15 năm GS FX. Trần Duy Nhiên từ giã cõi đời - Tác giả: Lm. Trăng Thập Tự
03.03.2024
Mẹ Têrêsa Calcutta và Giáo sư Trần Duy Nhiên
15 NĂM GS. FX. TRẦN DUY NHIÊN TỪ GIÃ CÕI ĐỜI MỜI BẠN TÌM ĐỌC 2 TẬP SÁCH CỦA ÔNG - MƯỜI BA NGƯỜI THAY ĐỔI THẾ GIỚI - CUỐN PHÚC ÂM THỨ NĂM TỦ SÁCH NƯỚC MẶN PHÁT HÀNH
Nhân dịp này, xin được ghi lại bút ký ngắn của Lm. Trăng Thập Tự viết khi Thầy Trần Duy Nhiên ra đi.
ĐỂ CÓ NHỮNG TRẦN DUY NHIÊN MỚI
Sáng ngày 11-02-2009, thánh lễ an táng giáo sư Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên được cử hành tại nhà nguyện Dòng Nữ Tử Bác Ái, quận 3, do Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc chủ lễ cùng với 25 linh mục đồng tế.
69 tuổi, anh là một giáo dân trí thức nổi bật đã đóng góp nhiều cho Hội Thánh – 15 năm sau ngày đất nước thống nhất với các sinh hoạt trẻ Công Giáo tại Thành phố Đà Lạt và 15 năm vừa qua với những sinh hoạt trí thức tại Sài Gòn: Trung tâm Nguyễn Trường Tộ, tạp chí điện tử Maranatha, Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình. Là người cầm bút, anh để lại nhiều bài viết giá trị, quyển sách đáng đọc "Mười ba người thay đổi thế giới" (Ngài đã gọi họ, Ngài đã gọi tôi) và trên 20 kịch bản, mở đầu với vở "Cuốn Phúc Âm thứ năm" đã được diễn trên 200 lần tại nhiều giáo xứ và giáo phận.
Chúng tôi quen nhau từ 1975. Anh là một giáo dân ảnh hưởng khá nhiều trên sứ vụ linh mục của tôi. Thụ phong linh mục đã 28 tuổi, tôi vẫn còn nhiều lúng túng trong cách ứng xử và chưa đủ tự tin trong việc phục vụ Lời Chúa. Tôi vui mừng bắt gặp cách chia sẻ hấp dẫn và thuyết phục của người giáo dân hơn tôi 6 tuổi. Mấy năm dầu, mỗi lần giảng lễ hoặc hướng dẫn tĩnh tâm cho bạn trẻ, tôi đều hẹn gặp anh để trao đổi trước và sửa lại bài soạn theo những góp ý của anh. Loạt bài "Tin Mừng cho người muốn nghe" (1982), viết tới đâu tôi nhờ anh đọc tới đó. Năm 1997, để hoàn thành quyển giáo lý cho lớp Vào Đời 3, "Giữa lòng Hội Thánh và Thế Giới" dành cho các em 18 tuổi, tôi đã gởi bản thảo cho anh xem trước và trao đổi kỹ trên những chủ đề sở trường của anh.
Chúng tôi gợi hứng lẫn cho nhau. Từ quyển "Mười ba người thay đổi thế giới" (1977), tôi viết một loạt 20 ca từ và một số anh em dệt thành tập nhạc "Rabbôni, tôi hát về Ngài" (1978). Đến lượt anh lại từ những bài hát ấy mà viết nên "Cuốn Phúc Âm thứ năm" (1979).
Anh nằm xuống, tôi mới chợt nhớ ra tên anh có nghĩa là "nhen lên". Từ những bạn trẻ 15-17 tuổi cho đến trung niên và trí thức, rất nhiều người đã nhờ anh gợi hứng mà dấn thân nhiệt tình. Chính qua anh mà tôi được quen biết một số giáo chức ngoài Công Giáo để mày mò kinh nghiệm làm tông đồ cho giới trí thức.
Anh không cao niên như những bậc thầy tôi ngưỡng mộ, thế nhưng giờ đây nằm xuống anh cũng đã ngót 70. Trong thánh lễ an táng, tôi đã suy nghĩ và cầu nguyện để làm sao có được thêm nhiều giáo dân như anh. Trẻ hơn anh, trong hàng ngũ giáo dân dưới 69 tuổi, bây giờ có được những ai đang nổi bật trong những đóng góp tích cực về văn hóa và suy tư cho Hội Thánh? Chắc bạn đọc đang đếm trên những đầu ngón tay...
Làm sao để gia tăng cho Giáo Hội Việt Nam một số lượng đáng kể những giáo dân say mê Chúa Kitô, Lời Ngài và Hội Thánh Ngài? Những giáo dân theo dõi tận tường các sinh hoạt Hội Thánh khắp nơi, hăm hở đào sâu thần học, biết và dám lên tiếng bênh vực Hội Thánh cũng như lên tiếng đóng góp suy tư với Hội Thánh cách khiêm nhường?
Nhìn lại ơn Chúa trên tâm hồn người tín hữu này, tôi thấy lóe lên hy vọng. Anh Trần Duy Nhiên đã không xuất thân từ nhà dòng hay chủng viện, không đi qua những trường lớp chính quy của Hội Thánh. Anh chỉ tham dự một số khóa học Cursillos, Công Lý và Hòa Bình, Pour Le Monde Meilleur... Còn nữa thì tự học là chính. Tuy nhiên điều đem lại hy vọng nhiều nhất là cái mở đầu nơi kinh nghiệm của anh. Anh gần như đã mất đức tin nhưng rồi đã được ơn trở lại. Chính cuộc trở lại đầy ý thức sau thời đại học đã đem lại cho anh những xác tín, để từ đó anh vận dụng những tài năng Chúa ban mà phục vụ cho công cuộc của Ngài. Xin đính kèm đây chứng từ trở lại anh viết năm 1978.
Trong tang lễ anh, tôi nghĩ đến con đường tắt để cống hiến cho Thiên Chúa và Hội Thánh những trí thức nhiệt thành: Truyền giáo cho giới trí thức. Tôi có được quen một Mục sư đã trao quyển "Sống Theo Đúng Mục Đích" vào tay nhiều ngàn trí thức. Tôi cũng thân với một Linh mục trẻ đã tặng quyển "Ngôn ngữ của Chúa" cho hầu hết trí thức tại khu vực của anh, và nay bắt đầu tặng quyển thứ hai, "Sống Theo Đúng Mục Đích". Chắc hẳn ngày sẽ càng có thêm nhiều người làm công việc ấy. Tuy nhiên, muốn cho những trí thức độc giả ấy có được đức tin còn phải có sự hỗ trợ của hy sinh và kinh nguyện. Càng nhiều người cầu xin ơn đức tin cho các trí thức, sẽ càng có nhiều trí thức đến với Chúa, cống hiến tài năng, sức lực và kinh nghiệm mình cho Thiên Chúa và Hội Thánh.
Tôi ước mong mỗi độc giả đang đọc bài này sẽ âm thầm cam kết với Chúa một giao ước nhỏ: Dâng hy sinh và kinh nguyện của mình để cầu cho một trí thức nào đó đang đọc hai quyển sách trên đây được ơn nhận biết Chúa thật sâu xa. Chỉ cần mỗi người hy sinh và cầu nguyện cho một người, mùa gặt sẽ không ít. Mong rằng ngay hôm nay, chính bạn, người đang đọc bài này, sẽ bắt đầu giao ước ấy! Tại sao không?
Nhà Tĩnh Tâm Đamianô, Quận 9, 13-02-2009
【Linh mục Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh】
15 NĂM GS. FX. TRẦN DUY NHIÊN TỪ GIÃ CÕI ĐỜI MỜI BẠN TÌM ĐỌC 2 TẬP SÁCH CỦA ÔNG - MƯỜI BA NGƯỜI THAY ĐỔI THẾ GIỚI - CUỐN PHÚC ÂM THỨ NĂM TỦ SÁCH NƯỚC MẶN PHÁT HÀNH
Nhân dịp này, xin được ghi lại tâm tình chia sẻ của tác giả gửi cho Lm. Trăng Thập Tự 46 năm trước đây khi ông 38 tuổi.
KHÔNG ỔN
I. ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI?
Anh K.
Khi nhận được bản câu hỏi của anh, mình không thấy gì lạ, vì chúng ta đã hội ý trước rồi mà và câu hỏi: "Đối với bạn, Đức Kitô là ai?" mình có cảm giác là quen thuộc. Mình đã đọc cả hai cuốn Fêtes et Saisons về đề tài ấy, mình đã trả lời nhiều về câu hỏi ấy. Mình có sẵn một lô câu trả lời... và mình nghĩ chỉ ngồi viết lại cho anh những tư tuởng ấy, độ nửa giờ là xong, không có gì khó cả. Nhưng khi ngồi vào bàn mình bỗng giật mình và thấy không dễ dàng như mình tưởng. Câu hỏi không phải là "Kiến thức của bạn về Đức Kitô như thế nào?", mà là: "ĐỐI VỚI BẠN, Đức Kitô là ai?". Mình bỗng thấy mình khôi hài, mình từng có cái cảm giác rằng: Đức Kitô ư? Trong túi tôi này, để tôi lấy ra cho mà xem... Rồi mình khám phá rằng mình từng tìm ra Đức Kitô cho người khác còn đối với mình thì chưa bỏ đủ thì giờ để trả lời cho chính mình.
(Tình anh em, chia sẻ thật sự, anh thử đọc xem)
Đức Kitô là ai?
- Là một người sinh ra ở Do Thái cách đây độ 2000 năm, sống dưới hai thời hoàng đế Hêrôđê, lúc đó Ponce Pilate làm tổng trấn, lớn lên ơ Nazareth, chết ở Giêrusalem, bị tử hình thập giá...
- Không ổn, đó là Đức Kitô đối với lịch sử.
Đức Kitô là Con Thiên Chúa, chấp nhận làm người để thi hành ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chương trình yêu thương vô tiền khoáng hậu của Ngài.
Không ổn, đó là Đức Kitô đối với Giáo Hội Công Giáo.
- Có gì không ổn? Anh là người Công Giáo thế thì Đức Kitô đối với Giáo Hội cũng là Đức Kitô đối với anh chứ gì nữa!
- Không ổn là chỗ đó, vì tôi tin Đức Kitô nên tôi thuộc về Giáo Hội Công Giáo chứ không phải vì tôi thuộc về Giáo Hội Công Giáo nên tôi phải tin vào Đức Kitô.
Lẽ dĩ nhiên lịch sử không sai, Giáo Hội không sai, nhưng vấn để đặt ra hôm nay là Đức Kitô đối với tôi.
Đức Kitô đối với mình là người mà mình đã gặp cách đây gần 10 năm. Đúng vào ngày 1-11-1969. Ngày hôm ấy là ngày thứ nhì trong khóa Cursillo 2 tổ chức tại Cần Thơ. Trưa hôm đó là giờ viếng Thánh Thể. Mình vào quỳ gần bàn thờ như bao anh em khác và nhắm mắt cầu nguyện. Rồi thì CHUYỆN ẤY xảy ra. Không còn một chút nghi ngờ gì nữa, NGÀI Ở ĐÓ, hiện diện, mình không dám mở mắt ra, sợ rằng gặp Ngài đứng ngay đây. Rồi nước mắt mình trào ra. Năm ấy mình 28 tuổi. Từ ngày mình có trí khôn đến ngày ấy, không có gì làm cho mình chảy nước mắt nổi. Mình coi thuờng cái sướt mướt "đàn bà" ấy. Hèn. Thế mà ngày hôm ấy mình khóc rống như một thằng con nít. Không phải vì hối hận, không phải vì cảm động nhưng trong giây phút đó mình cảm thấy tất cả mọi sự trở nên đơn giản, tràn đầy. NGÀI ĐÓ. Chắc anh muốn hỏi: Ngài thế nào, tả nghe.
Làm sao mà tả được một cái gì không tuỳ thuộc vào ngôn ngữ? Ngài không âu yếm, không hiền lành, không vĩ đại, không gì cả, tất cả những chữ dùng về Ngài đều sai bét.
Ngài đó, thế thôi. Trước khi mình lấy vợ mình đã gặp bao nhiêu cô gái làm mình xiêu lòng, lần đầu tiên gặp vợ mình, mình cũng chới với, nhưng không nhằm nhò gì so với tiếng "sét" ngày hôm ấy. Mình biết rằng kể từ giây phút ấy mình không còn bình thường nữa. Đức Kitô đối với mình là gì nhỉ? Một cơn gió lốc, một khối nam châm, một ông chủ giam mình như nô lệ? Mình không cần biết. Hỏi thử Matthêô, đối với ông, Đức Kitô là ai? Ông sẽ câm miệng, và ông đã câm miệng. Ông không biết. Nhưng Đấng ấy nói với ông chỉ mấy tiếng vỏn vẹn là ông bỏ nhà bỏ cửa, bỏ bạc bỏ tiền, bỏ nghề bỏ nghiệp đi theo mà không biết đi đến đâu. Đức Kitô đối với mình là Đấng làm cho mình trở nên điên dại, ngu si, hèn hạ. Vì Đức Kitô đó, mà mình học hỏi Phúc âm, mình cầu nguyện, chịu Bí tích. Mình nghe giảng giải về Ngài, nhưng thú thật, mình biết, mười cuốn Phúc âm, một trăm cuốn thần học, một ngàn bài giảng cũng không cho mình "biết" (connaitre) gì thêm về Ngài. Dĩ nhiên, kiến thức thì thêm đấy, nhưng tự thâm sâu, mình vẫn mù tịt như ngày đầu. Và ngược lại, hằng vạn câu hỏi vấn nạn, hằng trăm ngàn thử thách, hằng triệu "thực tế" cũng không đụng chạm gì đến Ngài.
Rốt cuộc, Đức Kitô đối với mình là ai nhỉ?
Đối với mình Đức Kitô là Đấng đã đến làm hỏng cuộc đời mình, để mình theo Ngài là chuốc lấy khổ đau. Nhưng đổi lấy một trăm cuộc đời không có Ngài đánh hỏng thì mình cũng không thèm đổi. Mà khi nói hỏng là hỏng thật đấy. Đây không phải là vấn đề "khiêm nhường thánh thiện" đâu. Vì đời sống trần thế chẳng thành công, mà đời sống thuộc linh cũng chẳng ra gì cả.
Viết đến nay mình vẫn thấy rằng trả lời như thế cũng chưa ổn. Đáng ra thì phải trả lời bằng một tờ giấy trắng. Nói gì về Đức Kitô của mình cũng là làm cho Ngài thành tầm thường đi. Ngài là sự IM LẶNG. Trong một cuốn phim, có những cảnh không có một tiếng động, làm cho khán giả khám phá ra đuợc ý nghĩa của cảnh mình xem, cái im lặng đó, không một nhạc sĩ nào, không một dàn nhạc nào có thể lột hết được, sánh bì đuợc. Và trong cuốn phim của đời mình, Đức Kitô chính là sự IM LẶNG đó.
II. MỘT KINH NGHIỆM ĐÊM TỐI
Ngày tôi đậu tú tài xong, tôi bỗng thấy một lô vấn đề nảy ra làm đức tin tôi bị giao động. Vấn đề đầu tiên là vấn đề quan phòng. Thiên Chúa không thể đồng thời vừa biết trước mọi sự, yêu thương vô cùng và công bình vô cùng được. Nếu Ngài biết trước một ai đó sẽ bị chết đời đời mà vẫn dựng nên nó, thì Ngài còn thương yêu vô cùng ở chỗ nào? Vấn đề thứ hai là vấn đề tội nguyên tổ. Tôi tự nhủ: Tôi xuất hiện trên thế giới thật vô lý. Loài người chỉ ăn có một quả cây mà bị án phạt đến muôn ngàn đời sau, rồi đến ngày nào đó Con Thiên Chúa tới, để cho người ta đánh đập, sỉ vả, giết chết thế là Thiên Chúa vui vẻ tha thứ cho mọi người. Hoặc là Thiên Chúa không công bình hoặc là Thiên Chúa đành hanh, dù áp dụng cho Ngài hình dung từ nào thì Ngài cũng không xứng đáng là Đấng tôi tôn thờ. Từ đó tôi đi đến kết luận là Thiên Chúa chỉ là hậu quả của suy tư và sợ hãi của con người. Sở dĩ người ta không dám phủ nhận là vì người ta sợ. Nếu Thiên Chúa yêu thương thì lý giải thế nào về những đau khổ trên thế giới? Đặc biệt là những người vô tội nhất lại bị khổ sở nhất! Tôi thấy rằng vì danh dự của Thiên Chúa, không nên có Ngài.
Nhưng sau bao nhiêu năm từ chối Chúa mà không tìm ra hạnh phúc, và khi thân thế đã mệt nhoài, tôi ngồi tính sổ lại với linh hồn tôi, tôi thấy một lỗ hổng dễ sợ, và tôi nghĩ một người nữ sẽ lấp đầy được lỗ hổng đó. Tôi lập gia đình. Tôi lập gia đình khá sớm. Vợ tôi không phải là người công giáo. Tôi không thắc mắc gì cả. Tôi bỏ Thiên Chúa từ lâu rồi nhưng gia đình tôi cũng trống vắng hạnh phúc. Chẳng những thế nó còn đưa tôi đến bờ vực thẳm, đến độ có lần tôi muốn tự tử.
Khi tôi bắt đầu đi dạy, tôi sống xa vợ tôi, và vì không thể sa đà mất uy tín giáo sư, tôi vào một hội nhỏ có nam nữ để sinh hoạt cho vui và để giết những thì giờ trống rỗng. Đoàn thể đó lại là đoàn Thanh Sinh Công. Nhập gia thì tuỳ tục, tôi cũng nghe đọc Kinh Thánh, suy niệm, bàn thảo về thánh hóa môi trường, nhưng mục tiêu của tôi chỉ là để vui chơi mà không ai có quyền nói tôi thiếu tư cách của một giáo sư. Nhưng rồi một hôm tôi được phân công suy niệm. Bài tôi suy niệm là bài thương khó đoạn đầu, Đức Giêsu ở Giêtsêmani. Không hiểu sao tôi có cảm giác tôi thông cảm Ngài rõ ràng, thông cảm sự bất công đè nặng trên Ngài, sự cô đơn của Ngài, mà trên cao thì Thiên Chúa im lặng. Tôi khám phá nỗi dằn vặt của tôi rõ ràng, thì ra, từ bao năm qua tôi chống đối một Thiên Chúa mà tôi tự vẽ ra, hay người ta đã vẽ ra cho tôi, một Thiên Chúa hung ác, cầm một cái búa trên tay sẵn sàng trừng phạt. Và tôi chống đối Thiên Chúa đó. Nhưng tôi vẫn bị Ngài làm dao động. Nói cho cùng, hình như tôi vật lộn với Ngài và tôi đã ở trong tình trạng của Đức Giêsu ở Giêtsêmani, cô đơn, tuyệt vọng. Và câu hỏi dứt khoát được đặt ra: Có Thiên Chúa hay không? Tôi tự hỏi tôi như thế và không hiểu vì sao tôi không thể bảo rằng không có Thiên Chúa. Tôi không có lý do nào để xác quyết điều đó một cách logic, nhưng tôi thấy không thể nào nói "không" mà không đồng thời thấy mình tự dối lòng mình. Nếu có Chúa thì tôi phải tuân phục. Và khởi từ ngày ấy tôi bắt đầu trở lại một cách tiệm tiến. Cho đến ngày tôi suy gẫm về đứa con hoang đàng, tôi thấy thấm thía, vì tôi thấy rằng mình không để ý đủ đến người Cha trong Thiên Chúa mà chỉ đề ý đến những vấn đề làm mình nản lòng.
Và tôi quyết định trở về. Tôi khuyên nhủ vợ tôi. Và sau một năm, vợ tôi chịu phép rửa, chúng tôi hợp thức hóa hôn nhân trong Giáo Hội, sau 10 năm chống đối và chối bỏ.
Còn những vấn nạn kia? Thú thật, tới bây giờ tôi cũng chưa thấy có câu trả lời logic. Thật ra tôi đã được học và biết những câu trả lời làm tôi thỏa mãn, nhưng xét cho cùng, tôi tin nơi Ngài, mà những câu trả lời ấy tôi thấy là thỏa đáng. Trước kia cũng những câu trả lời ấy người ta trình bày cho tôi, tôi thấy nó ngây ngô, khờ khạo, thiếu logic thế nào ấy. Vì vậy tôi không nhắc lại những câu trả lời làm gì. Điều tôi muốn nói, là trong Ngài tôi đã tìm được hạnh phúc, và trên đường đi của Ngài, tôi càng ngày càng khám phá ra Chúa là TÌNH YÊU.
(Tôi không ghi lại những chặng đường khám phá đó). Tôi chỉ muốn nói một điều: Trong tình yêu, một ngàn lý lẽ cũng không thêm được gì, và một triệu phản chứng cũng không làm cho mình lay chuyển. Với cặp mắt tình yêu, mọi sự trở nên rõ ràng, vì suy tư làm cho con người khôn ngoan nhưng yêu thương làm cho con người sống và phát sinh sự sống.
【Trần Duy Nhiên, (Đà Lạt, 1978) 】