Cái ghế phía sau Nhà tạm - Tác giả: Lm.Mar-Aug-Hồng-Phúc-SSS
21.03.2024
Ngày nhỏ, khi còn là cậu bé lễ sinh, tôi cứ thắc mắc tại sao ai lại để một cái ghế được đặt ngay đường dẫn từ phòng áo ra gian cung thánh, làm cản trở lối đi như thế. Nhưng rồi câu hỏi của cậu bé lễ sinh đã được giải đáp khi mà ngày nào tôi cũng thấy cha xứ ngồi tại ghế đó để suy niệm trước thánh lễ. Cha đã già, mắt đã mờ, nhưng ngài luôn trung thành với trách nhiệm của một mục tử từ những việc đạo đức tưởng chừng như bình dân nhất. Cái ghế đó chính là nơi cha già ngồi suy tư, lần hạt, chầu Thánh Thể... và cũng là nơi xử phạt mỗi khi chúng tôi phạm lỗi. Chẳng mấy chốc, tôi cảm thấy sợ hãi cái ghế đó. Bởi đơn giản, tôi đã bị bắt quỳ gối ngay tại chân ghế.
Ngày nào cũng thế, sau khi làm xong nhiệm vụ của mình, đám giúp lễ chúng tôi cứ tụm năm tụm bảy nói chuyện và đùa giỡn trong phòng áo. Có lần sau khi đã mặc áo giúp lễ chỉnh tề đâu ra đó, chỉ còn vài ba phút là bắt đầu thánh lễ, nhưng tụi tôi vẫn cứ thích đùa giỡn. Chúng tôi rượt dí nhau chạy lòng vòng trong phòng áo. Vì có một bậc thềm, tôi cố dang chân thật rộng để nhảy qua bậc. Ai dè cái áo giúp lễ không đủ rộng so với sải chân của tôi. Vì thế, đang đà chạy, bị cái áo kéo dật chân lại, tôi té ngã nhào. Đầu đập xuống nền kêu cái cốp. Tôi nằm sõng soài dưới đất. Khóc! Cha xứ đến, ngài không bênh vực hoặc an ủi tôi một câu nào, cũng chẳng lau nước mắt cho tôi. Ngài bắt cả đám chúng tôi quỳ gối ngay bên cạnh cái ghế, trong khi ngài thì ngồi thinh lặng. Tất cả chúng tôi, cả cha xứ, mặt quay về phía nhà tạm, nơi có Thánh Thể Chúa.
Rồi cha cũng dạy chúng tôi từ những việc nhỏ bé nhất của công việc phục vụ bàn thánh. Cách đi đứng thế nào, cúi đầu chào ra sao; cách quan sát bàn thánh và toàn bộ nhà thờ; cách xét mình trước và sau khi phục vụ bàn thánh... Nhưng đặc biệt nhất đó là bài học phải biết dành thời giờ cầu nguyện trước thánh lễ, ngồi bên nhà tạm để xét mình và chuẩn bị của lễ dâng cho Chúa trong thánh lễ. Và thế là cậu bé đó ham thích việc phục vụ bàn thánh lúc nào không hay.
Rồi tôi lớn lên, đi tu, và chẳng mấy chốc trở thành linh mục. Tạ ơn Chúa vì Người đã luôn yêu thương và ban cho tôi những ơn cần thiết để có thể thực hiện tốt sứ mạng của linh mục mà Chúa đã trao ban. Tôi dựa vào sức trẻ, cậy mình tài năng mà lao đầu vào làm việc không mệt mỏi. Cảm thấy mình có ích khi giúp đỡ được cho nhiều người, nhiều linh hồn.
Có lẽ là vì còn trẻ, còn khỏe và tự nhận thấy mình có nhiều tài năng, nên tôi lao đầu vào công việc mục vụ nhiệt tình và sốt sáng. Tôi đã hăng say vào mọi việc mục vụ, luôn bận rộn với trăm công nghìn việc. Tôi tận dụng mọi thời gian để có thể làm việc. Nào là xây dựng, giảng dạy, đồng hành với các giới, thăm viếng bệnh nhân và người nghèo... hoặc tôi cố gắng làm mọi thứ để làm vừa lòng giáo dân và những mong mỏi của họ.
Cuộc sống của một linh mục thật bận rộn.
Sáng.
Tôi thường phải bắt đầu ngày mới cách vội vàng. Có lẽ vì đêm qua tôi đã bận rộn với các hội đoàn, thiếu nhi, hoặc là giải quyết hồ sơ hôn nhân... và nhiều khi cũng là lỡ quá chén với mấy ông chùm và vài giáo dân nhiệt thành. Tôi thật lòng chẳng thích nhậu nhẹt, nhưng vì con gái ông chánh lấy chồng, rồi không lẽ không chung vui với gia đình ông chánh vài ly. Thì lúc đầu chỉ là đến chung vui hoặc chia buồn với gia đình của vài cộng tác viên của giáo xứ. Nhưng rồi, làm cha xứ mà, nếu tôi chỉ đến với vài người quen thì nhiều người khác lại cho rằng tôi phân biệt giàu nghèo. Nên dù không thích, dù không muốn thì tôi cũng vẫn phải đến để hiện diện với họ. Vì thế chẳng có tiệc tùng nào, chẳng có lễ lạc gì mà lại vắng mặt tôi – cha xứ và là chủ chăn. "Có sự hiện diện của cha hạnh phúc và vinh hạnh cho gia đình con quá!" – mấy ông tê tê sau khi uống vài ly hay lè nhè nói như vậy.
Rồi chẳng biết tự khi nào, thói quen dậy sớm trong chủng viện được thay thế bằng việc tôi thường thức dậy khi chỉ còn chưa đủ năm phút để đánh răng rửa mặt; và rồi vội vàng ra nhà thờ dâng thánh lễ. Nhiều khi tóc còn chưa kịp chải, mắt còn lơ mơ, đầu vẫn còn quay cuồng đến nổi không nhớ phải mở sách chỗ nào. Tôi đọc những lời nguyện cách máy móc mà chẳng hiểu mình đọc gì. Lời Chúa thì bữa đực bữa cái chuẩn bị trước, còn không thì cứ thao thao bất tận nào là Chúa giàu lòng thương xót, rằng ai không đi lễ Chúa nhật thì phạm tội trọng mất linh hồn.
Sau thánh lễ, tôi lại phải tiếp mấy ông chùm chầu café. Chẳng qua là vì thua trận bóng đá tối qua. Nếu không phải là nói về trận bóng, thì cũng là công việc của giáo xứ chứ có phải ngồi tán dóc đâu mà sợ người ta nói. Thì vừa uống café, chúng tôi vừa bàn công việc và sắp xếp kế hoạch trong ngày. Ừ thì một công đôi chuyện! Mặt trời cũng đã lên cao.
Trưa.
Công việc buổi sáng nhiều quá. Nhất là vào những mùa cao điểm như mùa Phục sinh, mùa Giáng sinh hay mùa cưới chẳng hạn, tôi phải làm việc vất vả cả buổi sáng mà không kịp uống nước nghỉ xả hơi. Vì thế, cơm trưa cũng phải vội vàng. Nhiều khi chỉ muốn ăn cho nhanh rồi ngả lưng một chút mà cũng không được.
Mà tuần nào cũng vậy, thứ bảy và Chúa nhật, thậm chí bất cứ ngày nào trong tuần, thì thế nào cũng có nhóm này nhóm kia, hội đoàn này hội đoàn nọ, hoặc người này người kia... mời dự tiệc. Nhiều khi họ nhiệt tình mang xe lên tận nhà xứ để chở cha. Dù rất mệt mỏi nhưng cũng phải đi vì lý luận của giáo dân rất đơn sơ rằng: "cha qua làm phép của ăn cho gia đình con, chứ mọi người đông đủ hết rồi, chỉ chờ mình cha thôi." Rồi không lẽ làm phép xong thì không ăn, không uống. Mà cho dù không ăn không uống thì khi về lại phòng thì cũng đã gần 2g trưa. Vừa đặt lưng chưa kịp nhắm mắt thì chuông cổng lại reo. Các bà vào dọn dẹp, quét lá,... rồi tôi cũng phải dậy đặt Mình Thánh Chúa cho giáo dân chầu Thánh Thể. Rồi lại tiếp tục các công việc còn dang dở khi sáng. Có những buổi chiều đi chầu mà trong đầu chỉ toàn công việc mục vụ, việc giáo xứ, việc xây chỗ này, sửa chỗ kia...
Chiều.
Nằm nghỉ trưa năm ba phút cũng không yên. Tôi thức dậy thường xuyên trong tình trạng đau đầu chóng mặt. Công việc buổi chiều cũng vì thế mà trở nên nặng nề. Nhiều khi đến giờ lễ chiều mà người còn nhễ nhãi mồ hôi. Thánh lễ chiều diễn ra cách vội vàng vì tôi chẳng đủ thời gian. Đang giơ cao Bánh Thánh sau khi truyền phép, tôi chợt nghĩ: Tối nay còn họp ban hành giáo bàn thảo công việc trong tháng, rồi còn gặp gỡ các bạn huynh trưởng... Sau đó là đi đọc kinh liên gia, rồi giáo huấn cho một hội đoàn nào đó...
Tối.
Tôi về phòng trong tình trạng mệt mỏi và có khi say mèm. Vội làm dấu, tay lướt qua điện thoại xem Tin Mừng ngày mai nói gì, nhiều khi chưa kịp nhìn xem để biết tin mừng trích sách nào thì hai mắt đã nhắm chặt. Tôi chìm vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài. Và rồi với tôi, đó là chu toàn trách nhiệm của một mục tử với giáo dân.
Nhận thấy sự nhiệt thành và năng nổ của tôi, nhiều giáo dân, và phải nói chính xác hơn là nhiều đại gia trong giáo xứ, những người rất nhiệt thành với công việc chung, đã khích lệ và ủng hội tôi xây dựng một nhà thờ mới thay cho nhà thờ đã cũ kỹ và mục nát này. Công việc xây dựng rất thuận lợi, và thành công tốt đẹp. Một nhà thờ mới, lớn, to, rộng, với hai tháp chuông vươn cao lên tận trời xanh nằm nổi bật giữa những dãy nhà thấp lè tè và lụp xụp. Giáo dân ai cũng vui vẻ đóng góp ít nhiều. Ngày thanh lý các vật dụng còn lại của nhà thờ cũ để tận dụng cho nhà thờ mới, một em lễ sinh hỏi: "Cha ơi cái ghế kia cũ quá rồi, có để lại không cha? Con thấy ai đó đã đặt ngay lối đi, cản trở quá." . Tôi liếc mắt nhìn cái ghế cũ mèm mà ai đó đã đặt ngay sau lưng nhà tạm, đang khi trong đầu còn ngổn ngang công việc, chẳng kịp suy nghĩ, tôi nói với mấy ông chùm: "Mấy ông vào xem coi bàn ghế nào còn sử dụng được thì giữ lại, còn cái nào cũ qúa thì thay cái mới." .Thế là dù còn rất nhiều bàn ghế vẫn còn sử dụng được, nhưng mấy ông trùm nhất quyết thay thế bằng toàn bộ đồ mới, với lý luận: "Nhà thờ mới thì phải mới hết chứ cha!" Cái ghế cũ ngay sau nhà tạm cũng bị lấy đi.
Thế rồi một ngày kia, đang mơ màng, tôi nghe tiếng ai đó đập cửa ầm ầm: "Cha ơi, cha ơi, đến giờ lễ rồi!" .Tôi mở mắt ra, ráng ngồi dậy nhưng đầu lại quay cuồng như chong chóng, sây sẩm mặt mày. Vừa vịn thành giường đứng dậy, tôi đã nôn ói đầy khắp mặt nền nhà, rồi té sấp mặt xuống đất...
Tôi được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ bảo may mắn tôi chỉ bị rối loạn tiền đình và suy nhược thần kinh, và khuyên tôi phải cẩn thận, nghỉ ngơi và tránh suy nghĩ nhiều.
Rồi điều gì đến cũng sẽ đến, tôi không thể làm việc được nữa. Chứng suy nhược thần kinh và đau đầu mất ngủ trở nên mãn tính. Hễ cứ tập trung suy nghĩ và làm việc một chút là bệnh tái phát, tôi bủn rủn tay chân, mắt nổ đom đóm rồi nhòe đi, có khi nôn ói, có khi miệng lắp bắp không nên lời. Đang khi tôi giữa những đau khổ và buồn bực vì bệnh tật, bề trên đến gặp riêng tôi. Ngài nói rằng có nhiều thư từ tố cáo tôi lạm dụng tiền bạc và không sáng tỏ trong việc xây dựng; cũng có vài thư nói rằng tôi hay đi lại với một vài ca viên và huynh trưởng... .Sau đó, ngài buộc tôi phải về nhà hưu dưỡng nghỉ ngơi và chạy chữa bệnh tật, bên cạnh đó cũng là dịp để nhìn lại hành trình ơn gọi của mình. Vừa nghe những lời bề trên chia sẻ, tôi hét to: Tại sao Chúa đối xử bất công với con như vậy! Con đang sức trẻ, đang làm việc cho Chúa, tại sao Chúa lại để con rơi vào tình cảnh này! Ừ! Thì dù muốn dù không tôi cũng phải vâng lời bề trên thôi.
Ngày dọn đồ đến nhà hưu, tôi được sắp xếp ở một phòng ngay sau nhà nguyện trong khuôn viên nhà hưu. Chính vì thế tôi đến nhà nguyện từ cửa phòng áo, thay vì đi cửa trước như các cha già hưu khác. Sáng nay, vừa bước vào phòng áo, men theo lối đi ra khu vực dành cho đồng tế, tôi thấy một cha già đang ngồi trên chiếc ghế nằm nép mình bên cạnh nhà tạm. Chiếc ghế làm cản lối đi từ phòng áo ra gian cung thánh. Có một cha già ngồi đó, đầu nghiêng về phía nhà tạm như thể đang lắng nghe tiếng Chúa, tay cầm tràng hạt mân côi. Bất chợt, tôi nhận ra hình ảnh của cha xứ năm nào.
Phải rồi, đã từ rất lâu tôi đã quên cái ghế này. Đã từ rất lâu tôi không ngồi trên ghế này trước mỗi thánh lễ để chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị của lễ để dâng cho Chúa. Tôi cũng không nhớ chiếc ghế ngay cạnh nhà tạm của nhà thờ mới mà tôi đã có công xây dựng, đã bị ai đó dẹp bỏ từ khi nào nữa.
Rồi tôi tiến lại gần cha già, quỳ ngay chân ghế. Tôi chẳng nói câu nào mà nước mắt đã ướt đẫm. Cha già cũng nín thinh, rồi đặt tay lên xoa đầu tôi. Bất chợt tôi bỗng thấy mình như cậu bé lễ sinh năm nào bị bắt quỳ gối vì tội mê chơi đến té ngã trước thánh lễ. Giờ thì sau bao bộn bề của ơn gọi và mục vụ, tôi cũng đã bị té ngã. Có lẽ lần này tôi không u đầu, không đau đớn về thân xác. Cú ngã làm tôi kệt quệ cả về thể xác và linh hồn. Cú ngã lần này đã chặn đứng tất cả kế hoạch trong hành trình ơn gọi của tôi. Có lẽ đã lâu rồi tôi đã quên mất bài học đầu đời của đời dâng hiến, đó là ngồi tại chiếc ghế này để suy gẫm, để cầu nguyện, để lần hạt, để chiêm ngắm tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Có lẽ từ lâu rồi tôi không quỳ gối tại chiếc ghế này để xét mình. Mà hình như, có lẽ đã lâu rồi tôi không có thời gian để cầu nguyện thì phải!
【Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSSTrích: Nhật Ký – Những ngày đi hoang】