Thiên Chúa tạo dựng trời đất - Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Lan Mary
Thiên Chúa tạo dựng Trời Đất từ hư vô không có ánh sáng, không có ngày đêm, mông lung hồng hoang... Nhưng do quyền năng tuyệt vời Chúa đã tạo nên mọi vật từ vòm trời bao phủ. Ban ngày mặt trời rực rỡ tỏa sáng dương gian. Ban đêm muôn vàn tinh tú lấp lánh soi đường cho hành trình vượt biển. NGUỒN:


Tường thuật

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Nhất (Sáng Thế Ký 1:1-5)

Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất. "Trời" được xem là mọi vật bên ngoài trái đất, không gian bên ngoài. Trái đất được dựng nên nhưng không được hình thành theo bất cứ cách cụ thể nào, mặc dù có sự hiện diện của nước. Và Đức Chúa Trời phán có sự sáng thì có sự sáng. Sau đó Ngài phân ánh sáng ra khỏi vùng tối và đặt tên cho ánh sáng là "ngày" và vùng tối là "đêm". Sự tạo dựng này xảy ra từ buổi tối đến sáng — đó là một ngày.

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Hai (Sáng Thế Ký 1:6-8)

Đức Chúa Trời làm nên bầu trời. Bầu trời tạo thành một rào chắn giữa nước trên bề mặt và độ ẩm trong không khí. Vào thời điểm này trái đất đã có bầu khí quyển. Công việc tạo dựng này xảy ra trong một ngày.

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Ba (Sáng Thế Ký 1:9-13)

Đức Chúa Trời làm nên đất khô. Các đại lục và những đảo ở phía trên mặt nước. Những vùng nước lớn được đặt tên là "biển" và mặt đất được gọi là "đất". Đức Chúa Trời nhìn thấy điều đó là tốt lành.

Đức Chúa Trời tạo nên mọi sự sống thực vật cả lớn lẫn nhỏ. Ngài tạo nên sự sống này để nó có khả năng sinh sôi nảy nở. Các loại cây này được tạo ra với sự đa dạng tuyệt vời (nhiều "loại"). Trái đất màu xanh lá cây và tràn ngập sự sống thực vật. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Công việc tạo dừng này mất một ngày.

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Tư (Sáng Thế Ký 1:14-19)

Đức Chúa Trời làm nên các vì sao và các thiên thể. Sự chuyển động của chúng sẽ giúp cho con người theo dõi thời gian. Hai thiên thể vĩ đại được tạo dựng liên quan đến trái đất. Thứ nhất là mặt trời là nguồn chính của ánh sáng và mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Sự chuyển động của những thiên thể này sẽ phân biệt ngày và đêm. Đức Chúa Trời cũng nhìn thấy công việc này là tốt lành. Công việc tạo dựng này mất một ngày.

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Năm (Sáng Thế Ký 1:20-23)

Đức Chúa Trời tạo dựng nên mọi sự sống sống trong nước. Mọi sự sống của bất kỳ loại nào sống trong nước đều được tạo dựng tại thời điểm này. Đức Chúa Trời cũng làm nên các loài chim. Từ ngữ cũng diễn giải ra rằng thời gian này Đức Chúa Trời làm nên các loài côn trùng bay (hoặc, nếu không, chúng đã được tạo nên trong ngày thứ sáu). Tất cả các sinh vật này được tạo ra với khả năng duy trì các loài của chúng bằng cách sinh sản. Những sinh vật được tạo ra vào Ngày Thứ Năm là những sinh vật đầu tiên được Đức Chúa Trời chúc phước. Đức Chúa Trời nhìn thấy đây là sự tốt lành và nó xảy ra trong một ngày.

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Sáu (Sáng Thế Ký 1:24-31)

Đức Chúa Trời làm nên tất cả các sinh vật sống trên đất khô. Điều này bao gồm mọi loài sinh vật không bao gồm trong những ngày trước và con người. Đức Chúa Trời nhìn thấy công việc này là tốt lành. Sau đó, Đức Chúa Trời bàn bạc với chính Ngài, "Đức Chúa Trời phán rằng: "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta"(Sáng thế ký 1:26). Đây không phải là sự mặc khải rõ ràng về Ba Ngôi nhưng là một phần của nền tảng cho những điều như vậy, khi Đức Chúa Trời bày tỏ một "chúng ta" trong Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời tạo dựng con người và con người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (cả nam lẫn nữ đều có hình ảnh này) và nó đặc biệt trên hết tất cả các sinh vật khác. Để nhấn mạnh điều này, Đức Chúa Trời trao cho con người thẩm quyền trên đất và trên tất cả các sinh vật khác. Đức Chúa Trời ban phước cho con người và ra lệnh cho chúng phải sinh sản, đầy dẫy trên đất và chinh phục nó (đưa nó ở dưới sự quản trị hợp pháp của con người với sự ủy quyền của Đức Chúa Trời). Đức Chúa Trời phán rằng con người và tất cả các sinh vật khác chỉ ăn thực vật. Đức Chúa Trời sẽ không hủy bỏ chế độ ăn kiêng này cho đến Sáng thế ký 9:3-4.

Sự tạo dựng của Đức Chúa Trời đã được hoàn tất vào cuối ngày Thứ Sáu. Toàn bộ vũ trụ với mọi vật trong đó tuyệt đẹp và sự hoàn hảo của nó đã được tao dựng hoàn chỉnh trong sáu ngày theo nghĩa đen, được thực hiện liên tục 24 giờ mỗi ngày. Khi sự tạo dựng của Ngài đã hoàn tất, Đức Chúa Trời thấy các việc đã làm thật là tốt lành.

- Sự tạo dựng Ngày Thứ Bảy (Sáng Thế Ký 2:1-3)

Đức Chúa Trời nghỉ ngơi. Điều này không phải là cách cho thấy Ngài đã mệt mỏi từ những nỗ lực tạo dựng của mình, nhưng nó chứng tỏ rằng công việc tạo dựng đã hoàn tất. Hơn nữa, Đức Chúa Trời đang thiết lập một khuôn mẫu lấy một ngày trong bảy ngày để nghỉ ngơi. Việc giữ ngày này sẽ là một đặc điểm phân biệt của những người được Chúa chọn (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).


Bài học Chúa Sáng Thế

Thiên Chúa tạo dựng Trời Đất từ hư vô không có ánh sáng, không có ngày đêm, mông lung hồng hoang... Nhưng do quyền năng tuyệt vời Chúa đã tạo nên mọi vật từ vòm trời bao phủ. Ban ngày mặt trời rực rỡ tỏa sáng dương gian. Ban đêm muôn vàn tinh tú lấp lánh soi đường cho hành trình vượt biển.

Thực vật và động vật sinh sôi nảy nở là nguồn sống cho con người. Hoa lá muôn màu mở rộng tâm hồn để vui sống.

Đặc biệt con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và làm chủ muôn vật để làm vinh danh Thiên Chúa. Nhưng tổ tiên con người kiêu ngạo bất tuân lệnh Chúa, nghe lời dụ dỗ của quỉ Sa-tan đội lốt hinh con rắn, ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng. Từ đó A-dam và E-và biệt mình trần truồng phạm tôi đã bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng- nơi Thiên Đàng hạ giới.

Con người bắt đầu sống cuộc đời lam lũ cực khổ mới có miếng ăn. Con cháu thù ghét nhau như Ca-in giết em là A-ben. Rồi bao tai ương hoạn nạn giáng xuống nhân loại: Lụt Đại Hồng Thủy thời No-ê Xây Tháp Ba-bel ngôn ngữ bất đồng ly tán- Dân Ít-ra-el bị lưu đầy bên Ai Cập, và 40 năm lang thang cực khổ tìm về Đất Hứa. Hàng triệu con dân Việt Nam không thể sống chung với CS cũng phải tha phương cầu thực- Hai Đại Chiến Thế Giới I và II cướp đi cả trăm triệu sinh mạng. Chiến tranh vẫn còn đang tiếp nối giữa Nga và Ukcraine.

Những tai ương hoạn nạn có phải do Thiên Chúa tạo ra hay do lòng cao ngạo bá quyền của con người? Câu hỏi tự ta phải trả lời!

Suy niệm

Ngày nay trước đà văn minh khoa học cao độ, con người có thể sáng chế những trái bom siêu vi trùng có sức tàn phá hơn nhiều lần 2 trái bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima và Nagashaki, Nhật bản năm 1945- Hiện thời ta đã thấy qua dịch Covid 19 do mông bá quyền Trung Cộng đã gieo rắc kinh hoàng khắp thế giới mà dư chấn vẫn con âm ỷ trong mấy năm qua chưa chấm dứt.

Lạy Chúa chiến tranh tàn phá nơi nơi đang hủy hoại công trình tạo dựng huy hoàng của Chúa. Chúa đã Giáng Trần để cứu vớt tội lỗi thế trần và giúp con người xây dựng lại đời sống tốt đẹp như Ý Chúa.

Nhưng được bao tiếng gọi bảo tồn Hòa bình vang vọng khắp nơi, phải giữ gìn ngôi nhà chung thế giới như bài ca vạn vật của Thánh Phan-xi-cô ?


Bài ca vạn vật

Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà trí thức bi quan với Thánh Phanxicô thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật: "Chúc tụng Đấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết".

Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kìm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi quan trút bỏ trên Thánh Phanxicô tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh nhân như sau:

"Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?

Người anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Đất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi núi rừng cây cỏ và con người không?

Người anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?

Nghe tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Đó là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.

Nhưng điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn". Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gắng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.

Lạy Chúa xin cho chúng con có niềm tin mạnh mẽ như Thánh Nhân để giữ gìn Trái Đất luôn tươi đẹp như Thánh Ý Chúa khi tạo dựng Trời Đất và muôn loài.


Hồng Ân Chúa Giáng Trần

- Thiên Chúa tạo dựng đất trời tươi đẹp,
Đêm tới ngày vũ trụ luôn vần xoay,
Ánh mặt trời gieo nguồn sống từng ngày,
Vòm trời đêm lung linh muôn tinh tú.

Động vật cỏ cây hoa lá phong phú,
Dựng con người cho làm chủ muôn loài,
Nhưng Adam – Evà không tuân lời Ngài,
Nghe Sa-tan vướng vào vòng tội lỗi.

- Để loài người biết ăn năn thống hối,
Chúa hạ sinh nơi hang đá khó nghèo,
Truyền Phúc Âm cho mọi người tuân theo,
Được phục sinh trong niềm tin chân thật.

Nay Chúa đến đất trời được đổi mới,
Đem tin yêu dâng khúc nhạc reo ca,
Đón nhận hồng ân nhân loại an hòa.
Chúa xuống thế muôn loài bừng sức sống.

(Cảm nghiệm Mùa Giáng Sinh 2023)

Bài đọc thêm: Dấu chỉ hòa bình

Một trong những biểu tượng sống động nhất trên thế giới là khát vọng hòa bình của con người, có lẽ là bảo tàng viện và đài kỷ niệm những nạn nhân đầu tiên của bom hạt nhân tại thành phố Hiroshima bên Nhật Bản...

Bước vào tháng 8, kỷ niệm bom nguyên tử được dội xuống Hiroshima, hàng trăm ngàn người Nhật Bản đã tập trung trước đài kỷ niệm tại thành phố này để tưởng niệm những người đã chết. Từ 4 giờ sáng, chuông các chùa chiền và giáo đường trên toàn quốc đổ hồi để nhắc nhở người Nhật về biến cố đau thương này.

Hiroshima tưởng niệm những người quá cố, nhưng nó không là biểu trưng của hận thù, trái lại, trong những giây phút mặc niệm trước những nạn nhân của bom hạt nhân, tất cả mọi người Nhật đều được mời gọi để tha thứ và xây dựng hòa bình.

Ông Akihiro Takahashi, một nạn nhân còn sống sót của biến cố, nay đã được bầu làm giám đốc của bảo tàng viện hòa bình Hiroshima và đồng thời điều khiển tổ chức văn hóa phụng sự hòa bình của thành phố, đã nói lên tâm tình của ông như sau:

"Tôi đã không bao giờ quên ngày đó... Qua bao nhiêu năm, tôi đã thù ghét chế độ quân phiệt của Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi là đứa bé khỏe mạnh, ngày nay tôi đã trở thành một người bệnh hoạn... Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi đã gặp gỡ với rất nhiều người có tín ngưỡng, nhất là các bạn trẻ. Họ đã mời gọi tôi tha thứ... Qua những cuộc gặp gỡ này, tôi đã lướt thắng được hận thù. Tôi cũng đã nói chuyện với viên trung úy phi công ném bom và tôi đã có thể nói với ông rằng tôi không kết án ông nữa".

Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy có lẽ chỉ có giá trị đối với sự thù hận. Người chết không còn hận thù nhau nữạ Dù có căm thù sâu sắc đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa địa, những người chết sẽ không bao giờ thấy một cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn vũ khí, không còn hận thù nhau nữa. Có lẽ đó là thế giới của nghĩa trang. Nơi đó chính là nơi an nghỉ khỏi mọi thù hận. Cái chết, dù độc ác đến đâu, cũng trở thành đấu chỉ của hòa bình... Đó là điều mà chúng ta có thể xác quyết khi nhìn ngắm cái chết của Đức Kitô trên thập giá. Ngài chết để lôi kéo mọi người đến với Ngài. Và để thực hiện điều đó, trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống trần gian, Ngài đã tha thứ ngay cho những kẻ đang hành hạ Ngài.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người quá cố đó có thể là những người thân của chúng ta, họ cũng có thể là những người chúng ta chưa hề quen biết, nhưng nhất là những người đã từng là kẻ thù của chúng ta. Tâm tình của người Kitô chúng ta trước hết phải là tâm tình tha thứ của Chúa Giêsu. Cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và hòa bình. Cái chết của những người Nhật Bản tại Hiroshima đã trở thành một lời kêu gọi xây dựng hòa bình và tha thứ... Cái chết của những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng niệm trong suốt tháng 11 này cũng phải là một âm vang của chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá: Xin Cha tha cho chúng.

(Mẹ Maria)

Đinh Văn Tiến Hùng - Tổng hợp