Tình yêu và đau khổ - Tác giả: Gioan Nguyễn
11.01.2024
Là con người, ắt hẳn, ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu. Bởi tình yêu là một phạm trù đặc biệt, chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Như nhà thơ Xuân Diệu từng ví von rằng" "Đố ai sống được mà không yêu. Không thương, không nhớ ai bao giờ". Với lời đó, tác giả đã diễn tả vị trí và vai trò thiết yếu của tình yêu trong đời sống của con người. Quả vậy, tình yêu là chất liệu đan dệt nên cuộc sống, khơi ngợi ý chí và nghị lực, làm triển nở mọi mối tương quan và làm phong nhiêu đời sống con người. Không nơi nào có sự sống mà nơi đó không có tình yêu, cũng không nơi nào có tình yêu mà không có sự sống. Tóm lại, nơi nào có sự sống nơi đó có tình yêu, và tình yêu được xem như là mẫu số chung của nhân loại.
Trong đời sống thường ngày, mỗi người thấy được sự hiện hữu đầy phong phú và đa dạng của tình yêu. Chẳng hạn, tình yêu cao cả của cha mẹ dành cho con cái, tình yêu tha thiết của những cặp đôi yêu nhau, tình yêu cách mến thương giữa người với người hay tình yêu của con người với muôn loài thụ tạo khác nhau... Mỗi tình yêu biểu lộ những cung bậc và nồng độ cảm xúc khác nhau, phụ thuộc vào đối tượng, hoàn cảnh và mục đích. Tuy nhiên, điểm chung của tình yêu đó là luôn hướng con người tới cái đẹp, hạnh phúc và bình an. Tình yêu đi trước thúc đẩy con người đi ra để kiến tạo, xây dựng và nối kết mọi người lại với nhau trong bầu khí hoà hợp.
Theo từ điển Tiếng Việt khái niệm rằng: Tình yêu đó là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. Tình yêu thường là một cảm xúc thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc gắn bó. Tình yêu cũng được coi là một đức tính đại diện cho lòng tốt, lòng trắc ẩn và tình cảm của con người, như "mối quan tâm trung thành và nhân từ không ích kỷ vì lợi ích của người khác". Tình yêu cũng có thể mô tả các hành động từ bi và tình cảm đối với người khác, bản thân hoặc động vật. (Theo Wikipedia)
Vai trò tình yêu trong cuộc sống!
Giống như cá cần nước để sống, đèn cần dầu để cháy sáng thì con người cũng cần có tình yêu để duy trì sự tồn tại và làm phong nhiêu đời sống con người. Trong nguồn kho tàng ca dao Việt Nam luôn đề cao tình yêu và mời gọi mỗi người biết kiến tạo, xây dựng tình yêu trong các mối tương quan, chẳng hạn như: "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách". Quả vậy, tình yêu không chỉ là một dạng cảm xúc nhưng nó còn là một loạt hành động biểu lộ lòng thương xót, trắc ẩn đối với tha nhân. Như nhà giáo dục người Mỹ William Arthur Ward nói rằng: "Yêu không chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh".
Tình yêu thôi thúc con người đi ra với tha nhân. Khi tình yêu của con người đủ lớn, đủ thao thức và đủ nhiệt huyết thì những bước chân của họ sẽ đi ra để chia sẻ và lan tỏa tình yêu đó. Như lời thánh Augustinô đã nói: "Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe tiếng than thở của tha nhân". Đồng tư tưởng đó, thánh Gioan Thiên Chúa cũng đã từng thốt lên rằng: "Trái tim tôi đau rướm máu khi thấy những người nghèo khổ mà tôi không giúp đỡ được". Một tình yêu chân chính là một tình yêu được khơi lên nơi cõi lòng sâu thẳm nhất của mỗi người, một tình yêu liên vị và một tình yêu biết sẻ chia.
Tình yêu lớn lên nhờ sự sẻ chia. Không ai có thể phủ nhận rằng tôi sống mà không cần tình yêu, tôi lớn lên mà không cần tương quan. Bởi tình yêu lớn lên nhờ sự lan tỏa và sẻ chia. Tình yêu tự nó phải đi ra chứ không co cụm trong một ý thức hệ nào đó. Sự lớn lên của tình yêu bắt đầu từ sự liên đới và nối kết giữa người với người và muôn loài thụ tạo khác nhau. Ngạn ngữ Anh có câu: "Không ai là một hòn đảo". Điều đó, nhấn mạnh rằng, mỗi thực thể sống trong trái đất cần liên đới với nhau để giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống. Hơn bao giờ hết, tình yêu là sợi dây bền vững nối kết mọi người lại với nhau, phá vỡ mọi rào cản về sắc tộc, văn hoá, tôn giáo..., để cùng nhau kiến tạo một nền văn minh tình yêu.
Như vậy, Tình yêu là ngọn lửa thiêu rụi mọi hận thù, ghen ghét, ích kỉ, vụ lợi nơi bản thân. Tình yêu nung nấu ý chí con người, thôi thúc con người không ngừng đi ra để sống, lan tỏa và làm chứng cho tình yêu đó. Có thể nói rằng, tình yêu là linh hồn và hơi thở để con người có thể duy trì sự tồn tại và làm triển nở các mối tương quan với nhau.
Cuộc sống vắng bóng tình yêu!
Điều đó mỗi người có thể liên tưởng rằng, nếu cuộc sống con người vắng bóng tình yêu sẽ như thế nào? Hận thù, ghen ghét, chiến tranh, vô tâm vô cảm, loại trừ hay thậm chí tàn sát lẫn nhau...Như một vĩ nhân đã từng nói: "Thế giới này sẽ trở thành sa mạc cằn cỗi nếu thiếu vắng tình yêu". Quả là một sự đau đớn nếu con người đánh mất tình yêu trong cuộc sống. Thế nhưng khi con người sống và lan tỏa tình yêu cách thiết thực nhất thì cuộc sống của con người tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và bình an. Hơn nữa, khi có tình yêu, con người có quyền hy vọng vào một thế giới hoà hợp, yêu thương và tương trợ nhau. Tình yêu đi bước trước, khơi mào mọi sự sống và làm triển nở cách phong phú và đang dạng nơi con người. Như vậy, tình yêu là động lực để thúc đẩy con người hướng tới những giá trị cao quý đích thực.
Bên cạnh đó, tình yêu không đồng nghĩa với việc luôn được hạnh phúc, vui vẻ và bình an, nhưng trong tình yêu cũng có khó khăn, thử thách thậm chí là đau khổ. Tự bản chất tình yêu chẳng được sinh ra nếu con người không ngừng đi tìm và xây dựng nó. Tình yêu lớn lên hệ tại nhờ sự cho đi chứ không phải là một vật quý báu đưa trưng bày trong viện bảo tàng. Vì thế, trong hành trình đi tìm giá trị đích thực của tình yêu, con người cũng phải đương đầu với muôn hình thức đau khổ khác nhau. Như nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa Lạc đã nói rằng: "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh, đau khổ. Sống ở đời không có đường cùng, chỉ có những ranh giới. Điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua nó". Như vậy, tình yêu cũng hàm chứa đau khổ hay không có đau khổ thì khó có tình yêu đích thực.
Đau khổ
Nhắc đến đau khổ, ắt hẳn trong tâm thức mỗi người đều gợn lên những khung cảnh u sầu và đau thương. Bởi con người, ai cũng có kinh nghiệm riêng về đau khổ. Không ai sinh ra mà không có đau khổ. Người già người trẻ, người ốm đau người khỏe mạnh, người giàu có người nghèo khổ..., tất cả đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ trở thành một quy luật tất yếu không thể thiếu trong đời sống của con người.
Cuộc sống muôn hình muôn vẻ như thế nào thì đau khổ cũng mang muôn hình muôn dạng như vậy. Đau khổ mang nhiều hình dạng và sắc thái khác nhau: có người thì đau khổ về thể lý như bệnh tật, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh...; người đau khổ về tinh thần như vắng bóng tình yêu, tình thương trong các mối tương quan liên vị; người thì đau khổ về luân lý khi chìm sâu trong những giá trị thế tục trần gian; và cũng có người đau khổ vì yêu khi động lòng trắc ẩn, thổn thức trước những nỗi đau của thực tại.
Đau khổ và tình yêu. Nhà sử học Hippolyte Adolphe Taine từng nói: "Biết yêu là khổ nhưng không yêu thì chết". Với lời khẳng định đó, đau khổ dường như là người bạn đời không thể thiếu của tình yêu. Đau khổ và tình yêu là hai cảm xúc trái ngược nhau, nhưng hai phạm trù đó lại có mối quan hệ biện chứng. Đau khổ sinh ra tình yêu và tình yêu cũng sinh ra đau khổ. Đúng là nghịch lý nhưng nếu không có sự nghịch lý đó thì tình yêu mà con người hướng tới đó là một tình yêu sáo rỗng, hình thức và không sinh hoa trái. Nhưng khi trong tình yêu mang hình dáng đau khổ thì tình yêu đó là một tình yêu nguyên tuyền như "vàng thử lửa".
Tình yêu và đau khổ là đôi cánh giúp con người hướng tới nguồn chân thiện mỹ đích thực.
Đau khổ tinh luyện tình yêu và tình yêu làm nhẹ gánh đau khổ. Thánh Augustinô đã nói rằng: "Đã yêu thì không còn đau khổ. Nếu có đau khổ thì yêu luôn cả đau khổ đó". Điều đó, thánh nhân muốn diễn tả vai trò của tình yêu trước mọi hình thức đau khổ. Khi mang trong mình tình yêu, con người luôn nhìn nhận đau khổ cách tích cực, lạc quan và tràn đầy niềm hy vọng. Đau khổ không còn mang hình dáng cồng kềnh, sợ hãi và lo lắng nhưng mang diện mạo vui vẻ, hạnh phúc và bình an.
Cuộc sống con người gắn liền với những vết thương sâu. Mỗi vết thương làm cho con người đau đớn, chán nản và thất vọng. Tuy nhiên, con người là một hữu thể sống luôn quy hướng đời mình về nguồn chân, thiện, mỹ đích thực. Vì thế, đứng trước đau khổ của bản thân, tha nhân và nhân loại, mỗi người không thể làm ngơ, phớt lờ và cổ võ cho sự đau khổ đó. Nhưng phải không ngừng thao thức, dấn thân và tìm mọi phương cách để xây dựng và khôi phục nền hòa bình đích thực trong đời sống thực tại. Hơn bao giờ hết, tình yêu là thần dược xoa dịu, chữa lành và hàn gắn mọi vết thương do muôn hình thức đau khổ gây ra. Chính nhờ tình yêu con người mới thực sự sống đúng là chính mình.
【Gioan Nguyễn】