Têphanô Nguyễn Khắc Dương - Một Hành Trình Tìm Kiếm Ơn Cứu Độ - Tác giả: GB. Nguyễn Ninh, O.P

Xuân Tân Phong
Điều mà tôi tìm kiếm thấy là Đức Giêsu người Na-da-rét, là Đức Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu tử nạn và Phục sinh NGUỒN:


Khi bắt đầu vào học năm nhất triết học tại Trung tâm Học vấn Đa Minh, cha giáo Hòa giới thiệu với chúng tôi cuốn hồi ký của thầy Têphanô Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương[1]. Cha nói hay lắm, đọc đi, cha muốn dịch sang Pháp ngữ, khi nào có dịp cha sẽ làm. Tôi về đọc, đọc hăm hở, đọc một lèo hết tập hồi ký. Tập hồi ký cuốn hút nhưng không chỉ bởi nhiều tư tưởng hấp dẫn cho bằng một trải nghiệm sống động, thực tế. Đó là cả một hành trình tìm kiếm mà như thầy chia sẻ, đi tìm bản lai diện mục của đời mình. Hành trình đó khởi đi từ một nền tảng Nho giáo, rồi ghé thăm cửa Phật. Thời cuộc thay đổi, đẩy đưa thầy vào con đường chính trị, và sau cùng ông đã cập bến nơi Hội thánh Công giáo.

1. Đôi nét sử liệu về cuộc đời

Thầy Têphanô Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24/09/1925, trong một gia đình danh gia vọng tộc ở xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), một vị quan nổi tiếng trong triều đình nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái. Mẹ là Đoàn Thị Viên, cũng thuộc một gia đình Nho học, khá giả. Anh trai là bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới); em là nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương; dược sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh; kỹ sư Nguyễn Thị Nhuần; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các khóa V, VI. [2]

1938: Học tại trường Thiên Hựu, một trường Công giáo. Trong thời gian này cảm thấy gắn bó yêu mến đời sống nơi môi trường Công giáo.

1945: Tham gia Thanh niên Cứu quốc, cứu trợ trong nạn đói năm 1945 tại quê nhà.

1946: Vào Huế thi đậu tú tài II, trọ học tại chùa Linh Quang, được học hỏi nhiều nơi các vị cao tăng và có ý muốn xuất gia.

1946 – 1947: Phải trở lại quê nhà vì anh đau bệnh. Dạy học tại trường Đậu Quang Lĩnh, ngày càng gắn bó với mỗi trường Công giáo ở giáo xứ Nghĩa Yên và Thọ Ninh và có ý muốn gia nhập Công giáo.

1948: Gia đình thúc bách phải cưới vợ theo truyền thống Nho giáo và đã hứa hôn. Tuy nhiên ông đổ bệnh nặng, chỉ khi từ hôn mới khỏe lại. Từ đây ông quyết tâm tìm đến Công giáo.

9/1/49: Lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy tại thánh đường giáo xứ Nghĩa Yên, giáo phận Vinh, với tên thánh là Têphanô

1950 – 1951: Đi tu dòng Phanxicô, ở Vinh.

1951 – 1954: Tu học ở Nha Trang

1954 – 1956: Bị buộc tòng quân cho quân đội chính phủ miền Nam, được điều động lên Buôn Mê Thuột.

7/1956: Trở về nhà dòng ở Nha Trang

10/1956: Du học tại trường thần học của dòng Phanxicô ở Pháp.

1957: Rời khỏi dòng Phanxicô vì lý do sức khỏe.

1957-1960: Học triết học tại Đại học Sorbonne.

1963: Xin gia nhập dòng Cát Minh nhưng không được vì lý do sức khỏe. Sau đó tu dòng Biển Đức ở Thụy sĩ.

1964: Rời khỏi dòng Biển Đức và về lại Pháp.

1965: Về Việt Nam, bỏ dở chương trình tiến sĩ triết học. Dạy học tại một số trường tư thục Công giáo ở Sài Gòn.

1966 – 1975: Dạy học tại Viện Đại học Đà Lạt. Trưởng Ban triết học và quyền trưởng Khoa Văn Đại học Đà Lạt. Thỉnh giảng tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế.

1975 - 1976: Viện đại học tư thục Công Giáo Việt Nam bị giải thể. Đi trại cải tạo sỹ quan chế độ cũ Sông Mao.

1976 – 1978: Về vườn ở Đà Lạt.

1977: Về thăm mẹ già lúc này 80 tuổi.

1978 –1980: Làm cán bộ ở Lâm Đồng.

1981 -1985: Làm cán bộ ở Đà Lạt. Giáo sư thỉnh giảng tại một số đại học

1985 - 1996: Nghỉ hưu ở Đà Lạt. Viết hồi ký.

1996 – 2002: Sống tại Tu hội Bác Ái Bình Triệu. Dạy triết học cho một số nhóm đại chủng sinh và tu sinh.

11/2002 - 2010: Về Huế cư ngụ tại nhà người em ruột. Làm giáo sư thỉnh giảng môn Triết học và Tâm lý học tại các Đại chủng viện ở Huế.

Hiện nay (2021) sống tại Tu đoàn Chúa Kitô Tôi Tớ, Hàm Tân, Bình Thuận.

2. Thửa đất Nho giáo

Lý do nào khiến thầy cảm thấy phải dấn thân triệt để trong việc tìm cho bằng được bản lai diện mục của đời mình dù gặp vô vàn khó khăn thử thách? Như chúng ta đã nói, đó là nỗi khát khao sâu thẳm trong tâm hồn ông. Tuy nhiên thầy cũng thừa nhận, mọi sự tiên vàn là nhờ hồng ơn, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa như là nguyên nhân đệ nhất cho hành trình tìm kiếm ơn cứu độ. Còn những sự kiện, những biến cố diễn ra trong cuộc đời ông là nguyên nhận đệ nhị, mà Ngài sắp đặt quan phòng. Ta có thể kể ra ba biến cố chính tác động đến hành trình đến với nguồn ơn cứu độ cuộc đời ông.

Một gia tộc Nho gia thời mạt vận

Cậu bé Nguyễn Khắc Dương sinh ra trong một gia tộc có truyền thống nho học, đỗ đạt cao. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) làm đến chức phó Viện Trưởng Quốc Tử Giám tại Huế. Cho đến khi nho học suy tàn, chuyển sang làm quan tri phủ Anh Sơn, rồi lên đến chức Thượng Thư. Tuy là một bậc nho học tài cao hiểu rộng nhưng cha cậu nổi tiếng thanh liêm, được mọi người hết mực kính trọng, có phần tôn sùng như một bậc chân nhân, đạo hạnh. Những nét thanh cao đó nơi một bậc túc Nho nên khi Nho học suy tàn, cậu nhận thấy nơi cha mình một nỗi ưu tư trầm mặc, dường như là chán nản bất lực trước sự tấn công của văn hóa Tây phương.

Thêm nữa, Nho học bãi, ông phải chuyển sang làm quan, chứ không còn dạy học, là điều trái với mong ước của thầy. Làm quan cho triều Nguyễn dưới chế độ bảo hộ của Pháp cũng chỉ như một nghề để sinh sống, chứ không lấy làm hãnh diện gì. Cái cốt cách trầm tư nghĩ ngợi về một nền Nho giáo thời mạt vận cũng khiến ông không mấy háo hức với chính trị. Có nhiều vị chí sĩ như cụ Phan Bội Châu, Võ Bá Hạp, Huỳnh Thúc Kháng đến đàm đạo văn chương thời cuộc với ông nhưng ông cũng không tỏ ý đấu tranh cho thể chế chính trị nào. Chỉ làm quan như một nghề sinh nhai, miễn đừng gây tội ác, cố gắng dạy dỗ con cái nhân nghĩa, sống bình an lương thiện là đủ rồi. Cho đến những năm cuối đời ông có phần nghiêng về Phật giáo, trong việc thực hành giáo lý nhà Phật, và ý thức về cái nhân quả, mà phần nào nguôi ngoai bớt nỗi đau buồn nhân tình thế thái.

Sự sụp đổ nhãn quan về những chế độ thế trần

Hình ảnh người cha trong thời buổi Nho giáo suy tàn đã gợi lên trong lòng cậu bé Nguyễn Khắc Dương cái gì đó bất túc, không hoàn hảo. Hình ảnh đó khiến ông không tin vào vương đạo của Nho giáo nữa. Nho giáo thời Nghiêu Thuấn đã qua đi và không bao giờ có được ở trần gian này nữa. Thêm vào việc chứng kiến sự diệt vong của Nho giáo, triều Nguyễn và chế độ quân chủ là sự thất bại của những cuộc cách mạng sau này của các chí sĩ yêu nước càng khiến thầy ngán ngẩm thế sự chính trường.

Mặc dù lòng cảm thương dân nghèo bị chà đạp, bách hại đau khổ nhưng ông không còn hy vọng vào một sự tranh đấu của cách mạng của chính trị để giải thoát. Thầy cảm thấy dù có thành công chăng nữa rồi cũng không đi tới đâu, hết chế độ này lại đến chế độ khác, xong cuộc đấu tranh này lại đến cuộc đấu tranh khác. Ngay cả khi một thể chế chính nghĩa dành chiến thắng thì rồi nó cũng sẽ trở nên tha hóa bởi quyền lực. Và rồi ông đi đến một thái độ dứt khoát đối với chính trị. Ông không tham gia vào bất cứ thể chế chính trị nào. Với cách mạng của đảng Cộng sản sau này thầy khẳng định không chống cũng không theo. Với thầy mọi quyền lực trên trần thế đều không vững bền. Thầy muốn tìm một sự giải thoát triệt để nơi đời sống tu hành (x. tr. 20 – 27)

Một tâm hồn đa cảm

Chính trong một môi trường Nho học thanh cao mà ông được hưởng thụ một nền giáo dục trọn vẹn cả đức dục lẫn trí dục. Tuy thuộc hàng danh gia vọng tộc, nhưng cha ông luôn dạy dỗ con cái nề nếp gia phong, lấy nhân nghĩa làm chính. Phải biết hiếu để phụng dưỡng cha mẹ, kinh trên nhường dưới, không được hách dịch kiêu căng, sống thanh liêm đơn giản, không ham bả vinh hoa phú quý, tránh xa những điều bạc ác. Nếu làm được những việc thiện lương cho người khác càng tốt. Về trí dục, ông học hành giỏi giang, thầy yêu bạn mến, ở nhà mọi người quý mến yêu thương.

Chính những yếu tố về sự giáo dục nhân bản Nho giáo cộng thêm sự hiểu biết khôn ngoan mà ngay từ bé ông đã sớm bộc lộ những đức tính ngoan ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, biết thương người, và không coi khinh những người làm trong nhà, hay bất cứ ai nghèo hèn, đói khổ. Trái lại, ông luôn cảm thấy xúc động thương cảm mỗi khi gặp ai đó phải chịu những đau khổ, nhất là những người thân trong gia đình. Đó là lòng thương cảm vì phận côi cút, mẹ ghẻ con chồng (dù mẹ kế là mẹ cậu rất yêu thương họ và họ cũng quý bà) nơi những người anh chị của bà mẹ trước. Rồi những đau khổ tuyệt vọng của người chị thứ hai khi người yêu từ hôn. Cái cảnh buồn bã ưu sầu của chị cả khi li dị chồng, về sống với ba mẹ.

Ý thức về những trải nghiệm đau khổ ngay từ bé, cùng với việc tiếp cận những áng văn chương, nhất là thơ ca, tiểu thuyết viết về nỗi thống khổ bi thương của con người như Truyện Kiều, Cung Oán, Chinh Phụ, Tắt Lửa Lòng .v.v. nên tâm hồn ông đã sớm có một con mắt nhìn đời nhuốm màu bi ai, chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng bi quan về nhân sinh. Cái ý thức đời là bể khổ đã sớm nhen nhúm trong tâm hồn ông.

Cũng cần phải kể thêm về truyền thống Nho giáo đã hình thành niềm tin tôn giáo nơi thầy. Điều mà thầy gọi là cảm thức tôn giáo tự nhiên. Thật vậy, nơi truyền thống Nho giáo trong gia đình ông, tuy không rõ ràng về vị trí của thần linh nhưng cũng có dáng dấp, hình ảnh của một ông Trời, một Đấng tối cao mà các tôn giáo vẫn tôn thờ. Từ cảm thức tôn giáo tự nhiên đó, người ta dùng lý trí để suy xét và xem mình có tin vào Đấng ấy hay không, có người tin, có người không. Ông thuộc vào số những người tin vào ông Trời. Ông Trời đó được củng cố thêm nơi tư tưởng đạo Trời, Thiên tử của Khổng giáo. Hơn nữa với quan niệm con người linh ư vạn vật, cho thấy con người có một cái gì đó ling thiêng cao quý hơn loài vật. Và sự cao quý đó gắn kết với một Đấng tối cao, một thế lực linh thiêng mà chỉ con người có được. Hay là những niềm tin vào một giá trị siêu việt vượt trên cái chết, kiểu như sinh ký tử quy, thác là thể phách còn là tinh anh, hương khói phụng thờ.v.v. Do đó, trong tâm trí thầy, đã có một cảm thức tự nhiên hướng về một thực tại siêu nhiên vượt ra ngoài thế giới tự nhiên.

Tóm lại, từ một con người có vị thế cao trong xã hội, hoàn cảnh thay đổi, cùng những tâm tính cá nhân, ông đã cất bước đi tìm một sự giải thoát. Tuy nhiên đó không đơn thuần là một sự tuyệt vọng, chạy trốn, né tránh thực tại. Đúng hơn ông nhìn thấy một sự không chắc chắn, mong manh, dễ đổ vỡ của thưc tại. Sự mỏng dòn của mọi sự trên thế gian và khao khát đi tìm một điều gì đó vững bền, chắc chắn. Sự chắc chắn chắn đó nơi các triết gia là cái một, chứ không phải cái nhiều, cái phổ quát chứ không là cái đặc thù. Và với Âu tinh hay Pascal, sự chắc chắn đó là chính Thiên Chúa, chứ không phải là thế gian.

Tự đáy tâm hồn, tôi khao khát một cái gì trường tồn vĩnh cửu tuyệt đối cho cái ngã vị của con người mà tôi nghĩ rằng có in dấu vết của trường tồn, vĩnh cửu tuyệt đối, nỗi khao khát mà bất cứ giá trị cao quý nào của trần thế cũng không khỏa lấp được (tr. 83).

2. Câu hỏi về giải thoát nơi Phật giáo

Cái duyên đến với Phật giáo phải kể là từ khi thầy lên 11 tuổi. Tuy gia đình không phải là Phật giáo nhưng mẹ ông quen với mấy bà bên Phật giáo nên đôi khi cũng lên chùa. Bản thân thầy cũng được mẹ dẫn đi. Cảm giác đầu tiên đến với cửa Phật là cảm giác an bình thư thái, thanh tịnh nhẹ nhàng. Khung cảnh chùa trang nghiêm yên tĩnh, hình ảnh vị sư trẻ ngồi chăm chú gõ mõ đọc kinh gợi lên trong tâm trí ông một khao khát được bước vào đời tu hành. So với những điều ông ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái trong hoàn cảnh đã phân tích trên đây thì đúng là cửa Phật chính là nơi cực lạc, là nơi thầy vẫn hằng khao khát mong mỏi. Tuy nhiên thì đó cũng chỉ là một mơ ước hay dự tính xa xôi nào đó thôi.

Cho đến năm 1945, khi vào Huế chuẩn bị thi tú tài 2, thầy được một người bạn giới thiệu cho tá túc tại chùa Linh Quang. Tại đây, với một khoảng thời gian trải nghiệm, trầm tư đàm đạo với các vị cao tăng về những sự thế trần, ông càng khao khát muốn được tìm giải thoát nơi của Phật. Dù rằng, như ông thành tâm chia sẻ, niềm khát mong tựa nương nơi cửa Phật cũng chỉ vì muốn thoát khỏi những khổ ải, lụy trần nơi cuộc sống đời thường. Còn như những giáo lý Phật pháp thì không chú ý đến, chỉ muốn thoát ly cuộc đời. Thầy thú nhận đã chỉ thu thu phần tiêu cực nơi Phật pháp, tức xa lánh cuộc nhân sinh đau khổ, mệt mỏi, ồn ào chứ không do tiếp nhận phần tích cực nơi giáo lý phật giáo, vốn có tính xây dựng để trở nên một tu sĩ Phật giáo đắc đạo. (Xc. tr. 72-73)

Sau này hoàn cảnh đẩy đưa, trải qua nhiều đau khổ tổn thương về tầm hồn, thầy đã thường lui tới cửa Phật để tìm an ủi. Tuy nhiên, như ông thú nhận, ông đến đó và chỉ cảm nhận được sự bằng yên thoa dịu khi ở trong chùa, tạm quên đi cuộc sống thực tại. Nhưng khi ra khỏi chùa, trở về với cuộc sống đời thường thì lòng cứ ngổn ngang trăm mối tơ vò. Đối với thầy, dường như Đức Phật chỉ an ủi khi ở trong chùa, chứ Ngài không cùng ông đi trên con đường đời gian nan mỏi mệt. Ngài chỉ cho thầy con đường chứ không là người bạn đồng hành với ông trên con đường trần lụy (Xc. tr.94).

3. Đường "Chúa đưa tôi về"

Nếu phải lấy một cột mốc trong hành trình đến với Kitô giáo của thầy Nguyễn Khắc Dương, ta phải khởi đi từ biến cố thầy thi trượt trường quốc học Huế, năm 1938. Vì không đậu trường quốc học Huế nên mẹ ông quyết định cho thầy thi vào trường Thiên Hựu, một trường học Công giáo theo chương trình Pháp. Đây là một biến cố mà sau này thầy tin là do sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhờ thi hỏng mà thầy được biết đến Chúa Giêsu, mới trở thành tín hữu Công giáo.

Quả vậy ngay khi bước vào môi trường Công giáo, thầy đã có những cảm nghiệm mới lạ và dần khám phá ra những giá trị của Công giáo. Trước hết, thầy nhận ra sự tận tâm gần gũi của các vị giáo sư. Nơi những vị giáo sư này, đa phần là linh mục hội thừa sai Ba-lê, tận tâm dạy dỗ học trò, sự tận tâm mà ông không cảm nhận được ở những trường học khác trước đây. Họ dạy không chỉ như một bổn phận mà rất tận tình chỉ dẫn. Tuy chỉ là một đứa trẻ nhưng thầy cảm thấy họ tôn trọng thầy, gần gũi thăm hỏi và ân cần chu đáo, quan tâm như thể một người quan trọng vậy. Sống với bạn bè trong trường, đa phần là Công giáo, thầy cảm nhận nơi đây có một bầu không khí gia đình ấm áp, khác hẳn với bầu khí lạnh lẽo thờ ơ hồi ở trường Khải Định. Thêm vào đó là sự quan tâm, gần gũi của những bạn học cùng trường. Cùng với những trải nghiệm đời sống là sự khai mở soi sáng đặc biệt thầy lãnh hội được qua các tác phẩm văn chương Kitô giáo, đặc biệt phải kể đến Pascal. Tất cả cho thầy thấy một tình yêu khác với những trải nghiệm về lòng từ bi hay đức thương người nơi truyền thống Phật giáo hay Nho giáo.

Quả vậy, thầy nhận thấy tình yêu nơi Công giáo có những nét khác với lòng từ bi của Phật giáo. Tình yêu người ở đây như là thái độ yêu thương dành cho một người tình duy nhất. Sự quan tâm yêu thương làm cho đối tượng được yêu cảm thấy như mình có một giá trị độc nhất vô nhị, mình cảm thấy được yêu vì chính mình, chính ngã vị của mình, bao hàm trong một sự hiện hữu có đủ mọi khía cạnh tốt xấu. Thái độ tình yêu đó không đơn thuần là một sự luyện tập nhân bản đạo đức nào đó như một đức thương người, nhưng là một sự thấm nhuần về một sự nhận thức về chính mình được yêu thương với một giá trị cá vị, riêng biệt, một sự nhận thức về giá trị ngã vị con người. Tình yêu thương có vẻ như vương vấn, lụy tình, có phần nào ngọn lửa tình yêu đó theo lối nhìn Phật giáo dường như ít nhiều đeo mang dục tính, bởi có cái gì như si tình chứ không là thanh thoát, giác ngộ. Còn như vị cao tăng ở chốn thiền môn, có thế toát ra một phong thái của bậc chân tu, đạo hạnh, nghiêm trang và thanh thoát. Tình thương của Ngài, ông có cảm giác đó là lòng tư bi vô ngã đối với một chúng sinh vô ngã như bất cứ chúng sinh nào (Xc. tr.32-34).

Thầy Cũng nhận ra những sự khác biệt giữa tình yêu người nơi Công giáo so với đức thương người nơi truyền thống Nho giáo. Chữ "Nhân" trong Nho giáo hiểu theo nghĩa căn bản là tình thương người. Tình thương người đó tối thiểu là không làm hại ai, tránh xa những việc thất đức. Nếu có thể thì nên giúp đỡ những người hoạn nạn cơ bần. Tình thương đó đôi khi thể hiện như một sự ban bố của người trên đối với kẻ dưới, một người có tri thức, sống thanh cao đối với một người bình dân. Đức thương người đó có chút gì như là cầu lợi. Ông ba cha mẹ sống thiện lương, để bây giờ bản thân mình được hưởng cái phúc đó của tổ tiên, thì mình cũng phải ăn ở cho có đức để cho con cháu sau này cũng được hưởng (Xc. tr. 17-18).

Thêm nữa, nơi Nho giáo, theo thầy cái phẩm vị của một con người dường như bị giới hạn trong cái chức năng, cái bổn phận, cái danh, vai trò. Một người chỉ được coi là cha, là mẹ, là con, là chị hay là em. Chẳng hạn nghĩ về mẹ, thầy cho rằng xưa nay dường như mẹ ông được đối xử như là con, là vợ, là mẹ, là bà cụ thượng, là bà chủ nhà, là con mẹ địa chủ... chứ chưa bao giờ được thật sự đối đãi như một con người thuần túy, không nhãn hiệu, không danh vị ngoài cái ngã vị độc đáo duy nhất của chính mình (xc. tr.109).

Và chỉ khi bước vào môi trường Công giáo, thầy mới nhận thấy một tình yêu ngã vị độc đáo. Tình yêu đó cho ông thấy khi yêu một con người không chỉ đặt trong một mối tương quan, bổn phận đơn thuần, nhưng là mở rộng ra toàn thể hiện hữu cá vị của con người đó, có tốt có xấu, không bị giới hạn vào một khía cạnh nhưng là toàn thể. Toàn thể một con người và tất cả đều là con cái của Thiên Chúa. Và khi yêu như vậy, thì dù những mối tương quan có bị bẻ gãy nhưng ta vẫn yêu chính con người họ. Tình yêu đó trong Đức Kitô muôn đời tồn tại.

Lối nhìn đặc biệt về tình yêu ngã vị nơi Công giáo dẫn thầy đi đến một sự liên kết tương liên giữa các ngã vị, đó là tính tương giao liên ngã vị. Như đã nói, thầy cảm nhận được nơi môi trường Công giáo một bầu khí gia đình, gắn kết với nhau. So sánh với các thiền viện thầy thấy có thể nơi nơi các cộng đoàn Công giáo có lúc ồn ào, to tiếng thậm chí gây gổ với nhau nhưng đều có một tương quan liên ngã vị, hữu ngã và hữu tha trong cái với nhau, với ai đó. Còn thì trong các môi trường tu hành bên Phật giáo hay Ấn giáo thì có thể có một sự an hòa, trầm lắng và vô sự hơn. Vì cái đích cuối cùng là hướng tới cái vô ngã, hòa trong cái đại ngã tuyệt đối, tuyệt đối đơn độc (xc. tr. 57).

Cái tương quan liên ngã vị nơi Công giáo là tương quan phát xuất từ tương quan một Chúa Ba Ngôi. Tình yêu thông hiệp trong một tương quan liên ngã vị tồn tại muôn đời. Nhờ đó mà tình yêu nơi con người với nhau cũng được vững bền. Khi chẳng may những mối tương quan cha mẹ con cái có bị hủy hoại thì vẫn còn tương quan giữa con người với nhau. Đó là mối tương giao liên ngã vị đặt trong mối tương quan ngã vị với Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ mối tương giao liên ngã vị đó mà mọi hận thù nơi con người được hòa giải và có thể yêu được cả kẻ thù. Đó là tình yêu trọn vẹn, vĩnh cửu và tuyệt đối.

Sau này, dấn bước sâu hơn vào giáo hội Công giáo, thầy nhận ra cái lạ kỳ của tình yêu tương liên ngã vị nơi các cộng đoàn xứ đạo phát xuất từ một tình yêu còn lạ kỳ bội phần, tình yêu Giêsu. Đức Giêsu là cả một sự lạ kỳ. Ấn tượng đầu tiên của ông về Giêsu không phải là những triết lý dạy dỗ của Ngài mà chính là con người của Ngài, con người và cuộc đời Giêsu. Tuy là một Đấng cao cả được con người tôn sùng nhưng nơi cuộc đời Ngài có cái gì đó thật rất người. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không chỗ tựa đầu, khởi đi từ lúc mới sinh nằm trong máng cỏ, chạy trốn vua quan bách hại. Ngài ăn uống đi lại với phường tội lỗi, dân bần cùng, đôi khi còn chửi mắng cáu gắt. Ngài cầu nguyện, xin các môn đệ thức với Ngài và xin Chúa Cha cất chén đắng nếu có thể. Nhưng rồi Ngài đã vâng lời hiến tế chính mình trên thập giá. Nếu Đức Phật thanh thoát, miệng cười tươi tắn rạng rỡ, thì nơi Đức Giêsu lại khắc họa một hình ảnh quằn quại, khổ đau. Hình ảnh đâu tiên về Giêsu gợi lên trong ông tình cảm thương mến nơi một người dịu dàng, hiền lành, đơn sơ, yêu thương những người yếu thế. Sau là lòng thương cảm đối với một người vô tội bị oan khiên. Thầy cảm nhận được nơi Giêsu một sự an ủi của người mẹ hiền, sự sẻ chia của một người bạn quý khi cả hai đều có những tâm trạng như nhau, hiểu nhau.

Hình ảnh Đức Giêsu bê bết máu treo trên thập giá gây cho thầy một ấn tượng mạnh. Ban đầu là một sự ghê sợ, dị ứng. Nhưng dần dà ông hiểu ra đó là tình yêu mãnh liệt lạ kỳ. Một tình yêu dâng hiến trọn vẹn, cho những đau khổ, phi lý của con người. Giải thoát không còn là sự trốn chạy khổ đau nhưng dính dấp với nó. Dính dấp với con người bằng một tình yêu dâng hiến, dù cho đó là kẻ đóng đinh mình. Tình yêu giải thoát đó thật lạ lùng. Một mặt, tình yêu đó như chỉ dành cho riêng ông, một hiện hữu cá vị cụ thể. Thầy cảm thấy mình được yêu thương cách đặc biệt, những nỗi khốn khổ ưu tư nơi ông như được Giêsu quan tâm, yêu thương, sẻ chia như một tình yêu yêu duy nhất của Ngài. Mặt khác, trong tình yêu của Giêsu, thầy cảm nhận tất cả mọi nỗi đau khổ ưu phiền của nhân loại, của mọi con người đều được thâu gom trong tình yêu của Ngài. Cảm nhận tất cả mọi người, là ba mẹ, anh chị em và tất cả những người thân yêu đều được bao bọc chở che trong cái tình yêu phổ quát của Giêsu.

Đó là một sự khám phá lạ lùng về tình yêu Giêsu. Sâu xa trong tâm hồn, thầy tìm thấy cái ý nghĩa cho những đau thương nơi cuộc đời. Con thuyền đời chòng chành giữa biển trần muôn trùng gió bão được thả neo vào một bến bờ tình yêu vững bền. "Nếu tâm hồn tôi từ tấm bé đã bị câu: "Đời là bể khổ" ám ảnh đè nặng, thì hình ảnh Giêsu quằn quại trong vườn Giêt-si-ma-ni và chết trên khổ Giá đã đem lại liều thuốc (hay nói đúng hơn: Một tiếng trả lời vọng lại, rền vang, in sâu vào tâm khảm) chữa lành trong hiện thực chứ không phải bằng tư duy trừu tượng." (tr.37)

Nhưng đó mới chỉ là cảm nghiệm mà thầy xét trên bình diện nhân loại, nghĩa là xét về sự đồng cảm an ủi của tình yêu Đức Giêsu như một con người chứ chưa hẳn là một sự cứu rỗi đời đời trong tình yêu vĩnh cửu vào niềm tin Thiên Chúa. Sau này khi đã trải qua biết bao nhiêu biến cố cuộc đời, thầy càng xác tín hơn vào tình yêu của Đức Giêsu, là Đấng Cứu Độ cuộc đời thầy. Thầy đã cật lực dấn thân không mệt mỏi để bước theo Ngài trên con đường tìm kiếm sự cứu độ vĩnh hằng tuyệt đối. Để rồi thầy thốt lên:

Điều mà tôi tìm kiếm thấy là Đức Giêsu người Na-da-rét, là Đức Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu tử nạn và Phục sinh mà Hội Thánh Công giáo là tổ chức do Ngài thành lập để giới thiệu Ngài với mọi người đau thương và tội lỗi cần ơn cứu độ, là phương tiện để Ngài luôn luôn hiện diện và tác động, tuy kín nhiệm nhưng hiện thực, qua các bí tích mà trung tâm là bí tích Thánh Thể, nhằm giúp con người thực hiện được cứu cánh của mình, là qua cuộc sống ở đời này, tiến về cuộc lai sinh mà trong đó ngã vị chủ thể của họ, kể cả thân xác, được trường tồn tham dự vào cuộc sống tình yêu của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa Ba Ngôi (tr.84).

Tạm kết

Có thể nói cuộc đời thầy Têphanô Thế tâm Nguyễn Khắc Dương là một cuộc vật lộn với những trăn trở thao thức mà như thánh Âu-tinh nói: "Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa". Trong lòng thầy luôn ưu tư một nỗi khao khát cần được lấp đầy. Nỗi khao khát đó ông dành cả cuộc đời để tìm kiếm. Đọc lại hồi ký, chúng ta bắt gặp nơi cuộc đời thầy không chỉ là những sự kiện, những khúc quanh, những biến cố bình thường hay lớn lao, cho bằng cả cuộc đời thầy toát lên một nỗi niềm khao khát, tranh đấu quyết liệt, trăn trở lao tâm lao lực đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình, cứu cánh cuộc đời mình. Nhất là niềm vui viên mãn của chính thầy khi tìm được cội nguồn hạnh phúc, tìm được ý nghĩa sống và ơn cứu độ đời mình nơi tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Tất cả hành trình đó nơi cuộc đời thầy, một chứng nhân, củng cố và gia tăng nơi chúng ta niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ con người.

GB. Nguyễn Ninh, O.P

--------------

[1] Bản in phô tô năm 1997 với tựa đề tiếng La Tinh QUIA RESPEXIT HUMILITATEM MEAN. Có thể tìm đọc trên: http://daihoithunhan weebly.com/hoiky_nkduong.html

[2] X. Francis Cao, "Thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ 95 tuổi thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương" truy cập ngày 30-10-2021, https://giaophanhatinh.org/thanh-le-ta-on-mung-thuong-tho-95-tuoi-thay-stephano-nguyen-khac-duong-11680

Nguồn tin:baochiaselts.blogspot.com