Như ngọn nến tiêu hao - Tác giả: Cao Gia An, SJ

Xuân Tân Phong
Nàng hiểu tại sao Minh lại tặng nàng cây nến nhỏ. Cuộc đời chàng giống như một cây nến. Cây nến phải được đốt lên, phải tiêu hao đi, để cuộc đời đầy bóng tối này được thêm một chút ánh sáng. Nàng nghĩ đến ngọn nến lặng lẽ bên nhà chầu trong đêm mưa bão. Nến cho người ta biết đường mà tìm về... NGUỒN:


Đọc xong kinh tạ ơn sau thánh lễ, Minh cúi đầu chào Chúa trên bức tượng chịu nạn rồi nhẹ nhàng ra khỏi phòng thánh. Tâm hồn chàng lâng lâng trong niềm bình an sâu lắng sau khi dâng một thánh lễ sốt sắng. Chàng đang sống những ngày tháng đẹp nhất đời người, sau một tuần được làm linh mục của Chúa.

Đang muốn tìm gặp cha xứ để nói vài lời cám ơn vì đã mời mình về đây dâng lễ, Minh dừng chân trên bục cửa, dõi mắt nhìn ra khoảng sân nhỏ bên hông nhà thờ. Gió chiều nhè nhẹ mơn man mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của vị linh mục trẻ. Sân nhà thờ cuối chiều ngập nắng. Giàn hoa giấy đỏ rực rỡ dọc hai bên lối đi. Bên giàn hoa, một cô bé khoảng bốn năm tuổi với chiếc váy đầm màu xanh da trời đang tung tăng đuổi theo chú bướm vàng. Chú bướm chập chờn bay lên lượn xuống. Cô bé mê mải, cho đến khi đâm sầm vào người Minh.

– A! Ông cố! Con xin lỗi ông cố!...

Minh mỉm cười thân thiện trước vẻ bối rối của cô bé. Chàng cũng mỉm cười vì lần đầu tiên trong đời được nghe gọi là ông cố. 'Ông cố' dịu dàng cúi xuống trên cô bé:

– Ừ! Ông cố chào con! Con tên là gì ?

– Dạ, con tên là Minh Anh, con là con của mẹ Trúc Thanh và bố Dương Bình.

Cô bé vừa trả lời, vừa ngước lên nhìn ông cố. Trên khuôn mặt trái xoan thánh thiện là đôi mắt trong veo. Chạm vào đôi mắt ấy, Minh bỗng thoáng giật mình. Trong đôi mắt bé Minh Anh có nét gì đó thật thân quen gần gũi. Chàng lặp lại:

– Con là bé Minh Anh, con của mẹ Trúc Thanh...

Trúc Thanh, phải rồi, cái tên ấy, đôi mắt ấy!..

2.

Trúc Thanh không được sinh ra trong một gia đình công giáo. Cả dòng họ của nàng đều là người bên lương. Hồi nhỏ, nhà thờ là cả một thế giới bí ẩn và lạ xa đối với nàng. Lớn lên một chút, đến tuổi biết mơ mộng, nhà thờ bỗng hấp dẫn nàng hơn. Xem phim, nàng thấy những đám cưới được tổ chức trong nhà thờ thật đẹp và trang trọng. Nàng mơ một ngày được làm cô dâu xúng xính trong chiếc áo đầm trắng muốt, được tay trong tay với một chú rể đẹp trai, họ cùng dìu nhau bước vào lòng nhà thờ ngập đầy hoa và nến, khi ca đoàn trổi khúc thánh ca du dương... Ở cái tuổi mộng mơ, Trúc Thanh đã nhiều lần để cho trí tưởng tượng bay bổng vẽ nên chân dung chú rể lý tưởng của lòng mình.

Tưởng rằng nàng đã gặp được giấc mơ ấy ở năm thứ hai đại học. Bước vào thời sinh viên, Trúc Thanh trở thành đích nhắm của nhiều chàng trai, nhờ khuôn mặt trái xoan thanh cao và giọng ca ngọt ngào. Đến hết năm thứ nhất, Trúc Thanh chẳng tìm được khuôn mặt của chàng rể mà nàng đã mơ... cho đến lúc Minh xuất hiện.

Minh học trên Trúc Thanh hai lớp. Chàng xuất hiện như một diễn viên phụ trong dàn nhạc của trường, lặng lẽ đệm đàn cho Trúc Thanh hát trong những buổi văn nghệ. Cho đến một hôm, để lấp vào một tiết mục bị hủy, diễn viên phụ phải bước ra ánh đèn sân khấu. Với phong cách đệm guitar nhẹ nhàng mang hồn cổ điển, giọng ca trầm ấm, mái tóc nghệ sĩ ngông ngông... Minh đã làm rung động con tim của Trúc Thanh ngay từ buổi đầu giáp mặt.

Trúc Thanh hạnh phúc khi biết Minh là người có đạo. Nàng tin đây là người mà Trời đã định sẵn để lấp đầy mơ ước trong lòng mình. Những lần cùng Minh bước vào ngôi thánh đường tham dự thánh lễ ban chiều, dù chưa hiểu gì về những nghi thức đang diễn ra quanh mình, Trúc Thanh vẫn thấy tâm hồn mình bình an lạ lắm. Nàng càng ngạc nhiên hơn nữa khi chứng kiến một người vững vàng như Minh mà cũng biết quỳ gối và gục đầu cầu nguyện. Nàng không hiểu được những gì đang diễn ra trong lòng Minh, nhưng nàng có thể đọc được phần nào chiều sâu thẳm trong tâm hồn chàng qua đôi mắt kính cẩn đang đăm đăm nhìn lên bàn thờ Chúa.

Qua những chăm sóc âm thầm nhưng chu đáo của Minh, nàng biết càng ngày mình càng đi gần đến ước nguyện.

3.

Sau ba tháng hè, Minh xuất hiện trước mặt Trúc Thanh, lặng lẽ. Sau ba tháng chờ đợi trong nỗi nhớ cồn cào, thế mà ngày gặp lại Trúc Thanh như thấy có gì đó thật hụt hẫng. Minh ngồi trước mặt nàng, chỉ lặng lẽ. Đôi mắt chàng như đang ở một chốn xa xăm nào đấy. Chàng như đã trở thành một con người khác. Mái tóc nghệ sĩ ngông nghênh đã được cắt gọn. Chiếc áo pull bụi bặm được thay bằng chiếc sơ mi trắng tinh lịch sự... Trúc Thanh đoán rằng có lẽ đã có điều gì đó thay đổi thật ghê gớm trong tâm hồn Minh. Nàng mơ hồ linh cảm rằng thay đổi ấy sẽ đưa Minh ra khỏi cuộc đời nàng. Chàng ngồi đó, gần thật gần, mà như xa diệu vợi.

Mùa hè năm ấy Minh quyết định đi tháng tình nguyện. Chàng muốn tìm kiếm kinh nghiệm mới trong mùa hè cuối cùng của đời sinh viên. Bởi chàng biết, một khi đã ra trường, bị cuốn vào công việc và tiền bạc, chắc khó còn có cơ hội để chàng làm những việc thiện nguyện đầy ý nghĩa.

Minh về dạy học ở một tỉnh vùng sâu cho những đứa trẻ không có cơ hội đến trường. Đó là một làng quê nghèo. Trẻ con ở đấy quen với việc chạy nhảy ngoài đồng hơn là phải ngồi bó gối một chỗ trong lớp học. Để có thể được làm thầy giáo, những ngày đầu Minh cũng phải ra đồng chạy nhảy với đám nhóc, cũng leo cầu nhảy sông, cũng chèo xuồng chổng vó... Sau một tuần, Minh gom được một đám nhóc quanh khoảng sân của ngôi chùa nhỏ nằm bên mép làng. Trong cái không gian lặng lẽ ấy, Minh bắt đầu gieo những con chữ đầu tiên vào đầu bọn nhóc.

Chỉ cách có một con mương nhỏ, nhưng ngôi chùa hầu như tách biệt với cuộc sống đang nhộn nhịp trong làng. Sân chùa buổi chiều ngập đầy lá rụng. Gió chiều xào xạc về trên những tán bồ đề rợp bóng.

Theo như người ta kể, khuôn viên nhà chùa trước đây là mảnh đất thuộc về một phú ông trong làng. Sư trụ trì trước đây vốn là cậu út trong gia đình phú ông. Cậu đem lòng yêu thương một cô gái nghèo trong làng, bất chấp sự cấm cản của gia đình. Chẳng biết gia đình đã dàn xếp thế nào mà sau một đêm, cả gia đình cô gái đột nhiên biến mất. Cô gái ra đi với đứa con đang thành hình trong bụng. Từ dạo ấy cậu út chuyển vào ở trong mảnh đất nhỏ bên mép làng. Một ngôi chùa nhỏ mọc lên. Lặng lẽ và bình yên.

Nhưng cuộc sống trong làng thì không bình yên được như ngôi chùa nhỏ. Cả làng vẫn còn nghèo, nhưng những ảnh hưởng của văn minh đã đi trước và đập lên cuộc sống bình yên của cả làng. Hoa quả của nó là những đứa trẻ còn đỏ hỏn lâu lâu lại bị bỏ rơi trước cổng chùa. Nhà chùa bỗng nhiên thành viện mồ côi.

Một cách vô tình, lớp học của Minh trở nên nơi gặp gỡ cho những đứa trẻ trong làng và những đứa trẻ mồ côi trong chùa. Được vào chùa, bọn trẻ con trong làng thích chí vì được chạy chơi thỏa thích sau mỗi giờ học. Những đứa trẻ mồ côi trong chùa thì mừng rỡ hơn vì có thêm bạn mới. Sân chùa đầy ắp tiếng cười.

Kết thúc hai tháng tình nguyện. Chia tay ngôi làng nhỏ. Mấy đứa trẻ ôm Minh mà khóc: "Thầy đừng đi Thầy ơi, ở lại đi Thầy ơi, ở lại là bố của tụi con. Ở đây đứa nào cũng có bố chỉ có tụi con là không. Tụi nó tụi gọi con là mấy đứa con hoang..."

Đó là lần đầu tiên trong đời Minh khóc trước mặt người khác. Trên chuyến xe về lại thành phố, lời của sư trụ trì cứ vang vọng trong đầu Minh: "Hy sinh một cuộc đời để nhiều cuộc đời khác được sống, đáng lắm chứ, thí chủ!"

4.

Chia tay. Họ chia tay bình thường như bao cuộc chia tay khác. Minh ra trường, tìm một khởi đầu mới trên con đường vừa nhen nhóm giữa lòng mình. Trúc Thanh ở lại tiếp tục việc học hành trong những ngày tháng vô vị.

Trúc Thanh không dám khóc vì sợ làm bận lòng Minh. Nàng biết Minh đã quyết. Nàng không hiểu tại sao Minh lại chọn con đường ấy, nhưng nàng lại tin Minh chẳng bao giờ chọn lựa sai.

Trước lúc chia tay, Minh tặng Trúc Thanh một cây nến nhỏ. Minh nói cây nến này người ta hay dùng để đốt trong nhà thờ, nhất là vào những đêm kinh nguyện. Giữa thế giới văn minh này, nến không còn cần thiết cho cuộc sống, nhưng nến vẫn thật cần thiết cho tâm hồn. Minh dặn nàng khi nào quá mệt mỏi với cuộc sống bề bộn, khi nào thấy tâm hồn mình quá lạnh lẽo, khi nào thấy cần có một người để tâm sự, hãy đốt nến lên. Và lặng lẽ.

Cây nến nhỏ vẫn còn nằm một góc trong ngăn bàn làm việc của Trúc Thanh. Ngọn nến cho lòng Trúc Thanh nhiều ấm áp và bình an. Nhưng ngọn nến chỉ được đốt lên mới có một lần. Nàng không đủ can đảm nhìn những vệt chảy loang lỗ trên thân nến. Nàng không đủ can đảm nhìn thân nến cứ tiêu hao dần dần mỗi khi được đốt lên. Nàng tự hứa với lòng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, để không bao giờ phải đốt nến nữa...

Trúc Thanh xin học đạo. Không còn phải để được làm cô dâu xúng xính. Nàng muốn tìm hiểu con đường mà Minh đang đi. Lạ lùng thay, càng tìm hiểu nàng càng cảm thấy con đường ấy quá xa với mình. Nàng không hiểu, nhưng càng ngày nàng càng chấp nhận hơn. Nàng tin Chúa có sự sắp xếp của Chúa. Nàng tin rằng với sự sắp xếp ấy nàng gặp được Dương Bình, nàng có bé Minh Anh, nàng có một mái gia đình đầm ấm.

5.

Tan lễ chiều, Trúc Thanh về nhà trong tâm trạng thật lạ. Vậy là chàng đã về, đã trung thành với chọn lựa của mình, đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mừng cho chàng... Nhưng sao tâm trạng của nàng lạ quá. Dường như có một chút gì đó chợt nhói lên trong nàng. Phải chăng là khoảng trời mơ tưởng đã ngủ yên chợt cựa mình thức giấc? Phải chăng là một chút hy vọng vô lý nhưng dai dẳng trong nàng vừa vụt tắt? Phải chăng nàng mang cảm giác tiếc nuối của cái thời còn là một cô bé vụng dại, khi lỡ tay để cho chiếc bong bóng vụt bay về trời?

Đêm. Trúc Thanh một mình ngồi lặng lẽ trong căn phòng. Tiếng gió ngoài hiên xào xạc. Đêm ngập tràn bóng tối.

Nàng hiểu tại sao Minh lại tặng nàng cây nến nhỏ. Cuộc đời chàng giống như một cây nến. Cây nến phải được đốt lên, phải tiêu hao đi, để cuộc đời đầy bóng tối này được thêm một chút ánh sáng. Nàng nghĩ đến ngọn nến lặng lẽ bên nhà chầu trong đêm mưa bão. Nến cho người ta biết đường mà tìm về...

Đêm ấy có một người lặng lẽ đốt nến giữa căn phòng lung linh ấm áp.

Cao Gia An, SJ-Roma – những ngày cuối năm 2008