Mạn đàm cùng các Đan sĩ - Tác giả: Mai Đệ Liên

Lan Mary
Được trực tiếp trải nghiệm lối sống đan tu mang tính thích nghi trong những ngày JMJ, chúng tôi cũng có dịp đối chiếu với ngày sống của đan sĩ tại chính Đan viện Đức Mẹ Sept-Fons qua hai bộ phim tài liệu được quay về Đan viện này. Với cái nhìn toàn cảnh ấy, các tham dự viên JMJ tại buổi mạn đàm, trong và ngoài khuôn khổ JMJ, đã đặt ra những câu hỏi thực tiễn cho các đan sĩ, cách riêng Cha Marie Thomas, một trong những linh phụ của Sept-Fons và đặc trách ơn gọi vùng châu Á của Đan viện. Thông minh, sâu sắc và luôn hài hước, những câu trả lời hoàn toàn thuyết phục! NGUỒN:

Được trực tiếp trải nghiệm lối sống đan tu mang tính thích nghi trong những ngày JMJ, chúng tôi cũng có dịp đối chiếu với ngày sống của đan sĩ tại chính Đan viện Đức Mẹ Sept-Fons qua hai bộ phim tài liệu được quay về Đan viện này. Với cái nhìn toàn cảnh ấy, các tham dự viên JMJ tại buổi mạn đàm, trong và ngoài khuôn khổ JMJ, đã đặt ra những câu hỏi thực tiễn cho các đan sĩ, cách riêng Cha Marie Thomas, một trong những linh phụ của Sept-Fons và đặc trách ơn gọi vùng châu Á của Đan viện. Thông minh, sâu sắc và luôn hài hước, những câu trả lời hoàn toàn thuyết phục!

Cha có thể cho biết khái quát về Dòng Tráp trên thế giới, cách riêng tại Á châu? Đâu là di sản tinh thần chung cho các đan viện trong Dòng? Mỗi đan viện có những đặc nét không ạ?

Dòng Tráp có khoảng 2.500 đan sĩ nam và nữ trên toàn thế giới. Như chúng con được biết, nguồn gốc của Dòng là tại châu Âu – mà Đan viện Sept-Fons (thành lập năm 1132) được xếp vào hàng các đan viện tiên khởi sau thời kỳ thành lập Đan viện Mẹ Xitô (năm 1098). Châu Âu vẫn chiếm đại đa số các đan viện của Dòng. Tuy nhiên, Dòng đã mau chóng lan tỏa đến khắp các châu lục, cách riêng trong giai đoạn mà Giáo hội mở mang đến các xứ truyền giáo. Từ đó mà các đan viện tại châu Á đã ra đời trong khoảng hơn một thế kỷ đổ lại đây, đa phần đều có nhà mẹ từ châu Âu. Sept-Fons có một đại diện ở châu Á là Đan viện Đức Mẹ Latroun ở Israel. Trong vùng Đông Nam Á, Dòng có các đan viện Đông Nam Á là tại Indonesia và Philppines, cả nhánh nam lẫn nhánh nữ. Ngoài ra còn nhiều đan viện khác ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan và Macau. Là những đan viện trẻ, các đan sĩ những nơi đây làm nên sự năng động của Dòng.


Đan viện Sept-Fons nhìn từ trên cao.

Di sản tinh thần của Dòng chính là lối sống đan tu theo Tu luật Thánh Biển Đức và truyền thống Xitô, cũng như những cải cách từ Viện phụ Rancé ở La Trappe hay Dom Eustache de Beaufort ở Sept-Fons, tựu chung lại làm nên một đan sĩ không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa trong khuôn khổ đời sống huynh đệ, một người chiêm niệm sống sự hiện diện thường trực với Chúa, một người bạn của Chúa Giêsu khi cùng Người cộng tác vào công trình cứu độ nhân loại. Dĩ nhiên di sản này được diễn tả thành những đặc nét khác nhau trong mỗi đan viện vốn có lịch sử hình thành khác nhau, nhân sự và môi trường sống khác nhau. Sự khác biệt không làm nên chia rẽ nếu luôn biết quy hướng về nguồn cội.

Đâu là tiêu chí để chọn ứng sinh của Đan viện, tuổi tác, trình độ học vấn chẳng hạn?

Đối với Sept-Fons, tiêu chí đầu tiên là... nam (mọi người cười ầm) và tiêu chí thứ hai là có... ơn gọi. Nếu như ơn gọi là do Chúa gọi và đương sự đáp lời, tại sao ta cần đặt ra những tiêu chí? Bằng cấp chỉ là chứng nhận của con người, còn đi tu thì chỉ có Chúa chứng nhận. Mọi ơn gọi đều cá vị, vì thế cần đồng hành thiêng liêng cá nhân để giúp nhận ra đâu là điều Chúa muốn trên đương sự. Dĩ nhiên, những tiêu chí như chúng con đề cập là nhắm đến vấn đề huấn luyện về lâu dài nhưng không phải là điều kiện ban đầu phải có làm nên một ơn gọi, vì Chúa gọi ai Người muốn, khi Người muốn và theo cách Người muốn. Ta cần phân biệt rõ, một bên là ơn gọi và một bên là việc huấn luyện trở thành tu sĩ một dòng. Tất nhiên, hai điều đó có liên hệ với nhau, vì một trong những dấu chỉ của ơn gọi là liệu đương sự có thăng tiến trong ơn gọi đó không, nghĩa là có đi vào được đường lối huấn luyện của nhà dòng và triển nở tốt hay không với những phương tiện đời tu mà linh đạo dòng cung cấp. Với những đòi hỏi đặc thù của ơn gọi đan tu, kinh nghiệm cho thấy một ứng sinh càng trẻ, càng dễ uốn nắn. Nếu hơi đứng tuổi, thì phải thẩm định xem người đó có khả năng lãnh hội hay không.

Nếu quyết định bắt đầu cùng đi với Đan viện, chúng con phải làm gì?

Trước tiên là... gặp cha (mọi người lại cười), hay đúng hơn là gặp người phụ trách ơn gọi. Từ sự mở lòng của chúng con mà chúng ta cùng nhau nhận định xem Chúa có muốn con cùng đi với chúng tôi hay không. Nếu có những dấu hiệu tích cực, chúng con sẽ khởi đầu giai đoạn ứng sinh tại Việt Nam với mục đích là làm quen với đời sống huynh đệ trong khuôn khổ ít nhiều mang tính đan tu (Thánh Lễ hằng ngày, một số giờ kinh, giờ cầu nguyện, phục vụ cộng đoàn...) đồng thời để học ngoại ngữ. Cha tiếc rằng tại Pháp, ngôn ngữ chính thức chưa phải là tiếng Việt (cười). Sau khoảng một năm thì chúng con có thể trải nghiệm chính thức đời sống với chúng tôi tại Sept-Fons, lần đầu trong sáu tháng. Sau đó, nếu tiếp tục phù hợp, chúng con sẽ trở về Việt Nam để làm giấy tờ hầu quay trở lại Pháp bước vào giai đoạn huấn luyện chính thức trong tư cách thỉnh sinh (một năm), tập sinh (hai năm) rồi khấn tạm, v.v... theo những quy định của Giáo luật.

Học tiếng Pháp không phải dễ, liệu đây có là cản trở cho việc đeo đuổi ơn gọi này?

Như chúng con biết, Sept-Fons là một cộng đoàn có tính quốc tế khá cao. Anh em từ các nước khác đến đây cần biết tiếng Pháp, vì thế phải học, có người học mau, có người học chậm, tùy khả năng riêng, nhưng tiếng Pháp chưa bao giờ là cản trợ của ơn gọi. Điều quan trọng là chúng con nhận ra mình có ơn gọi đan tu. Một khi xác tín và sống xác tín đó, những khó khăn như việc học tiếng Pháp (chứ không phải cản trở) càng giúp củng cố xác tín ấy của chúng con, miễn là chúng con biết cách tận dụng nó. Hãy nhớ khó khăn không phải là rào ngăn, nhưng là bệ đỡ, hay bậc nhúng để chúng ta "phóng" đến Chúa gần hơn và mau hơn. Dĩ nhiên, trong Đan viện luôn có những trợ giúp thông ngôn cho những anh em ít có khả năng ngoại ngữ. Một cách chung, cha nhận thấy, khi đã ở trong môi trường nước thích hợp, cá nào cũng có thể tự bơi. Cá muốn nói tiếng Pháp, thì phải bơi qua Pháp (lại cười).

Cha toàn nói về ứng sinh nam và Sept-Fons, vậy các ứng sinh nữ thì sao, xin cho cho biết về các nữ đan sĩ?

Các ứng sinh nữ cũng phải trải qua cùng một tiến trình ban đầu như thế. Sở dĩ chúng tôi nhận cả ứng sinh nữ không phải để đến Sept-Fons, vốn là một đan viện chỉ dành cho nam (cười). Trong Dòng Tráp chưa có dạng "đan tu mix", như chúng ta có thể làm trong những ngày JMJ này. Các ứng sinh nữ được huấn luyện chính thức tại nữ Đan viện Chambarand, tên hiện thời là "Huynh đoàn Bernadines", gồm khoảng 15 nữ tu trẻ, những người đã gõ cửa Sept-Fons cách đây hơn một thập kỷ với ước mong được sống đời sống thánh hiến như chúng tôi sống tại Sept-Fons. Thực ra ban đầu, các chị tiên phong đã được gởi đến những nữ đan viện khác trong Dòng, nhưng các chị vẫn muốn sống cùng tinh thần với những đặc nét như tại Sept-Fons, vì thế chúng tôi mới đặc trách huấn luyện các chị theo sự đồng thuận của Giám mục sở tại khi họ thành lập Huynh đoàn Bernadines, hiện vẫn trực thuộc giáo phận, nhưng với định hướng sẽ sáp nhập vào Dòng Tráp, một khi họ đã đủ lông đủ cánh!


Đan viện Chambarand.


Nữ đan sĩ tại Đan viện Chambarand.

CHO NHỮNG AI CON THƯƠNG MẾN

Những gì tim con ước muốn
cho những người con thương yêu,
từ một lòng sốt mến khôn nguôi và bất lực,
thì Giêsu, Người sẽ ban cho họ, tốt hơn con,
nếu điều đấy tốt lành cho họ.

Những gì miệng lưỡi con
không biết diễn đạt cho họ hiểu,

thì Giêsu hỡi, bài giảng thuyết của con
là tín thác điều ấy cho Người,
chỉ Người sẽ giảng giải cho họ
hiểu thấu ngày nào đó, tốt hơn con.

Chỉ nơi thực tại vô hình của ơn thiêng
và nơi hoạt động đầy quyền uy của Chúa chúng con

mà con muốn xây dựng đời mình
và đời cầu nguyện
cho những ai con thương mến.

Cha Nicolas


Người Việt Nam vốn rất gắn bó với gia đình, đi tu có phải là mãi mãi cắt đứt tương quan gia đình, nhất là khi việc huấn luyện phải thực hiện tại Pháp?

Ai nói với chúng con là đi tu phải "cắt đứt dây chuông" ?(Anh thông dịch đã rất lém khi dùng diễn ngữ này làm cả hội trường cười rung rinh.) Không, không, và không! Mọi chọn lựa đều giả định một sự từ bỏ. Nếu chúng con lập gia đình chúng con phải từ bỏ gia đình để đến với người yêu của chúng con. Đi tu cũng vậy thôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân cha cho thấy chính cha lại là người gần gũi ba mẹ của cha hơn bất cứ anh chị của cha vốn đã yên bề gia thất. Với cha, ba mẹ cha, trong những dịp đến thăm cha, có thể trò chuyện những vấn đề thật sự là "vấn đề" với một độ sâu sắc mà không thể diễn tả với những người con khác. Cha muốn nói, chọn đời tu không phải là cắt đứt tương quan với gia đình, nhưng là đặt gia đình vào một tương quan sâu hơn, thiêng liêng, ở phạm trù đức tin và lòng tín thác. Nếu Chúa gọi chúng con, Người thừa biết chúng con là ai, con ông nào bà nào. Chúa quan tâm thế nào với con khi dẫn chúng con vào ơn gọi thì Người cũng quan tâm như thế đối với người thân và những người chúng con liên đới, vì tất cả họ đều nằm trong kế hoạch của Người khi Người gọi chúng con! Chúng con phải nhìn nhận Chúa chúng ta là siêu thông minh!

Vậy việc thăm viếng của gia đình ra sao, các đan sĩ có được về phép?

Đời sống đan tu là 24h/24h, 7 ngày/tuần không có ngày nghỉ. Quần thần túc trực chầu Vua thì không nghĩ đến chuyện nghỉ phép. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, đan sĩ vẫn có thể ra ngoài, như chúng con đang thấy chúng tôi tại đây. Tại Sept-Fons, thân nhân của đan sĩ có thể đến thăm ngoại trừ mùa Chay và mùa Vọng. Chúng tôi có một khu vực nhà khách, gọi là "Nhà Khách của Ba Mẹ" vì mục đích này. Tuy nhiên để người thân từ Việt Nam thăm đan sĩ Việt Nam ở Pháp không phải chuyện dễ dàng. Vì thế trong những dịp đặc biệt, khoảng 3-4 năm, Đan viện tạo điều kiện để anh em Việt Nam sẽ về quê hương thăm gia đình. Đấy là trường hợp của Sư huynh Irénée, vừa khấn tạm và được về thăm gia đình ở miền Bắc Việt Nam.

Câu hỏi này xin dành cho Sư huynh Marie Noêl. Là người Việt Nam tiên phong tại Sept-Fons, đâu là nguyên nhân dẫn đưa Frère đến Dòng Tráp ạ?

Thay vì đi vào chi tiết về lịch sử ơn gọi của tôi, tôi xin mạn phép gợi lại ba dấu chỉ của ơn gọi mà các bạn đã được nghe Cha Thomas chia sẻ trong giờ Lặp Lại. Thứ nhất, ước muốn sâu xa. Thứ hai, sự sắp đặt của Chúa Quan Phòng. Thứ ba, sự thăng tiến trong ơn gọi. Điều dẫn đưa tôi đến với Sept-Fons chắc chắn nằm trong dấu chỉ thứ hai mà khi ngẫm lại, tôi luôn xác tín có bàn tay Chúa dẫn tôi đi qua từng chặng hành trình trong lịch sử ơn gọi của mình. Mỗi chặng đều là một mắt xích mà ngài đã sắp đặt thật tài tình, không mắt xích nào là vô nghĩa, thậm chí đôi khi có mắt xích là những biến cố đau lòng mà lúc xảy ra ta chưa thế khám phá ngay ý nghĩa của nó.

Khi đến Sept-Fons đầu tiên cách đây hơn mười năm, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành đan sĩ. Tôi chỉ mang trong lòng khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và chính Người là ý nghĩa cho ơn gọi của tôi, cùng tìm kiếm một môi trường giúp tôi sống đời sống cầu nguyện mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi cần đến những cuộc hoán cải để Chúa mở mắt cho tôi nhận ra tôi cần để cho Chúa làm mọi sự trên cuộc đời tôi. Một trong những ơn hoán cải đó đã mở mắt tôi nhận ra Sept-Fons chính là ngôi nhà mà bấy lâu mình tìm kiếm.

Trở lại với Cha Thomas, cha có nhận xét gì về giới trẻ Việt Nam nói chung và ơn gọi Việt Nam mà cha đang phụ trách huấn luyện?

Người Việt Nam nói chung có đức tính cần cù, chịu khó, vốn là lợi thế cách riêng cho ơn gọi đan tu. Đời đan tu ví như cuộc chạy đua đường trường, chứ không không phải chạy nước rút 100 mét. Cha đã thấy giới trẻ Việt Nam có những tiềm năng của những vận động viên marathon cho ơn gọi này. Bên cạnh đó, giới trẻ Việt Nam ngày nay khá nhạy cảm, tự nó là một phẩm chất rất tuyệt, nếu ta biết đặt đúng chỗ của nó, bằng không nó sẽ gây nên khó khăn trong hành trình huấn luyện đan tu. Chính vì thế, là người huấn luyện, cha không những hướng dẫn các bạn về vấn đề thiêng liêng, nhưng đồng thời cũng là những vấn đề rất nhân bản, nghĩa là học để biết mình, biết làm chủ cảm xúc, biết diễn tả cảm xúc bằng lời, nghĩa là buộc các bạn sử dụng quan năng cao cấp hơn của con người, là lý trí, để diễn tả điều cảm xúc mình nghĩ và đánh giá nó theo những thẩm định của lý trí. Đúng vậy, huấn luyện để trưởng thành tâm cảm là một việc huấn luyện đáng bõ công.

Liệu Cha có ngại chia sẻ định hướng của Đan viện tại Việt Nam trong tương lai?

Chúng tôi đến Việt Nam không phải để tìm ơn gọi hầu lấp đầy Đan viện Sept-Fons. Tạ ơn Chúa, Đan viện vẫn được Chúa gởi đến nhiều ơn gọi trẻ từ khắp nơi. Khác với nhiều đan viện khác của Dòng, cách riêng tại châu Âu, có thể nói Chúa cho chúng tôi dồi dào ơn gọi. Định hướng của chúng tôi khi đến Việt Nam là tạo điều kiện để các bạn trẻ Việt Nam biết thêm về một ơn gọi đặc biệt này; và quả thật lối sống của chúng tôi giao thoa với lòng khao khát sâu xa của một số bạn trẻ Việt Nam yêu mến đời sống cầu nguyện trong một dòng kín; sau đó các bạn ấy sẽ được huấn luyện trở thành đan sĩ trong một môi trường đan tu khá đòi hỏi, với dự phóng trở về Việt Nam tiếp tục sống ơn gọi này trên quê hương của các bạn. Dĩ nhiên, nếu Chúa muốn và khi nào Chúa muốn.


Dự phóng trở về Việt Nam tiếp tục sống ơn gọi Tráppít.

Xin cho dự phóng ấy của Đan viện được Chúa ban ơn và sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần. Chúng con chân thành cám ơn Cha và các Frère.

THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY ĐAN TU DÀNH CHO GIỚI TRẺ TẠI MIỀN BẮC 2024



Tải thư về tại đây