Lê Quý Long, nhà thơ chở đạo “tình người” - Tác giả: Lê Quang Vinh

Lan Mary
Vào thập niên 1970 của thế kỷ trước, một chàng sinh viên xứ Quảng đang theo học Văn Khoa ở Đại Học Huế cho xuất bản tác phẩm sử thi, tập thơ đầu tay của mình với tựa đề "Việt Sử Văn Vần", được giới thơ ca, giới giáo chức và sinh viên quan tâm đặc biệt. NGUỒN:

Vào thập niên 1970 của thế kỷ trước, một chàng sinh viên xứ Quảng đang theo học Văn Khoa ở Đại Học Huế cho xuất bản tác phẩm sử thi, tập thơ đầu tay của mình với tựa đề "Việt Sử Văn Vần", được giới thơ ca, giới giáo chức và sinh viên quan tâm đặc biệt.

Trong một lá thư gửi về Đà Nẵng, nhà thơ sinh viên ấy kể lại một sự kiện vui trong giảng đường Đại Học Huế: "Hôm nay khi đang giảng bài cho sinh viên trong giảng đường Đại học Văn Khoa, giáo sư Trần Như Uyên, trưởng Ban Viẽt Văn, đột ngột dừng lại, cầm cuốn Việt Sử Văn Vần đưa lên cao và nói với sinh viên: đây là tác phẩm của một nhà thơ trẻ có tài, mời tác giả sinh viên Lê Quý Long đứng dậy cho anh chị em nhận diện." Nhà thơ sinh viên ấy không thể đứng dậy được, không biết vì ngại ngùng hay vì khiêm tốn, trong khi anh chị em sinh viên vỗ tay tưởng chừng không muốn ngưng.

Thời gian đi qua, theo thời cuộc và vì những bận bịu đời thường, chàng sinh viên ấy sau khi ra trường đã chọn nghề giáo rồi làm kinh doanh, lại lưu lạc đến phương Nam và quy ẩn bên Vườn Thơ Tri Ngộ, nơi cùng phu nhân Thanh Hương của mình đón tiếp bạn thơ và khách yêu thơ cũng như học trò cũ từ các nơi tụ về.

Đi qua đúng nửa thế kỷ, ngồi đếm lại những đứa con tinh thần của mình, nhà thơ Lê Quý Long nâng niu từng tập thơ: "Việt Sử Văn Vần" (Phúc Sinh 1971), "Cho Cành Buồn Nẩy Lộc" (An Tiêm 1972), "Quê Mẹ", "Như Một Người Tình" (Lá Bối 1974), "Mấy Bài Ca Nhân Ái" (Văn Nghệ 1990), "Tuyển Thơ Lê Quý Long" (Trẻ 2001), "Vòng Tay Mẹ" (NXBTH TPHCM 2007).


Điều đặc biệt đáng trân trọng là trong những năm gần đây, nhà thơ Lê Quý Long chọn cho mình một hướng đi rõ rệt: "văn dĩ tải đạo" và đạo mà ông chuyển tải không phải là một tôn giáo mới, nhưng là một lối đi chung, đó là Tình Người. Lê Quý Long đã cho xuất bản tác phẩm "Tuyển Thơ Tình Người" gồm 2 tập (NXB Đồng Nai 2022 & 2023), ông là chủ biên với thơ của chính mình và của một số thi hữu cùng chí hướng. Chính nhà thơ Lê Quý Long nhận định về thơ của bạn bè trong tuyển tập:

"Tiếp đọc thơ Tình Người
Thơ của các bạn
Mang nặng yêu thương
Đầy ắp tình nghĩa...
Đò đưa đi muôn phương
Ươm hạt, cấy mầm
Trong nhiều hy vọng
Nảy lộc, đâm chồi."
(Viết Từ Đà Lạt)

Khi tác phẩm "Tuyển Thơ Tình Người" được ấn hành, website Văn Chương Phương Nam có lời bình: "Lê Quý Long là một nhà thơ được mến mộ, có thể nói một nhà đạo đức hay một triết gia khi ông xuất bản quyển sách "Con Đường Tình Người" để cổ súy cho đạo tình người."

Có lẽ bài thơ "Tình Người" của nhà thơ Lê Quý Long được xem như tuyên ngôn:

Trăm năm nhắn với những ngàn năm
Nhắn có Tình Người muốn hỏi thăm.
Thể hiện từ bi, xua xảo trá,
Thực thi bác ái, xoá hờn căm.
Cảm thông, tha thứ... đời dâu bể
Chia sẻ, ủi an... kiếp kén tằm!
Sống chẳng ghét, thù... là biết sống.
Trăm năm nhắn với những ngàn năm.


Thế thì "Trăm năm nhắn với những ngàn năm" nội dung gì? Thưa chỉ là một "Chữ Tình" mà thôi:

Trước lúc đi, xin gửi lại mấy lời
Dẫu cơ cực, đừng than Trời, trách Đất.
Nhiều tham vọng nên khổ đau chồng chất
Lắm bất an, có trách, hãy trách mình.
Ganh ghét nhau, sống chẳng có chút tình
Muốn buông bỏ, chẳng dễ dàng buông bỏ
Chỉ "gác bỏ", muộn phiền, gác lại đó:
Đem từ bi thể hiện rõ với đời,
Lấy bác ái trang trải khắp nơi nơi...
Yêu thương thật, không bằng lời... phô diễn
Những sầu khổ tận đáy lòng tan biến
Sống một đời, sống hướng thiện, an vui
Sống cho ta và sống cả cho người,
Chút tình nhỏ tạo nụ cười vĩ đại!
Trao nhau gấp, đừng tính toan, ngần ngại
Kẻo trễ giờ, đừng hẹn lại ngày mai.
Sống thật lòng, cho dù bạn là ai.
Mỗi chữ "TÌNH" mới lâu dài, bất tử.


Nói về chiến tranh, nhà thơ bày tỏ ý kiến rõ ràng của mình: phận người mỏng manh mà cứ thích tranh giành, cứ để thù hận, ganh đua trỗi dậy mạnh mẽ, và do đó không biết yêu thương thông cảm. Và nhà thơ diễn tả chính kiến của mình trong bài "Giao Tranh Vô Nghĩa":

"Thân phận con người quá mỏng manh
Có gì tồn tại? Rủ nhau giành!
Giành nhau không được, sinh thù hận
Thù hận nung sôi, phát chiến tranh...
Chẳng biết yêu thương cho tỉnh mộng,
Không nhìn thông cảm để an lành.
Hoà bình? Giải pháp chưa tìm được
Xin chọn "Tình Người", hữu hiệu nhanh."



Chuyện tưởng chừng như dễ, nhưng hoàn toàn không dễ, và vì thế mà "tương tàn" vẫn cứ xảy ra như định mệnh từ thuở nào, lại hoá ra chỉ vì thiếu Tình Người.

Khi hai tập thơ "Tuyển Thơ Tình Người" được xuất bản, tiếng vọng từ mọi miền và từ những tâm hồn yêu thơ thật là dấu hiệu tích cực. Đáng quý hơn, chính tác giả đã cùng phu nhân Thanh Hương rong ruổi trên nhiều nẻo đường, lúc ở Sàigòn, lúc ra Hà Nội, lúc thì về Huế rồi Đà Nẵng, để tự mình trình bày những bài thơ đi vào lòng người. Cùng với Lê Quý Long, các bạn thơ và các nghệ sĩ diễn ngâm như Hồng Nhị (Huế) chẳng hạn chia sẻ tâm tình chung với khách yêu thơ.

Con Đường Tình Người đó như thế nào? Chính tác giả diễn giải:

"Thử lần theo tác phẩm "Con đường Tình Người", chúng ta sẽ dễ dàng thấy được hòa bình, hòa bình thực sự và dài lâu, che mát khắp địa cầu. Hạnh phúc, không ai từ chối. Tìm hạnh phúc cho mình, ai cũng sẵn sàng. Để có được hạnh phúc, phải chu toàn bổn phận mình, tìm lại sự bình yên trong tâm hồn. Những người có tâm hồn bình yên, lương tâm họ luôn trong sáng, không mưu đồ ám hại ai; không gian tham, lừa dối; không phản bội, hận thù; sống có tình người, đối xử với nhau bằng tấm lòng nhân ái... Người người như thế trong một nhà, một nhà đầm ấm. Nhà nhà như thế trong một xóm thôn, một xóm thôn yên vui. Thôn thôn xóm xóm như thế trong một nước, một nước thái bình. Nếu chúng ta đều đồng tình, quan niệm đúng đắn về hạnh phúc, chiến tranh sẽ không còn chỗ để tồn tại trên mặt đất này nữa. Không cần đi tìm hòa bình. Hòa bình là kết quả tất nhiên của hạnh phúc đích thực. Hãy tìm trước hết cho mình, cái hạnh phúc đích thực ấy, sự bình yên trong tâm hồn." (Trích Đâu Là Hạnh Phúc Đích Thực?)

Tại Đà Nẵng, nhà thơ Tăng Tấn Tài đại diện cho nhóm thơ Đà Nẵng chào đón bạn thơ Lê Quý Long bằng bài thơ cảm động Em Và Mùa Thu:

"Tiếng nhạc nhẹ
thả lời hoang vắng
nhịp chân đi khua rộn bóng vỉa hè
Vòm lá xanh
một khung trời kỷ niệm
mùa chớm ngang vai
mái tóc bồng bềnh
màu áo cũ vương mùi hương tóc
làn da thơm nhuộm nắng ban mai.
(...)"


Cũng ở Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Minh Quý viết:

"Quảng Nam - Đà Nẵng chung tay
Con đường mở rộng thắm đầy nghĩa nhân
Yêu thương chia sẻ ân cần
Tình Người lan tỏa tinh thần vui thay
Lời thơ bạn hữu chung tay
Khơi dậy cảm xúc đổi thay tình người
Con đường đi suốt cuộc đời
Trào dâng hơi ấm cảm lời đó đây
Tình Người dẫn dắt đến nay
Nhờ thơ mở ngõ thắm đầy trong tim
Con đường cuộc sống gắn tìm
Chỉ duy nhất một - điểm tình - người thôi."


Nhà thơ Đỗ Bá Đức (Hà Nội) nhận định về những buổi giao lưu thơ Tình Người tại trường Đại học Hà Nội:

"Mọi người gặp gỡ hôm nay
Cùng chung ý tưởng đắm say TÌNH NGƯỜI
Hân hoan gương mặt rạng ngời
Bắt tay thật chặt nụ cười thân thương
Vẫn là gương mặt đời thường
Mà sao tha thiết vấn vương lạ lùng
Tâm tư một tiếng nói chung
TÌNH NGƯỜI nồng ấm vô cùng nhân văn"


Chắc sẽ còn những tập Tuyển Thơ 3,4,5,6... tiếp theo, bởi vì con đường "Tình Người" còn dài và dĩ nhiên, dài như những kiếp người. Bạn đọc chờ đợi Lê Quý Long và các cộng tác viên của nhà thơ cho ra đời những đứa con mang dòng máu thắm tình người.

Lê Quang Vinh