Fransisco de Pina, người thầy khai sáng Chữ Quốc Ngữ - Tác giả: Hoàng Minh Tường

Lan Mary
Nếu ví di sản tinh thần, tinh hoa văn hóa, khoa học, trí tuệ của nước Việt như một Đại sơn mạch hùng vĩ, thì các đỉnh cao tinh hoa đất nước, như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du..., như những đỉnh cao chất ngất. Các cha dòngTên ở Nước Mặn, Thanh Chiêm đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ bốn trăm năm trước, cũng nằm trong các đỉnh sơn mạch đó. Tiếc rằng đỉnh của các ngài Francisco de Pina, Alecxanhdere de Rhodes... nằm trong đới băng phủ, sương mù, mà hậu thế hôm nay chưa thấy, mắt trần tục của hôm nay chưa nhìn thấy. Bốn trăm năm... thời gian quá dài, nhưng may thay, người Việt vẫn không quên lãng, vẫn luôn ghi nhớ câu dặn của ông cha "uống nước nhớ nguồn". Tin rằng, những lớp hậu sinh con cháu chúng tôi, một ngày nào đó sẽ đón rước hương linh đức Linh mục Francisco de Pina, Alexandere De Rhodes và các đức cha dòng Tên Bồ Đào Nha, Ý, Pháp... từng ở Nước Mặn, Thanh Chiêm để học tiếng Việt, tìm cách kiến tạo ra chữ Quốc ngữ, sẽ được rước vào Văn Miếu Quốc Tử Giám tại cố đô Thăng Long để phối thờ với các đại sư biểu của người Việt, để hậu sinh mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của những nhà khai sáng. NGUỒN:

(Bài sáng 26/11/2023 nhà văn Hoàng Minh Tường dự kiến sẽ đọc tại Lễ Tri ân Lm. Francisco de Pina tại thành phố Guarda, Bồ Đào Nha, quê hương ngài.)

Nhà văn Hoàng Minh Tường đứng trước mộ cha Alexandre Des Rhodes ở Isfahan, Iran năm 2018. Ảnh mới nhất sẽ bổ sung sau.

Chỉ còn hai năm nữa, sẽ tròn bốn trăm năm ngài linh mục Francisco de Pina nằm lại biển Cửa Đại, dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam. Hình hài và linh hồn ngài đã hòa vào cây cỏ biển trời nước Việt. Bốn mươi tuổi đời, (1585 -1625), nhưng ngài đã giành trọn tám năm tỏa sáng nhất (1617 -1625) cho thiên chức cứu rỗi con người của đạo Kitô tại đất nước cách xa Tổ quốc Bồ Đào Nha của ngài nửa vòng trái đất.

Chỉ sau ba năm sống với những người dân xứ Đàng Trong, ngài Francisco de Pina đã thành thạo tiếng Việt, tiếng nói trầm bổng ngân nga như chim hót tồn tại và phát triển hàng nghìn đời trên dải đất hình chữ S hướng ra biển Đông. Rồi cùng với cha bề trên Francesco Buzomi và các Cha dòng Tên người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Nhật Bản: Cristoforo Borri, Gaspa Luis, Antonio de Fontes, Diego Carvanho, Antonio Dias, Prdro Marques, Joseph, Paulus Santo, Alexandre de Rhodes..., hình thành nên hai trung tâm truyền giáo và cũng là nơi khai sinh chữ Việt hiện đại đầu tiên là Nước Mặn (Quy Nhơn) và Thanh Chiêm(Quảng Nam). Tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina trở thành Cha bề trên và là thầy dạy tiếng Việt cho Anhtonio de Fontes và Alecxandere de Rhodes. Ngài cũng là người đầu tiên nghĩ ra cách dùng bộ chữ cái Latin để ký âm tiếng Việt, người đầu tiên dùng khuông nhạc và dấu ký tự Bồ Đào Nha, Hy Lạp, La Mã để ghi sáu thanh âm tiếng Việt, mở ra chìa khóa vạn năng tạo ra chữ Quốc Ngữ sau này.



Nhà văn Hoàng Minh Tường trên đường tới thành phố Guarda, Bồ Đào Nha - quê hương của ngài Francisco de Pina

Cần nhớ hơn nghìn năm trước, người Việt đã dùng chữ Hán và chữ Nôm là chữ viết chính thống, nhưng thứ chữ tượng hình này là chữ của triều đình và giới trí thức thượng lưu, không phải người dân nghèo nào cũng tiếp cận được. Đến như những kiệt tác chữ Hán, chữ Nôm của nhà đại văn hóa NguyễnTrãi, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, những tinh hoa văn hóa của nước Việt, cũng không dễ người đọc được.

Tám năm ngài Francisco de Pina sống ở ĐàngTrong, mở đầu giai đoạn khai sinh và hình thành chữ quốc ngữ (1615 – 1625), để rồi mấy chục năm sau đó, các cha dòng Tên, các con chiên Việt Nam ở Đàng Trong, Đàng Ngoài... tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Hai bộ từ điển Việt-Bồ- La củaGaspa de Amaral (1592- 1645) và từ điển Bồ - Việt của Antonio Barbosa (1594 -1647) cùng người Bồ Đào Nha, chưa được xuất bản, nhưng là tài liệu quan trọng giúp Alexsandere de Rhodes biên soạn và xuất bản hai cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ: Phép giảng tám ngày và bộ Từ điển Việt - Bồ - La tại La Mã năm 1651.

Hành trình đi tới việc hoàn thiện chữ Quốc ngữ, để đến tháng 12 năm 1918, sau chỉ dụ của vua Khải Định, từ năm 1919 các cuộc thi Nho giáo cuối cùng chấm dứt, chữ Quốc ngữ chính thức được dùng trên toàn cõi Việt Nam, thứ chữ mới dùng chữ cái La tinh ký âm tiếng Việt, có sức truyền bá và tính phổ thông rộng rãi, là cả một hành trình dài 300 năm. Cho tới ngày nay, tiếng Việt đã là tiếng nói thống nhất của 100 triệu người trên toàn thế giới, và chữ Quốc ngữ cùng đồng hành với tiếng Việt để giữ gìn, phát huy, kiến tạo phát triển cho văn hóa, khoa học kỹ thuật, trí tuệ Việt Nam.




Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bên cạnh bức tượng tri ân giáo sỹ Prancisco De Pina tại thành phố Guarda

Bốn trăm năm, ngài Francisco de Pina đã ngủ yên trên đất Việt, đã trở thành một mảnh hồn Việt. Ngài và các cha dòng Tên, Alecsandere de Rhodes, Gaspa De Amaral, Francisco Barbosa... đã được dân Việt xếp vào hàng đại sư biểu, cùng với các danh nhân văn hóa Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương... làm nên sự trường tồn và bản sắc, di sản văn hóa Việt.

Chúng tôi, những con dân nước Việt, những truyền nhân của các cha đẻ chữ Quốc ngữ, những người cầm bút trăn trở trên những trang viết..., rất vinh dự, tự hào có mặt tại thành phố Guarda, Bồ Đào Nha tươi đẹp hôm nay, để tri ânnhững cống hiến to lớn không gì sánh nổi của những người tiên phong khai sáng, để cám ơn quê hương Guarda và đất nước Bồ Đào Nha vĩ đại đã sản sinh ra những tinh hoa, đóng góp cho sự phát triển văn hóa giáo dục Việt Nam và của nhân loại.


Toàn đoàn trước bức tượng

Nếu ví di sản tinh thần, tinh hoa văn hóa, khoa học, trí tuệ của nước Việt như một Đại sơn mạch hùng vĩ, thì các đỉnh cao tinh hoa đất nước, như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du..., như những đỉnh cao chất ngất. Các cha dòngTên ở Nước Mặn, Thanh Chiêm đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ bốn trăm năm trước, cũng nằm trong các đỉnh sơn mạch đó. Tiếc rằng đỉnh của các ngài Francisco de Pina, Alecxanhdere de Rhodes... nằm trong đới băng phủ, sương mù, mà hậu thế hôm nay chưa thấy, mắt trần tục của hôm nay chưa nhìn thấy. Bốn trăm năm... thời gian quá dài, nhưng may thay, người Việt vẫn không quên lãng, vẫn luôn ghi nhớ câu dặn của ông cha "uống nước nhớ nguồn". Tin rằng, những lớp hậu sinh con cháu chúng tôi, một ngày nào đó sẽ đón rước hương linh đức Linh mục Francisco de Pina, Alexandere De Rhodes và các đức cha dòng Tên Bồ Đào Nha, Ý, Pháp... từng ở Nước Mặn, Thanh Chiêm để học tiếng Việt, tìm cách kiến tạo ra chữ Quốc ngữ, sẽ được rước vào Văn Miếu Quốc Tử Giám tại cố đô Thăng Long để phối thờ với các đại sư biểu của người Việt, để hậu sinh mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của những nhà khai sáng.

(Hà Nội, 11/2023)

Hoàng Minh Tường

Nguồn: Maikhoi.net