Động vật tiêu biểu trong Thánh Kinh - Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Lan Mary
Bài viết chỉ trưng dẫn 12 con vật tiêu biểu ta quen thuộc trong số hàng trăm loài vật các nhà biên khảo đã tìm thấy trong Kinh Thánh như nói trên, với mục đích để tìm hiểu mỗi loài Thiên Chúa tạo dựng đều mưu ích cho loài người và tôn vinh quyền năng Ngài. Riêng những quái thú xuất hiện trong sách Khải Huyền mang tính cách huyền nhiệm, người viết xin để các nhà thần học sẽ có cao kiến sâu sắc hơn. NGUỒN:

St 9, 1-13

" Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất".

Thiên Chúa chúc phúc cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: "Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi, ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do con người và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất".


+ Trong Phúc Âm Cựu và Tân Ước, các nhà nghiên cứu tìm thấy có hàng trăm loài vật khác nhau:

Từ những chú Chiên Cừu ngơ ngác vây quanh máng cỏ Giáng Sinh, đến những chị Thỏ đôi mắt long lanh cùng nhiều trái trứng sắc mầu trong mùa Phục Sinh - Từ những con Bò béo tròn nằm thảnh thơi trong hang đá, đến vài con Dê thỉnh thoảng kêu lên mấy tiếng mừng vui...

Đó là chưa kể các quái thú như thần thoại trong Khải Huyền hay trong Thần Khúc Hỏa Ngục của Dante Alighheri, ta cũng gặp nhiều quái vật như trong Khải Huyền đã gợi ý cho ông.

Tất cả đan quyện tính chất và sắc màu khác nhau. Các nhà thần học đã nghiên cứu nhận thấy có cả trăm loài vật trong Thánh Kinh, nhưng bài viết chỉ đề cập đến số động vật biểu tượng quen thuộc có thật trong đời sống con người xưa và nay.

Trích sách Tiên tri Isaia. (Is.11: 1-10)

Ngày ấy, từ gốc Giê-sê sẽ đâm ra một bông hoa...

Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế, và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng.

Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy.

Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sửa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc.

Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta.

-Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

- Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đại dương.
Ngày ấy gốc Giê-sê đứng lên như cờ hiệu cho muôn dân.
Các dân sẽ khẩn cầu Ngài và mộ Ngài sẽ được vinh quang.

1 - Chim Bồ Câu.


Trong Sáng Thế, trận Đại Hồng Thủy xảy ra 40 đêm ngày, mưa trút nước dâng
ngập trái đất, Noe vâng theo lời Chúa đưa gia đình và một số con vật lên tàu đã được cứu thoát.

Sau 40 ngày ông thả Chim Bồ Câu thấy bay trở về ngậm cành Oliu biết rằng nước đã rút. Ông cho gia đình và các con vật lên mặt đất- Từ đó Bồ Câu ngậm cành Oliu mang biểu tượng: Cánh chim Hòa bình.

Bồ Câu là loại hiền lành, trong sáng, đem niềm Tin yêu và Hy vọng của Chúa Thánh Thần.
Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa trên sông Jodan, Chúa Thánh Thần lấy hình Chim Bồ Câu ngự trên Ngài và có tiếng từ trời phán rằng:
"Này là con Ta yêu dấu! Ngươi đẹp lòng Ta mọi đàng."

2 - RẮN


- Chính là Satan, dối trá, lường gạt, quỉ quyệt.

"Miệng người ác như rắn độc.Lạy Chúa xin cứu con khỏi kẻ bạo tàn. Lòng chúng bày chước độc mưu thâm.Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn.Miệng phun nọc đôc như rắn hổ mang."
(Tv.140: 2-4)

- Nguyên tổ Ađam-Evà bất tuân lệnh Chúa, nghe lời dụ dỗ quỉ Sa-tan dưới hình con rắn nên bị trục xuất khỏi vườn Địa đàng và Chúa phán bảo con Rắn rằng: "Ngươi sẽ đi bằng bụng và ăn bụi đất trong suốt cuộc đời."

- Vua Pharaon ngăn cản không cho dân Do Thái trở về quê hương, nên Aharon ném gậy hóa Rắn để khuất phục lòng cao ngạo nhà vua.

- Dân Do Thái sống giữa sa mạc hoang vu bị Rắn độc căn chết, Chúa truyền dạy Môsê đúc con rắn đồng treo lên, hễ ai nhìn vào sẽ khỏi chết. Đó là hình ảnh Chúa chịu chết trên thập giá để cứu chuộc loài người.

3 - Bò


- Bò được nói đến sớm nhất trong sách Dân số và gần gũi thân mật trong dịp lễ Giáng Sinh.

- Trong khi tổ phụ Abraham chờ 40 ngày dưới chân núi Sinai, dân chúng đã đúc ngẫu tượng Bò vàng để thờ, bị Abraham nổi giân đập vỡ.

- Giuse giải mộng cho vua Ai Cập về 7 con Bò ốm nuốt 7 con Bò mập và khuyên vua tích trữ lương thực trong 7 năm được mùa cho 7 năm đói kém.

4 - Dê


- Vây quanh máng cỏ Giáng Sinh thở hơi sưởi ấm Hài Nhi đêm đông giá buốt.

- Dê còn là vật hiến tế: tạ tội và gánh tội.

Trong Lê vi ký kể truyện người Do Thái bắt con Dê đuổi vào sa mạc để gánh mọi tội thay cho họ. Đây là hình ảnh chính Chúa Giê-su vô tội đã phải gánh lấy tội loài người như tiên tri Isaia loan báo: "Người này đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình. "

5 - Chiên


Kinh Agnus Dei – Chiên Thiên Chúa.

Kinh Chiên Thiên Chúa (Tên khác: Lạy Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei) được hát hoặc đọc trong Thánh lễ khi chủ tế bẻ bánh và bỏ vào chén rượu. Trong khi làm nghi thức này, có thể lặp lại kinh này bao nhiêu lần cũng được, miễn là luôn luôn phải kết thúc bằng câu: "Xin ban bình an cho chúng con".


Kinh Chiên Thiên Chúa là một luật buộc, do ca đoàn hay ca viên xướng được cộng đoàn hát theo; hay ít nhất phải được đọc to tiếng. Sự cầu xin này đồng hành với việc bẻ bánh nên vì lẽ này mà có thể hát đi hát lại khi cần thiết cho tới lúc kết thúc, lời hát kết với cụm từ 'dona nobis pacem' (xin ban bình an cho chúng con)".

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian: xin ban bình an cho chúng con

- Chiên là biểu tượng của 12 Tông đồ khi Chúa truyền dạy hãy chăn dắt đoàn chiên.

- Abraham- Isaác-Jacóp- Môsê- Đavít đều xuất thân là những kẻ chăn Cừu hay chăn Chiên.

- Chúa Giê-su xưng mình là Chủ Chiên và gọi các Kitô hữu là Đàn Chiên.

- Khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô: "Simon con ông Giona con có yêu mến Thầy Không Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biểt con yêu mến Thầy."Chúa nói với ông:"Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."

- Chiên Cừu luôn góp mặt nơi hang đá Giáng Sinh.

- Jacóp gặp nàng Rachel chăn Cừu và dệt áo lông cừu đã cảm mến lấy nàng làm vợ.

6 - Gà


- Chúa Giê-su đã tiên báo cho Phê-rô trước khi Gà gáy ông đã chối Chúa 3 lần.
Người bảo Phêrô "Nội đêm nay Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy 3 lần." (Mt.26)

- Phúc Âm nhất lãm của 3 Thánh sử Mátthêu-Lucas –Máccô đều xem Chúa như gà ấp ủ đàn con dưới cánh để che chở kẻ thù khỏi hãm hại. (Mt.23: 37)

-Thánh Giáo Hoàng Gregorio I tuyên bố Gà trống là biểu tượng Ki-tô giáo.

7 - Cá


- Biểu tượng của Đức Ki-tô. Xuất hiện đầu TK.5 do những chữ đầu Hy Lạp ghép thành ICHTHYS:

I (Jesus)- CH (Christos)- TH (Theous) - Y (hyios)- S (Soter) nghĩa là:
Giêsu - Kitô - Thiên Chúa - Con - Đấng Cứu Thế

- Cá còn là biểu tượng Bí Tích Thánh thể và biểu tượng Phục Sinh.

- Cá là thực phẩm cho người như Chúa đã làm phép lạ thuyền đầy cá của các tông đồ.

- Cũng là hình ảnh tượng trưng cho các tông đồ Andrê và Phêrô xuất thân là ngư phủ.

- Tổng lãnh thiên thần Raphaen thường được vẽ với con cá trong tay, được đem về chữa cho Tôbia khỏi mù.

- Tiên tri Gio-na nằm trong bụng cá suốt 3 ngày đêm, chính là sự tiên báo Chúa chết 3 ngày sau sống lại.

- Chúa hóa bánh và cá 2 lần nuôi dân khi người ta đến rất đông nghe Ngài giảng dạy vì Ngài thương cảm: Lần 1 nuôi 5000 người với 5 con cá nhỏ. Lần 2 cho 4000 người và vài con cá nhỏ

8 - Thỏ


- Nguồn gốc phát hiện những chú Thỏ ngộ nghĩnh xinh đẹp tại Lễ hội Eastre của người Anglo-Saxon cổ xưa theo truyền thống đón mừng Mùa Xuân Eastre chính là lễ Phục sinh ngày nay (Easter)

- Thỏ con vật dễ thương với những quả trứng mịn màng dùng trang trí trong mùa Phục sinh nhiều màu sắc trên quà tặng, bánh kẹo.

9 - Ngựa


- Nhanh nhẹn, dẻo dai, từ ngựa hoang dễ thuần thục thành gia súc đa dụng.

- Trong phim Ben-Hur dựng từ Thánh Kinh những chiến mã oanh liệt lướt như gió kéo chiến xa.

- Ngựa hoang thường khó trị, vô kỷ luật, kiêu ngạo đứng đầu 7 mối tội

10 - Chó


Chó nhà nuôi thuần thục trung thành, thông báo nguy hiểm hay bảo vệ chủ trước đối phương.

Chó sói hung dữ dễ tấn công, săn mồi theo bầy đàn.

Trong Phúc Âm Chúa xưng là Chủ chiên nhân lành luôn bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của đàn sói dữ.

Phúc Âm: Ga 10, 11-18

"Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".

11 - Lừa


- Phúc Âm 4 Thánh Sử đều nói đến con Lừa trong Chúa Nhật Lễ Lá Chúa Giê-su cỡi Lừa vào thành Jerusalem, Chúa nói với tông đồ: 'Hãy nói với con gái Sion rằng: Vua các ngươi đang ngự đến, khiêm tốn ngồi trên lưng Lừa con, con của con Lừa mẹ." (Mt.21: 5)

- Con lừa liên tưởng đến Hòa bình- Trong khi con ngựa nghĩ tới Chiến tranh.

12 - Sư tử


- Biểu tượng sức mạnh uy quyền- Thánh Kinh nói đến Sư tử nhiều lần. Sức mạnh vượt hơn các loài khác và luôn ở thế tấn công không lùi bước.

- Sư tử có cánh là biểu tượng của Thánh sử Máccô.

- Sam son-Đavit- Bênagia có sức mạnh giết cả Sư tử.

- Trong Khải Huyền ngôn sứ Exechel thị kiến quái thú có 4 mặt: người- bò rừng-Sư tử và phượng hoàng.

- Bài trích sách Sáng Thế.

Ngày ấy, Giacóp triệu tập con cái lại và nói rằng: "Hỡi con cái Giacóp, hãy hợp lại và nghe cha đây. Hỡi nhà Israel, hãy nghe lời cha của các con. Giuđa, anh em con sẽ ca tụng con. Bàn tay con sẽ đè trên ót quân thù; con cái của cha con sẽ phục lạy con. Giuđa là sư tử con, hỡi con của cha, con đã chồm lên bắt mồi, con đã nằm xuống nghỉ ngơi, như giống sư tử đực, tựa nòi sư tử cái, ai dám khiêu khích nó? Phủ việt sẽ không cất khỏi Giuđa, gậy chỉ huy không rời khỏi chân nó, cho đến lúc Đấng thiên sai ngự đến, là Đấng chư dân đợi trông".

Kết

Bài viết chỉ trưng dẫn 12 con vật tiêu biểu ta quen thuộc trong số hàng trăm loài vật các nhà biên khảo đã tìm thấy trong Kinh Thánh như nói trên, với mục đích để tìm hiểu mỗi loài Thiên Chúa tạo dựng đều mưu ích cho loài người và tôn vinh quyền năng Ngài.

Riêng những quái thú xuất hiện trong sách Khải Huyền mang tính cách huyền nhiệm, người viết xin để các nhà thần học sẽ có cao kiến sâu sắc hơn.

Mong thông cảm những điều thiếu sót!

Đinh Văn Tiến Hùng