Cả tuần nay, câu chuyện Thúy Kiều – Thiên kim tiểu thư của gia tộc Song Vĩnh bỗng nhiên đi tu trở thành đề tài gây xôn xao trong cả xứ. Thúy Kiều mới đăng ký đi tu dòng Truyền giáo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Hay tin, làng trên, xóm dưới, đi đến đâu cũng gặp mấy người ngồi tám chuyện, to nhỏ xầm xì với nhau. Mà chuyện gì? Thưa, chỉ có một câu chuyện xoay quanh cô tiểu thư Thúy Kiều xinh đẹp, tài năng, con nhà giàu có lại bỏ hết tất cả để đi tu. Người quý mến ơn gọi thì thầm tạ ơn Chúa đã ban cho giáo xứ một chồi non ơn gọi, người thì tiếc rẻ, người khác lại đem những lời mỉa mai, chế giễu. Dưới gốc cây nhãn cổ thụ của giáo họ Bình An, mấy bà làm cỏ trong khuôn viên nhà thờ cũng bàn ra tán vào câu chuyện "giật gân" đó:
"Cái ngữ ấy mà tu với tác cái gì?" Giọng bà Tự the thé.
Bà Do hai tay chống hông, cũng pha vào: "Ui dào! Hồng nhan bạc mệnh."
Bà cô Xoan cũng không chịu thua: "Đời ba ăn nho xanh, đời con ê răng". Cái thâm thúy trong câu nói của cô Xoan làm cả nhóm gật gù, khoái chí. Bởi lẽ, ông cố Minh Chí – thân phụ của Thúy Kiều thuở thiếu thời đã từng có thời gian ở trong nhà Đức Chúa Trời, nhưng vì thời cuộc, nên ông đành ngậm ngùi bỏ dở giấc mộng thiên thai. Ông Minh Chí "xuất tu" mang tâm lý nặng nề, ông sống khép kín và thu mình vào trong chiếc kén do ông tự tạo ra. Ông Minh Chí sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp danh gia vọng tộc, việc ông dứt bỏ mọi thứ để bước vào "con đường hẹp" thật gian nan và vất vả. Gia đình ông ra sức can ngăn, đồng thời tạo mọi dịp thuận lợi để mai mối, để ông kết hôn, nhờ vậy gia đình kết nghĩa thông gia được với những gia đình có cùng đẳng cấp, môn đăng hộ đối.
Ông Minh Chí vẫn tâm sự với các con về biến cố ông bà nội – tức ông bà Song Vĩnh chủ ý nhờ ông tơ bà nguyệt, se tơ kết chỉ cho ông với một thiếu nữ tên là Khánh Linh - con ông bà Thành Thái. Cô Khánh Linh rất xinh đẹp, con nhà đài các, gia giáo, nàng học cao học và đang làm giảng viên Anh ngữ. Ông Thành Thái là người có tiếng khắp tỉnh, ông làm chủ tịch hội đồng giáo xứ và là doanh nhân thành đạt.
Hồi đó, vào dịp lễ quan thầy mừng kính thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su là bổn mạng của giáo họ Bình An. Hai gia đình dàn xếp để cho đôi uyên ương bén duyên. Bữa cơm mừng quan thầy hôm đó có đông đủ quan viên hai họ, các cụ, các ông bà, cô dì, cậu mợ...không thiếu một ai. Cỗ bàn hôm đó rất thịnh soạn. Trước bữa ăn, hai bên gia đình chào hỏi nhau theo đúng nghi thức của những gia đình thượng lưu, hai bên trao cho nhau những món quà quý giá: Lam ngọc, đá thạch anh, sâm Hàn Quốc, nhung hươu, đông trùng hạ thảo...Bà con cô bác cứ tròn xoe mắt, ngỡ ngàng, thán phục, họ trầm trồ về sự giàu có và hào phóng của hai bên gia đình.
Có tiếng nói lớn trong số khách dự tiệc: "Quả là cặp trai tài gái sắc"
Người khác thêm vào: "Thật là môn đăng hộ đối"
Mà đúng như vậy, ông Minh Chí khi còn trẻ là niềm mơ ước của các cô gái trong làng. Có nhiều cô chỉ dám nhìn anh từ xa, đem lòng "thầm yêu trộm nhớ" vì biết rằng mình không bao giờ có cửa để làm dâu gia tộc Song Vĩnh. Ông Minh Chí, khi đó là một chàng trai vạm vỡ, đang đương sức, cao to, anh có khuôn mặt rất giống Tây, đôi mắt xanh, sống mũi cao, trắng trẻo, giao tiếp lại rất có duyên, đặc biệt Minh Chí vừa tốt nghiệp Master (Tiến sĩ) chuyên ngành Di truyền học ở Pháp quốc. Sau khi mãn khóa, anh trở về gia đình, và tất nhiên là ông bà Song Vĩnh đã chuẩn bị cho anh cả một tiền đồ phía trước.
Còn về Khánh Linh – con gái diệu của ông trùm chánh một Giáo xứ đền thánh lớn nhất nhì giáo phận, nhà ông chẳng có gì ngoài điều kiện, ông chỉ có một mình Khánh Linh là con gái. Phải nói rằng, thiên kim tiểu thư Khánh Linh được cả người cả nết, "mười phân vẹn mười", tài giỏi sắc sảo, ngoan hiền lễ phép, đặc biệt cô rất thương yêu người nghèo. Cô cũng mới tốt nghiệp tại một trường đại học bên Vương quốc Anh, cô về Việt Nam, trường đại học Ngoại ngữ quốc gia trải thảm đỏ mời cô làm giảng viên hệ chính quy. Đã có rất nhiều cậu ấm, công tử các nhà đại gia trong vùng dòm ngó, đá đưa, nhưng Khánh Linh không ưng ai cả. Phần vì họ đều dựa vào quyền thế gia đình, tính tình ngang tàng, hống hách, khinh chê người nghèo; phần vì họ đều là những người không có cùng niềm tin tôn giáo. Thế nên gia đình Khánh Linh rất đắn đo chọn lựa nhân duyên cho cô. Mãi cho tới khi Minh Chí – chàng tiến sĩ du học bên Pháp quốc trở về quê hương, liền gây nên một làn sóng chưa từng có trong giáo xứ, anh trở thành Idol (người nổi tiếng) của các thiếu nữ trong vùng, và tất nhiên, tiếng lành đồn xa, Khánh Linh cũng đã chú ý đến anh.
Hè năm đó, Khánh Linh được nghỉ phép, cô về nghỉ hè bên gia đình, vì cô muốn dành cho gia đình, cho bố mẹ nhiều thời gian hơn sau bao năm đi du học bên trời Tây. Mấy tháng hè ở quê, cô rất tích cực trong các hoạt động của giáo xứ, cô tham gia dạy giáo lý, dạy tiếng Anh miễn phí cho các em, và đi thăm hỏi bệnh nhân. Cũng trong một chuyến bác ái do Caritas giáo xứ tổ chức, cô đã bén duyên với Minh Chí. Trong ánh mắt cô, Minh Chí rất đẹp trai, phong độ, giản dị dễ mến, lại rất giỏi, anh có thể thăm khám cho bệnh nhân cả ngày mà miệng vẫn tươi cười không hề phàn nàn hay cau có. Hình ảnh của Minh Chí cứ lớn dần trong tâm trí cô, Khánh Linh tự hỏi phải chăng mình đã có tình cảm với Minh Chí.
Từ hè năm ấy, cô tìm mọi dịp thuận tiện để tiếp cận với Minh Chí, cô chia sẻ với anh về công việc và cuộc sống của mình. Còn với Minh Chí, Khánh Linh giống như một người em gái, dễ thương, dễ mến, hiền hòa. Tắt một lời, Khánh Linh là đại diện cho người phụ nữ Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Tuy nhiên, Minh Chí chưa bao giờ có ý định sẽ tiến xa hơn với Khánh Linh, mà anh chỉ thân quen với cô giống như một người anh đi trước, đồng hành với cô mỗi khi cô cần.
Cho tới một ngày, hai gia đình đã chủ động tổ chức buổi lễ ra mắt. Lý do là vì, hai ông bà Song Vĩnh không thể chấp nhận cho Minh Chí từ bỏ tất cả công danh sự nghiệp để "dâng mình cho Chúa, làm tôi tớ mọi người."
Hôm đó, trong bữa tiệc mừng quan thầy tại nhà Minh Chí, Khánh Linh đã rất chăm chút về hình thức bên ngoài. Từ mấy ngày trước, cô đã đi spa làm tóc, chăm sóc da...Khánh Linh đến dự tiệc trong bộ váy trắng tinh khôi, cổ và tay cô đeo vòng vàng có đính đá quý, cô đeo đôi khuyên tai có đính kim cương lấp lánh. Cô cười nói tự nhiên, gò má ửng hồng với núm đồng tiền thu hút mọi ánh nhìn của thực khách. Trong bữa tiệc, hai bên gia đình đã cố ý sắp xếp cho Minh Chí và Khánh Linh – đôi trai tài gái sắc được ngồi cạnh nhau, ở vị trí đẹp nhất, nổi bật nhất, vị trí trung tâm của bữa tiệc có đến hàng trăm thực khách. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về hai bạn trẻ, xuýt xoa, vun vén cho hạnh phúc chớm nở, cho đôi uyên ương sắp thành gia thất.
Minh Chí đã sớm biết được ý định của hai bên gia đình, anh dường như bị đẩy ra giữa ngã ba đường, tâm tình bối rối, lo âu. Từ mấy ngày trước, anh đã say mê đọc Truyện một tâm hồn của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Anh nuốt lấy từng lời, từng chữ trong nhật ký của chị thánh, anh đưa vào trong lời cầu nguyện, trái tim anh quặn đau nhưng tâm trí anh vẫn hướng về trời cao. Trong căn nhà nội tâm, anh đã đóng kín cửa và ở riêng một mình với Chúa. Anh tự vấn lòng mình, biết bao câu hỏi, anh đặt lên bàn cân thiệt hơn. Một đàng, Minh Chí phải gánh trách nhiệm của một người con trai trưởng, một người cháu đích tôn, là trưởng tộc, anh phải cưới vợ, phải lập gia đình để có con nối dòng lo hương hỏa cho tổ tiên. Anh cũng muốn đi làm để có điều kiện tốt nhất báo hiếu ba mẹ và những người thân đã bao năm vất vả giúp anh ăn học... Biết bao những trăn trở chưa có lời giải đáp.
Anh quỳ xuống, tấm lòng khiêm nhường, trong căn phòng riêng của mình, anh lần chuỗi Mân Côi, cỗ tràng hạt anh đã tới tận Lộ Đức để hành hương kính Đức Mẹ và mua tại đó làm kỷ niệm, cỗ tràng hạt bằng gỗ sồi được chế tác rất tinh xảo. Trong suốt những năm tháng học tại Pháp, anh đã siêng năng lần hạt Mân Côi, có lẽ nhờ thế anh được Đức Mẹ gìn giữ vượt qua được biết bao sự mời mọc và cám dỗ ngọt ngào của lối sống văn minh phương Tây. Chưa khi nào anh cảm thấy đọc kinh Mân Côi sốt sắng như lúc đó, anh đã cầu nguyện với tất cả trái tim và sức lực. Anh khẩn thiết xin Mẹ Maria ban cho anh một phép màu, tựa như Ánh Sao năm xưa dẫn lối đưa đường cho các nhà đạo sĩ tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ.
Và rất diệu lạ, tâm hồn Minh Chí cảm nhận rõ ân sủng xuống từ trời cao, một sự thúc đẩy vô hình, một khát mong mãnh liệt hay nói đúng hơn anh đã đón nhận được ơn gọi từ trời cao. Khát vọng được đến với các dân tộc trên thế giới để loan báo Tin Mừng. Anh làm dấu kết thúc giờ cầu nguyện và thiếp ngủ trong thư thái bình an.
Trở lại bữa tiệc mừng lễ quan thầy tại gia đình Song Vĩnh, niềm vui của bữa tiệc đang tới lúc cao trào, hay đúng hơn bữa tiệc ra mắt đang đơm hoa nở rộ, Minh Chí đột nhiên đứng dậy, anh đi tới khu vực âm thanh, anh mượn chiếc micro và dõng dạc thưa với gia đình hai bên và mọi người:
"Dạ! Con Minh Chí kính thưa ông bà nội ngoại, kính thưa ba mẹ, đặc biệt là quý vị khách quý đã đến dự lễ và chung chia niềm vui với gia đình con hôm nay." Một tràng pháo tay làm bầu khí trở nên náo nhiệt, mọi người đều tấm tắc khen Minh Chí có giọng nói ấm áp, lưu loát, thật đúng là một người có học thức, rất lịch thiệp và lễ phép. Hai ông bà Song Vĩnh gật gù, tự hào về đứa con trai của mình.
Thinh lặng một chút, để mọi người hết xôn xao, Minh Chí tiếp tục:
"Hôm nay, đứng trước toàn thể gia đình, con muốn đưa ra một quyết định hệ trọng nhất đời con."
Khánh Linh ngồi bên cạnh, tim đập dồn, gò má ửng hồng, cô đoán Minh Chí sẽ đưa ra quyết định về tình yêu của anh với mình, và cầu hôn với cô trước toàn thể gia đình. Cô nhìn Minh Chí mỉm cười, má núm đồng tiền đôi lần làm Minh Chí xao xuyến.
Minh Chí nói tiếp:
"Con đã nộp đơn dự tu và làm hồ sơ thi tuyển vào Đại Chủng viện. Hôm nay, con xin kính chào ông bà nội ngoại, ba mẹ và tất cả mọi người."
Chưa dứt lời, ông Song Vĩnh đứt bật dậy hỏi lại Minh Chí một lần nữa để xác nhận:
"Minh Chí, những lời con vừa nói là sự thật sao?"
Minh Chí thưa lại, giọng xác quyết:
"Dạ thưa ba, đúng là sự thật ạ. Con đã cầu nguyện rất nhiều và đưa ra quyết định bước theo Thầy Giê-su."
Choang! Choang!Choang!
Tiếng chén ăn cơm vừa bị ông Song Vĩnh ném xuống nền nhà, những mảnh chén vỡ bắn tứ tung ra khắp sàn gỗ. Bầu khí u uất, tĩnh mịch lạnh đến rợn tóc gáy bao trùm khắp không gian của bữa tiệc. Người ta chỉ còn nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào, nức nở của Khánh Linh. Bà Song Vĩnh thì như vừa bị sét đánh ngang tai, bà chết lặng, thẫn thờ nhìn con trai không nói thành tiếng. Ông bà Thành Thái thì như vừa bị mất đi một bản hợp đồng kinh doanh khổng lồ. Còn tất cả mọi người, dường như đang cùng nhau đứng dưới cơn mưa mùa đông giá buốt. Tất cả đều ngỡ ngàng, bất ngờ và không thể đoán trước được kịch bản của một bộ phim ngôn tình đẹp như mơ, giờ đây sụp đổ hoàn toàn trước quyết định dứt khoát của Minh Chí.
Giữa bầu khí lặng như tờ, ông Song Vĩnh cũng không chịu thua, ông tuyên bố với tất cả mọi người bằng giọng đanh thép:
"Từ giờ trở đi tao không còn đứa con nào như mày nữa."
Bầu khí tĩnh lặng bị phá vỡ bởi lời tuyên bố như đinh đóng cột của ông chủ nhà, giờ chuyển thành cơn siêu bão giật cấp 18. Minh Chí không còn đứng vững, anh khụy xuống, nghe rõ từng lời của ba, nhưng không nói lại một lời, tim anh đau nhói. Các thực khách trong bữa tiệc, lúc đầu hoan hỉ bao nhiêu thì giờ bẽ bàng, cay đắng, buồn bã bấy nhiêu. Không ai bảo ai, họ nhìn nhau, lần lượt rút lui, để lại giữa những ngổn ngang là ông bà Song Vĩnh và cậu con trai vừa bị người ba "cắt khẩu".
Hai tuần sau, kể từ ngày kính thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, cái ngày định mệnh ấy, Minh Chí quả thật như được Thần Khí Chúa thúc đẩy vào trong hoang địa, bao nhiêu công danh sự nghiệp, bao nhiêu lời hứa hẹn, bao nhiêu tiếng lành người ta dành cho anh dường như sụp đổ và bị cơn siêu bão cuốn bay hết. Cũng rất lạ, Minh Chí càng ở trong hoang địa, anh càng cảm thấy sự bình an nội tâm, anh có thể chuyện vãn với Chúa bất cứ lúc nào, hướng đi của anh càng sáng tỏ. Để rồi, hôm nay, 15/10/1976, anh nhận được giấy báo gia nhập Tiểu Chủng viện Bình An, trong giấy báo, ban giám đốc tiểu chủng viện thông báo rõ những giấy tờ cần thiết, những vật dụng cá nhân cần mang theo, và đặc biệt là dòng chữ in đậm:
"Anh Đaminh Hoàng Minh Chí có mặt tại tiểu chủng viện vào lúc 8h00 sáng ngày 16/10/1976.
Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse-Ba thánh Đaminh ban muôn phúc lành cho anh".
Cầm trong tay giấy báo nhập Tiểu chủng viện, Minh Chí rất xúc động, tâm hồn anh lâng lâng đến khó tả, anh nghẹn ngào, thổn thức, vì ngày mai anh sẽ xa ba mẹ, xa quê hương yêu dấu. Anh nhớ về chặng đường 5 năm trước, anh được ba mẹ cho qua Pháp quốc để du học chuyên ngành Di truyền học, ngày đó mẹ anh đặt rất nhiều kỳ vọng vào anh, dành tất cả mọi điều kiện tốt nhất để anh có thể thành tài, ba mẹ chuẩn bị mọi thứ và ra tận sân bay để tiễn anh. Nghĩ về quá khứ, lòng anh quặn đau trong giây phút hiện tại, khi ba mẹ chẳng còn vui vẻ, chẳng còn đặt chút hy vọng gì về anh nữa. Đêm nay là đêm cuối cùng anh ở với ba mẹ trước khi vào chủng viện. Bữa tối rất thịnh soạn của một gia đình khá giả, nhưng dường như nó lại trở thành gánh nặng của những người ngồi cùng bàn ăn, hai tuần nay, chẳng ai nói với ai câu nào, lặng lẽ ăn rồi lặng lẽ rời bàn. Không khí thật trầm buồn u ám.
Minh Chí biết đây sẽ là bữa tối cuối, nên anh chủ động mở lời, phá đi cái tĩnh lặng kéo dài của hai tuần nay: "Thưa ba mẹ, hôm nay con nhận được giấy báo gia nhập Tiểu chủng viện Bình An, và sáng ngày mai con sẽ lên đường. Con xin ba mẹ cho con tự quyết định về ơn gọi của mình, con muốn đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi làm Tông đồ truyền giáo, con xin lỗi vì đã làm ba mẹ phiền lòng vì con, con sẽ cố gắng sống tốt, tu tốt để trở thành người có ích cho Giáo Hội và xã hội. Con chỉ có thể báo hiếu cho ba mẹ bằng cách đó, mong ba mẹ hiểu cho tâm tư và ước nguyện của con. Con mong ba mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con xin Chúa thay con gìn giữ ba mẹ phần hồn và phần xác." Nói dứt, Minh Chí xin phép ba mẹ vào phòng trước, anh không thể cầm được nước mắt, mặc dù anh là một người rất ít khóc, anh vào phòng đóng kín cửa và khóc nức nở. Anh nhìn lên thập giá của Chúa Giêsu và chờ đợi một sự an ủi. Phía bên ngoài, ông bà Song Vĩnh chết lặng, hai ông bà không tin rằng đó là sự thật, ông cứ vẫn nuôi hy vọng rằng Minh Chí chỉ nông nổi nhất thời, nó sẽ quên nhanh con đường hẹp đầy gian nan đó. Còn bà Song Vĩnh, miệng bà mặn chát, hai dòng lệ của bà không sao cầm lại được, mặc dù bà là người hiểu Minh Chí hơn ai hết. Minh Chí đã nói là sẽ làm cho đến cùng, sẽ không bao giờ có ai có thể ngăn được quyết định của nó.
Đêm đó, trong căn biệt thư sân vườn có đầy đủ mọi thứ tiện nghi nhưng cả Minh Chí và ông bà Song Vĩnh không ai chợp mắt được vì bao nhiêu sự ngổn ngang bày ra trong tâm trí. Đêm đó, Minh Chí đã cầu nguyện rất nhiều, cầu nguyện trong nước mắt, cầu nguyện trong sự giằng xé nội tâm, anh không tài nào chợp mắt nổi. Anh ngồi tại bàn làm việc và viết hai bức thư, một cho ba mẹ và một bức cho Khánh Linh. Nhạt nhòa trong nước mắt, anh viết cho ba mẹ những dòng tâm sự từ trong trái tim mình:
Con tạ ơn Thiên Chúa vì qua ba mẹ con lãnh nhận hồng ân sự sống, và quý giá biết bao, chính ba mẹ đã đưa con đến thánh đường để con được lãnh nhận hồng ân đức tin, trở nên con Thiên Chúa, và gia nhập Dân Thánh. Con thật xúc động, vì công lao sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ dành cho con cao sâu như trời bể. Tuy nhiên, con cũng rất ân hận vì đã nhiều lần làm cho ba mẹ buồn lòng. Xin ba mẹ thứ lỗi cho con. Thưa ba mẹ, con vẫn mong ba mẹ mở lòng quảng đại cho con đáp lại ơn gọi mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng con tự đời đời. Con biết, đi vào con đường hẹp này, con phải từ bỏ mình vác thập giá hàng ngày theo Chúa, con cũng không biết phía trước con đường đó ra sao. Liệu con có đi hết được chặng đường theo Chúa, có đứt gánh giữa đường như một số người vẫn thường lo lắng không? Nhưng thưa ba mẹ, trong cầu nguyện với ân sủng của Chúa Thánh Thần con xác tín rằng: con có là gì cũng là đều nhờ ơn Chúa. Ơn gọi tu trì hay ơn gọi sống đời hôn nhân đều khởi nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, con đường dâng hiến giúp con có thể thanh thoát hơn, không bị chị phối bởi tiền tài, danh vọng, để con có thể toàn tâm toàn ý lo việc rao giảng Tin Mừng. Thưa ba, ba có thể không nhận con trong lúc ba giận dữ nhưng con biết trong tim ba luôn bao dung, luôn dành cho con tình yêu lớn hơn tất cả. Ba hãy tự hào về gia đình mình được Chúa thương gieo hạt giống ơn gọi, vì hồng ân Tận hiến là ơn vô giá, không phải gia đình nào cũng có. Vật chất, tiền tài, danh vọng sẽ qua đi, chỉ có tình yêu mới tồn tại mãi. Ba hãy cũng con tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã mạc khải cho con nhận ra giá trị của Chân – Thiện – Mỹ đích thực. Lời cuối cùng, con mãi luôn cầu nguyện, xin Chúa chúc lành và gìn giữ ba mẹ trong ân sủng và bình an.
Thuận hòa, 15/10/1976
Con của ba mẹ
Đaminh Hoàng Minh Chí
Viết xong những tâm tình cho ba mẹ, Minh Chí nghĩ về Khánh Linh. Hình ảnh của cô trong bữa tiệc cách đây hai tuần làm anh khổ tâm. Anh không hiểu được, tình yêu Khánh Linh dành cho anh sâu đậm dường ấy, anh nhận thấy mình có lỗi với cô. Khi đã không nói rõ cho cô về chọn lựa ơn gọi của mình. Đã gần sáng, anh lấy một tờ giấy khác, và viết cho cô những cảm nghĩ của mình:
Anh cảm ơn em đã dành cho anh tình cảm thật trân quý. Anh không nghĩ anh xứng đáng để được em yêu đến vậy. Em là một người con gái tốt nhưng anh xin lỗi em, chưa khi nào anh nghĩ đến một tình yêu đôi lứa đối với em, mặc dầu anh cũng có một trái tim bằng thịt, cũng đôi lần anh rung động vì nhận ra được tính cảm của em danh cho anh khắc hơn bình thường. Anh đã quý và trân trọng em như một người em gái.
Khánh Linh mến!
Anh muốn chia sẻ cho em về một kỷ niệm rất đẹp khi anh học ở Pari. Mỗi cuối tuần anh đều dành thời gian để đi lễ ở nhà thờ Norte Dame, một nhà thờ rất đẹp và cổ kính, là biểu tượng tinh thần của người dân Pháp được xây dựng năm 1160 và mỗi dịp hè, anh đều đăng ký tham gia làm thiện nguyện ở các trung tâm hành hương lớn của nước Pháp: Đức Mẹ Lộ Đức, trung tâm hành hương thánh Gioan Vianey, đặc biệt là nhà dòng Carmel nơi thánh Tê-rê-xa Hài Đồng đã tu và an nghỉ nơi đây. Những mùa hè đó, anh thấy là thời gian ý nghĩa nhất của một cuộc đời, hồn tông đồ, nhiệt tâm truyền giáo lớn dần trong anh từ đó. Anh đã đọc rất nhiều các tác phẩm, nhật ký truyền giáo của các nhà thừa sai thuộc Hội truyền giáo Pari, và cảm kích trước tinh tần quảng đại của các ngài. Em biết không? Các ngài đã từ bỏ một lối sống tiện nghi, giàu có của đất nước văn minh để đến với các dân tộc Á Châu, đặc biệt là mảnh đất Con Rồng Cháu Tiên. Anh em mình nợ các ngài một món nợ vô giá, bởi lẽ các nài đã hy sinh tính mạng để gieo vãi hạt giống đức tin cho quê hương Việt Nam chúng ta.
Khánh Linh mến! Hãy hiểu cho anh vì Giêsu đã đi trước, ngài đã cất tiếng gọi anh, đặt để cho cuộc đời anh một sứ mạng và anh muốn trở thành một tông đồ truyền giáo. Mến chúc em luôn mạnh khỏe, anh sẽ cầu nguyện, xin Chúa ban cho em một người bạn đời thật xứng đáng, đem lại cho em hạnh phúc. Xin em cũng cầu nguyện cho anh, bởi vì anh cũng đi theo Chúa, từ con số không, dò dẫm và tiến bước, xin em cầu nguyện để anh có đủ can đảm, đủ quyết tâm từ bỏ để bước vào đời dâng hiến trong an vui và hạnh phúc.
Cuối thư, anh chúc em luôn mạnh khỏe, công tác thật tốt và luôn vui vẻ yêu đời như em thuở trước.
Thân ái chào Khánh Linh!
Thuận Hòa, 15/10/1976
Anh
Đaminh Hoàng Minh Chí
Dứt thư, Minh Chí cảm thấy mệt nhừ, anh cảm thấy sức nặng vô hình đè nặng lên vai anh, nhưng quyết tâm truyền giáo vẫn sôi sục trong anh. Không khó khăn nào khiến đôi chân anh chùn bước.
Tờ mờ sáng, bà Vĩnh gõ cửa phòng Minh Chí. Mở cửa, anh thấy khóe mắt mẹ đỏ hoe, khuôn mặt đượm buồn, và mệt mỏi vì cả đêm không ngủ. Anh ôm mẹ nghẹn ngào. Bà Vĩnh cũng không cầm nổi nước mắt. Bà nói nhẹ nhàng với anh: "Con hãy đi theo tiếng gọi của trời cao. Mẹ yêu con bất kể con sẽ như thế nào". Rồi bà trao cho anh tấm hình Mẹ Hằng Cứu giúp là kỷ vật của bà ngoại đưa cho bà khi bà thành hôn. Bà Vĩnh nói: "Xin Mẹ Maria luôn chở che con thay cho mẹ". Nỗi xúc động nơi hai mẹ con lại được đẩy lên cao trào. Bà Vinh đã chuẩn bị cho anh một chút điểm tâm sáng vì bà biết anh sẽ phải lên đường từ sớm. Dùng bữa mà anh cảm thấy bị ứ nghẹn trong miệng, anh không thể nuốt được vì bao nỗi niềm chất chứa trong anh. Anh không thấy ba đâu, lẽ nào ba không dậy để tạm biệt anh.
6h00 sáng ngày 16-10-1976, Minh Chí đeo chiếc balo đã bạc màu, nhỏ gọn với mấy bộ quần áo và giấy tờ như cha giám đốc Tiểu chủng viện căn dặn trong giấy thông báo. Anh đi bộ ra đầu làng để đón xe khách. Trời bỗng đổ mưa như trút nước hòa lẫn trong dòng nước mắt mặn chát chảy ngược vào trái tim anh. Ông Song Vĩnh cả đêm cũng không sao chợp mắt được, ông biết bà Song Vĩnh vào phòng gặp con, nhưng bản tính cố thủ của ông, khiến ông không nhường bước, ông nhất định không gặp con trước khi con lên đường. Khi Minh Chí ra khỏi cổng, ông mới lặng lẽ đi ra, nhìn con...lòng ông cũng thổn thức, ông cũng xót xa và ân hận vì những lời gì đã nói trước đại gia đình. Mắt ông cũng nhạt nhòa dười cơn mưa nặng hạt, ông đứng dưới trời mưa cho tới khi bóng của Minh Chí vụt khỏi tầm mắt của ông.
Đôi chân Minh Chí vẫn rảo bước, cho dù lòng có trĩu nặng, cho dù còn biết bao ngổn ngang chưa thể giải quyết cho thỏa lòng. Anh vẫn xác tín và dấn bước. Trong trái tim anh lúc này vang lên lời bài hát: "Đẹp thay bước chân người Loan báo Tin Mừng":
"Đẹp thay bước chân người đi loan báo Tin Mừng.
Người đã lên đường tiến vào giữa lòng thế giới.
Trời xanh bao la gió cao (í a) lồng lộng.
Ngại chi sương gió sá gì gian khổ đường xa."
Xin quý vị đón đọc phần tiếp theo...
【Micae Mai Văn Tuấn】