Tản mạn chuyện rồng… rắn lên mây - Tác giả: Lê Đình Bảng
15.01.2024
Trong thế giới muôn hình muôn vẻ của "giống má", có lẽ chỉ có con Rồng là lạ hoắc, chẳng rõ ngọn ngành nó ra làm sao. Khi hư khi thực, lúc ẩn lúc hiện, vừa dữ tợn, vừa hiền khô. Chẳng hiểu Rồng xuất hiện trên trái đất này từ đời thuở nào và đến nay có còn rơi rớt chút gì về tông tích không? Chỉ biết một cách rất ư hàm thụ rằng nó thuộc diện biểu động vật V.I.P-... kể cả lớp hậu duệ bảy mươi bảy đời của nó là "Khủng long" tuyệt chủng từ khuya - những con vật mang hình thù, diện mạo cổ quái, đến nỗi chỉ nghe nói thì người ta đã khóc thét lên. Cũng may, tàn dư hậu tích của chúng chỉ còn là những bộ xương cồng kềnh vô hồn được trưng bày trong các phòng thí nghiệm động vật hoặc giả được máy móc hóa để dàn dựng mua vui cho đám trẻ con hiếu kỳ trong thể loại phim hoạt hình. Đến như sách thánh Khải Huyền mà còn phải đặc tả: "Đó lá một con Rồng lớn, toàn thân đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba tinh tú trên trời mà quăng xuống đất. Rồi con Rồng đứng chực sẵn trước mặt người phụ nữ sắp sinh con, để khi bà hạ sinh xong là nó nuốt chửng ngay đứa con của bà" (KH 12,1).
Nếu ở bên Tây bên Mỹ và vùng cận Đông, hình tượng và thuộc tính của Rồng ghê tởm, xơ cứng, hung dữ bao nhiêu thì đối với phương Đông - đặc biệt vùng Đông Bắc và Nam Á - nó lại hiền như đất, thật như đếm, mềm nhũn như con chi chi bấy nhiêu. Thậm chí, Rồng còn được cất nhắc lên, xếp vào hạng mục "tứ linh" cùng với "ly, quy, phượng", là biểu tượng cho những chuẩn mực giá trị về văn hóa tâm linh: cao quý, phúc đức, sung mãn... Đọc Vỹ Thư Pháp và Thượng Thư Trung Hậu bên nước Ngô thuật truyện "Vua Nghiêu đi chơi sông Hà, thấy con Rồng đỏ; Vua Thuấn đến xứ Hạ Tắc gặp con Rồng vàng", mới hiểu hàm ý của tác giả: Hẳn hai đấng minh quân là Vua Nghiêu Vua Thuấn đã có cơ duyên gặp được Rồng là điềm lành, vận tốt mở ra một "thuở thái bình, cửa thường bỏ ngỏ", Vua sáng tôi hiền, trăm họ ấm no hạnh phúc. Chẳng thế mà hình ảnh, màu sắc cùng tư thế uốn lượn sinh động của Rồng thường xuyên được mô tả, ký họa, bài trí, điêu khắc rất hoành tráng trên các đền đài, lăng tẩm, vương trượng, trang phục, văn võ miếu, ngai báu của hầu hết các vua chúa, hoàng tộc, danh gia xưa. Con nhà dân giả nào dám bén mảng, xí phần?
Ở Việt Nam ta - một dân tộc khởi thủy từ nền văn minh lúa nước - trong cái nhìn và quan niệm rất riêng - chuyện con Rồng vừa mang màu sắc kỳ bí của huyền thoại, lại vừa toát ra đậm đà tính hiện thực, đôi lúc pha trộn ít nhiều sự bông đùa, ví von của dân gian. Có "Rồng bay phượng múa", "Rồng đến nhà tôm", "song Long chầu ngọc"; đồng thời cũng có "gan Rồng, mỡ phượng" và "vẽ Rồng vẽ rắn"... Rõ nét hơn cả là truyền thuyết mang nặng tính văn hiến văn vật khẳng định về nguồn gốc phát sinh của người mình: con Rồng cháu Tiên. Tiên và Rồng - dù chỉ là sản phẩm của hư cấu, của tưởng tượng - vẫn được mặc nhiên công nhận là cặp - vật - tổ, một cặp đôi âm dương hòa hợp, thủy tổ của người mình. Trong đó, Tiên được trừu tượng hóa từ chim Hồng chim Lạc, đúc kết nên Mẹ - Âu - Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con; Rồng được trừu tượng hóa từ rắn - cá sấu - thuồng luồng, hình thành Cha - Long - Quân. Cả hai đều mang ý nghĩa truyền sinh hóa kiếp, làm chủ nguồn lực phong phú của núi non, đất đai, cương vực, sông biển. Có thể tìm thấy dấu tích của mảng "văn hóa Rồng" ấy khi mở sách Tiền Hán Thư, đọc lại truyện người Giao Chỉ cổ đại có tục xâm vẽ nhiều hình nét lên thân thể (văn thân) khi xuống nước, đi thuyền hoặc qua sông, vượt biển, khi phải đấu tranh với những thủy quái mà họ gọi là "giao long" nổi lên quấy phá mùa vụ làng nghề. Để chọn thế hướng đất, để xây dựng quy hoạch thổ cư, đình chùa, miếu mạo, kho tàng, giếng làng, nhà vườn, đường xá, cầu cống, ao chuôm, thuật "phong thủy" dạy người ta phải tuân thủ nghiêm ngặt cái nguyên tắc cố hữu của ngũ hành "tả thanh long, hữu bạch hổ", có nghĩa là Rồng bên trái, hổ bên mặt, trọng hướng Đông hơn hướng Tây. Ngay cả đến việc tìm đất (tầm long) tổ tiên ta cũng không dám xem thường. Phải sử dụng một công cụ gọi là "tróc long", tạm hiểu như là cái la bàn, để dò tìm đất tốt xấu, có đủ vượng khí, dài hơi. Và một khi đã xác định được phương hướng, chủ mạch chỗ đất tốt (long mạch) thì mới ra tay khai phá, làm nhà, gieo vãi, nuôi trồng để an cư lạc nghiệp. Không lạ gì, Rồng cũng đã có mặt - cùng với chim và rùa - trong bộ vật biểu tượng của người mình. Rồng là con vật do nhà nông vùng Nam Á tưởng tượng ra trên cơ sở nguyên mẫu là cá sấu và rắn. Tính cách thiên trọng tình cảm và hiếu hòa của mình - theo lý giải của các nhà nghiên cứu dân tộc học - đã biến Cá sấu - Rắn ác độc, xấu xí thành con Rồng hiền lành, dễ thương. Rồng là con vật hội đủ hai nét đặc trưng cơ bản là tổng hợp và linh hoạt với các đối lập nước - lửa; đất - trời. Bản thân nó sinh ra từ nước (thủy long, tiềm long, long vương), có thể bay lên trời cao (thăng long), vừa phun nước thành mưa, lại vừa phun lửa, dự báo một điềm gở mà ta thường gọi là hiện tượng "vòi rồng" trong chuyển đổi thời tiết khí hậu thuỷ văn của vũ trụ. Tóm lại, có phải là nghịch lý chăng, trong khi văn hoá duy lý thực nghiệm và sùng thượng sức mạnh cơ bắp của Âu Mỹ xem trọng những con thú dữ như sư tử, hổ, chó sói, chim ưng, đại bàng thì phương Đông có vẻ như ưa chuộng những con vật hiền lành, gần gũi với đời thường như trâu bò, hươu nai, chó, gà lợn, rắn rùa. Khi con cá "vượt vũ môn" để hoá kiếp thành Rồng cũng chỉ là biểu tượng của một ước vọng muốn đổi đời, từ hàn vi đến xuất chính để kinh bang tế thế, từ đói kém cơ nhỡ đến ăn nên làm ra, phát tài phát lộc, nở mặt nở mày với thiên hạ. Trẻ con ta ở nhà quê, chẳng mấy đứa không thuộc nằm lòng bài đồng dao "Rồng rắn lên mây, có cây ngũ sắc, có nhà hiển vinh"? Và cả đến bao thế hệ nho sĩ, hiền nhân quân tử, ai chả đợi mong khao khát đến cháy lòng cái cơ may ngàn năm một thuở để đổi đời, thay vận:
"Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu"
(Nguyễn Công Trứ)
Như trên đã nói, đất nước - dân tộc nào mà chả có cả một gánh, một bồ những huyền thoại. Căn cước, hộ tịch của người Việt mình rõ ràng thuộc dòng dõi "con Rồng cháu Tiên" đứt đuôi con nòng nọc rồi đấy nhé. Mà đã gọi là huyền thoại thì y như rằng phải nhắm mắt mà tin như thánh phán. Ai hồ nghi, ấm ớ hội tề là đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc ngay. Cho nên, hễ người đã là Tiên là Rồng thì đất nước ắt cũng phải linh thiêng, bờ xôi ruộng mật mới xứng hợp. Không tin, cứ đi khắp mọi miền quê hương gấm vóc này mà coi, đâu đâu cũng thấy những Rồng là Rồng. Nói một cách nôm na, Việt Nam ta có hẳn một mảng "văn hoá địa chí Rồng".
Thật bất ngờ, địa danh mang tên Rồng lâu đời nhất nước ta là thủ đô Hà Nội. Số là, xửa xưa, Hà Nội mang tên Long Đỗ, cái rốn, cái bụng con Rồng. Mãi đến năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Hà Nội và đặt tên là Thăng Long, vì theo chuyện kể, nhà vua thấy vượng khí của mảnh đất mới này bay lên, nom cứ như là một bầy rồng múa lượn, quấn quýt. Cả đến cái truyền thuyết Rùa vàng ngậm gươm báu dâng vua Lê đặng trị quốc an dân sau này cũng mang ý nghĩa tương tự. Phía hữu ngạn sông Hồng, có Long Biên; nội vi Hà Nội có Hàm Long. Đã có Thăng Long để Rồng bay lên thì phải có bãi đáp Hạ Long để Rồng hạ cánh chứ. Vịnh Hạ Long, một quần thể đảo với hàng nghìn ngọn núi đá vôi xen lẫn núi đất mang nhiều hình thù, trông tựa nghìn con Rồng chìm nổi rủ nhau bơi lội tắm mát ngoài khơi. Chính vì vẻ đẹp kỳ vĩ ấy, Hạ Long đã được UNESCO công nhận là một trong 630 di sản văn hoá thế giới (1994). Ngoài ra, về phía Đông vịnh Hạ Long, còn thấy Bái Tử Long; phía Tây Nam là đảo Phù Long (Rồng nổi), tên cũ của đảo Cát Bà và ngoài khơi tỉnh Quảng Ninh là cụm đảo Bạch Long Vĩ, đặc biệt ở núi Long Tu có loài cỏ quý chữa bá bệnh, vốn được bảo quản để làm ngự y tiến vua. Càng xuôi vào phương Nam, càng thấy xuất hiện nhiều địa danh mang tên Rồng. Ở Nam Định có chợ Rồng nổi tiếng. Ở Thanh Hoá có núi Hàm Rồng hiên ngang bên bờ sông Mã. Ở Quảng Bình có núi Thanh Long, Long Tị, Phúc Long, nơi Đào Duy Từ (1572-1634) xây luỹ Trường Dục và viết nên khúc ngâm "Ngọa Long Cương vãn" thác ngụ chí khí ẩn nhẫn chờ thời khi mở cõi ở đất phương Nam.
"Chốn này thiên hạ đời dùng,
Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời.
Chúa hay dùng đặng tôi tài,
Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên".
Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) có núi Rồng; ở Huế có núi Kim Long (có chùa Thiên Mụ), một thắng cảnh tầm cỡ, đặc biệt phụ nữ rất đẹp, đến nỗi vua Tự Đức đã phải dan díu làm nên câu thơ tán dương:
"Kim Long có gái mĩ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi".
Bình Định có núi Hàm Long, Biên Hoà có núi Bửu Long, Long Ẩn; Hà Tiên có núi Dương Long. Đấy là chưa kể đến con sông Mekong chảy qua năm nước, khi vào Việt Nam, rẽ ra chín cửa, gọi là Cửu Long giang và khu vực vựa lúa của cả nước rộng hơn bốn triệu ha là đồng bằng sông Cửu Long. Từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, ta bắt gặp Long Khánh, Long Thành, Long Đất, Long Sơn, Long Điền, Long Giao (Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu), Phước Long, Bình Long (Bình Phước); về sông nước miền Tây Nam bộ, sẽ gặp Long An, Long Định (Tiền Giang), Long Hồ (Vĩnh Long), Long Mỹ (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Long Phú (Sóc Trăng)... Nếu phải liệt kê xã, ấp mang tên con Rồng, e khó mà kể xiết. Và sẽ là một thiếu sót không tha được, nếu không nhắc đến Cảng Nhà Rồng lịch sử, nghe đâu có xuất xứ từ đời vua Gia Long thì phải ?
Còn nhớ những ngày này năm 2010 - nhân kỷ niệm "Nghìn năm văn hiến đất Thăng Long" cả nước ta đã một phen choáng ngợp với các lễ hội hoành tráng, xa xỉ. Bao nhiêu công sức, của cải dường như được huy động cả vào đấy. Vô khối công trình đến nay vẫn còn ngất ngư con tàu đi, vì xuống cấp rã rời mau chóng. Chẳng lẽ mới đây thôi mà khách nhàn du phải ngao ngán đọc lại câu thơ cũ của nữ sĩ Thanh Quan:
"Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đến nay, thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương"
【Lê Đình Bảng】