Khi niềm tin không còn! - Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
21.10.2023
Thỉnh thoảng tôi thấy trên mạng hình ảnh của một xe rác, trong những thứ lổn ngổn mà người ta vứt bỏ, còn có tấm ảnh cưới của một cặp vợ chồng nào đó. Nhìn vào tấm ảnh cưới, tôi thấy cô dâu mặc áo đầm trắng thật đẹp, tay cầm hoa, chú rể thì mặt sáng sủa, cả hai cùng cười thật tươi, ánh mắt toát lên niềm vui ngày hạnh phúc. Thật vậy, tấm ảnh cưới luôn là điều quý giá của bất kỳ cặp đôi nào và thường được đặt vào nơi trang trọng nhất trong nhà, như cách thức nhắc nhớ hai vợ chồng về thời gian mặn nồng. Ấy vậy mà giờ đây tấm ảnh ấy lại nằm trong thùng rác, cùng chung với những thứ rác rưởi người ta bỏ đi. Có lẽ tình yêu đã không còn! Vì thế tấm ảnh cưới cũng không còn giá trị trong đời sống của họ. Ngược lại, nhiều khi tấm ảnh cưới lại khơi gợi lên trong lòng họ những đau khổ tột cùng. Thôi thì để bình yên, ta quăng nó đi. Tình yêu thủa ban đầu giờ cũng như những rác rưởi hôi thối mà thôi.
Đó là chuyện của Việt Nam, còn bây giờ là chuyện của trời Tây. Thú thật là tôi rất thích đi chợ trời. Đơn giản vì ở đó người ta bán nhiều thứ hay ho mà giá cả thì rất rẻ. Ở thành phố tôi ở - Bolzano Ý, tại chợ trời, người ta buôn bán tất cả các đồ đạc cũ. Những thứ gì có thể bán được, người ta đều trưng bày ra. Nào là quần áo cũ, xe, sách, khăn lau, chén đĩa... Tôi thì thích đi tìm để mua các khung tranh cũ. Rồi sau đó tôi vẽ tranh và lồng vào những khung đó. Tuy vậy, có một điều mà tôi cảm thấy rất buồn đó là trong đám những đồ cũ lỉnh kỉnh và bẩn thỉu vứt bên lề đường, được bán với giá rẻ mạt, tôi còn thấy có những tượng ảnh Chúa, Mẹ và các Thánh.
Ngày còn là một tập sinh, tôi có thói quen lượm lặt những tượng ảnh cũ của Chúa, Mẹ hoặc các thánh để trang trí ở một góc nào đó trong tu viện. Có lần tôi nảy ra sáng kiến khi tìm thấy được một tượng Đức Mẹ bị gãy phần chân, đó là đặt tượng Mẹ trong bể cá, như cách người ta thỉnh thoảng khám phá ra các pho tượng dưới đáy đại dương. Tôi thích thú đặt hồ cá ngay lối đi. Tuy vậy, sáng hôm sau, khi đi ngang qua hồ cá, cha giáo tập đã lấy tượng Mẹ Maria ra, lau chùi và rồi đặt lên trên kệ, ngay nhà ăn. Trong giờ huấn đức ngay chiều hôm đó, cha đã nghiêm khắc răn dạy chúng tôi. Tất cả những gì thánh thiêng thì không bao giờ được vứt bỏ hoặc đặt ở những nơi không xứng hợp. Đó là hình ảnh của Thiên Chúa, của Mẹ và các Thánh. Khi chiêm ngắm các tượng ảnh thánh, chúng ta dễ hướng lòng vào các mầu nhiệm Nước Trời và hy vọng ngày nào đó, chúng ta sẽ được đoàn tụ với các ngài trên nước thiêng đàng. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta. Do vậy, những tượng ảnh thánh dù có vỡ thì cũng phải bỏ những nơi xứng hợp, tránh phạm thánh. Có thể là bỏ xuống giếng, hoặc trên mái nhà, hoặc đập nát thành bụi đất để trồng cây... Ý thức sự thánh thiêng của các ảnh tượng thánh, nên chẳng biết từ khi nào thay vì tìm kiếm những thứ độc lạ tại chợ trời, tôi lại thường mua những tượng ảnh thánh cũ mà người ta vất bỏ hoặc giá cả chỉ đáng vài đồng.
Tôi chợt nhớ cách đây một tháng, trên mạng truyền nhau thông tin và hình ảnh có một cây cổ thụ được cho là có hình ảnh của Chúa. Nhiều người đã tin và đến thờ lạy. Ngay lập tức có nhiều linh mục đã lên tiếng và cho rằng người giáo dân quá mê tín, nào là Chúa trong nhà thờ, nào là Chúa trong Thánh Thể, nào là Chúa trong tim... Chúa chẳng ở cái cây vô tri như thế. Tôi chẳng biết có thật là hình ảnh Chúa hay không, và tôi cũng chẳng có bất kỳ ý kiến nào về việc người ta thờ lạy hình ảnh Chúa nơi gốc cây. Nhưng tôi lại thấy được niềm tin đơn sơ của giáo dân Việt Nam. Niềm tin đó đơn sơ đến nỗi họ dễ dàng tin vào các phép lạ vô căn cứ. Nhưng chính niềm tin đơn sơ lại cho người ta ý thức về sự thánh thiêng của Thiên Chúa được thể hiện qua các tranh ảnh tượng thánh. Đây là điều mà người dân ở Ý – một nước Công giáo, đã đánh mất.
Hôm qua, lại một lần nữa tôi đi chợ trời. Mắt dõi theo các gian hàng để tìm các khung tranh cũ, bất chợt tôi nhìn thấy trong đống đồ cũ nát, bẩn thỉu, được đặt ngay lề đường, dưới chân của những người buôn bán, tấm ảnh Mẹ Maria đang bồng Hài Nhi Giêsu. Tôi tiến lại gần, cầm tấm ảnh lên và hỏi: Tấm ảnh này giá bao nhiêu? Họ trả lời chỉ có 1 euro – bằng số tiền đi nhà vệ sinh công cộng. Tôi nâng niu tấm ảnh trên tay và nhìn vào chân dung Mẹ. Tôi chẳng biết người ta vẽ chân dung của Mẹ thật buồn hay mắt tôi đang rưng lệ. Phải rồi! tôi chợt nghĩ, khi niềm tin không còn giá trị, thì tất cả hình ảnh trước kia vốn là những thứ thánh thiêng nhất giờ cũng chỉ đáng số tiền đi nhà vệ sinh, chỉ là rác rưởi mà thôi.
Ôm tấm ảnh Mẹ vào lòng, tôi thổn thức quá! Ước chi niềm tin của tôi vẫn còn nguyên vẹn chứ đừng lạt phai theo năm tháng, để rồi cũng như những người giáo dân Ý đang làm, tôi mãi chạy theo tiền tài vật chất và rồi sẽ buông tay vứt bỏ hình ảnh Chúa đang hiện diện trong trái tim tôi.
【Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS】