Nửa đêm mầng Chúa ra đời - bài Thánh ca Giáng sinh đầu tiên của Việt Nam - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
Khi nói đến Thánh Nhạc - Thánh Ca (TNTC) là nói đến đàn hát trong phụng tự nơi nhà thờ, nhà thánh; chính xác hơn, là nói đến dòng nhạc và lời ca đã thành bài bản kinh điển được chuẩn nhận (Nihil obstat - Imprimatur) để sử dụng trong Phụng vụ, chủ yếu trong Thánh lễ và chầu Thánh Thể. Hiến Chế Phụng Vụ số 112 nêu bật điểm cốt lõi tập trung ấy: "Truyền thống âm nhạc của toàn thể Hội Thánh đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, làm nên thành phần cần thiết hoặc kiện toàn của Phụng vụ trọng thể." Riêng chuyện ca từ, Huấn Thị số 53 nhấn mạnh: "Lời ca của các bài hát trong Phụng vụ phải phù hợp với Giáo lý Công giáo; tốt nhất là lấy từ Thánh Kinh và Phụng vụ. Bởi lời Thánh Kinh là lời linh hứng, nghĩa là được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn cho các tác giả trong quá trình suy nghĩ viết ra. Đàng khác,Thánh vịnh vốn là lời thơ, gợi hứng rất nhiều." NGUỒN:

1.
Khi nói đến Thánh Nhạc - Thánh Ca (TNTC) là nói đến đàn hát trong phụng tự nơi nhà thờ, nhà thánh; chính xác hơn, là nói đến dòng nhạc và lời ca đã thành bài bản kinh điển được chuẩn nhận (Nihil obstat - Imprimatur) để sử dụng trong Phụng vụ, chủ yếu trong Thánh lễ và chầu Thánh Thể. Hiến Chế Phụng Vụ số 112 nêu bật điểm cốt lõi tập trung ấy: "Truyền thống âm nhạc của toàn thể Hội Thánh đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, làm nên thành phần cần thiết hoặc kiện toàn của Phụng vụ trọng thể." Riêng chuyện ca từ, Huấn Thị số 53 nhấn mạnh: "Lời ca của các bài hát trong Phụng vụ phải phù hợp với Giáo lý Công giáo; tốt nhất là lấy từ Thánh Kinh và Phụng vụ. Bởi lời Thánh Kinh là lời linh hứng, nghĩa là được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn cho các tác giả trong quá trình suy nghĩ viết ra. Đàng khác,Thánh vịnh vốn là lời thơ, gợi hứng rất nhiều."(1)

Nếu quan niệm một cách tuyệt đối như trên thì trước những thập niên 1930-1940 ở Việt Nam, nhà đạo mình chưa hẳn đã có một nền Thánh nhạc - Thánh ca chính thống. Có chăng, chỉ là những cung giọng ngân nga, luyến láy, bổng trầm trong mảng kinh sách, nguyện ngắm, ca vãn được truyền khẩu ngay từ rất sớm, khi hình thành những cộng đoàn cầu nguyện đầu tiên ở thế kỷ 16-17, tạm gọi là dân nhạc Công giáo. Cụ thể và dễ hiểu hơn, là cung đọc kinh; cung đọc sách E-van; đọc các sách thiêng liêng (Gương Phúc, Gương Tội, Truyện Các Thánh, Cấm Phòng, Tập Đi Đàng Nhân Đức, Lâm Mạnh v.v.); Ngắm lễ Missa; Phép ngắm Rosa, Đi đàng Thánh giá, Dâng hoa, Dâng hạt mùa Chay, mùa Thương khó... Có đấy, ở từng nơi chốn, vùng miền đạo Bắc,Trung, Nam. Có đấy, tuỳ theo mỗi ảnh hưởng của dòng hay triều, các cung giọng và ngôn từ có khác đi đôi chút, nhưng rõ ràng đã phản ánh sức sống khá phong phú và đa dạng của loại hình nghệ thuật thể hiện cảm xúc tôn giáo rất gian này. Hình như, tôi trộm nghĩ, nó vẫn song song tồn tại bên cạnh những bước đi chính truyền của Phụng vụ Công giáo Roma? Từ đó, có thể đặt ra câu hỏi, phải chăng, đấy là khúc dạo đầu, còn nguyên sơ và tinh ròng của ca hát thánh thiêng nơi nhà thờ xứ đạo làng quê ta xưa sau luỹ tre xanh, trước khi có một dòng chảy vồn vã và đầy ắp hơi thở, ân sủng của Chúa Thánh Thần như Thánh nhạc Thánh ca ngày nay? Vâng, chỉ ngần ấy vốn liếng thôi, Chúa ôi, có là chi? Thế mà, hạt cải bé bỏng li ti ấy, trải qua dòng đời hằng mấy trăm năm bền bỉ, miệt mài, đã từng bước, đơm hoa kết trái, trở nên của ăn đàng, nuôi sống đức tin và lòng đạo của bao thế hệ dân Chúa. Phải thành thật nhìn nhận một thực tế này, là toàn bộ ngôn ngữ trong Phụng vụ ở các nhà thờ xứ đạo Việt Nam ta thuở ấy chỉ được cử hành thuần bằng tiếng La Tinh, có chung một nguồn gốc từ các bộ kinh sách du nhập từ phương Tây (La Tinh hoặc Pháp văn): Cantiones; Breviarum; Hymni; Cantus Liturgici; Cantus Officiorum in Cantu Gregoriano; Cantus pro Festis Solemnioribus; Cantus ad Benedictionem (Biton) hoặc Paroissien Romain...Thánh nhạc Thánh ca Việt Nam, vì thế, cũng không thể đi ra ngoài cái vòng ảnh hưởng trên.

2. Tuy nhiên, theo nhận định chung của các nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam (2),ngay từ năm 1910-1911, ở miền đất Sài gòn - Gia Định - Nam bộ (3) đã có những cha cố, thầy giảng, dì phước, bổn đạo người Việt biết hát,hoặc điều khiển những bài hát lễ từ 2,3 bè khá thành thạo. Cũng có người đã sử dụng nhuần nhuyễn một số loại nhạc cụ như harmonium, piano, violon, accordéon... phụ đệm cho các ban hát. Lại có những ca trưởng biết phỏng dịch và biên soạn được những tập nhạc lý căn bản bằng tiếng Việt,dựa theo giáo trình của các bậc thầy chuyên nghiệp từ Pháp, Đức,chẳng hạn: Claude Augé,Marmontel, Dauhauser v.v. Phần chúng tôi, là con nhà đạo, trong quá trình sưu tầm - nghiên cứu và giới thiệu Miền Thơ Trong Thánh nhạc Thánh Ca (4), xin đưa ra một chứng từ mang giá trị lịch sử, nghĩa là nói có sách và mách có chứng hẳn hoi về sự ra đời của Bài Thánh Ca Giáng Sinh đầu tiên ở Việt Nam: "Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời của linh mục" - nhạc sỹ Phaolô Đoàn Quang Đạt. Xuất xứ có căn cơ rõ rệt ấy, chúng tôi muốn nói tới 2 Tập Sách Hát mang tên rất đậm đặc thứ ngôn từ kinh kệ của Công giáo:

- "Ca Ngợi Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu (1911).

- "Ca Ngợi Đức Bà Maria (1912) do Nhà In Imprimerie de la Mission Tân Định, Saigon xuất bản.


Có thể xác định tác giả và thời điểm xuất hiện của những bài thánh ca đầu tiên ấy qua lời giới thiệu ở đầu sách, do linh mục bổn quốc Phaolô Qui (5),cha sở họ đạo Cầu Bông viết ngày 01.5.1913 cho cả 2 Tập sách này như sau: "Nguyên những bài ca trong sách này đã rút ra bởi những kinh (La Tinh) Hội Thánh quen đọc và bởi ca ngợi trong tiếng Lang sa (Pháp). Những ca ngợi ấy là của cha Tôma Đoan, cha ở Huế và Cha Phao lô Đạt"

Nổi tiếng nhất trong số đó là bài Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời của cha Phao lô Đoàn Quang Đạt.

Theo chỗ chúng tôi tìm hiểu và tham khảo, có lẽ cảm hứng từ những ca khúc cùng chủ đề về Giáng Sinh, như Puer Natus Est; Gloria In Excelsis Deo;Adeste Fidelis; Il Est Né Le Divin Enfant; Les Anges Dans Nos Campagne?Ngoài ra, còn phải kể tới một yếu tố đặc biệt có tác động không nhỏ trong nguồn cảm hứng, xui khiến tác giả viết nên bài thánh ca Giáng Sinh có một không hai này, đó là tâm tình sốt sắng, vồn vã và nhạy cảm của một người con Chúa ở quê hương miệt vườn-xứ đạo kỳ cựu Búng (Lái Thiêu). Nhiều lần, cứ vào những ngày áp lễ Chúa Giáng Sinh, đến nhà thờ Đức Bà, lên Tân Định, xuống An Nhơn, Gò Vấp, sang Thị Nghè hoặc về Chợ Quán. Tôi lại được nghe, được sống những cảm xúc thánh thiêng, mà bồi hồi quê kiểng rất đỗi ầu ơ dzí dầu Nam bộ. Là trọn vẹn thế giới ngôn từ, cung giọng thật thà như đếm của kinh sách, nguyện gẫm nơi từng câu chữ trong sách Mục Lục: Ớ, các giáo nhơn; ai đặng thương; vinh phước;hiển vang; kính mầng; thong thả; nền nhơn cội đức; phở lở hỷ hoan, khoan nhơn; gội nhuần; ghé coi...

Trở lại với bài Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời. Tác giả đã đưa chúng ta vào một không gian rộng rinh của đồng đất, sông rạch nhiều cây trái nhiệt đới Nam bộ. Nghe rõ mồn một âm thanh lục lạc của trâu bò về chuồng mỗi hoàng hôn; kể cả mùi ngai ngái, nồng nồng của rạ rơm, của lúa mùa mới gặt. Bên cạnh giá trị về giai điệu và cung bậc mang âm hưởng dân ca Nam bộ thì mảng lời ca là toàn văn của bài kinh vãn sẵn có trong pho sách kinh Mục Lục, quyển sách gối đầu giường của tín hữu Công giáo toàn vùng Đông Dương này. Chúng ta cứ đọc chậm và ngẫm ngợi từng chữ, từng lời (mầng, vấn, bơ thờ, dưng, kiểng, chói lói...) để gặp lại thứ ngôn ngữ trơn tuột như lời nói thường ngày, theo cách nói của danh nhân Petrus Ký.

Nửa đêm mầng Chúa ra đời
Bức khăn sạch vấn để nơi hang lừa
Cỏ thơm trải lót bơ thờ
Mượn ấm bò lừa thở ấm dưng hơi
Kiểng tinh soi sáng nơi nơi
Chói lói giữa trời, nhỏ xuống Bê Linh
Thiên Thần chín đấng chầu quanh
Tấu nhạc rập rình, mầng hát xướng ca...

Chú thích:

(1) De Musica in Sacra Liturgia.

(2) Lê Thương, Phạm Duy, Hùng Lân, Nguyễn Khắc Xuyên, Tô Vũ, Dương Viết Á, Minh Tâm, linh mục Vũ Đình Trác...

(3) Sài gòn, Búng (Lái Thiêu),Vĩnh Long.

(4) Lê Đình Bảng: Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam - Miền Thơ Trong Thánh nhạc Thánh ca, xuất bản 2009; Sổ Tay Hát Lên Mừng Chúa (1996-2009).

(5) Linh mục Phao lô Nguyễn Văn Qui: (1855-1914), thường gọi là Cha Phao lồ Qui: Giáo sư Chủng viện Sài gòn, chánh sở họ đạo Cầu Bông, Chí Hoà;Giỏi Pháp văn, La Tinh, tinh thông Hán Nôm, Quốc ngữ. Là tác giả nhiều bộ sách có giá trị về Giáo lý,Thánh Kinh,Tu đức, Kinh nguyện, Ngôn Ngữ và Văn học Nghệ thuật; đồng tác giả 2 Tập Thánh ca đầu tiên (1911-1912): Ca Ngợi Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu và Ca Ngợi Đức Bà Maria.