Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường. SJ - Bài 46: Sa mạc
02.10.2023
Này Ta sai sứ ta đi trước mặt ngươi kẻ sẽ dọn đàng cho ngươi. Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi (Mc. 1: 2-3).
Máccô bắt đầu Tin Mừng bằng hình ảnh tiếng kêu với sa mạc. Nếu kêu thì phải kêu ai chứ, mà kêu ai thì sao lại kêu trong sa mạc, vắng như vậy có ai đâu mà kêu. Nếu lên tiếng thì phải lên tiếng ở chỗ đông người chứ. Nhưng Yoan lại lên tiếng trong cõi tịch liêu lặng lẽ.
Lên tiếng gọi đời
"Hãy dọn đường cho Chúa đi!" Đó có là tiếng gọi của Yoan gởi vào cuộc đời? Đó có là tiếng gọi của Yoan truyền đến người nghe? Nói đến gọi là gọi ai. Người ta chỉ truyền đi khi có đối tượng nhận. Ở đây, tôi thấy chung quanh là sa mạc, chỉ có đất với trời, có mây và gió. Mây bay đi, gió không dừng lại, vậy Yoan gọi ai?
"Hãy dọn đường cho Chúa đi!" Nếu tiếng kêu ấy chỉ là tiếng kêu Yoan gọi đời thì tôi hiểu thế nào về Nước Trời trong đời sống của tôi. Trong đời, có những quãng trống không ai song hành với tôi. Có những quãng vắng tôi không gặp ai. Có phải vì không có người nghe mà tôi không cất tiếng gọi ấy lên? Nếu tiếng kêu trong sa mạc của Yoan chỉ là tiếng ông gọi người, thì khi không có người, ông không có động lực để cất tiếng kêu. Tin Mừng Máccô cũng nói về Nước Trời "như người kia gieo giống xuống đất, dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ nảy mầm lớn lên mà người ấy không biết" (Mc. 4: 26-27). Như thế, lời công bố Nước Trời không tuỳ thuộc vào có mặt của người nghe. Ngay cả khi tôi im lặng thì Nước Trời cũng cứ âm thầm lớn lên. Như vậy, tiếng kêu trong sa mạc là tiếng kêu của ai gởi cho ai?
Tiếng gọi lòng mình.
Mùa vọng khởi đầu bằng lời ngôn sứ trong hoang địa: "Hãy dọn đường cho Chúa đi! Hãy bạt lối cho Chúa đi!" Tôi nghe như tiếng kêu ấy vang lên rất lẻ loi. Trong sa mạc tịch liêu, tiếng ấy vang lên, vang lên, cứ một mình. Giữa cái hoang vu của đất trời, Yoan mình trần trong manh áo da thú, đầu tóc bụi mù đất rừng. Ông ngửa cổ nhìn trời mênh mông cất tiếng: "Hãy dọn đường cho Chúa đi!" Ông nói với ai giữa đất trời hoang vu ấy. Cái dáng ông lẻ loi như quay cuồng với lời vọng của mình. Giữa đất trời ấy, ông đã nghe thấy tiếng lòng ông thúc bảo.
Yoan không giữ tiếng lòng ấy trong thinh lặng. Ông không chờ tiếng lòng ấy khi đến dòng sông Jordan rồi mới cất tiếng. Ông không để dành tiếng lòng ấy khi thấy có kẻ lắng nghe rồi mới nói ra lời. Trong hoang vu lạnh lùng, ông cất tiếng. Trong sa mạc đìu hiu, ông nói lên lời. Như vậy, trong lẻ loi với bóng, ông nói với chính mình: "Hãy dọn đường cho Chúa đi!"
"Hãy dọn đường cho Chúa đi!" Tiếng hô ấy Yoan đã hô to cho lòng của chính ông. Ông đựng lại cơn lốc của âm vang ấy cho chính ông. Rồi từ âm vọng đó ông đến bờ sông Jordan cho âm vang ấy xuôi dòng thế kỷ chảy vào thế giới, đến ngày hôm nay. Tiếng gọi đời của Yoan chỉ là nối dài tiếng gọi cho lòng mình. Nghĩa là nếu không có người nghe thì tiếng gọi ấy vẫn đi vào không gian.
Chỉ trong sa mạc tiếng vọng mới âm vang cho cõi lòng. Hễ nói trong hoang vu không bóng người là nói với mình thôi. Khi có người tôi mới nói là để nói cho người chứ không phải cho tôi, vì mục đích chỉ để nói cho người cho nên chưa chắc điều tôi nói đã là niềm thao thức trong tôi. Khi không có ai mà tôi vẫn nói, khi tôi nói cho chính mình nghe, điều tôi nói đó mới là băn khoăn tự tình. Trong sa mạc chỉ có bóng, nhưng Yoan đã nói với bóng của mình: "Hãy dọn đường cho Chúa đi!" Tiếng mời gọi dọn đường cho Chúa phải là tiếng lòng mình trước đã. Tiếng ấy chỉ trở nên si mê khi hình băn khoăn với bóng, và bóng khắc khoải với hình.
Khi thấy con người được tạo dựng, các thần dữ đã ghen tức với con người. Sợ rằng con người biết đâu cũng lại là một vị thần, họ bàn tính phải hành động sao đây. Vì không muốn có thêm vị thần nào khác nữa, các thần dữ gian ác này quá đỗi băn khoăn về con người mới được tạo dựng. Lúc đó con người chỉ là pho tượng đất sét còn ẩm ướt, đang chờ thành hình. Các thần gian manh đề nghị với nhau là pho tượng đất đang còn mềm, chúng ta hãy ngắt đầu con người rồi giấu đi, để rồi mai sau con người sẽ mãi mãi bận tâm đi tìm cái đầu của nó. Một số thần được sai đi, và quả thật, tượng đất sét còn mềm, họ đã ngắt đứt được đầu con người đem về, nhưng vấn đề nan giải là giấu cái đầu đó ở đâu bây giờ. Con người cứ đi tìm mãi, rồi cũng có lúc nó tìm ra.
Trong lúc tất cả bối rối về cái đầu, một vị thần già quỷ quyệt nhất thủng thẳng bước ra an ủi các thần khác rằng đừng sợ. Vị thần phù thuỷ này nhặt cái đầu lúc đó là một cục ánh sáng xanh nhợt nhạt đang run rẩy. Lão thần già rực mắt hung đỏ quỷ quyệt, trong nháy mắt đập đầu con người xuống nền đá. Chiếc đầu con người vụt biến mất, để lại ngơ ngác cho lũ thần đang bối rối.
Lão thần già gian ác cất tiếng cười man rợ nói với lũ thần trẻ còn khờ khạo. Các ngươi giấu ở đâu rồi con người cũng tìm ra đầu của nó. Nó sẽ lục lọi khắp cả vũ trụ này. Tuy có chỗ nó chẳng để ý, nó sẽ không tìm đâu là chính con người của nó. Ta đã giấu cái đầu của nó trong chính nó! (Theo Rudyard Kipling)
Lạy Chúa,
Hàng năm, cứ khi gió se se lạnh đem Mùa Vọng tới, tiếng kêu trong hoang địa của Yoan lại đưa con về một nhắc nhở. Con cần những khoảnh khắc sa mạc để âm vang khi con gọi đời là gọi chính lòng mình đó thôi: "Hãy dọn đường cho Chúa đi!" Khi con gọi người dọn đường cho Chúa mà thôi thì khi không có người con sẽ không gọi, mà con không lên tiếng gọi thì con mất ơn gọi làm ngôn sứ. Khi con gọi người thì âm vang của con ra đi mà không về với con. Con cần những sa mạc thinh lặng, để khi con cất tiếng gọi thì tiếng gọi ấy vọng về với con ngay. Trong hoang vu một mình, Yoan an cứ ngẩng đầu gọi để ông nghe tiếng lòng ấy, để dù nếu không gặp ai, không ai gặp, ông vẫn mãi mãi là sứ ngôn. Hình ảnh đẹp của Yoan là ông không để mình nhiễm lạnh cái hoang vu độc thoại.
Con những tưởng rằng con cần đối thoại với đời, phải lên tiếng gọi đời, nhưng, lạy Chúa, con cần độc thoại biết bao về tiếng gọi ấy: "Hãy dọn đường cho Chúa đi!". Nếu con không độc thoại tiếng gọi này với lòng mình thì con cũng chẳng thể có đối thoại với đời về tiếng gọi đó.
【Lm Nguyễn Tầm Thường S.J-Trích trong sách "Con Biết Con Cần Chúa"】