Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước
Có ai thương, cho được giọt nước nào
Chỉ thấy giấm chua, mật đắng, gươm đao
Chênh vênh, giữa bầu trời và mặt đất
Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông
Đổ hết máu mình ra, cho đến chết
Yêu là thế. Đến tận cùng cạn kiệt
Đêm mịt mùng. Đêm gà gáy canh ba
Nhọc nhằn lên Núi Sọ Golgotha
Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết
Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết
Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình
Lạy Cha, lạy Cha, này những dấu đinh
Ôi, chén đắng, làm sao con uống được
Bao nhiêu người thân, nửa đường bỏ cuộc
Bao nhiêu dấu yêu, khấn hứa, thề bồi
Chỉ còn đây, vàng vọt, đóa trăng soi
Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được
Họ đón gió. Để cầm cờ, đi trước
Để mua vui, xem rao bán, chợ trời
Chúa-ba-mươi-đồng-bạc-lẻ-tiền-tươi
Chúa chết tả tơi, trần truồng, nhục khổ
Ôi, cái chết đã tận cùng bằng số
Bởi những âm mưu, toan tính thấp hèn
Bởi những chiêu trò, lòng dạ nhỏ nhen
Đi đâu hết, những thề non, hẹn biển
Chán vạn kẻ ngồi đồng bàn, chung chén
Sao, chỉ một mình Simon quá giang
Và Veronica tóc rối, đầu tang
Con cái Chúa ra người dưng nước lã
Lũ chúng con, phường lưu dân tụ bạ
Hễ đông vui, xúm xít vỗ tay vào
Như bọn ăn mày đánh đổ cầu ao
Tạt nước theo mưa, hoa trôi bèo dạt
Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát
Babylon ôi, liễu rũ, hoang tàn
Đã mấy mùa chay, tím ngắt hoa xoan
Đêm mướt máu, khát, khô hầu, bỏng họng
Tiếng kêu ấy, lạc trong vùng phủ sóng
Của những say hương, say khói, lên đồng
Của những kiệu cờ, kèn trống, hát rong
Tuồng tích cũ, đã cả thèm, chóng chán
Một mình Simon ghé vai, cửu vạn
Giữa cảnh phố phường biểu ngữ, pano
Vâng, thưa ngài Tổng Trấn Phi la tô
Trước cái chết, rửa tay, là đồng loã
Người đàn bà bị lôi ra, ném đá
Ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đông người
Đục hay trong? Còn một bến, một nơi
Sông có khúc và người ta có lúc
Cày xới mãi, vườn chỉ ra hoa đực
Toàn lúa non, bông hạt lép, sâu rầy
Cả mùa màng, trông bốn phía đông tây
Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật
Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát
Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi...
Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi
Bài Thương Khó Chúa Giêsu kêu khát
(trong tập Kinh Cầu Mùa)
ĐÔI ĐIỀU THƯA TRƯỚC
Bài thơ "Bài thương khó Đức Chúa Giêsu" là kiểu "Thơ suy tưởng", khác biệt với "Thơ suy niệm" và "Thi ca cầu nguyện", vì thế cách đọc và tiếp nhận bài thơ sẽ khác với thơ trữ tình (nhân vật tâm trạng).
Suy niệm một bài Tin Mừng (bằng thơ hay bằng văn xuôi) là tìm hiểu, đào sâu ý nghĩa bài Tin Mừng ấy, để rút ra bài học tu đức cho cá nhân hoặc một cộng đoàn. Những dịp đọc kinh chung, cộng đoàn thường đọc một đoạn Kinh thánh, sau đó đọc một "bài suy niệm" để lĩnh hội ý nghĩa đoạn Tin Mừng, rút ra bài học đức tin và bài học hành động.
"Thi ca cầu nguyện" là thơ để cầu nguyện. Sau khi đã tìm hiểu ý nghĩa Tin Mừng, người làm thơ luôn viết thêm một đoạn cầu nguyện theo chiều kích tâm linh mà mình muốn thưa với Chúa, hoặc chia sẻ với người đọc. Cầu nguyện luôn là tâm tình riêng của một cá nhân tâm sự với Chúa. Khác với lời cầu nguyện của cộng đoàn, mọi người đọc bản kinh chung.
"Thơ suy tưởng" (thuật ngữ phê bình văn học) là thơ trình bày nhận thức của tác giả về một vấn đề xã hội nào đó. "Nhận thức" là hành trình tư tưởng, từ quan sát hiện tượng đến khám phá bản chất của vấn đề và bày tỏ thái độ. Về đặc điểm thi pháp, Thơ suy tưởng là thơ Trữ tình-chính luận. Ngôn ngữ thơ là lời nói trực tiếp, chỉ có một nghĩa tường minh, khác với ngôn ngữ hình tượng đa nghĩa của thơ trữ tình. Những tác giả làm thơ suy tưởng nổi tiếng ở Việt Nam là Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy...[1].
Giá trị của thơ suy tưởng là ở những nhận thức mới mẻ, nhà thơ nói được những chân lý của cộng đồng, và nói một cách hùng biện (mời nghe nhà thơ Nguyễn Duy tự đọc bài thơ Đánh thức tiềm lực).
Khi xác lập bài thơ "Bài thương khó Đức Chúa Giêsu" của Lê Đình Bảng là kiểu "Thơ suy tưởng", tôi muốn định vị hai điều: Thơ Lê Đình Bảng đa dạng về kiểu loại (Lê Đình Bảng không chỉ có "thơ trữ tình"), và thơ Lê Đình Bảng hội nhập được trong dòng chảy thơ ca dân tộc đương đại. Xin lưu ý, sau 1945, trong hành trình thơ Việt, "thơ suy tưởng" tạo nên một dòng chảy riêng, mạnh mẽ, có những đỉnh cao. Lê Đình Bảng là một nhà thơ Công giáo cũng có mặt trong dòng chảy ấy, với khí sắc riêng.
Những "lời mở" trên đây chỉ là chuẩn bị tâm thế tiếp nhận khi đọc một kiểu loại thơ khác của Lê Đình Bảng, để hưởng thụ được một sắc màu tài năng khác về nghệ thuật thơ của ông; không để mình bị đóng đinh nhận thức về một hồn thơ chỉ vào một kiểu loại nghệ thuật. Bởi phong cách của ông là phóng túng, không chịu trói buộc trong bất cứ những định kiến nghệ thuật nào.
Và như thế, việc đọc "thơ suy tưởng"(thơ của lý trí, trí tuệ, tư tưởng) sẽ rất khác với cách đọc "thơ trữ tình" (kiểu thơ tâm trạng).
Nhà thơ Lê Đình Bảng gặp nhiều cái khó khi khai thác đề tài "BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU".
Trước hết là, Chúa nhật Lễ Lá và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, giáo dân đã được nghe đoạn Tin Mừng thuật lại cuôc khổ nạn của Chúa Giêsu. Và họ đã nghe nhiều lần trong một đời người (tính từ 10 tuổi đến 70 tuổi dự lễ ở nhà thờ mùa Phục Sinh). Vì thế họ đã thuộc lòng Kinh thánh và những gì Giáo hội dạy qua lời giảng của các cha sở. Vậy nhà thơ sẽ "nhận thức" được điều gì mới mẻ về "Bài thương khó của Chúa Giêsu" khác với lời dạy của Linh mục, nhưng không được trái với tín lý? Đây là yêu cầu của việc sáng tạo. Sáng tạo nghệ thuật là làm ra Cái Đẹp Mới.
Thứ hai là: nếu không "suy niệm"(để rút ra bài học), không "cầu nguyện"(để nói chuyện với Chúa), thì nhà thơ sẽ viết điều gì để vửa bảo đảm chất "Thánh" của Tin Mừng, lại vừa đặt ra những vấn đề cho thế giới trần tục hôm nay?
Ta có thể hình dung được sự kết hợp giữa hai thế giới, thế giới Kinh Thánh cách nay hơn 2000 năm, cụ thể là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, và thế giới trần tục hôm nay, với những biến đổi chóng mặt, những trào lưu độc hại làm tha hóa con người, dìm con người trong "địa ngục trần gian". Có hòa mình vào hai thế giới ấy cùng một lúc người đọc mới có thể đồng nhận thức với tác giả.
DIÊN NGÔN CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG TRONG "BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU"
Bài thơ "Bài thương khó Đức Giêsu" là nhận thức và diễn ngôn về "tiếng kêu"(cũng là "di ngôn") của Chúa trên thập giá trong giờ phút hấp hối:
Tin Mừng (Ga 19, 28:30) ghi nhận: "Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: Ta khát! Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí".
Ở đọan Kinh thánh này, nhà thơ Lê Đình Bảng chỉ nhận thức di ngôn "Ta khát!" của Chúa. Mở đầu là luận đề "Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước". Khi triển khai hệ thống ý tưởng, nhà thơ nhắc lại: "Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát". Và kết thúc bài thơ, tác giả nhắc lại mạnh mẽ hơn: "Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát".
Như vậy luận đề của bài thơ là, Chúa kêu"Ta khát!", Con người đáp lại tiếng Chúa thế nào:
"Ta khát!"/ Có ai thương, cho được giọt nước nào".
Và đây là hệ thống lập luận.
Có hai mạch thơ cùng chảy: tác giả tái hiện hình ảnh Con người và thái độ của họ ở 2000 năm trước và Con người trong lịch sử chảy đến hôm nay.
Hai ngàn năm trước, tất cả đều vô cảm trước tiếng Chúa kêu, Con người bỏ Chúa mà đi. Không ai cho Chúa "giọt nước tình thương" nào.
"Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước
Có ai thương, cho được giọt nước nào
Chỉ thấy giấm chua, mật đắng, gươm đao...
"...Đêm mịt mùng. Đêm gà gáy canh ba
Nhọc nhằn lên Núi Sọ Golgotha
Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết"
"...Chán vạn kẻ ngồi đồng bàn, chung chén
Sao, chỉ một mình Simon quá giang
Và Veronica tóc rối, đầu tang
Con cái Chúa ra người dưng nước lã"...
...Một mình Simon ghé vai, cửu vạn
Giữa cảnh phố phường biểu ngữ, pano
Vâng, thưa ngài Tổng Trấn Phi la tô
Trước cái chết, rửa tay, là đồng loã"
Chúa kêu khát, người ta cho Chúa uống giấm chua. Trong đêm Chúa bị bắt, đêm mịt mùng, Phê rô chối Chúa lúc gà gáy canh ba. Đường lên Núi Sọ.chỉ một mình Simon vác đỡ thánh giá Chúa, chỉ một mình Veronica trao khăn cho Chúa lau mặt, trong cuộc luận tội của Phi la-tô, ông ta rửa tay chối tội đồng lõa với đám đông giết Chúa. Chúa đơn độc trong đêm bị bắt, đơn độc trong cuộc luận tội, đơn độc trên đường vác thập giá và đơn độc trên thập giá "Chênh vênh, giữa bầu trời và mặt đất".
Hai ngàn năm trước, nào "có ai thương" Chúa trong cuộc khổ nạn? Ba lần Chúa kêu khát, hai lần Chúa đối diện với "Chén đắng": "Ôi, chén đắng, làm sao con uống được" và "Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được". Đó là tiếng kêu thương thê thiết khi một mình Chúa đối diện với "chén đắng", nỗi cô đơn hiện sinh bao trùm. "Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết"/ Con cái Chúa ra người dưng nước lã". Tiếng Chúa kêu làm rung động khắp vũ trụ nhân sinh, vượt qua thời gian đến tận đáy tâm hồn nhân loại hôm nay. Nghệ thuật trùng điệp của thơ có sức cộng hưởng, làm vang lên tiếng nói thiết tha, đau đớn của nhà thơ trước thực tại lòng người vô cảm, bội bạc đối với tình yêu Thiên Chúa, trước hình ảnh Chúa đơn độc trong cuộc khổ nạn.
Đoạn thơ gợi ra (không dựng lại bối cảnh) con đường khổ nạn của Chúa từ khi Chúa bị bắt trong Vườn Dầu, đến khi hập hối. Và hơn thế, nhà thơ nhận thức toàn cảnh thái độ của Con người trước tiếng kêu của Chúa, dù đó là những môn đệ thân yêu (Phê rô), hay "Chán vạn kẻ ngồi đồng bàn, chung chén"với Chúa, hoặc trong "đêm mịt mùng" hay "Giữa cảnh phố phường biểu ngữ, pano" và cả nơi công đường của Philato. Ở đâu Chúa cũng đơn độc một thân phận hiện sinh trước những bội bạc của Con người. Nhà thơ thốt lên: Cả một thời đại ác tâm, bội bạc, trước tiếng kêu của Chúa. Họ có đáp lại, nhưng không phải là "giọt nước tinh thương" mà là "giấm chua, mật đắng, gươm đao". Duy nhất có Simon và Veronica còn chút thương tình với Chúa, và người đàn bà ngoại tình bị lôi ra ném đá được Chúa cứu khỏi tội chết, là người biết cảm kích trước tình thương của Chúa..
Ở thời đại của Chúa (cách nay hơn 2000 năm), con người như vậy, còn Con người hôm nay đối với tiếng Chúa kêu, họ đáp lại thế nào?
Lũ chúng con, phường lưu dân tụ bạ
Hễ đông vui, xúm xít vỗ tay vào
Như bọn ăn mày đánh đổ cầu ao
Tạt nước theo mưa, hoa trôi bèo dạt
Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát
Babylon ôi, liễu rũ, hoang tàn
Đã mấy mùa chay, tím ngắt hoa xoan
Đêm mướt máu, khát, khô hầu, bỏng họng
Tiếng kêu ấy, lạc trong vùng phủ sóng
Của những say hương, say khói, lên đồng
Của những kiệu cờ, kèn trống, hát rong
Tuồng tích cũ, đã cả thèm, chóng chán
Nhà thơ nhận ra: "Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát" và "Tiếng kêu ấy, lạc trong vùng phủ sóng". Nghĩa là, Chúa vẫn kêu suốt hơn hai nghìn năm lịch sử, nhưng tiếng Chúa bị lạc mất giữa Con người.
Ở đoạn thơ này, nhà thơ vừa vạch trần hiện thực vừa lên tiếng phê phán rất mạnh mẽ thực tại lòng người. Con người trong hai ngàn năm qua, và con người hôm nay chỉ là phường lưu dân tụ bạ, "khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai" (nghĩa là bọn lợi dụng Chúa rồi bỏ Chúa, chẳng hạn, bọn theo Chúa để có cái ăn như trình thuật của Kinh thánh). Tiếng Chúa kêu lạc trong những "cơn say" của con người hôm nay. Ngôn ngữ thơ từ bút pháp hiện thực chuyển sang hình ảnh tượng trưng để khái quát về thái độ của loài người đối với tiếng Chúa kêu: "Của những say hương, say khói, lên đồng/ Của những kiệu cờ, kèn trống, hát rong/ Tuồng tích cũ, đã cả thèm, chóng chán".
Vì ngôn ngữ trượng trưng của thơ có sức khái quát, có sức gợi ra những liên tưởng mà tác giả muốn người đọc cùng chia sẻ, tôi mơ hồ thấy điều này: ngày nay con người "say" nhiều thứ, say tiền, say tình, say địa vị chức tước, say tham vọng, say những hào nhoáng hình thức, say Chủ nghĩa thực dụng, say với Cái Tôi cá nhân vị kỷ và say cả tội ác,...say đến độ thần thánh hóa sự dữ thành lễ hội ('hương, khói, lên đồng, kiệu cờ, kèn trống, hát rong"). Ngày ngày báo chí đăng không biết bao nhiêu là tệ nạn của nền văn minh sự chết. Thế nhưng trong những lễ hội thật (ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội văn hóa, lễ hội tôn giáo), con người hôm nay chỉ là bọn "cả thèm chóng chán", sôi nổi đấy nhưng cũng vô tâm đây. Họ dự lễ hội như xem trò diễn "tuồng tích cũ" không còn hấp dẫn.
Đâu đây thấp thoáng bóng dáng thái độ của một bộ phận con chiên Chúa trong nhà thờ:
Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát
Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi...
Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi
Hai câu thơ đầu tưởng như tác giả tường thuật trang nghiêm. Tiếng Chúa kêu mạnh mẽ đến nỗi "Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi", nhưng ngược lại, trong nhà thờ không ai nghe tiếng Chúa, mà "rộn ràng những sênh bát ỉ ôi", nơi đang diễn "tuồng tích cũ". Câu thơ thứ hai: "Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi" là sự phẫn nộ của Chúa trước sự vô tâm, giả hình của Con người. Tứ thơ thật bi tráng và mới lạ.
Như vậy, luận đề của "Bài thương khó Đức Giêsu" là: Chúa kêu "Ta khát", nhưng trong suốt hai ngàn năm đến nay, không được Con người đáp lại, và, "Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát". "Bài thương khó của Chúa" không chỉ là khổ nạn thân xác phải chịu, mà còn là nỗi đau thương bi tráng, tuyệt vọng trước sự thờ ơ, sự bỏ rơi Chúa của Con người: "Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước/ Có ai thương, cho được giọt nước nào". Không có ai cả! Sự vô tâm bội bạc của nhân gian và nỗi cô đơn tuyệt vọng của Chúa rợn ngợp, bao trùm không gian, bao trùm thời gian, bao cả trùm lịch sử. Đây là một khám phá sâu sắc về tư tưởng của thơ Lê Đình Bảng.
Để làm nổi bật "sự thương khó" của Chúa trước sự vô tâm bội bạc của Con người, tác giả vẽ nên những cảnh sắc buồn ảm đạm để khắc họa và tô đậm sự cô đơn tột cùng của Chúa. Đặc biệt là sự tương phản giữa tình yêu vô biên của Chúa với sự vô tâm của con người.
Tác giả nhập thân vào Chúa, nói tiếng nội tâm của Chúa, khám phá hiện sinh về "nhân tính" của Chúa, nhận thức và chia sẻ nỗi đau của Chúa bị con người bỏ rơi, nhận thức cách thức Chúa đối mặt với cái chết (Hiện sinh quy tử -Being toward death-Heidegger). Thơ nghiêng về kiểu thơ tư tưởng.
Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông
Đổ hết máu mình ra, cho đến chết
Yêu là thế. Đến tận cùng cạn kiệt
Đêm mịt mùng. Đêm gà gáy canh ba
Nhọc nhằn lên Núi Sọ Golgotha
Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết
Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết
Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình
Lạy Cha, lạy Cha, này những dấu đinh
Ôi, chén đắng, làm sao con uống được
Bao nhiêu người thân, nửa đường bỏ cuộc
Bao nhiêu dấu yêu, khấn hứa, thề bồi
Chỉ còn đây, vàng vọt, đóa trăng soi
Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được
Trong tột cùng cùng nỗi cô đơn, khi "Con chiên Chúa tôi bỏ đi đâu hết", Chúa kêu lên: "Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được". Tác giả (nhắc lại 2 lần: "làm sao con uống được/ Con làm sao uống được") để tô đậm nỗi bi thương của Chúa trong thân phận con người hiện sinh suốt trường kỳ lịch sử đi tìm sự thấu hiểu, cảm thông. Dù đã "Gõ cửa từng nhà", nhưng Chúa hoài công, chẳng khác gì "nước lã ra sông", dù Chúa đã "Lặn lội thân cò, con vạc, con nông/ Đổ hết máu mình ra, cho đến chết" cũng không tìm được một người cùng thức với Chúa trong đêm Vườn Dầu? Chúa nói với ông Phê-rô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?" (Mt 26, 40). Và nhìn Chúa "mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22, 44), nhà thơ nhận thức "Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình". Thực sự là con người trần gian không đủ sức cảm nhận nỗi bi thương tột cùng, nỗi cô đơn đến tuyệt vọng và ý thức hiện sinh bi tráng về cái chết mà Chúa đang đối mặt. "Ôi, chén đắng, Con làm sao uống được!"
Đây là một dụng ý khám phá tư tưởng của nhà thơ. Lê Đình Bảng không hề nhắc đến "thần tính Thiên Chúa" của Đức Giêsu, mặc dù Kinh thánh có nói rất rõ: khi Chúa xao xuyến, "Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người"(Mc 22:43). Chúa nói với người đã chém đứt tai tên đầy tớ khi Người bị bắt: "Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy" (Mt 26, 53-54). Lê Đình Bảng khám phá Con người hiện sinh của Chúa, để soi chiếu khám phá con người tại thế của chính mình và của nhân loại, có vậy mới cảm được "cơn xao xuyến bồi hồi" (Lc 22,44) của Chúa trước cuộc tử nạn, mới thấy được tầm vóc lớn lao của ơn Cứu Độ mà Đức Giêsu hiến thân cho nhân loại.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã cảm nhận hiện sinh về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu bằng những câu thơ óng ánh châu ngọc và bằng một tâm tình thành kính vô hạn:
"Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người, con gánh trên lưng con bóng tối khổng
lồ
Đôi môi con run rẩy chạm vào những ngón chân Người giá lạnh nhưng những
giọt máu chảy từ bàn tay bị đóng đinh của Người từng giọt, từng giọt rơi xuống ngực con rực sáng và nóng ấm vô tận
Cây thập giá nơi Người bị đóng đinh trong đêm sừng sững dựng lên cái Cây Ánh
Sáng vĩ đại nhất trên thế gian này...
... Để khi bóng tối ập xuống cố dìm con tận đáy của sợ hãi, của cơn đói dục vọng
thì ngôn ngữ Người ban cho con rực rỡ hiện lên
Giống những ngọn đèn Người vẫn thắp đêm đêm từ thuở trái đất sinh ra và sáng
mãi, sáng mãi lặng im để con quỳ xuống vừa khóc vừa hát
Trong triệu triệu, triệu triệu tiếng chuông rung lên trên những thánh đường nơi người đã lướt qua ánh sáng ngập tràn" (Chương 2- Dưới cái cây ánh sáng)
Khám phá về con người hiện sinh của Chúa, Nikos Kazantzakis (Triết gia, nhà văn, nhà viết kịch Hy Lạp) viết trong đoạn mở đầu cuốn The Last Temptation of Christ (Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa) như sau:
"Phần nhân tính của Chúa mang tính nhân bản sâu sắc giúp chúng ta hiểu Ngài và yêu Ngài, theo đuổi Nỗi Khổ Hình của Chúa như của chính chúng ta. Nếu Ngài không mang trong mình yếu tố nhân tính ấm áp này Ngài sẽ không bao giờ có thể đạt tới tâm tư của chúng ta với sự chắc chắn và dịu dàng như vậy. Ngài sẽ không thể trở thành mẫu mực cho cuộc sống chúng ta..." (Nxb Đồng Nai 1988, tr.7).
Như vậy, cả Nikos Kazantzakis, Nguyễn Quang Thiều và Lê Đình Bảng đều khám phá "nhân tính" của Chúa trong con người tại thế đối mặt với tử sinh, để từ đó nhận ra Ngài là "mẫu mực cho cuộc sống chúng ta,...chúng ta thấy là chúng ta không lẻ loi trong cuộc đời: Ngài đang đấu tranh bên cạnh chúng ta" (Nikos Kazantzakis-đã dẫn).
Những nhận thức hiện sinh của Lê Đình Bảng về "Bài thương khó của Đức Giêsu" đã đưa thơ Lê Đình Bảng hòa vào dòng chảy tư tưởng thơ Việt (Nguyễn Quang Thiều) và tư tưởng văn chương thế giới (Nikos Kazantzakis).
NGHỆ THUẬT THƠ SUY TƯỞNG CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
1. Hình tượng nhân vật
Trong thơ suy tưởng thường chỉ có một nhân vật (tác giả) là chủ thể nhận thức, suy tưởng và diễn ngôn. Bài thơ được cấu trúc theo kiểu Chính luận (lập luận), dùng ngôn ngữ đơn nghĩa, phát ngôn trực tiếp.
"Nước chúng ta
Nước của những người không bao giờ khuất
(Đất nước-Nguyễn Đình Thi)
"Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể..."
(Đất nước-Nguyễn Khoa Điềm)
Lê Đình Bảng cũng mở đầu bằng một góc nhìn cá nhân:
Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước
Có ai thương, cho được giọt nước nào
Lê Đình Bảng kiến tạo thơ theo cấu trúc logic-nghị luận, nhưng đồng thời lồng vào đó là cấu trúc hình tượng (kiểu cấu trúc kép). Bài thơ có 3 nhân vật, xuất hiện nối tiếp nhau, được vẽ ra trong những bối cảnh và thời gian khác nhau. Nhân vật thứ nhất là tác giả, người vừa quan sát, nhận thức hiện thực, vừa kể chuyện vừa bày tỏ thái độ, quán xuyến suốt cả bài thơ. Nhân vật thứ hai là Đức Giêsu, người khám phá hiện sinh, đối tượng nhận thức của nhân vật thứ nhất, đối tượng tác giả muốn người đọc chiêm ngưỡng, nhận thức và nghĩ suy. Nhân vật thứ ba là: "Lũ chúng con", đại diện cho con người hôm nay, tự lên tiếng, tự đánh gia, cũng là tự nhận thức và diễn ngôn. Ba nhân vật với những sắc thái tư tưởng-thẩm mỹ khác nhau, tạo nên thế giới nghệ thuật thơ suy tưởng rất riêng của Lê Đình Bảng.
Tác giả (nhân vật thứ nhất), không hiện diện trực tiếp trong bài thơ, nhưng lên tiếng trực tiếp với người và đưa ra nhận định về từng trường hợp cụ thể. Nhiệm vụ cốt lõi của nhân vật này là lý giải luận đề: nghe Chúa kêu "Ta khát", thì thái độ của con người thế nào? Tác giả trả lời: con người thờ ơ, vô cảm, bội bạc, bỏ Chúa mà đi. Cả lịch sử hai nghìn năm Chúa không tìm được một người chia sẻ, trái lại, "Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt"; "Họ đón gió. Để cầm cờ, đi trước/ Để mua vui, xem rao bán, chợ trời". Chúa chết vì "những âm mưu, toan tính thấp hèn / Bởi những chiêu trò, lòng dạ nhỏ nhen "của họ. Và vì thế
Hơn hai nghìn năm, Chúa còn kêu khát
Babylon ôi, liễu rũ, hoang tàn
Đã mấy mùa chay, tím ngắt hoa xoan
Đêm mướt máu, khát, khô hầu, bỏng họng
Nhân vật thứ nhất (tác giả) phơi bày những sự thật ấy, phơi bày triệt để, lộn trái lương tâm Con người, để thức tỉnh họ. Nghe tiếng Chúa kêu, con người phải làm gì cụ thể để đáp lại tiếng Chúa (như Simon, như Veronica, như người phụ nữ ngoại tình bị ném đá được Chúa cứu thoát). Sự khác biệt của thơ suy tưởng Lê Đình Bảng với "Thơ suy niệm" và "Thơ ca cầu nguyện" là ở chỗ, tác giả không đưa ra bài học đạo đức nào để dạy dỗ người đọc, mà để người đọc cùng nhận thức và tự hồi tâm.
Nhân vật thứ hai (Đức Giêsu) tâm sự với Chúa Cha về sứ mệnh "Cứu độ nhân loại". Tác giả tái hiện lại hình ảnh Đức Giêsu trong Vườn Dầu: "Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết / Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình", giữa cô quạnh, Ngài kêu lên thê thiết: "Lạy Cha, lạy Cha...Ôi, chén đắng, làm sao con uống được/ Ôi, chén đắng, làm sao con uống được". [Xin đọc trình thuật của Mathêu: "Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha"(Mt 26, 39).]. Tác giả khám phá hiện sinh về sự yếu đuối trong nhân tính của Đức Giêsu trước sứ mệnh Cứu độ nhân lọai và sự tuyệt vọng của Ngài trước thái độ bội bạc của con người. "Lạy Cha, lạy Cha...Ôi, chén đắng, làm sao con uống được/ Ôi, chén đắng, làm sao con uống được".
Nhân vật thứ ba là "con người hôm nay". Đây là kiểu nhân vật tập thể mà tác giả nhập thân, đại diện, tự nhận thức và nhân danh để diễn ngôn:
Lũ chúng con, phường lưu dân tụ bạ
Hễ đông vui, xúm xít vỗ tay vào
Như bọn ăn mày đánh đổ cầu ao
Tạt nước theo mưa, hoa trôi bèo dạt
Khổ thơ dùng ngôn ngữ bình dân đương đại, dùng nhiều thành ngữ để khắc họa chân dung thấp hèn con người hôm nay và thái độ bội bạc của họ trước tiếng kêu của Chúa. Những đại từ chỉ trống "lũ, phường, bọn" hàm ý khinh miệt. Lũ chúng con chỉ là phường lưu dân tụ tập bậy bạ, "khi vui thì vỗ tay vào", đến khi thấy Chúa bị bắt đưa đi giết thì chạy cho xa. Chẳng được tích sự gì cho Chúa. Giống như bọn ăn mày nghèo kiết, xin được ít gạo lại đánh đổ ở cầu ao, thế là xong, lại bị không. Tệ hơn thế, lũ chúng con còn là bọn hùa theo tội ác "tát nước theo mưa", như thể đám dân chúng hùa theo đòi tha Baraba mà đóng đinh Giêsu (Mt 27, 20-23).
Trong cái phường lưu dân bậy bạ ấy, tìm đâu được một người đáp lại tiếng Chúa kêu "Ta khát":
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông...
...Cày xới mãi, vườn chỉ ra hoa đực
Toàn lúa non, bông hạt lép, sâu rầy
Cả mùa màng, trông bốn phía đông tây
Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật"
Hình ảnh thơ đậm màu sắc thẩm mỹ ca dao, nhưng mang ý nghĩa biểu tượng và hàm nghĩa tư tưởng: "Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật".
Ba nhân vật, mỗi hình tượng có giá trị thẩm mỹ riêng, có sức gây ấn tượng riêng, chứa đựng những ẩn ý tư tưởng riêng, nhưng cả ba hợp lại trong một tổng thể Chính luận-Trữ tình-Tư tưởng, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đa thanh. Kiểu nhân vật này là một đóng góp mới mẻ của Lê Đình Bảng vào thơ Suy tưởng-chính luận Việt đương đại.
2. Màu sắc của ngôn ngữ thơ
Nếu bạn quen đọc thơ trữ tình của Lê Đình Bảng với ngôn ngữ mượt mà bay
bổng, "lời lời như châu ngọc, hàng hàng gấm thêu"(Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh, câu 1156) thì sẽ bị "sốc" khi tiếp cận với ngôn ngữ trần trụi, đời thường, cách nói năng theo kiểu "chợ trời" đương đại của bài thơ này.
Họ đón gió. Để cầm cờ, đi trước
Để mua vui, xem rao bán, chợ trời
Chúa-ba-mươi-đồng- bạc- lẻ-tiền-tươi
Chúa chết tả tơi, trần truồng, nhục khổ
Ôi, cái chết đã tận cùng bằng số
Bởi những âm mưu, toan tính thấp hèn
Bởi những chiêu trò, lòng dạ nhỏ nhen
Đi đâu hết, những thề non, hẹn biển
Vấn đề là tại sao Lê Đình Bảng thay đổi kiểu ngôn ngữ khác hoàn toàn với ngôn ngữ thơ trữ tình của ông?
Phải chăng nhà thơ cũng là một người mà "Ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già" (Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh, câu 2534). Nói về sự bội bạc của con người với tiếng kêu "Ta khát" của Đức Giêsu, thì không thể nói bằng ngôn ngữ hoa mỹ, đẹp lãng mạn, mà phải dùng loại ngôn ngữ chắc như gạch đá, dộng thẳng vào tim, may ra mới lay động được chúng.
Khi tắt thở, Chúa vẫn còn kêu khát
Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi...
Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi
Câu thơ bộc lộ tất cả sự phẫn nộ của Chúa với bọn giả hình. Tài năng của Lê Đình Bảng là dùng câu Kinh thánh diễn tả sự rung chuyển trời đất khi Đức Giêsu tắt thở "Và kìa, bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung" (Mt 27, 51), để diễn tả sự phẫn nộ của Chúa trước sự thờ ơ, giả hình của con Chúa trong nhà thờ: "Màn trong nhà thờ xé ra làm đôi...Nghe rộn ràng những sênh bát ỉ ôi". Người đọc cảm nhận được độ phê phán sâu sắc của câu thơ là từ hình tượng thẩm mỹ của ngôn ngữ (tức là ngôn ngữ thơ), dù nhà thơ có dùng lời ăn tiếng nói đời thường đương đại. Cũng có thể Lê Đình Bảng muốn dùng ngôn ngữ hôm nay để nói với người hôm nay: nói thẳng, nói thật, lộn trái lương tâm phường bội phản, bọn giả hình, lũ bạc ác, không cần phải tượng trưng, hoa mỹ.
Một sắc thái khác của ngôn ngữ thơ Lê Đình Bảng trong bài thơ này là những tứ thơ dân dã ca dao được chuyển hóa thành những nhận thức tư tưởng. Vẻ đẹp của đồng quê Việt Nam, của đời sống người nông dân hiện lên diễm tuyệt trong thơ Lê Đình Bảng trước đây, giờ mang màu sắc ngược lại
Hai nghìn năm, những khăn choàng giấu mặt
Gõ cửa từng nhà, nước lã ra sông
Lặn lội thân cò, con vạc, con nông
Đổ hết máu mình ra, cho đến chết
...
Cày xới mãi, vườn chỉ ra hoa đực
Toàn lúa non, bông hạt lép, sâu rầy
Cả mùa màng, trông bốn phía đông tây
Nửa sự thật, chẳng còn là sự thật
Những hình ảnh biểu cảm của ca dao trong những câu thơ trên không còn mang nghĩa hiện thực mà trở thành biểu tượng tư tưởng. Chúa gõ của từng nhà, Chúa lặn lội như thân cò, con vạc, con nông, "Đổ hết máu mình ra, cho đến chết", nhưng không tìm thấy ai cho Chúa "giọt nước tình thương". Liên tiếp những hình ảnh đồng áng Việt hiện lên: cả bốn phía đông tây, mùa màng, dù đã cày xới mãi, vẫn chỉ thu được hoa đực, lúa non, hạt lép, sâu rầy, nghĩa là không thu hoạch được gì. Chúa đã "cày xới mãi", đã "trông bốn phía động tây" nhưng không tìm thấy đâu một mầm sống của "giọt nước tình thương". Một sự vô vọng rất cụ thể và một nỗi đau buồn mênh mông.
Sự chuyển nghĩa của ca dao dân dã Việt thành không gian tư tưởng Kinh thánh này có nhiều ý nghĩa. Nhà thơ đem Chúa đến từng nhà, cày xới trên khắp cánh đồng, vô vọng đứng trông và tìm kiếm. Chúa gánh lấy tâm trạng, khát vọng cuộc sống của người nông dân Việt, không gian Việt hòa vào không gian Kinh thánh, thật mới lạ và kỳ diệu (tuy có thể gây sốc cho người không quen đọc thơ đạo). Nhà thơ Lê Đình Bảng nỗ lực đưa thơ ca Công giáo vào dòng chảy của thơ ca dân tộc; đó cũng là sự khám phá sáng tạo riêng của nhà thơ về nghệ thuật và tư tưởng, đem đến những trường ngữ nghĩa và màu sắc thẩm mỹ mới cho ngôn ngữ dân tộc, mà tưởng chừng như thứ ngôn ngữ ấy đã cạn kiệt năng lương thi ca.
ĐỌC "BÀI THƯƠNG KHÓ ĐỨC CHÚA GIÊSU" CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG, BẠN ĐỌC NGHĨ GÌ?
Nhà thơ Lê Đình Bảng không suy niệm Kinh thánh để rút ra bài học đạo đức kêu gọi người đọc "hãy sám hối" trở về, "phải gục đầu" ăn năn trước "Bài thương khó của Đức Giêsu". Ông chỉ đặt vấn đề nhận thức: "Chúa kêu khát, những hai nghìn năm trước/ Có ai thương, cho được giọt nước nào". Và bạn tự trả lời tiếng kêu ấy của Chúa bằng những "giọt nước tình thương".
Hãy làm những việc cụ thể như Simon, như Veronica, như người đàn bà bị ném đá được Chúa cứu khỏi tội chết. Đừng như Philatô; hay bọn "đón gió trở cờ", bọn "tát nước theo mưa"! Làm sao để cảm nhận, để chia sẻ nỗi cô đơn, tuyệt vọng của Chúa trong Vườn Dầu vì yêu nhân loại, nhưng lại bị nhân loại bỏ rơi.
Bạn hãy đặt linh hồn mình đối diện với Chúa đang hấp hối trên thập giá và đáp lại tiếng Chúa: "Ta khát!".
Đêm mướt máu. Đêm Vườn Dầu, thao thiết
Chúa khóc thương ai hay khóc chính mình.
Xin mạn phép nhà thơ mở một ngoặc đơn ở đây. Hơn hai ngàn năm qua, "tiếng kêu" "Ta khát!" của Chúa đã được con Chúa đáp lời trong khắp thiên hạ. Tính đến 31/12/2021 trên thế giới đã có 1.375.852.000 người theo Chúa, có 407. 872 linh mục, 608.958 nữ tu [2]. Ở Việt Nam [3], trong thế kỷ 18 và 19, đã có khoảng từ 130.000 đến 300.000 giáo dân bị giết vì đạo, họ đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin. Và tôi hình dung ra, nơi Thiên quốc Đức Giê-su nói với những người theo Chúa: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en" (Mt, 19:28).
【Bùi Công Thuấn, Mùa Chay 2024】
[1] Xin đọc
Chế Lan Viên: Làm Hamlet ở Việt Nam: https://www.thivien.net/Ch%E1%BA%BF-Lan-Vi%C3%AAn/L%C3%A0m-H%C4%83m-let-%E1%BB%9F-Vi%E1%BB%87t-Nam/poem-5owcmTJjeuNNEmhnfvzrw
Nguyễn Đình Thi: Đất Nước: https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-%C4%90%C3%ACnh-Thi/%C4%90%E1%BA%A5t-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/poem-YFWZ8afu7g2IoLevX1_E2Q
Nguyễn Khoa Điềm: Mặt đường khát vọng: https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Khoa-%C4%90i%E1%BB%81m/M%E1%BA%B7t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-kh%C3%A1t-v%E1%BB%8Dng-1974/group-K-KPc0BUQdzcRKS-f2QraA
Nguyễn Duy: Đánh thức tiềm lực: https://www.thivien.net/Nguy%E1%BB%85n-Duy/%C4%90%C3%A1nh-th%E1%BB%A9c-ti%E1%BB%81m-l%E1%BB%B1c/poem-REQKF1MQ8Xtvv6p38vcXyg
[2] Thống kê của giáo hội Công giáo năm 2023
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-ke-giao-hoi-cong-giao-nam-2023-52864
[3] Tóm lược tiểu sử các thánh tử đạo Việt Nam
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tom-luoc-tieu-su-cac-thanh-tu-dao-viet-nam-31171,t%E1%BB%99i%20hay%20b%E1%BB%8B%20l%C6%B0u%20%C4%91%C3%A0y.