Suy tư của linh mục Nguyễn Tầm Thường. SJ - Bài 45: Tiếng gọi
22.09.2023
Ít nhất phải có một chút hy vọng nào đó thì người gọi mới cất tiếng gọi. Mong được người đáp trả, đấy là niềm vui của người gọi. Trong tiếng gọi bao hàm sự có mặt của hai người. ếu chỉ có một người lẻ loi thì không có tiếng gọi, vì tiếng gọi không có đối tượng để gửi tới.
Tiếng gọi là một lời mời. Lời mời là một cử chỉ biểu lộ lòng mến yêu. Không mến thương ai thì chẳng bao giờ gọi người đó.
Thà rằng tôi lẻ loi, cô độc còn hơn là tôi quen biết, còn hơn là tôi có những mối giây liên hệ tình cảm để rồi những quen biết, những mối liên hệ ấy chối từ tôi. Khi sống một mình thì tôi chỉ đơn độc, còn khi tôi quen biết mà bị từ chối thì tôi sẽ cô đơn. Bị thờ ơ bao nhiêu thì nỗi cô đơn càng hiu hắt bấy nhiêu. Và nỗi cô đơn này có thể hoang vu hơn sa mạc. Chúa không buồn khi chưa có con người. Khi con người chối từ tình yêu mà Ngài ban tặng, bấy giờ Ngài mới cô đơn (Kn. 6:6). Chúa không tủi lòng khi chưa quen biết Phêrô, khi chưa gặp mặt Yuđa. Khi đã gọi tên, khi đã cùng nhau xây đắp mối liên hệ, bấy giờ nỗi cô đơn của Ngài mới thấm thía lúc bị phản bội, bị chối từ.
Khi tôi gởi một cánh thư đi là tôi gởi lòng tôi ở đó. Gởi nỗi lòng mình đi thì bao giờ cũng có nhớ nhung và hồi hộp, âu lo. Tôi không viết thư cho gió vì gió không biết tiếng người. Tôi chẳng gửi thư cho mây vì mây không bao giờ đáp trả. Tôi chỉ gởi cho người vì chỉ người mới có thể đáp trả lại nỗi lòng tôi. Nhưng người có tự do nên tôi cũng có thể bị chối từ. Tiếng gọi của tôi có thể vang lên khô khan rồi hiu hắt trở về với cõi lòng tôi.
Khi Chúa cất tiếng gọi thì Chúa cũng thầm nuôi hy vọng được đáp trả. Chắc hẳn Ngài cũng ngậm ngùi khi bị khước từ. Bởi trong tiếng gọi là thầm cho đi tình yêu. Bởi trong tiếng gọi là thầm nói lên nỗi nhớ thương.
Gọi là dấu hiệu đang còn xa nhau. Gọi là muốn lại gần.
Trong cuộc đời, tôi có hai tiếng gọi, hai mẫu người lý tưởng để theo. Tiếng gọi thứ nhất là Chúa Kitô. Tiếng gọi thứ hai là chính tôi. Tôi có thể tạo nên cho tôi những tiếng gọi, những giấc mơ và tôi có thể theo đuổi để trở thành mẫu người như tiếng gọi tôi ước mong. Tôi cũng có thể trở thành mẫu người như Chúa Kitô mong muốn. Cái khác nhau là một đàng tôi sống ước mơ của tôi, một đàng tôi phải sống tiếng gọi của Chúa. "Thức ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Ngài" (Yn. 4:34). Chúa Kitô đã sống trọn vẹn tiếng gọi của Cha Ngài.
Tôi có thể lầm lẫn thì tiếng gọi của tôi cũng có thể không trung thực. Nếu tiếng gọi của tôi không trung thực thì lo âu để trở nên mẫu người như tôi mơ ước sẽ là dại dột.
Nếu tôi tin rằng Chúa không thể sai lầm thì tôi cũng phải xác tín rằng tiếng gọi của Ngài phải tuyệt hảo. Không thể có hai sự tuyệt hảo. Như thế, khi tôi chối từ sự tuyệt hảo là tôi nhận sự bất hảo.
Có nhiều thứ tiếng gọi. Gọi để cho một tặng vật. Gọi để chung một niềm vui. Gọi để gởi gấm một niềm tin cậy. Nhưng tiếng gọi cao cả nhất, sâu xa nhất là gọi để theo một người. Gọi để cho một tặng vật mới chỉ là cho một phần yêu thương. Còn gọi để theo một người là tiếng gọi cho tất cả. Vì muốn người khác trở nên giống mình thì phải cho họ biết rõ về mình. Cách cho họ biết rõ về mình tốt nhất là cho chính mình. Tôi không thể trở nên mẫu người như Chúa muốn, tôi không thể theo Ngài nếu Ngài không tỏ rõ cho tôi biết Ngài là ai. Ngài chẳng thể tỏ rõ cho tôi biết Ngài là ai nếu Ngài không cho tôi chính Ngài. Và thực sự, Thập Giá đã minh chứng sự cho đi trọn vẹn ấy.
Chúa đã viết một cánh thư. Ở nơi nào đó, Chúa đang mong chờ hồi âm. Ngài không viết thư cho lá rừng, vì lá rừng và bụi cát chỉ phủ mờ thập giá. Ngài viết thư cho người vì chỉ có người mới biết quét mạng nhện trong đền thờ, mới biết xóa dịu một nỗi khổ đau.
Có xa nhau thì người ta mới phải gọi. Khi tôi nghe tiếng Chúa gọi là dấu hiệu tôi còn đang xa Ngài. Khi Ngài gọi là dấu hiệu Ngài muốn tôi lại gần.
【Lm. Nguyễn Tầm Thường, S.J】