi làm về mệt nhưng chả ăn được mấy.
- Không ăn được mấy của bố mày là ba bát cơm - Mẹ nó đáp
- Nay cái Út Đán nhà mình nấu cơm khê, bảo sao bố không ăn được mấy - Chị Hai nó đùa.
- Có mà chị nấu khê thì có - nó giãy đành đạch cố cãi.
...
Bức tranh tuổi thơ hiện ra thật rõ nét. Những câu chuyện quá đỗi bình dị mà giờ đây với nó lại là những trang kí ức thân thương và quý giá nhất. Bố nó làm nghề thợ xây kể ra cũng đã lâu, nó cũng chẳng biết tự bao giờ, chỉ biết rằng từ lúc nó hình thành nên trí khôn, đã thấy bố gắn bó với cái công việc ấy. Ở cái xóm nhỏ, nơi miền quê nông thôn chỉ vỏn vẹn một trăm mấy hộ gia đình, ấy thế lại hộ khó khăn còn nhiều hơn cả hộ khá giả, người ta lấy nghề thợ nề, phụ hồ làm cái nghề chính nuôi thân. Có lẽ kiếp sống mưu sinh của những kẻ cơ bần là thế. Và gia đình nó cũng không là ngoại lệ, cả nhà nó dường như phải bám víu vào những đồng lương cắc bạc ít ỏi từ công việc thợ xây của bố, phụ thêm là đồng lương làm thuê cỏn con từ công việc lặt vặt của mẹ.
Những ngày hè tháng tám không dịu cũng chẳng vàng, tựa như một chảo lửa khổng lồ đang rực cháy và người ta chỉ muốn chạy trốn cho khỏi sức thiêu đốt khiếp sợ ấy. Ấy vậy mà với bố nó, ngày ngày phải thiêu mình dưới cái nắng kinh hoàng ấy. Cái nắng gắt gỏng như thiêu đốt tấm thân gầy trần trụi của bố. Có lẽ khi người ta đã quá quen với cái khổ, cái khó thì cho dẫu cho có cơ cực hơn, người ta vẫn cố mà chịu đựng cho kì được. Trong hoàn cảnh tận bảy cái miệng ăn như gia đình nó, nỗi sợ cái đói ăn đã lấn át cả cái nắng. Nó biết bố nó vất vả lắm, cực nhọc lắm với cái nghề đấy, nó cũng chẳng xấu hổ gì khi kể với bạn bè về một nghề thợ xây đã nuôi lấy cả gia đình qua biết bao nhiêu năm nay.
***
Nhưng có lẽ ai cũng phải kiệt sức trong một cuộc chiến không cân quá dai dẳng. Đồng lương từ công việc thợ xây dường như chẳng thể trụ vững để lo đủ mãi cho cả gia đình. Ngày từng ngày, năm qua năm, bao nhiêu cái bốn mùa dần trôi, khi mà mấy anh chị em nó từng ngày lớn lên, đồng nghĩa với việc gánh nặng và những mối lo cũng ngày một chất đầy, duy chỉ có tuổi tác và sức khỏe của bố nó là tỷ lệ nghịch. Cái nắng, cái mưa của nghề thợ xây đã dần ăn mòn lấy sức khoẻ của một ông bố từng có một thân thể cường tráng và một ý chí bền bỉ không ngại khổ. Từng nỗi lo cơm áo gạo tiền đang cấu xé lấy tinh thần của cả bố và mẹ nó.
Tiết trời của mùa đông lạnh lẽo như cứa vào da thịt, bầu trời mang một vẻ ảm đạm nhuộm màu thê lương, những vì sao dường như cũng phải đầu hàng trước cái rét mà chẳng màng lấp lánh. Sau những giờ kinh vào mỗi tối chủ nhật, gia đình nó vẫn duy trì thói quen cũ là quây quần trò chuyện cùng nhau. Thói quen tuy cũ nhưng tất cả lại mang một một dáng vẻ khác, chẳng còn những tiếng trêu đùa vô tư, không còn bao lời hỏi han nồng ấm, hay những câu chuyện chẳng đâu vào đâu nhưng vẫn đậm vị ấm áp gia đình. Giờ đây, bao trùm lấy tất cả thành viên là một khoảng không trì trệ, không ai bảo ai, nhưng có lẽ trong lòng mỗi người đều nặng nề những mối bận tâm riêng. Nó bắt gặp ánh mắt mệt mỏi đang dần lụi tắt đi những hy vọng trong mắt bố, đâu đấy chẳng còn một ánh nhìn kiên định, đầy khát khao, mang theo chút ngông cuồng trước gánh nặng mưu sinh của một ông bố trẻ thuở xưa. Nó nghe thấy cả những tiếng thở dài đầy mệt nhọc và bất lực của người mẹ. Đêm hôm ấy với nó thật dài, dài đằng đẵng, cái đêm đã giết chết một trái tim nhiệt huyết của tuổi mười tám.
- Làm cái nghề này bao giờ mới ngóc đầu lên được?
- Tôi đã bảo ông tìm việc khác đi mà.
- Làm cái nghề này chết bao giờ không biết...
Từng tiếng nói của mẹ nó vang lên, xé tan bầu không khí yên lặng đến đáng sợ, mỗi câu mỗi chữ như nhát dao đâm thẳng vào cõi lòng của kẻ được xem là trụ cột gánh vác gia đình. Gió lạnh tàn nhẫn rít mạnh từng cơn, luồn lách qua ô cửa sổ, siết vào nỗi bất lực không nói thành lời của bố. Nó không ngạc nhiên trước cảnh tượng trước mắt, nó cũng chẳng sốc và đau như lần đầu chứng kiến. Chắc rằng khi người ta đã trải qua một biến cố với tần suất lớn, tâm can họ đã dần trở nên chai sạn. Từ hồi nó lên cấp ba, việc bố mẹ xung đột rồi cãi nhau với nó dường như đã trở thành "cơm bữa", mà nguyên nhân chỉ xuất phát từ cái nghề thợ xây của bố. Gánh nặng mưu sinh phải chăng đã hong khô đi những nhiệt huyết và yêu thương thuở đầu? Tuy nhiên, lần này nó biết bản thân chẳng thể dửng dưng nổi:
- Bà tưởng tôi không muốn kiếm nhiều tiền à?
- Tôi kém cỏi, không làm được như người ta
- Sức tôi chỉ có thế, tôi không có tài cáng gì
- Cái nhà này bào lấy sức tôi vừa thôi
- Nghèo nó nhục lắm
- Tha cho tôi...
Thành trì kiên nhẫn của một người làm chồng, làm bố dường như đã phải đổ gục trước thực tế nghiệt ngã. Sau những lần cố giữ im lặng và chịu đựng trước những lời than trách của mẹ, lần này có lẽ tất cả đã chạm đến đỉnh điểm giới hạn của bố. Từng câu chữ mà bao lâu cố kìm nén nhưng nay đã phải nghẹn lòng cất lên. Đây không phải cuộc cãi vã lần đầu nhưng có lẽ là cuộc cãi vã cuối cùng mà nó chứng kiến của bố mẹ.
Bởi sau lần đấy, mẹ nó đã bỏ đi biệt xứ...
Bố nó làm thợ xây tuy đã lâu, bạn bè và những người làm cùng bao năm bây giờ đều đã lên chủ thầu, hay một số còn lại thì bỏ xứ đi nước ngoài mang theo ước mơ thoát nghèo, cũng có một ít thì quyết định đi làm bảo vệ, làm công nhân cho các nhà máy. Duy chỉ bố nó vẫn trung thành với cái nghề cũ, vẫn là một ông thợ xây đi làm mướn. Và cũng chẳng phải tự nhiên mà mẹ nó ngăn cản cái nghề đấy của bố, những xung đột gia đình cũng chẳng phải không có nguồn cơn. Cái tính chất của cái nghề thợ xây thực sự quá vất vả. Cứ mỗi sớm, khi mặt trời vừa kịp ló rạng, những giọt sương sớm còn chưa kịp tan trên lá, cảnh vật vẫn đang cố ngủ nướng mà chưa kịp bừng tỉnh, bố nó đã loay hoay ăn vội tô cơm nguội cùng mấy con cá kho luôn được nấu thêm phần từ tối, khoác lên mình tấm áo đã sờn cũ dính đầy cả vết xi măng, rồi lạch cạch xếp mấy thứ đồ nghề nào bai, bàn xoay, thước đo,... và cả bao thứ lỉnh kỉnh khác. Sở dĩ nó có thể gọi tên được chúng bởi cái nghề này như là một phần của cuộc sống nó. Bố nó luôn đi làm từ rạng sáng, về trưa vào lúc đồng hồ đã đứng kim chỉ mười hai. Cứ mỗi xế chiều, khi hoàng hôn dần tắt lụi trên những ngọn chuối sau nhà, chỉ còn đôi ba tia nắng vàng cam mỏng tan, yếu ớt còn sót lại, nó lại bắt gặp hình ảnh bố vác tấm thân lấm lem vữa xây, ướt sũng mồ hôi không một chỗ khô ráo trở về. Nó biết nghề của bố nó khổ, mẹ nó lại càng hiểu hơn cái khổ đấy và cũng vì càng hiểu, càng thương thì mẹ nó lại càng căm ghét cái nghề đấy hơn. Bản thân nó vẫn luôn hiểu mẹ căm ghét nghề thợ xây vì mẹ thương bố cơ nhọc, vắt cạn kiệt lấy sức khoẻ mà chẳng được mấy đồng lương. Hơn thế nữa, cái tính chất của nghề đấy cứ thỉnh thoảng lại nhậu nhẹt đôi ba chén sau những buổi làm. Lại sau những giờ mải nhậu cùng với những cơn say sưa, bố nó cứ quên dần những giờ kinh tối, và rồi mẹ cứ phải vừa buồn vừa giận ngồi trông. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ vị thành niên tuổi mới lớn lúc đó, dường như nó cũng tự nhận thức được rượu là một "liều thuốc" giải toả những căng thẳng và một phần bất lực của bố, thế nhưng chính rượu cũng là liều thuốc độc đang ngấm ngầm huỷ diệt từng tế bào gia đình nó. Tuy bố nó chẳng đến nỗi là kẻ nghiện rượu chè, nhưng xung đột sau những cơn say ở cái tổ ấm nghèo khổ vẫn diễn ra triền miên. Hơn nữa, nỗi ghét bỏ đối với cái nghề thợ nề còn xuất phát từ tính chất nguy hiểm, nó biết mẹ đã trải qua hai lần đón bố về từ cửa tử khi bị ngã giàn dáo từ một độ cao đáng kể. Vả lại giờ đây, khắp tay chân bố chằng chịt những vết sẹo vì bao lần không may bị tai nạn, bị đinh đâm hay bị hòn đá lớn đè phải,...; rằng có lẽ sự nơm nớp lo sợ quá lâu đã khiến trái tim người mẹ không còn đủ bền bỉ mà đã dần đến nỗi héo mòn. Nó thương bố nó, thương lấy cả mẹ nó. Nó ghét cái hiện thực xám xịt đang quằn xéo lấy gia đình mình.
Mẹ nó rời đi không phải không từ mà biệt.
Trong kí ức non dại của nó, mẹ rời đi là để mưu sinh, để mong cho đời bớt khổ, ôm theo hy vọng ở đất nước mới sẽ thoát khỏi vũng bùn cơ cực này. Nhưng nó cũng ngầm hiểu, mẹ rời đi là do bố, hay nói cách khác là do cái nghề của bố. Có lẽ mẹ đã quá mệt mỏi và tuyệt vọng sau quá nhiều lần thất bại để khuyên bố tìm một cái nghề khác an toàn mà thu nhập tốt hơn. Có lẽ sự kiên nhẫn của mẹ cũng đã cạn kiệt sau những cuộc cãi vã. Kể từ ngày mẹ rời đi, trái tim non nớt của nó dường như đã bị nghiền nát bởi hiện thực phũ phàng. Nó dần trở nên ghét bỏ người bố mà nó từng yêu thương và tôn trọng nhất. Nó hận vì sự cố chấp của bố đã khiến gia đình không trọn vẹn. Nó trách bố sao không lắng nghe mẹ, và rằng nếu lúc đấy bố chịu đổi qua một cái nghề khác, thì gia đình nó có đến nông nỗi như bây giờ không? Từ sự đổ vỡ, bản thân nó cũng chẳng còn mảy may tin vào sự hiệp nhất tình yêu mà từ bé đến lớn nó luôn được học đạo. Có lẽ "trọn vẹn" là hai chữ xa xỉ mà nó chẳng còn dám tin.
***
Cuốn theo từng mảnh kí ức rời rạc, cơn mưa rào cuồn cuộn dội thẳng vào dòng suy nghĩ khiến nó bừng tỉnh, cắt ngang mạch cảm xúc và đoạn hồi tưởng của nó. Nó cũng chạy xe nhanh hơn, mấy chốc hai bố con đã về đến nhà trong tình trạng ướt sũng. Cũng gần hai năm nó mới trở về căn nhà thân thuộc này, hơi thở thân tình của cái chốn quen đang chạm vào từng giác quan của nó. Mắt nó đỏ hoe, cay cay sống mũi, nó cố giấu nhẹm cảm xúc trước mặt bố bởi cái cớ ngấm mưa cảm lạnh. Đứng giữa căn nhà thân thương, ào ạt trong nó những dòng kỷ niệm, đoạn thì hạnh phúc, đoạn thì buồn đau. Lần này nó về nhà tận năm hôm, nó về nhân dịp lễ giỗ mãn tang của ông nội. Kể từ khi xảy ra biến cố gia đình, nút thắt trong lòng đã làm cho khoảng cách của hai bố con càng ngày càng xa, nó ít nói chuyện với bố hơn, các cuộc gọi dần thưa thớt và nó cũng không còn hiểu nhiều về bố. Những cuộc chuyện trò cũng dần chỉ kết thúc bằng một sự xung đột chẳng đâu vào đâu.
Ngày lễ mãn tang của ông nội, ai ai cũng phải tất bật chuẩn bị bao nhiêu là thứ, từ việc chuẩn bị cho một thánh lễ thật sốt sắng đến việc dọn mâm mời khách. Bố nó lại là con cả trong nhà, biết bao việc phải lo, bao nhiêu chuyện phải gánh. Dường như nỗi bận rộn đã là "cứu cánh" để hai bố con không còn những cuộc khắc khẩu thường xuyên. Vào cái đêm sau khi xong xuôi mọi công việc của ông nội, đêm đấy lại đặc biệt hơn khi ngày mai lại là ngày lễ quan thầy của nó - lễ kính Thánh nữ Têrêsa. Đêm đầu thu, trời trở nên dịu dàng hơn, gió thu lao xao khẽ khàng từng cơn mát lạnh, trăng đêm nay cũng trong và sáng hơn biết mấy, chốn quê chẳng có mùi hoa sữa nồng nàn như đô thị mà nó hay ngửi thấy, phảng phất nơi đây chỉ có cái mùi thị chín đặc trưng sau vườn nhà. Trên cái tấm phản bằng gỗ đã bạc màu, nhoà đi cả những vân gỗ từng được khắc vẽ tỉ mỉ, kẽo cà kẽo kẹt bên cạnh âm thanh cũ kỹ tiếng quạt quay, hai bố con nó hiếm hoi mới ngồi lại cùng nhau. Khung cảnh trăng thanh gió mát thật khiến hồn người ta dễ lay động. Cũng chẳng biết có phải do ngoại cảnh của tiết thu đã khiến bố con nó dễ dàng mở lòng với nhau hay không nữa. Hoà vào cái không gian trữ tình ấy, cả hai đã tâm sự với nhau lâu thật lâu. Với nó, năm nào cũng thế, dù có bận rộn đến đâu, bố cũng nhớ đến ngày lễ quan thầy của nó; đồng thời luôn đặc biệt gọi điện hỏi han và chúc mừng vào cái đêm vọng lễ. Năm nay nó nhận được lời chúc mừng một cách đặc biệt, bởi ngay trước mắt nó, chính là bố.
- Tại sao bố lại nhận chị Thánh Têrêsa làm vị thánh bổn mạng cho con vậy?
Nó không khỏi tò mò về vị thánh mà bố đã lựa chọn cho nó vào ngày nó được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Không phải hiện tại nó mới hiếu kỳ, cũng chẳng phải đến giờ bố mới kể về chị Thánh. Ngày bé, nó cũng từng được nghe một vài mẩu chuyện nhỏ về Người do chính bố kể. Bố nó tuy không học cao biết rộng nhưng phải nói là luôn có một "lòng đạo bình dân" sốt sắng, tuyệt đối tin cậy nơi Thiên Chúa cùng một tâm hồn hết mực yêu mến các Thánh, đặc biệt là chị Thánh Têrêsa. Phải chăng do vậy mà người bố ấy đã đem hết tình yêu, hy vọng và niềm tin cậy nơi đứa con út bé nhỏ để chỉ mong nó học được những nhân đức đẹp đẽ của Chị Thánh.
Trong câu chuyện của bố kể về chị Thánh Têrêsa, nó được nghe kể về một con người, một Thánh nhân với một tâm hồn khát khao chịu đau khổ. Thật khó để tin được, trong lòng nó đầy những nỗi tự vấn về Chị Thánh: làm sao người ta có thể coi những đau khổ và thánh giá đời mình là những ân huệ ngọt ngào được chứ? Yêu lấy cả những đau khổ có lẽ là cảnh giới cao nhất của niềm tin tưởng và yêu mến. Lòng nó như mở ra đôi chút, chưa bao giờ nó cảm nhận sâu sắc đến thế vị thánh quan thầy mà trước nay nó chỉ biết gọi tên chứ chẳng hề biết đến, hay thậm chí không màng tìm hiểu. Những nỗi đau mà chị Thánh phải chịu đựng trong cả cuộc đời dường như đã khiến nó nhìn thấy một phần đời mình trong đấy. Nó đã nhìn thấy điểm chạm tâm hồn.
Qua từng lời kể của bố, chị Thánh không còn trở nên quá xa lạ, từng nét vẽ về chân dung về một vị Thánh nhân đang dần hiện ra rõ nét trong tiềm thức của nó. Chị Thánh Têrêsa đã phải trải qua biết bao thử thách và niềm đau mà vẫn một lòng tin tưởng và đón nhận một cách đầy sung sướng. Bỗng nó cũng muốn được yêu mến Chúa hết lòng, được cậy dựa vào Đấng đã thương đến nó, được nhẹ nhàng và thanh thản đón nhận lấy mọi sự đau khổ giống như chị Thánh đã từng. Nó không mong mình có thể yêu mến lấy những đau khổ của cuộc đời mà chỉ ước những niềm đau mà nó trải qua sẽ không còn là gánh nặng đè lấy tâm hồn. Có lẽ chỉ khi nó yêu lấy Đấng đã tạo thành, chính tâm hồn nó mới được nới rộng, mới thoát ra được cái bóng vị kỷ, mới tha thứ và yêu lấy những người thân yêu. Nó nghiệm ra được điều đó khi bắt đầu thấu cảm đôi phần cuộc đời của Thánh Têrêsa. Bông hoa nhỏ Têrêsa đã đón nhận mọi biến cố đau khổ dưới một lăng kính tin tưởng tuyệt đối vào Chúa nhân lành. Nó cũng nhận ra việc Thiên Chúa gọi những người thân của Chị Thánh về sớm với Ngài có lẽ phần nào giống với việc Chúa đã thử thách mang mẹ nó đi xa. Không, nỗi đau của nó có lẽ chẳng là gì so với những đau khổ và thách thức mà Têrêsa đã chịu đựng. Nó cảm phục trước một cuộc đời nhỏ bé phi thường, cho đến cuối cuộc đời, khi phải chống chọi với sự suy sụp về sức khỏe, Người vẫn chịu đựng một cách kiên trì mà không lấy một lời than trách.
Nó đã khóc. Những giọt nước mắt khẽ khàng trào ra qua hốc mắt, lăn xuống hai gò má cao. Từng lời, từng chữ mà bố kể về chị Thánh như một chất xúc tác mạnh mẽ chạm vào trái tim đầy vết xước, xoáy sâu vào cõi lòng của một tâm hồn chai lì tưởng chừng như đã hoá đá. Giờ đây trong trí óc nó chỉ ghim sâu lấy những lời trăn trối cuối đời của chị Thánh Têrêsa: "Con đã đạt đến mức mà không thể nào chịu đau khổ được nữa, bởi vì đau khổ đã trở nên quá ngọt ngào đối với con".
Biết đến chị Thánh, nghe về câu chuyện cuộc đời Người, trong nó dường như đã có thể lý giải đôi phần nguyên nhân bố nó vẫn luôn đón nhận lấy mọi cay đắng một cách thanh thản đến thế. Nó từng trách bố vô tâm, dửng dưng trước mọi biến cố cuộc đời. Không, cũng giống như chị Thánh, bố nó đã và đang đón lấy mọi đau khổ với một tâm hồn tin yêu, phó thác: rằng tất cả đều là ân sủng của lòng Chúa thương xót. Nó hiểu nỗi khổ tâm của bố ngày xưa, nỗi nhọc lòng truân chuyên của mẹ. Hồi đấy, nó cũng nhận thức được rằng: mẹ bất lực, bố bất lực và chính nó cũng phải bất lực. Trong tâm khảm, bản thân nó biết bố chẳng có lỗi và cái nghề của bố cũng chẳng nên tội tình gì. Bao năm qua chỉ là nó đang gặng gán lấy cái tội ghê gớm đấy cho một người khác để cố gặm nhấm mãi một nỗi đau và rồi cố than trách lấy sự đời. Nghe được lời bố, hiểu được lòng bố, nó ước mong gì lòng nó sớm mở rộng hơn.
Nó nắm lấy bàn tay của bố, đôi bàn tay chai sạn rám nắng, đầy những vết bong tróc bởi xi măng ăn mòn mà không có gì có thể rửa sạch. Nó như sống lại vẹn nguyên cảm xúc ngày bé thơ khi được nắn nắn đôi bàn tay sương gió của bố trên con đường đi tới nhà thờ. Đêm nay với nó là một mầu nhiệm của Chúa.
Nó nhìn lên bầu trời cao, trong mắt nó giờ đây không còn là màn đêm bao phủ, chỉ còn lại những vì sao lấp lánh. Lòng nọ nhẹ hều, nó bắt đầu hy vọng...