Từ Kinh nhật một “Magnificat” đến bài thơ “La Vierge à Midi”... và... - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
"Maria, linh hồn tôi ớn lạnh Run như run thần tử thấy long nhan Run như run hơi thở chạm tơ vàng Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến... Đây rồi, đây rồi chuỗi ngọc vàng kinh Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý Trượng phu lời và tông đồ triết lý Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh" NGUỒN:

1.
Chuyện kể rằng, vào một ngày Thứ Bảy, lễ Giáng Sinh năm 1886.

Paul Claudel (1868-1955)... chẳng hiểu vì một động cơ huyền nhiệm nào? Sau khi dự thánh lễ ban sáng, đến chiều, trở lại nhà thờ Đức Bà Notre Dame Paris một lần nữa. Chàng nhớ rõ ràng: "Hôm nay, Thứ Bảy, ngày cuối tuần, kính Đức Mẹ. Vẫn một thói quen, có buổi hát kinh chiều trọng thể kính Đức Mẹ... Tôi vào nhà thờ, dừng lại nơi cột trụ có đặt tượng Đức Mẹ ẵm bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, một tác phẩm điêu khắc tôn giáo có giá trị nghệ thuật từ thế kỷ XIV... Khi ca đoàn xướng kinh Magnificat, bỗng xảy ra một biến cố phi thường... Trong giây lát, lòng tôi xúc động khôn tả. Đôi mắt tinh thần của tôi mở ra và tôi đã tin. Ôi, những kẻ có đức tin phúc đức là dường nào! Tất cả trở thành sự thật: Thiên Chúa hiện hữu, Ngài đang có mặt nơi đây. Ngài là Đấng hằng sống. Ngài hiện hữu thật sự, như chính tôi hiện hữu. Ngài yêu thương tôi và kêu mời tôi đến với Ngài... Nước mắt tôi dàn dụa và tôi bật khóc nức nở..." Vâng, cái khoảnh khắc xuất thần và thánh thiêng ấy - theo lý giải và suy luận của các nhà tu đức và nghiên cứu văn học - cứ mãi đánh thức, lung linh, gợi mở khôn nguôi trong cuộc đời bề bộn trăm nỗi đa đoan của nhà ngoại giao, viện sĩ Viện Hàn Lâm, nhà văn, nhà thơ lớn, đó là người tín hữu Công giáo Pháp, Paul Claudel.(1) Chính xác hơn, là một ám ảnh, một ơn ban, một sáng soi của Thánh Thần. Một bước ngoặt, một khúc rẽ ẩn chứa sức mạnh đổi đời của chàng thanh niên đã trót sống buông thả đến độ vô thánh vô thần. Như bậc quân vương David nhìn lại đời mình, sau giây phút yếu đuối, mê hoặc, lỡ lầm. Như tiếng khóc than chưa muộn mằn của Phêrô, khi chợt nghe tiếng gà canh ba giờ Tý, giữa đêm Chúa bị trao nộp vào tay quân dữ. Như cú ngã ngựa tuyệt vời của Saolô đang cơn say máu bách hại trên đường Damas. Như Nathanael giữa đêm khuya, có phước được gặp Chúa. Và như đôi mắt hằn sâu suối lệ của mẹ Monica kia, đã không ngừng giục giã Augustino trở về, để viết nên những trang tự thuật Confessions bất hủ... Nơi chốn và giờ khắc hạnh ngộ thần thiêng có một không hai ấy, có thể, còn là cánh cửa mở ra bát ngát sau này, để những Chateaubriand (1768-1848) mê mải dệt nên kiệt tác "Le Génie du Christianisme"; Lamartine (1790-1869) chìm vào "Méditations Poétiques"; Lacordaire (1802-1861) trải nghiệm thế nào là "La Providence se lève avant le soleil"... Và cũng có thể, là ngôi giáo đường quen thuộc ở thành phố Calcutta, hễ cứ vào lúc 3 giờ sáng sớm mỗi ngày, thi hào R.Tagore ngồi bất động, chìm sâu vào mặc tưởng về "bản thể của Thiên Chúa."(2). Để kín múc từ nguồn linh hứng không bao giờ vơi cạn ấy, hồn thơ ông dâng trào những ngôn từ na ná thứ ngôn từ mãnh liệt nồng nàn trong sách Khải Huyền. Đến nỗi, A.Gide đã phải đặt bút viết câu này: "Tôi cảm thấy nhỏ bé, tầm thường trước Tagore, như chính Tagore tầm thường, nhỏ bé lúc làm thơ bộc lộ tâm tư cùng Chúa."(3)

Như thế, có cường điệu và cảm tính quá chăng, khi ta nói rằng con đường gần nhất để "đến với đạo", và "chở được đức tin - lòng đạo" là con đường của thi ca? Như triết gia Descartes hé mở trong tác phẩm giàu suy tưởng Cogitationes,privatae: "Người ta có thể ngạc nhiên khi những ý tưởng sâu sắc lại được tìm thấy trong những tác phầm thi ca của các nhà thơ hơn là của các triết gia. Bởi vì nhà thơ vận dụng hết mọi nỗi niềm và khai thác tối đa khả năng tưởng tượng để hình thành các ngôn từ, vần điệu. Như viên đá lửa trong chúng ta có những hạt giống của ánh sáng. Qua lý trí, triết gia chỉ khơi dậy chúng, trong khi nhà thơ làm cho chúng chiếu toả rạng ngời hơn, nhờ đặc ân tưởng tượng."

2. Thật kỳ diệu. Không hẹn mà nên.

Ở tít tắp những phương trời Đông Tây nào và với những tâm thế, hoàn cảnh khác biệt nhau hoàn toàn. Ấy thế mà, chẳng hiểu sao, những Paul Claudel, Verlaine, Musset, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Hồ Dzếnh, Xuân Ly Băng và những ai kia... đã có chung một gặp gỡ, một nỗi niềm khơi tả, một cảm xúc đức tin,qua hình tượng tuyệt vời rất thánh của Đức Nữ Đồng Trinh Maria.

"La Vierge à Midi" được Paul Claudel viết vào những năm đầu của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Qua đó, ông muốn thưa lên cùng Đức Trinh Nữ Maria lời cảm tạ mà theo ông, chính Đức Mẹ đã ra tay cứu vãn nước Pháp vượt qua trong cuộc chiến tranh tàn khốc này. Đây, ta lắng nghe, vẳng trong tiếng chuông giữa trưa từ đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris, lời thơ:

"Il est midi. Je vois l'église ouverte. Il faut entrer...
Je ne rien pas prier... Je n'ai rien à offrir et rien à demander.
Je viens seulement,pour vous regarder..."


Tạm dịch xuôi là "giữa trưa, thấy nhà thờ mở cửa, con vào. Lạy Mẹ Chúa Giêsu, con không đến để cầu nguyện. Con chẳng có gì để dâng và cũng chẳng xin Mẹ điều gì. Mẹ ôi, con đến chỉ để chiêm ngắm Mẹ thôi. Nhìn Mẹ, con khóc oà lên vì sung sướng. Và biết rằng con và Con của Mẹ, Mẹ của con đang đứng đó..."

Buổi trưa "à midi" của Paul Claudel ở nhà thờ Đức Bà Paris năm ấy và "giữa đáy trưa" của Xuân Diệu trong khổ thơ dưới đây, phải chăng là một đồng cảm, đồng điệu của những người tri kỷ, tri âm? Không ai dám chắc? Nhưng,có một sự thật, gần như hiển nhiên, đó là một trong những thói quen kinh kệ rất lành thánh của người Công giáo: đọc kinh "nhật một" lúc giữa trưa. Khi nghe chuông nhà thờ ở đâu đó, từng giọt từng giọt gõ lên, là người ta tạm ngừng mọi sinh hoạt, ai ở đâu ở nguyên đấy, để lặng thinh nguyện cầu, thầm thĩ "Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần Truyền Tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria." Ngạc nhiên chưa? Đã bao lần, bản thân tôi được dịp chào thăm, làm quen khi giải thích ý nghĩa cái thói quen cùng lời kinh "nhật một" ấy với nhiều anh em không cùng một đức tin, ở trong những tình huống khác nhau. Tự nhiên, tôi chợt nhớ ra, bàng bạc ở đâu trong âm nhạc tiền chiến, cũng có đấy tiếng chuông của Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Thiện Tơ, Lê Trọng Nguyễn v.v. Rõ rệt hơn, ta tìm thấy trong giai điệu và ngôn ngữ của Văn Cao đã khắc hoạ hình ảnh yên ả, thanh bình của làng quê - xứ đạo Việt Nam:

"Làng tôi xanh xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung..."


(Văn Cao. Làng Tôi,1947).

Dù không phải là tín đồ Công giáo, theo ghi chép của người trong cuộc (5) thì nhân một lần viếng thăm linh địa Đức Mẹ Trà Kiệu (Hội An, Quảng Nam), dưới chân đồi Bửu Châu, nhìn ra xa phía Cù lao Chàm, Xuân Diệu viết:

"Trưa hôm nay, con ngồi như trẻ nhỏ
Giữa đáy trưa, trong lòng Mẹ vô cùng
Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió
Mẹ là trời, con là hạt sương rung."
(4)

Điều khiến cho vị linh mục quản xứ xúc động, là tại sao nhà thơ đã chậm rãi để nắn nót và tô đậm tất cả những từ "MẸ" trong khổ thơ trên.(5) Dẫu là Mẹ nào - Mẹ trên trời hay Mẹ trần gian - tôi trộm nghĩ, thái độ cẩn trọng và nâng niu, trìu mến của "ông hoàng thơ tình" thật đáng nể phục.

Đến lượt Phan xi cô Hàn Mạc Tử (1912-1940), nhà thơ của Đức Nữ Đồng Trinh Maria thì cái khoảnh khắc ấy lại là "những cơn lâm luỵ, rên siết, đớn đau", là những "đêm Xuân cầu nguyện". Có vẻ như, Chúa và Đức Mẹ, lần đầu tiên bước vào ngôi đền của thi ca hiện đại Việt Nam? Một hiện tượng, hay một phép mầu? Mà nói cho rõ ngọn ngành thì như Hoài Thanh - là "Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ, không thể quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng,trí tôi làm sao không ngợp, vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, lung linh, huyền ảo của lâu đài kia... Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng... Thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ..."(6)

"Maria, linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến...
Đây rồi, đây rồi chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời và tông đồ triết lý
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh".


(Đêm Xuân Cầu Nguyện. Xuân Như Ý).

Trong những ngày vật vã đớn đau cuối đời ở trại phong Ghềnh Ráng, Qui Hoà, Qui Nhơn - được các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chăm sóc đặc biệt - Hàn Mạc Tử đã thổ lộ: "Tôi chỉ biết ngâm thơ và cầu nguyện mà thôi."

Đây, ta nghe tiếng kêu của chàng với Đức Mẹ:

"Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thanh vẹn
Giàu nhân đức,giàu muôn hộc từ bi."


Chẳng thế mà Vũ Ngọc Phan, trong Nhà Văn Hiện Đại, đã kết luận: "Hàn Mạc Tử có lẽ là người Việt Nam đầu tiên làm thơ ca ngợi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và Chúa Giêsu. Ông ca tụng đạo Thiên Chúa với một giọng rất chân thành. Đây là lần đầu tiên thi ca Việt Nam thấy được một nguồn cảm hứng mới. Tôi dám chắc rồi đây sẽ còn nhiều thi sĩ Việt Nam đi tìm nguồn cảm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca Việt Nam vào con đường triết học."

3. Và dự báo ấy, chẳng cần phải đợi chờ lâu hơn nữa.

Lại một tiếp nối, không ngừng nghỉ. Muôn ngã rẽ lại hợp lưu,thành một dòng chảy văn học ngợi ca Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Chúng tôi muốn nói đến trường hợp của những Hồ Dzếnh, Xuân Ly Băng và Cao Vĩnh Phan... và...

Cả Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm và Nguyễn Khắc Xuyên đều có chung một quan điểm, khi nhận định về hành trình đức tin của nhà thơ mang hai dòng máu Việt Hoa, Hồ Dzếnh: "Bằng trực giác, bằng diệu cảm, bằng thơ, Hồ Dzếnh đã đi đến cùng một kết luận với những công trình suy lý, luận giải minh triết nhất của những Augustin, Thomas d'Aquin, với cả Pascal, Jean Guiton..."

"Mẹ đẹp vô ngần, Mẹ trắng phau
Gấp nghìn hoa huệ, vạn bồ câu
Và nhan sắc Mẹ không là gấm
Nhưng dệt bằng hương rất nhiệm mầu"
(7)

...Và cách nay chưa xa...

Vào một ngày cuối Tháng 5 Dâng hoa kính Đức Mẹ, năm 2007.

Đã là một thói quen, tôi đến thăm các linh mục già yếu tại nhà hưu dưỡng, nằm sau nhà thờ của họ đạo Chí Hoà. Câu chuyện về Đức Mẹ qua bài thơ "La Vierge à midi" và thi ca Công giáo lại có dịp bùng nổ, thú vị không ngờ. Hoá ra, Paul Claudel và phút cảm xúc tôn giáo dạt dào của ông qua bài thơ La Vierge à midi hình như đã nằm sẵn trong ký ức của bao nhiêu thế hệ trí thức Việt Nam. Trước hết, là chùm thơ Đường luật rất kinh điển của cha Tô ma Trần Văn Dụ. Đọc to cho ai nấy nghe,dường như chưa đủ. Ngài kể chuyện nhàn đàm về thơ vịnh Đức Mẹ Đồng Trinh với linh mục - nhà thơ Giuse Nguyễn Văn Thích, bút hiệu Sảng Đình (1891-1978); với linh mục nhạc sĩ Phê rô Hoàng Diệp (1924-2008). Tiếp đến là cha GBT.Cao Vĩnh Phan (8) lấy trong túi ra một tập thơ mỏng tanh, có cái tên khá ngộ nghĩnh là "Bắc Thang Lên Mẹ", đọc liền một hơi, khiến ai nấy đều ngẩn ngơ. Chả là, nhà hưu dưỡng này, có một thời gian dài, đã trở thành một điểm hẹn ấm áp của nhiều thi hữu trong nhóm thơ Bạch Đàn, cùng bạn bè gần xa.(9) Cha con chúng tôi nói đùa,đây là "Tao đàn Công giáo", mô phỏng sinh hoạt nhóm Phi Năng Thi Tập của Thánh Philipphe Phan Văn Minh (1815-1853) ở miệt đồng bằng sông Cửu Long.

"Con nhớ một lần, đứng ngắm trăng
Giữa vườn hoa đẹp, rộng thênh thang
Bỗng đâu con nhớ lời thơ nọ
Diễn tả dung nhan của Mẹ rằng:
"Mẹ đẹp vô ngần, Mẹ trắng phau
Gấp nghìn hoa huệ, vạn bồ câu
Và nhan sắc Mẹ không là gấm
Nhưng dệt bằng hương rất nhiệm mầu."
Không biết lời thơ đó của ai?
Trích ở bài thơ viết ngắn, dài
Học từ tấm bé, nay không nhớ
Phải phục nhà thơ có biệt tài

Chắc Mẹ đang còn giữ bài thơ
Mẹ ráng tìm xem giọt lệ mờ
Của nhà thi sĩ rơi trong đó
Mẹ nói con hay, khỏi đợi chờ
.........
Mẹ đẹp vô ngần, Mẹ trắng phau
Đầy dư phúc lộc,ngự trời cao
Mẹ đang chiêm ngưỡng dung nhan Chúa
Xin Mẹ nguyện cầu con gắng theo

Thi sĩ cùng con dâng Mẹ đây
Mấy lời xướng hoạ cả thơ này
Làm như của lễ, mừng năm thánh
Chắc Mẹ vui lòng chấp nhận ngay?"


Khởi đi từ lời kinh ngợi khen Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria, Paul Claudel đã mở ra một dòng chảy thi ca bát ngát, từ Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Xuân Ly Băng, Cao Vĩnh Phan và...hiện trong tay chúng tôi đang lưu giữ một số bản dịch Việt ngữ khác. Tiếc thay, khuôn khổ một bài báo không cho phép giới thiệu nhiều hơn. Ở đây, để tạm khép lại bài viết này, xin ghi nhận thêm một trích đoạn từ bản dịch khá mượt mà của nhà thơ Xuân Ly Băng.

"Trời đúng ngọ,cửa giáo đường rộng mở
Lạy Mẹ Chúa Ki-tô, con phải vào
Con vào đây, không phải để kêu cầu
Con chẳng có lễ phẩm chi dâng Mẹ
Chẳng vòi vĩnh chi, chẳng đòi ân huệ
Con vào đây, chiêm ngưỡng Mẹ mà thôi
Mẹ ôi, trong ánh trời chiều
Đến đây với Mẹ yêu kiều lòng con
Chẳng dâng gì, chẳng van lơn
Chỉ nhìn ngắm Mẹ, tâm hồn sướng vui..."


(Trong Thinh Lặng - Hương Kinh, 1957, tr.33)



Chú thích:

(1) Nói đến Paul Claudel là nói đến một nhà văn,một nhà thơ lừng lẫy của văn học Pháp. Sự nghiệp văn học của ông vừa đồ sộ, vừa mang đậm xác tín Ki tô giáo. Đặc biệt có nhiều ảnh hưởng đối với giới trí thức Công giáo Việt Nam. Xin lược kể vài tác phẩm tiêu biểu: Cinq Grands Odes (1910); La Cantate à trois voix (1931); Poèmes De La Sexagesime (1905); Poèmes De Guerre (1914)...

(2);(3): Xin tham khảo "Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam -Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện" của Lê Đình Bảng, nxb Phương Đông, 2009.

(4) Các tập thơ: Thơ Thơ; Gửi Hương Cho Gió... Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940) cùng với Nhất Linh,Khái Hưng,Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ...

(5) Cố linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng (1942-2018), quản xứ Đức Mẹ Trà Kiệu, Hội An (1975-1989); du học Pháp; nhà nghiên cứu văn hoá, đặc biệt về lịch sử chữ Quốc ngữ và bảo tồn văn hoá Chăm.

(6) Thi Nhân Việt Nam. Hoài Thanh và Hoài Chân. Nxb Văn Học, Hà Nội, 1998.

(7) Võ Long Tê (1927-2017): nhà nghiên cứu Công giáo: Lịch Sử Văn Học Công giáo Việt Nam, nxb Tư Duy, 1965; Symphonie Orientale (1976); L'Ordre divin(2017)... Phạm Đình Khiêm (1920-2013): Chủ biên báo Thanh Niên (Nam Định, 1943), Văn Đàn (Sài gòn, 1967); Minh Đức Vương Thái Phi (1959), Người Chúng Thứ Nhất (1959)... Nguyễn Khắc Xuyên (1923-2005): Nhạc sĩ thánh ca thuộc nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh; nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, chữ Quốc ngữ; Giáo sư đại chủng viện Xuân Bích Sài gòn, Huế và Đại học Đà Lạt. Hồ Dzếnh (1916-1991): nhà văn, nhà thơ: Chân Trời Cũ (1942), Quê Ngoại (1943).

(8) Linh mục JBT. Cao Vĩnh Phan (1924-2011): Trường Ca Dân Chúa; Trường Ca Tuyệt Diệu; Lịch Sử Giáo phận Vinh; Đức Ông - nhà thơ GB.Xuân Ly Băng (1926-2017): Hương Kinh, Thơ Kinh (1956-1958)... Xuân Ly Băng Toàn Tập (2013).

(9) Ở nhà hưu dưỡng linh mục này, trong thời gian từ 1990 đến 2009, chúng tôi được gặp gỡ và hầu chuyện một số "người gác cửa quá khứ", như: học giả Hoàng Xuân Việt, nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Văn Kính và quý cha: Louis Trần Phúc Vỵ, Giuse Đinh Cao Thuấn, Vinh sơn Nguyễn Hưng, Phao lô Lê Tấn Thành, Tôma Linh phong Trần Văn Dụ...