Nhận định về tác phẩm Trầm Mặc của nhà phê bình văn học Saeki Shouichi - Sachiko Maria chuyển ngữ
30.11.2023
Endo Shusaku là một trong số ít tiểu thuyết gia chính kịch ở Nhật Bản. Các tác phẩm như: Biển và độc dược (1957), Trầm mặc (giải Tanizaki 1993) và Samurai (1980)... Tất cả đều chứa đầy sự căng thẳng và sức mạnh kịch tính.
Mở đầu bằng một tình huống đầy căng thẳng kỳ lạ và các nhân vật trong tác phẩm buộc phải đối mặt gay gắt với sự lựa chọn cái này hoặc cái kia. Sau đó, những mâu thuẫn và xung đột kịch tính dần dần hình thành, và bạn đọc sẽ bị cuốn vào một thảm họa ngay lập tức. Nội dung kịch tính tràn ngập tác phẩm, hoàn toàn phù hợp với lý luận về bi kịch của Aristotle.(Bi kịch mô phỏng hành động, nó mô phỏng những con người đang hành động. Mà sự mô phỏng hành động là nhờ vào cốt truyện, cốt truyện là sự kết hợp các sự kiện, tính cách là cái cho ta biết tính chất của nhân vật hành động. Cho nên, hành động và cốt truyện làm thành mục đích của bi kịch. Cốt truyện là cơ sở, là linh hồn của bi kịch, sau đó mới đến các tính cách. - trích Thi pháp Aristốt)
Trầm mặc trên hết là một cuốn tiểu thuyết kịch tính mà mỗi lần đọc lại tôi bị cuốn vào vòng xoáy của câu chuyện. Tác phẩm được khai triển từ cấu trúc truyện khá đơn giản. Bối cảnh là đất nước Nhật Bản trong thời kì cấm đạo Công giáo gay gắt, khi đó có ba linh mục trẻ người Bồ Đào Nha đã lên kế hoạch thâm nhập vào Nhật Bản cách bí mật. Thời điểm đó diễn ra ngay sau khi cuộc khởi nghĩa Shimabara [1] bị đàn áp. Mặc dù triều đình Nhật Bản áp dụng chính sách đàn áp hết sức nghiêm ngặt nhưng các linh mục này đã đến nơi an toàn. Tất nhiên họ đã liên lạc được với các tín đồ người địa phương nơi họ đến nhưng sau một thời gian ngắn họ đã bị bắt và bị tra tấn dã man. Cuối cùng họ bị buộc phải bỏ đạo. Ngay từ đầu, thất bại gần như là hiển nhiên. Có thể nói đó là một thử thách vô vọng, có thể nhìn thấy thất bại rõ ràng trước mắt. Và tình hình cũng đã diễn ra đúng như dự đoán. Các tình tiết bất ngờ hầu như không bao giờ xảy ra. Do vậy, tác phẩm giống như một bộ phim truyền hình, sự phát triển tuyến tính không có đường phụ nổi bật một cách rõ rệt. Tuy với một cốt truyện dễ đoán như vậy, độc giả khi đọc sách dường như lại lập tức bị cuốn hút vào câu chuyện. Một lần nữa tôi bị ấn tượng bởi khả năng viết lách tài tình của tiểu thuyết gia Endo Shusaku. Và thực sự cần chú ý đến sự khéo léo của tác giả ngay trong cách kể chuyện ở phần mở đầu.
Đầu tiên, cần chú ý đến "Lời nói đầu" có nội dung: "Một bản báo cáo đã được gửi về Giáo hội Công giáo Rôma..." Tác giả dẫn dắt chúng ta bước vào câu chuyện một cách khách quan và ngắn gọn. Linh mục Cristóvão Ferreira - người được Dòng Tên Bồ Đào Nha phái đến Nhật Bản, được cho là "trời phú cho tài năng thần học hiếm có" và được tin tưởng trong một thời gian dài bởi "trong thư của cha gửi về luôn luôn có một niềm tin bất khuất", cuối cùng cha đã phải chịu tra tấn dã man và dẫn đến từ bỏ đạo. Tin tức này đã gây ra cú sốc lớn cho hàng giáo sĩ tại Châu Âu. Do vậy, có bốn linh mục từ Rôma và ba linh mục trẻ từ Bồ Đào Nha quyết định bí mật sang Nhật Bản tìm hiểu để làm sáng tỏ danh dự của Giáo hội về việc linh mục Ferreira bỏ đạo. Đặc biệt đối với bộ ba linh mục trẻ người Bồ Đào Nha, linh mục Ferreira từng là cha giáo dạy thần học cho họ. Và cả ba luôn có cái nhìn đầy ngoạn mục về người thầy tôn kính của mình.
"Lời nói đầu" này tương tự như lời mô tả sân khấu trong một vở kịch. Với giọng văn kể chuyện đơn giản, không tô điểm nhưng lại khéo léo cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quan tốt về bối cảnh lịch sử của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ bách hại đạo và mở ra tình huống lịch sử câu chuyện tiếp theo. Trên thực tế, Trầm mặc cũng là một loại tiểu thuyết lịch sử, và hầu hết các sự kiện và nhân vật trong tác phẩm đều dựa trên sự thật lịch sử. Bản thân nhà văn Endo Shusaku cũng đã đề cập trong phần tái bút của cuốn sách rằng ba linh mục thâm nhập vào Nhật Bản có một "hình mẫu" rõ ràng. Nhân vật chính của tác phẩm là Rodrigues hay còn gọi là Okada Sanemon được phác họa từ nhân vật có trong lịch sử tên là Giuseppe Chiara hay còn gọi là Okamoto Sanemon người Ý. Tất nhiên cũng sẽ có thêm những thay đổi mới lạ do tác giả thêm vào. Điển hình như việc tác giả đã thay đổi quê hương của nhân vật chính. Ông sinh ra ở đảo Sicily nước Ý, nhưng trong tác phẩm của Endo, anh ta là người Bồ Đào Nha. Có lẽ Endo Shusaku thay đổi điều đó là để củng cố mối liên hệ giữa hai linh mục, Rodrigues cùng quê hương với Ferreira. Chính điều đó đã khiến cho cuộc gặp gỡ sau này của hai vị linh mục trở nên kịch tính hơn.
Tiếp theo là ba linh mục lịch sử đã bị tra tấn và cả ba đều bỏ đạo như nhau, nhưng trong tác phẩm của Endo lại thu hẹp trọng tâm vào việc bỏ đạo của một mình linh mục trẻ Rodrigues và phơi bày kịch tính bên trong nội tâm của ông. Thêm một tình tiết về nhân vật lịch sử là cha Valignano. Theo như tác phẩm thì vị linh mục này đã gặp ba linh mục trẻ tại Ma Cao. Ông chính là người giải thích tình hình ở Nhật Bản cho họ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trên thực tế thì vị linh mục này đã chết ở Ma Cao vào đầu năm 1606. Do vậy có nhiều tình tiết trong truyện hoàn toàn là hư cấu. Tuy nhiên, bản thân linh mục Valignano cũng đã ba lần đặt chân đến Nhật Bản để truyền giáo. Đồng thời ông cũng là bạn đồng hành với các linh mục truyền giáo trong sứ vụ truyền giáo nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Việc nhà văn Endo đưa nhân vật lịch sử nổi tiếng này vào tác phẩm như một biểu tượng gợi nhớ về thời kỳ thịnh vượng của đạo Thiên Chúa ở Nhật Bản.
Sau lời nói đầu chính là bốn bức thư của nhân vật chính Rodrigues. Bốn lá thư liên tiếp đóng vai trò dẫn dắt người đọc trực tiếp đi sâu vào cảm nhận bên trong của nhân vật chính. Kết cấu của cuốn tiểu thuyết gồm có bốn chương, tác giả kể chuyện theo ngôi thứ nhất, tiếp theo là sáu chương được viết theo ngôi thứ ba hoặc qua thư từ của người khác gắn liền với câu chuyện (bao gồm cả lời mở đầu tác phẩm). Toàn bộ cuốn sách được tường thuật theo 3 phần: Đầu tiên là quan điểm thuần túy khách quan, sau đó là một quan điểm hoàn toàn chủ quan, rồi đến quan điểm nửa khách quan, nửa chủ quan (ở đây tác giả vẫn dõi theo nhân vật chính trong khi duy trì một khoảng cách nhất định). Chính nhờ cấu trúc ba giai đoạn tuyệt vời này, ông có thể dễ dàng hướng dẫn người đọc đi sâu vào diễn biến của tác phẩm mà không gặp khó khăn gì. Đầu tiên tác phẩm mở ra một cái nhìn bao quát mang tính sân khấu và hậu cảnh. Sau đó đột nhiên chúng ta bị lôi cuốn vào thế giới nội tâm của nhân vật chính. Và cuối cùng trong khi phần nào tách mình ra khỏi nhân vật chính, bạn đọc sẽ được theo dõi từng bước quá trình thảm khốc dẫn đến bội giáo trước mắt nhân vật.
Nếu nhìn xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm với một quan điểm thuần túy khách quan, thì những gì đọng lại đối với người đọc sẽ chỉ còn là sự tuyệt vọng liều lĩnh trong kế hoạch bí mật đến Nhật Bản của nhân vật chính, chính sách áp bức mù quáng của chính quyền Nhật Bản và các hình thức tra tấn quá hà khắc, vô nhân đạo. Điều đó hẳn là một trở ngại lớn trước mắt người đọc. Mặt khác, nếu ngay từ đầu tác giả cố gắng chỉ sử dụng những lá thư và lời độc thoại của nhân vật chính thì tình huống mà nhân vật chính rơi vào sẽ quá đặc biệt và cực đoan đến mức người đọc sẽ cảm thấy hơi ngột ngạt và khó theo dõi. Vì thế, chính nhờ chiến lược phát triển phong cách kết hợp giữa nhìn từ xa và tiệm cận mà Endo sử dụng đã làm nên thành công của tác phẩm.
Tác phẩm Trầm mặc là một cuốn tiểu thuyết dài, tập trung con mắt và ý thức vào một người ngoại quốc đột nhiên lẻn vào Nhật Bản. Nội dung xoay quanh nhân vật chính là một người ngoại quốc hoàn toàn xa lạ, đến Nhật Bản để truyền đạo nhưng lại bị bắt, và bị buộc phải chứng kiến các Kitô hữu bản địa hi sinh mạng sống mình vì đức tin và cuối cùng vị linh mục đó phải bỏ đạo. Đây quả là một cuộc phiêu lưu văn chương khá mạo hiểm, và hẳn là một canh bạc nguy hiểm. Tuy nhiên nhờ vào việc quan sát công phu và tỉ mỉ những ghi chép lịch sử từ thời Thánh Phanxicô Xavier, giáo sư Valignano, Frois và các nhà truyền bá phúc âm khác ở phương Tây, Endo đã tiếp cận và dựng lại cuốn tiểu thuyết một cách khá mới lạ và đặc sắc. Ngoài ra, không phủ nhận khả năng diễn đạt xuất sắc và những nghiên cứu sâu rộng của Endo đã giúp cho người đọc thời sau có thể tiếp cận gần hơn được những tâm tư nội tâm của các nhà truyền giáo thời kì trước. Việc chọn một người nước ngoài làm anh hùng của một cuốn tiểu thuyết lịch sử đúng chẳng khác gì một loại kỳ tích văn học.
Ngoài sự tôn vinh lãng mạn hay trào phúng lố bịch, trong tác phẩm Trầm mặc có rất ít hành động, và hoàn toàn có thể nói rằng đó chỉ là sự cố gắng theo dõi những biến chuyển tinh tế giới hạn trong logic và tâm lý của đức tin. Đây hẳn là điều rất khó truyền tải. Thêm vào nữa, nhân vật chính lại là người nước ngoài. Nhà văn Endo Shusaku đã dám đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này và đã hoàn thành một cách đáng ngưỡng mộ. Điều gì đã thúc đẩy Endo và giúp ông vượt qua bức tường khổng lồ này? Tại thời điểm này, có một số yếu tố có thể được chỉ ra như sau:
Thứ nhất, đó là niềm tin của những người có cùng niềm tin. Endo là một nhà văn Công giáo Nhật Bản. Có thể nói chắc chắn rằng chính niềm tin của một tín hữu đã củng cố ông.
Thứ hai, tôi muốn nói rằng bản chất khắc nghiệt của hoàn cảnh đã khiến tác giả có thể đồng cảm và hồi tưởng lại trải nghiệm đó một cách sống động. Điều này thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng chẳng hạn cùng thời điểm với Trầm mặc, tác phẩm The Confessions of Nat Turner (1967) (tạm dịch là: Tự thuật của Nat Turner) cũng được nói đến rộng rãi. Tác phẩm này được viết bởi nhà văn da trắng đến từ miền Nam nước Mỹ: William Styron.
Hai tác phẩm có điểm chung là cùng thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử. Tự thuật của Nat Turner được trình bày dưới dạng câu chuyện kể ở ngôi thứ nhất của nhân vật lịch sử Nat Turner. Cuốn tiểu thuyết đề cập đến sự kiện có thật về cuộc nổi dậy đầu tiên của người nô lệ da đen Nat Turner ở Virginia vào năm 1831. Khi đó, tác giả Styron là người da trắng đã dám đặt mình vào bên trong người anh hùng da đen, và từ đầu đến cuối, màn độc thoại nội tâm của nhân vật chính được thể hiện đã thu hút nhiều sự chú ý của độc giả. Tôi đặc biệt ấn tượng mạnh mẽ với các nhận xét của các nhà phê bình người da đen cho đến thời điểm này. Nếu nhìn từ quan điểm của bên thứ ba, Styron - một người đàn ông da trắng đã nói và miêu tả qua con mắt và trái tim của nhân vật chính da đen. Không nghi ngờ gì rằng, có một nguồn sức mạnh kịch tính mãnh liệt trong cuốn tiểu thuyết này. Tác giả đã cố gắng hết sức để diễn đạt sức mạnh vượt qua thử thách và tình thế cùng cực căng thẳng, thống khổ của người thủ lĩnh trong cuộc nổi dậy vô vọng vượt qua mọi rào cản sắc tộc. Tôi nghĩ rằng tình huống gần như tương tự cũng áp dụng trong tác phẩm Trầm mặc của nhà văn Endo. Nhưng ở trong tác phẩm của văn hào Endo có lẽ còn vũ khí bí mật hấp dẫn và quan trọng hơn. Đó chính là yếu tố tâm linh. Những rắc rối và sự hoài nghi về niềm tin tôn giáo nảy sinh trong nhân vật chính bị dồn vào đường cùng được tác giả chia sẻ sâu sắc. Bất chấp sự bắt bớ, tra tấn và sự hi sinh của các tín đồ hết người này đến người khác; bất chấp những gian khổ vượt quá giới hạn tinh thần và thể chất con người theo nghĩa đen, nhưng cuối cùng "sự cứu rỗi" của Thiên Chúa vẫn không thấy xuất hiện; bất chấp những lời cầu nguyện tuyệt vọng của nhân vật chính, Thiên Chúa vẫn luôn im lặng. Vậy những lời cầu nguyện của các tín đồ có thực sự đến được với Chúa hay không? Hoặc Chúa có thực sự tồn tại hay không?
Đây là một câu hỏi kinh hoàng và cơ bản đối với các Kitô hữu và cũng có một nỗi lo lắng dội lại trong lòng ngay cả với những kẻ ngoại đạo như tôi. Nét vẽ của tác giả theo đuổi mô-típ này tràn đầy căng thẳng và tràn đầy sức mạnh. Đó thực sự là đỉnh cao của câu chuyện dài, giàu tình tiết kịch tính.
Khi bị giam trong tù, tai của linh mục Rodrigues không ngừng ù đi bởi những âm thanh nghe như tiếng ngáy của người lính canh. "Âm thanh của tiếng ngáy lúc lên lúc xuống nghe như tiếng còi xe bị lạc nhịp", "một thứ âm thanh thô tục ",... nhân vật chính đã không thể kìm nén sự tức giận vô cớ của mình, nhưng ngay sau đó cha Ferreira thông báo rằng đó thực sự là "tiếng rên rỉ của những Kitô hữu đang bị treo ngược trong hố sâu". Hiệu ứng gây sốc của cảnh này để lại ấn tượng thật tuyệt vời. Từ hiện tượng sinh lý kỳ cục và hài hước của tiếng ngáy, có thể nói là sự bộc lộ bản chất thú tính của con người biến đổi thành một điều thiêng liêng không thể miêu tả được. Tiếp nối điều đó là quyết định bỏ đạo của cha Rodrigues và cảnh ông giẫm chân lên tấm "fumi-e" được vẽ ra ngay lập tức. Tuy nhiên cho đến cuối cùng, câu hỏi đáng sợ về việc Chúa có thực sự tồn tại hay không vẫn chưa được trả lời. Nhưng nghịch lý đáng kinh ngạc của đức tin cho thấy Rodrigues bội giáo thực ra không phải là phản bội Chúa, mà là Chúa Giêsu đã tha thứ cho ông trong khi bị bàn chân phản bội ấy giẫm đạp lên. Điều này không khỏi làm tổn thương trái tim của các tín hữu và cả những người ngoại đạo như tôi. Tác phẩm Trầm mặc đã mô tả những bế tắc và mở ra nút thắt quan trọng của đức tin Công giáo. Một người ngoại đạo như tôi đã tự hỏi, đây có phải là một tiểu thuyết tôn giáo phổ quát chăng?
Ngoài ra, là một độc giả không theo đạo, có một số phần tôi muốn đưa ra một số lưu ý chẳng hạn như cách khắc họa nhân vật Kichijiro - một tên nô lệ phản bội nên được gọi là Giu-đa của Nhật Bản. Và nhân vật thẩm phán Inoue, một cựu tín đồ nhưng lại trở thành kẻ đàn áp xảo quyệt vô đối với những người theo đạo Thiên Chúa... Tuy nhiên điều mà tôi muốn nói là toàn bộ nội dung tác phẩm Trầm mặc nói chung có tác động mạnh mẽ khiến tôi cảm thấy bị thu hút mãnh liệt. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc để mình cuốn theo từng chút một đến phần kết đầy cảm hứng của tác phẩm.
(Tác phẩm này được nhà xuất bản Shinchosha ấn hành tháng 3 năm 1966)
Nhà phê bình văn học Saeki Shouichi, tháng 9/1981
【Sachiko Maria chuyển ngữ 】
[1] Khởi nghĩa Shimabara là một cuộc nổi dậy tại địa điểm nay thuộc tỉnh Nagasaki ở vùng Tây Nam Nhật Bản kéo dài từ ngày 17 tháng 12 năm 1637, đến ngày 15 tháng 4 năm 1638, trong thời kỳ Edo. Cuộc nổi dậy này phần lớn liên quan đến nông dân, hầu hết trong số họ là tín đồ Công giáo. (chú thích của người dịch, theo wiki)