Thương lắm hạt cafe - Tác giả: Nt. Maria Hồng Hà. CMR
23.03.2024
Nên chăng như hạt cà phê, say mê với làn nước nóng
Để cho đời một chút hương vị luyến lưu.
Lời bài hát như chứa đựng hương vị của hạt café thứ hạt làm nên giọt đắng làm tỉnh thức những cơn buồn ngủ cho những người cần độ tập trung trong học tập và làm việc, ly café đắng như cơ hội cho những buổi gặp gỡ tụ họp của ai đó, hay đây đó những những người cần chút tĩnh lặng vẫn chọn ly café như để giải bày tâm tư, đâu đó những góc khuất của quán nhỏ vẫn có người trầm ngâm một mình họ cũng uống café.
Hạt café người ta không dùng nó như một loại thực phẩm, nhưng như một hương vị làm cho cuộc sống thêm đậm đà và vui tươi, thế nhưng để có được hạt café ấy, dường như ít ai biết được hành trình và công đoạn chế biến hạt café thế nào. Đó là cả một quá trình dài trong cả một năm mong mỏi, khi cây café đơm những chùm bông trắng muốt trên cành, ướp đẫm cả một vùng không khí hương thơm của loại hoa trắng này, mấy ai đã từng lạc bước đường về bên những đồi café khi hoa nở đó thôi. Thời gian đắp đổi nắng mưa cho hạt café trên cành, còn phần người nông dân canh tác thứ hạt này, ngày ngày chăm bón tưới nước cho nụ hoa bung đúng thời buổi, khom lưng trên những quả đồi làm bồn giữ nước cho gốc café, những mảnh rẫy có nước đào giếng được hay nước từ khe suối chảy ra thì café xanh ngắt một màu, còn những chỗ không có nước phía sau ngọn núi là thôn làng của anh em đồng bào K' Ho đang sống. Chỉ biết trông chờ vào nước mưa từ sự quan phòng của Chúa cho có mưa, sống lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên để rặng café không bị chết khô. Thì gia đình chị Ka Brig là một trong nhiều gia đình trong buôn làng này, cái nghèo quanh quẩn trong gia đình chị, với ba đứa con, hai vợ chồng chị làm rẫy café và xoay đủ việc để có đủ tiền đóng tiền học, mua gạo cho những đứa con trong nhà.
Đôi mắt to kia dường chiếm mất khuôn mặt gầy gò rám nắng của chị Brig. Trong nước mắt chị kể về đám cưới của chị, những hủ tục thách cưới là hai con trâu, ba cây vàng và hai chục tấm vải thổ cẩm để chia cho cô các chú bên nhà chồng chị. Hai vợ chồng ra riêng với mái nhà gỗ mà chồng chị xẻ gỗ trên rừng về ghép vách, để hai vợ chồng sống làm đủ thứ nghề, ai thê gì cũng làm rồi dần dần hai vợ chồng cũng tự khai phá một miếng đất phía sau ngọn núi hoang khá xa nhà. Ban đầu hai vợ chồng trồng đậu phộng trên mảnh đất đầy sỏi đá này vụ mùa trông đợi tất cả vào nắng mưa của Yàng (Thiên Chúa) ban cho, rồi sau đó hai vợ chồng chị Brig mượn vốn mua cây café về trồng trên mảnh đất này, chờ đợi và chăm sóc những gốc café chăm chút từng ngày tháng với những gốc café ghép này. Phải đến năm thứ tư mới bắt đầu ra bói hạt và từ năm thứ 5 trở đi mới thu được hạt café, những năm đầu trồng café vất vả chừng nào hai vợ chồng làm mướn để có tiền đóng lời cho khoản tiền vay vốn trồng café, số tiền dường như mỗi ngày mỗi lớn theo thời gian và rồi những hạt café đầu tiên trên mảnh rẫy nhỏ như niềm vui tràn đầy cho gia đình chị Brig, tưởng chừng cái nghèo đang bị đẩy lui thế nhưng giá hạt café thô lại rất rẻ khoảng 25 – 26 000 nghìn/kg nhìn những hạt café được chăm sóc và nâng niu cả một năm trời phơi trên sân mà lòng rối bời. Đã có lúc gia đình chị Brig muốn chặt hết vườn café đi để trồng loại cây khác nhưng nhìn thành quả những năm qua lại không nỡ chặt đi, và lại tiếp tục vun bón cho rẫy café hy vọng mùa mới, những cành hoa café nở trắng muốt đưa mùi thơm dịu mát vào mọi ngõ ngách của ngôi nhà gỗ của gia đình chị Brig như an ủi và thêm nghị lực cho gia đình chị.
Thời gian đong đầy nắng mưa cho hạt café những gầu nước tưới gánh từ suối lên để tưới cho từng gốc café vào mùa khô, bao nhiêu sương gió của núi rừng hạt café như mang lấy hết để giấu trong lớp vỏ cứng bọc lại bởi lớp áo mềm xanh ngắt và chuyển đỏ khi đủ 356 ngày trên cành cây. Gió sương cuộc đời cũng đầy ắp gia đình nhỏ bé của chị Brig khi đứa con gái lớn của chị mới 14 tuổi phải nghỉ học phụ mẹ làm rẫy café và chăm sóc các em dường như đến trường, với em chỉ là giấc mơ khi gia đình không có khả năng đóng học phí cho em, và còn lại hai đứa nhỏ sáng đến trường chiều về đi rừng hái rau bẻ măng giúp đỡ ba mẹ, tuổi thơ của các em là núi rừng và cái nghèo vây bủa, cái chữ dường như xa lạ với các em giờ đây là miếng cơm sao cho đủ no áo sao cho đủ ấm để qua được cái lạnh của núi đồi này.
Cây café như nguồn lợi duy nhất để bà con nơi đây có đủ cơm áo, và rồi dường như cái chân chất hiền lành của người dân đang bị lợi dụng bởi những người đến sau, khi cho vay nặng lãi, lãi mẹ đẻ lãi con những mảnh vườn, miếng rẫy dần biến mất, đẩy dân làng vào sâu vùng núi hơn. Cái hình ảnh những người phú hộ tịch thu lúa ngay trên sân của những tá điền và chở đi để lại nước mắt cho người nông dân tưởng chừng chỉ có trên phim "Đất Phương Nam" hay chuyện đó có thật từ những năm 1960, thì nay hình ảnh ấy vẫn có khi những chiếc xe máy cày của những chủ nợ phân bón đi thu café của người đồng bào ngay trên sân phơi là có thật, nước mắt đong đầy trên khuôn mặt hốc hác rám nắng cả một năm trời đợi cho hạt café chín đỏ thì nay không còn nữa, không chỉ riêng gia đình chị Brig nặng lòng mà dường như còn rất nhiều những đôi mắt ngấn lệ khi chiếc xe máy cày đi vào buôn này.
Cây café vẫn có đó cho núi đồi xanh ngắt một màu. Nhưng mấy ai hiểu được nắng mưa cuộc đời đang làm hạt café đong đầy mồ hôi và nước mắt, nhấp ngụm café đắng, nhấp cả cuộc đời của ai đó vào tâm hồn mình, cho lời cầu nguyện thêm tha thiết lên Yàng hiểu thấu lòng người, để rồi dù chẳng thay đổi được cuộc sống nghèo nơi đây nhưng thay đổi chính cách sống của mình có dám sống như hạt café kia, lan tỏa yêu thương đến những phận người đang vươn lên từ gốc café xa xa của núi đồi, mà tháp vào đó hình ảnh của một Thiên Chúa nghèo đang ở với dân Người.
【Maria Hồng Hà. CMR】