Chúa Giêsu phải chịu chết trên Thập giá – Vì cớ làm sao? - Joseph Tạ chuyển ngữ
29.03.2024
Câu trả lời của cha Philippe Louveau, cha sở của giáo xứ Saint-Cyr-Sainte-Julitte de Villejuif, giáo phận Créteil, Pháp.
Trình thuật về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô trên Thập giá gây chấn động. Vì sao Chúa Giêsu phải chịu chết? Đó là lời sửng sốt mà bất cứ ai cũng có thể thốt lên khi chứng kiến cảnh tượng bạo lực này trong các sự kiện. Xem ra có thể có nhiều câu trả lời và sự thực trong Kinh Thánh có nói đến.
Ngài chịu chết... Vì Ngài bị giết!
Chúa Giêsu không muốn chết và thậm chí Ngài còn xin Cha ngài "cất chén này" đi. Ngài chịu chết vì Ngài đã bị giết. Các sách Phúc Âm cho thấy lời nói và hành vi của Ngài cuối cùng đã khiến Ngài trở thành mối phiền toái như thế nào. "Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa." (Ga 3, 19).
Một số người có lý do tôn giáo để phẫn nộ với Chúa Kitô: những tuyên bố của Người dường như không phù hợp với Lề luật. Thánh sử Gioan thuật lại rất rõ ràng: "Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa" (Ga 5,18).
Những người khác có động cơ mang tính chiến lược hoặc vì chính trị hơn. Chính quyền sở tại đã phải tận dụng cơ hội để ngăn cản dân chúng nổi dậy chống lại kẻ chiếm đóng. Để có được bản án tử hình từ chính quyền La Mã nhằm chống lại Chúa Giêsu, họ đã tố cáo Ngài như một kẻ tự xưng mình là vua và do đó là kẻ thù của hoàng đế (x. Ga 19,12). Bởi vậy, Chúa Giêsu phải chịu án khổ hình thập giá.
Người đã chết "đúng như lời Kinh Thánh"!
Nhưng giải đáp trên là không đủ. Cái chết của Chúa Giêsu không bị coi là "hóa giải" của một mối phiền toái. Bởi vì vấn nạn thực sự là thế này: Nếu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, làm sao Ngài có thể chết được?...và hơn thế nữa, một cái chết nhục nhã đau thương đến vậy? Ngay từ đầu, đây thực sự là vấn đề: "Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1Cr 1,22-23). Chỉ dưới ánh sáng Phục Sinh, dần dần toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu mới tỏ rõ ý nghĩa... kể cả cái chết của Ngài. Bằng cách đọc lại các bài Thánh Vịnh, và còn hơn thế nữa, những phần mô tả về Người Tôi Trung đau khổ (Is 42,1-44; Is 49,1-13; Is 50,4-11; Is 52,13-53,12; Is 61), các môn đệ nhận thấy một sự nhất quán, các ông không ngần ngại mà nói rằng Chúa Giêsu đã chết "đúng như lời Kinh thánh" (1Cr 15,3). Vì vậy, "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26)
Ngài chịu chết "vì chúng ta"
Kinh thánh lặp đi lặp lại nhiều lần điều đó: Chúa Giêsu đã chết "vì chúng ta" và "vì tội lỗi chúng ta". Trong văn bản Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp cũng như trong bản dịch tiếng Pháp, cụm từ "vì chúng ta" có thể có nghĩa là "cho chúng ta, có lợi cho chúng ta" (dường như là nghĩa thường gặp nhất), nhưng cũng có nghĩa là "vì tội lỗi chúng ta" (x. Rm 4,25) và còn là "đền thay cho chúng ta" (x. Gl 3,13 và 2Cr 5,21).
Tất cả những cách diễn đạt này cho thấy rằng Chúa Giêsu chết cũng như khi Ngài đã sống là: vì chúng ta! Cái chết của Ngài giúp hiểu rõ cuộc sống của Ngài, một cuộc đời trọn vẹn "trao ban": "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." (Ga 15, 13); "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình." (Ga 10,18); "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em!" (Lc 22,19). Và ngay chính cuộc đời của Chúa Giêsu phải được hiểu trong quy chiếu gắn liền với Thiên Chúa Cha. Như Kinh nguyện Thánh Thể IV diễn tả cách sâu xa, Chúa Giêsu chịu chết vì Ngài muốn "yêu thương chúng ta cho đến cùng".
【Joseph Tạ chuyển ngữ】
Dịch từ jesus.catholique.fr