Tìm lại giấc mộng xanh - Tác giả: Triêu Dĩnh Hạo
28.09.2023
Đêm phố vắng tênh, Đán ngồi trầm tư dưới ánh đèn mờ hiu hắt, lòng thao thức buồn.
Trí lòng anh bồi hồi xúc động, chốc chốc lại cồn cào như có lửa thiêu. Gian phòng chìm vào tĩnh mịch, từng khoảng trống nhạt thếch như kéo căng ra và tụ lại trong một thế giới vô hình. Nó dội thẳng vào cõi lòng anh, hút sâu đến vô tận và để mặc anh vẫy vùng trong đó với mớ hỗn độn của xúc cảm.
Bất chấp thời gian như dòng chảy vô định đang dồn về tựa thác lũ, ý nghĩ của Đán lại tỏ ra ương ngạnh và trơ lỳ trước cảnh vật. Anh biết mình đang sợ. Một nỗi sợ thấp thỏm cuốn theo những lo toan chồng chất đang sẵn sàng đốn gục anh bất cứ lúc nào. Nó rất dễ xảy ra và khiến tâm trí anh phải lao lực mỗi khi anh đối diện với thứ gọi là thất bại. "Phù..., thật là...". Đán nhíu đôi chân mày lại, sắc mặt tái nhợt khi nhác thấy bóng đen của sợ hãi. Anh vội lắc lắc cái đầu để phản lại ngay ý nghĩ tồi tàn.
Đưa tay lên vuốt mặt, Đán cảm nhận cái gò má trầy trụa qua mấy chỏm đầu ngón tay thô ráp. Nó hằn lên những vệt mờ hom hõm và nhăn nhúm, vô tư đuổi nhau từ rãnh cằm lên tận hốc mắt. Hình như đã lâu lắm rồi, Đán quên tiệt cái sự chăm chút tỉ mẩn về vẻ ngoài đạo mạo, tuấn tú của mình. Thời gian và áp lực công việc đã đay nghiến sức trẻ phốp pháp đầy nhựa sống của anh. Nó hối thúc anh chạy rượt theo những hoài mộng to lớn, để rồi chính anh phải đánh đổi tất cả để lao tới quyết định vùi đầu vào mớ công việc hiện tại.
Là một kiến trúc sư, cái nhìn của Đán không phải lúc nào cũng nhất nhất là những đường thẳng in trong một bản vẽ. Khí chất của anh luôn rắn rỏi, lì lợm như một thanh thép. Chính nó đã được luyện đi luyện lại trong lò lửa cuộc đời đầy khói và nhiệt. Thanh thép ấy là anh, một con người tự do phóng khoáng, giàu cảm xúc, giàu nghị lực và cũng rất lý tưởng nữa.
Gần ba mươi sáu xuân xanh, Đán vẫn mải mê kết thân với công việc. Anh dồn hết nỗi lo toan cho chí lập nghiệp chưa thành, để rồi vẫn lẻ bóng ôm gối ngẩn ngơ trong ngưỡng tuổi mà có khối người nơm nớp sợ "ế". Đán biết vậy, nhưng cứ giả đò tặc lưỡi cho qua. Tuổi xuân của Đán cứ thế rụng dần những chiếc lá xanh vào đáy vực quên lãng. Khuôn mặt Đán giờ đây như già đi phân nửa vì mấy cụm tóc bạc lơ phơ điểm vô trật tự hai bên mạn thái dương. Đầu đã hai thứ tóc rồi mà con người Đán vẫn cầu toàn, tham việc. Thành quả từ những năm tháng ăn học đang nở rộ trước mắt, thực lòng anh chưa có gan để vung tay vứt bỏ. Ngày tới tháng qua, Đán lần lữa bám riết mớ công việc lý tưởng trong vai ông chủ hà khắc. Hạnh phúc với Đán khi sự nghiệp ở lúc đỉnh cao, hoá ra cũng chỉ ngang món đồ rẻ tiền người ta trưng bán ngoài chợ. Chuyện kết ước tơ duyên anh sẽ tính sau, chẳng sớm thì muộn, Đán vẫn nhủ lòng như thế.
Mỗi ngày, từng dự án lớn bé cứ theo đà nhiều thêm, còn Đán thì hì hục lao vào với sức của một con trâu rừng không biết mỏi. Mức lương hậu hĩnh trong công việc này đặt ra cho Đán quá nhiều yêu cầu, từ nỗ lực lên ý tưởng, đầu tư thời gian đến khả năng vận dụng tư duy để giải quyết công việc gọn lẹ. Một công việc kén người làm, hoạ hoằn phải bản lĩnh lắm mới dám chôn chân vào đó. Vậy mà Đán lại thích, thứ tình yêu khô khan với đống việc lộn xộn. Đổi lại anh có tiền, có bè bạn để kết giao. Anh chẳng ham hố giàu sang là mấy, nhưng đam mê với lý tưởng đã giúp anh có được tất cả.
Rồi người tính không bằng trời tính, sự nghiệp của Đán tưởng chừng cứ đà thăng hoa mãi, nay đã phải lộn nhào vì một cơn bạo bệnh. Hơn một tuần nay, Đán nghỉ phép ở nhà. Thân thể anh cứ oải ra như tàu chuối héo, khắp mình mẩy nổi cơn đau nhức mà không hiểu vì sao. Da dẻ anh trở nên biến sắc rồi ngả dần sang sắc màu vàng ệch. Đán ốm, một trận ốm dài và nặng như thể anh chưa được ốm bao giờ. Bác sĩ kết luận anh bị chứng suy nhược cơ thể trầm trọng do kiệt sức kéo dài. Để vực lại sức khoẻ, Đán ngậm ngùi gác bỏ đống việc sau lưng mà yên vị ở nhà riêng trong suốt kỳ tĩnh dưỡng. Anh giấu nhẹm chuyện mình ốm thế nào để gia đình ở quê khỏi phải lo lắng. Cứ đều đặn gửi tiền về nhà, khi thoảng gọi một cú điện, hỏi han gia đình rồi cười thật to, với anh thế là đủ.
"Sẽ ổn thôi" – Đán tự trấn an mình, mắt nhắm nghiền lại rầu rĩ. Mới độ này tháng trước, Đán vẫn còn dai sức lắm, sếp anh trúng thầu một công trình mấy chục tỷ bạc, chính nó đã ngốn sức anh không ít về việc lên kết cấu hạ tầng cho ngôi biệt thự sang trọng giữa lòng thủ đô. Công trình xịn sò anh tâm huyết đang gần hoàn thiện và chờ đối tác thông qua thì...
"Ầy xì!..." Đán ngả người xuýt xoa, đầu tựa lên bành ghế. Tiếng thở dài của anh trộn vào thứ âm thanh ngao ngán của loài thạch sùng vẳng lẫn trong đêm, mắc kẹt vào không gian cố định của bốn bức tường. Anh không muốn nắn bóp cái suy nghĩ méo tròn vào lúc này, nó chỉ khiến đầu anh thêm rức, thêm bạc vì cơ hội béo bở bỗng nhiên lặn mất, chỉ tại lí do lãng xẹt là trận ốm dở hơi như viên đạn lạc găm trúng người. Đời thuở nào anh lại đen đủi thế? Thật chứ chả bỡn, cuộc sống mà!
Buông cặp kính xuống quyển sách đang đọc dở, Đán cẩn thận gập kính lại để nó không rơi xuống mặt bàn. Vốn là người quen đọc sách, Đán không cho phép mình được ươn lười khi nào, bất kể những lúc nhàn rỗi. Thói quen này đã hỗ trợ trí óc anh không ít. Nó chẳng khác gì thứ tiêu khiển xa hoa mà anh có thể sắm được với giá cực kỳ rẻ mạt, chỉ nhờ trí thông minh trời phú. Sự ngu dốt không hẳn đến từ việc ngồi tận hưởng thú vui giết thời giờ, nhưng sự kém thông minh phần lớn lại phát xuất từ việc ít đọc sách, Đán thường dặn lòng mình như thế.
Ngoài trời vẫn tối thủi, xe cộ về khuya cũng loãng bớt mớ âm thanh hỗn tạp. Đán vươn vai nhỏm dậy, vặn gân cốt cho thật đã người. Tự nhiên anh thấy cổ họng mình khô và đắng, anh khát. Suốt kỳ ốm đến giờ, thân thể lực lưỡng của anh thường xuyên ở trong tình trạng khan nước, một phản ứng sinh học rất tự nhiên giúp cơ thể anh sớm lấy lại cân bằng. Anh mở cửa, tiến ra chỗ kệ nước gần hành lang, vặn một ly với lượng vừa đủ, từ từ nhấp một ngụm để cảm nhận độ tinh khiết của nước chảy mềm trong lồng ngực. Vị ấm của nước làm anh khoan khoái trở lại. Bất giác Đán nhớ là mình phải làm một việc quan trọng nào đó nhưng nghĩ mãi chẳng ra. Thói ngủ nướng và lo nghĩ triền miên khiến trí não anh dạo này có vẻ lơ đễnh nhiều. Đán trở lại giường bệnh, đưa tay gõ nhịp lên thành giường mà không biết phải làm gì tiếp. Vốn ưa ngăn nắp, nên vừa trông thấy đống giấy lộn ở đầu giường, Đán đã gom nó lại và bỏ vào thùng rác. Những vỉ thuốc chưa dùng đến, anh xếp gọn chúng vào trong hộp giấy nhỏ, loại nào ra loại đó. Trái cây và thực phẩm bổ sung, anh cũng cất hết vào trong tủ. Gian phòng nồng nặc mùi thuốc sát trùng bí bách lắm rồi, anh không muốn chịu thêm cảnh chướng mắt nào khác.
Hôm nay là thứ Sáu cuối tháng, một ngày nghỉ tĩnh lặng, Việt – đồng nghiệp và cũng là bạn thân của anh, đã hẹn thăm anh tối nay. Anh đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ báo thức để cạnh giường: đã 7 giờ 10 phút tối, khoảng hai tiếng nữa Việt mới đến. Chừng nào Việt chưa đến, anh sẽ không ăn uống gì, để bụng tiếp đón người bạn thân. Kể cũng lạ, khu bệnh xá thường ngày vẫn ồn ào là thế, vậy mà chỉ vừa chập tối, nơi đây như biến thành xứ sở khác: Vắng lặng và heo hút không mấy bóng người. Đán ghê sợ cảm giác đó, anh cũng ghét bỏ luôn cả khu bệnh xá đáng tởm này. Chính nó đã giam hãm tự do của anh vào bản án không đợi ngày phán xử, cô lập anh trong hàng tá áp lực đảo điên của thuốc men, bệnh tật và những nỗi đắn đo vô vị. Phần anh, người đàn ông kể như bản lĩnh nhất, cũng ít một lần phải héo hon và lay lắt như lá vàng trước gió. Cứ đà này thì không biết đến bao giờ anh mới khoẻ lại được. Cảm giác mệt mỏi từ hôm trước giờ đã bớt, mà lòng anh cũng không vui lên bao nhiêu. Nếu bố anh ở đây, có khi ông sẽ khóc hết nước mắt vì trông thấy anh lâm cảnh kiệt quệ như vậy. Đau ốm kéo dài cộng thêm tác động của Covid nên Đán đâm ra cứ nửa tỉnh nửa mơ.
Loanh quanh mãi trong phòng cũng chán, Đán đứng phắt dậy, kéo tấm rèm cửa cho ánh sáng bên ngoài lọt vào gian phòng. Lúc này, cả phòng anh tràn ngập thứ ánh sáng huyền ảo của trăng. Sực nhớ hôm nay là Tết Trung Thu, thế là anh vội vàng vặn chốt cửa để ngó ra ngoài.
Tiết trời thu về đêm sao mà vắng lặng thế! Dọc đường phố, những pha đèn điện cao áp hắt lên luồng ánh sáng chói mắt. Đán có cảm tưởng tấm trăng vàng treo ngược trên nền trời như nhạt hẳn lại. Ánh trăng rọi vào khuôn mặt nhược sắc của anh, đổ bóng anh xuống sàn nhà bóng loáng.
Một mùa trăng nữa lại về, đem theo dải ký ức màu xanh đã ngủ vùi bấy lâu trong giấc mộng của Đán. Nó để anh lặn lội giữa màu xanh quen thuộc của bình yên, của những mến thương mà chẳng khi nào khoả lấp được. Bình yên hoá ra là thứ anh thèm khát hơn tất cả. Thiên nhiên như thấu suốt lòng anh, nó đang gắng ôn lại cho anh những hoài niệm đẹp nhất. Đán bình thản đứng tựa vào khung cửa, bất động nhìn ngắm vẻ diễm lệ của trăng. Rồi bần thần nhớ lại, anh thấy bóng mình giữa quê hương ngày ấy...
Xứ sở đẹp như tranh của Đán chính là những ô ruộng mươn mướt xanh, bên dòng sông quanh năm uốn lượn chảy. Đán được cưu mang và lớn lên trong miền quê tươi đẹp. Ở đấy, khi mặt trời còn le lói những tia nắng đầu tiên trong ngày, căn nhà nhỏ của anh lại vang lên tiếng gia súc ầm ĩ đòi ăn, có tiếng chim ríu rít gọi bầy ngoài vườn, có luỹ tre xanh ngả bóng bên ngôi nhà thờ cổ, thấp thoáng sau cánh đồng quê yên ả cũng dệt một sắc xanh. Trí nhớ của Đán vì thế cứ trội lên gam màu bất tận của sự sống. Nó đang vây bọc lấy anh, xoa dịu những đớn đau thể xác và để lòng anh thôi buồn tẻ.
Trung Thu xa quê, Đán thấy lồng ngực mình trộn trạo, rung lên qua mỗi nhịp thở khó nhọc. Anh lặng lẽ phóng tầm mắt vào khoảng không như chờ đợi một điều gì lớn lắm. Trên trời cao, tấm trăng tròn lộ rõ những đường nét tinh khôi. Nó đang in lên đôi mắt anh từng mến thương ngọt lịm, để anh chiêm ngưỡng và hình dung cách ngờ nghệch rằng trăng cũng có một tâm hồn hết sức nhạy cảm.
Anh nhớ ngày mình còn chật vật bươn chải dưới quê, bà con lối xóm tổ chức Tết rằm đơn giản lắm, khác xa chốn phố thị đông vui này. Có năm, bữa Tết Đoàn Viên ở nhà chỉ vỏn vẹn có vài chiếc bánh đa, một quả dưa đỏ, dăm ba quả hồng ngâm và một hộp mứt ngọt. Chỉ vậy thôi, không còn gì khác. Chúng chẳng quá xoàng xĩnh nhưng cũng đủ để gia đình anh sum vầy trong Tết thu năm nào.
Thấm thoắt ngày tháng đưa, cuộc sống của Đán giờ đã thay đổi, còn quê hương vẫn khoác một màu giản dị trong dáng vẻ mộc mạc của nó. "Làng mình có lẽ không khác xưa nhiều", anh phỏng đoán với vẻ mặt đầy nghi hoặc. Gần đây, bố anh vẫn thường kể cho anh những đổi mới của làng ngang qua những cuộc điện đàm chóng vánh. Ông khoe với anh con đường bê tông to tướng chạy dọc cánh đồng, ô tô tha hồ chạy mà không cần tránh nhau, hệ thống đê điều của làng đã được gia cố bờ kè cẩn thận, ruộng đất cũng được quy hoạch và san lấp cho hệ thống tưới tiêu. Sự thay đổi chóng mặt của quê hương làm Đán nghe xong cũng phải một lần thấp thỏm. Anh muốn về quê, nhưng lựa dịp mãi chẳng được, ngặt vì công việc bề bộn quá. Quê hương vẫn ngóng đợi anh, với một niềm kiêu hãnh rằng ngôi làng đã phát triển và khấm khá hơn trước. Riêng anh, kẻ tha hương vẫn biền biệt trong mộng ước màu xanh còn tươi như mới. Chưa một ngày Tết Đoàn Viên nào Đán lại cảm thấy lạc lõng và cô đơn như bây giờ. Tự dưng anh nhớ mẹ, nhớ quê hương da diết. Tức thì một dòng nước cay nồng lăn dài trên má anh, ứa ra từ đôi mắt hoe đỏ. Sức nặng của ký ức có lẽ là thứ Đán sợ nhất. Nó đang tràn về và làm cổ họng anh thắt lại. Sống mũi anh phập phồng, vầng trán anh lấm tấm ướt. Cảnh phố thị trước mặt cứ nhoè ra khiến Đán thêm sầu muộn. Anh vội mím chặt môi, xiết mạnh cơ hàm để nén cơn xúc động đang ập về. Sụt sùi một hồi, anh bật khóc.
Thu vắng mẹ, nhớ nhà, anh tìm trăng, đợi trăng như cố ghìm giữ bao hoài niệm của một thời quá vãng, nhưng cật lực tìm mãi mà chẳng thấy mẹ đâu. Mẹ đã về với Vĩnh Hằng mất rồi, chỉ có ánh trăng bền bỉ ở lại. Mẹ và anh, hai tâm hồn quyến thuộc mà nay lại xé lẻ đôi nơi. Anh bất động đứng đấy, để hồn mình thổn thức cheo leo như mắc vào khung trời tĩnh tại. Trăng như một phần quá khứ của anh, sáng trong đêm và lặng lẽ giữa biển trời rất rộng.
***
"Mẹ!..." – Đôi môi anh mấp máy nghẹn ngào. Anh muốn bật ra hết điều đã kìm nén bấy lâu mà gắng gượng không nổi. Căn phòng chợt vẳng lại tiếng thở dồn cùng những tiếng nấc nghẹn. Chúng đang xác nhận cho anh một điều rằng anh cũng có phút yếu lòng như ai. Đán xoáy ánh nhìn trực diện vào trăng, thả hồn mình phiêu dạt giữa giấc mơ kỷ niệm bay vút.
Trăng để anh tâm sự với lòng mình, cùng khơi lại quãng thời gian êm đẹp của tuổi thơ trong vắt. Bao nhiêu năm là bấy nhiêu giấc mộng vàng có trăng, nhuốm màu thời gian và đọng lại những kỷ niệm thiêng bất tử. Đán đâu thể ngờ một chấm nhỏ nhoi giữa trời lại có sức hút kỳ diệu thế. Thiên nhiên quả là biết cách để lòng anh thư thái, nhưng chính nó cũng khiến anh nhiều lúc phải bấn loạn, lao đao. Đán trộm nhớ ngày xưa, người mẹ quá cố của anh cũng quý trăng lắm. Bà thông thạo âm lịch và có một chút am hiểu về thiên văn. Cứ mỗi độ tuần trăng tròn nhất, bà thường ngồi trước hiên nhà, tay trỏ vào trăng mà kể cho anh những mẩu đồng dao và kinh nghiệm chiêm tinh của nhà nông rất thành thục. Chúng như điệp ca muôn thuở của ký ức mà nhắc tới anh đã thuộc lòng: "Mồng một lưỡi trai. Mồng hai lá lúa. Mồng ba câu liêm. Mồng bốn lưỡi liềm. Mồng năm liềm giật. Mồng sáu thật trăng. Mười rằm trăng náu. Mười sáu trăng treo..."
Đán nhoẻn miệng cười. Giọng nói quen thuộc của mẹ như vẫn còn đây, kề sát anh. Người mẹ tảo tần và hiền dịu nhất anh từng biết, đã cho anh cả một bầu trời để tung cánh và ước mơ. Ngày mẹ ra đi, anh chỉ kịp đáp về gặp mẹ lần cuối. Phải, lần cuối – hai tiếng mới phũ phàng và đáng ghét làm sao. Anh đã van xin, đã hối hả như điên dại để lắp bắp những tiếng thổn thức tột cùng nhưng quá muộn. Mẹ từ biệt quê hương giữa một chiều mưa gió và tối tăm, như trăng non cạn kiệt nguồn sáng. Mất mẹ rồi, anh thiết tha gì nữa đâu? Chính anh đã đánh mất vầng trăng thế kỷ của đời mình rồi. Để hôm nay, khi tìm mẹ giữa chân trời ký ức ngổn ngang, anh vẫn cất tiếng gọi "mẹ ơi" trong những giấc mơ chập chờn tỉnh thức.
Cửa phòng hé mở, Đán vội vã quay lại để lục tìm thứ gì đó. Anh từ tốn với lấy chiếc cặp da đang đặt trên kệ tủ, cẩn thận lấy ra một xấp ảnh cũ trong một ngăn nhỏ có khoá kéo bằng đồng. Nó là vật bất ly thân mỗi khi anh có việc ra ngoài. Từng hình ảnh quen thuộc hiện ra trước mắt anh. Tấm ảnh đầu tiên, không ai khác ngoài người mẹ quá cố. Mẹ vận chiếc áo dài màu lục bình có điểm những nhành hoa trắng, tay mẹ cầm chiếc nón lá, nở nụ cười thật duyên. Tấm ảnh này bố đã chụp lại khi mẹ và bố quyết định yêu nhau. Một tấm ảnh nữa, lưu lại giây phút rất đỗi bình yên của gia đình. Vào một chiều tháng Bảy, mấy bố con cùng rong chơi trên chiếc xe cà tàng đã cũ. Xe đưa gia đình nhỏ qua cánh đồng xanh bất tận, giữa hương thơm của đất mẹ, lúa sớm và nước non. Bố anh cầm lái, chở chị gái ngồi sau, còn anh ngoác miệng đánh trận ngồi trước, bố cười như thấy được tuổi thơ. Lại một tấm ảnh khác, đứng trong ảnh, nam thanh niên với khuôn mặt ngời rạng, tay nâng tấm bằng tốt nghiệp đỏ thẫm còn mới nguyên. Đấy là anh, chàng trai nở nụ cười hãnh diện trong giây phút thành công của đời mình. Đán thở phào nhẹ nhõm. Anh dành mấy phút nín lặng thật lâu rồi khựng lại trước một kỷ vật. Đó là chuỗi hạt đá hổ phách có thắt một cây thánh giá bằng gỗ sồi ở giữa. Mẹ đã trao nó cho anh vào cái ngày anh phải xa nhà và miệt mài trên con đường tri thức.
Đán kính cẩn nâng chuỗi hạt lên và đặt vào đó một nụ hôn. Môi anh lập tức cảm nhận ngay độ mát lạnh của những viên đá đang phản chiếu thứ ánh sáng huyền ảo của trăng. Bất giác anh ngỡ rằng nước mắt của mình đã biến tan vào đó, chuỗi hạt kỷ vật của mẹ với những hạnh phúc qua rồi. Tâm hồn Đán gần như chết lặng. Anh tê tái nhìn trăng với hy vọng rằng trăng sẽ giúp anh khuây khoả. Thực lòng, anh không muốn u hoài trong khát vọng non trẻ thêm phút giây nào nữa. Quê hương chính là suối nguồn cho những ước mơ xanh đích thực của mẹ. Quê hương cũng giúp anh tìm lại những gì đã mất, để anh cất giữ và nâng niu. Đán giật mình hốt hoảng, lo sợ sẽ vuột mất ký ức về mẹ một ngày nào đó. Anh dụi mắt liên hồi, vẻ như muốn thức dậy sau giấc mơ đằng đẵng. Trong giấc mơ, anh thấy đôi mắt mẹ ướt đẫm nhìn anh, thấy cả mùa thu với những lần rước đèn phá cỗ. Đán hít thở thật sâu, giục lòng reo vui cho khát vọng hồi sinh được chỗi dậy. Đúng rồi, Đán phải về, phải về thôi. Chừng nào khoẻ, anh sẽ về thăm bố, thăm quê hương, để sắc xanh mùa thu sẽ bền màu tươi thắm. Còn Tết này, anh muốn dành thời giờ để cầu nguyện cho mẹ, cho tấm trăng vàng quê hương anh một tràng chuỗi.
【Mùa Thu năm 2023 - Triêu Dĩnh Hạo】